Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Không cần theo các con rồng Á Châu


Ngô Nhân Dụng

Người Việt Nam dù sống ở Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới, ai cũng mong nền kinh tế trong nước phát triển cao hơn. Ðể đồng bào thoát khỏi cảnh nghèo khó, để thanh niên tốt nghiệp có việc làm, trẻ em được đi học, để phụ nữ Việt Nam không phải bán mình cho người ngoại quốc nữa. Cho nên ai cũng sẽ vui mừng nếu thấy các cơ hội mới giúp cho đất nước phát triển hơn.

Ông Nguyễn Minh Triết sang Mỹ chuyến này đem theo một phái đoàn hàng trăm người lãnh đạo các xí nghiệp trong nước. Họ sẽ gặp gỡ đại diện của vài doanh nghiệp lớn ở Mỹ cùng hàng trăm doanh nhân người Việt sống ở Mỹ, để kêu gọi đầu tư. Nếu chưa ai ký được các hợp đồng bán hàng, chưa có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra ngay, nhưng mở được các mối liên hệ mới, cũng là tốt rồi.

Với các quan hệ mới, Việt Nam hy vọng sẽ ký được những hợp đồng bán thêm tôm, thêm cá sang Mỹ. Hy vọng có người chuẩn bị đem tiền về mở thêm những cư xá cho Việt kiều già về sống ở cao nguyên hay bờ biển; hoặc liên doanh mở nhà máy làm hàng xuất cảng. Có thêm vốn đầu tư, tăng số lượng xuất cảng, nhiều đồng bào trong nước sẽ có việc làm. Ðó là điều ai cũng ước ao.

Nhưng một nước muốn phát triển không thể chỉ nhắm vào việc khai thác thiên nhiên, đất đai, rừng, biển. Cũng không thể chỉ nhắm khai thác sức lao động rẻ để làm những việc may quần áo, đóng giầy dép mãi được. Muốn phát triển, cần khai thác những tiềm năng khác, trong các lãnh vực công nghiệp và dịch vụ, có lợi ích lớn và lâu dài hơn. Nếu không, nước Việt Nam sẽ tiếp tục mãi mãi đi sau chân các quốc gia trong vùng.

Người Việt Nam phải tự hỏi nước ta có “ưu thế tương đối” nào so với các nước trong vùng Ðông Nam Á? Làm sao có thể khai thác những ưu thế đó để cạnh tranh với Mã Lai Á, Phi Luật Tân, và với cả Trung Quốc? Những nhà kinh doanh trong nước đang suy nghĩ về vấn đề đó, những người Việt yêu nước ở bên ngoài cũng đang lo lắng về vấn đề đó. Không nên reo vui khi nhận được mấy hợp đồng bán thủy sản, may quần áo thể thao, hay có người đến Việt Nam mở sân cù hoặc xây dựng khu giải trí. Vậy nước ta phải định hướng phát triển trong vài chục năm tới như thế nào để thoát cảnh “tụt hậu?”

Có một huyền thoại vẫn còn nhiều người vẫn mơ tưởng từ vài chục năm nay, là Việt Nam sẽ bắt chước những “con rồng Á Ðông,” tức là các nước như Ðài Loan, Nam Hàn, Hồng Kông, phát triển nhanh chóng trong những thập niên 1970, 80. Nhiều nhà báo ngoại quốc và trong nước còn dùng hình ảnh “Con rồng nhỏ” để khích lệ Việt Nam. Nhưng mô hình phát triển của những “con rồng lớn” đó bây giờ đã cũ rồi. Thế giới đã thay đổi vì kỹ thuật sản xuất, chuyển vận, tiếp thị và thông tin đã thay đổi. Nền thương mại toàn cầu hóa đã làm cho những mô hình thành công trước đây 30, 40 năm giờ đây đã lỗi thời. Mình đi sau mà tiếp tục mô phỏng những gì họ đã làm trước đây một thế hệ, chỉ có đi làm đầy tớ suốt đời thôi.

Chúng ta đã chứng kiến các con rồng Á Ðông thành công khi họ xây dựng những công nghệ trong toàn thể quá trình sản xuất và tiếp thị. Những nước như Nam Hàn và Ðài Loan đáng khâm phục vì họ đã phát triển kinh tế trong lúc cũng đấu tranh chính trị kịch liệt trong nội bộ, trên con đường dân chủ hóa. Không năm nào không có những cuộc biểu tình của sinh viên hay các cuộc đình công của giới lao động. Chính phủ này lên rồi lại bị đổ, chính phủ khác lên thay, nhưng công cuộc phát triển kinh tế không ngưng lại. Cuối cùng, đến cơ cấu chính trị cũng thay đổi, người dân được hưởng lối sống tự do dân chủ hơn.

Sau khi các nước này đạt đến một trình độ phát triển cao hơn, những công nghiệp giúp họ làm giàu và gây vốn được chuyển sang các nước nghèo. Nghề may dệt được chuyển từ Hồng Kông sang Nam Hàn và Ðài Loan, rồi sau đó chuyển sang Trung Hoa lục địa, Mã Lai Á, Indonesia, v.v... Sau đó, những hoạt động này được chuyển qua Việt Nam, Cam Pu Chia, Bangladesh, là những nước còn nghèo hơn. Trung Quốc đã dựng lên cả một thành phố Ôn Châu, chỉ chuyên làm đồng hồ loại rẻ tiền và hộp quẹt, chiếm lĩnh thị trường thế giới nhờ sức lao động rẻ tiền.

Trong khi các công nghệ với mức lợi lộc thấp được chuyển sang các nước nghèo để khai thác công nhân lương thấp, những nước đi bước trước như Ðài Loan, Nam Hàn đã chuyển qua sản xuất những thứ hàng đắt tiền và lợi lộc cao hơn: hàng điện tử, ti vi, máy quay băng rồi quay DVD, máy vi tính. Ðài Loan tạo ra những ông vua làm máy lap top, làm dụng cụ tinh vi, còn Nam Hàn sản xuất xe hơi, tàu thủy, và đồ dùng điện đắt tiền. Mã Lai Á đi sau, nhưng cũng nhảy một bước tiến lên trên một nấc thang, cũng mời các xí nghiệp quốc tế đến sản xuất những món hàng đắt tiền và mang lại mức lời cao như hàng điện tử, máy vi tính. Ðó là con đường phát triển nhờ ngoại thương mà nhiều quốc gia trong vùng đã trải qua.

Ngày nay, người ta không cần phải theo mô hình đó nữa, vì khung cảnh kinh tế toàn cầu đã thay đổi. Tức là không cần cứ phải bắt đầu bằng công việc may quần áo, làm giầy dép, xuất cảng tôm, cá, đợi mươi năm mới tiến sang làm hộp quẹt, làm đồng hồ rẻ tiền; rồi mươi năm sau mới sờ vào ti vi, máy vi tính. Và một quốc gia muốn bước theo con đường đó cũng không được nữa. Lý do giản dị là vì tất cả các quốc gia đều phải cạnh tranh với hai anh khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Ðộ, với những lực lượng lao động đông không có giới hạn và hàng trăm triệu người còn thất nghiệp hoặc khiếm dụng.

Ngày nay, nhiều công trình sản xuất hàng hóa được phân tản ra nhiều khu vực địa dư khác nhau, mỗi nơi làm một bộ phận sau cùng tập trung vào ráp lại ở một địa điểm khác. Hiện tượng này ngày càng phát triển nhờ ngành vận chuyển và bốc rỡ hàng hóa dùng kỹ thuật mới tiết kiệm thời giờ, bớt chi phí, mà lại nhanh chóng; và cũng nhờ cuộc cách mạng thông tin giúp cho việc liên lạc, điều khiển, phối hợp nhanh hơn, hữu hiệu hơn. Việc sản xuất và nghiên cứu tiếp thị đi đôi với nhau, người sản xuất đáp ứng nhanh chóng theo nhu cầu của người bán hàng. Cho nên một công ty bán áo sơ mi ở Mỹ có thể mua hàng của một công ty tiếp thị Hồng Kông, hàng do một công ty Ðài Loan sản xuất trong nhiều nhà máy ở lục địa Trung Quốc. Một cái máy điện hoặc computer do người Ðài Loan chế tạo nhưng được ráp ở Trung Quốc, dùng những bộ phận ở Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam. Ðó là những hiện tượng ngày càng phổ biến. Cho nên chiều con đường và hướng phát triển của nước đi sau như Việt Nam, Cam Phu Chia, không phải là mô phỏng các con rồng đi trước nữa.

Thay vào đó, mỗi quốc gia phải tự xác nhận được đâu là “lợi thế tương đối” của mình tại một khúc trong chuỗi dây chuyền sản xuất và tiếp thị toàn cầu đó, so với các nước chung quanh, những nước đã đi trước cũng như những nước đang cùng trình độ phát triển. Công ty Unilever đã giữ nguyên các hoạt động sản xuất ở Phi Luật Tân, mặc dù lương công nhân ở đó cao hơn ở Trung Quốc; trong khi đó họ đã chấm dứt không sản xuất ở Mã Lai Á nữa. Một lý do là người lao động ở Phi Luật Tân có trình độ cao hơn bên Trung Quốc mặc dù lương cao hơn, đồng thời Phi Luật Tân là một thị trường đông dân hơn so với Mã Lai. Mặc dù giá năng lượng ở Phi Luật Tân đắt hơn ở Mã Lai Á nhưng Unilever vẫn sản xuất ở Phi vì nhiều thứ hàng dùng rất ít năng lượng điện, mà giới quản trị cấp trung ở Phi thì được tiếng giỏi trong việc kiểm tra phẩm chất. Người Phi Luật Tân hay nói chuyện, hay gọi cell phone, theo ông Sanjiv Mehta, giám đốc các hoạt động của Unilever ở xứ này. Chính tác phong đó cũng là một lợi thế vì việc phối hợp trong mỗi nhà máy sản xuất chặt chẽ hơn. Ðó là chưa kể, nền giáo dục cơ bản ở Phi Luật Tân cao hơn ở Trung Quốc, và họ rất thông thạo Anh ngữ. Việc sản xuất hàng ở một nước rồi cung cấp cho cả vùng bây giờ là chuyện bình thường, nhờ phương tiện vẫn chuyển nhanh chóng. Cho nên mỗi quốc gia có thể khai thác lợi thế tương đối của mình mà dựa vào từng điểm lợi đó mà phát triển.

Làm cách nào để khám phá ra những lợi thế tương đối của quốc gia? Trong thế kỷ trước, người ta có khuynh hướng hoạch định những “chính sách công nghiệp” để nhà nước điều hành kế hoạch phát triển. Nhưng nền kinh tế toàn cầu hóa và mạng lưới sản xuất, tiếp thị phức tạp ngày nay không cho phép chúng ta theo con đường đó nữa. Nhà nước chỉ có thể làm những việc tối thiểu để chuẩn bị cho các doanh nghiệp tự họ nghiên cứu và khai thác các cơ hội.

Nhà nước cần làm một việc tối thiểu đầu tiên, là nâng cao trình độ của nền giáo dục. Khi ông Nguyễn Minh Triết đến New York, ông đã ca ngợi nền giáo dục Mỹ và mong các đại học Mỹ sẽ giúp Việt Nam. Nhưng đó là lựa chọn nhầm tiêu điểm. Chỗ yếu nhất của Việt Nam, so với các nước chung quanh chứ không nên so sánh với Mỹ, là nền giáo dục tiểu học và trung học. Nước ta chưa cần đào tạo các khoa học gia tầm cỡ quốc tế vội, có cố gắng cũng mất mấy chục năm mới theo kịp Ðài Loan hay Mã Lai Á. Nhưng đầu tư vào giáo dục bậc cơ sở là đào tạo những công nhân lành nghề, có kiến thức để có thể tự học, và nhất là những con người sống có kỷ luật, có đạo đức. Tăng lương cho các giáo viên gấp ba, gấp bốn lần, nâng cao địa vị xã hội của họ một cách thực tế để họ yêu nghề và họ được kính trọng. Ðó là bước đi tối thiểu để tạo nên một lực lượng lao động cho tương lai để nâng nước ta từ tình trạng nghèo lên trình độ trung lưu.

Nhưng việc nghiên cứu và tìm cách khai thác những cơ hội trong đó người Việt Nam có lợi thế tương đối là một công trình phức tạp mà không một ủy ban kế hoạch hay một chính phủ nào có thể làm được. Phải để cho tư nhân tự do đi làm công việc đó. Chỉ có những nhà kinh doanh dám đầu tư tiền bạc của mình mới đủ động cơ để xông xáo đi tìm những cơ hội mà khai thác. Người Việt Nam không nhất thiết phải đi sau Ðài Loan hay Nam Hàn mà chỉ làm những công việc các nước này đã bỏ, không thèm làm nữa. Trong khi các xưởng dệt, may vẫn tiếp tục khai thác những công nhân lãnh lương rẻ, thì phải có những nhà kinh doanh tìm cơ hội đầu tư trong các lãnh vực tiền tiến hơn, từ việc nghiên cứu, sáng chế đến sản xuất trong các ngành với tương lai hứa hẹn trong 30 năm, 50 năm nữa, như nghiên cứu sinh học và vi tính, sản xuất về kỹ thuật sinh học v.v... Và nước Việt Nam có thể phát triển những ngành dịch vụ với mức lời cao như ngân hàng, bảo hiểm, cố vấn đầu tư, chứ không phải cứ chịu đứng chầu rìa trông Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải, Manilla đi bước trước.

Muốn tạo cơ hội cho tư doanh đi tìm các lợi thế tương đối của nước ta, thì chính sách kinh tế và thái độ chính trị của đảng cộng sản phải thay đổi. Phải cởi mở hơn, tạo khung cảnh cho người dân được sống tự do và làm ăn tự do hơn. Phải kính trọng người dân, phải cho họ được phát biểu ý kiến và tranh luận với nhau mà không sợ bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa!” Guồng máy thống trị phải nới lỏng thêm, đừng để cho công an nắm nhiều quyền hành quá. Luật pháp phải nghiêm minh, không ai được giữ thói quen đứng trên hay đứng bên ngoài pháp luật.

Có như vậy thì các tiềm năng kinh tế trong dân tộc mới được khai thác đem lại ích lợi cho tất cả mọi người. Chúng tôi chắc rằng, những nhà kinh doanh trong phái đoàn của ông Nguyễn Minh Triết và những người ông gặp ở Mỹ cũng đều suy nghĩ và lo âu cho tương lai đất nước. Ông thử hỏi mọi người coi họ nhắm làm gì để nước ta tiến lên thật, tiến lên bằng trình độ những nước Á Ðông khác bây giờ, trong vòng một thế hệ nữa. Tôi chắc rằng họ cũng chia sẻ một ý nghĩ: Muốn tiến bộ, phải được tự do.

Không có nhận xét nào: