Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

Khói lá một thời cay mắt ai

“… Qua điếu thuốc lá người ta nhìn thấy được cuộc sống, quan hệ con người, xã hội một cách bức xúc …”

Sao Mai nói hoài không hiểu
Sammít nói ít hiểu nhiều
Ba con năm vừa nằm vừa ký

Tôi chưa kịp về hưu đã phải nhập viện vì vấn đề động mạch vành tim. Tôi không biết rồi người ta sẽ làm gì tôi ở cái nhà thương chuyên về tim đó, có một điều làm tôi hơi suy nghĩ là ông bác sĩ tim mạch bảo lý do chính của bệnh tắc động mạch xơ vữa của tôi là do thuốc lá. Tôi hơi hoang mang nhưng hoàn toàn không ngạc nhiên khi nghe nói vậy.

Trong thâm tâm thật ra tôi lại hơi mừng, vì cách đó ít lâu một người bạn cùng học bên Nhật ngày xưa với tôi, vừa về hưu, đang xây nhà, chưa kịp mời bè bạn đến khánh thành đã âm thầm và nhanh chóng đi về thế giới bên kia: Ung thư phổi. Anh này xưa cũng có hút thuốc lá, dạo sau này không biết thế nào, nhưng thuở trước số lượng thuốc anh hút so với tôi thật chẳng thấm vào đâu. So với ung thư phổi thì cái bệnh của tôi có vẻ còn nhẹ hơn, đó là điều tôi cảm thấy mình như được an ủi ít nhiều.

Tôi không chỉ hút thuốc lá từ thời còn rất trẻ, đủ loại, từ Bastos xanh, Quân tiếp vụ, đến cả những loại thuốc không tên vấn lá đu đủ khét lẹt, cho đến thời đi dạy học có được chút tiền còm mới ngoi lên hạng thuốc lá sợi vàng vàng: «3 đồng 4 điếu Rubi (Queen)», … Ở bên Nhật lúc thì Hope, Peace, cuối cùng đậu lại Hi-light, nhưng có khi dùng cả Ikoi. Ở Pháp, một thời gian rất lâu tôi theo ông Benson & Hedges rồi sau đó là một khoảng dài hút tẩu đến độ một bên răng của tôi mòn hõm xuống. Thôi, tôi xin miễn triển khai thêm về thói hư tật xấu này của chính mình, cũng như về tính tò mò, háo hức tìm hiểu các chất hút hít khác mà tôi đã từng thử nghiệm trong bao căn phòng áp mái mù mịt một thời sinh viên nghèo.

Nói chung cuộc đời và định mệnh của tôi như thế là đã quá dính dáng nếu không nói là bị chi phối nhiều bởi điếu thuốc và các chất được đốt lên để hút vào phổi. Bây giờ nhiều nước đã cấm hút thuốc ở sở làm, ở nơi công cộng, ngay cả những chỗ mà bình thường nhiều người tìm đến để hưởng thụ thú hút sách như các quán cà phê, bar, tiệm ăn uống. Và tôi thì từ đây coi như đã phải vĩnh viễn xa rời các loại khói. Tuy nhiên trong nhà tôi hiện nay ở nhiều tủ, ngăn kéo, giữa các hộp xì gà, thuốc píp tôi còn chất đầy các cây thuốc, đủ loại, vì mỗi lần xuyên biên giới, qua các cửa hiệu Duty Free tôi vẫn chưa mất thói quen cắp nách về một vài cây. Đôi khi có bạn ghiền đến nhà, tôi vẫn lấy ra tặng, mỗi lần như thế, mở cửa tủ nhìn thấy chúng, tôi lại tần ngần, thấy lòng bồi hồi như trẻ con hàng năm cứ vào độ cuối thu khi lá ngoài đường rụng nhiều…

Năm 1975, cái mấu chốt thời gian này không dễ gì quên được, kẻ thì gọi nó là năm «Giải phóng», kẻ thì gọi là «Mất nước», «thất thủ», «ngày đứt phim», "vận nước đã đến rồi", người thì là «một trận lăng nhăng (1)»… Gọi thế nào thì gọi, nhưng có một việc ai cũng nhớ rõ, đó là những năm cực kỳ gian khổ không chỉ đặc biệt cho người miền Nam, nhưng cho tất cả người Việt Nam trên cả nước. Chính quyền Miền Bắc thắng trận, nhưng cả nước đã kiệt quệ, trên cả tinh thần lẫn vật chất. Tiếp sau đó là những sai lầm chiến lược và ý hệ đã đưa kinh tế Việt Nam đến chỗ khốn cùng vì bị các nước đàn anh không những hoàn toàn bỏ rơi mà còn muốn dạy thêm cho những «bài học» nhớ đời. Năm năm sau 75, ngày tôi về lại, tôi được nghe nhiều người đang còn ngêu ngao những câu kiểu:
Từ ngày Giải-Phóng vô đây
Con chuột hết cống, con cầy hết phân
Từ ngày Giải-Phóng vô đây
Ta ăn độn dài-dài, ta ăn độn mì khoai

Gia-tài của mẹ: trả nợ Liên-xô
Gia-tài của mẹ: còn cái chuồng bò…
Gia-tài của mẹ: gạo độn ngô khoai
Gia-tài của mẹ: gạo mốc dài dài…

Ai có qua Phường 15 Yên-Đổ
Thấy xe nó đổ cả một đống khoai mì
Cả khoai lang lại thêm khoai bí
Dân mình xếp hàng đăng-ký..ííí đem dzìa ăn
.....

Khi mới ăn thì mình khen nức-nở
Ăn mấy bữa thì nổi ghẻ tưng-bừng
Ghẻ sau lưng rồi lên mông đít
Ra chợ Bến-Thành mua thuốc đem về thoa

Điệp Khúc:
Tổ-quốc ơi
Ăn khoai mì ngán quá
Từ trận thắng hôm nay
Ta ăn độn dài-dài
Từ trận thắng hôm nay
Ta ăn độn đều chi

(nhái theo giai điệu bài hát Tình đất đỏ miền đông của Trần Long Ẩn)
Ở miền Bắc và miền Trung thì những câu:
Toàn quốc giấy dầu
Ăn cơm thì ăn với rau
Đừng ăn với thịt mà đau dạ dày

Ba nghìn cây số biển xanh
Sao em thiếu muối tra canh hàng ngày ?
Ai lên vũ-trụ thì lên
Còn tôi ở lại ghi tên mua mì
Ai sinh ra cái củ mì
Hỏi : Ðể làm gì ? Ðáp : Ðể mà ăn
Nước nhà mãi-mãi khó-khăn
Dân mình mãi-mãi phải ăn củ mì
Một thằng lên vũ tru,
Dăm thằng đi Mút cu
Trăm thằng ăn lu bù
Triệu thằng đói rụng cu

Trong «những năm khoai mì», «bo bo» đó, không chỉ có cái ăn uống là bị thiếu thốn, mà bức xúc hơn là thiếu cái để hút, hít, nhất là vào giai đoạn cả phần xác lẫn phần hồn bị dầy vò này, đôi giây phút xuất thần, quên lãng để tinh thần theo làn khói thuốc “bay lên cây” lại thật là quan trọng, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Thế mà oái oăm thay, trong những năm đó sự sản xuất thuốc lá cũng như tất cả các sản phẩm khác của nền kinh tế sống nhờ, ăn bám của Việt Nam không những bị hỗn loạn, kiệt quệ trên mặt lượng mà cả trên mặt phẩm. Thuốc vừa thiếu lại vừa tồi.

Chính trong thời gian này mà sáng tác dân gian chú mục nhiều vào điếu thuốc lá. Qua điếu thuốc lá người ta nhìn thấy được cuộc sống, quan hệ con người, xã hội một cách bức xúc.

Những người hút nhiều, nghiện nặng nhất là ở thôn quê, vẫn phải dùng thuốc rê, thuốc lào, thuốc Cẩm Lệ, hoặc trồng vài cây thuốc lá trong vườn, «tự biên tự diễn». Nếu sang hơn thì thỉnh thoảng mới hút được điếu thuốc lá đen, nhưng vẫn dùng thuốc lào là chính. Cho nên có thành ngữ: «Thuốc lá đá thuốc lào» để chỉ một cái gì đó không chính thức, không chính thống, không trọn vẹn.

Có một thời, thuốc lá nội nhất là ở miền Bắc, khi chưa chạm mặt nhiều với thuốc lá ngoại, thì vẫn còn có thớ, còn rất vênh váo là đằng khác:
Trường Sơn một giải ba hào
Điện Biên lịch sử hai bao một đồng
Thăng Long là đất anh hùng
Mỗi hào một điếu đồng lòng thì mua
Dạo ấy, đa số thuốc lá vẫn chưa có «đầu lọc». Các loại thuốc nội hoá như Điện Biên, Sapa, Trường Sơn, Thăng Long, Hoa Mai, ĐàLạt, … đều không có đầu lọc, giấy dày, thuốc đen, mùi vị vừa khét vừa hôi, nhiều lúc đang hút vẫn có thể tắt ngúm, không hút được nữa vì gặp một cái cục gì rất to giữa điếu thuốc mà không phải là thuốc lá. Ngoài ra nhiều thuốc thường do dân chúng vấn theo kiểu gia công trong gia đình nên không được đều tay.

Thuốc có đầu lọc là thuốc sang, xa xỉ phẩm (Dĩ nhiên sau này cũng có loại đầu lọc kém sang hơn vì là hàng nội và đầu lọc kém chất lượng như thuốc Bông Sen (làm ở Thanh Hoá, Sàigòn) phần lớn là loại thuốc thơm, lá thuốc là loại lá vàng ươm gốc Virginia, lại được pha chế có thêm các chất phụ gia cho có vị ngọt, thơm, êm, dễ cháy, mà nếu gọi một cách dông dài và trịnh trọng như cán bộ trí thức thì nói là «thuốc thơm sợi vàng Virginia có cán». Nói chung để phân biệt với thuốc sản xuất trong nước, bà con vẫn gọi chúng là «thuốc thơm» và đôi khi còn thêm bổ ngữ «có cán» để xác minh thêm phần đầu lọc.

Các thuốc lá ngon thời ấy dĩ nhiên đều là thuốc lá ngoại, không những chỉ là thuốc lá Âu Mỹ mà còn của Nga như Phenica, Steward, Ấn Độ như Hero, Jet, và nhất là của một nước lân bang cách một biển là Thái Lan đại diện bởi Sammít. Tất cả những loại thuốc lá ngoại này đối với người Việt Nam thuở đó đều mang một giá trị ngoại hạng, bởi vì thường giá của nó quá đắt so với đồng lương trung bình của cán bộ. Chỉ một điếu thuốc thơm thôi, nếu đổi ra bằng tiền, bằng vật phẩm, quy ra gạo… có thể thành giá trị của một ngày cho đến nhiều ngày lương, thậm chí cả tháng lương đối với vài thành phần nào đó. Cho nên hay xẩy ra hiện tượng dùng thuốc lá làm một giá trị trao đổi, một loại tiền tệ bán chính thức, một thứ quà cáp, đưa đẩy, thậm chí rất thông thường như một món thù lao, hối lộ vô hại. Hối lộ nhưng mà lại ra điều rất tình nghĩa với nhau để cho người nhận cũng đỡ xấu hổ, ngượng ngùng mà người đút cũng vậy !

Dạo ấy, từ nước ngoài về, từ Intershop ra, một bao thuốc lá ngoại là một món quà rất sáng giá, thường là một bao Ba Số (Năm) chẳng hạn, nhưng cũng có thể là Dunhill, Lucky Srike, Pall Mall, Marlborro, Camel, Cool..., nếu lại là loại International, Extra long hộp cứng thì lại càng xa xỉ và tuyệt vời biết bao. Thật ra cũng chẳng cần phải là những thứ thượng hảo hạng đó. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ như hôm qua khuôn mặt gầy gò chìm đắm sau khói thuốc của một người bạn hoạ sĩ cũ, gặp lại sau gần hai mươi năm bên lề đường, mắt lim dim anh gật gù vừa nhả khói vừa cười giữa hàm răng đen, bảo: « - Mẹ kiếp, đúng là đê mê, (bây giờ thì phải gọi là « phê ») cả năm nay tao mới hút được điếu thuốc ngon như thế này, người ta bảo trong thuốc Sammít tụi nó có bỏ ít thuốc phiện, không khéo là đúng đấy mày ạ ! Mà mày biết không, một cái nước mà không làm nổi cho dân một loại thuốc hút cho được được một chút, anh hạ giọng xuống nhìn chung quanh, thì cái nước ấy cũng chẳng ra cái củ c… gì cả!»

Nghề bán thuốc lá dạo hoặc cố định là một nghề tương đối ở trong tầm tay của những gia đình nghèo cho nên nó rất phổ biến, từng nuôi sống rất nhiều phụ nữ và trẻ em thời ấy, mặc dù chỉ nuôi sống một cách rất là «qua ngày». Họ chỉ cần một ít vốn, không đáng kể, thuê đóng một cái hộp kính bé có chia ô vừa kích cỡ bao thuốc, đặt trên một cái mễ hình chữ X, trong đó có vài bao thuốc lá dở, loại phổ thông nhất, đã bóc và một số hộp thuốc lá rỗng để chưng bầy cho ra vẻ, cho xôm tụ là đủ, rồi cứ gần mấy cửa ra vào bên ngoài các công sở lớn nhỏ, cơ quan hành chính, chỗ đông người tụ tập mà ngồi là họ có thể bắt đầu cuộc mậu dịch mà sống qua ngày. Nếu cần phải dời chỗ, đi về, chạy công an thì người ta chỉ cần cắp hộp, xếp mễ là xong.

Tình trạng «đói» trong đó có thuốc lá rồi dần dần cũng giải quyết được với chính sách «đổi mới». Thật ra thì lãnh đạo chính trị trung ương và địa phương ở Việt Nam cũng đều đã thấy ngay đó là một nguồn lợi béo bở, cho nên các chuyện buôn lậu thuốc lá là những «công vụ» bán chính thức đã thường xuyên xẩy ra qua các ngả biên giới (Campuchia, Nga), trên hải phận (ngoài khơi với Thái, Singapore), qua các chuyên cơ, Intershop… trước đó lâu lắm rồi. Nhưng chỉ cho đến khi, sau thời gọi là «đổi mới», họ bắt tay được với các tập đoàn thương mại và tài chính của Sing từ đầu những năm 90 để cùng khai thác thị trường bia, rượu, thuốc lá tại Việt Nam thì mọi việc mới thành to chuyện. (*). Và rồi sau chỉ khoảng 15 năm, không những thuốc lá ngoại dần dần lại được bán tự do đầy đường, giá cả càng ngày càng trở nên phải chăng, mà chất lượng thuốc lá nội địa cũng khá hẳn ra, một số mác cũ như thuốc «con mèo – Cravena» cũng được tái sản xuất y như xưa. Người Việt Nam đang đói thuốc bỗng trở nên lạm phát dư thừa, bội thực thuốc, như thể thuốc bị cấm cửa ở nhiều nơi, gần nhất là Sing, đã vội vàng kéo nhau hết cả tụ tập về nước này.

Cho nên, tình trạng hiện nay theo các giới chức Bộ Y tế ở Hà Nội ước tính thì lượng thuốc lá sản xuất trong nước đang gia tăng với tỉ lệ 10% mỗi năm, từ 2,7 tỉ gói trong năm 2000 lên tới 3,5 tỉ gói trong năm 2002, lên đến 3,8 tỷ bao vào năm 2003 và hơn 4 tỉ gói trong năm 2006, nghĩa là chia bình quân trên đầu người thì mỗi người Việt Nam phải tiêu thụ hơn 1.000 điếu thuốc một năm. Cũng theo các giới chức y tế, hơn 50% đàn ông và khoảng 2% phụ nữ ở Việt Nam hút thuốc, chưa kể cả trẻ em, và các chứng bệnh liên quan tới thuốc lá gây tử vong trực tiếp cho 30 tới 40 ngàn người mỗi năm, ước tính 10% dân số nước ta sẽ chết sớm do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó khoảng 3,7 triệu người sẽ chết ở tuổi trung niên (Báo Tuổi trẻ, 27-05-06)

Hiện nay đối với thuốc lá điếu có đầu lọc, sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu, xì gà chịu mức thuế 65%, thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước chịu mức thuế 45%, thuốc lá điếu không đầu lọc 25%. Cơ cấu thuế nhiều mức đã khiến giá thuốc lá rất khác nhau, có loại chỉ khoảng 1.000 đồng/bao và có những loại giá cao (15.000 đồng/bao). Giá cả nhiều loại thuốc lá thấp đã tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp (bao gồm cả thanh thiếu niên) có khả năng mua thuốc lá. Theo thống kê của Bộ Y Tế Việt Nam hồi cuối Tháng Mười Hai năm 2005, thuốc lá đã đẩy 1.3 triệu người Việt Nam vào cảnh đói nghèo.

Dĩ nhiên không ai biết được lượng thuốc lá lậu qua các biên giới, nhưng với số lượng chính thức đã lớn như thế, lại vừa có lợi cả hai đầu, đầu lợi nhuận của các công ty sản xuất và đầu thuế của nhà nước trên cái tem dán trên sản phẩm, đó quả là những món tiền khổng lồ quá dễ dàng và tiện lợi. Nếu bỏ tiền tem nhà nước và tiền lãi các cơ quan chủ quản, những đầu nậu buôn lậu các tỉnh phải lãi rất nhiều, cho nên lượng thuốc nhập lậu dĩ nhiên là không phải nhỏ.

Vì doanh thu của cá nhân lẫn chính phủ từ thuốc lá (cũng như các chất độc hại khác như rượu, các loại ma tuý) quá lớn và tăng đều, nhà nước Việt Nam không những không hề nghĩ đến các biện pháp tích cực là giảm tiêu thụ để cứu dân, mà lại còn kêu gọi đầu tư (nước ngoài) thêm vào lĩnh vực này. Ngoài ra cứ đến giáp Tết, buôn lậu các loại thuốc lá cao cấp vẫn gia tăng mạnh, mạnh tỉnh nào thì tỉnh đó đi buôn lậu gần như chính thức, và nhà nước thường là ngoảnh mặt làm lơ. Ngay cả ở những thành phố lớn cũng không là ngoại lệ. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2007, lực lượng Quản Lý Thị Trường TP HCM đã phát hiện gần 10.000 gói thuốc cao cấp nhập lậu: 555, Hero, Jet, Marlboro... Đó là chưa kể việc phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển thuốc lá lậu khác bằng đường hàng không, đường thủy… (Theo báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Mặc dù nguồn gốc cây thuốc lá vốn đến từ châu Mỹ xa xưa, nhưng theo thống kê thì hiện nay người châu Á lại hút thuốc nhiều nhất thế giới, mà ở châu Á thì người Việt Nam lại đứng hàng đầu (2), rồi sau đó đến người Nhật và người Trung Quốc (Nghe nói ở những nơi này, theo điều tra, thì việc hút thuốc lá về mặt tâm lý và văn hoá được xem như một biểu hiện của đàn ông tính, biểu dương được khả năng tình dục mạnh, thật không hiểu vì sao !). Gần đây nghe đài báo Trung Quốc nói họ cũng đang ráo riết tìm cách giảm tiêu thụ thuốc lá, không biết tiến độ như thế nào. Chúng ta mong rằng Việt Nam rồi cũng sẽ bắt chước và có lẽ bắt buộc phải bắt chước Trung Quốc, bởi vì, chẳng khác nào việc cấm pháo, nếu Việt Nam đi chậm hơn thì lượng thuốc lá thừa ở Trung Quốc sẽ tràn ngay sang Việt Nam không có cách nào ngăn cấm được.

Bây giờ xin lại nói tiếp về cái điếu thuốc lá thời bao cấp, một thời kỳ thật kỳ lạ trong đó chế độ phân phối tem phiếu của nhà nước, đưa đến nhiều tình cảnh rất quái dị là cả người không hút thuốc nhiều khi cũng được phát thuốc, lĩnh thuốc lá như thường. Như trường hợp một thanh niên đã kể lại trong loạt bài «Đêm trước đổi mới» ở Tuổi Trẻ online: «Tôi không hút thuốc lá, thuốc lào nên chỉ lấy khăn mặt, thuốc đánh răng, nửa cân đường, hộp sữa. Vỏn vẹn tính ra hết có 5 đồng bạc. Còn 25 đồng, quản lý chẳng biết phân gì? Cuối cùng cũng đành bắt buộc phải lấy thuốc lào, thuốc lá cho hết. Xong đem cho, hoặc mời anh em khác.”

Trong chế độ và xã hội bao cấp đó, khi:
Quan cao ăn cung-cấp
Quan thấp ăn chợ đen
Quan quen ăn cổng hậu
thì dĩ nhiên đã có những quy chế khá đặc biệt và những loại người cũng rất đặc biệt. Những thứ này vào thời đại mới tất yếu phải biến dạng đi nhiều. Những cái đặc biệt ấy có lẽ phải là người trong cuộc mới cảm nhận được tất cả cái quy mô của chúng, trong đó ta phải kể đến mấy loại người xem ra thật tầm thường trên bình diện xã hội nhưng trên thực tế lại vô cùng quan trọng, lợi hại đối với cuộc sống của những ai nằm trong guồng máy XHCN ở thời buổi nhiễu nhương được gọi một cách quái gở là “quá độ” kia.

Trong nhiều chức vụ đó phải kể nghiệp vụ lái xe, nghiệp vụ thủ kho, nghiệp vụ gác cửa… mà người ta hay gọi là Thường Trực, Thường Vụ, Bảo Vệ để tăng thêm vẻ tôn nghiêm của chức vụ. Để sống được, nhiều người bán thuốc lá lẻ trước các cơ quan đã nắm bắt được quy luật này một cách tự nhiên và họ kết hợp rất chặt chẽ, nhuần nhuyễn nếu không nói là bắt buộc phải ăn cánh với các tay thường trực, bảo vệ để mà sống. Một điếu ba số là chiếc cầu nối, có thể trong một ngày đi từ quầy thuốc lá lẻ vào văn phòng thường trực rồi lại ngược ra quầy rồi lại đi vào văn phòng rồi lại trở ra… không biết bao nhiêu lần. Người đi vào có công việc làm giấy tờ gì đó càng nhiều thì chu kỳ quay của điếu thuốc lại càng nhiều và càng nhanh. Thật ra không chỉ có ở khâu gác cổng, trong các văn phòng bên trong, nơi làm giấy tờ, điếu thuốc cũng công khai trở thành thủ tục «đầu tiên» (dạo đó từ này vẫn còn chưa biết nói lái một cách phổ biến và phàm tục như hiện nay).

Đối với lái xe, thủ kho… việc này cũng không phải là ngoại lệ, thuốc lá phải được cung cấp đầy đủ trên tất cả những đoạn đường xe chạy, qua những cánh cửa, những trạm gác, trong đồn bót, công an giao thông, khu vực, văn phòng phường xóm… Điếu thuốc, bao thuốc thơm ở đâu đâu cũng cần cù làm nhiệm vụ của mình để “bôi trơn” cho tất cả các đinh ốc, bánh răng cưa trong cái guồng máy chính quyền đang lừ đừ chuyển động như bất chấp thời gian, trên bình diện cả nước.

Ngày đó cái chức năng xã hội này, sự đồng loã của nó trong cuộc sống dân gian còn mạnh lắm. Vì vậy thuốc lá được xếp hạng theo hiệu lực, công suất mà chúng có thể đem lại cho người dùng chúng vào mọi tác động con người và xã hội như làm quen, tỏ tình, xin xỏ giấy tờ, dịch vụ, biếu xén, đút lót… Trong đó đứng đầu bảng phải kể đến loại thuốc lá Ba số 5 (555), loại thuốc vốn được Mao Trạch Đông rất ưa thích và còn hút cho đến khi chết. Mà hình như cho đến ngày hôm nay nó vẫn là loại được nằm cao nhất trên danh sách các nhãn hiệu thuốc lá ngoại ở Việt Nam. Người ta bảo giá trị sử dụng của nó cao, vì nó thơm, ngon, sang…nhất. Dạo ấy nếu mọi người gọi mì chính (bột ngọt) là «vua bếp» thì thuốc ba số phải là vua khói ở tất cả mọi nơi, cho nên mới sinh ra những câu rỉ tai xưng tụng nó như sau:
Ba số nói bố cũng nghe
Ba số lố nhố cũng xong
Ba con năm vừa nằm vừa ký
Rồi đến vài loại khác cũng có tác dụng kha khá như:
Sammít nói ít hiểu nhiều
Hêrô thôi thì đi dô
Còn đến các loại thuốc nội hoá thì ôi thôi nhiều khi không những không có tác dụng gì mà lại có thể gây ra tác dụng ngược:
Hoa Mai nói hoài không hiểu
Sapa về nhà mà hút
Trường Sơn biết hút đầu nào ?(Vì không có đầu lọc)
Sông Cầu còn lâu mới được !
Một thời nào «miếng trầu đã là đầu câu chuyện». Miếng trầu giờ đã đi qua, đi ra ngoài vùng văn hoá chúng ta, đi vào quên lãng. Các thiếu nữ ngày nay không ai còn nhuộm răng, ăn trầu nữa. Nhưng những ngày huy hoàng của điếu thuốc thì chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Nó cũng vẫn còn là đầu của bao nhiêu câu chuyện ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Duy có chức năng xã hội, giá trị và tầm quan trọng của nó dường như tất yếu ngày càng giảm thiểu mà khía cạnh có hại của nó càng ngày càng lộ rõ (3).

Thời ấy không phải «nén bạc đâm toạc tờ giấy» mà đôi khi chỉ cần một điếu thuốc thơm. Ôi cái thời còn ngây thơ, trong trắng và vô tội, người ta có thể còn giúp đỡ nhau nhiều khi chỉ bằng một hơi khói thuốc, một chút đê mê say sưa trong cõi đời dâu bể đâu sá kể gì !

Ở thời đại này thì đã khác, ngay cả tấm phong bì vốn hoành hành khắp nơi một thời (**) hình như bây giờ cũng đã bị đào thải để nhường chỗ cho những chiếc cặp da bụng phệ đựng ngoại tệ (phổ biến đến độ có nhiều cái đôi khi bị bỏ quên ở phi trường mà không ai dám nhận) hoặc một hình thức tân kỳ, táo tợn nhưng kín đáo nào sẽ còn làm chúng ta phải ngạc nhiên trong thời đại toàn cầu này.

Cái quãng thời gian từ thời bao cấp đến giờ đã là hơn 30 năm, thế mà chỉ thấy nó thoảng qua như mầu xanh lam của khói thuốc bay vào khoảng không rồi tan biến đi đâu, còn lại chăng vài kỷ niệm trong ký ức thật mơ hồ như chưa bao giờ có thật: Phòng trà, hộp đêm, tiệm nhẩy gôgô ngột ngạt mùi thuốc lá dưới ánh đèn mầu nhấp nháy, quay cuồng, trong nhạc thác loạn, đôi bóng người, dăm mái tóc, cái tuổi trẻ ấy có thật ư ? Sao chúng cũng cứ xa dần, xa dần đi như đốm lửa trên đôi môi hồng giờ đã tàn phai. Có gì làm đôi mắt cay cay như là khói thuốc ?
Nguyễn Hồi Thủ
25/03/06-02/07


(1) Trời làm một trận lăng nhăng
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông
(2)Thật là quái dị khi chữ thuốc (trong Hút thuốc chẳng hạn) lại cũng có cùng nghĩa với thuốc là thứ dùng để chữa bệnh cho con người (Uống thuốc), nghiệm ra thì chẳng thấy có hiện tượng này ở trong bất cứ thứ tiếng nước ngoài nào mà tôi biết cả !
(3) Ở Việt Nam trên bao thuốc nhà sản xuất chỉ đề một dòng chữ be bé, chung chung bên cạnh một mép bao: «Hút thuốc có hại cho sức khoẻ», như thể sức khoẻ và người hút chẳng dính líu gì với nhau, trong khi ở Pháp này thì câu «FUMER TUE» (THUỐC LÁ GIẾT NGƯỜI/HÚT THUỐC LÀ CHẾT) được viết to, đậm, nằm ngay trên mặt bao thuốc. Ngoài những bệnh hiểm nghèo, người ta còn khám phá ra thuốc lá còn làm giảm khả năng thụ thai vv..

(*) Đón xem bài : Bia ôm và con hổ Tiger
(**) Đón xem bài: Phong bì và tham nhũng


Phụ đính : Đọc báo
Thuốc lá & thị trường Châu Á trong đó có Việt Nam
Ở nhiều nước Châu Á, hút thuốc là rất hợp thời, đang mốt. Những người hút thuốc Châu Á có vẻ như dễ bị tác động bởi những chiến dịch quảng cáo phù phiếm. Hút thuốc lá nhãn hiệu Mỹ hoặc Châu Âu được coi như “sành điệu”. Theo một bài đăng trên tờ Thời báo Nữu Ước (Shenon, 1994), “Ở Việt Nam không có món quà nào sang hơn thuốc lá Ba số của Anh. Ở Trung Quốc, thuốc lá được ưa chuộng là Marlboro. Đối với tầng lớp quí tộc ở Thái Lan, thuốc lá được ưa chuộng là Dunhill.” Tỷ lệ hút thuốc lá ở đàn ông Châu Á cực kì cao, ví dụ như ở Nhật Bản và Trung Quốc: 60%, ở Việt Nam: tỷ lệ trở nên khổng lồ 73% (Pollack, 1997).

Trong khi một số chính phủ Châu Á theo gương các nước Tây phương, cấm quảng cáo thuốc lá trên phát thanh và truyền hình thì các công ty thuốc lá lại tìm cách chuyển lời chào mời của họ đến mọi người qua các sự kiện thể thao, hoặc qua trang phục có chưng các biểu tượng thuốc lá. Ở Nhật Bản, ngành công nghiệp thuốc lá - gồm một công ty thuốc lá độc quyền nội địa và 4 công ty thuốc lá đa quốc gia - tự nguyện phát triển những tiêu chuẩn quảng cáo mới, chặt chẽ, áp dụng từ ngày 1 tháng 4, 1998. Những tiêu chuẩn này đặt ra để hạn chế hút thuốc ở giới thanh niên. Ở Singapore luật pháp chặt chẽ, các luật chống hút thuốc như luật cấm bán thuốc lá cho người vị thành niên qui định các hình phạt rất nặng. Các luật kiểu như vậy cho thấy thái độ chống thuốc lá của Phương Tây đã lan sang một số nước Châu Á.

Trung Quốc là một thị trường đặc biệt quyến rũ đối với các công ty đa quốc gia với 1.2 tỷ nhân khẩu và nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh. Số người hút thuốc ở Trung Quốc nhiều hơn dân số nước Mỹ (theo Shenon, 1994). Các nhóm khách hàng khác mà công ty thuốc lá nhằm vào là phụ nữ Châu Á và thanh niên. Trong khi ở Châu Á đàn ông trưởng thành hút thuốc là phổ biến, quảng cáo thuốc lá lại đặc biệt hướng vào phụ nữ và thanh niên để thay đổi khuynh hướng nói trên. Ngày càng nhiều phụ nữ Châu Á coi hút thuốc lá là biểu hiện sự nổi dậy của họ (theo Pollack, 1997). Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá lên đến 34%, mặc dù tỷ lệ này ở Châu Á trung bình chỉ là 10% hoặc ít hơn.

Các công ty thuốc lá đa quốc gia cho rằng họ không cố gắng làm những người không hút ở Châu Á tập tành hút. Thay vào đó, họ chỉ thuyết phục những người Châu Á đã có thói quen hút thuốc thay đổi loại thuốc họ đang hút. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại. Ở Hồng Kông, rất ít phụ nữ hút thuốc. Do vậy, nếu các công ty thuốc lá không quan tâm đến việc tạo thị trường mới thì Hồng Công sẽ không thể là thị trường hứa hẹn đối với thương hiệu thuốc lá dành cho phụ nữ.

Sự thật là vài năm trước đây công ty Philip Moris đã đưa ra thương hiệu Virginia Slims chủ yếu nhắm vào phụ nữ ở Hồng Kông (theo Shannon, 1994).

Đặc biệt là dưới thời ông Bush làm tổng thống, chính phủ Mỹ đã gây sức ép để đạt được những hiệp định cho phép tự do buôn bán thuốc lá, để đảm bảo rằng các nước Châu Á sẽ mở cửa thị trường cho các công ty thuốc lá có trụ sở ở Mỹ. Báo cáo thường niên 1993 của công ty thuốc lá R. J. Reynolds cho biết : “ Hiện nay công ty Reynolds chiếm 90% thị phần thị trường thuốc lá thế giới, một thập kỉ trước đây mới chỉ 40%”. Rõ ràng các nỗ lực đàm phán thương mại đã thúc đẩy ngành công nghiệp thuốc lá Mỹ phát triển.

Ảnh hưởng về mặt sức khoẻ

Các bác sĩ và các nhà khoa học quan tâm về việc hút nhiều thuốc hơn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân Châu Á. Một nhà khoa học dự đoán “Vì tiêu thụ thuốc lá ở Châu Á tăng, tỷ lệ tử vong hàng năm trên thế giới do các bệnh liên quan đến hút thuốc sẽ tăng gấp ba lần hoặc hơn trong hai hay ba thập kỉ tới, từ 3 triệu người một năm đến 10 triệu người một năm, một phần năm trong số đó là người Trung Quốc. Theo tính toán của nhà khoa học này thì 50 triệu trẻ em Trung Quốc hôm nay sẽ chết vì những bệnh liên quan đến hút thuốc lá”. (theo Shenon, 1994).

Bộ Y Tế Nhật Bản kèm theo tập Những Trang Trắng năm 1997 của họ một phần nói về hút thuốc lá và ung thư phổi, có nhắc đến các nguy cơ của hút thuốc thụ động. Đây là lần đầu tiên báo cáo hàng năm của Bộ Y Tế có phần nói về hút thuốc (Các khuynh hướng ở Nhật Bản, 1998). Trong những năm trước đây, Bộ Y Tế đã cố gắng kèm một phần nói về thuốc lá trong báo cáo của mình nhưng bị Bộ Tài Chính bác bỏ, một bộ mạnh hơn và là đại diện cho quyền lợi của công nghiệp thuốc lá (lưu ý rằng chính phủ Nhật Bản sở hữu phần lớn cổ phần trong ngành công nghiệp thuốc lá Nhật Bản). (theo Pollack, 1997).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá và ôtô nói riêng đóng một vai trò quan trọng về mặt nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trong những năm qua, số thu từ sắc thuế này thường chiếm khoảng 24% trong tổng số thu từ thuế gián thu, riêng các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá và xăng dầu chiếm tới 19,7%. (http://www.rdviet.info/thong-tin/modules.php?name=News&file=article&sid=3255)

Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp nước ngoài tham gia sản xuất thuốc lá bao gồm British American Tobacco (BAT), Philips Morris và Japan Tobacco (JT). Các doanh nghiệp này đang liên doanh, liên kết với Tổng công ty thuốc lá Việt Nam để sản xuất các loại thuốc lá mang nhãn hiệu 555, Marlboro, Dunhill, Mild Seven…Tuy nhiên các doanh nghiệp này đều chỉ được phép liên doanh, liên kết với các đối tác trong nước.

Theo giới thạo tin, lợi nhuận các doanh nghiệp này thu được thì không hề nhỏ. Các nhãn thuốc lá trên đã được tiêu thụ với mức hơn 1 tỷ bao trong tổng số hơn 3 tỷ bao thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2006, chiếm khoảng 31% thị phần về số lượng bao, nhưng chiếm một tỷ lệ cao hơn nhiều nếu tính về doanh thu vì phần lớn trong số này là các loại thuốc lá trung và cao cấp. Dễ hiểu là tại sao các doanh nghiệp nước ngoài vẫn muốn xí được phần thị trường Việt Nam và câu chuyện thuốc lá cũng đã được đưa lên bàn đàm phán WTO.

Vào năm 2006, hai nhãn thuốc lá mới là Pall Mall và Viceroy đã được BAT kết hợp với Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam đưa ra thị trường sau khi được Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã gây ít nhiều dị nghị và thắc mắc đối với các doanh nghiệp nước ngoài còn lại. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp này đã phải chấp nhận một số điều kiện cụ thể.

Theo cam kết gia nhập WTO, từ năm 2007 Việt Nam sẽ phải cho phép nhập khẩu thuốc lá điếu và chẳng bao lâu nữa trên thị trường sẽ xuất hiện thêm một loạt các nhãn hiệu mới.

Nhưng theo quan điểm của Bộ Công nghiệp, việc cho phép các nhãn thuốc lá mới được sản xuất tại Việt Nam như trường hợp các nhãn Pall Mall và Viceroy nói trên vẫn có lợi hơn trên các khía cạnh như thu ngân sách, tạo việc làm… Vào năm 2006, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng từ 45% lên 55% thực sự là một gánh nặng đối với ngành này. Tổng sản lượng tiêu thụ đã giảm 11,4%, riêng tiêu thụ nội địa giảm khoảng 14%. Nhưng từ năm nay với việc thuốc lá ngoại được nhập khẩu về, một cuộc cạnh tranh mới sẽ làm giảm giá sản phẩm và tăng lượng tiêu thụ trở lại? (http://www16.24h.com.vn/news.php/52/139658)


Thuốc Lá Trúng Mùa Thì Rừng Hết Cây
(Gia Lai - VNN) Để có thuốc lá phải có củi sấy, thế là sẵn cây trên rừng người ta cứ chặt về đốt. Vào mùa thu hoạch cây thuốc cũng là thời điểm cánh rừng của Gia Lai trở nên tan hoang.

Theo dân địa phương, một hécta thuốc lá sấy sau 4 tháng thu hoạch cho lãi từ 15 đến 20 triệu đồng, mà không năm nào bị rớt giá. Thêm vào đó lại có 2 đơn vị là Trạm nguyên liệu thuốc lá Gia Lai và Nhà máy thuốc lá Bến Tre sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Do đó, diện tích trồng thuốc lá sợi vàng trên địa bàn huyện Krông Pa ngày một tăng nhanh. Tuy nhiên, cùng với sự giàu lên của nhiều gia đình ở Krông Pa mà đa phần là gia đình cán bộ, nhờ trồng thuốc lá, là sự nghèo đi của những khu "rừng vàng" ở địa phương này. Vì thuốc được sấy bằng củi rừng mà củi tốt cháy đượm than thì hàng càng đẹp, càng được giá.

Được biết, chỉ tính riêng vụ mùa 2002-2003, toàn huyện Krông Pa trồng khoảng 1.000 hecta thuốc lá sợi vàng sấy và có 610 lò sấy. Chính vì thế mà thời gian vào vụ thu hoạch thuốc lá vàng sấy, rừng phòng hộ suối Ka Tô, buôn Ma Rốc bị tàn phá nghiêm trọng. Người khai thác củi trái phép thường dùng xà beng, cuốc chim để mở đường cho xe đi. Gỗ được xếp thành chồng, thành đống trong rừng một cách ngang nhiên. (http://www.lenduong.net/spip.php?article2785).

Nguyễn Hồi Thủ là một nhà văn và nhà thơ nhiều trăn trở với đất nước, đặc biệt là về lãnh vực văn hóa tư tưởng. Tốt nghiệp cử nhân luật tại Sài Gòn, cao học chinh trị tại Nhật, và cao hoc du lịch tai Pháp, rồi hành nghề kỹ sư tin học; nhưng được biết tới nhiều nhất là một nhà thơ. Những năm gần đây ông tập trung cố găng vào việc dịch thuật. Dịch phẩm được biết tới nhiều nhất là cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí (nguyên tác Bá Dương), sau đó là cuốn Quả Đất Quê Hương (nguyên tác Hervé Morin). Dịch phẩm vừa hoàn tất: Xích Lại Gần với Hiện Thực (ghi lại cuộc đối thoại về sáng tác văn học của Cao Hành Kiện, giải thưởng Nobel văn chương năm 2000, với Denis Bourgeois). Win Vision xuất bản. .Liên lạc: Win Vision 4864 Miramar Avenue, San Jose CA95129, USA, winvision@yahoo.com

Không có nhận xét nào: