Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2007

Những ẩn số khó nhận thấy trong môi trường dân chủ

“… Cuộc sống luôn luôn là sự tìm tòi khám phá! Điểm tận cùng của sự khám phá là nơi bắt đầu ta đi!…”

Trong cuộc đấu tranh dân chủ, con đường chúng ta phải đi luôn gặp những chướng ngại vật ngăn cản, đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh, có sự tìm tòi khám phá, để vượt qua những trở ngại đó. Xin hãy bắt đầu bằng những điều xảy ra chung quanh ta hàng ngày, những điều tưởng như tầm thường, nhỏ nhoi... nhưng ẩn chứa những cái lớn lao! Xin hãy đi từ cái tầm thường nhỏ nhoi đó, để giải bài toán với nhiều ẩn số mà rất nhiều người coi thường bỏ qua...., để tìm ra con đường đúng đắn nhất!

BÀI TOÁN THỨ NHẤT


Dân chủ trong Độc tài!
Độc đoán trong dân chủ


Đất nước hiện nay đã thanh bình, thống nhất, không còn chia cắt bởi địa lý hành chính, kinh tế văn hóa vv. Nhưng ngược lại, về tư tưởng chính trị thì sự phân chia ngày càng trở nên rõ rệt hơn giữa một bên là thể chế độc tài và bên kia là phong trào dân chủ mà tiêu biểu là cộng đồng hải ngoại. Hai đại biểu mang tính đặc trưng này, mang trong lòng nó những mâu thuẫn ngày càng trở nên bế tắc, không dễ giải quyết.

Dân chủ trong độc tài

Một thể chế cai trị trên nền tảng độc tài của một tổ chức chuyên chế là chủ nghĩa Marx, tập trung tất cả mọi quyền hành vào một tổ chức đảng cộng sản, để quyết định vận mệnh một dân tộc thậm chí số phận của một con người được trao cả một tay đảng CS “chăm lo”. Nếu có được một người mẹ nhân từ chăm lo cho con cái thì đó là một niềm hạnh phúc lớn lao! Nhưng than ôi, một người cha bệnh hoạn tăm tối, độc đoán chỉ chăm lo cho chai rượu và cái thân mình, rõ ràng những đứa con phải chịu cực khổ là điều đương nhiên.

Người ta cứ đứng trên góc độ “công thần”, có công lao đẻ ra cái chế độ này, nên họ phải được quyền “làm cha” thiên hạ, để ứng xử rất độc đoán. Nhưng tự thân cái nội tâm của kẻ làm cha này nó cũng trở nên mâu thuẫn, bởi khi kể công, khi chia phân khi được hưởng thụ, thì “người cha” thể hiện tư cách và vị trí làm cha. Nhưng khi hữu sự, gặp nhiêu khê rắc rối người cha này không dám dũng cảm nhận trách nhiệm của người cha nữa; bởi cái cơ chế “tập trung dân chủ” nên cá nhân đảng viên không phải chịu trách nhiệm, không rõ trách nhiệm nó được giới hạn ở tầm mức nào. Cái cơ chế “tập trung dân chủ” quái gở đến nỗi, một ông thủ tướng chính phủ, không có quyền phế truất, cách chức kẻ dưới khi có sự sai trái, cho dù kẻ đó chỉ là một anh chủ tịch xã quèn.

Cơ chế “tập trung dân chủ” chỉ có tác dụng một chiều, khi mà nó được phát huy rất tích cực trong môi trường độc tài tham nhũng, tha hồ tự tưng tự tác vơ vét, không có kẻ nào dám đụng đến cái lông chân. Nó được phát huy bởi tính dân chủ phân bố quyền lực rất chi là đều, công bằng cho từng vùng miền của các quan cai trị. Nhưng nó lại như một cỗ máy có sức ì ghê gớm khi điều hành hay bị mất quyền lợi, động chạm đến quỳền lợi của cái cỗ máy đảng CSVN. Tác hại của cái cơ chế “dân chủ trong độc tài”này đã thực sự là thảm hoạ cho đất nước

Và độc đoán trong dân chủ!

Còn đại diện cho phía bên kia là một môi trường dân chủ vô cùng thuận lợi, nhưng người ta lại tự làm khó cho chính mình khi cũng hành xử độc đoán, bởi rất nhiều điều cần mổ xẻ, nổi bật hơn cả là cá nhân chủ nghĩa, sự ích kỷ của một con người, một tổ chức nó đã tạo nên tính độc đoán ích kỷ phổ biến mà rát ít người nhận ra điều đó. Người ta tự hỏi: hàng trăm tổ chức, hội đoàn đảng phái với cũng một mục đích là đấu tranh dân chủ, nhưng sao lại không tập hợp nhau lại để tạo nên một vài tổ chức thống nhất lớn mạnh?

Rõ ràng ai cũng biết, sự phân tán chia nhỏ sẽ là điểm yếu trong hoạt động. Không tạo nên được sức mạnh sẽ rất khó khăn trong việc đấu tranh lật đổ chế độ đôc tài!Vây đâu là nguyên nhân chính cho viêc phân tán? Trước hết chúng ta phải thừa nhận dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, vốn đã tiềm ẩn tính ích kỷ cố hữu, nay cái tính đó lại càng có đất phát triển khi mà kẻ cầm quỳền cũng vì lợi ích cá nhân, mà cam tâm bán đứng giống nòi tổ quốc, nó được dịp phát triển trong mọi ngõ ngách đời sống của người Việt nam, bất kỳ ở đâu. Càng anh em ruột thịt, càng hàng xóm thân thiết, thì sự ghen ăn tức ở lại càng được thể hiện rõ nét: họ chỉ bằng mặt chứ trong lòng thì ghen ghét, thấy bị thua anh kém em, thấy hàng phố buôn bán tấp nập sầm uất, thì tức tối tìm cách hãm hại báng bổ nhau. Có lẽ chưa bao giò người ta thấy một tổ chức, một công ty người Việt làm ăn liên kết phát triển.

Tôi đã nghe rất nhiều người truyền khẩu nhau câu châm ngôn mỉa mai của người Nhật: “Một người Việt=Một người Nhật; hai ngừoi Việt không bằng một người Nhật; ba người Việt lại không bằng một nửa người Nhật”. Một câu châm ngôn chí lý và chua chát, nhưng đó lại là sự thật phũ phàng cho ta thấy chúng ta không có tính cộng đồng, đoàn kết... Lạ một điều: người ta truyền miệng nhau câu châm ngôn đó, rồi mọi người chấp nhận như một lẽ thường tình, coi đó là điều họ sỉ nhục ai chứ không phải mình, và người ta vẫn nghiễm nhiên thể hiện cái tính ích kỷ đó, không tỏ ra ăn năn hối lỗi với lối hành xử độc đoán theo ý mình, người ta vẫn khư khư giữ cái thói tự ái cá nhân tầm thường.

Thử hỏi: hàng trăm hội đoàn đảng phái, mỗi nhóm tổ chức nhiều thì hơn trăm người ít thì độ năm bảy người như tình trạng hiện nay, họ sẽ hoạt động để đấu tranh ra sao với một tổ chức đảng độc tài hơn 3 triệu thành viên? Phải chăng những so sánh tối thiểu đó, những cái lợi cái hại được thể hiên rõ ràng bởi cái tương quan chênh lệch quá lớn về lực lượng đó, đã không làm họ suy nghĩ cân nhắc hay sao? Phải chăng sự ích kỷ, vô tổ chức đã làm họ không nhận ra được điều đó!

Một điều kỳ lạ nữa có nhiều tổ chức được lập ra để hoạt đông đã 4-50 năm nay, nhưng sự phát triển rất chậm chạp ì ạch; thậm chí có tổ chức hoạt động hơn 20 năm mới chỉ dừng lại ở mức “tập hợp” khiêm tốn, mà không thể trở thành một tổ chức có tầm vóc lớn hơn.

Họ có rất nhiều phương án đấu tranh, có rất nhiều lý luận vạch ra cái đúng cái sai của đối phương, nhưng chưa có bài báo nào, chưa có tổ chức nào chịu mổ xẻ những cái khuyết hãm của mình, họ không chịu nhìn nhận theo hướng tích cực có tính qui luật một cách khách quan. Sự áp đặt ý chí chủ quan đã dẫn họ tới con đường bế tắc.... để rồi vẫn hành xử, đối xử với nhau một cách độc đoán bảo thủ trong môi trường dân chủ, để tiếp tục góp phần kìm hãm cái dân tộc này trong vòng luân quẩn u mê.

Cần có cuộc cách mạng trong cuộc cách mạng dân chủ!

Trong sự phát triển mang tính quá độ, nhu cầu đòi hỏi của từng thời kỳ mà ta phải vận dụng linh hoạt, đào thải cái này để tạo điều kiện cho cái khác phát triển, khi một tổ chức đã hoàn thành vai trò trong từng thời kỳ lịch sử, cần phải thay đổi nó, cần phải phế bỏ nó, cần phải cải cách nó để thay thế nó băng một cái mới, một mô hình mới tốt hơn, qui mô và chặt chẽ hơn để đáp ứng được yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Đó cũng chính là chúng ta làm cách mạng thực sự, để thúc đẩy sự phát triển của chính chúng ta

Ngay như chỉ cần chúng ta nhìn lại bài học lịch sử của đảng CS độc tài, thì thấy chúng ta còn độc tài thủ cựu hơn họ, thua kém hơn họ về rất nhiều mặt. Trong quá khứ cái đảng độc tài ngày nay, đã từng có rất nhiều cuộc giải phẫu, chuyển đổi, một cách biến hóa tùy theo từng giai đoạn lịch sử: khi thì An Nam cộng sản đảng, khi thì Đông Dương cộng sản đảng, rồi khi để lựa thời đắc thế nó phải chuyển đổi màu sắc cho phù hợp bằng việc đổi tên là đảng Lao Động Việt Nam; thậm chí có thời kỳ tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản vv.

Vậy mà chúng ta lại cứ giữ bo bo cái tổ chức, cái hội đoàn đảng phái đã trở nên lạc hậu lỗi thời, chúng ta không tự thay đổi được chính bản thân mình, thì còn mong gì, nói gì đến làm nên cuộc cách mạng, cuộc thay đổi nào cho nhân dân? “Nói người phải nghĩ đến thân”, trong một môi trường dân chủ, mình không thực hiện chuyển đổi ngay chính mình, vậy thì đòi hỏi người khác thực hiện sao được! Một Việt Tân chỉ dám chuyển đổi đường lối sơ sơ thôi, đã gặp sự phản ứng dữ dội, mà lúng túng không biết cách đối phó, để rồi bị phân tán ly khai nội bộ!

Sau hơn 30 năm giữa thời đại văn minh, một môi trừơng dân chủ thuận lợi mà chưa có lấy một tổ chức nào dám thay máu. Chưa có lấy một cá nhân tổ chức nào dám tuyên bố cải tổ hay giải thể tổ chức của mình, vẫn khư khư giữ lấy chữ “trung” đã lỗi thời. Phải chăng nếu họ nhìn nhận và xác định đúng được rằng phải có một tổ chức lớn mạnh. Muốn tập hợp nên một lịên minh bền vững. Sao chúng ta lại không dũng cảm tuyên bố giải tán, giải thể, hy sinh cái tổ chức đã lỗi thời của mình, để cùng nhau lập nên một tổ chức mới như nhau, dẹp bỏ cái cũ để cùng chung những ý tưởng mới? Cùng nhau làm nên một cái áo mới, một cái nhà mới, trong đó dung hoà, hoà đồng mọi quan điểm đường lối.

Vẫn là sự liên minh tập hợp, lồng ghép gượng gạo, vẫn luyến tiếc cái cũ để chắp vá nên một cái áo, với hàng chục mảnh vải có mầu sắc khác nhau, một cái nhà sửa chữa vá víu luộm thuộm, trong cái khung cảnh tranh tối tranh sáng, cái riêng cái chung, của anh của tôi, làm sao có thể nhất tâm đồng lòng được!

Bởi vậy cái mà chúng ta lúc này cần nhìn nhận là phải xác định dứt khoát lập trương tư tưởng, cần nghiêm túc nhìn nhận từ phía chúng ta. Khi đã dấn thân cho cuộc cách mạng dân chủ, thì trước hết chúng ta nên làm cuộc cách mạng từ ngay trong lòng chúng ta một cuộc cách mạng triệt để, hết lòng vì sự nghiệp; nếu xác định không thể theo đuổi được thì cũng nên thoái lui, nhường bước cho những tổ chức khác, cho thế hệ sau, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc cách mạng dân chủ chung của đất nước.

BÀI TOÁN THỨ HAI

Ngoại vận hỗ trợ cho Quốc nội!
Một sự ngộ nhận... vẫn chưa có lời giải !


Rất nhiều người nhận định, quốc nội là lực lượng chủ đạo trong vai trò đấu tranh dân chủ! Điều đó rất đúng, không sai! Nhưng cần phải xác định: vai trò đó được thể hiện trong giai đoạn nào của cuộc đấu tranh?

Nếu đem so sánh thì chúng ta sẽ thấy việc quan niệm như vậy là chưa sát với tình hình thực tế! Hiện nay, mọi dấu ấn, mọi áp lực và đạt được những tác dụng nhất định đối với chế độ độc tài là hải ngoại chứ không phải trong nước. Những hoạt động đấu tranh, phản kháng, biểu tình vv., ngay như các hoạt động của các nhân sĩ trong nước, có phần đóng góp rất quan trọng ở hải ngoại, họ tham gia vào bất cứ hoạt động nào của trong nước, từ hỗ trợ tài chính, cho đến việc chuyển tải thông tin, tổ chức chính trị vv., tất cả đều có dấu ấn và ảnh hưởng của hải ngoại.

Còn quốc nội chỉ dừng lại ở mức tác động rất khiêm tốn. Chưa có một dấu ấn rõ rệt cho việc tạo áp lực đáng kể đối với chế độ độc tài, ngoại trừ một vài tiếng nói phản kháng, và gần đây nhất nhờ có sự nới lỏng do sự kiện APEC nên mới manh nha một “Khối” 8406 không có tác dụng thẩm thấu là bao.

Ở đây chúng ta cần phải nhận rõ, không phải là có sự kém cỏi nhận thức hay ỷ lại, không phải là trong nước an phận hay hèn nhát, mà chúng ta phải thừa nhận một điều là chế độ độc tài CS đã thực hiện một chính sách cai trị với một bộ máy cai trị khổng lồ và hà khắc, rất thâm độc và hiệu quả, việc quản lý, theo dõi được thực hiện đến từng con người, từng phân vuông trên phạm vi sinh hoạt dân cư. Bởi vậy cái môi trường nghiệt ngã đó đã không có đất cho cái cây dân chủ phát triển (nếu so sánh với Trung Quốc, hay Irắc vv. chúng ta cũng sẽ thấy điều đó).

Hải ngoại thì có đầy đủ điều kiện để phong trào dân chủ phát triển, tạo nên được những áp lực, những tổ chức chặt chẽ và to lớn bởi sự hậu thuẫn của quốc tế. Chúng ta lại có một lợi thế quan trọng bởi lực lượng hải ngoại gồm gần 4 triệu người có đến 80% là ý thức và không chấp nhận chế độ độc tài, hơn hẳn lực lượng hải ngoại của cộng đồng Trung Quốc hay Bắc Hàn, Cu Ba vv. Tất cả những tác động đó của hải ngoại tuy chưa có được sự tổ chức chặt chẽ nhằm hỗ trợ cho quốc nội, nhưng rất hiệu quả, có tác dụng to lớn.

Vậy nếu chúng ta thử hình dung, một hải ngoại có tổ chức chặt chẽ có tiềm lực, thống nhất trong hành động, với chủ trương và đường lối đúng đắn, tạo nên một lực lượng đối trọng với chế độ độc tài trong nước trong tất cả mọi lĩnh vực, tạo nên sức mạnh đoàn kết hải ngoại, thì tôi tin rằng tình thế khi đó sẽ khác xa so với hiện nay’

Vì vậy, trong giai đoạn đấu tranh hiện nay, cần phải xác định rõ lực lượng chủ đạo là hải ngoại, chứ không phải quốc nội, như mọi người lầm tưởng.

Cần xác định rõ điều này. Tìm ra được những nguyên nhân, đâu là sự trì trệ chậm phát triển, chỉ cần chúng ta có sự nhìn nhận đúng đắn tình hình hiện nay, để tìm ra những giải pháp, những đường hướng phát triển với những nhận thức về một môi trường dân chủ, một nguyên tắc dân chủ, bản chất của cuộc cách mạng dân chủ và tầm quan trong của một tổ chức có cơ cấu chặt chẽ. Nhất định sẽ tạo nên một bước ngoặt lớn trong cuộc đấu tranh dân chủ.

Ý thức rõ được vai trò quan trọng của lực lượng dân chủ hải ngoại trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải có những bước đi có tính đột phá căn bản và quan trọng. Làm sao phát huy và thực hiện tốt vai trò đó, củng cố và phát triển một hải ngoại có đầy đủ những yếu tố cần thiết, có tính bền vững, chặt chẽ, tạo nên một mặt trận đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả, tạo tiền đề cho những bước phát triển, thúc đẩy quá trình phát triển đấu tranh dân chủ sang một giai đoạn mới, tạo điều kiện chuyển giao vai trò quan trọng cho một quốc nội trở thành lực lượng chính trong một tương lai gần. Điều này trở nên bức thiết và việc thực hiện lại nằm trong tầm tay của chúng ta, do chúng ta ý thức và chủ động quyết định, chứ không lệ thuộc hay phụ thuộc vào bất cứ yếu tố ngoại lai nào!

BÀI TOÁN THỨ BA


Tổ chức! Tổ chức và tổ chức!
Thành công Thành công và Thành công!


Trải qua quá trình đào thải và chọn lọc tạo lập nên sự sống, một trong những phát minh quan trọng nhất mà tạo hóa đã dùng để sản xuất ra sản phẩm của mình, đó là TỔ CHỨC. Một tổ chức các phần tử nhỏ nhất và đơn giản như tế bào mô, tổ chức quang hợp gồm các tế bào chất diệp lục gồm các bộ phận của cái lá cây, để chuyển hóa trao đổi chất, một bộ rễ phức hợp, để hút chất dinh dưỡng vv. nhằm tạo nên một tổ chức hoàn chỉnh cho một cái cây tồn tại và phát triển.

Một tổ chức mô, tổ chức gan, tổ chức tiêu hóa, tổ chức hệ bài tiết vv. được phân công sắp xếp, kết hợp với nhau theo tưng chức năng, để cấu tạo nên một TỔ CHỨC lớn hơn và hoàn chỉnh hơn cho một bộ máy sinh vật.

Bởi vậy trong tự nhiên, tổ chức là một thành tố không thể thiếu được để tạo nên một vật thể hoàn chỉnh. Dần dần cái thành tố tổ chức này được phát triển và áp dụng cho môi trường sống của muôn loài, nhằm tạo nên một trật tự và sự phân công, sắp xếp trong một cộng đồng giống loài, để duy trì phát triển giống nòi, nhằm cân bằng sinh thái trong môi trường tự nhiên. Một thảm thực vật gồm đủ các chủng loại tầng lớp trong một khu sinh thái, đã không tiêu diệt nhau, mà còn bổ trợ cho nhau, giống loài này chết đi, sẽ là điều kiện sống cho giống loài khác tồn tại, đã tạo nên một tổ chức sinh thái lý tưởng.

Mỗi một bầy đàn đều tự duy trì và phát huy đặc tính của riêng mình, nhưng đều dựa trên sự phát triển có tính tổ chức. Một xã hội loài ong với cơ cấu tổ chức được phân công chặt chẽ và qui củ, có tính chuyên nghiệp cho từng chức năng, đâu là ong chúa, đâu là ong thợ vv., nhằm tạo nên một xã hội côn trùng có tổ chức rất cao. Cái TỔ CHỨC đó được hình thành theo bản năng sinh tồn, nó được sắp xếp rất khoa học, tỉ mỉ, chính xác và vô cùng hiệu quả cho việc duy trì và phát triển giống nòi.
Con người là một loài sinh vật có lý trí và tư duy, đã biết vận dụng cái thành tố tự nhiên quan trọng này để áp dụng vào cuộc sống. Ngoaì việc được thượng đế ưu đãi, tạo ra những đặc tính hơn hẳn các sinh vật khác, loài người cũng có một tổ chức xã hội được cơ cấu sắp xếp rất cao, con người đã dần dần từng bước hoàn thiện môi trường sống, bằng việc liên tục đấu tranh và đào thải những mô hình tổ chức bất hợp lý, để tạo nên những mô hình xã hội, những sản phẩm có tính tổ chức cao, tinh vi và hiện đại hơn.

Ngày nay, như chúng ta đã thấy, để bắt chước tạo hóa, con người đã sáng tạo nên những sản phẩm của riêng mình gồm những bộ phận cũng có cơ cấu, từ cái công cụ thô sơ cho đến máy móc hiện đại, bao gồm các tổ chức nhỏ kết hợp với nhau để tạo nên một tổ chức lớn và hoàn thiện, có tính ưu việt hơn.

Một bộ phận gồm tổ chức hệ thống khung xe, một hệ thống tổ chức cái bánh xe có chức năng chuyển góp phần động, một bộ phận gồm tổ chức hệ thống động cơ cũng có chức năng và nhiệm vụ góp phần chuyển động chiếc xe, tạo nên một chiếc xe có tổ chức hoàn chỉnh... Cho đến một tổ chức xã hội của một nhà nước, bao gồm các tổ chức nhỏ có chức năng riêng biệt để vận hành cỗ máy nhà nước, nhằm duy trì trật tự thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội đi nên.

Vì vậy, TỔ CHỨC là một trong những thành tố có tính thiết yếu cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được trong bất kỳ một giống loài nào, một sản phẩm nào, một mô hình nào, một xã hội nào của bất kỳ vật thể nào trên trái đất.

Vậy mà có một lực lượng được hình thành... do mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn ý thức hệ. Lại không tuân thủ, không đi theo cái chức năng TỔ CHỨC tất yếu đó, đi ngược lại hay chí ít đã không biết vận dụng cái phát minh TỔ CHỨC quan trọng đó để làm phương tiện hay vũ khí đấu tranh, nhằm giải quýết cái mâu thuẫn đang xảy ra trong nội bộ dân tộc, giữa hai phe dân chủ và độc tài!

Với hành trăm tổ chức hội đoàn đảng phái, chỉ tranh nhau tổ chức nào cũng mơ mộng tổ chức của mình tạo dựng nên phát triển thành một tổ chức lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức trung tâm, thực hiện dân chủ hoá đất nước, xứng đáng cái tổ chức đầu tầu “bộ não”để chỉ huy, để điều khiển.

Tranh nhau làm cái chức năng lãnh đạo để giải quyết cái mâu thuẫn chung với độc tài... Chứ không ai muốn làm bộ phận chân tay trong cơ thể, không muốn làm ốc vít cho một cỗ máy, đã tạo nên một môi trường hoạt động hỗn loạn, vô tổ chức không bầy đàn, để trở nên mất phương hướng, giảm đáng kể khả năng đấu tranh.

Không một nhà hoạch định nào, không một nhà tự nhiên học, triết học nào, một nhà tư tưởng nào nhận thấy cái tầm quan trọng của cái thành tố TỔ CHỨC! Họ vẫn đi tìm cho mình, hoặc giả không nhận biết được một tầm quan trọng của cái chức năng TỔ CHỨC có tính qui luật để nhìn nhận, để đánh giá phân tích, để tìm ra con đường đi đúng đắn và hợp lý nhất cho cuộc đấu tranh dân chủ. Cái điều cần làm, cái điều cần phải có, cần phải tuân thủ có tính nguyên tắc và thiết yếu là vấn đề TỔ CHỨC! Nhưng chưa có một nhân tố nào, chưa thấy một bài viết nào đề cập đến tầm quan trọng đó.

Với những tổ chức hội đoàn đảng phái được dựng nên vội vã sơ sài, không mang yếu tố của một cơ cấu hợp lý có tính qui luật, không đúng với chức năng, cái xe được dựng nên với quá nhiều cái lỗi, chỗ to, chỗ nhỏ, chỗ thừa, chỗ thiếu vv. Vậy mà người ta vẫn cho xuất xưởng để vận hành nó trên con đường dân chủ. Thậm chí có rất nhiều tổ chức không “chính danh” bởi người ta không hiểu cái tên, biểu tượng được dựng nên nó mang danh tổ chức gì!

Đành rằng tổ chức đó đấu tranh dân chủ, nhưng tổ chức đó được qui tụ bởi những người có cùng quan điểm chí hướng để đấu tranh hay chỉ là một sự “họp mặt” hay “tập hợp”, người ta cũng thấy cái “khối” nó rất chung chung, với mục đích hoạt động không rõ ràng, hay chỉ hạn chế trong cái sân chơi nhỏ hẹp. Do dó “danh không chính, ngôn tất không thuận” cái nhà hàng, cái ngôi đền biển đề không rõ, khách còn dùng dằng lưỡng lự là điều tất yếu!

Đã có những cố gắng khi một vài tổ chức ý thức được vai trò quan trọng của một tổ chức lớn mạnh, có cơ cấu chặt chẽ, có chức năng nhiệm vụ được phân công, để tìm ra một giải pháp, một liên minh, nhằm tập hợp những nhân tố quan trọng. Nhưng chưa có tổ chức nào có đủ tầm, đủ bản lĩnh để làm cuộc đại phẫu, dứt bỏ cái cũ, cái không hợp lý để sản xuất ra một cỗ xe mới, một sản phẩm mới, một tổ chức mới có cơ cấu hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Họ vẫn đang loay hoay chưa tìm ra một giải pháp nào cho vấn đề tổ chức đó.

Một môi trường dân chủ hải ngoại vẫn chưa tìm ra cái ẩn số có tính qui luật tất yếu và quan trọng là TỔ CHỨC, chưa đánh giá được tầm quan trọng của việc tổ chức, thì con đường đấu tranh dân chủ sẽ không thể, chứ chưa nói đến việc mong chờ có một kết cục có hậu cho nền dân chủ của Việt Nam.

Lời kết

Rất mong sau bài viết này, dẫu chỉ là một vài ý kiến cá nhân, sẽ phần nào góp phần tìm ra những điều bổ ích cho các nhân sĩ, những tổ chức dân chủ và phong trào dân chủ của chúng ta, nhằm tìm ra con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, mau chóng hoàn thành sự nghiệp dân chủ mà sứ mệnh lịch sử đã giao phó.
Hà Nội 16/6/2007

Như Hà
© Thông Luận 2007