Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Khi ông Triết “không nỡ đối xử không tốt” với Nhân Quyền


Khi ông Triết “không nỡ đối xử không tốt” với Nhân Quyền
(Nhân đọc bài viết: “Chủ tịch nước: Chúng tôi bảo vệ nhân quyền” trên VietNamNet)
Tiến Hồng
“… Những kẻ đi ngược đường lịch sử sẽ chỉ là đi ngược lại lợi ích lâu dài của dân tộc. Và sẽ không thể có chỗ đứng trong lòng dân tộc …”

Thế là ông Triết và phái đoàn trên 100 người đã đến New York ngày 18/6/2007 sau rất nhiều sự cố chưa từng thấy xảy ra trước một chuyến đi quan trọng như vậy. Tất cả những sự cố như tổng thống Bush gặp gỡ 4 nhân vật đấu tranh cho dân chủ trong cộng đồng người Việt tại Mỹ ở Bạch Cung, những dự tính đình hoãn, việc trả tự do cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình, luật sư Lê Quốc Quân để có món quà nhằm dịu bớt sự bất bình của Mỹ, tất cả đều liên quan đến nhân quyền, dân chủ. Đề tài này nằm trong chương trình nghị sự của ông Triết với bà chủ tịch Quốc hội Mỹ cũng như tổng thống Bush. Và đó cũng là lý do khiến dư luận người Việt ở nước ngoài phản ứng mạnh mẽ.

Nhưng công việc đầu tiên khi đặt chân lên Mỹ của ông Triết là gặp gỡ phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và một số kiều bào tại Mỹ, Canada được mời tới để nghe ông Triết «phủ dụ». Phóng viên Tuấn Nguyễn của VietnamNet từ New York đã đưa tin với bài viết nhan đề «Chủ tịch nước: bảo vê nhân quyền» ( !). Chỉ trong ít giờ sau, khi tôi xem lại thì bài viết này đã được ban biên tập sửa lại nhan đề là «Chủ tịch nước: Miễn thị thực cho kiều bào kể từ 1/9/2007». Đây là một sự sửa đổi quan trọng và có ý nghĩa. Tại sao ? Do ai ? Phải chăng vì nội dung không thuyết phục ? Tôi xin dành câu trả lời cho sự suy diễn của độc giả.

Trong phần mở đầu, Tuấn Nguyễn ghi nhận: «Chủ tịch cũng bày tỏ sự băn khoăn khi tiếng Việt của bà con đang mai một, nhất là ở giới trẻ. Chủ tịch nhắc nhở Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phải lưu ý tổ chức các hoạt động học tiếng Việt cho bà con». Nếu quả thật ông Triết nói câu trên thì rất đáng buồn cho việc sử dụng tiếng Việt của ông. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi ông Triết đề cập đến nhân quyền và việc xét xử những người bất đồng chính kiến gần đây. Ông nói :

« Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người. Vì thế, chúng tôi yêu cái quyền đó lắm. Vì vậy, bây giờ, chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền. Chúng tôi bảo vệ nhân quyền. Nhưng vì họ vi phạm pháp luật thì chúng tôi phải xử».

Những người cộng sản cho rằng mình đấu tranh để giành quyền con người. Mà quyền con người là gì nếu không phải là những quyền đã được ghi trong Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) và hiến pháp, trong đó có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, tự do ứng cử, bầu cử... Nếu ông và giới lãnh đạo cộng sản thực sự yêu nhân quyền thì tại sao các ông lại «không nỡ đối xử không tốt» với nó? Tự câu nói trên đã nói rõ các ông yêu hay ghét nhân quyền. Và các ông có muốn bảo vệ nó hay tìm cách ngăn chận bằng công an sách nhiễu, bằng chiêu bài pháp luật (điều 88 luật hình sự tố tụng) đối với những người đấu tranh bất bạo động để giành những quyền đó. Nhưng ngay cả điều 88 (tuyên truyền chống phá Nhà nước XHCN) cũng không liên quan gì đến việc «lập đảng này, đảng nọ» (không phải là lật đổ chế độ như ông nói mà là để đấu tranh nghị trường) mà ông kết án một số những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Cụ thể là vì: không có luật nào cấm lập đảng, lập hội ngay cả trong khuôn khổ hiến pháp hiện nay. Không phải vô tình mà trong số những «nạn nhân» của chế độ có vô số những luật sư trẻ như: Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Trần Quốc Hiền...

Về vấn đề bầu cử, dân chủ, ông nói:

«Kỳ bầu cử Quốc hội, một nhóm người kêu gọi phải tăng người ngoài Đảng vào Quốc hội, tôi nói Đảng, Nhà nước Việt Nam đâu có cấm, thực hiện đăng ký công khai. Bà con cũng thấy rõ, ở Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện cũng chỉ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa, không phải là thành viên của một Đảng nào khác.

Bầu cử Quốc hội của mình dân chủ, tất nhiên phải qua bộ máy sàng lọc từ cơ sở, không thể để người phẩm chất kém ứng cử Quốc hội.»

Ông muốn có một Quốc hội dân chủ mà lại tự ý quy định tỉ lệ đảng viên (90%), tự ý đưa ra quy chế hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc, một cơ chế do đảng lập để sàng lọc chọn ứng viên, như vậy là trái hiến pháp, trái với quy định tự do, ứng cử, bầu cử theo luật định. Còn về độc đảng, đa đảng, ông nói:

"Hôm rồi, nhà báo Mỹ Paul hỏi tôi một câu hỏi khó rằng Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trong tương lai, chúng ta có thực hiện đa đảng không? Tôi nói như ông thấy, bên Mỹ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bên Pháp rất nhiều Đảng. Vừa rồi qua Thụy Sỹ thấy nước này cũng nhiều Đảng lắm. Nhưng tôi không bao giờ thấy Tổng thống Pháp nói Tổng thống Mỹ: "ông Mỹ ơi, ông nên có nhiều Đảng hơn, chứ không phải chỉ hai Đảng".

Cái này do điều kiện lịch sử, đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận. Nếu một Đảng thì có các cơ chế để lắng nghe ý kiến của người dân. Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể như Công đoàn, Hội nông dân, Hội phụ nữ... »

Tôi không hiểu đầu óc khoa học của ông ở đâu khi đưa ra lập luận vể đa đảng. Các chế độ dân chủ đều phải có ít nhất là hai đảng trở lên chứ không phải là càng nhiều càng tốt. Hai đảng hay hơn nữa là do tập quán chính trị của từng nước. Nhưng nếu không có ít nhất hai đảng thì đừng nói chuyện dân chủ. Vì đó là độc tài đảng trị, không thể tránh khỏi lạm quyền và tham nhũng bất trị như hiện nay. Từ đó cũng không thể thực hiện tam quyền phân lập, một điều thiết yếu trong chế độ dân chủ dù một nước là quân chủ, tổng thống chế hay đại nghị chế như ông đã viện dẫn để đánh lạc hướng. Các cơ chế để lắng nghe ý kiến của người dân do đảng lập ra thì chỉ có tính hình thức (như công đoàn..), không thể hiện ý chí và quyền thực sự của người dân.

Những vấn đề cốt lõi về phát triển bền vững mà Việt Nam không thể giải quyết thực sự (tham nhũng, giáo dục tồi tệ, cải cách hành chánh, pháp luật không minh bạch và không được thi hành..).cũng đều do cơ chế độc đảng mà ra. Xã hội hiện nay băng hoại, không có lối thoát cũng vậy.

Những «món quà» cuối buổi gặp gỡ mà ông Triết dành cho kiều bào (miễn visa nhập cảnh kể từ 1/9, cho phép tu sửa mộ tại nghĩa trang quân đội ở Bình Dương, cho mua nhà, đất dễ dàng hơn) không thể làm quên đi mục tiêu đấu tranh cho dân chủ nhân quyền của người Việt ở trong và ngoài nước. Cuộc đấu tranh đó có chính nghĩa, chắc chắn không bị suy giảm sau đợt đàn áp thô bạo vừa qua, và được sự hỗ trợ của giới lãnh đạo Mỹ trong cuộc đàm phán song phương mặc dù nội dung chủ yếu là kinh tế, thương mại. Cuộc đấu tranh đó là nhằm đem lại hạnh phúc cho toàn dân và đưa đến hoà giải, hoà hợp dân tộc. Cuộc đấu tranh đó chắc chắn sẽ thắng lợi. Những kẻ đi ngược đường lịch sử sẽ chỉ là đi ngược lại lợi ích lâu dài của dân tộc. Và sẽ không thể có chỗ đứng trong lòng dân tộc.

Rennes 20/6/2007
Tiến Hồng

Không có nhận xét nào: