Caubay
Vừa rồi Cậu Bảy đi dự “đám cưới lại’ của thằng bạn thân. Nó cũng đà trộng tuổi mà chưa có vợ vì cái tuổi thanh xuân bầm dập trong tù, trong trại tỵ nạn, rồi qua Mỹ đi cày ngày hai buổi. Vài năm trước nó về thăm nhà sau gần hai thập niên xa cách, gặp nàng và nó bỗng hồi xuân rất nhanh. Tụi nó, cô trinh nữ trẻ trung xinh xắn và chàng Việt kiều sồn sồn, thương nhau rất mau và chân tình thắm thiết lắm. Thế rồi cưới và mang nàng về dinh. Qua Mỹ nó làm đám cưới lại để khoe với anh em. Nhậu một bữa đã đời trong đêm “tân hôn” của nó. Bạn bè thằng nào có ý tế nhị muốn về sớm thì nó nạt ngang: “Động phòng động phiếc gì mà tụi bay lo, bữa nay tao dzui với tụi bay. Dzô!” Cũng nên nói thêm thì trong buổi tiệc đó, thực khách bàn đủ chuyện trên đời, nhưng đề tài hấp dẫn nhất vẫn là tình hình chính trị tại Việt Nam. Gì chớ nói dóc chuyện chính trị thì Cậu Bảy hăng lắm. Từ chuyện WTO, PNTR, ông Triết, ông Dũng, ông Mạnh, cá tra, cá dồ, tôm xuất khẩu, dâu Đài loan, đĩ Đại hàn, lật đò, đấu tố, bắt cóc, đánh người, bịt miệng, vu khống, ...hầm bà lằng cậu đều có mặt. Thế giới như trong lòng bàn tay của cậu. Kiến thức thông thái như thế cũng nhờ học lóm bà con trên diễn đàn. Vì thế mà khi lết tới nhà thì Cậu Bảy say mèm, quần áo để nguyên, chỉ nới cái cà vạt, nằm dài trên sofa và bắt đầu ngáy. Đó chỉ là bắt đầu câu chuyện.
- Ủa , nửa đêm rồi mà ai còn gõ cửa nhà mình vậy em? Mà gõ cửa sau nữa mới lạ chứ?
- Để em ra coi thử. Mà sao con vện nhà mình nó cũng không sủa vậy cà!
Mợ Bảy nói xong đứng dậy lấy cây chổi lông gà cắp sau đít rón rén bước ra cửa sau, bộ dạng thận trọng thủ thế lắm. Cây chổi trên tay hình như làm mợ thêm phần tự tin, như thể lăm lăm cây AK47. Bên ngoài khung cửa, dưới ngọn đèn mờ, bóng một người nhỏ thó, đội mũ tai bèo, mang dép râu, tay trái xách bị có in hình cờ đỏ sao vàng, tay phải chống gậy, lom khom dòm nhìn dáo dát như lén lút ai. Mợ Bảy mới đầu tưởng thằng ăn trộm nên định nhấn 911, sau lại tưởng ăn mày, nhưng khi nhìn kỹ lại cái lối đứng chàng hảng, hai hàng thì lập tức nhận ra ngay người quen đã lâu lắm.
- Mèn đét ơi! Anh Sáu, anh đi đâu mà đêm hôm khuya khoắt dậy anh? Dzô, dzô anh, dzô nhà có lạnh, coi chừng chó cắn nghen.
- Trời! Cô Bảy đó hả. Thiệt là may quá tui tìm đúng nhà! Cô đừng lo, tui quen đi đêm, chơi với chó quen rồi…
- Chớ anh đi đâu mà một mình lạc vô đây dậy anh Sáu?
- Tui qua Mỹ có việc, nhân thể tranh thủ ghé thăm cô dượng và cầu mong cho cô dượng mần ăn phát tài. Mới đó mà đã trên 20 năm rồi không gặp cô dượng. Coi, cô Bảy lóng rày coi bộ có da có thịt hơn hồi ở kinh tế mới nhiều đó nghen.
Mợ Bảy vốn tối kỵ những ai khen mình mập, thường ngày mà nghe cái ngữ ấy thì chắc chắn mợ sẽ nguýt một cái rõ dài, mắng đồ vô duyên, nhưng phen này biết anh Sáu thực bụng, vì anh là dân nhà quê, hồi trước theo cách mạng đói gần chết nên rất quí người mập. Vì thế mợ Bảy không những không giận mà cảm thấy rất vui, bèn hỉ hả nói:
- Anh chọc quê tui chi tội nghiệp anh Sáu. Trên đời có ai ốm hơn dân kinh tế mới đâu anh!
- Thế có dượng bảy ở nhà hông dậy cô?
Cậu Bảy nghe nói ồn ào chạy ra phía sau thì thấy anh Sáu Phong, người quen hồi xưa ở Bến Cát, Bình Dương, đang nghiêng mình lách qua khe cửa.
- Úi trời! Anh Sáu. Tui nghe anh đi Mỹ mà hổm rày ác nhơn ác nghiệt, công việc bận quá chưa kịp đi đón đó chớ.
- Chào dượng Bảy. Vô tư đi duợng, khách sáo làm chi. Tui biết dượng công việc bề bộn, thì giờ bên Mỹ quí lắm đâu có hưỡn như bên mình, hơn nữa đồng bào đi đón tui cũng đông, lại giăng biểu ngữ đầy đường nên tui cũng không thấy lẻ loi lắm.
Cậu mợ Bảy kẻ nắm tay, người nâng túi xách ân cần mời anh Sáu vào phòng khách. Tha hương ngộ cố tri, mừng mừng tủi tủi. Vào bên trong anh sáu Phong mở túi luồn tay lấy ra một chai nước tương để trên bàn rồi nói:
- Tui qua thăm cô dượng mà không biết đem món gì, thôi đem biếu cô dượng chai nước tương thựơng hạng, đây là thành quả của quê hương.
Cậu Bảy vừa nhác thấy món quà của anh Sáu đã rụng rời tay chân, đó là loại nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt mức cho phép khoảng 6000 lần, nhưng nể mích lòng nên cũng cười xả lả:
- Cám ơn anh. Tụi tui mà được dùng thứ này thì chắc là mau về quê thăm ông bà lắm.
Khi Mợ Bảy vào trong pha trà, Cậu Bảy nhích lại gần anh Sáu hỏi nhỏ:
- Vậy chớ có chuyện gì quan trọng hay sao mà đêm hôm ghé thăm vợ chồng tui đó?
- Đâu có chuyện gì, tui qua đây nhớ đến cô dượng nên ghé thăm, kẹt là đi ban ngày không tiện. Nói nghe mắc cỡ chứ chắc dượng đọc báo cũng thấy, tui tới xứ Mỹ này lén lén lút lút như thằng đi ăn trộm.
Cậu Bảy nghe xong lấy làm cảm kích. Hóa ra anh sáu là người có tình, dù nay đã nên người có danh phận mà vẫn không quên tình cố cựu. Cậu Bảy bùi ngùi nhớ về những ngày bo bo độn củ mì trên vùng kinh tế mới Bến Tượng, tỉnh Bình Dương. Ngày đó anh Sáu là nhân viên quèn bên tỉnh ủy, vẫn thường giúp gia đình Cậu Bảy vài cái giấy tờ như giấy đi đường, hộ khẩu… và bù lại Mợ Bảy cũng thường biếu anh khi lạng cà phê, khi vài điếu ba số. Ba con năm vừa nằm vừa ký. Hồi tưởng mông lung một hồi rồi Cậu Bảy chợt hỏi:
- Anh Sáu nói đi thăm tụi tui ban ngày không tiện là vì sao?
- Thì chắc dượng cũng biết đồng bào bên này họ hiểu lầm tui. Đi đến đâu thiên hạ xua đuổi chửi bới như đuổi chó dại. Nói nào ngay, lỗi đó cũng tại đồng bào mình ít về thăm quê, thiếu thông tin nên không thông cảm cho tui. Tui vì cảm mến cô dượng mà lén đến thăm, nhưng cứ nơm nớp sợ phiền cho cô dượng.
- Không sao đâu anh Sáu, tui thẳng như ruột ngựa, đâu phải tránh né ai. Nè anh Sáu, tui nghe báo chí bên nhà nói đại đa số kiều bào hải ngoại đều hướng về quê nhà và ủng hộ đảng của anh Sáu mà?
- Thôi dượng Bảy ôi, nói riêng cô dượng nghe chứ mấy thằng ký giả bên nhà cũng như bầy chó ghẻ của tui, biểu sủa là sủa, biếu nín là nín, chớ có gì liêm sỉ, đáng tin mà dượng để ý. Nói đa số kiều bào, máu thịt, ruột non, ruột già cho xôm tụ vậy thôi chớ thiệt ra đâu có mấy mống. Hồi trước thì tụi tôi cũng thả mấy thằng nằm vùng qua đây mà lần lần tui nó cũng ăn bả đế quốc mà dang ra hết, đâu còn nhiêu thằng. Lâu lâu mới dụ được một vài thằng bất đắc chí, hết thời, thất nghiệp, vợ bỏ mò về Việt Nam kiếm chác thôi.
Cậu Bảy nghe nói cũng thương hại nên hạ giọng an ủi:
- Thôi anh sáu cũng đừng buồn, chung qui cũng tại mình ăn ở hổng phải người ta mới giận dai như vậy. Nhưng tui hỏi thiệt anh Sáu nè, đồng bào người ta khinh miệt đã đành, mà nghe nói thái độ mấy thằng Mỹ cũng nóng mũi lắm, thế thì hà cớ gì anh Sáu qua đây cho mất mặt?
- Mặt tui có cái gì đáng mà sợ mất. Bụng đói thì đầu gối phải bò, dượng không biết hay sao? Mấy anh bên Bộ chính trị xúi tui đi chuyến này nhằm cải thiện chút đỉnh…
- Cải thiện quan hệ ngoại giao hả anh Sáu?
- Thiệt là chán cho dượng! Mới đi Mỹ có mấy năm mà quên bén tiếng Việt trong sáng hết ráo rồi. Cải thiện là đi kiếm chút đỉnh cho đỡ đói đó mà, như đi đào củ mài trên rừng hồi xưa đó.
- Chữ với nghĩa! Thì ra anh Sáu đi năn nỉ sự thương xót của mấy thằng nhà giàu Mỹ, với lại bọn phản động lưu vong, nôm na là đi ăn mày đó chớ gì?
- Dượng Bảy ôi, biết là như vậy nhưng dượng nặng lời với tui làm chi tội nghiệp. Nhục nhã gì bên này thì tui cũng ráng, miễn là mình đạt đủ chỉ tiêu Đảng giao là coi như thắng lợi rồi. Dzìa lại bển thì lại vinh quang mấy hồi.
Câu chuyện còn đang dang dỡ thì Mobay bưng trà ra và tham gia chất vấn:
- Hồi chiều tui ra chợ nghe người ta nói anh Sáu đã có buổi gặp gỡ đồng bào bên New York phải hôn?
- Tui có gặp nhóm Việt kiều yêu đảng, tui gọi họ là máu của máu Việt Nam đó.
- Đám đó chắc là Việt kiều có… dính máu nhân dân Việt Nam. Nhưng mà anh nói gì với họ anh Sáu?
- Thì trước hết tui đem thông tin cho họ biết sự thật trong nước.
- Ủa, bây giờ là thời đại internet mà thiếu thông tin như vậy sao?
- Thiếu gì cô Bảy, nhưng có nhiều điều không trung thực, thậm chí bôi nhọ đường lối của Đảng. Thông tin trung thực phải từ mồm của lãnh đạo mới chính xác.
- Thì ra thế. Anh ra ngoài này mà nói như vậy thì người ta chửi là độc tài hủ lậu cũng phải.
- Tội nghiệp tui cô Bảy, chung qui cũng vì cái ghế với mấy đồng đô thôi cô ơi.
- Rồi sao nữa anh Sáu?
- Lúc trước tui lỡ dại nói ở Việt Nam không có bất đồng chính kiến, bị mắng là láo nên kỳ này tui khôn lắm, tui sửa lại. Tui cũng cho bà con bên New York biết là trong nước mình dân chủ lắm, có bất đồng chính kiến nhiều lắm. Trong nội bộ Đảng cũng có nhiều bất đồng… chính kiến đó, như có đồng chí thì ưa món dồi, đồng chí khác thì ưa rựa mận... Ngay trong nhà tui cũng có bất đồng chính kiến. Thí dụ mụ Sáu nhà tui thì thích chính kiến nấu ăn, còn tui thì có chính kiến đá banh, nhiều lúc nửa đêm tui la lên khi thấy đội nhà đá lọt, bả rất bất đồng chính kiến với tui về điểm này. Còn vụ cha Lý, cô Công Nhân… đòi đa nguyên đa đảng thì hai năm rõ mười là họ bất phục tùng độc đảng, cái đó là vi phạm luật hình sự, không phải là chính kiến.
- Thì ra thế. Anh nói như vậy người ta mắng anh dốt cũng phải. Rồi sao nữa anh Sáu?
- Tui cũng nói là mình cần hòa bình để xây dựng đất nước. Cuộc chiến Việt Nam vừa qua chính là để xây dựng hòa bình cho Liên xô, Trung quốc và các nước XHCN anh em để tiến lên chủ nghĩa đại đồng… đô. Bộ cô dượng không biết ông Cút Xếp bên Nga đã từng nói “dân Việt Nam đã đổ máu và hiến mạng sống mình vì lợi ích của phong trào Cộng Sản thế giới” hay sao? Bà con không biết cứ cho cộng sản tụi tui hiếu chiến, xâm lăng miền Nam. Đặt mìn pháo kích thì là vũ khí của Nga của Tàu chứ mình đâu có vũ khí gì mà Mỹ Ngụy nó cũng bắt bớ tra tấn. Ngoài ra hòa bình thì phải dài lâu chứ mới 32 năm thì nhằm nhò gì. Thành quả bước đầu là đội ngũ ô sin, làm đĩ toàn cầu cũng rất đáng khích lệ.
- Thì ra thế! Anh Sáu nói như vậy người ta chê là đồ ngụy biện, cõng rắn cắn gà nhà cũng phải. Rồi sao nữa anh Sáu?
- Tui cũng nói cho họ biết là tui cũng quí trọng nhân quyền lắm. Ngày xưa bác đảng tui gây chiến cũng là để dành lại nhân quyền, có điều họ không hiểu là tui chỉ đòi nhân quyền cho người theo cộng sản mà thôi. Ai không theo cộng sản tui coi như súc vật, đâu phải con người thì quan tâm đến nhân quyền làm gì. Người dân trong nước dân trí còn thấp, họ không hiểu nên cứ đi đòi cái mà mình không có.
- À ra thế!. Anh Sáu nói vậy người ta chửi là bất lương cũng phải. Rồi sao nữa anh Sáu?
- Về chuyện chống tham nhũng thì tui cũng nói cho họ biết công lao của Đảng. Như vụ PMU18 hay Năm Cam là bằng chứng cụ thể rằng không phải tất cả toàn đảng đều dính líu trong đó. Có đồng chí có ăn, có đồng chí trơ mỏ, thành ra ta mới lôi ra ánh sáng được. Như vậy rõ ràng là trong đảng cũng có nhiều phe khác nhau, tui cho đó là chính kiến khác nhau. Đó là dân chủ của ta, theo hoàn cảnh cụ thể của ta. Vì vậy không nên nghĩ rằng cán bộ mình, dân mình tham nhũng nhất thế giới.
- À ra thế! Anh Sáu nhập nhằng dân với cán bộ có mòi hơi lộ liễu đó. Tham nhũng thì cán bộ đảng viên chứ dân lấy gì để tham nhũng mà anh Sáu đổ oan cho người ta như vậy. Còn cán bộ của anh Sáu có tham nhũng nhất thế giới không thì để cho thế giới người ta mần thống kê. Anh Sáu nói càn như vậy người ta mắng là láu cá cũng phải! Rồi sao nữa anh Sáu?
- Tui cũng dẫn chứng cho họ thấy Mỹ cũng độc tài lưỡng đảng; nước Anh, nước Nhựt có vua tức là còn trong thời kỳ phong kiến, kém xa dân chủ của ta. Ta lại hơn các nước ở chỗ có Mặt trận Tổ quốc, có Đoàn Thanh niên, có Hội Phụ nữ đều ủng hộ Đảng ta cả.
- À ra thế! Chuyện thể chế chính trị của các nước phương tây thì dài dòng lắm. Nói một tháng không xong, mà trình độ anh Sáu lại hạn hẹp, cần học thêm nhiều lắm. Còn lối lý luận của anh Sáu thì cũng y chang như hồi xưa ở rừng sâu, địa đạo mà bàn chuyện chính trị thế giới với chị Út Tịch. Ra ngoài nói như thế người ta chê anh ngu mà khoát lác như vẹm cũng là đáng đời.
Cậu Bảy vốn nể vợ, thấy vợ nói thì nín khe, nhưng thấy tình hình mỗi lúc mỗi căng, sợ không khéo làm anh Sáu buồn, nên nói chen ngang vào:
- Thôi em, anh Sáu ít đi ra ngoài thành ra chưa "nắm bắt thời đại", mình cũng nên thông cảm cho ảnh. Phần anh Sáu thì vợ chồng tui cảm ơn anh đã tới thăm. Nói nhỏ anh nghe, tui nghe anh đến Mỹ tui mừng lắm, dù cũng nực vụ trước khi đi anh qua xin phép thằng Tàu. Ráng chơi với Mỹ nghen anh, dang thằng ba Tàu ra. Tui dốt nát không dám lý luận chủ nghĩa chủ nghiết gì nhiều, chỉ thấy việc nhãn tiền mà khuyên anh như vầy. Trên thế giới này hầu hết ai chơi với Mỹ cũng khá, không có ai thân tàn ma dại như chơi với Tàu. Coi cái gương Tây Đức, Nam Hàn, Nhựt, Đài Loan rồi so sánh với Cu Ba, Bắc Hàn và bản thân anh thì rõ. Chơi với thằng Mỹ là chơi với thằng có đạo đức, vì nó có tam quyền phân lập rõ ràng. Hành pháp nó làm sai, anh kêu cứu với quốc hội, tòa án của nó. Vụ kiện chất độc màu da cam của anh là một ví dụ. Ai thắng ai thua tui không nói ở đây, nhưng anh cũng thấy tụi Mỹ nó công bằng, mã thượng lắm, không có ai đứng trên pháp luật. Thử ngẫm lại mấy thằng "đại háng" lưu manh vĩ đại liền sông liền núi phương Bắc của anh coi sao. Xưa nay nó cướp đẩt, chiếm đảo, lấn biển, giết ngư dân của anh mà anh có kiện cáo gì được đâu. Vậy thì từ nay dẹp cha mấy cái chủ nghĩa, tư tưởng tào lao đi, ráng làm người lương thiện nghe anh Sáu.
Anh Sáu Phong nghe Cậu Bảy nói lời ân tình trong lòng dạt dào cảm động, rươm rướm nước mắt nói:
- Cô dượng à, tui nghe nói tha hương mà ngộ cố tri thì quá xá đã, chỉ đứng sau việc thầy chùa động phòng; thế mà mấy hôm nay tui đi đâu cũng bị xua đuổi thiệt là rầu, nay may gặp lại cô dượng tốt bụng khuyên răn, tui an ủi nhiều lắm. Tui nguyện ghi xương khắc cốt lời giáo huấn của cô dượng. Thôi đêm đã khuya, tui xin kiếu để cô dượng nghỉ ngơi.
Vợ chồng Cậu Bảy ra sức mời mọc ở lại mà anh Sáu nhứt định từ chối, viện lẽ trời sáng khó đi, lại cũng xin ra về bằng cổng sau. Dù vậy khi đứng dậy từ giả, anh Sáu lại có vẻ chần chừ, hình như có gì muốn nói, tay vân vê cái bị. Cậu Bảy hiểu ý bén móc túi lấy tấm check ký tặng cho anh Sáu 2 triệu đô. Anh Sáu lòng mừng khấp khởi, kẹp cái bị với cây gậy trong nách, hai bàn tay chấp lại, xun xoe cám ơn vợ chồng Cậu Bảy không ngớt lời.
Ra đến đầu hè, Cậu Bảy chia tay và dặn anh Sáu: “Lần sau có đến thăm chúng tôi, xin anh đi bằng cổng trước nhé”. Anh Sáu dạ dạ rồi bước nhanh vào bóng đêm.
Khi trở vào nhà, Mợ Bảy nhìn chồng hỏi:
- Tiền đâu mà ông ký cho anh Sáu đến hai triệu đô?
- Tui trên răng dưới dái, làm gì có bạc triệu, nhưng thấy đêm hôm anh ta đến thì biết là đi xin tiền. Bởi vậy tui ký check lủng cho anh ta mừng hụt chơi.
- Ông làm vậy là đồ tiểu nhân, thất đức, có tội lừa gạt người ta đó.
- Vẫn biết như vậy, nhưng lần này tui muốn cho anh ta bài học, nếm mùi cay đắng của các nạn nhân bị đảng của ảnh bịp xưa nay.
- Ông rõ thấp trí, thiếu sư phạm. Ở đời không ai lấy lừa dối để giáo hoá kẻ lừa dối. Nhưng lỡ rồi, hy vọng sau này nhờ vậy mà ảnh khá hơn lên, bỏ tật nói láo, biết nghe điều phải.
- Tui xin lỗi bà. Vậy chờ khi nào ảnh hoàn lương, ăn ở thật thà, biết lo cho dân thì tui gởi tiền thiệt về giúp cũng không muộn.
Nói xong Cậu Bảy ngó đồng hồ thấy đã hơn 3 giờ sáng, bèn giả bộ ngáp để khất nợ và nói với Mợ Bảy lời tạ từ trong đêm: “Anh chàng đi cửa hậu này làm hư hết… kế hoạch của tui đêm nay”.
Mợ Bảy nghe nói nổi xung, giơ chân đạp cho Cậu Bảy một đạp làm Cậu Bảy giựt mình tỉnh dậy và thấy mình vẫn còn nằm trên sofa, hơi thở vẫn còn nồng mùi rượu.
Thì ra là một giấc mộng, không lành, không dữ và cũng chẳng bình thường.
San Diego, June 20, 2007
Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét