Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Giới thiệu tác phẩm: Chân lý là sự......lầm lẫn


Đỗ Bình
“… Thiếu dân chủ, nhân quyền là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên quốc nạn tham nhũng, ức hiếp quần chúng và làm tăng bất công trong xã hội …”

Trung Hoa có chuyện đốt sách, chôn sống học trò; Việt Nam có chuyện tiêu huỷ tác phẩm và khủng bố tác giả. Chuyện ở hai thời điểm, hai đất nước khác nhau nhưng những cuốn sách trên và tác giả của nó đều sống dưới một thể chế độc tài, phi nhân bản và vô văn hoá. Có thể kể ra đây trường hợp những tác phẩm văn học của các nhà văn: Bùi Ngọc Tấn, Dương Thu Hương..., những tác phẩm chính luận của các nhà dân chủ: Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Hà Sỹ Phu... Và mới đây tại Hải Phòng, một tập thơ chép tay, khiêm nhường về số trang, lưu hành vài chục bản trong bạn bè thân hữu đang chịu chung số phận. Nhưng có một kinh nghiệm là sách càng bị cấm, tác giả càng bị khủng bố thì tác phẩm và tác giả càng được nhiêù người biết đến.

Cuối năm 2006 tôi được ông Vũ Cao Quận, một nhà đấu tranh cho dân chủ ở Hải Phòng, gửi tặng tập thơ Chân lý là ... sự lầm lẫn.

Tập thơ dày 74 trang, tập hợp 22 bài thơ của ba tác giả:
- 10 bàì của Mạnh Sơn viết từ năm 1995 đến 2004

- 9 bài của Hữu Phong viết từ năm 2004 đến 2005
- 3 bài thơ của H-P viết từ năm 2005 đến 2006.
Cả tập thơ lột tả những trăn trở, ưu tư về thực trạng đất nước, về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội và nhân tình thế thái của Việt Nam; về Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể coi đây là một tập thơ chính luận. Trong một xã hội toàn trị người viết phải “liều lĩnh” lắm mới có thể viết ra những dòng thơ như thế:
“Chủ nghĩa xã hội chỉ còn là kỷ niệm
Những chất chồng hờn oán đau thương”
(Đồng hành cùng thời đại trang 35)
Ca ngợi sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa là điều vĩ đại nhất trong thế kỷ XX:
Thế kỷ XX
Hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời
Bằng súng đạn, bằng núi xương, sông máu
Bằng chất chồng hơn oán đau thương!
Nhưng chỉ một đêm
Bức tường Bec-lin sụp đổ
Trong hân hoan rực rỡ hoa cờ!
Ta đã từng ca ngơi
Sự ra đời của hệ thống
Xã hội Xã hội chủ nghĩa
Là một điều cực kỳ vĩ đại!
Thì sự sụp đổ của “điều cực kỳ vĩ đại”
Đã là điều triệu lần vĩ đại hơn!
(Các điều vĩ đại trang 62)
Ngày 25-1-2006 Quốc Hội Âu Châu với đa số phiếu áp đảo đã đưa ra Nghị quyết số 1481 lên án Chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại và các chế độ toàn trị Cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể. Trong hai bài thơ “Tản mạn trước thềm đại hội” tác giả viết:
“Rồi sẽ có ngày
Người ta ngượng không dám nhận mình
Là đảng viên cộng sản
Ngày đó đã đến gần!”
“Bạn cần nhớ trong Đại hội Đảng II
Điều lệ đảng ghi trịnh trọng:
“Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, Stalin
Tư tưởng Mao Trạch Đông
Làm nền tảng tư tưởng
Và kim chỉ nam cho mọi hành động”
Đây chính là nguồn gốc
của mọi sai lầm bệnh hoàn,
Là bi kịch lớn nhất của dân tộc ta!”
(Nghĩ về đảng.)
Trước đó, vào tháng 9-2004. Cũng có một bài thơ về Đảng:
“Việt Nam vào thời hội nhập
Đảng viên nô nức làm giàu
Đạo đức suy đồi-giáo dục xuống cấp
Nguy cơ tụt hậu, tham nhũng
Là một nỗi đau
những người có nhân cách,
không làm sao chấp nhận được!
Vấn nạn này là của Đảng
- thuộc về Đảng!
Vì những kẻ tham nhũng
Là những kẻ có chức, có quyền
Toàn là người của Đảng!”
Và nhà thơ đề ra hướng khắc phục:
“Để Đảng mạnh lên,
xứng đáng với tình yêu nhân dân
Đảng phải chấp nhận: Đa nguyên
Trên nền tảng Dân chủ-Pháp trị
Các chính đảng sẽ cạnh tranh theo Luật
Nhân dân sẽ chọn được
những người tài giỏi nhất
Đưa nước nhà phát triển
Sánh vai cùng cường quốc năm châu!”
(Về bài thơ Đảng trang 72)
Nền kinh tế thị trường định hướng theo chủ nghĩa xã hội- đây chính là nguyên nhân của các nguy cơ tụt hậu và tham nhũng:
“Nhưng còn dính cái đuôi
định hướng Chủ nghĩa xã hội
Trong thời bao cấp
Cái đuôi này còn có tên gọi:
“Cả ngày xếp hàng”(CNXH)
Cái đuôi trở thành hang ổ
Của bọn độc tài
Lũ tham quan ô lại
Băng đảng Ma-phi-a
Nơi nâng đỡ các tệ đoan xã hội!
Thiên đường của những kẻ ngồi trên luật pháp và coi thường dư luận
Đang tàn phá đất nước:
“Vơ vét này là trận cuối cùng!”
...
Cái đuôi này là nguyên nhân
Gia tăng thêm nguy cơ
Tụt hậu và tham nhũng!”
(Đồng hành cùng Thời đại)
Với cái nhìn phiến diện về con người. Sự nghiên cứu lịch sử xã hội thiếu thấu đáo. Mác và An- ghen đã xây dựng lên học thuyết đấu tranh giai cấp và coi đó là động lực của lịch sử nhân loại. Đây chính là sai lầm lớn nhất của Mác, An-ghen và sau đó là của Lênin.Chỉ vài nét chấm phá, các nhà thơ đã minh hoạ điều này:
“Khi chỉ thấy con người xã hội
Mà xã hội lại chỉ thấy con người giai cấp
“Đấu tranh giai cấp”trở thành hòn đá tảng
Của toàn bộ Học thuyết Mác-Lênin

Nhân loại chìm trong khói lửa điêu linh
Đầu rơi, máu chảy
Bạo lực lên ngôi
Đau thương, oán hờn chồng chất
bởi u mê một học thuyết lỗi thời!”
(Con người )
Bởi tầm nhìn của tác giả còn hạn hẹp
tầm nhìn khoa học
- chưa vượt qua động cơ hơi nước
Tầm nhìn xã hội
-Chưa nhận thức được:
“Dân chủ hoá là nội dung căn bản
của tiến hoá nhân loại!”
(Tản mạn cuối năm trang 23)
Vâng, Dân chủ hoá mới là nội dung căn bản của tiến hoá nhân loại, chứ không phải là Đấu tranh giai cấp!

Một nền chính trị Dân Chủ, Pháp Trị và Đa Nguyên là một đảm bảo vững vàng cho sự phát triển bền vững. Sẽ nhanh chóng khắc phục được các tiêu cực và tệ nạn xã hội, sẽ tôn vinh các giá trị trí tuệ và nhân văn, sẽ củng cố và phát triển các giá trị đạo đức truyền thống trong đó có lòng yêu nước và lòng nhân ái.

Nhưng thật đáng tiếc, giới lãnh đạo Việt Nam còn quá u mê, quá nặng lòng với quyền lực và quyền lợi:
Thiên hạ bấm nhau mỉm cười
Thời đại kinh tế trí thức
Toàn cầu hội nhập
Mà ta còn kiên trì
Chủ nghĩa Mác- Lênin (!)(?)
Hình như l ỗi tại “chiếc ghế”!
Nên cuộc canh tâm không triệt để
Đã tiến lên những bước nhập ngừng...
Kinh tế xã hội chứa những kiểm hoạ khôn lường
Đầy nguy cơ tụt hậu và tham nhũng!
(Tản mạn cuối năm trang 23)
Sự u mê này được nối tiếp sự u mê của những nhà lãnh đạo tiền nhiệm- những kẻ độc quyền chân lý. Con đường mà họ lựa chọn, tưởng là chân lý thực ra là một sự lầm lẫn:
Ở việt Nam quê hương tôi
Hình như chân lý là...sự lầm lẫn
Đang tồn tại quá nhiều điều giả thật:
Tự do giả, dân chủ giả!
Chủ nghĩa giả, quốc hiệu giả!
Chỉ có cái nghèo, cái dốt
Cái tụt hậu, cái tham nhũng
Là có thật...!
(Chân lý là...sự lầm lẫn. Trang 4)
Ở thị xã Đồ Sơn- Hải Phòng có một ngôi đền, tương truyền rất linh thiêng. Thăm đền bà Đế tác giả tưởng nhớ tới thân phận của các nàng Xuân, Nguyệt, Vàng đã chết rất oan khổ trong một vụ án tàn bạo “Hoàng hậu không ngai” xảy ra năm 1957, để thấy được sự tàn bạo, phi luân, đạo đức giả của các “vĩ nhân” cộng sản mà xót thương cho số phận của dân tộc mình, xin giới thiệu trọn vẹn bài thơ này:

Thăm đền bà Đế- Cảm tác

Hôm nay thăm đền bà Đế,
xót thương nàng Đào Thị Hương,
một đời thiên hương quốc sắc,
một hồn lương thiện trắng trong.

Giận thay lòng người tàn ác.
Giận thay tục lệ dã man,
cối đá, dây thừng quyết buộc,
biển xanh chìm đắm dung nhan!

Nhưng Nàng được chúa Trịnh Doanh,
yêu thương cởi dây oan khuất.
Đền thờ dựng trên núi Độc
đời đời thương cảm hồn oan!

Đền bà như Đài- sám- hối
về cơn tàn ác u mê
Đời ơi! Người ơi! nhớ lấy
đừng lặp thêm nữa – bao giờ!

Miên man trong dòng hương khói,
lòng đau cho kiếp đời nay
Chìm trong đau thương oan khuất
vụ án “Hoàng- Hậu- Không- Ngai”

Xuân ơi!, Nguyệt ơi!, Vàng ơi!
Các nàng hồn trụ đâu rồi
Hãy bay về đền bà Đế
cầu xin giải nỗi oan này!

Dâng lên nén hương kính cẩn
cầu xin bà Đế hiển linh
Tôi như mê trong linh niệm
Như gần như xa vọng về:

“ Tình yêu chúa Trịnh chân thật
Khác xa tình dục “vĩ nhân”
họ chỉ khát khao quyền lực
xung quanh một lũ gian thần

Nhưng trời xanh kia có mắt
Ta sẽ ra tay giúp thêm
Xuân, Nguyệt, Vàng ơi gắng đợi
Công bằng, nhân quả phân minh!”

Cảm ơn hồn thơm bà Đế
Cúi đầu lạy tạ ra về
Mong ước một ngày dân tộc
Vươn mình thoát khỏi bến mê
Đền bà Đế - Đồ Sơn – Hải Phòng, ngày 14-7-2005
“Chân lý là sự... lầm lẫn” là một tập thơ độc đáo. Cả 20 bài thơ trong tập đều đụng chạm đến cái chính thống của thể chế chính trị đương đại Việt nam, đều gián triếp hay trực tiếp lên án chế độ độc tài đảng trị, đều cổ võ cho một thể chế Dân Chủ- Đa Nguyên và Pháp Trị.

Gần đây tôi mới biết cả ba bút danh: Hữu Phong, H-P và Mạnh Sơn đều của cùng một người: ông Mạnh Sơn cư trú tại Hải Phòng.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn là cán bộ nhà nước, nguyên là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam từ tháng 1-1967; nghỉ hưu năm 1988. Năm 2000 trong một tham luận góp ý cho dự thảo văn kiện đại hội ĐCSVN toàn quốc lần thứ IX, ông khẳng định:

- Thiếu dân chủ, nhân quyền là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên quốc nạn tham nhũng, ức hiếp quần chúng và làm tăng bất công trong xã hội.

- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng.

Và ông kiến nghị:

1. Bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin
2. Đổi lại tên đảng (trở về tên: Đảng lao động Việt Nam)
3. Đổi lại tên nước (trở về tên: Việt Nam dân chủ cộng hoà)
4. Thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, cho báo chí tư nhân và xuất bản tư nhân hoạt động.
5. Bỏ điều 4 Hiến pháp nước CHXHCNVN

Khi viết tham luận ông là Phó bí thư chi bộ phường Hòang Hoa Thám, một phường lớn tại thành phố Hải Phòng. Khi đó ông đã làm phó bí thư chi bộ liên tục được 8 năm.

Ông Nguyễn Manh Sơn, vì những quan điểm đối lập với quan điểm chính thống thể hiện trong tham luận, đã bị khai trừ khỏi ĐCSVN vào tháng 11 năm 2000

Năm 2006, ông gia nhập khối 8406. Hiện ông bị công an Hải Phòng “chăm sóc” khá chu đáo.

Tập thơ tự chép tay tặng bạn hữu: Chân lý là ...sự nhầm lẫn hiện đang bị công an Hải Phòng ráo riết thu hồi. Là người đã đọc tập thơ của ông tôi ao ước tập thơ được một nhà xuất bản nào đó của cộng đồng Việt Nam hải ngoại xuất bản. Xin liên hệ với tác giả theo số điện thoại: 0313831507.
Ngày 18-6-2007
Đỗ Bình

Không có nhận xét nào: