Thứ Tư, 11 tháng 7, 2007

Nhớ Lời Bác Dạy...

Khi sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh là người luôn chăm lo đến dân, đến nước. Đi đâu Bác cũng dạy bảo, khuyên nhủ, không từ một ngành nghề, một địa phương hay một lứa tuổi nào. Nhiều bài báo cáo, tổng kết, khai mạc… đều trích dẫn những câu nói của Bác. Theo thống kê của bộ Văn Hóa Thông Tin, hàng năm số người sử dụng các “cụm từ: “Bác dạy,” “Bác nói,” “Bác căn dặn…” nhiều hơn những người dùng từ đệm “ĐM.” Thống kê cũng cho thấy hai loại người này có đạo đức cách mạng (hồng) và trình độ học vấn (chuyên) ngang nhau, một bộ phận lớn trong số họ dùng song hành cả hai thể loại ví dụ như “ĐM, Bác căn dặn là…”

Để giải thích hiện tượng này tôi xin có vài dòng như sau :

Khi còn bé, ai cũng thuộc “Năm điều Bác Hồ” dạy. Hiện nay cái điều dạy này còn có tên gọi khác là “Nhị ái Lục hảo !”

Điều 1: Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào.
Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt.
Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Chẳng hiểu tại sao mà ngay điều thứ nhất Bác đã dùng đến “nhị ái” rồi ? Có ai yêu tổ quốc mà lại ghét đồng bào hoặc ngược lại không nhỉ ? Chỉ cần yêu tổ quốc, hoặc yêu đồng bào là đủ.

Điều thứ 2 tạm ổn mặc dầu học tập là một lao động nặng nề, học tốt cũng là lao động tốt rồi.

Riêng điều thứ 4 thòi ra cái từ “thật” ngô nghê làm sao ! Có lẽ vì mỗi điều cần đủ sáu chữ nên chỗ này Bác phải “lòi con tự” ra như vậy. Sự thật khác hẳn, nói với các cháu thiếu nhi, phải nói đi nói lại, nhấn mạnh, nhấn nhẹ… chúng nó mới thấm. Cơ sự là thế !

Cũng với tinh thần “xôi thịt lèn chặt dạ,” trước khi dạy đồng bào, Bác viết :

“Dân ta phải biết Sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”

Chà chà ! “Sử ta” chẳng phải là “gốc tích nước nhà” hay sao ? “Gốc tích nước nhà” không là “Việt Nam” thì là cái gì đây ? Một câu lục bát còn chẳng làm cho ra hồn. Thơ này gọi là thơ nói lắp - lắp ý, mà lắp những 3 lần. Không phải vậy, Bác muốn “chống giặc dốt,” Bác vận dụng dùng “vũ khí địch đánh địch,” cho nên Bác dùng câu thơ “dốt đánh cái dốt.” Bác mong dân ta chăm đọc sử.

Bác rất kiệm (cần, kiệm, liêm, chính), Bác dạy quân đội:

“trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.”

Sau đó quay sang thanh niên Bác phán :

“trung với Nước hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng.”

Khổ cho mấy cháu lính trẻ động não tư duy (điều này hiếm khi xảy ra), chẳng biết nên trung với Đảng hay với Nước, vì thế các cháu đếch trung với anh nào cả. Phải chi Nước và Đảng là một thì hay biết mấy.

Thăm đại hội Hội nhà báo Việt Nam (1959) Bác căn dặn :

“Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân… cho nên, phải có tính quần chúng.”

“Tính quần chúng” mà Bác dặn đó là mỗi số báo phải đủ cả tiền, tình, tù, tội. Nhưng nhấn mạnh ở điểm đảng ta “thất bại tạm thời, thắng lợi tất yếu.”

Nói chuyện với đại hội Hội nhà báo Việt Nam năm 1962, Bác lại nhấn mạnh :

“Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng…”

Đọc báo Tiền Phong ta thấy rõ điều đó, các bài phục vụ cách mạng như “Cam kết tài trợ cho Việt Nam 4,445 tỷ USD,” “Vận động PNTR - Chuyện bây giờ mới kể…” Còn phục vụ nhân dân là những bài “Đi chát đêm, hai em gái bị cưỡng dâm” hay “Cán bộ thi hành án đánh người tố cáo…” rõ rệt hai mảng đề tài “dân,” “cách mạng,” mảng nào cũng đậm chất hình sự, cũng mang đậm ý đảng, tình dân.

Đến trường Đại học sư phạm Hà Nội, vào ngày 21/10/1964, Bác Hồ đã nói :

“Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao xây dựng chủ nghĩa xã hội được ???”

Vì vậy các ngón nghề của thầy (cô) giáo càng ngày càng cao để đào tạo nên những con người XHCN. Nào là đổi tình lấy điểm (trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Trung Ương I), bớt xén phần ăn của học sinh (Trường Mầm non Chim Non, Hà Nội). Khoản đánh đập, lăng nhục học sinh đâu đâu cũng có. Thể hiện tinh thần cách mạng là ở chỗ này đây, cứ luận từ câu “biến nhà tù thành trường học” thì ai cũng rõ, mà nghe nói Việt Nam là một trường học lớn.

Nhớ lời Bác dạy :

“Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ.”

Khổ nỗi Bác giảng không kỹ, Bác không nói rõ là mẹ đẻ, mẹ ghẻ hay mẹ mìn hay “má mì?”

Tháng 1 năm 1959, Bác Hồ đã chính thức phát động “Tết trồng cây.” Theo phong tục thì cây đa thuộc loại linh mộc, làng nào xưa kia cũng có. Dân trồng đa tưởng nhớ Bác thường gọi là “Cây đa Bác Hồ.” Một số nơi còn đặt tên “Cây đa Trần Dân Tiên” hoặc “Cây Đa C.B.” (theo bút hiệu của Bác). Từ đó đến nay khắp thôn cùng ngõ hẻm đều có bóng dáng “Bác Hồ ngồi gốc cây đa.” Noi gương bác, nơi nơi các chú chủ tịch xã, huyện, tỉnh thi nhau ngồi gốc cây đa. Nay có chú Nguyễn Tấn Cuội lập kỷ lục Việt Nam ngồi gốc đa lâu nhất, làm đến chức thủ tướng.

Bác nói :

“Chim là của quý của thiên nhiên phải bảo vệ chúng.”

Vậy mà từ thời bộ trưởng y tế Đặng Hồi Xuân (Hoan Hô bộ trưởng Đặng Hồi / Xuân về cóc nhái được thời nhảy ra !) đến bà đương kim bộ trưởng y tế Trần Thị Lúng Liếng vẫn cứ hô hào sinh đẻ có kế hoạch. Đặc biệt đàn ông cũng phải tham gia tích cực. Than ôi mấy triệu “của quý của thiên nhiên” bị bóp (ống dẫn tinh) rồi. Hậu duệ làm sai di huấn, khổ cháu quá Bác ơi !

Cũng lời Bác :

"Không có gì quí hơn độc lập tự do."

Thằng mất dạy nào nó lại cho thêm cái của quý “hạnh phúc” vào (CHXHCN Việt Nam Độc Lập -Tự Do - Hạnh Phúc.) Dân ta đã bao giờ có “độc lập, tự do” đâu mà dám đòi cha già món “hạnh phúc?” Cha cũng có quý hạnh phúc đâu nào ? Nếu quý cha đã tương vào thành ra câu “không có gì quý hơn độc lập, tự do, hạnh phúc,” chỉ có mấy triệu thằng việt gian, chúng nó vượt biên, vượt biển, giờ thành việt kiều, riêng loại này mới biết mùi và còn nghiện món lẩu tam vị: độc lập, tự do, hạnh phúc.

Tự do có vẻ dễ “bảo quản” nên bọn tay sai đế quốc này định gửi “hạnh phúc” về cho đồng bào trong nước (chúng gọi là quốc nội). May quá dân ta đã nghe theo lời đảng biến “tự do” thành “tự lo độc lập, tự lo hạnh phúc.” Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy kiếm tiền bằng mọi cách.

Bác Hồ đã dạy mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải :

“Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.”

Dân ta cứ thế mà học theo. Chẳng trách tai nạn giao thông mỗi ngày “gia tăng phi mã.” Đi đường mà cứ tai lơ mơ nghe, mắt ngơ ngáo nhìn, miệng lẩm bẩm, tay chân khua khoắng, tâm hồn treo ngược trên cành cây là mất mạng. Dân không nghĩ câu đó Bác chỉ dạy cán bộ, đảng viên mà thôi; Cán bộ đảng viên thường mắc bệnh teo não nên qua đường cần phải vận dụng hết mọi chức năng, người bình thường làm như thế lại hỏng việc.

Bác Hồ dạy nghành Công nghiệp :

“Nhanh, Nhiều, Tốt, Rẻ.”

Vậy mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại nhầm, họ tưởng Bác dạy họ xuất khẩu phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài với phương châm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ.” May mắn cho dân tộc, hàng “Made In Vietnam” ít khi bị trả về vì chất lượng không đảm bảo hay ế không bán được bởi mẫu mã xấu.

Bác căn dặn nhiều lần :

“Cán bộ là đày tớ của dân.”

Kể từ cải cách ruộng đất đến nay, cán bộ đảng viên vẫn duy trì được truyền thống này. Quê hương ta chuyện đày tớ (bần nông, cố nông) cướp của dân, đánh dân, bắn dân vẫn được phát huy triệt để. Ai ai cũng muốn dành làm đầy tớ !

Bác kêu gọi :

“Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

Sau khi hy sinh tất tật, không những nước không mất mà đảng còn cho mấy chú tư bản thuê với giá hời (cứ nhìn 18 lỗ sân “golf” ở Đông Anh thì biết), dân ta không chịu làm nô lệ, dân ta vùng lên làm nghĩa vụ quốc tế ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Đông… những nước ấy còn âú trĩ mông muội cần người Việt khai hoá văn minh để họ biết thế nào là XHCN mà tránh cho xa, thứ hàng xa xỉ ấy chỉ dành cho những dân tộc anh hùng !

Bác căn dặn nhiều, người đời hiểu lầm cũng lắm nên mới ra cái cơ sự thống kê như phần đầu bài viết. Những ai còn muốn tìm hiểu về Tư Tưởng Hồ Chí Minh xin đọc kỹ “Ngục trung nhật ký” và những bài thơ sau này của Bác.

Trần Văn Giang nhuận sắc từ tài liệu Việt Cộng

Không có nhận xét nào: