Thứ Tư, 11 tháng 7, 2007

Hãy làm một cái gì đó để không ân hận !

Bài của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng) viết đêm 9 tháng 3 năm 2007, tức là ba ngày sau khi Công an Cộng sản Hà nội đột kích bắt giam hai nhà trí thức Việt Nam tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền - luật sư Nguyễn Văn Đài và nữ đồng nghiệp của ông, luật sư Lê Thị Công Nhân. Kể từ ngày 6 tháng 3 năm 2007, bốn tháng nặng nề trôi qua trong trại tù của một chế độ phi nhân phi nghĩa. Thế giới đều biết rằng Cộng sản Hà nội vừa mở một đợt trấn áp nghiêm trọng nhứt từ 20 năm qua. Trong ‘chiến dịch khủng bố’ qui mô đó, nhà cầm quyền cộng sản đã đối xử rất tàn nhẫn và giam cầm độc đoán nhiều nhà văn, nhà báo, dân chủ đối kháng. Đó là những người dấn thân tự nguyện, chỉ có ngòi bút, tiếng nói và tấm lòng đối với dân tộc và quê hương. Họ tranh đấu đòi quyền tự do phát biểu, thông tin, lập hội và quyền bênh vực các từng lớp xã hội thấp cổ bé miệng. Nhứt là công nhân và nông dân nạn nhân của một bộ máy thống trị cường bạo đạt đến đỉnh cao của sự bất công, dối trá và nhũng lạm. Đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chúng ta nhớ đến, với niềm tri ân, nhà dân chủ đối kháng trẻ tuổi Lê Thị Công Nhân và người bạn đồng nghiệp chí hữu của cô, luật sư Nguyễn Văn Đài, mà chúng ta quý mến và ngưỡng mộ. Cũng với niềm tri ân, chúng ta sẽ liên tưởng đến nhiều người tù chính trị, ngôn luận và lương tâm bị giam cầm trước và sau ngày 6 tháng 3 năm 2007. Không thể kể hết, nhưng ít nhứt, có những trường hợp gần đây, như linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Nguyễn Phong, ông Nguyễn Bình Thành, ông Lê Nguyên Sang, ông Huỳnh Nguyên Đạo, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Trần Quốc Hiền, bà Bùi Kim Thành, bà Trần Khải Thanh Thủy, cô Nguyễn Thị Thùy Trang, ông Lê Trung Hiếu, ông Trương Quốc Huy, ông Vũ Hoàng Hải, ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Phạm Bá Hải, v.v.

Đêm nay, chúng tôi cùng nghe lại tiếng nói của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hải Phòng nhắn gởi chúng ta:

Hãy làm một cái gì đó để không ân hận !

Tôi hân hạnh được gặp LS Nguyễn Văn Đài 2 lần; lần thứ nhất tại tư gia BS Phạm Hồng Sơn vào chiều ngày 23 tháng 10 sau khi BS Phạm Hồng Sơn ra khỏi nhà tù cộng sản được hơn một tháng. Lần đó tôi còn được gặp tại đây cả kỹ sư Nguyễn Phương Anh, Kỹ sư Bạch Ngọc Dương, rồi còn được kỹ sư Nguyễn Phương Anh chở bằng xe gắn máy đến tư gia thăm cử nhân Nguyễn Khắc Toàn (cũng mới được phóng thích do áp lực của dư luận trong và ngoài nước).

Dù ngay chiều tối hôm ấy, khi một mình ra khỏi nhà anh Nguyễn Khắc Toàn bị công an Hà Nội chặn giữ vu cáo tiêu thụ tiền giả và bị câu lưu 4 giờ đồng hồ, tôi vẫn coi đó là cuộc hội ngộ trời ban. Không dễ gì trong sự bao vây, chia cắt và đe doạ của công an mà trong một buổi chiều tôi được gặp gỡ nhiều gương mặt trí thức tiêu biểu của Hà Nội đang dấn thân đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền đến vậy.

Lần thứ hai tôi được gặp LS Nguyễn Văn Đài vào ngày đi dự tang lễ cụ Nguyễn Như Bá, thân sinh tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, một trong những yếu nhân khởi xướng phong trào dân chủ từ những ngày đầu tiên. Những phút gặp gỡ ngắn ngủi ấy tuy chúng tôi không nói với nhau được bao nhiêu, nhưng cũng đủ để quý nhau, kính trọng nhau. Chúng tôi đâu có nhu cầu biến mỗi cuộc gặp gỡ hiếm hoi kia thành một buổi sa lông chính trị. Đáp số về chủ nghĩa cộng sản độc tài phản động, chủ nghĩa đa nguyên tiến bộ, hợp quy luật đã được giải quyết trong các tác phẩm của những nhà triết học uyên bác từ những thập kỉ của thế kỷ XX ở nước ngoài và cả trong nước; và cũng đã được minh chứng bằng thực tiễn mà nhân dân Việt Nam, trong đó có chúng tôi trải nghiệm. Vấn đề bây giờ là chúng tôi có cơ hội gặp nhau, được nhìn thấy và được bắt tay những con người dị sàng đồng mộng.

Cũng như vậy, tôi được gặp nữ LS Lê Thị Công Nhân chỉ hai lần.

Như các bản tin dân chủ đã đăng tải trên mạng ykien.net, www.thongluan.org , ngoài vỉa hè và trong nhà tang lễ cụ Nguyễn Như Bá hôm ấy dày đặc công an. Vượt qua những cặp mắt soi mói thù hận vô cớ của một thứ công cụ vô cảm, chúng tôi mang theo tâm trạng chia sẻ đau buồn với tang chủ, nhưng bên cạnh đó vẫn tay bắt mặt mừng vì được gặp nhau.

Khi Lê Thị Công Nhân xuất hiện, chúng tôi ngắm cô từ xa với thứ tình cảm trộn lẫn giữa kính trọng, quý mến và quan ngại.

Nhìn Lê Thị Công Nhân, tôi ao ước được nhìn thấy cô trên sàn diễn thời trang, trên kịch trường hoặc một cuộc thi hoa hậu chứ không phải giữa vòng vây dày đặc của mật vụ Hà Nội. Thế nhưng, cuộc đời là thế! Từ một mẩu xương sườn của ông Adams, Chúa Trời đặt Jeanne d’Arc xuống mặt đất, dù là chốn trần ai, nhưng không phải để chết, thế mà cô đã chết như một liệt nữ cho nền tự do của nhân dân Pháp.

Lê Thị Công Nhân lọt vào giữa chúng tôi với một chiếc khăn len rộng màu trắng vắt hờ qua đầu, một thân hình nhỏ nhắn trong bộ váy áo màu đen xám sang trọng và nụ cười trẻ trung, tự tin, thông minh cùng một bàn tay dịu dàng. Với riêng tôi cô nói thêm bằng thanh đới trong trẻo, dịu dàng và tin cậy:

- Cháu có đọc những bài viết của chú !

Tôi ước được nắm chặt bàn tay cô thật lâu. Đó là một chiếc lá xanh non của một thân cây xanh non nổi bật giữa hàng ngàn thân cây còn xanh mà đã tàn úa tâm hồn và ý chí đang qua lại ngoài kia vì bị đầu độc bởi học thuyết cộng sản từ trong ghế nhà trường hoặc bị ném vào chiếc máng bố thí bổng lộc của chính quyền, hoặc bị nhào nặn thành nô lệ của nỗi sợ cường quyền, thành những viên bi óng ánh trên truyền hình, trên sàn thời trang, trong hộp đêm và các kỳ thi tuyển Speaker… đặng thay tấm khăn voan che đậy một xã hội ô nhục .

Tôi không có can đảm để nói với Lê Thị Công Nhân rằng tôi ước có một người con gái như cô; bởi ngoài tư chất là một người con gái dịu dàng, xinh đẹp, thông thái, có học vấn, Lê Thị Công Nhân còn mang tư chất của một nhân vật của cộng đồng đau khổ và đang biết phản kháng, một thủ lĩnh tinh thần cho ngay cả lớp đã có tuổi như tôi nữa.

Ngay tại nhà tôi đây; lần thứ hai tôi được gặp cô. Đó là ngày mồng bốn tết Đinh Hợi, sau sự kiện công an Hà Nội đàn áp các nhà dân chủ trẻ tại Văn phòng luật sư Thiên Ân. Bà Trần Thị Lệ (thân mẫu) và LS Lê Thị Công Nhân đã mang đến gia đình tôi một hân hạnh to lớn. Không phải chỉ có tôi, vợ tôi và những anh em dân chủ Hải Phòng có mặt hôm ấy, phải ngỡ ngàng, bối rối; mà hai người bạn của vợ tôi, nghe vợ tôi giới thiệu cũng phải sửng sốt.

Lúc ấy Ông Nguyễn Mạnh Sơn đã rỉ tai tôi khen rằng tôi đã “tổ chức được một buổi gặp gỡ để đời”. Nào tôi có công gì trong ngày hôm ấy. Chúng tôi phải cảm ơn Chúa. Chúa đã cho chúng tôi được hội ngộ một lần nữa với cô và lần đầu tiên với mẹ cô.

Tiết trời hôm ấy nóng ấm khác hẳn tiết trời của những cái tết đã qua cộng với không khí nồng nhiệt của những con người chấp nhận hiểm nguy đấu tranh cho lý tưởng dân chủ gặp nhau tạo ra, khiến vợ tôi phải bật quạt máy. Mẹ con LS Lê Thị Công Nhân ăn rất ít. Với Lê Thị Công Nhân, lúc đó tôi chỉ biết cô đã 28 tuổi, chưa xây dựng gia đình; sau này tôi còn biết thêm khi cô chưa hoạt động dân chủ không ít thanh niên thức giả đã coi cô là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời. Rồi tất cả cụp đuôi quay gót khi người chủ vượt qua được cái ngưỡng sợ hãi để bước vào con đường phấn đấu cho nền dân chủ của đất nước, còn họ thì không.

Một ai đó nhắc lại câu trả lời phỏng vấn của bà Trần Thị Lệ trước đài RFA: “Không có lý do nào để một đảng muốn thành lập lại đi xin phép một đảng khác”.

Lê Thị Công Nhân nói rất ít để nhường lời cho mẹ. Với giọng Nam bộ, thanh, mỏng dễ nghe, vừa sang trọng vừa khiêm nhường bởi được giáo dục trong nền văn hoá nhân bản của chế độ cũ phi cộng sản, Bà Lệ kể lại cho chúng tôi nghe những lần công an Hà Nội chất vấn bà về hoạt động dân chủ của con gái và cái cách trả lời lại họ, vừa bảo vệ được lý tưởng của con, vừa mềm mỏng và thấu tình đạt lý. “Con gái tôi chính nghĩa! Con gái tôi là người yêu nước, yêu nhân dân Việt Nam…. Đó là những câu của bà tôi còn nhớ từ đài RFA. “Ai trong chúng ta không có một người mẹ! Ai trong chúng ta không nhận được sự yêu thương lo lắng của người mẹ trên từng bước đi chập chững cho đến tuổi dựng vợ, gả chồng, tránh xa chông gai, hệ luỵ để yên ổn làm ăn, chăm sóc gia đình?. Nhưng chấp nhận đặt đôi chân mỏng mảnh như tơ lụa trên con đường dân chủ đầy chông gai và hiểm hoạ này, mấy ai có một người con như LS Lê Thị Công Nhân và một người mẹ như bà? Đấy phải chăng là hình mẫu của người con gái Việt Nam anh hùng và một người mẹ Việt Nam anh hùng trong một tương lai không xa, đạp đổ hình ảnh phi nhân tính và thô lậu của những “người mẹ Việt Nam anh hùng” made in cộng sản mụ mị tiễn con vào chốn nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn trong cuộc nội chiến Bắc- Nam gây bao đau thương di hận.

Cuộc vui nào cũng có hồi kết. Khi chỉ còn lại chúng tôi, ông Vũ Cao Quận so sánh Lê Thị Công Nhân với một chiếc li pha lê, trong suốt, mỏng manh. Ông nói rằng với một người hoạt động dân chủ, ông luôn ao ước có cô, một cô gái xinh đẹp, thông minh, can tường trong lực lượng, một bông hoa giữa gió sương phũ phàng để có cái noi gương và có cái bảo vệ, nhưng với tâm trạng của một người bố, ông không thể đành lòng để Lê Thị Công Nhân nhiều phen phải ” trần trụi giữa bầy sói” khi bước vào con đường hoạt động chính trị. Còn tôi ví Lê Thị Công Nhân như một viên kim cương quý hiếm đã được mài giũa rực sáng lên, cả trong đời thường và môi trường chính trị

Sau buổi hội ngộ hôm ấy, chúng tôi lần lượt bị công an Hải Phòng “mời làm việc”. Sẽ chẳng có bài viết này nếu vào chiều ngày 07-3 tôi được tin luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị bắt qua bản tin và bình luận của giới đĩ bút, đĩ mực trong nước.

Bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân sau vụ bắt giam linh mục Nguyễn Văn Lý đầu tết Đinh Hợi, khép những nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ này vào tội danh ” tuyên truyền chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chính quyền cộng sản đã phơi bày bộ mặt nham hiểm, đổi trắng thay đen vi phạm Hiến pháp, vi phạm công ước nhân quyền quốc tế mà họ đã ký kết. Vì các vụ bắt giam này xảy ra sau khi được gia nhập WTO, ký được hiệp định thương mại Việt -Mỹ, được rút tên ra khỏi danh sách LHQ quan tâm về tôn giáo nên mang nặng thêm yếu tố ” khỏi vòng cong đuôi” của một chính đảng tồn tại bằng lừa đảo.

Như chúng ta đã biết, tất cả các nước (trừ 4 nước cộng sản còn sót lại) không ở đâu và một chính đảng nào được phép dùng bạo lực đàn áp một chính đảng khác; cũng không một chính phủ nào dám coi việc chỉ trích Chính phủ là “chống lại Nhà nước”. Tương tự như vậy không còn một lực lượng cảnh sát nào và ở đâu là công cụ của một chính đảng đàn áp một đảng đối lập. Tôi tha thiết kêu gọi ĐCSVN và lực lượng CAND Việt Nam hãy suy nghĩ thật nghiêm túc hành vi họ đang làm để không bị mang tiếng là một chính đảng man rợ cùng một công cụ rừng rú trong sinh hoạt chính trị cộng đồng nhân loại. Bạo lực đang và sẽ bị loại trừ hoàn toàn khỏi đời sống chính trị và xã hội loài người (trừ xã hội loài vật) Với Lê Thị Công Nhân, tôi kêu gọi các người hãy thận trọng.

“… nhưng có lẽ nào chúng ta chỉ có thể làm được đến thế!? Thế giới văn minh phát triển về nhân văn, nhân quyền, văn hoá và kinh tế không lẽ chúng ta chỉ làm được như vậy đối với công cuộc đấu tranh giành nhân quyền, dân chủ và tự do của người Việt Nam chúng tôi !?“. Tôi xin nhắc lại đoạn kêu gọi này của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân từ Hà Nội gửi qua cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt tại Nam California trước khi cô bị bắt; và xin gửi thêm vào đó tiếng nói của tôi với toàn thể anh chị em hoạt động dân chủ trong nước, cộng đồng người Việt Nam yêu quý của tổ quốc đang sinh sống ở nước ngoài, các cá nhân, tổ chức quốc tế đồng cảm với sự đau khổ của đại đa số nhân dân Việt Nam và Chính phủ, Quốc hội các nước quan tâm đến Việt Nam rằng : ” Hãy làm một cái gì đó để không ân hận !“

Hải Phòng, đêm 9 tháng 3 năm 2007
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

Không có nhận xét nào: