Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Dẫn đề

“Sin thì sincos cossin, cos thi coscos sinsin dấu trừ”. Đó là câu vè để nhớ một công thức toán lượng giác mà ta tiếp thu được trong đời trung học. Những kiến thức về khoa học tự nhiên và nhân văn khiến con người mở mang hiểu biết cũng là căn bản cho những sự học vấn cao hơn ở bậc đại học, với mục đích sau cùng là để phục vụ thực tế của đời sống. Song, rốt cuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta, không mấy ai gặp lại hay cần dùng cái hiểu biết “sin, cos” của môn hình học lượng giác này.

Những điều mà các em học sinh va chạm trong đời sống hàng ngày sau khi tốt nghiệp trung học ngoài việc thi vào đại học là đi tìm việc làm, là tình yêu đôi lứa và nói chung là sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn xin việc làm, trong những lần tạo ấn tượng với người bạn khác phái, thậm chí trong những cuộc tiếp xúc hàng ngày với người quen hay kẻ lạ, các em cần thuyết phục đối tượng. Nhưng kiến thức làm sao để thuyết phục đối tượng không được dạy trong trung học. Các em sẽ phải đương đầu với những lo lắng trong thi cử, thất chí trong cuộc sống kiếm cơm, đau khổ trong những cuộc tình dang dở, đối phó với những thăng trầm của cuộc sống. Làm sao để có đủ ý chí vượt qua các thử thách? Làm sao để bớt lo lắng? Làm sao để sự thất vọng không làm ta nhụt chí? Trước sự thất tình ta phải nghĩ sao, làm gì?

Những vấn nạn này không những chỉ xuất hiện ở tuổi đôi mươi, mà nếu không may, còn theo đuổi con người suốt một kiếp. Sa ngã trong nghiện ngập, thất bại trong kế mưu sinh, bị bạn bè phản bội, người thân lừa dối, con cái ngỗ nghịch không nên người là những nỗi khổ và khó khăn của đời người. Làm sao để tránh, làm sao để vượt qua?

Trong 100 em học sinh, có lẽ chỉ có một vài em sẽ cần kiến thức “sin, cos” của hình học lượng giác sau này, chỉ có vài em cần áp dụng kiến thức công thức vật lý F=ma nhưng em nào cũng được học. Trong khi đó, trên 90% các em sẽ trở thành những người cha, người mẹ, cần phải hướng dẫn con cái, nhưng không có bài học nào dạy làm sao để hiểu, đối xử và dạy dỗ trẻ em. Những công thức hóa học, những định lý toán học, những câu ca dao lục bát tuy không thể thiếu trong chương trình trung học, song trên bình diện đời sống cá nhân, có những điều rất ư là quan trọng, lại thường xảy ra, mà các em cần được trang bị để ra đời đã không được giảng dạy đúng mức.

Đó là nói trên bình diện của mỗi cá nhân. Trên tầm nhìn quốc gia, dân tộc ta lại thấy những điểm khác, có thể bổ túc thêm cho chương trình giáo dục của Việt Nam.

Ai đã từng tiếp xúc qua với học sinh của các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, hay đã từng biết sinh hoạt của người Tây Phương thì có lẽ cũng thấy được sự dạn dĩ, tự nhiên của họ. Những đứa trẻ trong nền giáo dục của các nước tiên tiến lớn lên với một sự tự tin. Ngoài sự tác động từ đời sống bên ngoài, sự giáo dục của nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sự giáo dục này không chỉ nằm trong kiến thức được truyền thụ mà tùy thuộc rất nhiều vào phương pháp giáo dục.

Những tiền đề trên cho ta ấn tượng là có rất nhiều điều cần được bổ túc, cải cách, trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, từ nội dung chương trình đến phương pháp, song bài viết này chỉ chú trọng về phương diện nội dung chương trình giáo dục.

Kiến thức về khoa học có thể giúp cho một người có bằng cấp kỹ sư. Song trong đời sống của một kỹ sư thì có gia đình, bạn bè, cấp trên, thuộc hạ, bạn đồng nghiệp, cộng đồng, dân tộc… chứ không chỉ có công việc tính toán khoa học. Cái hành trang kiến thức của trung học chỉ đóng góp được một phần rất nhỏ trong cả cuộc đời người kỹ sư. Và nếu chẳng may sau khi ra khỏi trung học đương sự không trở thành kỹ sư mà làm ca sĩ, thì tất cả những kiến thức toán, vật lý cũng không còn công dụng gì nữa. Song một ca sĩ thì cũng như một kỹ sư, ai cũng phải đối diện với thực tế đời sống, trong đó cảm nhận của bản thân và quan hệ giữa người và người là điều quan trọng và thực tế nhất.

Như vậy, xin được tạm gọi cái kiến thức mà chúng ta cần trang bị thêm một cách chu đáo cho các em tốt nghiệp bậc trung học là môn “con người và đời sống”. Nếu gọi những kiến thức khoa học và nhân văn là để làm tăng IQ (intelligence quotient) của học sinh, thì môn “con người và đời sống” là phần nào để làm tăng “EQ” (Emotional Quotient) của học sinh, chuẩn bị cho các em ra đời thành công. Sự thành công không chỉ đặt căn bản trên vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần. Người cảm thấy hạnh phúc là người thành công.

Việc soạn thảo chương trình của môn “Con Người và Đời Sống” phải là công trình của nhiều người, nhiều chuyên gia. Chương trình này là tổng hợp của nhiều kiến thức về tâm lý, sinh lý, triết lý… bao gồm công dân, đức dục được sàng lọc và gói ghém lại để thích hợp với trình độ và nhu cầu của người tiếp thu. Khuôn khổ một bài viết của một người sẽ không thể nào trình bày hết.

Song, muốn hoàn thiện hóa một cơ chế, một sự việc điều tiên quyết là chúng ta cần hiểu rõ cơ chế hay sự việc ấy. Muốn hoàn thiện hóa cá nhân chúng ta và quan hệ giữa người với người, chúng ta phải hiểu rõ về con người. Đóng góp dưới đây là một vài kiến thức mà người viết cho là căn bản cho môn “Con Người và Đời Sống”. Bài viết này được gởi đến các em học sinh của những năm cuối cùng của trung học, vì người đọc cần một số kiến thức khoa học căn bản để có thể tiếp thu một cách dễ dàng.


Viết cho các bạn trẻ…

Các bạn trẻ thân mến,

Sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa Kỳ đã làm chấn động hoàn cầu. Hàng chục người đã tham gia vào công tác cảm tử, cướp các phi cơ dân sự, lao vào các mục tiêu quân sự lẫn dân sự của Mỹ. Có người xem đó là hành động khủng bố, hèn hạ, vô nhân, cũng có người xem đó là những hành động tử vì đạo vô cùng anh hùng, cao thượng. Còn những cảm tử quân kia thì nghĩ gì? Không nhiều thì ít, chắc chắn phải có một số cảm tử quân tin vào đấng thượng đế của họ và một thiên đàng sau cõi chết. Nhưng cũng có những người trên thế giới không tin như vậy.

Đời sống của nhân loại quả thật là muôn màu muôn vẻ, một lãnh tụ chính trị được nhiều người suy tôn, nhưng cũng bị nhiều người khác khinh dễ, và lại cũng có người dửng dưng. Trước một biến cố, thậm chí một bài thơ hay một bản nhạc, qua nhãn (và nhĩ) quan của con người nó bỗng trở thành hay, dở, tốt, xấu khác nhau, nghĩa là được cảm nhận một cách khác nhau.

Tại sao như vậy? Cá nhân chúng ta thuộc loại nào? Tại sao ta lại nghĩ như vầy, mà người khác lại nghĩ như thế kia? Các cảm tử quân rốt cuộc có lên thiên đàng không? Trước quá nhiều gút mắc chúng ta hãy chọn những gút chính mà tháo gỡ. Cái gút đầu tiên cần được tháo gỡ là “Tại sao người ta lại có những niềm tin, suy nghĩ khác nhau?”.



Memes- ký và niềm tin

Chắc các bạn trẻ đều có nghe qua chuyện Tarzan hay những mẩu chuyện em bé được chó sói nuôi trong rừng. Những người này, chưa từng tiếp xúc với loài người, không nói được tiếng người, chỉ biết sủa và tru. Một con người chưa bao giờ nghe qua tôn giáo A nào đó thì không thể nào biết có tôn giáo đó để mà đặt niềm tin vào. Một người chưa từng bao giờ nghe qua tên nhân vậy B thì cũng không thể nào tôn sùng, yêu kính hay ghét bỏ nhân vật B. Nhưng cuối cùng, khi họ lớn lên thì người này tin thế này, người kia nghĩ thế kia. Để tìm hiểu xem tại sao như vậy ta hãy theo dõi họ ngay từ thuở lọt lòng.

Các bạn trẻ thân mến,

Ngay từ thuở lọt lòng, không có một đứa trẻ nào có một niềm tin nào cả. Điều nó biết chỉ là những cảm giác sinh lý như đói no, nóng lạnh, sáng tối, đau đớn hay thoải mái. Để dễ hiểu cho những lập luận sau này, chúng ta hãy tạm xem bộ não của đứa nhỏ như một cái máy điện não vi tính mới mua về, trong đó chỉ có những chương trình thật căn bản để sinh tồn mà thôi.

Rồi thì nó nhìn thấy nụ cười của bà mẹ. Nó tiếp thu nụ cười vào não như một máy vi tính tải vào một chương trình nhỏ. Rồi một hôm nó húp một chút nước đường, cái vị ngọt của nước đường làm nó thoải mái, và đó cũng là một chương trình nhỏ giữ lại trong bộ não non nớt trinh trắng đó. Lớn lên một chút, một hôm nó nghe người ta kể chuyện ma, câu chuyện ma được tiếp thu vào ký ức của nó như một “program” được “load” vào “computer”.

Nụ cười của bà mẹ, vị ngọt của đường, câu chuyện ma, những cái mà ta tạm gọi là chương trình (program) bên trên được các nhà khoa học gọi là những “memes”, tạm dịch là “ký” (như ký hiệu).

Meme có thể nhỏ như một nụ cười, nhưng cũng có thể lớn như một lý thuyết tôn giáo hay chính trị. Không ai tự nhiên sinh ra mà tin vào lý thuyết này, sự kiện nọ. Tất cả đều dựa trên những memes trong đầu, và những memes này được đưa vào não qua ngũ quan của ta. Một cách nôm na, memes hay ký là những kinh lịch của cuộc sống.

Hãy giả sử khi vừa ra đời, các cảm tử quân trong vụ 11 tháng 9 bị bắt cóc. Một số được nuôi dưỡng trong nhà dòng ở La Mã, một số được gởi qua Tây Tạng ở cùng các vị Lạt Ma, một số đưa sang VN cho những gia đình nông dân nuôi dưỡng, tất cả đều không có phương tiện liên lạc truyền thông như TV, radio, để biết về Hồi giáo, thì khi lớn lên có được mấy người tin vào đấng Allah và thuyết Hồi Giáo? Có lẽ chúng ta cùng tin rằng không có người nào có niềm tin như họ đã có khi tham gia công tác cảm tử. Và có lẽ không một ai tham gia công tác cảm tử này. Nếu chưa nghe qua thánh Allah, chưa bao giờ biết qua trên đời có kinh Koran thì người ta không thể tự nhiên mà có niềm tin vào lý thuyết của đạo Hồi. Đó là điều chắc chắn. Trước khi người Tây Phương sang Việt Nam, vì chưa nghe đến đạo Kitô nên không có người Việt Nam nào theo đạo Chúa và thờ Chúa Giê-su cả. Do đó, niềm tin trong ta được thành lập trên những điều ta được nghe qua, thấy qua, dạy dỗ, và đó là những memes, những ký chứ không phải tự nhiên mà có.

Memes là những ký hiệu được giữ lại trong tiềm thức của ta. Chúng là căn bản cho sự suy nghĩ của ta. Người ta nghĩ khác nhau, cảm nhận khác nhau về cùng một sự kiện 11 tháng 9, cũng vì có những memes khác nhau.

Như vậy, việc đầu tiên chúng ta đồng ý là suy nghĩ của mình chỉ có thể dựa trên những memes mà mình đã kinh qua. Người Việt, có những memes về văn hóa giống nhau nên có suy nghĩ tương tự nhau. Nhưng người Việt ở trong nước suy nghĩ khác người Việt ở hải ngoại, người có memes của chủ nghĩa này, kẻ có memes của lý thuyết kia, vì họ có kinh lịch đời sống khác nhau.

Nếu mỗi người chúng ta chỉ có một bộ memes thì chỉ có memes chịu trách nhiệm cho mỗi suy nghĩ, cảm nhận và hành động của ta, nhưng trong một con người thường khi có rất nhiều memes và người ấy phải chọn lựa. Thí dụ như cô A có hai anh chàng đang theo đuổi, mỗi chàng đã để lại môt bộ ký (set of memes) trong ký ức của cô. Vấn đề của cô là phải quyết định xem chọn anh nào, hoặc không chọn ai cả, hay... bắt cá hai tay. Một người Việt lớn lên thường đã nghe qua và biết qua nhiều lý thuyết tôn giáo lẫn phi tôn giáo, tức là có nhiều memes khác nhau, vậy thì họ sẽ chọn tin theo lý thuyết nào?

Các bạn trẻ thân mến,

Khi các memes mâu thuẫn nhau, tranh chấp với nhau trong đầu thì cũng chính là lúc ta đang suy nghĩ và cuộc tranh đấu giữa các memes càng ác liệt, càng khó phân thắng bại thì ta càng cảm thấy bối rối, phân vân. Và đó là vấn đề mà chúng ta phải đụng độ hàng ngày.

Vậy thì cái gì có quyền quyết định, cái gì có quyền chọn lựa? Thông thường, câu trả lời là “TA” chọn lựa, “TA” quyết định.

Các bạn trẻ thân mến,

Muốn hiểu về con người và đời sống thì cái đầu tiên, và quan trọng nhất mà ta cần hiểu biết là cái TA. Nó thực sự bí ẩn hơn cách hiểu thông thường.

Thông thường, khi nói “TA”, hay “TÔI”, thì người ta chỉ vào ngực, hoặc vỗ vào ngực và có lẽ người ta muốn chỉ trái tim. Song mọi người đều biết trái tim không phải là trung tâm của sự chọn lựa, quyết định, và điều này được dẫn chứng bởi những ca đau tim và những người được thay tim. Có khi xưng tôi thì người ta chỉ vào mặt, nhưng dĩ nhiên mặt mũi không phải là nơi quyết định, và điều này cũng được dẫn chứng qua những ca giải phẫu thẩm mỹ.

Vậy thì cái “TA” có phải nằm trong não bộ chăng, bởi vì khi bị thương tổn não bộ người ta mất trí, chọn lựa và quyết định trở nên bậy bạ? Đặc biệt, các người mà não bộ bị đánh thuốc mê, hay thậm chí chỉ cần say rượu đến bất tỉnh (tức là bị phân tử rượu tác động lên não), thì họ cũng không quyết định gì được cả.

Từ trước đến nay, người ta thường phân tích hoạt động sinh lý của não, và phân tích đời sống tinh thần, tâm lý, của con người một cách tách biệt. Nhưng kỳ thật, thưa các bạn, cái thí dụ đánh thuốc mê bên trên đã cho thấy rõ đời sống tinh thần, suy nghĩ, cảm giác của ta có liên quan mật thiết đến não bộ và những phân tử thuốc mê vật chất. Sự liên quan giữa tinh thần, tâm lý, suy nghĩ và não bộ có thể được ví như mối liên quan giữa các chương trình, hay phần mềm (software), và phần cứng (hardware) của máy vi tính. Phần mềm là các memes, còn não bộ của ta là phần cứng. Cái “TA” quyết định mọi thứ cũng núp trong cái phần cứng và phần mềm này.

Các bạn trẻ thân mến,

Tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, tổ quốc, đồng loại, sự phân biệt thiện ác, đúng sai, niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ, hy vọng, tức giân, hờn ghen, tủi nhục, vinh quang, đến tất cả những ký ức, và cuối cùng là quyết định của các bạn, của tất cả chúng ta đều diễn ra trong bộ não. Hôm nay chúng ta bỏ ra vài phút, truy cho tới cùng cái TA, hiểu nó cho tường tận. Cái kết quả của vài phút suy nghiệm này sẽ đưa ta đến một khám phá đáng ngạc nhiên, tương tự như lúc mọi người đang tin là trái đất là mặt phẳng, bỗng một hôm phát hiện ra nó hình cầu.

Trong vài dòng tới, các bạn trẻ sẽ có cơ hội vận dụng những kiến thức khoa học căn bản nhất để suy ra một chân lý mà trường trung học chưa bao giờ giảng dạy qua, ngay cả ở đại học cũng vậy. Các bạn sẽ hiểu được cái “TA” mà có lẽ bạn chưa từng nghe nói tới kể cả trong tôn giáo hay ngoài xã hội. Nó lạ lùng kỳ diệu mà cũng rất ư đơn giản và khoa học.


Ta

Một hôm, một nhân công làm đường rầy xe lửa, trong khi đang đặt thuốc nổ phá núi đã bị tai nạn, cây xà beng cắm vào đầu ông xuyên qua não bộ. Bộ óc bị mất một phần nhưng ông ta không chết. Sau thời gian dưỡng bệnh, ông ta trở lại làm việc. Tuy sức khỏe bình thường, tính tình của ông ta đã đổi khác. Từ một người nhút nhát ông trở nên rất bạo dạn. Không những chỉ khác ở tính tình mà sau khi bị mất một phần não ông còn khác xưa ở những điểm kỳ lạ. Sau khi lành bệnh, ông ta dùng lưỡi để khám phá ra vật lạ thay vì dùng mắt hay tay như trước đây dù ông ta vẫn thấy đường và có xúc giác bình thường. Ông ta lại có thể động tình với bất cứ ai nam cũng như nữ, luôn cả với thú vật mà trước đó thì ông là một người đàn ông bình thường, không phải như vậy.

Qua hiện tượng này cùng với nhiều hiện tượng bị bệnh hay giải phẫu não bộ, người ta nhận thấy rằng cá tính, suy nghĩ, cảm giác, thái độ của con người sẽ khác đi nếu như não bộ bị hư hao, thương tổn và người ta biết rằng có những trung khu với những chức năng riêng, như cảm giác, suy nghĩ vân vân.

Các bạn trẻ thân mến,

Nếu có cái ta cao hơn bộ não, nghĩa là có thẩm quyền trên bộ não thì sao ông nhân viên hỏa xa kia lại thay đổi ý thích về tình dục và có thái độ kỳ dị như vậy?

Để thí nghiệm, người ta đã cắt mất phần não tương ứng của những con khỉ tương tự như trường hợp của nhân viên hỏa xa nói trên. Kết quả là những con khỉ trở nên rất dễ dạy, không sợ hãi như trước. Chúng cũng khám phá đồ vật bằng miệng và lưỡi và cũng làm tình với cả cái lẫn đực, lẫn những con vật khác.

Các bạn trẻ không cần lo lắng là chúng ta sẽ phải kinh qua một bài học về sinh lý não. Ở đây chúng ta chỉ muốn chứng minh rằng từ cảm giác của ngũ quan, sinh lý đến các cảm giác tâm lý như vui buồn, sợ, tức, đến cả suy nghĩ và quyết định của ta cũng nằm trong não bộ và liên quan đến sự vận hành của não bộ.

Bộ não là tập hợp của các tế bào, mà sự vận hành trong đó là những phản ứng hóa học. Nếu các tế bào ấy không hoạt động, tức là các phản ứng hóa học không xảy ra, thì ta không có cảm giác, suy nghĩ hay quyết định, thậm chí không biết ta hiện hữu. Ứng với mỗi sự suy nghĩ hay quyết định của ta phải là một luồng thần kinh, tức là một chuỗi phản ứng sinh hóa xảy ra trong não bộ. Hiện tượng sinh hóa khác nhau thì ứng với những suy nghĩ quyết định và cảm giác khác nhau. Các hóa chất gây mê, kích thích, lượng đường trong máu, thuốc trị bệnh trầm cảm và các loại bệnh thần kinh khác là những minh chứng cho vai trò của hóa chất trên suy nghĩ và cảm giác của ta. Các chuỗi phản ứng hóa học trong não bộ, tức là hoạt động thần kinh trung ương là bất khả phân với suy nghĩ và quyết định của ta, tức là TA.

Đến đây thì có một câu hỏi lớn nhất mà chúng ta phải trả lời. Trả lời xong câu hỏi này thì ta hiểu được cái TA kỳ diệu và có được chiếc chìa khóa để mở tất cả những hệ luận triết lý sau này. Câu hỏi đó là:

(1) sự quyết định, suy nghĩ của ta khiến cho những hóa chất trong tế bào vận hành và phản ứng (theo ý ta), hay

(2) những chuỗi phản ứng hóa học ấy chỉ diễn ra theo định luật của tự nhiên - tức là những định luật lý, hóa, mà chúng ta đã được học qua - và chính những phản ứng hóa học này đã phát sinh ra cái mà ta goi là suy nghĩ ý muốn và quyết định của ta?

Câu hỏi này có tính cách quyết định, bởi vì nếu ta cho rằng là ý chí của ta điều khiển sự hoạt động của não bộ, thì quả là trên đời này có một cái TA làm chủ não bộ này và ta phải đi tìm cho ra nó. Còn bằng cho rằng chính cái ý chí ấy cũng chỉ là một sản phẩm của sự vận hành của những hạt hóa chất li ti trong một khối não trăng trắng bầy nhầy, thì không còn cái TA nữa, mà chỉ còn một bộ máy sinh hóa chạy tự động, và trong quá trình hoạt động này nó sản sinh ra một dạng hiện hữu khác, mà ta gọi là suy nghĩ, cảm giác.

Các bạn trẻ thân mến,

Qua các kiến thức sơ đẳng về vật lý, như điện tích âm hút điện tích dương, và những kiến thức sơ đẳng về hoá học, các bạn đều biết rằng vật chất, hóa chất chỉ hoạt động, phản ứng tuân theo luật thiên nhiên chứ không hề tuân theo một ý chí nào. Vậy, việc bảo rằng ý chí của ta khống chế các hoạt động hóa học trong não là không đúng.

Nhưng rõ ràng là các hoạt động của não bộ ứng với cảm giác và suy nghĩ của ta. Vậy thì cách giải thích duy nhất là cảm giác của ta, suy nghĩ của ta, là thành phẩm, hay được gọi là sản phẩm phụ, của các hoạt động vật chất trong não bộ.

Khi có một ánh đèn xanh chiếu vào mắt, một chuỗi hoạt động thần kinh sẽ diễn ra trong trung khu thị giác của não bộ ta, và thế là ta có được cái cảm giác “thấy” màu xanh. Khi miếng chanh kích thích tế bào vị giác ở lưỡi, luồng thần kinh được đưa vào khu vị giác của não bộ và một cảm giác “chua” xuất hiện. Tương tự như vậy, những luồng thần kinh, tức là những phản ứng hóa học, xảy ra ở những trung khu khác sẽ tạo ra những cảm giác tâm lý như vui buồn, và cả cái cảm giác mà ta vẫn mệnh danh là suy nghĩ, hay quyết định.

Các bạn trẻ thân mến,

Đến đây ta gặp phải một vấn đề khó hiểu, đó là cái “phẩm chất” của cảm giác vui buồn, của vị chua, của màu xanh hay của suy nghĩ hoàn toàn khác với những chuỗi phản ứng hóa học mà ta vừa mô tả. Đó là hai dạng hiện hữu hoàn toàn khác nhau. Thật khó mà tưởng tượng ra sự tương quan giữa những phản ứng hóa học trong não và quyết định chọn ai, bỏ ai, hay cảm giác ghen tức, thất tình trong một cuộc tình tay ba.

Để dễ hiểu, xin tạm lấy một vài ví dụ.

Chúng ta đều biết hễ có dòng điện chạy qua bóng đèn thì tim đèn mới bật sáng. Giữa ánh sáng, tức hiện tượng phát quang, và chuyện các điện tử chạy trong dây điện và tim đèn thoạt xem thì thấy khác nhau, như kỳ thực từ một mà ra. Dòng điện đã tạo nên hiện tượng phát quang. Tương tự, cảm giác của ta có thể được ví như ánh sáng và luồng thần kinh thì được ví như những luồng điện trong dây đèn. Có rất nhiều thí dụ về cơ chế tương tự như trên. Khi cái dĩa CD quay thì có tiếng nhạc phát ra từ cặp loa. Tuy lời ca tiếng hát xem chừng như khác hẳn việc cái dĩa CD đang quay nhưng kỳ thực tất cả những âm thanh phát ra đều hoàn toàn tùy thuộc vào các tín hiệu trên dĩa CD. Trong trường hợp này, cảm giác và suy nghĩ của ta có thể ví như âm thanh bản nhạc, còn các memes là những tín hiệu trên CD, não bộ thì được ví như cái máy CD.

Ô hay, nhưng như vậy thì trớ trêu lắm. Như vậy thì con người nào khác chi cái máy!

Thực vậy các bạn trẻ ạ, nếu có bạn nào đọc đến đây mà không đồng ý với bài viết, thì đó là vì các memes được chứa trong não bộ của các bạn không hạp với cái meme mà bạn đang tiếp nhận qua những dòng chữ này. Hầu hết chúng ta đều cho là con người khác với cái máy, nguyên nhân chính là vì con người có quyền tự quyết.

Các bạn trẻ ạ, chơi cờ là điển hình của sự suy nghĩ và quyết định, và công việc suy nghĩ cùng quyết định này được computer chơi rất tài tình, tài tình bằng hay hơn cả con người. Điều duy nhất khác biệt giữa ta và cái computer, là khi suy nghĩ đế đánh cờ thì ta biết ta đang chơi cờ và suy nghĩ, rồi khi thắng, khi bại ta cảm thấy vui hay buồn. Computer thì không hề biết nó đang làm công việc suy nghĩ, cũng không biết vui buồn. Nếu cái computer có cảm giác như con người thì nó cũng ngỡ rằng nó có quyền tự quyết trên mỗi nước cờ, nó chẳng biết rằng suy nghĩ của nó đã bị chương trình hóa và những suy tính của nó đều là tự động. Nó cũng sẽ bị lầm như chúng ta đang bị lầm là TA có quyền tự quyết (freewill).

Quyền tự quyết của ta vẫn có, trên một phương diện nào đó, vì không có ai có thể nhảy vào não để làm thay đổi tư tưởng của ta, nhưng trên cái nhìn rộng hơn thì chính ta cũng không làm sao thay đổi nó được. Việc nó thay đổi hay không là tùy thuộc vào một quá trình tự động, vận hành theo luật của tự nhiên (hay nếu muốn, có thể nói là theo “thiên ý”).

Cấu trúc kỳ diệu nhất vũ trụ


Chắc một số bạn trẻ cũng có nghe qua nhạc phẩm Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với câu bất hủ “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Thật thi vị nhưng cũng thật chính xác. Các hạt bụi oxygen, carbon, điện tử, vân vân… ráp lại thành thân ta, não ta, và kỳ diệu thay, trong sự tương tác của hạt bụi trần gian này phát sinh ra những tâm hồn vui buồn, lãng mạn, phát sinh ra cả những dòng nhạc và lời của Trịnh Công Sơn.

Theo các khoa học gia, cấu trúc tinh vi, kỳ diệu, nhất của vũ trụ là bộ não. Nó tinh vi và kỳ diệu không chỉ vì khả năng suy nghĩ của nó, vì nó suy nghĩ còn kém máy vi tính, nhưng là vì sự vận hành của nó. Khi các mạch điện não trong óc hoạt động, bộ não phát sinh ra được một dạng hiện hữu, khác hẳn với những dạng đang tồn tại mà ta biết đến, đó là cái giác và thức.

Khi các mạch điện trong não của ta hoạt động thì nó phát sinh ra cảm giác sinh lý như đói, no, nóng lạnh, vị giác, xúc giác, thị giác, và những cảm giác tâm lý như sợ, tức, vui, buồn, yêu, ghét, thương, hận. Xin tạm gọi chung những cảm giác trên là giác. Chua và đắng cùng là vị giác, nhưng khác nhau về “phẩm”. Cảm giác thấy màu xanh, hay đỏ, cũng khác nhau về “phẩm”, tuy cùng là thị giác. Vui buồn, tức sợ, suy nghĩ cũng vậy, là những cảm giác, và chúng khác nhau về phẩm.

Sự “biết”, hay “cảm nhận” được các suy nghĩ, quyết định, cảm giác vui buồn được gọi là thức, hay ý thức, tiếng Anh gọi là consciousness.

Như vậy, TA là một bộ máy sinh học nhưng có cảm giác. Điều ta cần biết là mọi suy nghĩ, âm mưu, tham vọng, tình thương, lòng nhân từ của ta đều không phải do ta muốn mà ra, và ngay cả cái ý muốn của ta cũng không phải do ta muốn mà có, mà tất cả chỉ là thành quả của những sự vận hành vô tri, vô giác của những hạt bụi vật chất li ti.

(Nếu bạn trẻ nào có những suy nghĩ liên quan đến linh hồn để phản bác những lập luận trên, xin đọc thêm phụ lục 1 bên dưới)

Các bạn trẻ thân mến,

Có lẽ các bạn chưa nghe một môn học nào, một bài học nào kết luận rằng con người là một cái máy có cảm giác. Song đó là sự thật. Sở dĩ bao lâu nay ta không nghe người ta nói đến là vì thứ nhất, các hiểu biết về não khoa, phân tâm học chỉ mới phát triển gần đây, thứ nhì, các khoa học gia thường chỉ chú trọng vào sự phân tích khoa học mà không áp dụng những hiểu biết vào triết lý, thứ ba, các khoa học gia và triết gia đã nói đến vấn đề này trong 10 năm nay, nhưng những kiến thức này chưa được phổ quát đến học sinh trung học, và cuối cùng, những kiến thức này đi ngược lại một số các lý thuyết tôn giáo nên sự phổ biến bị dè dặt hơn.

(Neuronal Correlates of Consciousness, sự liên quan giữa ý thức và hoạt động thần kinh, là đề tài mà Francis Ckick, người khám phá ra phân tử DNA của di truyền học, được trao giải Nobel năm 1962, nghiên cứu. Các bạn có thể đọc thêm qua những quyển sách trong trang Neuronal Correlates of Consciousness).

Những phân tích về não học bên trên có thể được tìm đọc trong quyển “An Anatomy of Thought” của Giáo Sư Ian Glynn, Cambridge University. Định nghĩa con người là một cái máy tự động có ý thức, human beings are conscious automata, cũng được ghi lại trong quyển sách này, và đó là ý kiến chung của nhiều triết gia.

Những kiến thức về Memes có thể được tìm đọc trong “The Meme Machine” của Dr Susan Blackmore. )

Các bạn thân mến,

Như vậy là các bạn đã có một khái niệm khá mới nhưng khoa học về cái ta. Cái ta mà ta thường tưởng là chủ của cơ thể này, quyết định mọi việc thực ra chỉ như là cái bóng bên lề, mà cái thực thể chính là sự vận hành của những phân tử vô tri trong não bộ. Các phân tử vô tri vận hành thế nào, thì cái bóng ghi lại hoạt động y như vậy. Nhưng cái bóng thì chẳng thể nào quyết định được hoạt động của thực thể. Đến đây thì ta đã hiểu được con người.


Con người

Cổ nhân có nói nhân chi sơ tính bản thiện. Theo ngành phân tâm học, tâm lý học thì câu trên không đúng. Con người khi vừa chào đời không hề biết thiện hay ác mà chỉ biết đến bản thân. Nhân chi sơ tính bổn ích kỷ thì mới đúng hơn.

Một đứa trẻ sơ sinh không hề nghĩ cho nỗi đau của mẹ nó, nó chỉ biết khóc khi đói sữa. Một em bé 6 tháng không hề biết chia xẻ thức ăn cùng cha mẹ dù họ đang đói. Nó không hề biết thiện hay có hành động thiện. Nhưng các em bé cũng không hề muốn hại ai, do đó cũng chẳng ác. Tính thiện ác chỉ có sau khi lớn lên nhưng mầm mống của ích kỷ thì sẵn có, chẳng cần ai dạy nó vì nó thuộc về bản năng để cá thể đó sinh tồn. Nó đã được quy định sẵn trong hệ di truyền, giống như khi mua một cái máy computer mới về thì luôn luôn nó có sẵn chương trình của windows.

Vì con người là cái máy, nó cũng phải hoạt động theo một số nguyên tắc hay nguyên lý chung.

Nguyên lý chung là con người luôn luôn hướng về một cảm giác tốt đẹp hơn hay trong nhiều trường hợp phải nói là hướng về một cảm giác ít xấu hơn. Mục tiêu chung của con người là những cảm giác tốt đẹp, tức hạnh phúc, và động cơ chung là những cảm giác xấu, như sự đói rét khiến người ta cố gắng, sự đau khổ, tức giận là động cơ của sự vùng dậy. Cảm giác là tất cả.

Nhưng dù có toan tính, dù có thương yêu, dù cảm thấy vinh nhục thăng trầm, dù luôn luôn nghĩ rằng ta làm chủ bản thân này, sự thật, tất cả chỉ là kết tinh của những hoạt động sinh hóa vô tri. Ta hiện hữu vì ta biết ta hiện hữu, song ta không thể nào suy nghĩ, quyết định và toan tính khác hơn những gì mà định luật tự nhiên bắt buộc. Nhưng biết được con người là một bộ máy, hiểu được những điều ta suy nghĩ, cảm nhận chỉ là sản phẩm của những hoạt động vô tri thì có ích gì? Có ý nghĩa gì?


Thấu triệt, tha thứ và chấp nhận

Các bạn trẻ thân mến,

Nhiều người, đặc biệt là người Do Thái rất căm ghét Hitler vì ông ta đã cố ý giết hại hàng triệu người Do Thái, gây đau khổ cho biết bao sinh linh. Các bạo chúa đều bị căm ghét như vậy. Nhưng nếu hiểu rằng chính ý muốn diệt chủng Do Thái của Hitler cũng chỉ là một quá trình của các phản ứng hóa học vô tri mà ngay cả chính Hitler cũng không hề làm chủ thì ta không thể nào căm hận, hay chẳng cần căm hận. Cái meme trong đầu của Hitler, chủ thuyết phát xít Đức quốc xã, kỳ thị chủng tộc có thể xem như một con virus. Tự bản thân con virus không sống được bên ngoài nhưng có khả năng sống trong các bộ não và nhân lên từ bộ não này sang bộ não khác. Trường hợp một máy vi tính nào đó bị virus thì ta bắt virus ra, nếu bắt ra không được thì cùng lắm là tắt điện, dẹp máy vi tính đó chứ chẳng hơi đâu mà ta hận thù nó.

Hiểu được con người là cái máy, hiểu được cái ý thức của một người là sản phẩm tất nhiên của những quá trình vô tri thì ta không còn tức, giận, oán, hờn, trách móc mà chỉ còn hiểu. Nếu phải triệt tiêu một virus, một meme hay một con người thì ta cũng chỉ làm vì để bảo vệ hạnh phúc cho những con người khác chứ không vì thù, vì hận, vì tức giận.

Hiểu được rằng sự phản bội, gian dối, yếm trá của con người cũng chỉ là hậu quả tất yếu của những quá trình tự nhiên, vô tri, thì ta không còn căm ghét họ. Trên mặt tình cảm đó là một sự tha thứ, trên phương diện lý trí đó là sự chấp nhận sau khi thấu triệt căn nguyên.

Nhưng, các bạn trẻ thân mến, nhiều khi chính chúng ta cũng mang lòng căm hận, cũng rắp tâm, toan tính và thực hiện việc trả thù. Và, các bạn trẻ thân mến, đôi lúc chính chúng ta cũng tham lam mưu lợi cho mình hay vì nhỏ mọn mà hãm hại người. Nếu công nhận rằng chính bản thân ta cũng giống như Hitler và mọi người khác, nghĩa là ta cũng chỉ là những cái máy tự động, và những toan tính xấu xa kia cũng chỉ là kết quả tự nhiên không thể khác hơn được, thì ta cũng sẽ tha thứ cho chúng ta. Trớ trêu hơn nữa, nếu ta vẫn không tha thứ cho chúng ta thì sự dằn vặt này cũng chỉ là một kết quả tự nhiên và tất nhiên thôi. Sự dằn vặt trong tâm trí ta là cuộc chiến giữa các memes, không có cách gì tránh nó nhưng hiểu nó là sự tất nhiên, là kết quả đương nhiên của những quá trình vô tri thì ta dễ dàng chấp nhận nó, ít phiền muộn vì nó.

Các bạn trẻ thân mến,

Có nhiều người e rằng khi nhận ra con người chỉ là cái máy thì nhiều giá trị đạo đức và tinh thần sẽ bị mai một. Có người e rằng là khi hoàn toàn vô thần, duy vật con người dễ trở nên vật chất, xấu xa, tàn bạo. Các bạn thân mến, sự xấu xa và tàn bạo có ở mọi xã hội, từ vô thần đến hữu thần. Lương tâm và đạo đức của con người cũng hiện diện cả trong những người vô thần lẫn hữu thần. Cùng là người Đức, Đức quốc xã tin vào tôn giáo, còn Đông Đức thì theo chủ nghĩa vô thần, nhưng không hẳn Đức Quốc Xã đã nhân từ và đạo đức hơn Đông Đức. Một tay anh chị Mafia có thể là một tín đồ của đạo giáo, cũng có thể là một kẻ vô thần. Một tín đồ tôn giáo cũng có thể là tên khủng bố, gây nhà tan cửa nát. Trong số hải tặc Thái Lan hãm hiếp phụ nữ thuyền nhân Việt Nam ắt cũng có tên từng đi chùa lạy Phật, cũng tin vào cõi siêu hình. Cuối cùng, khi tiếp xúc với một người, đánh giá họ tốt hay xấu, thiện hay ác hình như ít có ai trong chúng ta dựa vào niềm tin tôn giáo của họ. Lý thuyết tôn giáo giúp con người hướng thiện nhưng không hẳn con người phải bất thiện khi không có niềm tin tôn giáo.

Chỉ cần hiểu con người là cái máy tự động thì ta sẵn sàng tha thứ và chấp nhận cho mọi người cũng như cho bản thân ta. Ta không tha thứ vì mong rằng lòng vị tha đưa ta đến thiên đàng hay vì lòng vị tha là cao thượng, mà chỉ đơn thuần vì một chữ hiểu.

Nếu hiểu để rồi tha thứ, thế thì ta có chống lại sự trừng phạt, những bản án tử hình chăng? Cổ nhân có câu “giết một nhà, răn trăm họ”, hình phạt đôi khi là biện pháp duy nhất để thay đổi các memes xấu, hay ít nhất, cũng ngăn chận sự tác hại tiếp tục của những memes này, những con người này. Cho nên tha thứ luôn luôn là tư tưởng của người hiểu biết, nhưng không phải luôn luôn là hành động của người hiểu biết.

Nguyễn Văn Hoàng

Không có nhận xét nào: