Bộ trưởng Tây Bengal Manab Mukherjee đón Thủ tướng CHXHCNVM tại phi trường quốc tế NSC Bose (West Bengal, India)Nguồn: webcamsurveyor.com
Ravi Velloor – Phan Tường Vi lược dịch
Thủ tướng Việt Nam dẫn phái đoàn hùng hậu công du ở Ấn độ.
Quan hệ song phương hy vọng sẽ đạt đến cấp cao nhất chưa bao giờ có sau khi tuyên bố chung giữa hai nước vào thứ sáu này.
TÂN ĐỀ-LI (NEW DELHI) – Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ được nâng ly chúc mừng ở Ấn Độ như một đồng minh quan trọng khi ông đến Ấn Độ hôm nay trong chuyến viếng thăm nhằm thắt chặt mối quan hệ có tính chiến lược giữa hai quốc gia.
Mối quan hệ đang gia tăng về văn hóa và thương mãi sẽ là điểm then chốt trong chương trình nghị sự khi ông Dũng bắt đầu cuộc viếng thăm ở vùng Kolkata (tên mới của Calcutta, thủ đô cũ của Ấn Độ khi là thuộc địa của Anh đến năm 1911 -DCV), thủ phủ miền đông Ấn Độ, là thủ đô của tiểu bang Tây Bengal nằm dưới sự cầm quyền của chính phủ theo chủ nghĩa Mác (Đảng Cộng sản Ấn Độ [Mác-xít] hay Communist Party of India [Marxist]), CPI(M) tách khỏi Đảng CS Ấn từ 1964 và hiện có trên 800.000 ngàn đảng viên. Ngoài West Bengal, CPI(M) còn nắm quyền ở Kerala và Tripura. Đây là chính phủ cộng sản, được chọn trong cuộc bầu cử dân chủ, cầm quyền lâu bền nhất thế giới [3 thập niên qua] – DCV).
Hình ảnh của ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo cộng sản Việt Nam, luôn luôn quyến rũ các đảng khuynh Tả Ấn Độ và con đường chính ở Kolkata được mang tên ông (Toà Tổng lãnh sự Mỹ ở Kolkata toạ lạc tại 5/1 đường Ho Chi Minh Sarani [Road] – DCV).
Ông Dũng, mới làm Thủ tướng năm ngoái , sẽ ghé lại Mumbai, thủ đô thương mãi của Ấn Độ, trước khi làm việc ngày thứ Sáu ở Tân Đề-Li.
Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu một phái đoàn 186 người, gồm 15 bộ trưởng đủ mọi ngạch trật khác nhau. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ tiếp đón một phái bộ ngoại giao đông đảo như vậy từ một nước trong vùng Đông Nam Á châu. “Chúng tôi rất phấn khởi với mối quan hệ này. Qúy vị sẽ thấy phấn khởi như thế nào vào tối thứ Sáu này,” ông Vũ Quang Điềm, Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ nói.
Ông từ chối nói về nội dung chiến lược nằm trong bảng tuyên bố chung.
Hai quốc gia hợp tác với nhau trong nhiều lãnh vực liên quan đến an ninh, gồm những hợp tác quân sự và trao đổi thông tin.
Những hợp tác này sẽ tăng cường trong một ngày gần đây khi Ấn Độ bắt đầu huấn luyện binh sĩ Việt Nam trong những hoạt động bảo an.
Ấn Độ cũng giúp Hà Nội cho hoạt động hai lò phản ứng hạt nhân thừa hưởng từ người miền Nam.
Chuyến viếng thăm của ông Dũng xảy ra cùng lúc với sự tái phối trí cán cân quyền lực trong vùng Á châu và chỉ hai tuần sau khi đồng sự của ông, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thực hiện chuyến viếng thăm Hoa Thịnh Đốn để xóa bỏ hận thù từ cuộc chiến tranh Việt Nam.
“Quan hệ của chúng tôi đã được thử nghiệm và hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Chúng tôi có thể hợp tác với nhau trong bất cứ lãnh vực nào,” ông Điềm nói.
Viên chức chính phủ đang làm việc để thu xếp cho cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng Bộ Quốc phòng của hai nước, sau cuộc viếng thăm của thủ tướng lần này.
“Việt Nam là đồng minh quan trọng nhất của Ấn Độ trong vùng Indochina trong bối cảnh các nước nhỏ hơn như Lào và Cam-bốt hiện đang định vị cho mình khi sự thống trị của Trung Quốc sẽ không bị thách đố,” một viên chức cao cấp Ấn Độ nói.
“Là quốc gia duy nhất trong vùng có thể đối đầu với Trung Quốc, và hơn thế nữa, Việt Nam muốn làm như vậy.”
Ấn Độ, đã có chính sách “Nhìn về hướng Đông” trong 15 năm qua, đã gia tăng hợp tác ở cấp cao với vùng Đông Nam Á châu trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Ngoại vụ Pranab Mukherjee đã công du Nam Dương (Indonesia) và Singapore tháng rồi.
Ngay khi ông Dũng rời Ấn Độ, Tân Đề-Li sẽ chuẩn bị trải thảm đỏ đón tiếp những nhà lãnh đạo Cam Bốt (Cambodia).
Với nền kinh tế của Việt Nam phát triển 8.2 phần trăm năm ngoái, chỉ chậm hơn Ấn Độ một chút, hợp tác đầu tư và mậu dịch đang hai bên đang phát triển tốt đẹp.
Năm ngoái, Việt Nam nằm đầu bảng các nước trong vùng Đông Nam Á châu có đầu tư ra ngoại quốc của Ấn Độ, khoảng 580 triệu Mỹ kim.
Hơn nữa, địa lý là yếu tố then chốt. Ấn Độ và Việt Nam đã trao đổi hàng hóa gía trị hơn một tỉ Mỹ kim năm rồi.
Trong lúc đó, quan hệ mậu dịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều hơn khoảng 10 lần. Dẫu vậy, hiện nay vẫn chưa có chuyến bay trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ và cũng chưa có kế hoạch gì cho chuyện này.
Nguồn: Viet PM leads huge mission to India , Ravi Velloor, India Bureau Chief, The Straits Times, July 4, 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét