Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lắng nghe?

Phan Tường Vi lược dịch

Bị chỉ trích nghe điếc con ráy, nhưng liệu Hà Nội có biết lắng nghe?

Chủ tịch nước Việt Nam đi Hoa Thịnh Đốn (Washington, D.C.), nhằm tìm kiếm đầu tư nhưng tứ bề thọ địch vì sự bất mãn nhà nước Việt Nam đàn áp nhân quyền.

Chuyến đi thăm chính thức Hoa Kỳ kéo dài sáu ngày của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết bắt đầu hôm 18 tháng Sáu, là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một quốc trưởng Việt Nam kể từ ngày cuộc chiến Việt Nam chấm dứt 32 năm về trước.

Trong lúc điều này được xem như là một thành tựu có ý nghĩa to lớn về phương diện ngoại giao, thì chuyến đi này cũng là gánh nặng cho ông Triết với nhiệm vụ chẳng mấy ai ham là biện minh cho những chính sách của chế độ của ông ta và cùng lúc hô hào kêu gọi thêm giới đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam. Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam bị những người hoạt động bảo vệ nhân quyền chỉ trích dữ dội, bày tỏ sự choáng váng của họ trước những hành động trấn áp những người bất đồng chính kiến của nhà cầm quyền Việt Nam xảy ra hồi gần đây.


Quan tâm về vấn đề nhân quyền

Ở trong nước, ông Triết đã cố gắng cho người ta thấy mình qua hình ảnh của một người làm ăn thân thiện và trong sạch. Như là bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương vào giữa thập niên 1990, ông chủ trương một số chính sách được những nhà đầu tư ngoại quốc và địa phương ưa chuộng. Về sau, khi trở thành bí thư thành ủy Sài Gòn, ông được công nhận như là có công lớn trong việc phát động chiến dịch chống băng đảng tội phạm Năm Cam, qua đó đã hạ bệ một số cảnh sát và viên chức cao cấp. Vì vậy, vào năm 2006 khi đảng Cộng Sản chấp thuận bổ nhiệm ông vào vai trò Chủ tịch nước, ông và ông tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem như là những người đại diện cho phe đổi mới trong đảng Cộng Sản đương cầm quyền.

Tờ báo Financial Times tuần này đã miêu tả ông chủ tịch như là một người “lịch sự, có thái độ thân thiện cởi mở trong vấn đề làm ăn và rất muốn bày tỏ mình như là một người đáp ứng nhạy cảm với quần chúng.” Nhưng một vài người đã biết Triết và theo dõi ông ta qua cuộc phỏng vấn đã nói rằng ông Triết chẳng lịch sự và cũng chẳng có gì để lôi cuốn quần chúng. Trong một đất nước mà các chính khách hiếm khi bị thách đố trước công luận, thì Triết, cho dẫu là một con người tốt, cũng thường phát biểu và đọc những bài diễn văn chán như cơm nếp nát.

Hoa Kỳ giờ đây là đối tác thương mãi lớn nhất của Việt Nam và có những quan hệ song phương gần gũi nhất kể từ khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền trên toàn cả nước năm 1975. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, Hà Nội đã tiến hành một chiến dịch đàn áp các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa được xem như một trong những cuộc đàn áo dã man nhất trong vòng 20 năm qua. Tối thiểu, có tám nhà hoạt động kêu gọi dân chủ bị bắt và kết án, bao gồm Linh mục Nguyễn Văn Lý bị kết án tám năm tù. Hôm tháng Năm, hai nhà luật sư Hà Nội đấu tranh cho nhân quyền bị bỏ tù vì “tội tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng Sản”, chỉ một ngày sau khi ba nhà đấu tranh khác bị kết án tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh.

Để bày tỏ sự quan tâm của mình, hôm 29 tháng Năm, Tổng thống George Bush và Phó Tổng thống Cheney đã tiếp bốn người Mỹ gốc Việt vận động cho dân chủ ở tòa Bạch Cung.

Khi áp lực từ bên ngoài ngày càng dữ dội, thì chỉ một vài ngày trước chuyến đi của Triết, Việt Nam đã thả hai người bất đồng chính kiến, một trong hai người này đã bị bắt ngay sau khi ông ta trở về Việt Nam sau khi theo học chương trình ở National Endowment for Democracy, Hoa Kỳ.


Chủ nghĩa độc tài mềm mỏng

Từ giữa thập niên 1990, có thể nói là Việt Nam bước vào con đường “độc tài mềm mỏng”. Như Francis Fukuyama gợi ý, cái khái niệm của độc-tài-mềm-mỏng hay độc-tài-kiểu-mới, đã trở thành gần gũi, phổ biến như một “đối lực có khả năng chống lại nền dân chủ tự do phương Tây”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Triết hôm tháng Năm, tờ nhật báo Đức Der Spiegel đã hỏi Triết ở Việt Nam ngày nay, người dân có thể chỉ trích đảng, nhưng liệu họ có thể đặt vấn đề với sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Triết trả lời, “Tôi đã thường có những thảo luận với những người đòi hỏi đa nguyên và nhiều hơn thế nữa. Người ta có thể thảo luận những chuyện này chứ, nhưng chỉ được thảo luận trong khuôn khổ luật định.”

Khi chủ tịch nước Việt Nam nói người ta có thể thảo luận “đa nguyên và nhiều hơn thế nữa”, nhưng “chỉ được thảo luận trong khuôn khổ luật định”, có một phần sự thật trong câu phát biểu của ông ta. Cái không gian tự do phát biểu được nới rộng ra khi Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế từ năm 1986, áp lực cho sự thay đổi chính trị cũng đi kèm theo từ đó. Có điều, khi đảng Cộng Sản nói về cải tổ chính trị, họ ngụ ý là cải tổ hành chánh, nhằm mục đích gia tăng hiệu qủa lãnh đạo của nhà nước và ngõ hầu lách được những hăm dọa kêu gọi dân chủ hóa.

Theo AFP, trong thời gian ở Washington, D.C., Triết sẽ bị “nghe cho điếc con ráy những phàn nàn về vấn đền nhân quyền” từ Tổng thống của một siêu cường quốc bậc nhất thế giới. Vấn đề là: “Liệu ông Triết, và cái đảng Cộng Sản của ông, có lắng nghe?”

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Hoa Kỳ trước khi đi, ông Triết đã “biện minh cho sự đàn áp những người bất đồng chính kiến của ông ta và gạt bỏ cái ý niệm cho rằng Việt Nam đàn áp nhân quyền,” AFP đã đưa tin nhu thế. Cái câu “cuộc đàn áp của ông” là không đúng, dễ đưa đến ngộ nhận bởi làm người ta tưởng rằng chủ tịch nước Việt Nam là một nhà lãnh đạo có tiếng nói quyết định để thi hành những chính sách của mình. Nói “sự đàn áp của ông” cho người nghe cảm tưởng như là ông Bush có thể thuyết phục được ông Triết qua một bữa ăn tối, rồi mọi chuyện sẽ thay đổi ở Việt Nam.

Nhưng hệ thống quyết định dựa trên ý kiến tập thể vẫn tồn tại ở Việt Nam. Quyết định tối hậu chỉ nằm trong một nhóm nhỏ ủy viên Bộ Chính trị. Kể từ khi Lê Duẩn, người cầm cân nảy mực đảng Cộng Sản Việt Nam qua ba thập kỷ, qua đời năm 1986, nền chính trị do một người có thế lực nhất quyết đoán dần bị loại bỏ. Bây giờ Bộ Chính trị có một cơ sở quyền lực mới, một cơ sở mà không ai trong đó có đủ năng lực để lấn người khác.

Cũng vì vậy mà có nguồn tin đồn cho rằng cuộc đàn áp vừa xảy ra đây là kết quả của phe thân Trung Quốc, vì họ không muốn Việt Nam có một quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Nếu điều đó là thật, thì đợt thả những nhà hoạt động sau một loạt tòa án được thiết lập nhằm để thảy họ vô tù nói lên được một điều là ngay cả nhóm chủ trương cứng rắn trong Bộ Chính trị cũng không thể làm ngơ trước sự đòi hỏi của thế giới bên ngoài.

Và chúng ta nên nhớ rằng khi một chế độ độc tài toàn trị đang bị áp lực từ bên ngoài, thì những phe nhóm bên trong nội bộ, bất luận dị biệt nhau như thế nào, cũng đều có khuynh hướng kết bè với nhau. Khi có nhu cầu cần thiết phải đoàn kết trong nội bộ đảng, họ sẽ kêu gọi sự thỏa hiệp. Bất luận gọi ông ta với bất kỳ nhãn hiệu nào, nhưng chắc chắc Triết không phải là loại người đề xướng và bênh vực cho nền dân chủ tự do.

Chế độ này đang dựa vào sự phát triển kinh tế như là điểm tựa chính cho sự độc quyền lãnh đạo chính thống của mình. Nhưng liệu đảng Cộng Sản có ngăn chận được tiến trình dân chủ hóa toàn diện hay đảng cầm quyền đang sống cầm hơi ngày nào hay ngày đó thì lại là chuyện khác, hứa hẹn nhiều tranh cãi.


© DCVOnline


------------------------------------------

Nguồn: An earful of criticism, but will Vietnam listen?

Không có nhận xét nào: