Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

Từ Thứ qui Tào

Chuyện xưa:

Thời Tam Quốc, ba nước Ngụy, Thục, Ngô chia ba thiên hạ, hình thành thế chân vạc, đánh nhau liên miên để dành dân chiếm đất, xưng hùng, xưng bá.

Nuớc Ngụy có Tào Tháo. Thục có Lưu Bị. Ngô có Tôn Quyền.

Cả ba đua nhau đi cầu người tài giỏi để giúp mình dựng cơ nghiệp.

Từ Thứ là một hiền sĩ, theo phò Lưu Bị. Tào Tháo nhiều phen bị bại dưới tay Lưu Bị cũng bởi mưu kế của Từ Thứ.

Tào Tháo hỏi mưu sĩ Trình Dục Từ Thứ là người như thế nào.

Trình Dục bẩm:

- Từ Thứ tự là Nguyên Trực quê ở Dĩnh Châu, thật là một người tài. So với Dục này hơn hẳn mười lần.

Tháo muốn du Từ Thứ về với mình. Trình Dục hiến kế:

- Từ Thứ tuy ở với Lưu Bị nhưng muốn dụ về cũng dễ. Từ Thứ là người con chí hiếu. Hiện nay mẹ già của Từ Thứ không ai phụng dưỡng. Thừa tướng sai người lừa mẹ hắn đến Hứa Xương, rồi bắt mụ ấy viết thư gọi con về đây, chắc Từ Thứ thế nào cũng phải nghe theo.

Tháo mừng lắm sai người cấp tốc đi bắt ngay. Chẳng bao lâu quân bắt được mẹ Từ Thứ dẫn về. Tháo đối đãi rất tử tế, rồi bảo với Từ Mẫu rằng:

- Ta được biết Từ Nguyên Trực, con trai bà, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Nay y ở Tân Dã, giúp tên nghịch thần Lưu Bị, phản bội triều đình. Có khác nào viên ngọc quí rơi trong vũng bùn, thật đáng tiếc. Nay ta muốn nhờ bà viết thư kêu hắn về Hứa Đô. Ta sẽ tâu lên thiên tử nhất định sẽ được trọng thưởng.

Nói xong sai người đem bút mực tới. Từ Mẫu hỏi:

- Lưu Bị là người thế nào?

Tháo đáp:

- Là một kẻ hèn mọn ở đất Bái Quận, mạo xưng là hoàng thúc, vốn chẳng có tín nghĩa gì. Có thể nó ngoài vỏ là người quân tử, mà trong ruột là đứa tiểu nhân.

Từ Mẫu đùng đùng nổi giận:

- Ngươi xảo quyệt đến thế là cùng. Từ lâu ta đã biết Huyền Đức là con cháu Trung Sơn Tĩnh Vương, cháu chắt Hiếu Cảnh Hoàng đế. Ông ấy khiêm tốn, quí trọng hiền sĩ, kính cẩn đãi người, tiếng lừng lẫy khắp cả thiên hạ. Con ta phò tá người ấy thật là xứng đáng. Còn ngươi tuy là tướng nhà Hán nhưng thực ra là giặc nhà Hán, lại còn dám bảo Huyền Đức là nghịch thần? Ngươi định đẩy con ta bỏ chỗ sáng vào hang tối há chẳng biết nhục lắm sao?

Nói xong bà cầm ngay nghiên mực đá ném vào mặt Tào Tháo. Tháo giận lắm thét võ sĩ lôi ra chém.

Trình Dục vội can rằng:

- Từ Mẫu cố ý xúc phạm đến thừa tướng là cốt để tìm đường chết. Nay nếu thừa tướng giết đi, không những mang tiếng bất nghĩa, mà lại đề cao cái đức của Từ Mẫu. Mẹ chết rồi, Từ Thứ sẽ dốc hết tài trí ra giúp Lưu Bị để trả thù. Chi bằng không giết, làm cho Từ Thứ thân ở một nơi, lòng nghĩ một nơi, dù có giúp Lưu Bị cũng không tận sức.

Tháo nghe lời tha chém. Trình Dục hiến kế nên nuôi dưỡng Từ Mẫu tử tế rồi mạo thơ Từ Mẫu kêu Từ Thứ về. Từ Thứ về đến nhà gặp mẹ mới biết là mắc mưu. Từ Mẫu giận lắm, đập tay xuống bàn, mắng:

- Đồ nhơ nhuốc kia! Mày đã đọc sách nên biết trung hiếu không thể nào vẹn toàn cả đôi. Mày há chẳng biết Tào Tháo là kẻ dối trên lừa dưới à? Còn Lưu Huyền Đức nhân nghĩa lan rộng bốn bể, mày đã đi theo, chính là tìm được chủ rồi. Nay chỉ tin vào một mảnh thư giả, không suy xét kỹ càng, vội bỏ chỗ sáng đâm đầu vào hang tối, rước lấy tiếng xấu. Rõ là đồ ngu! Tao còn mặt mũi nào trông thấy mày nữa! Thật mày bôi nhọ tổ tông, sống thừa trong khoảng trời đất vậy!

Từ Thứ nghe mẹ mắng đến nỗi cứ nằm rạp xuống đất không dám ngẩng mặt lên nữa.

Từ Mẫu trở vào sau bình phong. Được một lát, người nhà ra báo rằng lão bà đã treo cổ tự tử. Từ Thứ chạy vào cứu thì Từ Mẫu đã tắt thở.

Từ Thứ đem linh cữu mẹ táng ở gò phía nam Hứa Xương, cư tang giữ mộ. Tháo cho cái gì cũng không lấy.

Từ đó tuy ở dưới trướng Tào Tháo, nhưng Từ Thứ thề suốt đời ngậm miệng không chịu hiến một mưu kế nào.


Chuyện nay

Kỹ sư Đỗ Nam Hải, tự là Phương Nam, tuổi trẻ tài cao, tuy thành danh ở nước ngoài, nhưng vì lòng yêu nước thôi thúc, ông từ bỏ hết chức tước, tiền tài danh vọng, để trở về nước mong đem tài trí để giúp chấn hưng đất nước. Hoài bão của ông là tranh đấu đòi hỏi Đảng cầm quyền hiện tại, bằng tiếng nói ôn hòa, trả lại cho nhân dân có được tự do, dân chủ, nhân quyền.

Về nước, anh được các công ty trọng dụng. Tuy nhiên, không thể ngồi nhìn những bất công áp bức diễn ra hàng ngày trước mắt, ông đã theo gương người xưa, đem hết tâm huyết viết nên 5 bản tham luận, gửi cho Đảng Cộng Sản ngõ hầu họ thay đổi chính sách cai trị hà khắc.

Lòng yêu nước của ông không những không được Đảng chấp nhận, mà từ đó ông còn bị Đảng trù dập, bắt giam, xử phạt rất nhiều lần. Còn vu cho ông tội “chống Đảng nhà nước”.

Trước tiên, Đảng áp lực Công ty ông đang làm phải sa thải ông, dùng thủ đoạn cổ lỗ sĩ là “thắt bao tử” hòng buộc ông từ bỏ lòng yêu nước.

Thủ đoạn này tuy thâm độc vẫn không làm ông sờn lòng.

Trong thời gian này, nhiều người trẻ tuổi, vừa có trình độ học vấn, vừa cùng chí hướng cũng hưởng ứng hành động đấu tranh của ông, đã đứng lên bên cạnh ông. Luật sư Nguyễn văn Đài, Luật sư Lê thị Công Nhân, nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thuỷ v.v… cũng đã cất lên tiếng nói quyết liệt.

Ông tiếp tục viết nhiều bài báo để nói lên tiếng nói bất khuất đòi hỏi nhân quyền và tự do.

Đảng rất sợ những tiếng nói đó, e rằng ngày càng phổ biến rộng rãi trong nước sẽ làm chế độ lung lay, sụp đổ, nên quyết định phải bắt bỏ tù tất cả những người con yêu nước ấy, hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh.

Công An lần này thẳng tay trấn áp mạnh mẽ bằng mọi thủ đoạn, bất chấp luật pháp qui định trong cái gọi là “hiến pháp”.

Mấy ngày trước, họ đã bắt giam LS Nguyễn văn Đài, LS Lê thị Công Nhân, cũng bằng cái cớ khơi khơi là “tuyên truyền chống phá Nhà nước”.

Giờ đến lượt Ông.

Ngày 16 tháng 3 năm 2007, lúc 10 giờ sáng, Công an quận Phú Nhuận “mời” ông lên trụ sở để “làm việc”.

Khi đến đây, ông thấy nhiều sĩ quan cao cấp của Bộ Công An từ Hà Nội vào, và rất đông những sĩ quan cao cấp khác thuộc Sở CA/Thành phố và quận Phú Nhuận. Đây rõ ràng là mang tính cách đàn áp cấp Nhà nước của Bộ Chính trị từ Trung Tâm quyền lực cao nhất là Hà Nội chứ không mang tính chất khu vực địa phương.

Vì vậy ông không ngạc nhiện chút nào, khi họ đọc cho anh nghe Lệnh truy tố và bắt giam với tội danh:

“Tuyên truyền chống đối nhà nước, theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự”

Trước sự áp đặt như vậy, giống như hàng chục lần bị bắt trước, ông vẫn bất tuân và cương quyết chống đối.

Ông đấu lý với họ:

“Cái mà các anh coi là tội đồ, thì chính là công việc phải làm đối với tất cả những ai còn có một tấm lòng đối với đồng loại và con người. Cái mà các anh cho là tuyên truyền chống đối phá hoại, thì lại chính là những giảng giải của xây dựng, của kiến tạo và đầy tính soi sáng để giúp cho quê hương đất nước ngày một đi lên.

Xây dựng nhận thức. Kiến tạo tư duy. Và còn cần nhiều hơn nữa, những soi sáng để xua đi những mê lầm tăm tối, hòng làm sao để giúp cho con người và đất nước, để chúng ta mau theo kịp bè bạn năm châu và được hưởng hạnh phúc thực sự như tất cả những người dân trên mọi miền thế giới.

Tôi không có súng đạn, tôi không có chất nổ hay bất cứ một thứ vũ khí nào hết. Tôi chỉ có thân thể và một trái tim, cùng với một tấm lòng thiết tha yêu con người và đất nước Việt Nam. Tôi biết rất rõ rằng, trái tim và tấm lòng không thể nào chống trả nổi với gông cùm và nhà tù cùng đủ kiểu bạo lực. Vì như thế, từ lâu tôi đã sẵn sàng cho những điều này. Sẵn sàng không phải như một thách thức, nhưng luôn sẵn sàng như một trả giá. Một cái giá có thể bằng máu, để đổi lấy một điều cao cả thiêng liêng và quí giá hơn cả triệu lần là chính cái sinh mạng của tôi.

Dù như vậy, tôi cũng còn biết rõ hơn nữa một điều rằng, cuối cùng, thì chính nghĩa vẫn luôn sẽ thắng. Sự hiểu biết này, không chỉ dựa trên lý thuyết và qua thực tế lịch sử ngàn năm, nhưng chính là niềm tin của tất cả những ai mà lương tâm chưa bị làm cho mù tối.”

Cuộc đấu trí và đấu lý giữa một mình Kỹ sư Đỗ Nam Hải và rất đông Sĩ quan Công an cao cấp để ép anh phải nhận tội, kéo dài rất nhiều giờ dằng co. Đối với một người sẵn sàng đi ở tù, thì cái Lệnh khởi tố hay Lệnh truy tố chỉ là những vô ích.

Bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm, đám Công An vẫn không khuất phục được anh ký vào tờ nhận tội.

Cuối cùng, Công An đã phải dùng hạ sách của Tào Tháo, bắt tất cả thân nhân của anh gồm cha mẹ già trên 80 tuổi đang bệnh nặng, chị ruột, em ruột, vợ và con gái anh đến để thuyết phục anh từ bỏ sự chống đối Đảng để được Đảng khoan hồng.

Nếu không, họ sẽ đọc Lệnh bắt và truy tố anh trước mặt họ.

Cha anh, một cụ già trên 86 tuổi, đã kêu khóc với con:

- “… Thôi con ơi! Thầy xin con, nếu con đã không xá kể gì thân mình, thì con cũng thương lấy gia đình cùng với chị em của con, nhất là con gái của con và mẹ của con nữa. Đặc biệt là mẹ của con đang bị bệnh tim rất nặng con đã biết rõ, nếu con có mệnh hệ nào, thì mẹ con làm sao sống nổi. Thầy xin con hãy nghĩ lại…”

Cả nhà cùng khóc lóc và van xin anh như thế.

Là một người con chí hiếu, Anh Đỗ Nam Hải đã vô cùng đau đớn, đành phải ký tên vào một bản văn Công An làm sẵn, đại ý: “Đấu tranh cho dân chủ là có tội và xin được khoan hồng”.

Trước khi miễn cưỡng ký vào tờ giấy “ô nhục”, Đỗ Nam Hải đã nói thẳng vào mặt những người đang lăm lăm trong tay A.K, lựu đạn:

“…Đây là một đòn thù rất là độc ác, rất là hèn hạ của các anh. Các anh biết không thuyết phục được tôi, nên các anh dùng cha mẹ tôi, anh chị em tôi, cả con gái tôi để mà đánh vào tôi, bởi vì các anh biết rằng tôi đã thương yêu những người thân trong gia đình thế nào.

Bố mẹ tôi nay đã trên 80 tuổi rồi, đều là những người bệnh nặng. Tôi biết rằng khi mà tôi bị bắt thì bố mẹ tôi sẽ bị chết lập tức. Bởi vì chữ hiếu, tôi đành phải chấp nhận, nhưng mà các anh không bao giờ có thể làm tôi tâm phục khẩu phục cả. Đây là cái đòn hèn hạ của các anh.”


* * *


Đọc hai chuyện Xưa và Nay vừa dẫn trên, người ta không khỏi buông ra tiếng than:

Chuyện Tam Quốc xảy ra từ thế kỷ thứ 7, thời con người còn man dã, Tào Tháo đã dùng thủ đoạn bắt người thân làm con tin để lôi kéo người tài giỏi về với mình, bị người đời chê bai là gian manh xảo trá trong mưu lược để luôn được lợi, bất chấp đạo lý. Nhưng cách cư xử của Tào Tháo với hai mẹ con Từ Mẫu và Từ Thứ vẫn có lòng nhân và Tháo vẫn có phong độ của người quân tử, vẫn đáng cho người đời sau thán phục.

Ngược lại Công an của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam “anh hùng”, đang ở thời đại văn minh của thế kỷ 21, sao cũng lại dùng hạ sách man rợ trên đối với người chỉ vì khác chính kiến với mình?

Nhưng thủ đoạn, bắt toàn gia, già trẻ bé lớn của người thân, dàn cảnh trước mặt kẻ đối kháng, để làm áp lực trắng trợn, trơ trẽn coi sao mà tiểu nhân, hèn hạ quá vậy! Gian manh, tồi tệ hơn Tào Tháo nhiều.

Chê thay!

Cùng một màn bi hài kịch, cách nhau một ngàn bốn trăm năm, nhưng cách hành xử so với Từ Thứ ngày xưa, ông Đỗ Nam Hải có đạo lý và khí tiết hơn nhiều lắm.

Ông Đỗ Nam Hải chỉ nhượng bộ chứ nhất quyết không hàng Tào.

Ông Đỗ Nam Hải đáng để cho người đời ngưỡng mộ và kính phục.

Khen thay!

Nguyễn Thanh Ty

Không có nhận xét nào: