Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Lể tưởng niệm Anh Hùng Dân Tộc: Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ Yên Bái đền nợ nước ngày 17-06-1930

(Thứ bảy, ngày 16/06/2007 tại California - USA)

1. Tuyên bố lý do:

Hôm nay chúng ta Tổ chức lễ tưởng niệm ngày vị anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài đến nợ nước cách nay đã 77 năm, ngày 17/06/1930:

Năm 1930, cuộc tổng nổi dậy của VNQDÐ thất bại, bị đàn áp vô cùng tàn bạo, hàng trăm người bị giết, hàng ngàn người bị tù đày, Nguyễn Thái Học và các đồng chí lên đoạn đầu đài, dù vụ án Yên Bái tàn khốc nhưng không đè bẹp được tinh thần yêu nước trong giới trẻ VN ! mà còn khơi động lên lòng yêu nước khắp nơi. Vụ án gây lên ngọn lửa đấu tranh của toàn dân Việt Nam trên khắp nẻo đường đất nước.

Dù chúng ta không phải là Đảng Viên VNQĐD, nhưng hôm nay xin hãy cùng nhau đốt nén hương lòng để tưởng nhớ đến các đảng Viên VNQĐD, những VỊ ANH HÙNG CỦA DÂN TỘC VN đã vì nước vong thân.

2. Nghi thức chào quốc kỳ, quốc ca và phút mặc niệm:

- Cho toàn thể những chiến sĩ đã bỏ mình cho quốc gia dân tộc;

- Cho đồng bào VN đi tìm tự do đã nằm xuống trong rừng sâu hay trong lòng biển cả. Và đặc biệt hôm nay cho vị anh hùng dân tộc là Đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học và 12 anh hùng Liệt Sĩ Yên Bái.

" Không Thành Công, thì Thành Nhân "

" Chúng tôi ra đi dền nợ nưóc, các anh ở lại mỗi người một tay, người nào việc nấy, Cờ Độc Lập phải được nhuộm bằng máu. Hoa Tự Do phải được tưới bằng máu"

Nguyễn Thái Học sinh năm 1902, người làng Phổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú). Khi còn trẻ, theo học trường Cao Đẳng Sư Phạm và Cao Đẳng Thương Mại Đông Dương ở Hà Nội, ông đã có tinh thần cách mạng, gửi thư cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đòi cải cách về Xã hội và chính trị. Năm 1927 ông thành lập Đảng Quốc Dân Việt Nam (Việt Nam Quốc Dân Đảng). Ngày 10 tháng 2 năm 1930, ông tổ chức Tổng Khởi Nghĩa, tấn công Pháp ở Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, Hải Dương, Kiến An... Cuộc tổng nổi dậy thất bại, ông và một số chiến hữu bị bắt tại Cổ Vịt (Đông Triều, Hải Dương) ngày 20 tháng 2 năm 1930.

Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học và 12 Đảng Viên quan trọng Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hiên ngang bước lên máy chém của Thực dân Pháp tại Yên Bái, hy sinh đền nợ nước.

Cái chết oai hùng của mười ba nhà Cách Mạng Yên Bái được ghi vào Sử xanh, đã nói lên tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, và đã trở thành ngọn đuốc luôn luôn soi sáng chúng ta trên con đường đấu tranh dành Tự do và Dân chủ cho toàn dân Việt Nam.

Nhân ngày tưởng niệm Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ VNQDĐ lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, mời quí vị cùng sống lại những giây phút bi hùng của lịch sử.

- Xướng danh các Liệt Sĩ Yên Bái

Văn tế Nguyễn Thái Học

Sau khi ông mất, sinh viên học sinh Huế tổ chức lễ truy điệu và đọc bài Văn tế các Tiên-liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng sau đây do cụ Phan Bội Châu trước tác.

Gươm ba thước chọc trời kinh, chớp cháy, nầy Lâm Thao, nầy Yên Bái, nầy Vĩnh Bảo, khí phục thù hơi thở một tầng mây!

Súng liên thanh vang đất thụt, non reo, nào chủ đồn, nào xếp cẩm, nào quan binh, ma hút máu người bay theo ngọn gió.

Trách nông nỗi trời còn xoay tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn;
Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lỏi.
Ma cường quyền đắc thế sinh hùng uy,
Thần công lý bó tay nghe tử tội.
Ôi thôi, mù thảm mây sầu,
Gió cuồng mưa vội;
Cửa quỷ thênh thang!
Đường trời vòi vọi!
Nhân dân chí sĩ, sát thân vào luật dã man;
Nữ kiệt anh hùng, thất thế đang hồi đen rủi. [8]
Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp, [9]
vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu,
Đoạn đầu đài sau sau trước bước ung dung, gớm gan thị tử như quy, [10]
mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói.
Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn bóng rồng thiêng đành ông HỌC xa xuôi,
Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi nàng Triệu, ngựa nàng Trưng, hình hạc gió, hãy cô GIANG theo đuổi.

Đoàn trẻ chúng tôi nay:
Tiếc nước còn đau,
Nghĩ mình càng tủi!
Nghĩa lớn khôn quên,
Đường xa dặm mỏi!
Giây nô lệ quyết rày mai cắt đứt, anh linh thời ủng hộ, mở rộng đường công nhẩy, bằng bay;
Bể lao lung đua thế giới vẫy vùng, nhân đạo muốn hoàn toàn, phải gắng sức rồng dành, cọp chọi,
Đông đủ người năm bộ lớn, đốt hương nồng, pha máu nóng, hồn thiên thu như sống như còn,
Ước ao trong bấy nhiêu niên, rung chông bạc, múa cờ vàng, tiếng vạn tuế càng hô càng trỗi.
Tình khôn xiết nói,
Hồn xin chứng cho,
Thượng hưởng!

- Sào Nam Phan Bội Châu, (1932)

3. Giới thiệu thành phần tham dự:

Giới thiệu những thành phần tham dự trong diễn đàn hôm nay gồm có đại diện VNQDĐ, đại diện các tổ chức và đoàn thể đấu tranh và các nhân sĩ sau đây:

- Anh Lê thành Nhân, ở Hoa Kỳ, tổng bí thư VNQDĐ.

- Anh Đỗ thông Minh, ở Nhật Bản, nhà nghiên cứu Ngôn ngữ Hán Việt, Văn học, Sử học và Chính trị.

- Anh Chu chi Nam, ở Pháp, giáo sư Đại học, nhà nghiên cứu các học thuyết chính trị và cũng là bình luận gia về chính trị.

- Anh Khánh Hòa, ở Đức, chuyên viên điện toán. (có thể sẽ thay thế anh Chu Chi Nam)

- Anh Sỹ Hoàng, ở Canada, cựu nhân viên chính quyền thời VNCH, từng du học ở Hoa kỳ và Pháp, hiện nay là Chủ tịch văn phòng Vận động Quốc tế vì Dân chủ Nhân quyền cho VN.

4. Đọc Ý nghiã ngày Tang Yên Bái.

· Bài ý nghĩa làm thế nào nâng cao tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ hôm nay, qua những gương hy sinh cao quy của người trẻ thế hệ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trấn Nghiệp (Ký Con), cô Giang, cô Bắc.

· Những người này đều là những người trẻ học thức trước cảnh đất nước lâm nguy bi giặc Pháp đô hộ họ hy sinh cả sự nghiệp, hy sinh thân thế nguyện đem thân mình trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc.

· Những người trẻ VNQDĐ không những hy sinh mà còn nhìn ra được rằng chỉ có tự do dân chủ mới đưa đất nướctiến bộ va hùng cường nhân dân mới được hạnh phúc cho nên họ đã không ngừng ngại đoạn tuyệt với chế độ phong kiến lạc hậu, đánh đuổi thế lực thực dân giành độc lập và xây dựng một thể chế dân chủ cộng hoà trên phương châm của VNQDĐ là Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do và Dân Sinh Hạnh Phúc.

Lược sử và ý nghiã ngày lể tưởng niệm 13 liệt sĩ VNQDĐ đền nợ nước tại Yên bái 17-6-1930 (77 năm)

I- BỐI CẢNH LỊCH SỬ.

Vào thập niên 1920, thực dân Pháp càng ngày càng đè nặng ách thống trị tàn bạo lên đầu lên cổ người dân Việt từ Bắc chí Nam. Chúng đàn áp dã man, bóc lột tới tận xương tủy, nào sưu cao thuế nặng, nào bắt bớ giam cầm, tù đầy, tra tấn, thủ tiêu những người yêu nước. Các phong trào nổi dậy chống Pháp trước đó bị đàn áp dữ dội. Phong trào Đông du của cụ Phan bội Châu cũng bị dẹp tan. Khắp nơi đâu đâu cũng nghe tiếng oán hờn, nỗi uất hận cao ngút thấu trời xanh.

Trước hoàn cảnh cực kỳ đau thương của dân tộc, máu căm hờn sôi sục khắp nơi, những người trẻ Việt nam không thể cúi đầu khuất phục. Nhà Cách mạng Nguyễn Thái Học, một sinh viên trường Cao Đẳng Thương mại Hà nội, lúc ấy mới 24 tuổi, đã cùng các thanh niên Việt nam yêu nước khác như: Nhượng Tống, Phạm tuấn Tài, Phạm tuấn Lâm, Hồ văn Mịch, Phó Đức Chính, Nguyễn ngọc Sơn, Lê văn Phúc vân vân... đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, bí mật thành lập một Đảng đấu tranh cách mạng vào ngày 25.12.1927, lấy tên là việt nam quốc dân đảng để chống Pháp, quyết đánh đuổi thực dân giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cụ Phan bội Châu được cử làm Chủ tịch Danh dự, Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch Tổng Bộ tức Đảng Trưởng.

Ngày 09 tháng 02 năm 1929, nhằm chiều 30 Tết Mậu thìn, tên Giám Đốc mộ phu trùm thực dân Pháp tại Hà nội là Bazin bị các đảng viên VNQDĐ Nguyễn văn Viên, Nguyễn đức Lung, Nguyễn văn Lân ám sát gây chấn động khắp Đông Dương. Mật thám Pháp lại càng gia tăng khủng bố, trả thù tàn bạo.

2- Cuộc khởi nghĩa yên bái.

Trước cảnh khổ cực trăm bề của người dân, VNQDĐ quyết định Tổng Khởi Nghĩa vào ngày 10.02.1930. Quân cách mạng đã đồng loạt tấn công vào các cứ điểm quân sự của Pháp: tấn công Yên Bái, Lâm thao, Hưng Hoá, ném bom trên cầu Long Biên Hà nội, đánh Đáp cầu, Phả Lại, tấn công đồn binh Pháp tại Kiến An, đánh Phủ dực, Vĩnh Bảo, Thái Bình, xử tử cháu tên đại Việt gian Hoàng cao Khải là Tri Huyện Vĩnh Bảo Hoàng gia Mô, giết chết nhiều sĩ quan và binh lính địch, chiếm nhiều căn cứ của thực dân. Do sự phản công mãnh liệt của quân Pháp, quân khởi nghĩa cuối cùng bị đẩy lui. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt vào ngày 20.2.1930 trong đó có nhà Cách mạng Nguyễn thái Học. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng cũng tạo tiếng vang khắp nơi và làm rúng động cả chính quốc Pháp.

3- Cuộc hành quyết tại Yên bái ngày 17.6.

Nhằm tiêu diệt mầm mống cách mạng, đồng thời khủng bố tinh thần những người yêu nước khác, thực dân Pháp đã xử chém 13 đảng viên VNQDĐ tại Yên Bái ngày 17.6.1930 trong đó có anh hùng Nguyễn Thái Học. Sau đây là một đoạn tường thuật cuộc xử chém của tác giả Hoàng văn Đào trong tác phẩm Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò: Yên Bái, một vị trí lịch sử lần thứ hai lại chứng liến các đảng viên VNQDĐ đền nợ nước. Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà nội lên Yên Bái,các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.

Danh tánh của 13 Liệt sĩ đã lần lượt lên máy chém: Bùi tư Toàn, Bùi văn Chuẩn, Nguyễn An, Hồ văn Lạo, Đào văn Nhít, Nguyễn văn Du, Nguyễn đức Thịnh, Nguyễn văn Tiềm, Đỗ văn Tứ, Bùi văn Cưủ, Nguyễn như Liên, Phó đức Chính và cuối cùng là Nguyễn thái Học. Tãt cả các Liệt sĩ lên đoạn đầu đài đều hô to: Việt Nam muôn năm. Người Nữ Anh hùng Nguyễn thị Giang, một đảng viên VNQDĐ tuẫn tiết theo Đảng Trưởng.

Ngoài ra, kể từ ngày khởi nghĩa Yên Bái thầt bại, trên 30 đảng viên VNQDĐ đã bị thực dân Pháp xử chém và hàng ngàn đảng viên khác bị xử án từ chung thân đến lưu đầy biệt xứ.

4- Tiếp nối tinh thần liệt sĩ yên bái.

Xử chém được 13 chiến sĩ cách mạng tại Yên Bái, thực dân Pháp tưởng đã đàn áp được tinh thần yêu nước của toàn dân ta. Trái lại, noi gương hy sinh dũng cảm của các bậc tiền nhân, của 13 vị liệt sĩ Yên Bái, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, chống độc tài phong kiến và hiện nay, chống lại ách cai trị tàn bạo của tập đoàn cộng sản Hà Nội.

Trải qua hơn nửa Thế kỷ, tiếp nối tinh thần hy sinh anh dũng của các liệt sĩ Yên Bái, VNQDĐ vẫn cùng toàn dân đấu tranh không ngừng nghỉ, khi thì đẫm máu quyết liệt, khi thì đau thương thê thảm, hàng hàng lớp lớp vẫn đứng lên, người này ngã gục, kẻ khác đứng dậy, hàng ngàn hàng vạn đồng bào và chiến sĩ đã bị thù trong giặc ngoài tàn sát, cầm tù nhưng không lúc nào ngưng chiến đấu, trong nửa Thế kỷ quyết chiến với kẻ thù, từng giờ từng phút quyết dành lấy những gì qúi nhất của con người: Độc lập và tự do.

5. Nhạc Nguyễn Thái Học hát live của anh Hồ Hải

6. Lời phát của các diễn giả:

a- Phát biểu của anh - Đỗ Thông Minh
b- Phát biểu của anh - Chu chi Nam (Tuổi trẻ thời chống Thực dân và tuổi trẻ hôm nay chống giặc Cộng đỏ)

Nghe 1 bản nhạc : Lấy Hồn Dân Tộc Mà Phục Quốc (Hồ văn Sinh)

c- Phát biểu của anh - Sỹ Hoàng (đôi dòng về giai đoạn lịch sử chống Pháp)

d- Phát biểu cảm tưởng của anh Tổng Bí Thư VNQDĐ : Lê Thành Nhân

Thơ : Đóa Hoa Máu (Hồn Nhiên).

Bắt đầu cuộc hội luân chính trị: (4 hours)

7. Đại diện của VNQDĐ: chia sẽ và trao đổi tình hình chính trị hiện nay qua hình thức hỏi đáp. (những câu hỏi đáp)

1. Hiện nay có một số nhận định cho rằng Việt Nam đang bị ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc lôi kéo, xin quý anh cho biết những ảnh hưởng đó như thế nào? Và bây giờ nó ra sao?

Vậy thì lập trường của những người Việt Nam yêu nước phải như thế nào trước tình hình Việt Nam đang bị đảng CS cai trị độc tài, chậm tiến và lạc hậu, lại bị sự dòm ngó của các thế lực quốc tế?

Nghe nhạc : Huyền sử một người mang tên Quốc (Huyenthoai)

2. Trong một vài phát biểu của giới chức Hoa Kỳ như Đại Sứ Micheal Marin và những quan chức cao cấp của Hoa Kỳ; đồng thời những thành phần lãnh đạo CSVN tại Hà Nội đang nắm quyền cũng như đã về hưu và nghị quyết 36 của bộ chính trị CSVN đối với người Việt ở nước ngoài đòi “bỏ qua quá khứ hướng về tương lai” xây dựng đất nước. Xin Anh quan niệm như thế nào về những vấn đề này?

Nghe nhạc : Ai trở về xứ Việt (SweetOctober)

3. Hiện nay có một số người cho rằng trong công cuộc đấu tranh hiện nay cần phải mềm dẽo uyển chuyển cho nên lằng ranh quốc cộng cần phải bỏ đi, một số khác cho rằng lằng ranh quốc cộng phải cương quyết duy trì. Xin Anh cho biết ý kiến của anh về vấn đề này?

Nghe nhạc : Nguoi o lai Charlies (NguoiTinhQueHuong_)

4. Theo anh thì công cuộc đấu tranh hiện nay phải như thế nào là phù hợp nhất để giải thể chế độ độc tài toàn trị CSVN hiện nay?

Và xin anh cho biết về cách thực hiện thực hiện như thế nào?

Bài đọc : Cô Giang (Covang)

- Đọc Văn Tế : Cô Giang

Khi nghe tin Cô Giang tuẫn tiết Phan Bội Châu cảm khái làm bài văn tế:

Than rằng:

Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai – Gương nữ hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giòng giống Việt.

Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, ong cả đoàn nhan nhản bầy nô, – Dưới Long Thành máu thắm cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ liệt.

Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh! Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt.

Nhớ nữ liệt sĩ xưa:

Đất nhả tinh hoa – trời treo băng tuyết.

Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi – Thân khuê các mà can trường khí tiết.

Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông – Tuổi xanh vào chốn học trường, Pháp văn cũng biết

Tang hải gặp khi xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau – Trần ai tức lôí không người, thâý nô lệ giương đôi tròng ngút.

Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ: Dan Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình đã dễ ai hơn, – Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo: Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết.

Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi, – Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hùng dắp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.

Tức tội cường quyền – Thi gan sấm sét.

Khi nhập đảng tuổi vừa mười tám, cơ nữ binh đăng đội tiền phong; – Lúc tuyên truyền sách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.

Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh; – Vaò sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương tử xông pha hùm rắn rết.

Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng, nhờ có cô mà lông cánh thêm dài – Phạm thị Hào nổi tiếng trung trinh, em có chị mà xứng danh nữ kiệt.

Khốn nỗi thay!
Vận nước còn truân – Tai trời chửa hết!
Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân. – Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.

Nhưng hãy còn:
Thiết thạch tâm can, – Châu toàn bách chiết.
Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên. – Sống là còn thác vẫn là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết.
Tiếng súng lúc vang lên một phát, núi đổ sông nhào! – Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần gào quỷ thét

Ôi thương ôi!
Khóc nữa mà chi! – Nói không kể xiết!
Một nén hương lòng, – Mấy lời thống thiết!
Bạn nữ lưu ai nối gót theo chân? – Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết!
Hỡi ơi! thương thay!


8. Chào Cờ bế mạc

Phát Biểu cảm nhận chatters qua buổi Kỷ Niệm Ngày Tang Yên Bái.

Audio phát thêm sau đó : Về VNQDĐ trên đài RFA




--------------------------------------------------------------------------------



Tài liệu tham khảo :

Trích lá thư của anh Lê thành Nhân (Tổng bí thư VNQDĐ) : thân thế sự nghiệp vài anh hùng VNQDĐ

Nhân ngày lễ tưởng niệm lần thứ 75 cuộc Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ đứng lên đánh Pháp giành độc lập, tôi ghi lại những dòng suy tư của mình, một đảng viên đối với NGƯỜI "yêu đất nước"; đối với lãnh tụ VNQDĐ đã đi vào cửa chính của lịch sử dân tộc; đối với những gương hy sinh cho tổ quốc không tính toán; đối với tinh thần trách nhiệm tuyệt vời, và đối với những tâm hồn quốc gia dân tộc thâu suốt như hạt minh châu.

Những gì là hiện thân một Nguyễn Thái Học của lịch sử? Nhượng Tống tả "Ông người tầm thước, trán hói, đôi mắt thông minh, một cái nhìn đủ khiến người ta đem lòng tin mến....cằm nở, tỏ ra là con người cương quyết thực hành. Đặt lưng là ngủ được ngay, đủ rõ trong tâm lúc nào cũng bình tĩnh. Ngủ lúc nào cũng nằm sấp và hai bàn chân quặp lại trên mông..." đó một vài nét đặc trưng của một Nguyễn Thái Học trong cách tả chân của Nhượng Tống. Còn bạn bè của Nguyễn Thái Học thì nói rằng "Học là người ngoài tuy nóng nảy nhưng trong lòng thường điềm tĩnh; đãi người rất chân thành nhưng liệu việc rất nhiều trí mưu". Nhượng Tống cho rằng sự nẩy mầm cách mạng của đảng trưởng VNQDĐ mà do chính ông thuật lại rằng "Hễ gặp tau là bà cụ ôm choàng lấy: các cậu, các cậu làm thế nào để báo thù được cho con tôi". Bà cụ chính là mẹ của Đội Cấn, người chỉ huy đánh đuổi Pháp ở đồn Thái Nguyên bị treo cổ giết chết.

Với đức tính đó, với những mẩu chuyện đời tư lượm lặt trong dân gian đó có thể đúc kết được một tâm hồn vĩ đại như Nguyễn Thái Học không? Không đủ! phải có cái gì kết tinh thành một Nguyễn Thái Học để tên tuổi của ông vang vọng đời sau. Những sự tả chân, những lời nói của bà cụ già có đủ để một Nguyễn Thái Học làm nên một đảng cách mạng dân quyền, tự do dân chủ đầu tiên cho dân tộc Việt không? Không thể! Phải là một con người trí tuệ dũng lược, có tầm nhìn xa về tương lai, có những giọt máu kết tụ bởi những nhân tố cách mạng và được nuôi dưỡng bởi bầu nhiệt huyết yêu nước, thương nòi. Phải có một ý chí tích tụ bởi máu chảy, lệ rơi và nỗi thống khổ của đồng bào dưới ách độ ho bạo tàn của thực dân Pháp.

Và với một vài dòng tả chân đó có đủ để làm một Nguyễn Thái Học trong thời gian ngắn mà kết tụ những nhân tài đi vào lịch sử để thực dân Pháp phải thốt lên rằng: ".....các giáo viên, các binh sĩ là hai cột trụ chống đỡ mái nhà Đông Dương. VNQDĐ đã làm lay chuyển hai cột ấy!.... Nguy hiểm nữa, là những kẻ được rủ rê, vào thì vào, không vào thì cũng không một ai đi tố cáo nhà đương cục.... Sự im lặng đó, khác nào đồng mưu!....."(Sđd tr 30).

Con người Nguyễn Thái Học đã gắn liền với non sông, đất nước, những lời nói của ông như một âm thanh vang vọng đến ngàn sau. Như một chân lý bất dịch cho lịch sử, có phải chăng đó là tiếng nói của những vong linh anh hùng dân tộc vọng về đã un đúc thành một nam nhi chí cả. Người thanh niên 27 tuổi này đã đem hết tâm lực để giải phóng tổ quốc khỏi ách xích xiềng của thực dân bạo tàn.

Thế rồi đứng trước phong ba bão táp, NGƯỜI đã chọn lựa lấy "máu" làm nên lịch sử: Tổng Khởi Nghĩa ngày 10 tháng 02 năm 1930, đánh đuổi thực dân Pháp trong danh ngôn "không thành công, thì thành nhân" - Theo Nhượng Tống, người trong cuộc thì câu nói này cả là một triết lý sống của con người! Thế mà ngày nay, kẻ địch đôi khi bôi nhọ, xuyên tạc danh ngôn ấy!

Trước ngả đường quyết liệt con người có những chọn lựa, nhưng chọn lựa ấy phải xứng đáng. "Không thành công, thì thành nhân" là một chọn lựa sáng suốt để làm nên lịch sử, bởi vì lịch sử là gồm nhiều thế hệ nối tiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời ấy, khi các binh đội cách mạng, một lực lượng chủ lực của Đảng, bị tên Đội Dương tạo phản nên bị bắt gần hết, liên tiếp mấy nơi chế bom bi bại lộ, và các đảng viên VNQDĐ bị bố ráp rất ráo riết. Các cấp lãnh đạo ngày đêm bị mật thám theo dõi và nhiều lần bị bắt hụt, cho nên đã biết rằng chúng ta đang đứng trước ở chỗ thua mất rồi! Thế nhưng nếu không quyết định Tổng Khởi Nghĩa, nếu âm thầm tiếp tục tổ chức Đảng rồi có đánh được không? Không thể được! Cuộc đời là một canh bạc! Những canh bạc đen, người ta có thể thua hết vốn! Gặp thời thế không chìu mình, Đảng có thể tiêu mòn hết lực lượng. Mỗi khi lòng sợ sệt đã đi vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ mất nhuệ khí, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội như bếp tro tàn! Rồi của cũng không tiếp! Rồi người sẽ bị bắt dần! Tù đày đưa anh em vào cái chết lạnh lùng, mòn mỏi, tủi nhục nơi các ngục tù, nhà lao của giặc. Thà rằng để anh em vào cái chết oanh liệt, nồng nàn ở trên chiến địa! Chết đi! để thế giới biết cái tinh thần dân tộc này đang sống! Chết đi! để lại cái gương hy sinh, phấn đấu cho người nối bước!

"KHÔNG THÀNH CÔNG, THÌ THÀNH NHÂN"

Đó là cái nhân cách mạng, cái ý nghĩa chua cay nhưng quả quyết của các nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng thời bấy giờ. Tập trung nỗ lực làm một cuốc tổng tấn công vào ngày 10/02/1930. Tin ở quá khứ, tin ở tương lai, tin ở các anh em sống sót sẽ nối được chí, nối được việc của mình. Nhượng Tống viết tiếp "Các Anh với cặp mắt đổ lửa, với trái tim bốc lửa, với cái hoàn cảnh lửa đốt dầu, đã quyết đem tính mệnh mà đến ơn Đảng, đền ơn Nước, đền ơn tri ngộ của Quốc Dân. Nói tóm lại các Anh đã chọn lấy cái chết của con NGƯỜI (người viết hoa). Ấy tinh thần trách nhiệm ở phương Đông là thế"( sđd tr. 68)

Thế là Nguyễn Thái Học ra đi bởi những câu lưu lại cho đời sau như một di ngôn lịch sử: "chúng tôi chắc đi chết đây! các anh sống lại, cứ công nào việc ấy nhé! cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rối thế nào cách mệnh cũng có ngày thành công!" Trên đường ra pháp trường Yên Bái, NGƯỜI còn khẳng khái ngâm thơ:

"Chết vì tổ quốc,

Cái chết vinh quang!

Lòng ta sung sướng!

Trí ta nhẹ nhàng!..."

Để rồi rạng sáng mờ sương ngày 17 tháng 6 năm 1930, NGƯỜI nhìn đồng bào thân yêu lần cuối với tiếng hô "Việt Nam Muôn Năm" trước khi đầu rời khỏi cổ. Thân xác NGƯỜI vĩnh viễn ra đi vào lòng đất Mẹ và tên NGƯỜI - Nguyễn Thái Học sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thái Học, ngôi sao ngời sáng, sớm rời trần thế bay vút lên cao. Nguyễn Thái Học một lãnh tụ tầm cỡ của lịch sử cận đại. NGƯỜI là một ngôi sao nhưng xung quanh NGƯỜI là những bó đuốc thần vĩ đại. NGƯỜI là một ngôi sao, nhưng không có những bó đuốc thần thì làm sao NGƯỜI trở thành lãnh tụ lỗi lạc được. Vì châm ngôn của tổ chức là "cán bộ tạo nên lãnh đạo". Khi đọc Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống thấy những bó đuốc thần cách mạng VNQDĐ năm 1930, lòng tôi rạo rực, máu nóng cuồng lưu, và cũng có lúc ai oán cho kiếp phù sinh:

Ký Con! lãnh đạo Đoàn Ám Sát của Đảng, chiếc chìa khóa giữ thân xác Đảng được trong sạch, người quét dọn những thành phần tạo phản. Tên anh là Đoàn Trần Nghiệp năm 19 tuổi anh vào Học Sinh Đoàn. Khi Đảng mở khách sạn kinh tài thì anh làm thư ký giữ kho vì vậy nên NGƯỜI ta gọi đùa là "cậu Ký con". Trong Đảng anh có bí danh là Doãn, anh còn có biệt danh là Hiệp Sĩ trong Đoàn Ám Sát của Đảng. Theo Nhượng Tống về Ký Con-Đoàn Trần Nghiệp thì: "người anh dong dỏng cao, da trắng xanh, miệng luôn luôn như cười, hai môi đỏ như son. Mặt trái xoan, trán cao và hẹp, tỏ ra là người thích thực hành. Mắt sáng và nhanh, có vẽ hiền hơn là dữ tợn. Trong các kỳ họp Hội Đồng, tôi chưa từng nghe anh nói. Anh cười nhiều hơn nói. Con người ấy sống bên trong nhiều hơn ngoài. Xin chớ ai lầm Hiệp Sĩ của chúng ta là kẻ "ăn thịt người không tanh". Đó là một người ôm ấp mốt lý tưởng cao siêu, không chịu nổi ở đời những cái gì nhỏ nhen, là nhơ bẩn, là đê hèn, là khốn nạn" (sđd tr. 80). Chàng thanh niên 19 tuổi bạch diện thư sinh này đã "xử tội" rất nhiều tay phản đảng không giữ lời thề. Không một nhiệm vụ khó khăn nào mà anh không hoàn thành, anh đã làm cho bọn thực dân Pháp và bọn tay sai ngày đêm lo lắng, run sợ. Huyền thoại về Ký Con rất nhiều, hình như con người anh là một chuỗi bí ẩn. Đồng chí của anh thì cho rằng "Trong Anh lẩn quất biết bao nhiêu bậc chí nhân, thánh nhân như lời Trang Tử dạy: không cầu công, không cầu danh, vì không biết có mình". Ký Con - Đoàn Trần Nghiệp Anh là ngọn đuốc vĩ đại bên vì tinh tú Nguyễn Thái Học.

Phó Đức Chính, tốt nghiệp Công Chánh được bổ nhiệm sang làm việc ở Lào. Năm 1929 việc Đảng bi tiết lộ, anh bị bắt từ Lào về, sau thấy anh còn trẻ nên được tha. Khi ra tù anh trở về quê quán trả hết những món kỷ niệm cho vị hôn thê là cô Thắm ở Thanh Hóa để rãnh tay trên đường hoạt động cách mạng. Anh người trầm tĩnh, hành động nhiều hơn nói, đời anh là một chuỗi lý tưởng tuyệt vời, chỉ tròn 20 tuổi nhưng Anh luôn bên cạnh Đảng Trưởng và cụ Xứ Nhu trong nhiệm vụ tổ chức Đảng. Anh lo lắng cho tổ chức và cách mạng đến nỗi có lần bị ám sát, viên đạn còn trong ngực mà anh không có thì giờ để mổ mà lấy ra, và viên đạn đó đã theo anh ra pháp trường Yên Bái và cùng anh xuống chốn tuyền đài. Với vai trò của cán bộ tổ chức, xương sống của Đảng, ngày đêm anh chăm chú ươm mồng cho Đảng như người mẹ ươm con. Ôi tinh thần cách mạng tuyệt vời! Coi đau thương của dân tộc hơn cái đau của mình; Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trước tòa án quân cướp Pháp, Chủ tịch đề hình hỏi anh xin chống án không. Anh cười:

"Đời con người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa làm chi?"

Và anh là NGƯỜI xin nằm ngửa để nhìn thấy máy chém rơi xuống tại pháp trường Yên Bái. "Tính ra anh ở đời khoảng 21 năm thôi. Thế nhưng tôi tin rằng linh hồn Anh đã hòa hợp với Quốc Hồn và cùng non sông cùng thọ" (Sđd, tr. 85). Phó Đức Chính, Anh là một ngọn đuốc sáng ngời bên vì sao lịch sử Nguyễn Thái Học.

Ngô Hải Hoàng, còn gọi là Cai Hoàng (làm Cai trong lính Lê Dương), quê ở Nghệ An, Anh là người chỉ huy trong việc đánh Yên Bái. Hãy nghe đoạn đối đáp giữa nơi tử thần của sĩ cách mạng VNQDĐ Ngô Hải Hoàng và tên Chánh Hội Đồng Đề Hình Yên Bái của thực dân Pháp để đánh giá hùng khí cách mạng của Anh:

- Hỏi: Tại sao anh đánh Yên Bái?

- Anh đáp: Không phải tôi đánh, mà là Trung Ương Đảng Bộ hạ lệnh tôi đánh. Các ông còn lạ gì kỷ luật của Đảng tôi; không phục tòng mệnh lệnh, Đảng xử tử! Đánh với các ông thua ra đi nữa, cũng đến xử tử là cùng!

- Hỏi: Anh thật là người vô ơn! ông quan ba (đại úy) Dua-đanh là quan thầy tử tế với anh, vậy mà đêm ấy, anh bắn chết ông ta trước nhất?

- Anh đáp: Ông Dua-đanh tử tế với tôi thật, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ta là bổn phận đồi với Đảng, với Nước. Người Việt Nam chúng tôi thì lúc nào cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.

- Hỏi: Anh thật là hạng người tàn ác. Một mình anh đêm ấy đã giết chết sáu người Tây?

- Anh đáp: Tôi làm gì giết nhiều đến thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Thế nhưng cả Đảng chúng tôi, chỉ có một người, anh em tôi giết cũng chính là tôi giết. Tôi sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm! (Sđd tr. 90)

Nhà cách mạng Ngô Hải Hoàng được vinh dự thay Đảng để đền nợ nước ngày 16 tháng 6 năm 1930 tại Yên Bái (trước đảng trưởng Nguyễn Thái Học một ngày). Ngô Hải Hoàng, Anh là ngọn đuốc thần bên vì sao lịch sử Nguyễn Thái Học!

Những hình ảnh tiêu biểu của hàng ngàn ngọn đuốc xung quanh đảng trưởng VNQDĐ đã làm nên trang sử oai hùng lẫm liệt của Đảng, tuy nhiên thế hệ VNQDĐ năm 1930 không dừng lại ở đó mà còn những đảng viên, - vâng chỉ là một đảng viên - mà tinh thần trách nhiệm cao hơn núi, nghĩa đồng bào rộng như biển, và lòng trung kiên sâu hơn cả ngàn khơi. Hãy nghe Nhượng Tống kể một đoạn về tinh thần trách nhiệm của đảng viên cách mạng thời ấy: "Anh Độ, một công nhân ở Hải Phòng sau qua làm ở Lào. Nghe tin đảng sắp động binh, trong túi không sẵn một đồng tiền nên anh đã chứa một đãy gạo rang, rồi đi xuyên sơn mà về Bắc. Anh đi trong rừng, nhiều chỗ không có đường lối. Anh cứ theo sát mặt trời về hướng Đông mà đi mãi. Mấy ngày sau gạo hết, anh tìm ăn những trái cây, các thứ củ trong rừng. Ăn no bụng rồi lại đi... Đêm thì trèo lên cây để ngủ! Ròng rã mười bảy ngày như thế, anh mới đến Hòa Bình! Khi anh về đến Bắc thì việc Yên Bái đả thất bại rồi!(Sđd tr. 93). Anh Độ tình nguyên vào Đoàn Ám Sát của Đảng và sinh hoạt trong Cơ Quan Hàng Bột cùng với nữ đồng chí Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Thị Vân và hai đồng chí nữa. Đây là một chi bộ ám sát để lấy lại sinh khí cách mạng, giữ vững tinh thần anh em sau khi Tổng Khởi Nghĩa đã thất bại. Đồng thời làm công tác chế bom đạn và dấu vũ khí. Ngày 2 tháng 3 năm 1930 cơ sở bị bọn mật thám Tây vây bắt. Chị Tâm đã nổ súng và ném bom giết hai tên lính Tây, chúng huy động lực lượng bắn trả và giết chết hai người. Còn ba đồng chí là anh Độ, chị Tâm và chị Vân bị bắt.

"Chị Tâm bị chúng lột trần truồng. rồi nắm tóc mà quật vào tường nhu chúng vật một con chuột! Chán rồi, chúng xích tay chị lại, và cùm xuống nhà giam. Đêm ấy chị nuốt dải yếm cho tắc hơi. mà về dưới hạ đài! Lúc chúng rút giải ướm trong mồm chị ra, thấy họng đầy những máu. Năm ấy chị mới mười tám tuổi"( Sđd tr. 94)

Người đồng chí của chị trong chi bộ này là Nguyễn Thị Vân cùng vào Đoàn Học Sinh với chị Tâm rồi đổi sang Đoàn Ám Sát của Đảng. Với tuổi 16 nhưng đau trước cái nhục mất nước, lòng yêu nước, thương nòi đã tô bồi cho chị Vân một tinh thần cách mạng son sắc, trong khi bị tra tấn chị đốp chát vào mặc bọn thực dân cướp nước:

Hỏi: "Mày vào Đảng để làm gì?"

Chị đáp: "Để lấy lại quyền độc lập cho Tổ Quốc"

Hỏi: "Mày đã làm gì trong Đảng?"

Chị đáp: "Hồi trước thì may cờ, khâu binh phục cho các đồng chí. Bây giờ thì tập bắn súng, học nghề chế bom, để giết quân phản Đảng mà cứu lấy đồng bào!"

Hỏi: Ai rủ mày vào? Chi bộ mày có những ai?

Chị đáp:"Chị Tâm rủ tao vào, chi bộ tao có bốn người thì chúng mày giết chết ba rồi!"

Còn anh Độ thì chúng tha hồ tra tấn, đánh đập nhưng anh không hề hở môi dù chỉ một lời, thậm chí bọn mật thám không biết tên anh là gì nữa. Sau chúng cho bọn tù hình sự nhận diện anh, một tên tù nói rằng "khi xưa anh này ở Hải Phòng, vẫn thấy gọi là Độ"... sau này người ta gọi tên anh là Độ chứ không ai biết tên thật của anh là gì.

Anh Độ bị xử tù khổ khai chung thân, trong ngục tù anh có hai cái can đảm lạ thường: Nhịn ăn để chống đối cai tù, có lần anh nhịn đến 22 ngày, người chỉ còn da bọc xương! các đồng chí van lạy anh mới ăn. "Khi ăn thì anh đã lấy lại sức ngay và nước da hồng hào, mịn màng như đứa bé còn bú sữa" (sđd tr. 95). Và cái can đảm thứ hai là cứ mỗi lần thấy đồng chí mình bị sa sút tinh thần thì anh trêu chọc cai tù đánh anh để đồng chí mình thấy đó căm tức mà lấy lại tinh thần.

Bọn mật thám Tây chưa chịu rời bỏ Cơ Sở Hàng Bột, mà ngày đêm rình rập để xem ai còn bén mãn đó không để hốt gọn: Sớm hôm sau chúng bắt được một bà già tay cắp cặp, đâu xe trước cửa cơ quan. Trong cặp có ba khẩu súng lục và hơn tám trăm đồng, là hai món quà bà đem tặng cho Đoàn Ám Sát!(Sđd tr. 95). Mẹ già ấy tức là bà Chánh Toại, sau khi vào trong tù, những người nữ tù đều gọi là mẹ! Một bà mẹ đã làm vẻ vang cho giới phụ nữ đất Bắc. Bà đã làm giàu bằng cách buôn súng lậu. Từ khi có Đảng bà đã dùng cái nghề buôn súng cùng gia tài của bà giúp một cách đắc lực và tận tâm cho anh em trong Đoàn Ám Sát của Đảng.

Chị Tâm, chị Vân, anh Độ, bà Chánh Toại..... là những chiến sĩ cách mạng vô danh, những tấm lòng cao quý, linh hồn các vị còn phảng phất đâu đây trong những chuyển biến lịch sử.

Một NGƯỜI, tôi không biết nên gọi là ngọn đuốc hay vì sao bên vì tinh tú Nguyễn Thái Học, theo Nhượng Tống thì đây là "một đảng viên mà nhà đương cuộc cho là còn có công tuyên truyền cho Đảng hơn anh Học" (Sđd tr. 101). Người mà học giả Nhượng Tống giành một chương kính cẩn với lời xưng tụng vô cùng thân mật và kính mến: Chị Giang, người đời ca tụng còn gọi là Cô Giang, người làm một "thiên tình sử" trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Thái Học. Một cuộc tình sắt son giữa hai tâm hồn cách mạng nồng cháy lồng trong ý nghĩa của danh ngôn "yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau và cùng nhau đi về một chí hướng". Cô Giang, tên thật Nguyễn Thị Giang, sinh năm 1906, kém Nguyễn Thái Học 4 tuổi, trước đây sinh hoạt trong tổ chức của cụ Xứ Nhu ở Bắc Giang, sau khi tổ chức cụ Xứ Nhu hợp với VNQDĐ thì Cô Giang trở thành đảng viên VNQDĐ. Đây là một trường hợp ngoại lệ vì VNQDĐ thời bấy giờ không thâu nạp phái nữ. Nhưng trường hợp ngoại lệ này đã tạo nên một anh hùng nữ lưu nước Việt. Không phải như những mối tình thường thấy trên thế gian này, dùng lưu luyến, ái ân làm nền tảng cho "tình yêu". Chúng ta hãy quay lại một đoạn đời hoạt động cách mạng của Cô Giang mà đánh giá trị "thiên tình sử" này.

Một buổi họp trong ban lãnh đạo bàn công tác, Nguyễn Thái Học nói:

"Đảng chúng ta cần có sự tham gia của binh lính thì sau này mới có thể tính việc khởi nghĩa. Anh truyền lệnh cho em (Cô Giang) phải lôi kéo được viên Quản hoặc viên đội Nhất, đội Nhì có uy tín trong lính khố xanh để họ gia nhập Đảng ta. Và chính họ, chứ không ai khác, sẽ làm công việc đưa toàn bộ binh sĩ của họ gia nhập vào Đảng. Đây là một việc rất gian khó. Em có làm được không?

Cô Giang thưa:

"Anh là đảng trưởng, anh ra lệnh thì em xin chấp hành tuyệt đối"

Nguyễn Thái Học nhìn lên trời xanh, nhả khói thuốc bay và trầm ngâm nói:

"Anh lấy tư cách là đảng trưởng giao phó cho em công tác sau đây: Trong vòng ba tháng em phải lôi kéo cho bằng được đồn lính khố xanh Yên Bái gia nhập Đảng ta. Suốt thời gian công tác em không được liên lạc với anh, bất cứ nơi nào"

Cô Giang mỉm cười và trả lời cương quyết "Em xin tuân lệnh"

Trước khi chia tay: Nguyễn Thái Học nói tiếp:

"Nhiệm vụ này chỉ có em mới thực hiện được đó nhé! Phải có lính khố xanh, khố đỏ được giác ngộ thì họ sẽ là một lực lượng nội ứng khi chúng ta tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa. Khẩu súng lúc anh trao cho em thì em phải gìn giữ cẩn thận để phòng lúc bất trắc..."

Cô Giang trả lời trong sự bịn rịn chia tay:

"Vâng, em đã thông suốt nhiệm vụ của Đảng giao phó, riêng về khẩu súng này thì em xem như vật đính hôn của chúng ta"

Vì nghĩa vụ đối với Đảng, với tổ quốc mà tạm gác tình riêng, tạm quên sự lưu luyến, để đêm đêm đồng chí Nguyễn Thị Giang giả làm cô "bán mía lùi" mà vận động các bính lính, cai đội trong các trại lính Lê Dương về phe cách mạng. Bất chấp cả sương đêm, giá buốt mùa đông miền Bắc, không sờn hiểm nguy, chị nhẫn nhục kiên chì dùng mưu lược mà chuyển hóa lòng người, gây tinh thần yêu nước cho kẻ lầm đường. Phải! Vạn vinh quang từ cổ chí kim, có ai nhận sau những lần sung sướng! Cô Giang, người chiến sĩ cách mạng Việt Quốc đã nằm gai, nếm mật quanh các trại lính Lê Dương và đã giác ngộ bao nhiêu tâm hồn trở về trong lòng dân tộc. Từ Cai Hoàng trong đội lính Lê Dương phản quốc, được giác ngộ trở thành ngọn đuốc thần cách mạng, và còn bao ngàn người nữa... đó là do tài tình, sáng tạo và mưu lược vận động của nữ đồng chí Nguyễn Thị Giang. Vinh quang thay, người nữ chiến sĩ cách mạng Việt Quốc.

Trời không bao giờ chìu lòng người, có ai được thỏa mãn vẹn toàn nợ nước, tình riêng. Cuộc tình gãy cánh Cô Giang-Nguyễn Thái Học đã ghi lại mối tình sử với bao nhiêu lòng ngưỡng mộ. Ngày Nguyễn Thái Học ra Pháp Trường Yên Bái đền nợ nước, Cô Giang núp trong đám người đứng xem, giấu kín nỗi đau như cắt trong lòng chứng kiến người yêu của mình bước lên máy chém. Rồi lẩn thẩn trở về mà giữ trọn lời thề ở đền Hùng. Trai đã trung thì gái phải trinh, hai chữ trung trinh dâng trọn cho nước cho đời. Những dòng chữ sau cùng chấm dứt cuộc tình sử vừa lãng mạn vừa bi hùng bởi những dòng thơ đoạn tuyệt mà Chị Giang đã viết cho anh Học:

"Anh đã là người yêu nước! Không làm tròn nghĩa vụ cứu nước, anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở suối vàng!

Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!"

Rồi chị dùng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng để kết liễu cuộc đời vào ngày 18/06/1930.

Nguyễn thái Học, Phó Đức Chính, Cô Giang, Ký Con, Xứ Nhu.... tên NGƯỜI được trải rộng trên trên các nẻo đường Việt Nam! Cả thù lẫn bạn, từ thế hệ quá khứ, hiện tại và tường lai đều ca ngợi, quý trọng và tôn vinh!

Phải nhìn thấy những ánh sáng để vươn cao, phải tự nhìn bản thân mình mà luận giải. Là một đảng viên VNQDĐ, nối gót theo lý tưởng của NGƯỜI ta phải làm gì cho xứng đáng.

Mùa Xuân năm 2005

Lê Thành Nhân

Không có nhận xét nào: