Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Trần Ðông Ðức: Bị mời ra khỏi bữa tiệc có Chủ tịch Triết




Bị mời ra khỏi bữa tiệc có Chủ tịch Triết
Trần Đông Đức, 34 tuổi
Gửi đến BBC từ New York

Được biết sẽ cuộc nói chuyện với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết do Asia Society tổ chức tại New York hôm 20.06 nên tôi gọi người bạn Mỹ, ông Jerry Kiley và báo cho ông biết là tôi có vé đi “coi show”.

Jerry rất là hứng thú nhưng cũng hơi lo là cái tên của Jerry Kiley không vào được vì ông đã có trong hồ sơ tạt rượu vào ông Phan Văn Khải và John McCain vào hai năm về trước.

Càng gần ngày tôi càng thấy yên tâm và coi đây là cuộc nói chuyện mở rộng với những vấn đáp như báo chí trong nước đưa tin vào ngày đầu tiên ông Triết tới Mỹ hôm 18 tháng 6. Rõ ràng hôm đó cũng có một số câu hỏi liên quan tới nhân quyền mà. Tôi tin chắc là như vậy nếu không thì tại sao lại bán vé công khai trên mạng như vậy.

Tôi cũng nghĩ là họ có kế hoạch dự phòng gì đây cho nên tự nhủ là mình phải ứng xử văn minh và lịch sự. Tôi đi công khai chứ có gì mà phải e ngại. Nếu họ không thích thì có thể chận ngay cửa không cho tôi vào. Tôi cũng chỉ có ý định đi dự để nếu Chủ tịch Triết có trả lời các câu hỏi thì tôi sẽ hỏi về nhân quyền ở Việt Nam.

Tôi tới trễ hơn 10 phút rồi gọi Jerry. Trước khi vào cửa thấy đồng bào đã biểu tình tại cổng và thấy rõ chú Lý Tống đang đứng trong đoàn. Tôi lo ngại đi qua trước đồng hương vì cũng hơi sượng sùng sợ bị đồng bào hiểu sai về “hoạt động báo chí” của mình. Tôi gọi điện bảo Jerry là khoan tới vội vì hãy đợi lúc ông Triết tới bằng cửa sau (do sợ đụng với đoàn người biểu tình) thì hãy vào. Jerry và tôi vào và đều ghi danh bằng tên thật và cũng chấp nhận rằng nếu họ biết mình là ai và có thành kiến gì thì tôi chúng tôi cũng lắm chỉ đòi lại tiền vé mà thôi. Có lẽ ngay lúc rộn ràng này họ không chịu rà soát hồ sơ lần thứ hai nên để Jerry vào.

Khi Jerry vào tới nơi và an vị tại một cái bàn riêng. Tình cờ tôi lại gặp được một vài người quen nên cũng càng khó ứng xử. Tôi chỉ lo cho Jerry nên không biết phải làm gì vì dù sao trên danh nghĩa đó là khách của tôi. Jerry có lẽ bình thản dự tiệc và có ý muốn ngồi chung bàn. Nhưng sau đó cả góc phòng đều nháo nhác. Chúng tôi đã bị phát hiện. Nhân viên phái đoàn cộng sản và bảo an của Hoa Kỳ cứ nhìn chòng chọc một cách đầy dò xét và chuẩn bị gì gì đây.

Tôi nghe tiếng được tiếng mất là làm sao sơ ý để Jerry Kiley vào được trong này. Rõ ràng mọi người còn nhớ vụ tạt rượu năm trước. Nhân viên mật vụ đứng vòng quanh che hết tầm nhìn của Jerry. Lúc đó tôi đi vòng vòng và kiếm chỗ ngồi ở một góc. Mọi chiếc ghế đều có chiếc máy phiên dịch làm tôi cứ tưởng là ghế đã có chủ. Tôi vừa ngồi xuống thì sau đó có một phái đoàn Việt Nam kéo tới ngồi chung. Không khí tuy rất khó thở nhưng dù sao cũng nên ghi nhận rằng là mọi người quanh bàn cũng tỏ ra thân thiện.

Trong thâm tâm tôi cũng thích thú bắt chuyện vì ngồi chung bàn mà cứ dùng cell phone chụp hình như vậy cũng tương đối bất nhã. Có một vị khách nữ đang tuổi trung lưu hỏi chuyện và tôi cũng nói thật tất cả về mình là vì tò mò và quan tâm tình hình mà mua vé vào dự chứ cá nhân tôi thì đã ra khỏi nước cũng 17 năm rồi, đi từ lúc học trong học. Bà tỏ vẻ không vui vì biết chương trình này bị bán vé như vậy. Đối với quan khách Việt Nam từ bên nước sang mà nói thì chương trình này phải có tầm vóc hơn thế. Vị nữ khách này có khuyên tôi hãy về nước để thấy sự thay đổi vì “bây giờ thay đổi nhiều lắm em ạ!”. Có một cô gái ngồi bên cạnh cứ háo hức muốn đi thăm tượng Nữ thần Tự do. Tôi cũng định bụng sẽ bắt chuyện như ông Jerry đang nói chuyện với một ngưòi Mỹ chung bàn nếu không có chuyện gì xảy ra.

Sau khi chào ông Michael Marine, ông Triết nói tới thành tích của Việt Nam và sự gần gũi của Việt Nam và Châu Á.

Ngay lúc này, mật vụ đang có quyết định hành động gì với Jerry cho nên tôi có trấn an với một người đã quen trong đoàn Việt Nam là sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu. Đừng lo lắng quá! Gì thì cũng đợi lúc đối thoại theo chủ đề, nếu trả lời thẳng thắn thì chắc là cũng không có gì xảy ra vì Jerry Kiley ngồi cũng khá xa và bị bốn bề mai phục.

Rồi không lâu sau, tại bàn của Jerry đã thấy có sự dao động thật sự. Mật vụ tới và muốn đưa Jerry ra ngoài hỏi chuyện. Jerry lúc đó mới hô vang vào quan khách và ông Triết là hãy thả cha Lý và tù nhân chính trị, và tù binh Mỹ các ông còn giữ…. (Nguyên văn: “Free father Ly, free the Vietnamese people, and free the live American POWs you are still holding.”)

Ngay lập tức Jerry Kiley bị đưa ra ngoài. Ông Triết có định thần nhưng sau đó nói sa đà qua một số việc ông làm trong chuyến đi là hàn gắn quan hệ quá khứ. Ông cũng nhân tiện thăm viếng một số gia đình người Mỹ và người Mỹ gốc Việt.

Đối với người Mỹ gốc Việt, ông còn cường điệu tới từng khúc xương giọt máu. Nghe rất là đậm đà tha thiết! Sau đó hình như ông nói hơi lạc đà sang chuyện quảng bá về đất nước Việt Nam - vốn có thiên nhiên, có nhiều cô gái xinh đẹp có nhiều áo dài duyên dáng. Nhiều người tỏ ra bất bình và buồn cười với cách gợi ý kiểu như thế từ miệng của một quốc gia nguyên thủ.

Không biết tại sao tôi lại bị “hấp dẫn” bởi ngôn từ vừa thuần nông vừa phồn thực lại vừa Nam bộ cho nên loay hoay muốn ghi âm một số câu “danh giá” này làm tài liệu viết báo. Chỉ vài phút sau đứng dậy thì cũng bị một người gần đó kéo xuống bàn ngồi. Anh ta có cử chỉ vừa cầu thân nhưng cũng rất quyết liệt. Tôi hiểu rõ là họ sợ mất mặt với quan khách Mỹ nếu tôi có manh động gì. Tôi cũng còn hy vọng đang lúc ăn uống mọi người không nên làm khó gì nhau. Trong thâm tâm tôi chờ đợi phần hỏi đáp. Thế rồi tôi cũng bị đưa ra một góc cầu thang cứu hỏa rồi khép ngay cửa lại.

Jerry Kiley là ai?
Bốn nhân viên mật vụ và bảo an cứ hỏi tôi vào đây có mục đích gì. Tôi cho họ biết tôi là freelane writer. Họ hỏi viết báo cho ai. Ơn trời! Hôm nay bài của tôi có đăng trên vietbao.com, calitoday.com và danchimviet.com. Tôi đưa tên website cho họ và họ cứ nghĩ đây là tổ chức gì đây.

Họ hỏi tôi về Jerry Kiley rất nhiều và đinh danh tôi là thủ phạm đưa Jerry vào đây. Tôi bảo Jerry là bạn của tôi. Họ hỏi tôi có biết ông này đã làm gì hai năm về trước không. Tôi bảo là có biết nhưng tòa phán vô tôi rồi. Tôi nhân cơ hội này chỉ trích việc làm của họ đưa Jerry Kiley ra ngoài như vậy là sai. Dù sao chúng tôi có ghi danh đàng hoàng các người không cần phải nghe lời phái đoàn Việt Nam mà ứng xử thô lỗ như vậy. Đây là nước Mỹ chứ đâu phải Việt Nam. Chúng tôi vào đây hoàn toàn hợp pháp mà. Sau đó họ đưa tôi xuống phòng hỏi rất nhiều chuyện. Điều họ quan tâm có phải chúng tôi vào đây định ám sát ai không?

Trong lúc mật vụ chất vấn tôi thì cùng thấy mọi người lục tục kéo xuống. Tôi không biết phần hỏi đáp với ông Triết có xảy ra nhưng cuộc chất vấn với mật vụ đầy thú vị cho tôi vì họ không tìm ra được một lý do nào để câu lưu chúng tôi. Sau một thời lâu tôi mới cảm nhận là họ đang cảm thấy có lỗi với tôi và xin lỗi tôi một cách tha thiết về việc phá hỏng bữa ăn trưa. Cô mật vụ thật duyên dáng và hiểu rõ lý tưởng của chúng tôi. “Dù sao cũng ăn thịt gà thôi, có cá hồi hun khói nhưng hình như không có ly rượu đỏ nào cả”. Cô ta cười hồn nhiên với tôi. Tôi bảo cô ta rằng cô thấy đó có tin được những lời cộng sản nói không. Chưa kịp đối thoại mà ngang nhiên dùng cô làm thế lực loại trừ ý kiến bất đồng. Jerry Kiley làm như vậy là đúng rồi. Ông ta là người Mỹ chân chính.

Sau đó họ phải thả tôi ra về. Có một vài số điện thoại hỏi thăm vì trong lúc ở trong phòng tôi có gởi hình ra cho một số bạn bè. Ra khỏi thành phố New York tôi dừng xe gọi cho Jerry Kiley biết ông bình an vô sự. Tôi kể cho Jerry nghe về chuyện mình bị thẩm vấn ra sao. Jerry bảo là đừng có nói gì cho họ cả. Tôi bảo tôi mới là thật tình dại dột. Tôi cho luôn cả số an sinh xã hội luôn. Tôi cứ là trong sáng 100% đưa luôn cả điện thoại nhà và sở làm cho cái cô mật vụ kia. Có gì mà che dấu chứ.

Hồi tưởng lại chuyện ngày hôm qua, thật là trong lòng còn đọng những hào hứng nhưng không kém phần bức xúc. Rõ ràng là mời đối thoại có chủ đề. Thế mà khi biết được có người bất đồng chính kiến là loại ngay ra ngoài. Trên danh nghĩa là chúng tôi chưa làm gì sai cả.

Trong số quan khách thật sự mà nói là có 50% là do từ cán bộ từ Việt Nam. Tôi thấy trong danh sách chỉ có bốn năm người có tên họ viết theo lối Mỹ họ sau tên trước – có lẽ đó là những người Việt kiều mà ông Triết dành một phần diễn từ đầy “máu xương cô đọng” nhất. Trong đó cũng có những cựu binh Hoa Kỳ mà ông Triết kêu gọi “nồng nàn sâu thẳm” nhất. Vậy mà …

Riêng về quan khách trong này hầu như là người Việt Nam trong nước tháp tùng. Tôi thấy một số vị tai to mặt lớn trong nước ngang hàng như cấp bộ trưởng và phó thủ tướng.

Tôi có bản guest list, theo đó thì phần lớn quan khách gốc Á là người gốc Hoa - lại còn có phóng viên và phân xã của hai tờ Nhân Dân Nhật Báo và Giải Phóng Nhật Báo bên Trung Quốc. “Việt kiều” ở Mỹ như tôi với lối ghi danh tên trước họ sau chỉ có vài người.

Bây giờ nghĩ lại thấy lòng thán phục Jerry Kiley. Ông biết dùng một khoảnh khắc nhỏ để ghi lại dấu ấn lớn trong một bài báo quốc tế cho dù bốn bề như bị bao vây. Thật sự, Jerry và tôi đều không cố tình 100% dàn dựng chuyện phải đối vì hoàn toàn không biết môi trường hoàn cảnh bên trong mà chỉ tuỳ cơ ứng biến.

Phần tôi, chỉ muốn ghi lại những bài báo theo tinh thần mạo hiểm và tò mò. Tuy nhiên bây giờ nghĩ lại càng không hiểu tại sao Jerry lại vào được trong mặc dù hình ông đã nằm trong xấp hồ sơ cấm cửa có hình ảnh hẳn hoi.

Đó là những nét phác họa trong bữa tiệc đối thoại của Chủ tịch Việt Nam trong Asia Society.

Trần Đông Đức, 34 tuổi
Gửi đến BBC từ New York
(BBCVietnamese.com)

Không có nhận xét nào: