Thứ Ba, 3 tháng 7, 2007

Hệ thống giáo dục song song

Hoàng Xuân Ba

Một hệ thống giáo dục song song là điều cực kỳ cần thiết để tạo tiền đề cho việc đổi mới hoàn toàn nền giáo dục Việt Nam (VN). Ý tưởng của bài viết này được gởi cảm hứng từ tư tưởng xây dựng một hệ thống song song trong tác phẩm kiệt xuất “Quyền lực của không quyền lực” do Havel, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng người Tiệp Khắc (cũ).

Đầu tiên bài viết sẽ mô tả căn bệnh trầm kha nhất của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là căn bệnh thành tích. Sau đó bài viết sẽ phân tích nguyên nhân của căn bệnh đó đồng thời sẽ cho độc giả biết căn bệnh đó đang được bộ giáo dục Việt Nam “chạy chữa ra sao”. Phần cuối của bài viết cho thấy “ngưỡng giới hạn” của việc chữa trị căn bệnh thành tích và phần cuối cùng đồng thời cũng là phần quan trọng nhất của bài viết này sẽ cho thấy vì sao việc qua vượt qua “ngưỡng giới hạn” đó sẽ làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam hiện nay.


Bệnh thành tích: căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam

Ngay cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thừa nhận rằng bệnh thành tích là một căn bệnh cần phải được chấm dứt. Trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục, ông Dũng nhấn mạnh “phải chấn chỉnh vấn đề dạy thêm, học thêm, chú trọng phát triển giáo dục mầm non. Cải cách giáo dục cần chấm dứt tình trạng nhồi nhét thụ động, bệnh thành tích” (1).

Bệnh thành tích là một căn bệnh đã có từ lâu của nền giáo dục mang tính xã hội chủ nghĩa đậm nét ở Việt Nam. Biểu hiện đặc trưng của nó là những con số trong mơ: tỉ lệ lên lớp luôn đạt 90-100%, tỉ lệ tốt nghiệp luôn ở một mức cao ngất ngưỡng; những bản cáo cáo dầy đặc những con số thành tích ấn tượng.

Bệnh thành tích đã trở thành một căn bệnh phổ biến đến nỗi rất nhiều nhận định của các nhà giáo dục nổi tiếng trong và ngoài nước đều nhận định một cách bi quan rằng muốn cứu vãn nền giáo dục Việt Nam điều đầu tiên là phải chạy chữa “căn bệnh” thành tích.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đặt ra khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình đó chính là: chống bệnh thành tích. Rõ ràng với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam, hơn ai hết ông Nhân hiểu rất rõ về căn bệnh thành tích trầm kha của hệ thống giáo dục Việt Nam. Và với những nỗ lực tưởng chừng như không mệt mỏi trong thời gian vừa qua ông Nhân đã cùng với cả ngành giáo dục Việt Nam đang ra sức chữa chạy căn bệnh trầm kha này? Liệu những nỗ lực đó có giúp chữa chạy “tận gốc” căn bệnh này hay không? Liệu có một "ngưỡng giới hạn" mà ông Nhân và những người tâm huyết cải cách giáo dục không thể vượt qua hay không? Để trả lời câu hỏi trên chúng ta cần tìm ra nguyên nhân của bệnh thành tích.


Nguyên nhân bệnh thành tích

Theo định nghĩa của Đại từ điển Tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý chủ biên: “Thành tích là kết quả tốt đẹp do cố gắng mà đạt được”. Với ý nghĩa như trên thì rõ ràng những bản báo cáo thành tích của ngành giáo dục Việt Nam trong những năm vừa qua đã làm thay đổi ý nghĩa đích thực của hai từ “thành tích”. Bởi vì thành tích mà ngành giáo dục Việt Nam đạt được bằng những gian lận trong thi cử qua đó tạo nên những bản báo cáo láo, báo cáo sai sự thật. Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm thì những bản báo cáo tổng kết năm học với những con số ấn tượng luôn được nêu bật như một trong những thành tích của ngành giáo dục trong sự nghiệp trồng người. Thế nhưng đằng sau nó là không biết bao nhiêu tệ nạn trong giáo dục.

Những con số ấn tượng đó được nhiều người lý giải rằng đó là do sức ép của xã hội, sức ép của phụ huynh học sinh, sức ép của lãnh đạo ngành giáo dục, thậm chí có người còn cho rằng đó là do sức ép của dư luận, của các phương tiện truyền thông.

Thật ra tất cả những sức ép đó đều chỉ là những sức ép từ bên ngoài. Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu đó vẫn là sức ép từ bên trong hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Cũng như trong lĩnh vực kinh tế, hay bất kỳ một lĩnh vực nào khác, hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa luôn cho rằng hệ thống của mình tốt đẹp hơn hệ thống tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, việc tốt đẹp đó không đúng như bản chất vốn có của nó. Hơn thế nữa, đánh giá đúng thực chất của hệ thống giáo dục sẽ gây ra sự thiếu niềm tin vào sự tồn tại của hệ thống, tạo nên một sức ép to lớn từ phía người dân vào lý do tồn tại của nó, gây ra sự sụp đổ của hệ thống giáo dục đang có. Điều này dẫn tới sự tồn vong của chế độ.

Do đó, từ trước đến nay, bằng mọi cách, bằng mọi biện pháp các nhà lãnh đạo của Việt Nam vẫn chấp nhận tồn tại của căn bệnh thành tích như là một căn bệnh trầm tra của nền giáo dục Việt Nam đơn giản bởi vì sự tồn tại của nó gắn liền với sự tồn vong của chế độ.


Căn bệnh đang được chạy chữa

Tuy nhiên trước sức ép to lớn của dư luận, của những bậc phụ huynh mong muốn có một nền giáo dục thực chất và hiệu quả, đặc biệt là sức ép của hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa những nỗ lực chạy chữa căn bệnh này đang được bắt đầu. Chúng ta thử tưởng tượng xem với một nền giáo dục kém hiệu quả như hiện nay, một cử nhân đại học khi tốt nghiệp ra trường khi đi làm không có được những kỹ năng cơ bản về giao tiếp, quản lý dự án, lập kế hoạch... buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu thì Việt Nam làm thế nào có thể tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, làm thế nào để thành công sau khi gia nhập WTO.

Chậm trễ trong việc chạy chữa căn bệnh thành tích trong giáo dục sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường. Sức ép của dư luận, của hội nhập giống như một quả bong bóng đang phình to ra, nếu không xì hơi kịp thời thì một ngày nào đó sẽ nổ tung và hậu quả lúc đó sẽ khó lòng cứu vãn.

Chắc chắn rằng Thủ tướng mới nhận chức Nguyễn Tấn Dũng nhận thức được vấn đề quan trọng này. Do đó, ông đã bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, một người được đánh giá rất cởi mở và có năng lực trong việc quản lý giáo dục để mong làm “xì hơi” quả bong bóng đang muốn nổ tung của nền giáo dục Việt Nam. Ông Nhân từng được cử đi học Cao học quản lý cộng đồng (quản lý Nhà nước) chuyên ngành Tài chính công tại Trường Đại học Oregon (Mỹ) và học khóa đào tạo về thẩm định dự án đầu tư tại Trường Đại học Harvard (Mỹ) (2). Với sự đào tạo trong một nền giáo dục tư bản chủ nghĩa thì ông Nhân đủ khả năng đánh giá được căn bệnh thành tích và đề ra được những phương thuốc hiệu quả để chữa trị căn bệnh này.

Đầu tiên, khi vừa mới nhận chức ông Nhân đã làm một việc “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử giáo dục Việt Nam đó là trả lời “Thư gửi tân Bộ trưởng Bộ Gíao dục-Đào tạo” (3) của thư một người dân ở Đà Nẵng được đăng trên báo Tuổi Trẻ. Trong lá thư thứ nhất ông Nhân khẳng định: 10 năm tới, giáo dục Việt Nam sẽ khác (4). Ông viết: “Với truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, với thế và lực mới của đất nước sau 20 năm đổi mới, với quyết tâm chiến lược của Đảng coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, với lòng yêu nghề và quyết tâm tự khẳng định của hơn 1 triệu thầy cô giáo trong cả nước, với sự quyết tâm và chia lửa của hàng triệu người VN là đồng tác giả của sự nghiệp chấn hưng giáo dục, tôi tin là trong 10 năm tới nền giáo dục VN sẽ có những bước phát triển mới, xứng đáng với đòi hỏi của sự nghiệp hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước, với mong muốn và tin cậy của nhân dân cả nước, với truyền thống văn hiến của dân tộc VN”.

Tuy nhiên, khi đề cập đến căn bệnh thành tích thì ông Nhân lại né tránh không cho rằng đó là do “lỗi của hệ thống” mà do: lý do cơ bản là chúng ta nhận thức và thực hành đánh giá kết quả học tập rèn luyện của học sinh (HS) phổ thông chủ yếu dựa vào tiêu chí là điểm thi các môn.
Dĩ nhiên trên cương vị là một Đảng viên Đảng Cộng sản, một người đứng đầu hệ thống giáo dục Việt Nam, ông Nhân không thể thừa nhận nguyên nhân cơ bản nhất của bệnh thành tích. Dù sao chúng ta cũng phải cảm thông cho ông Nhân về điều này.

Một sự kiện tiếp theo tạo thuận lợi cho việc chống bệnh thành tích trong giáo dục của ông nhân đó là sự kiện thầy giáo Đỗ Việt Khoa (5), một giám thị tố cáo tiêu cực trong thi cử ở tỉnh Hà Tây. Sự kiện này tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ ủng hộ việc chống tiêu cực trong giáo dục, tạo tiền đề cho ông Nhân đề ra những biện pháp hữu hiệu để chữa trị căn bệnh thành tích vốn đã rất trầm kha mà các đời bộ trưởng giáo dục trước để lại.

Nếu theo dõi sát sao tình hình giáo dục Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng lâu nay rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đã đề ra thuốc để chữa trị căn bệnh này. Ví dụ như ở bậc trung học phổ thông là thay thể phương pháp thi tự luận bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan, chấp nhận việc một phần lớn các thí sinh không đỗ tú tài, gộp hai kỳ thi tú tài và tuyển sinh đại học thành một; ở bậc đại học là chuyển việc đào tạo theo học phần sang việc đào tạo theo tín chỉ, trao quyền tự chủ cho các trường đại học, thành lập đại học quốc tế có chất lượng cao...

Thuốc đã có, thế nhưng sức ỳ của hệ thống vẫn rất lớn làm cho những lời kêu gọi cải cách, chấn hưng giáo dục đó đi vào quên lãng. Đến khi ông Nhân trở thành bộ trưởng giáo dục thì những cải cách đó mới dần dần được thực hiện.

Và “liều thuốc đắng” để chữa trị căn bệnh thành tích trong giáo dục đã có kết quả ngay từ kỳ thi tú tài 2007. Với “tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cả nước là 66,7% (6)”, so với những năm trước là trên 90%, đã bộc lộ rất rõ bệnh thành tích trong giáo dục Việt Nam và “liều thuốc đắng” mà ông Nhân đưa ra đã có tác dụng. Nhìn chung dư luận có phản ứng không quá gay gắt trước một tỉ lệ thí sinh rớt cao như thế. Các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam đánh giá về kỳ thi này là một kỳ thi nghiêm túc khá thuận lợi cho công cuộc cải cách giáo dục của ông Nhân.

Với đà “thừa thắng xông lên”, chắc chắn rằng ông Nhân sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình cải cách giáo dục khác nhằm vực dậy một nền giáo dục vốn đã rệu rã của Việt Nam.

Tuy nhiên những cải cách đó sẽ vấp phải một giới hạn trên, một giới hạn do hệ thống chính trị Việt Nam qui định. Là một thành viên trong hệ thống chính trị đó, dù cho nhận thức được lỗi hệ thống đó trong giáo dục thì ông Nhân cũng sẽ không thể nào vượt qua được để đưa giáo dục Việt Nam trở thành một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.


“Ngưỡng giới hạn” của hệ thống

Trong tác phẩm Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Kornai János, một học giả hàng đầu về các hệ thống kinh tế đã nêu ra những đặc trưng cơ bản của hệ thống xã hội chủ nghĩa thị trường về mặt hệ tư tưởng và nhất là sự lãnh đạo của Đảng:

- Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo có thẩm quyền của xã hội. Sự độc quyền về quyền lực đó là hợp pháp; việc tiếp tục duy trì nó là để phục vụ quyền lợi của nhân dân. Gắn chặt với nó là các nguyên tắc hoạt động nội bộ của Đảng: cấm bè phái, nguyên tắc tập trung dân chủ, và sự cần thiết của kỉ luật Đảng

- Tất cả những điều giáo huấn cơ bản của chủ nghĩa Marx-Leninist và hai nhà cổ điển của nó là Marx và Lenin vẫn còn có giá trị không đổi. Các vấn đề đã nảy sinh không phải là do các nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin mà ngược lại là vì sự xa rời những điều giáo huấn của Marx và Lenin.

Hai nhận định trên giúp ta hiểu rõ rằng vì sao sự lãnh đạo độc quyền của Đảng và hệ tư tưởng Marx-Lenin vẫn được lồng ghép vào các môn học ở bậc phổ thông và đại học, nhất là các môn học xã hội.

“Giới hạn trên” của hệ thống chính là ở hai điểm này. Và đó cũng chính là giới hạn trên mà những nỗ lực cải cách giáo dục của bản thân ông Nhân và ngành giáo dục sẽ phải gặp phải trong quá trình đổi mới giáo dục và triệt tiêu căn bệnh thành tích ở Việt Nam.

Thứ nhất, những môn học tư tưởng như triết học chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa khoa học xã hội, kinh tế chính trị vẫn sẽ là những môn học mang tính bắt buộc trong chương trình đại học và trong chương trình trung học thì nó sẽ được giảng dạy thông qua môn giáo dục công dân và tư tưởng của nó sẽ được lồng ghép vào các môn như sử, địa...

Thứ hai, việc đổi mới giáo dục sẽ tạo cho học sinh Việt Nam có một thói quen suy nghĩ độc lập, không dựa dẫm vào suy nghĩ của người khác. Chúng ta thử hình dung xem một khi học sinh Việt Nam có được những suy nghĩ không phụ thuộc vào “suy nghĩ” của Đảng thì kết quả tất yếu xảy ra đó là những thanh niên Việt Nam được đào tạo trong nền giáo dục đó sẽ nhận thức một cách rõ ràng hơn về những nhu cầu dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Sự thay đổi thể chế, sự sụp đổ của đảng cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra.

Có thể nhận định rằng việc thay đổi tận gốc hệ thống giáo dục sẽ không thể thực hiện được bởi vì nó sẽ dẫn đến hậu quả là thay đổi chế độ hiện tại. Vậy làm thế nào để cải cách một cách triệt để hệ thống giáo dục Việt Nam? Câu trả lời đã được Havel gợi hứng từ tác phẩm kiệt xuất: Quyền lực của không quyền lực. Đó là tạo ra một hệ thống giáo dục song song với hệ thống giáo dục hiện tại.


Hệ thống giáo dục song song

Trong tác phẩm Quyền lực của không quyền lực, Havel cho rằng hệ thống hậu toàn trị, hệ thống chính trị ở Việt Nam được xem như một hệ thống hậu toàn trị, được vận hành dựa trên nền tảng của sự giả dối, căn bệnh thành tích trong giáo dục là một biểu hiện sinh động của sự giả dối đó. Chính vì toàn bộ hệ thống được xây dựng trên sự dối trá đó cho nên nó sợ sự thật. Căn bệnh thành tích trầm kha của nền giáo dục Việt Nam cũng chính là nguyên nhân sợ bộc lộ sự thật về những yếu kém của nó.

Havel cho rằng để phá vỡ những móc xích của hệ thống thì không còn cách nào khác hơn đó chính là nỗ lực sống trong sự thật. Những cải cách giáo dục, dù có nửa vời mà ông Nhân đang thực hiện cũng chính là những nỗ lực đó. Tuy nhiên bởi vì ông Nhân chính là một trong những móc xích cực kỳ quan trọng của hệ thống do đó ông cũng không thể nào thoát ra được khỏi hệ thống.

Để có thể thoát ra khỏi hệ thống thì Havel cho rằng cần phải có những người đi tiên phong trong việc xây dựng một đời sống độc lập xã hội bao gồm mọi thứ từ tự giáo dục và nghĩ về thế giới, từ các hoạt động sáng tác tự do và truyền tải nó tới người khác, đến cách phong phú tự do bày tỏ thái độ công dân, bao gồm cả những tổ chức xã hội độc lập hình thành tự phát. Tóm lại, nó là một khu vực mà trong đó sống trong sự thật được chi tiết hóa và vật chất hóa theo cách nhìn thấy được. Trong lĩnh vực giáo dục thì họ chính là các giáo viên, những người dạy cho thanh niên những điều vốn bị “cấm kị” trong các trường công.

Như vậy, làm thế nào để xây dựng được một hệ thống giáo dục song song?

Trên thực tế thì một hệ thống giáo dục song song đang dần được hình thành. Nếu như trước đây khó ai có thể tưởng tượng được rằng các trường trung học quốc tế với một chương trình đào tạo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế được hình thành ở Việt Nam thì nay một mạng lưới rộng lớn các trường này đang dần hình thành. Hơn thế nữa nó đang tạo ra một chỗ đứng vững chắc nhờ vào các chương trình giảng dạy tiên tiến, "thoát ly" với những nội dung giảng dạy ở các trường công lập do nhà nước quản lý. Những môn học mang tính "nhồi sọ" kiểu như giáo dục công dân đang được loại ra khỏi chương trình giảng dạy của các trường trên.

Ở bậc đại học, một điểm sáng mà chúng ta có thể nhận thấy được đó là sự thành lập đại học FPT. Với khả năng tài chính hùng hậu của mình, FPT đã "mặc cả" với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể được tự chủ hoàn toàn trong việc dạy và học. Với quyền tự chủ này FPT có thể từ bỏ chương trình khung của mà bộ bắt buộc tất cả các trường đại học ở VN sử dụng từ trước đến nay để áp dụng một chương trình giảng dạy mới tạo cho sinh viên có được những suy nghĩ độc lập và những kỹ năng cần thiết sau khi ra trường.

Kết luận, một giải pháp khả thi trong việc đổi mới giáo dục Việt Nam đó là xây dựng một hệ thống giáo dục song song, xuất phát từ hệ thống giáo dục cũ, cùng tồn tại với nó nhưng dựa trên những mục tiêu, cách đánh giá, phương pháp hoàn toàn khác hẳn với hệ thống cũ. Một ngày nào đó không xa, hệ thống mới sẽ hoàn toàn lấn áp hệ thống cũ và khi đó hệ thống cũ sẽ bị loại bỏ.

-------------------------------------

(1): vietnamnet.vn.
(2): sonoivu.hochiminhcity.
(3): tuoitre.com.
(4): tuoitre.com.
(5): tuoitre.com.
(6): tuoitre.com.

Không có nhận xét nào: