Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Rừng Nào Cọp Nấy


Các tin tức về chuyến viếng thăm Mỹ của chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào tuần lễ 18 đến ngày 23 tháng Sáu 2007 tại thủ đô Washington, New York, và Los Angeles đã được dư luận người Việt hải ngoại đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm ở đây không đến từ sự trân trọng đón mừng, hay sự hân hoan chuẩn bị tiếp đãi một vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam trong chuyến viếng thăm nước ngoài. Mà đến từ theo dõi các thông tin kêu gọi đấu tranh của các cộng đồng người Việt trên toàn nước Mỹ trong các nỗ lực liên kết giữa các tổ chức cộng đồng, các đảng phái, hội đoàn người Việt quốc gia để cùng lên kế hoạch “dàn chào” phái đoàn Nguyễn Minh Triết ngay tại sân nhà Mỹ Quốc.



Những sửa soạn phản ứng này không tránh khỏi làm cho nhà nước Cộng Sản Việt Nam quan ngại và xem xét vấn đề tìm cách giải quyết. Vì thế đã có những tin tức dời chuyến đi để thăm dò và để khỏi gặp phải những bối rối không dự liệu được. Tuy nhiên việc lên kế hoạch đưa cả một phái đoàn mấy trăm người sang Mỹ ký kết giao kèo với các đối tác kinh doanh thương mại, không phải là một chuyện đơn giản. Mà phải là kết quả của những điều đình dài ngày. Cho nên dời ngày sang thăm Mỹ của Nguyễn Minh Triết và phái đoàn là một sự kiện khó xẩy ra. Trừ phi sự đình hoãn này đến từ một quyết định đơn phương trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Việt Nam trên mặt nhân quyền. Và đúng là như thế: Hoa kỳ vẫn tiếp tục phân biệt rõ ràng hai vấn đề: tự do dân chủ tại Việt Nam và thương mại, như các giới chức chính phủ đã nhiều lần khẳng định. Triết vẫn đi Mỹ, các giao kèo ký kết vẫn sẽ tiến hành như dự tính.


Tựu chung, chuyến đi Phan Văn Khải trước đây, và chuyến đi Nguyễn Minh Triết hiện nay, về bản chất thì cả hai không có gì khác nhau.


Về phía Bạch Cung, tổng thống Bush ở cương vị lãnh đạo hành pháp đã gặp bốn nhà chính trị Việt Nam ở Hoa ký để bày tỏ sự quan tâm đến lập trường chính trị đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Những người này đã nói lên một số điều chung chung và đề nghị vô thưởng vô phạt để không làm vị tổng thống mất lòng.


Về phía Nguyển Minh Triết, thì sau những dò hỏi, của những toán con thoi như viên đại sứ mò sò Lê Văn Bằng, đã yên lòng đi Mỹ và chấp nhận cách đối xử nào mà Mỹ muốn. Có hay không có 21 phát súng chào, được ở hay không trong nhà quốc khách Bạch Cung không làm gia tăng uy tín Nguyễn Minh Triết bao nhiêu, vì những phát biểu và cung cách đối sử coi thường của Mỹ từ trước đến nay đã cho thấy rõ vị trí “thân lươn bao quản lấm đầu” của những người đại diện Hà Nội.


Cũng như đối với Phan Văn Khải trước đây, cộng đồng Việt Nam sẽ có những cuộc biểu tình chống đối. Qua đó, người Việt Nam hải ngoại nói với nhà nước cộng sản Việt Nam và thế giới rằng họ không chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Chừng nào còn có những biểu tình phản đối dù to hay nhỏ các phái đoàn chính thức và bán chính thức của Hà nội, chừng đó vẫn còn có thể nói rằng những nỗ lực len lấn ra hải ngoại, và những tiền bạc Hà nội bỏ ra để mua chuộc bút nô và tay sai vẫn chưa thành công.


Có lập luận cho rằng Mỹ đã chọn Việt Nam là đối tác kinh tế và đang đứng phía sau chính phủ Việt Nam, cho nên rất khó để mà chấm dứt được sự cai trị của chế độ cộng sản trên đất nước Việt Nam. Nhưng cần hiểu rằng vai trò đối tác hiện nay là đối tác kinh tế và thương mại. Đối tác thương mại thì theo quy luật thương mại, nghĩa là có thể ngưng bất cứ lúc nào mà công cuộc làm ăn không tạo lợi tức, chứ không còn là đối tác chủ nghĩa thời chiến tranh lạnh để mà nói là tương đối bền vững. Nhưng mà ngay cả trong trường hợp chế độ độc tài Hà Nội còn đó, thì họ cũng không thể dễ dàng khống chế cộng đồng Việt Nam hải ngoại vẫn có lập trường chính trị dứt khoát và sống trong môi trường tự do. Nghĩa là “rừng nào cọp nấy.”


Ngoài ra, sự việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 28 tháng 5 đã ban hành thêm một nghị định mới: “tất cả các quan chức thuộc các bộ của chính phủ không được nói chuyện với giới báo chí, ngoại trừ các vị bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, và những người phát ngôn được chính thức chỉ định” cho thấy lãnh đạo CSVN hiện nay đang thật sự lo ngại về sự yếu kém vừa của cá nhân phụ trách lẫn toàn bộ hệ thống quản trị của mình. Như thế thì làm sao mà có thể nói rằng chế độ Hà nội là vững chãi?