“… Nhưng dù có đồng minh với ai, dựa vào sức mình là chính. Và tự lực không gì hơn là huy động nội lực của quốc gia …”
Chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ ngày 18/6 đến 22/6/2007 xem như đã dàn xếp xong. Ông Triết sẽ đến Hoa Kỳ với một phái đoàn hùng hậu gồm ít nhất 200 thương gia để nhấn mạnh về vấn đề đầu tư và giao thương giữa hai nước, bên cạnh những vấn đề quan trọng khác chưa được tiết lộ.
Hai tuần trước đây, khi phái đoàn tiền trạm sắp xếp cho chuyến đi của ông Triết do Thứ trưởng bộ ngoại giao Lê Văn Bàng (nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ) cầm đầu đã rời Hà Nội, hai thủ đô vẫn chưa nói lời chắc chắn chuyến công du của chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết sẽ diễn ra.
Hoa Kỳ và Việt Nam có những vấn đề cấn cái do việc trước chuyến thăm viếng Hoa Kỳ, Hà Nội bỗng nhiên ra tay đàn áp các nhà dân chủ trong nước. Trong tháng 5/2007 một loạt xử các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền đã diễn ra tại Sài gòn, Huế và Hà Nội gây nên sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Nhưng tệ hại hơn là ông Nguyễn Minh Triết đột ngột đi Bắc Kinh như đi chầu thiên triều để thưa trình trước khi đi Mỹ.
Có lẽ Hà Nội đã hành động với suy luận rằng Hoa Kỳ sẽ không phản ứng hay nếu có phản ứng cũng chỉ phản ứng lấy lệ vì hai bên đã có những giao ước chiến lược ngầm (theo nhận xét của giáo sư người Úc, ông Carl Thayer). Một dấu hiệu làm Hà Nội hiểu lầm hơn nữa là tổng thống Bush khi đến Hà Nội tham dự hội nghị APEC của các nước ven Thái Bình Dương vào tháng 11/2006 đã không một lời hỏi han các nhà dân chủ Việt Nam đang bị cơ quan an ninh của Hà Nội bao vây. Hà Nội nghĩ rằng Hoa Kỳ đang chơi trò chơi lớn sá gì những vấn đề nhỏ.
Nhưng việc đi chầu Trung quốc trước khi sắp công du Hoa Kỳ của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là một hành động ngoại giao quá trớn, Hoa Kỳ không thể bỏ qua mà không mất thể diện, nên Hoa Kỳ đã phản ứng bằng những quả bóng thả ra từ Singapore qua tờ báo Anh ngữ The Straits Times, rằng Hoa Kỳ không đón tiếp ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết như quốc khách, và sau đó phóng thêm tin Hoa Kỳ có thể sẽ hủy bỏ chuyến công du của ông Triết.
Đồng thời để dằn mặt Hà Nội, và nhân thể điều chỉnh sự sơ suất đã lơ là với lời hứa luôn luôn đứng bên cạnh những người đấu tranh cho dân chủ trên toàn thế giới, tổng thống Bush đã vội vàng mời gặp bốn nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền đang ở tại Hoa Kỳ, nói là để tham khảo ý kiến “Hoa Kỳ phải làm gì để giúp đỡ phong trào dân chủ tại Việt Nam”.
Nhưng vì quyền lợi chiến lược Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn, sau khi tung hỏa mù, đều biết nhịn và cuộc thăm viếng của ông Nguyễn Minh Triết vẫn được tiến hành .
Theo chương trình ngày 18/6 máy bay ông Nguyễn Minh Triết đáp xuống thành phố New York. Ông sẽ đến dự phiên tòa phúc thẩm vụ kiện chất độc màu da cam quân đội Hoa Kỳ đã dùng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trong thời gian từ năm 1962 đến năm 1971 để làm chết cây cối và mùa màng diệt nguồn thực phẩm và chỗ ẩn náu của quân đội cộng sản Bắc việt đã gây ra một số bệnh tật và sinh đẻ dị hình. (Vụ kiện này do một Tổ Chức thân Hà Nội tại Hoa Kỳ gọi là The Fund for Reconciliation and Development (FRD) tạm gọi là Quỹ Hòa Giải và Phát Triển, đứng ra yểm tài chánh và cố vấn luật pháp để kiện các hãng sản xuất chất độc màu da cam đã được xử hôm 10/3/2005 tại New York. Ông chánh án Jack Weinstein tòa án liên bang Hoa Kỳ phán quyết rằng vụ kiện không có cơ sở. “Quỹ Hòa Giải và Phát Triển” kháng cáo và vụ kiện sẽ được xử lại ngày 18/6/07. Việc ông Triết đến tham dự vụ xử là một hành động vụng về vì trên mặt pháp lý khó có đoàn luật sư nào biện minh được sự quan hệ một cách không thể chối cãi được giữa chất đốc màu da cam với một số bệnh dị hình dị tướng hiện nay tại Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ biết có liên hệ qua các vụ kiện của các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng chiến đấu tại Việt Nam, nhưng đối với Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ chịu dàn xếp qua viện trợ nhân đạo và giúp đỡ y khoa chứ không muốn công nhận trước một tòa án. Và việc dàn xếp này cũng đã bắt đầu.)
Ngày 19/6 ông Nguyễn Minh Triết sẽ đến trụ sở Liên hiệp quốc thăm ông Tổng thư ký Ban Ki-Moon. Ngày 20/6 ông đến thăm thị trường chứng khoáng Hoa Kỳ ở Wall Street. Ngày 21/6 chương trình ông Triết chưa xác định. Có thể là ngày nghỉ ngơi sinh hoạt nội bộ tại tòa đại sứ, và theo một vài nguồn tin có thể ông sẽ đến thăm một gia đình Việt Nam có cảm tình với chế độ Hà Nội. Sáng ngày 22/6 tổng thống Bush sẽ đón ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại phòng bầu dục tòa Bạch ốc, văn phòng làm việc của tổng thống. Sau đó ông Triết bay sang California trên đường thăm viếng chính thức Canada.
Chuyến đi của ông Triết (với bao nhiêu trục trặc) là một điều có lợi về mặt chiến lược cho cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam. Vì nếu chuyến đi bị hủy bỏ kẻ có lợi duy nhất là Trung quốc. Ít nhất chuyến công du cũng chứng tỏ Việt Nam vẫn còn một chút độc lập với Trung quốc và muốn xích lại gần Hoa Kỳ. Việt Nam chứng tỏ được rằng tuy phải thần phục Trung quốc nhưng Việt Nam vẫn không quên quyền lợi chiến lược của mình. Về phía Hoa Kỳ sau những hành động bày tỏ sự bất mãn ngoại giao, Hoa Kỳ cũng thấy rằng đón tiếp ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết chẳng những có lợi cho Hoa Kỳ về mặt chiến lược mà còn có lợi về mặt giao thương. Cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2008 dù còn xa nhưng nếu đảng Cộng Hòa không quan tâm đến thị trường của hơn 80 triệu người ở Việt Nam sự bất mãn của giới kinh doanh sẽ không có lợi, nhất là khi đảng Cộng hòa đang gặp nhiều khó khăn nội bộ do cuộc chiến Iraq.
Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đang rầm rộ chuẩn bị biểu tình trong dịp ông Nguyễn Minh Triết có mặt tại Hoa Kỳ. Đây là cơ hội tốt nhất về truyền thông để nói lên tiếng nói phản đối chính sách độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, và nhất là phản đối đợt đàn áp các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam qua một loạt truy tố và xử án linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, các ông Huỳnh Nguyên Đạo, bác sĩ Lê Nguyên Sang thuộc đảng Dân chủ Nhân dân trong tháng 5 vừa qua.
Nhưng trên căn bản, những tổ chức có trách nhiệm tổ chức biểu tình cần thấy rằng đây không phải là cuộc biểu tình chống sự thăm viếng của ông ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay bất cứ người đại diện nào của chính quyền Việt Nam. Chống thăm viếng có nghĩa là chống sự xích lại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Và khi Việt Nam không thể xích lại với Hoa Kỳ thì Việt Nam chỉ còn một đồng minh phương Bắc để xích lại .
Trong lịch sử chưa bao giờ Việt Nam đứng trước một sự khó khăn như hiện nay. Một bên là Trung quốc cùng nguồn gốc văn hóa, cùng chính thể xã hội chủ nghĩa. Một bên là Hoa Kỳ, văn hóa khác nhau, tập tục khác nhau lại vốn là kẻ thù của nhau chỉ mới cách đây mấy mươi năm. Sự chọn lựa rất khó khăn .
Nhưng nhìn lại trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, Trung quốc vẫn xem Việt Nam là một chư hầu, và nếu có cơ hội để siết chặt Việt Nam trong đôi cánh tay mình Trung quốc sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Càng nhiều điểm tương đồng, Trung quốc càng có điều kiện để nuốt Việt Nam.
Trong khi đó Hoa Kỳ chưa bao giờ có chính sách chinh phục Việt Nam. Và quá khứ chứng tỏ rằng sau khi kết thúc trận thế giới chiến tranh II các nước thua trận như Đức ở Âu châu, Nhật Bản ở Á châu vì quyền lợi chung đã trở thành những đồng minh của Hoa Kỳ và nhờ đó chẳng những giữ được an ninh của mình mà còn đóng góp cho an ninh thế giới trong suốt thời kỳ của cuộc chiến tranh lạnh.
Việt Nam cần đồng minh lớn cùng quyền lợi để vượt thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung quốc. Chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Minh Triết ít nhất cũng nói lên được sự cố gắng đó mặc dù nội bộ đảng cộng sản Việt Nam còn chia rẽ Việt Nam và “đoàn quân thứ năm” trong đảng đang ra sức phá hoại nỗ lực ngoại giao này.
Nhưng dù có đồng minh với ai, dựa vào sức mình là chính. Và tự lực không gì hơn là huy động nội lực của quốc gia. Nhân chuyến đi của ông Triết đến Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt hải ngoại, qua những cuộc xuống đường “dàn chào” ông, cần chuyển đến cho ông một thông điệp rõ ràng rằng cộng đồng người Việt không chống chuyến công du tìm đồng minh chiến lược của ông, mà chỉ chống chính sách độc tài bất cần dân của đảng cộng sản Việt Nam. Nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục chính sách hiện tại là bịt mồm bịt miệng những tiếng nói đòi dân chủ trong nước thì dù có bao nhiêu nước đồng minh đảng cộng sản Việt Nam cũng không có đủ sức bảo đảm sự an toàn của xứ sở.
Đồng thời những cuộc xuống đường cũng là một thông điệp cho Hoa Kỳ rằng Hoa Kỳ không thể lập một hàng rào phòng ngự tại nam Thái Bình dương nếu nghĩ rằng chỉ cần hợp tác với những chính quyền ổn định tại đó dù những chính quyền đó không có sự hậu thuẫn của dân.
Trần Bình Nam
June 16, 2007