Việt Hoàng
Đây là câu nói của đương kim chủ tịch nước Việt Nam (VN) Nguyễn Minh Triết trong chuyến công du Hoa Kỳ cuối tháng 6 năm 2007 vừa qua. Câu nói này của vị nguyên thủ quốc gia VN “có vẻ” rất thành thật, có vẻ chân tình và có người cũng có vẻ tin vào những lời nói kiểu này. Dù sao đi nữa ông Triết cũng là đương kim “tổng thống” của một quốc gia (dù là cộng sản) vẫn luôn muốn trở thành những người bạn, là đối tác “tin cậy” với bạn bè trên thế giới.
Đây là câu nói của đương kim chủ tịch nước Việt Nam (VN) Nguyễn Minh Triết trong chuyến công du Hoa Kỳ cuối tháng 6 năm 2007 vừa qua. Câu nói này của vị nguyên thủ quốc gia VN “có vẻ” rất thành thật, có vẻ chân tình và có người cũng có vẻ tin vào những lời nói kiểu này. Dù sao đi nữa ông Triết cũng là đương kim “tổng thống” của một quốc gia (dù là cộng sản) vẫn luôn muốn trở thành những người bạn, là đối tác “tin cậy” với bạn bè trên thế giới.
Đứa nào nói láo trời đập tan đảng của nó!
Thế nhưng vẫn có câu “nói vậy mà không phải vậy” hoặc “đừng nghe cộng sản nói mà hãy nhìn cộng sản làm”... Và chúng ta hãy cùng suy ngẫm và cùng nhìn vào cuộc biểu tình của bà con nông dân các tỉnh Nam Bộ đang tập trung ở văn phòng Quốc hội 2 tại Sài Gòn.
Bao nhiêu cố gắng của bản thân ông Triết cũng như bao nhiêu câu nói, bao nhiêu nhắn nhủ “chân tình”, bao lời kêu gọi thiết tha như “Người Việt hải ngoại là máu của máu VN, là thịt của thịt VN”, “sống trên đời để làm gì? Là để thương yêu nhau!”, là “đồng bào hãy về nước để chứng kiến những thành quả mà đảng đã làm được cho dân cho nước”, “đồng bào mình “thiếu thông tin” trong nước nên không hiểu và thông cảm cho chính quyền”, v.v và v.v… đều vô nghĩa khi chúng ta biết được các cuộc biểu tình đòi công lý của bà con VN ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bước sang tuần thứ 3 mà vẫn không được chính quyền giải quyết.
Tất cả các quan chức của đảng, của chính phủ đều “mù” và “điếc” đã đành, thế nhưng còn các vị “đại biểu quốc hội”, các cơ quan báo chí, truyền thông thì đâu hết? Họ cũng “mù” luôn hay sao? Sau hơn hai tuần thì ngày 7/7/2007 báo Tuổi trẻ, một tờ báo có vẻ như là “tiến bộ” nhất mới lên tiếng mà lên tiếng một cách rất kỳ quặc là công bố về việc Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền gửi công điện đến Chủ tịch UBND các tỉnh thành về việc giải quyết tình trạng biểu tình của nhân dân (hay gọi một cách bóng bẩy và “văn chương” là “công dân tập trung đông người khiếu kiện”).
Ngay cả trong “công điện” này cũng có nhiều điều đáng nói, đó là việc ra lệnh cho các chính quyền địa phương nhanh chóng “chấm dứt tình trạng khiếu kiện đông người” như kiểu nhanh chóng dập tắt các ổ dịch cúm gia cầm vậy.
Công điện cũng yêu cầu “kiên quyết xử lý những kẻ kích động”! Ghê chưa? Như vậy công an có thể hiểu (và diễn nghĩa) rằng các cuộc biểu tình là do các “thế lực thù địch” kích động và phải nhanh chóng tìm ra những tên đứng đằng sau để tiêu diệt!
“Thế lực thù địch” nào đứng đằng sau để kích động người dân biểu tình vậy? Bà Vũ Thanh Phương, từ tỉnh Đồng Nai, một người tham gia khiếu tố tại Sài Gòn BBC hay rằng “Đa số những người biểu tình muốn đòi lại quyền lợi của họ, như đất đai bị các quan chức tước đoạt của nhân dân. Những vụ mới nhất, đại đa số có liên quan đến việc địa phương lấy đất xây các khu công nghiệp, khu dân cư, nhưng không đền bù thỏa đáng và không tái cấp đất đai đúng luật đã quy định”.
Một người khác cho biết: “Dân từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang và Long An bám trụ ở đây 15 – 20 ngày rồi, còn người dân Bến Tre mới chỉ tới đây khoảng 4 ngày. Chúng tôi yêu cầu trả lại đất tập đoàn, đất đền bù không thỏa đáng”.
Một người khác nói thêm: “Yêu cầu giải quyết đất tập đoàn của tỉnh Bến Tre bị cán bộ tự động lấy rồi chia chác, bán cho người này người nọ”.
Ông Nguyễn Văn Tư, một người biểu tình ở Cần Thơ cho đài RFA biết: “mục tiêu đòi hỏi của chúng tôi là bà con người ta có chứng từ, chứng khoán cũ từ hồi trước và chưa nhận bồi hoàn, người ta đòi lại đất thì nông trường với tỉnh Cần Thơ không trả. Điểm thứ hai là chúng tôi đòi tất cả các khoảng đất mà Nông Trường Sông Hậu do bà Trần Ngọc Sương thu từ trước đến giờ mà không có chủ trương của nhà nước thì phải trả phấn đất đó cho nhân dân chúng tôi”. Và ông kết luận “Điều chúng tôi đang nghĩ đến là phải đòi lại quyền công dân của mình”.
Đến đây chúng ta có thể nhận ra “thế lực thù địch” nào đẩy bà con nông dân đến nông nỗi này! Thế lực đó là chính các quan chức và chính quyền cộng sản ở các địa phương có người dân khiếu kiện.
Chúng ta cũng hiểu được đâu là nguyên nhân chính của vấn đề? Đó là việc pháp luật qui định “đất đai thuộc sỡ hữu toàn dân” và các quan chức cộng sản đã lợi dụng điều luật này để thu hồi đất của bà con nông dân vô tội vạ và đền bù cho họ một cái giá rẻ mạt và sau đó bán lại với giá cao ngất ngưỡng, tạo ra sự giàu có khủng khiếp cho các quan chức cộng sản và đương nhiên cũng tạo ra những bất công và tai ương cho nhiều người nông dân vô tội và thấp cổ bé họng. Đẩy họ vào đường cùng, khiến cho họ hết cả sợ hãi, khăn gói lên thành phố để biểu tình.
Để giải quyết tận gốc tình trạng này thì đảng cộng sản phải nhanh chóng thông qua luật công nhận “quyền sỡ hữu tư nhân”.
Cùng với việc “công nhận quyền sỡ hữu tư nhân” nhà nước phải công bố các dự án qui hoạch thành phố, các khu công nghiệp một cách đầy đủ, chi tiết và minh bạch về thời gian cũng như giá cả đền bù. Giá đền bù phải hợp lý theo mặt bằng chung của thị trường, làm sao để sau đó người nông dân nếu không có cuộc sống khá hơn thì ít ra cũng phải bằng cuộc sống của họ trước lúc bị qui hoạch. Nhà nước không thể ngụy biện bằng cách nói rằng “vì quyền lợi của quốc gia” mà hy sinh quyền lợi của một số bộ phận người dân. Bất cứ một chế độ sáng suốt và có tình người nào cũng không được đẩy nhân dân mình vào đường cùng, bởi “bần cùng” sẽ sinh “đạo tặc”. Khi người dân bị mất tất cả họ sẽ làm liều và gây ra nhiều hậu quả tai hại cho chính quyền.
Đã bước sang tuần thứ ba mà đảng cộng sản vẫn chưa có động thái giải quyết gì ngoài việc động viên họ trở về quê để giải quyết. Nói đúng ra chính quyền không thể giải quyết tận gốc vấn đề này được vì nó đụng chạm đến quyền lợi của các quan chức địa phương. Mà các quan chức này cứ dựa vào “luật” để tham nhũng và kiếm chác. Minh bạch là chuyện không thể thực hiện được với cộng sản vì như vậy thì làm sao mà tham nhũng được? Biện pháp của chính quyền là “thi gan” với người dân. Đồng thời ngăn cản không cho bà con biểu tình tiếp xúc với người dân thành phố, dọa nạt xua đuổi những người đến chia sẻ và ủng hộ bà con khiếu kiện. Đây là những hành động rất vô nhân đạo của chính quyền cộng sản, đều là dân một nước, đều từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ mà ra, thế nhưng chính quyền lại đối xử với nhân dân rất tàn tệ. Không cho người tiếp tế đồ ăn, thức uống, thậm chí đóng cửa cả nhà vệ sinh công cộng. Trong lúc đó ông Triết đang gào lên trên đất Mỹ rằng “Sống ở trên đời là để yêu thương nhau!” Ông Kiệt ở đâu rồi? Sao không thấy ông nói gì? Hay là mạng của những người dân đen này không bằng mấy con hổ ở Bình Dương mà ông đã lên tiếng bênh vực hôm nào?
Trước thái độ lì lợm và hung hăng của chính quyền cộng sản và đám công an tay sai người dân đã hành động như thế nào? Vẫn theo lời bà Vũ Thanh Phương thì: “Chúng tôi kiên quyết cứ nằm đây cho tới khi thủ tướng có hướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm, chứ không để địa phương đón về giải quyết như trước. Vì chúng tôi không tin họ nữa rồi”.
Người nông dân Việt Nam thật là khôn khéo và thông minh khi chọn phương pháp đấu tranh ôn hòa và kiên quyết theo kiểu... Chí Phèo ngày xưa. Có lẽ người Việt nào cũng biết đến nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm “Làng Vũ Đại ngày đấy” của nhà văn nổi tiếng Nam Cao. Thường thì chúng ta chỉ biết đến Chí Phèo như một nhân vật cùng đinh, nghèo khổ, hay rượi chè, chửi bậy và đã dọa được cả cụ Bá Kiến, một nhân vật chức sắt và có máu mặt trong làng Vũ Đại. Theo tôi tác phẩm và nhân vật không dừng lại ở đấy mà thông qua tác phẩm này nhà văn đã “ghi lại” một phương pháp đấu tranh rất hữu hiệu để chống lại tầng lớp thống trị lúc bấy giờ. Phương pháp đó là “cùn”, “lì” và sẵn sàng “ăn vạ”.
Khi Chí Phèo đến xin tiền Bá Kiến, Bá Kiến dọa bắt Chí Phèo bỏ tù thì Chí Phèo trả lời “Làm người lương thiện rất khó, con cũng đang muốn được ở tù đây! Ở tù để được quan gánh gạo nuôi cơm hai bữa, chứ ở ngoài tù con không kiếm nổi cơm ăn”.
Khi Bá Kiến nổi giận vì thấy Chí Phèo lì quá nên tát Chí Phèo một cái thế là Chí Phèo lấy mảnh chai tự rạch mặt mình và tru tréo lên là cụ Bá Kiến giết người, thế là Bá Kiến hoảng quá phải làm lành và đưa tiền cho Chí Phèo. Và cứ thế mỗi khi cần tiền là Chí Phèo đến xin cụ Bá.
Phương pháp ấy đang được người nông dân VN áp dụng, chính quyền cùn thì dân càng cùn hơn, cứ nằm lì ở những chỗ đông người, các cơ quan đầu não của chính phủ và sẵn sàng “ăn vạ” khi có người nước ngoài đi qua hay khi có người chụp ảnh, quay phim... Chính quyền VN rất sợ dư luận, nhất là dư luận quốc tế.
Người Việt hải ngoại, những người dân chủ phải tiếp sức cho bà con mình bằng cách đánh động dư luận trong và ngoài nước, âm thầm tiếp tế đồ ăn thức uống cho bà con thông qua những người xe ôm, xích lô, bán dạo. Những nhà dân chủ rất quan tâm đến bà con nhưng họ không thể đến đấy được vì họ đang bị quản chế theo dõi và sự xuất hiện của họ khiến đảng cộng sản lu loa lên là bà con bị bọn “phản động” và các “thế lực thù địch” kích động, lôi kéo, xúi giục... Bà con thành phố hãy tiếp sức cho họ bằng những lời nói và sự động viên, chia sẻ. Hãy cố gắng tiếp tục gửi những thông tin và hình ảnh của bà con ra bên ngoài. Kêu gọi các tổ chức phi chính phủ can thiệp giúp đỡ nhân đạo cho bà con. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”.
Những người công an đang được giao nhiệm vụ theo dõi, canh chừng những người đang biểu tình hãy hành động theo lương tâm của mình, tất nhiên nhiệm vụ đảng giao thì phải thi hành nhưng hãy nhẹ tay và biết phân biệt phải trái đừng để rồi lương tâm phải day dứt, ân hận. Các Bà, các Mẹ, các Chị... đang đòi quyền sống cho mình chứ không làm điều gì sai trái.
Còn ông Triết và 14 vị trong Bộ chính trị? Ông Triết ơi! Ông đang ở đâu? Ông hãy đến với những người đang biểu tình đi và ông có còn nói nổi rằng “Sống ở trên đời là để yêu thương nhau” nữa không?
Và ông hãy làm một cái gì đi chứ?
Moscow, 10/07/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét