Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Lãnh đạo Hạ Viện dành hầu hết thời gian đặt vấn đề nhân quyền


Chủ Tịch Nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết (trái) gặp Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (phải), trưởng nhóm thiểu số Roy Blunt (giữa), và nhiều nhân vật khác trong hàng lãnh đạo Hạ Viện. (Hình: AP Photo/Charles Dharapak)

WASHINGTON, DC (NV) - Gặp mặt giới lãnh đạo Quốc Hội Hoa Kỳ chiều Thứ Năm, Chủ Tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã phải đối diện hàng loạt câu hỏi về vấn đề nhân quyền, chiếm gần trọn hết buổi họp riêng, mặc dù ông Triết và phái đoàn Việt Nam liên tục cố gắng đổi sang nói chuyện thương mại, theo lời một dân biểu hiện diện tại cuộc gặp mặt. Dân biểu này cũng đánh giá những câu trả lời của Chủ Tịch Triết là tránh né, và cho biết Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam sẽ một lần nữa cần được đưa ra biểu quyết trong khóa họp của Quốc Hội Hoa Kỳ năm nay.

Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đã gặp sáu nhà lập pháp liên bang Hoa Kỳ trong phòng họp riêng của Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Tại đây, vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo đã là “chủ đề gần như hoàn toàn” của cả buổi gặp mặt, Dân Biểu Ed Royce cho biết trong cuộc họp báo sau đó. Dân Biểu Ed Royce thuộc đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực 40 tiểu bang California với các thành phố Buena Park, Anaheim, Fullerton, Garden Grove, v.v..

Ngoài Chủ Tịch Nancy Pelosi và Dân Biểu Ed Royce, tham gia cuộc họp còn có nhiều dân biểu cao cấp của cả hai đảng. Phía đảng Cộng Hòa có sự hiện diện của người trưởng nhóm thiểu số (Minority Leader) trong Hạ Viện là ông Roy Blunt, đại diện tiểu bang Missouri; Jim McCrery, đại diện Louisiana và là trưởng nhóm Cộng Hòa trong Ủy Ban Chuẩn Chi.

Phía đảng Dân Chủ có Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Tom Lantos, đại diện khu vực San José; George Miller, đảng Dân Chủ đại diện vùng San Pablo, Concord, Vallejo ở miền Bắc California và là chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục và Lao Ðộng.

Ðây là những nhân vật cao cấp của Hạ Viện Hoa Kỳ, có ảnh hưởng đến những đề tài mà Chủ Tịch Triết quan tâm tới: ngoại giao, thương mại, giáo dục. Tuy nhiên, những vụ đàn áp nặng tay xảy ra trong những tháng vừa qua đã khiến cho Chủ Tịch Triết không thể nói nhiều đến những đề tài trên mà phải đối đầu với những câu hỏi về nhân quyền và tự do tôn giáo.

Dân Biểu Royce cho biết, “Không phải chỉ một mình tôi mà tất cả các dân biểu có mặt đều đặt vấn đề với Chủ Tịch Triết về vụ đàn áp các nhà tranh đấu, bắt tù cả thanh niên trẻ chỉ vì họ nói chuyện dân chủ trên Internet. Phái đoàn Việt Nam cũng muốn lái qua các đề tài khác nhưng cuộc nói chuyện cứ trở về chuyện nhân quyền.”

“Hết dân biểu này tới dân biểu khác”

Ông giải thích, “Một trong những lý do tôi và các vị dân biểu khác dành gần hết thời giờ cho đề tài nhân quyền, là vì chúng tôi rất quan tâm đến việc này. Trong khi hầu hết thế giới đều đi theo hướng ngày càng dân chủ hóa, thì Việt Nam lại đi ngược lại, đàn áp những người bất đồng chính kiến và siết chặt thông tin ra vào nước họ.”

Dân Biểu Royce kể lại, “Hết dân biểu này tới dân biểu khác đều đặt vấn đề về vụ xử Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Ðây là một người không làm hại gì đến an ninh Việt Nam, một người chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận của mình, vậy mà bị bắt, bị xử trong một phiên tòa giả hiệu (“sham trial”), bị kết án 8 năm tù, bị bịt miệng khi muốn tự bào chữa.”

Ông cũng nêu những trường hợp khác: “Trường hợp những người thanh niên trẻ chỉ vì lên Internet mà bị bắt giam. Trường hợp các luật sư bị giam vì bảo vệ quyền tự do tôn giáo cho thân chủ của mình. Trường hợp các lãnh tụ tôn giáo vẫn bị đàn áp. Trường hợp 18 nhà bất đồng chính kiến bị giam từ Tháng Tám năm ngoái tới nay chưa được thả mà cũng không được xử.”

Chủ Tịch Triết đã trả lời những câu hỏi của các dân biểu. Tuy nhiên, những câu trả lời của ông bị xem là né tránh vấn đề và không đúng sự thật.

Dân Biểu Royce nói: “Những câu trả lời của Chủ Tịch Triết đều né tránh vấn đề, và không giải thích được lý do Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền.”

Dân Biểu Royce tiết lộ lời giải thích của Chủ Tịch Triết về trường hợp Linh Mục Lý: “Ông nói là hành động của chính quyền (Việt Nam) được sự ủng hộ của Giáo Hội Công Giáo. Khi chúng tôi hỏi thêm thì ông giải thích rằng chưa có giám mục nào lên tiếng phản đối cả.”

Tuy nhiên, Dân Biểu Royce không hài lòng với câu trả lời này. Ông nói, “Câu trả lời của Chủ Tịch Triết không đúng sự thật. Không giám mục nào phản đối không có nghĩa là giáo hội đồng tình và ủng hộ. Chúng ta cũng cần nhìn việc không có giám mục phản đối, trong hoàn cảnh là những người lên tiếng nói sự thật đều có thể bị bắt, bị bịt miệng. Việc không có sự phản đối công khai của các giám mục không bào chữa được cho hành động của chính quyền Việt Nam.”

Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam

Trả lời câu hỏi của báo Người Việt, Dân Biểu Royce cho biết, “Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam đã hai lần được Hạ Viện thông qua với tỷ số rất cao. Những lần trước, dự luật bị khựng lại ở Thượng Viện, nhưng lần này rất có thể sẽ không bị chặn nữa.”

Ông giải thích sự khác nhau giữa lần này và những lần trước: “Các nhà lập pháp đã biết nhiều hơn về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Cuộc đàn áp nặng tay và quy mô bắt đầu từ Tháng Tám năm ngoái đã gây ấn tượng mạnh. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng đã đưa nhiều thông tin tới các nhà lập pháp hơn.”

Ngoài việc đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo, ông Royce cho biết ông cũng quan tâm đặc biệt đến Ðài Phát Thanh Á Châu Tự Do (Radio Free Asia - RFA). Ông nói, “Tôi là một trong những dân biểu bảo trợ đạo luật lập ra đài phát thanh RFA, và tôi rất quan tâm khi được biết Việt Nam đã phá làn sóng của đài RFA khiến đài này không nghe được tại Việt Nam.”

Ông đã nêu vấn đề phá sóng đài RFA trong buổi gặp mặt và đồng thời nhắc đến vấn đề này trong bức thư trao tận tay Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết. Bức thư này, một bản báo Người Việt có được, ngoài trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý còn nêu đích danh trường hợp những nhà bất đồng chính kiến đang bị giam, trong đó có nhiều thành viên Khối 8406, Hiệp Hội Ðoàn Kết Công Nông Việt Nam, đảng Dân Tộc Việt Nam, cũng như các mục sư Tin Lành hoạt động truyền giáo.

Dân Biểu Royce kết luận, “Rốt cuộc mà nói, phái đoàn đến từ Việt Nam đã nhận thấy phản ứng từ tổng thống Hoa Kỳ, các dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ, và thấy rằng vấn đề nhân quyền sẽ phải là một vấn đề ưu tiên trong bang giao hai nước.” (H.N.V.) (@NguoiVietOnline)

Không có nhận xét nào: