Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

10 Dân Biểu Hoa Kỳ gởi thư cho TT. Bush về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

Quốc Hội Hoa Kỳ
Hoa Thịnh Đốn, DC 20515
21 tháng Sáu, 2007

Thưa Ngài Tổng Thống:

Chúng tôi quan ngại sâu xa về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, và chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã làm cho chúng tôi băn khoăn rất nhiều. Chúng tôi tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam phải hiểu hệ quả của sự ngược đãi công dân của họ. Trong chiều hướng đó, chúng tôi viết bức thư hôm nay để yêu cầu ngài ghi Việt Nam lại vào danh sách “các nước cần đặc biệt quan tâm” (CPC) theo đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 1998. Hành động này là một thông điệp ngoại giao thích đáng rằng mối quan hệ Mỹ-Việt đang bị tổn thương bởi những hành động bắt bớ, hạn chế, vi phạm nhân quyền và hạn chế tự do tôn giáo của những nhà vận động cho dân chủ như linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Võ Văn Thanh Liêm, Trần Văn Hòa, Thích Huyền Quang và Thích Quãng Độ.

Trong vài tháng vừa qua, như ngài đã lưu ý trong bài diễn văn tại Prague, Việt nam đã bắt bớ hàng chục nhà “bất đồng chính kiến về tôn giáo và chính trị”. Thêm vào đó, dựa theo Ủy ban quốc tế về tự do tôn giáo (NSCIRF), trong năm vừa qua đã có nhiều vụ giam cầm ngắn hạn, sách nhiễu, và các giới hạn trong cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam, nhắm vào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành, dân tộc Khmer theo đạo Phật, Hòa Hảo, và nhiều vị lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cố gắng kiểm soát sự phát triển và hoạt động của các tôn giáo và bắt bớ các vị lãnh đạo tôn giáo bị tình nghi là thách thức hệ thống độc quyền chính trị của đảng cộng sản.

Chúng tôi cho rằng việc bắt bớ và giam cầm gần đây đối với linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân là những vụ vi phạm quan trọng để có thể tái đặt Việt Nam vào danh sách những “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC). Linh mục Ly và Nguyễn Văn Đài đã bị kết án về tội “tuyên truyền chống nhà nước” và “sưu tầm những tài liệu đàn áp tôn giáo của Việt Nam” để phát tán đến “những thế lực thù địch hải ngoại”, trong đó có National endowment for Democracy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và những nhà hoạt động có liên quan đến lãnh vực tôn giáo đã trở thành những tiếng nói hàng đầu trong các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Những người này đã thành lập các tổ chức về tự do ngôn luận, dân chủ và nhân quyền để bảo đảm một sự thăng tiến về tự do tôn giáo lâu dài. Họ tin rằng sự cải tổ về hệ thống pháp luật và chính trị là điều cần thiết để bảo vệ tối đa nhân quyền của công dân Việt Nam trước sự chuyên quyền, độc đoán quyền lực của chính quyền Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng rằng đưa Việt Nam vào danh sách CPC sẽ cho Việt Nam thấy rằng quan hệ Việt- Mỹ không chỉ là mậu dịch. Thêm vào đó, chúng tôi tin rằng nếu ghi Việt Nam vào danh sách CPC thì bộ Ngoại Giao sẽ có nhiều sự lựa chọn để áp dụng đối với Việt Nam trong khi nhiều vụ đàn áp tôn giáo và chính trị đang diễn ra.

Trân trọng,

- Zoe Lofgren, Dân biểu quốc hội
- Frank R. Wolf, Dân biểu quốc hội
- Loretta Sanchez, Dân biểu quốc hội
- Joseph R. Pitts, Dân biểu quốc hội
- Robert B. Aderholt, Dân biểu quốc hội
- Dan Burton, Dân biểu quốc hội
- Luis V. Gutierrez, Dân biểu quốc hội
- Thaddeus G. McCotter, Dân biểu quốc hội
- Janice D. Schakowsky, Dân biểu quốc hội
- Christopher H. Smith, Dân biểu quốc hội.


Không có nhận xét nào: