Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

Thả người bất đồng chính kiến: trò lừa bịp

DCVOnline – Phỏng vấn Nguyễn Quốc Quân

Một số người Việt hải ngoại tham gia vận động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam và hai tổ chức quốc tế vừa gặp gỡ Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ hôm 27/06/2007 với mục đích chủ yếu là để nghe Hội đồng An ninh Quốc Gia trình bày lại về nội dung trao đổi giữa tổng thống G.W. Bush và chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hôm 22/6.

Thả 3 người không cùng chính kiến trước khi Chủ tịch Triết sang gặp Tổng thống Bush chung cuộc chỉ là một trò lừa bịp. Ai lừa, ai bị lừa? Mời bạn đọc theo dõi bài phỏng vấn một người đã vào nghe “off the record debriefing” của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Quốc Quân, một người được mời tham dự cuộc họp đã cho Đàn Chim Việt biết rằng phía chính quyền Mỹ yêu cầu những tin tức về cuộc gặp của chủ tịch Triết và tổng thống Bush là “off the records debriefing” nên ông không thể trích dẫn lời nói của các viên chức chính phủ trong cuộc họp này.

Tuy nhiên ông Quân cho biết sẵn sàng bày tỏ các hiểu biết và một số thông tin dưới dạng phát biểu ý kiến cá nhân của ông.

Trước câu hỏi là mặc dù được phía chính phủ Mỹ yêu cầu, ông có nên giữ bí mật những thông tin này đối với những người Việt Nam có quan tâm hay không, ông Quân khẳng định “không phải là họ yêu cầu mình giữ bí mật” và nói rõ những người dự họp có thể phát biểu ý kiến riêng, “nhưng mà quý vị đừng có nhân danh chúng tôi (chính quyền Mỹ - DCV)”.

“Chúng tôi cũng cố gắng một phần nào chia sẻ được với đồng bào”, ông Quân nói.

Nghe: Audio 1




Những điều nói được

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Quân, các viên chức của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết một trong những phần chính tổng thống Bush nêu ra trong buổi gặp gỡ hôm 22/6 với chủ tịch Triết chính là vấn đề nhân quyền.

Tổng thống Bush đã nhắc nhở chính quyền Việt Nam thông qua chủ tịch Triết rằng điều kiện cần phải có để phát triển sâu rộng hơn quan hệ Việt Mỹ chính là yếu tố nhân quyền. Ông Bush cũng công khai bày tỏ quan niệm về một xã hội mà người dân có những quyền tự do căn bản, trong đó có quyền tự do tôn giáo.

Ông Nguyễn Quốc Quân cũng suy đoán rằng có lẽ tổng thống Mỹ cũng đã đưa cho nhà cầm quyền Việt Nam một tín hiệu rõ ràng rằng “đây là một cơ hội, nếu quý vị muốn đưa Việt Nam trở thành một thành viên có uy tín trong cộng đồng quốc tế, nếu quý vị muốn đưa đất nước Việt Nam tiến lên thì đây là một cơ hội rất tốt. Nhưng nếu quý vị muốn tự mình phá huỷ tất cả những cơ hội này đi thì đó là quyền ở quý vị”

Về những quyền căn bản khác như quyền tự do thông tin, tự do lập hội… ông Quân cho biết “đây cũng là trong phạm vi chúng tôi không phát biểu được. Nhưng mà cá nhân tôi, tôi nghĩ hai ông (Bush và Triết – DCV), nhất là ông tổng thống Bush cũng đã nhắc đến tất cả, nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do phát biểu ý kiến”.


Nghe: Audio 2



Kinh tế và nhân quyền

Trước câu hỏi liệu rằng những quyền lợi về kinh tế trong quan hệ Việt - Mỹ có lấn át vấn đề nhân quyền, dân chủ hay không, ông Nguyễn Quốc Quân cho rằng không những không phải thế mà ngược lại, đầu tư phát triển sẽ giúp nhân dân Việt Nam, nhất là giới trẻ có cơ hội để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

“Thứ hai là giúp cho người dân Việt Nam có cơ hội có công ăn việc làm.

Thứ ba là giúp cho nhân dân Việt Nam có một tư thế độc lập về kinh tế đối với chính quyền. Và vì vậy, nhờ đó mà nó sẽ có một tầng lớp trung lưu mới độc lập về tài chánh đối với chính quyền và nó đã có tham vọng về kinh tế thì nó cũng có tham vọng về chính trị.

Nghĩa là nếu đã có thay đổi về kinh tế, về hạ tầng thì nó cũng sẽ đòi hỏi thượng tầng cũng phải thay đổi theo”.

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng “phát triển kinh tế chỉ giúp đỡ nhân dân Việt Nam khi nó có đi đôi với nhân quyền”, và muốn thế thì các nhà đầu tư phải giao dịch trực tiếp với nhân dân Việt Nam mà không nên qua đảng cộng sản trong nước.

Cũng theo ông Quân, khi đầu tư càng phát triển bao nhiêu thì nhà cầm quyền càng khó kiểm soát bấy nhiêu về thông tin và điều này sẽ đưa đến thay đổi nhanh chóng.

Nghe: Audio 3



Các tổ chức quốc tế nói gì

Trong lần gặp mặt này có cả đại diện của Amnesty International và Human Right Watch.

Theo ông Quân, Human Right Watch đã nêu lên trường hợp các nhân vật bất đồng chính kiến bị bắt rất nhiều sau khi Hà Nội tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Tổ chức Amnesty International thì nhận xét có sự đồng nhất ý kiến giữa hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và họ cũng muốn nhìn thấy kết quả cụ thể trong những ngày sắp đến.

Ông Quân cho hay những người có mặt cũng nhấn mạnh rằng ba người được nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do “không phải là những người tính vào được”.

Cụ thể là ông Nguyễn Vũ Bình đã được hứa thả từ tháng 11/2007 khi tổng thống Bush sang Việt Nam và đến bây giờ mới thả.

Ông Lê Quốc Quân thì không phải được thả mà thực ra “chúng tôi có được tổ chức đã cấp học bổng cho ông ấy (National Endowment for Democracy, NED, DCV) họ nói rõ với chúng tôi là ông ấy được bailed out”, tức là đóng tiền để được tại ngoại hầu tra, ông Nguyễn Quốc Quân nói.

Ông Phan Văn Bàn đã được trả tự do từ mấy tháng trước và không liên quan gì đến chuyến đi của Nguyễn Minh Triết.

“Tóm lại là trong cái deal này họ vẫn cứ dùng thủ đoạn cù nhầy mà sự thực đếm ra thì không có ai cả”, ông Quân kết luận.