Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007
Không Thể Ô Nhiễm Hơn Nữa
Quý sách nhất chắc là ông… Trần Quý Sách. Là ai vậy? Đó là tên khai sinh của nhà văn Trần Hoài Thư. Quý Sách, Hoài Thư, một bên thuần Nôm, một bên Hán Việt, bên nào cũng… quý sách! Mà Trần Hoài Thư quý sách thật. Chẳng thế mà ông cứ rỉ rả mỗi hai tháng lại ra một tập Thư Quán Bản Thảo, một tập san quy tụ nhiều cây viết cũ cũng như mới. Đó là không kể còn lai rai xuất bản sách của mình cũng như sách của bạn bè.
Thư Quán Bản Thảo không có quảng cáo, không bán. Cứ xuất bản khơi khơi, gửi cho bạn bè như một món quà văn nghệ. Món quà này rất quý vì nó là thứ… homemade. Trần Hoài Thư sắm sửa máy móc, cặm cụi học hỏi đến mức có thể hoàn tất một cuốn sách ngay tại nhà. Layout, in, đóng, cắt một cách hoàn chỉnh. Tay nghề của anh ngày càng cao, cao đến độ anh đã tự hào là sách in chơi đẹp hơn in thật!
Một người quý sách khác là ông Nguyễn Hùng Trương. Chắc nhiều người không biết cái tên Nguyễn Hùng Trương nhưng đã là dân Saigon thì ai cũng phải biết tới cái tên Khai Trí. Biết đã đành, dân Saigon chúng ta chắc chắn đã phải đặt chân vào nhà sách lớn vào bậc nhất này. Từ ngày nhà sách còn là một căn phố trên đường Lê Lợi tới khi nó phình ra hai căn phố rồi leo lên tới nhiều tầng lầu, lúc nào chúng ta cũng bắt gặp cái dáng người cao cao của ông chủ nhà sách Nguyễn Hùng Trương lẫn lộn trong một rừng sách. Ông bán sách nhưng là người có lòng với sách. Từ khi còn là một học sinh. Mỗi sáng được mẹ cho 2 xu ăn sáng. Ông dùng 2 xu này để điểm tâm bằng… báo! Lớn hơn một chút, ông được lên Saigon theo học trường Petrus Ký. Cứ mỗi cuối tuần ông đạp chiếc xe đạp cũ về thăm nhà ở Thủ Đức, sáng thứ hai trở lại thành phố với món tiền mẹ cho đủ ăn sáng cả tuần. Chỉ ngay chiều thứ hai, toàn thể món tiền đã chui vào túi ông hàng sách. Ông ăn sáng mỗi ngày bằng nước lã! Ngay trong thập niên 1940, ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị gồm cả những sách báo ngoại quốc. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách thường nhờ ông mua dùm sách xuất bản tại Pháp. Lệ mua sách, nếu đặt mua từ một chục cuốn trở lên thì được bớt 30%. Ông thường mua luôn chục cuốn để lại cho bạn bè, dư ra thì gửi bán tại nhà sách. Ông biết lựa sách nên việc “làm ăn” càng ngày càng khấm khá. Từ hàng chục cuốn, ông nhảy lên hàng trăm, rồi hàng ngàn. Ông tiết kiệm số tiền kiếm được để có vốn mở nhà sách. Vậy là nhà sách Khai Trí ra đời tại số 62 đại lộ Bonard vào năm 1952. Với đà tiến triển của nhà sách, ông mở nhà xuất bản cùng tên, rồi chủ trương tuần san Thiếu Nhi giao cho nhà văn Nhật Tiến trông coi, tập san Sử Địa giao cho Nguyễn Nhã săn sóc, tài trợ cho nhiều báo trong đó có báo Sống của nhà văn Chu Tử. Ông rất quý anh em văn nghệ, gặp dịp là giúp đỡ, nhận in sách trả tác quyền rất hào sảng dù sách có in hay không. Ông thích sưu tầm sách và đã có một bộ sưu tập sách báo rất quý mà chỉ riêng báo Le Monde xuất bản tại Pháp, ông có từ số báo đầu tiên tới số ngày 30/4/1975! Khi Cộng Sản vào Saigon, ông phải đi tù vì sách! Năm 1991, ông qua Mỹ đoàn tụ với vợ con với ý định mở lại nhà in và nhà sách Khai Trí nhưng hoàn cảnh không chiều ông. Năm năm sau ông trở lại Saigon với ý định phát triển hệ thống bán sách tân tiến tại Việt Nam. Ông có lòng say mê nhưng thiếu thực tế. Thực tế nó hành hạ ông ngay từ ngày đầu đặt chân về lại quê hương. Toàn thể số sách quý, công lao sưu tầm gian khổ của ông đã bị tịch thu. Ông lồng lộn chạy vạy mong cứu sách nhưng vô ích. Trong một bài viết sau khi ông Khai Trí qua đời, nhà văn Nguyễn Thụy Long đã cho biết: “Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Phahasa. Một lần khác, trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách tới đâu rồi, ông cười chua chát: ‘Phải đến năm 3000 thì may ra’ ”. Người yêu sách Nguyễn Hùng Trương không đợi được đến năm 3000. Ông đã nhắm mắt xuôi tay vào ngày 11/3/2005. Những ngày cuối cùng trong bệnh viện, trong cơn hôn mê, ông cứ tìm sách. Hỏi tìm cuốn sách này rồi lại hỏi tìm cuốn sách kia, chỉ đến khi đặt được bàn tay mình trên cuốn sách, ông mới yên tâm nhắm mắt!
Sách như một người tình. Ôm vào lòng bao giờ cũng thấy ấm cúng.
em, sách quý - thư phòng ta để bụng
rằng mai kia mốt nọ chắc em vào
tình như gươm ta chỉ cần chém trúng
thì lần đầu lần cuối khác chi nhau?
(Hoàng Lộc)
Không quý sách có Tần Thủy Hoàng, người đã đi vào lịch sử như một người đốt sách và chôn học trò. Con cháu Tần Thủy Hoàng gần đây cũng mon men vào lịch sử. Năm 1975, sau khi cướp được miền Nam, Cộng Sản miền Bắc cũng đã đầy ải trí thức và cũng đốt sách. Những người bị kẹt lại Việt Nam sau 1975 chắc hẳn còn nhớ những cảnh hãi hùng khi từng đoàn thanh thiếu niên đeo băng tay đỏ đi từng nhà tịch thu từng xe ba gác sách. Những ngọn lửa đỏ cuồng nhiệt liếm sách trước những cặp mắt ngậm ngùi của dân chúng. Người viết sách lại có cái đau khác. Chúng ta hãy đau với nhà văn Nguyễn Thụy Long. “Tủ sách của tôi bị xô đổ, cơ man nào là sách. Trong đó có cả những tác phẩm tôi viết ngót hai chục năm qua. Những cuốn sách quí hiếm của các bậc tiền bối, bậc thầy, đàn anh cổ kim mà tôi đã mất công sưu tầm cả đời. Nhưng chồng sách quý giá ấy bị đám thanh niên nam nữ đeo băng đỏ, độ tuổi choai choai khiêng từ trong nhà tôi ra chất đống, nổi lửa thiêu hủy. Khói lên cuồn cuộn ngút từng mây, vướng mắc cả vào cây thánh giá mỏng manh trên nóc tháp chuông nhà thờ Tân Định… Tôi nhìn sách báo của tôi bị thiêu hủy mà nhợt nhạt cả người. Tôi nhìn lên những tro tàn bốc lên cao, những mảnh giấy cháy thành than vẫn còn linh hồn vương vấn trong lưỡi lửa bạo tàn. Tôi thấy những trang sách cháy đen bay nhập nhoạng như những bóng ma trơi trong hoàng hôn. Tôi nhìn lũ trẻ tay đeo băng đỏ tượng trưng cho quyền lực vừa vỗ tay vừa ca hát những bài ca cách mạng mới học thuộc, chúng nhảy múa quanh lửa hồng, vô tư và vô tội, vì chúng không biết mình đang làm gì. Chúng biết gì đâu mà cãi cọ với chúng, chúng giống như một đoàn âm binh bị phù thủy phù phép sai khiến. Tôi bước đi trong thống khổ, trong bóng ma trơi tro tàn khói bay và từ đó ném tôi vào cơn ác mộng. Tôi bị xô ngã xuống vực sâu, hình như có đám mây khói đen nào đỡ lấy tôi, êm như đệm bông, đưa tôi xuống đáy vực, không đau, không xây xát. Nhưng ở nơi đó tối đen, lạnh lẽo. Tôi đang ở đâu? Tôi ngơ ngác trong bóng tối mung lung. Mắt tôi còn tốt mà như mù tịt. Hay là tôi bị chôn sống? Không, tôi vẫn còn thở được và còn có thể kêu lên được, nếu tôi dám kêu. Nhưng sao tôi hãi sợ nơi thâm u này quá. Có ai cứu tôi không? Không ai cả!”
Có ai cứu sách không? Chuyện chi vậy? Sách đang lâm nạn, nạn thờ ơ. Tại Mỹ, trung bình một học sinh mỗi ngày xem TV mất 2 tiếng 15 phút, chơi game và chơi thể thao 1 tiếng 27 phút, đọc sách thì chỉ vỏn vẹn có 11 phút! Học sinh Nhật mỗi ngày xem truyền hình 2 tiếng 17 phút, chơi game và thể thao 44 phút, đọc sách tới 25 phút lận! Trong cuốn Đàm Thoại, nhà văn Võ Phiến đã có một nhận xét khá lý thú: Những căn nhà ngày xưa thường có phòng đọc sách, ngày nay cái phòng… văn hóa này bỗng dưng biến mất trong khi phòng ngủ, phòng vệ sinh lại cứ phình ra chiếm khá nhiều chỗ! “Hiện nay ở Mỹ chúng ta mua nhà hay thuê nhà, loàng xoàng thì một vài phòng, khá hơn thì ba bốn phòng. Có phòng nào gọi là phòng sách không? Ông nghĩ coi: Phòng ngủ, có. Phòng ăn, có. Phòng bài tiết, có. Ngoài ra nào là TV room, family room, living room..v..v.. Cái phòng sách, nó ở đâu?”. Cũng Võ Phiến trả lời: “Ở Mỹ bây giờ thỉnh thoảng bên mép bồn tắm có tờ tạp chí đặt úp mặt xuống để làm dấu một trang đang đọc lỡ dở, thỉnh thoảng trên nắp thùng nước ở cầu tiêu cũng có cuốn sách bị bẻ gấp một trang đánh dấu đang đọc.”
Sách quốc ngữ chữ nước ta cũng vất vả vào ra trên chính đất nước của chúng. Nói vậy là một cách nói cho thuận mồm miệng chứ thực ra sách chỉ tắc tị có một đầu: đầu vào. Còn đầu ra, cứ thoải mái! Mỗi lần rời Việt Nam, tôi khuân từng va li sách đi. Sách rẻ rề. Đó là tính theo giá đô la, chứ đối với người dân trong nước thì cái giá đó cũng không dễ với tới. Tôi có thằng cháu đang học Đại Học, mê sách không kém gì ông bác Việt Kiều. Hai bác cháu cứ rảnh chút thời giờ là lại sà vào tiệm sách. Lần nào như lần nấy, tôi bảo thằng cháu là thích cuốn gì thì cứ chọn tự nhiên, bác mua cho cháu. Vậy mà rất ít khi tôi thấy nó mua sách. Hỏi gặng mãi nó mới nhún vai: đắt quá! Ép thế nào nó cũng không mua. Cái giá trên cuốn sách vẫn làm nó ngại ngùng mặc dù không phải bỏ tiền ra. Tôi thì ôm từng chồng này tới chồng khác mà thấy số tiền móc ra chẳng là bao. Ra đi, hải quan thấy sách là cho mang đi tuốt. Sách mang đi có nhiều thật nhưng đọc được chẳng bao nhiêu. Biết vậy, nhưng lần sau lại lễ mễ với những cuốn sách mang trong mình loại chữ nghĩa lạ lẫm. Đành tự an ủi, thư trung hữu… thực tiễn! Cứ rảnh rỗi mở ra đọc, chẳng được điều bổ ích nhưng cũng ngẫm ra được khối chuyện!
Đầu ra thì trơn tru như vậy, đầu vào thì… ngược chiều. Ai đã từng về Việt Nam chắc đều có kinh nghiệm về chuyện này. Nhà văn trẻ Đinh Linh, một nhà văn di tản thế hệ một… rưỡi, viết văn bằng tiếng Anh, kể lại trên diễn đàn Talawas kinh nghiệm của anh. “Khi tập truyện Fake House của tôi ra mắt năm 2000, tôi đang sống ở Việt Nam. Nhà xuất bản ở New York gửi một quyển về Saigon cho tôi. Tôi hớn hở lại bưu điện để lãnh sách nhưng họ không đưa. Khi họ bảo phải giữ sách để xét nội dung, tôi giải thích cho họ chính tôi là tác giả. Sách không thể lây bệnh cho tôi vì tôi là nguồn bệnh. Hơn nữa, sách được viết bằng tiếng Anh nên khó có thể gây ô nhiễm cho tâm hồn trong trắng muôn thuở (xấp xỉ 4.000 năm) của người Việt. Lắc đầu, họ hẹn tôi hai tuần gặp lại. Sau hai tuần, tôi trở lại bưu điện nhưng chỉ được phát một hóa đơn: “tịch thâu 1 sách vì nội dung đồi trụy và phản động”. Quyển Fake House gồm 21 truyện. Trong đó có chiến tranh, có hòa bình, có người lương thiện, có lưu manh, có đĩ điếm, có tình yêu ngớ ngẩn, ngô nghê, có dâm đãng, có bệnh hoạn. Tất cả những gì trong Fake House bạn có thể tìm ra ngay trong bất cứ cái hẻm nào ở Saigon. Tất cả những gì trong Fake House bạn có thể tìm ra ngay trong cái đầu u u của chính bạn. Quyển Fake House không thể đồi trụy hơn cái xã hội mà nó diễn tả.”
Ý kiến của nhà văn Đinh Linh ngẫu nhiên trùng hợp với ý kiến của nhà văn Vũ Trọng Phụng trên nửa thế kỷ trước. Cuốn Lục Xì của Vũ Trọng Phụng được nhà xuất bản Minh Phượng nhận in. Sách in xong, Vũ trọng Phụng tới nhà xuất bản coi mặt đứa con tinh thần của mình. Nhân dịp này, Minh Phượng mời Nguyễn Vỹ đến ăn cơm và tiện thể giới thiệu Nguyễn Vỹ với Vũ Trọng Phụng vì hai người chưa biết nhau. Nguyễn Vỹ tới trước và Minh Phượng đưa cho nhà văn coi cuốn Lục Xì vừa lấy ở nhà in về. Nguyễn Vỹ đọc được vài trang bèn vứt xuống đất, đá cuốn sách vào gầm tủ, lầm bầm: “Cuốn sách của thằng này viết bẩn quá!”. Vừa lúc đó, Vũ Trọng Phụng bước vào, Minh Phượng vội giới thiệu: “Đây là nhà văn Nguyễn Vỹ”. Vũ Trọng Phụng không đợi được giới thiệu, vội bước tới, chìa tay ra: “Thằng Vũ Trọng Phụng đây!”. Minh Phượng vội nói: “ Nguyễn Vỹ vừa xem cuốn Lục Xì của anh, chê là bẩn quá.” Vũ Trọng Phụng hỏi: “Sách đâu rồi?”. Minh Phượng chỉ tay: “Nguyễn Vỹ mới đá vào gầm tủ kia kìa!”. Vũ Trọng Phụng đi lại gầm tủ, nhặt sách lên, nói: “Đúng đó là quyển sách rất bẩn. Nhưng chưa bẩn bằng ngoài xã hội đâu. Anh Nguyễn Vỹ đã nói thật lòng, còn hơn hàng chục thằng đọc sách rồi nịnh nhau là hay, là thơm, là tuyệt tác!” Nói xong, nhà văn họ Vũ cầm quyển sách lại gần Nguyễn Vỹ và rút viết ghi lên sách: “Thằng Vũ Trọng Phụng xin tặng cuốn Lục Xì đầu tiên này cho Nguyễn Vỹ.”
Cả Vũ Trọng Phụng lẫn Đinh Linh đều cho rằng sách chưa phản ảnh đúng cái xã hội nó mô tả nhưng sách ngày nay, mặt khác, còn phải chạy theo những diễn biến của xã hội. Đức Hồng Y người Đức Joseph Ratzinger vừa được bầu thành Giáo Hoàng Benedict XVI thì sách của Hồng Y này cũng lên ngôi… bestseller! Khi làn khói trắng tỏa ra từ ống khói đền thánh Peter chưa nhạt đi thì sách của Ngài đã được mọi người tranh nhau tìm đọc. Địa chỉ bán sách trên mạng Amazon.com bị một cơn lũ đặt mua sách. Bất cứ sách gì của Ratzinger, đâu chỉ có 5 đầu sách. Amazon.com đã phải xin lỗi độc giả vì không có đủ sách cung cấp. Anthony Ryan, chủ nhà xuất bản Ignatius Press cũng phải xin lỗi khách hàng vì đã bị tràn ngập những đơn đặt mua sách!
Nữ tài tử Jane Fonda cũng ti toe ra sách hồi ký, cuốn “My Life So Far”. Chị phản chiến này đã tỏ ra hối hận khi đã có hành động đâm lưng chiến sĩ khi vào năm 1972, giữa lúc cuộc chiến Việt Nam đang sôi động, chị đã tới Hà Nội ngồi chụp hình chung với bộ đội Việt Cộng trên cỗ súng phòng không bắn máy bay Mỹ. Trong khi đi một vòng các tiểu bang để ra mắt sách, ngày 20 tháng 4 vừa qua, trong khi ngồi ký sách tại Kansas City, chị đã bị một cựu chiến binh trong cuộc chiến Việt Nam, ông Michael Smith, 54 tuổi, nhai thuốc lá và nhổ vào mặt con người phản bội.
Sách như vậy cũng có nhiều loại. Tôi đã bê về loại sách xuất bản trong nước để đọc giữa hai giòng chữ thì độc giả hải ngoại cũng nhiều người mua sách của chúng ta để ủng hộ những nỗ lực duy trì tiếng mẹ đẻ nơi đất khách quê người. Có những độc giả miệt mài với sách đến cảm động. Một vị cao niên ở quận Cam đã chịu khó đón mua tất cả những sách xuất bản mà ông có thể kiếm được. Đọc sao cho hết? Cứ để đó, lúc nào đọc chẳng được, nhưng mục đích chính là góp tay vào việc ủng hộ và giữ gìn sách! Ông khuyến khích nhiệt thành đến như bắt buộc các con cái trưởng thành, cư ngụ tại nhiều nơi khác nhau, phải mua sách và đặt mua dài hạn các tạp chí văn học tại hải ngoại. Người ta vất vả hy sinh để duy trì văn hóa, mình không làm được thì phải tìm mọi cách tiếp tay với họ. Ông thường nhắc nhở con cái như vậy. Ông quý sách này mang họ Phạm. Tên ông không phải là Trần Quý Sách. Nhưng ông xứng đáng với cái tên này. Phải không, ông nhà văn Trần Hoài Thư?
Song Thao
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét