Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007

Văn Học Và Chính Trị

Trường hợp nhà văn Nằm Vùng “A. Pazzi” Vũ Hạnh (1)

Khi tôi đọc bài viết ngắn của nhà văn “nằm vùng” (2) Vũ Hạnh (3) Văn Hóa Văn Nghệ Đâu là tiêu chí của người xuất bản?. Tôi có cảm tưởng đang đọc một bài viết của một thứ Công an văn nghệ thời 1975 như Trần Trọng Đăng Đàn, Khắc Thành, Vũ Đức Phúc, Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Lữ Phương, Trần Văn Giàu, Lê Đình Ky, Thái Kế Toại với những nhan đề sắt máu như: Nọc độc Văn học thực dân mới, Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của Đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên trên mặt trận văn hóa tư tưởng, Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư Văn hóa mới …

Không, Vũ Hạnh, nhà văn nằm vùng vẫn thế. Độ lùi thời gian trên 30 năm, sau 1975 có vẻ như đã không thay đổi gì trong cách nhìn, cách đánh giá Văn học miền Nam.

Của cải miền Nam mất hết, cuối cùng cái còn lại chỉ là sách, là cái sản phẩm tinh thần ấy. Sự thách đố chung cục là các ông đã làm gì được để phá sạch nó?

Vũ Hạnh muốm đóng vai Tố Hữu? Trễ rồi và cũng lỗi thời, lạc điệu rồi. Thời của Nhân Văn giai phẩm đã qua lâu rồi. Nay nếu còn điều gì đáng ghi nhận là Bài học tình người giữa Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến. Hai kẻ đối đầu như kẻ thù, đều làm mật vụ, thứ chó sói cô đơn lone wolf. Vậy mà còn đủ cái lòng nhân vào phút chót giúp Trần Kim Tuyến ra đi trót lọt. Tấm gương cho Vũ Hạnh. Trong hồi ký trên Gác bút của Nguyễn Thụy Long cũng có gián tiếp nói đến cách hành xử tử tế của Huỳnh Bá Thành đối với ông. Và nhất là trong Hội trí thức yêu nước, nhiều nhà văn lãnh đạo “mới” đã âm thầm giúp đỡ những nhà văn bị đi học tập chút tiền, khi bao gạo sống qua cơn bĩ cực. Điều này hỏi anh Thế Uyên chắc rõ hơn.

Vũ Hạnh đã sống ở miền Nam, đã được hầu hết bạn bè nhà văn giúp đỡ tiền bạc, nhất là bao che để ông thoát cảnh tù tội dăm lần bảy lượt.

Ông mau quên quá. Đã đến lúc, phải tạ tội với dân chủ và tự do ở miền Nam rồi.

Trần Nghi Hoàng trong bài viết: Vũ Hạnh và con đường thứ ba của Dương Nghiễm Mậu đã không ngần ngại gán cho bài viết của Vũ Hạnh hai chữ “đấu tố”, sặc mùi đấu tranh giai cấp không thua gì các “văn công” đã đấu tố nhóm Nhân Văn giai phẩm hơn 50 năm về trước. Một độc giả lấy bút hiệu Trẻ sơ sinh trong bài: Đúng, lịch sử không thể lập lờ có lời thưa như sau:


Song đọc những lời “sâu nặng” của Bác trên báo Đảng thì trẻ sơ sinh thực sự giật mình. Bác ngạc nhiên trước bài viết của Phạm Xuân Nguyên thì chúng tôi nhảy tưng tưng trước nhiều suy nghĩ được đúc thành luận điệu tức cười bác tuôn ra. (Trích Talawas)


Và Phạm Xuân Nguyên, ở Hà Nội, chừng mực và dè dặt trong bài viết: Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu đã khẳng định dứt khoát:

Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ 20 đang cần được kiểm kê đầy đủ, ngõ hầu một bộ Văn học sử thế kỷ này sẽ được viết ra trung thực với lịch sử” (Trích Talawas).


Tôi xin phép tác giả sửa lại ý không phải chỉ là kiểm kê đầy đủ, mà là đánh giá đúng mức tác phẩm văn học của các nhà văn miền Nam và trả lại danh dự và công đạo cho các nhà văn ấy như một lời xin lỗi.

Tôi viết ra như một bằng chứng trong sách của Trần Trọng Đăng Đàn:

Những người làm Văn hóa, văn nghệ phản động từ Bắc di cư này cùng những người hoạt động Văn hóa văn nghệ phản động, đầu hàng tại miền Nam đã hợp thành chỗ dựa về văn hóa, văn nghệ cho tập đoàn bán nước Ngô Đình Diệm trong bước ban đầu: Tiêu biểu như Lê Văn Siêu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Chu Tử, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Nguyễn Vỹ, Ngô Xuân Phụng, Đỗ Tấn, Nguyễn Vạn An, Lê Văn Duyện


Nhưng có lẽ trước khi phục hoạt giá trị cho các nhà văn miền Nam, việc đầu tiên là loại bỏ những loại sách rác rưởi này ra khỏi ngưỡng cửa đại học VN.

Tôi viết bài này, một phần nhìn lại con người của Vũ Hạnh trong bối cảnh sinh hoạt văn hóa miền Nam. Một mặt vừa phải đương đầu với Cộng Sản Hà Nội, mặt khác vừa phải xây dựng một miền Nam dân chủ và tự do.

Những con người như Vũ Hạnh đã lợi dụng, đã sống “lọt kẽ” trong hoàn cảnh chính trị miền Nam.

Nhưng chính yếu là nhằm trình bày cho những người Cộng Sản và những kẻ theo đuôi nhận ra một lần nữa thực chất của nền văn học ấy không phản động cũng không đồi trụy. Ngược lại Văn học miền Nam biểu hiện được ba điều sau đây: tinh thần tự do sáng tác, tính thần nhân bản và đa dạng trong các chiều hướng sáng tác.


Nhà Văn nằm vùng Vũ Hạnh trong bối cảnh sinh hoạt văn học miền Nam

Tôi cứ tự hỏi tại sao một nhà văn nằm vùng lại có thể ngang nhiên đi dạy học, ngang nhiên viếc lách, công khai viết lách, rồi đến khi bị bắt thì cả đám trí thức, nhà văn, nhà báo tìm mọi cách để cứu ông ta ra khỏi tù? Câu trả lời là: Thế nó mới là người dân miền Nam, ngây thơ và nhân đạo, lấy tình người nên không nỡ, không đi tố cáo.

Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là các chính thể miền Nam không thể không thực thi dân chủ, tự do, nhưng đồng thời không cảnh giác trước sự đe doạ và lợi dụng thể chế tự do ấy của người Cộng Sản. Dung hòa được hai điều ấy, tự do và độc tài không phải là dễ. Kẽ hở không tránh được .

Và vì thế, rất nhiều những kẻ nằm vùng sống giữa hai lằn ranh ấy, sống lọt kẽ mà sống còn.

Thái độ tố cáo là thái độ làm chính trị và các nhà văn miền Nam thì coi tố cáo là hèn, là không tư cách nên giữ thái độ im lặng. Một lầm lẫn giữa chính trị và đạo đức. Lại một sai lầm nữa.

Ngay cả những tờ báo có tiền tài trợ của ông Tuyến, các nhà văn cũng vẫn giữ tư cách nhà văn, phong cách độc lập, không chịu luồn cúi, không chịu hèn. Đó trường hợp các tờ Sáng Tạo, Hiện Đại, Chỉ Đạo. Họ đều nhận được tiền để làm Văn Hóa mà không làm chính trị. Riêng tờ Văn Đàn thì có vẻ chính thống quá và độc giả ít ai đọc. Điều đó cũng cho thấy độc giả không thích tờ báo viết lách dưới bảng hiệu chính quyền

Vì thế, Vũ Hạnh mới ngang nhiên viết trên Bách Khoa, ngoài tên thật còn lấy nhiều tên hiệu như cô Phương Thảo, Hồng Cúc, Hoàng Thành Kỳ, Nguyên Phủ, Minh Hữu để viết bài. Với những bút hiệu đó, Cô Phương Thảo tha hồ múa bút.

Khi có quá nhiều bút hiệu là thiếu thiện ý, tránh né để dễ bề viết lách, để dấu danh tính, để chửi.

Bút hiệu trở thành giả hiệu, đánh mất tư cách người cầm bút, viết thiếu trung thực.

Khi Cô Phương Thảo viết phê bình thì nhiều người không khỏi ngạc nhiên và đặt dấu hỏi. Sự nghi ngờ ấy đã làm cho giáo sư Tạ Trọng Hiệp, đồ đệ của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, từ Paris viết thư về, bực tức tra hỏi Cô Phương Thảo là ai? Biết là ai bây giờ. Trừ những người trong tòa soạn Bách Khoa. Họ lại không tiện nói ra. Đành cười trừ thôi.

Nguyên Sa cũng có thể là người duy nhất báo cho Trần Kim Tuyến biết Vũ Hạnh là cộng sản nằm vùng. Tôi có hỏi anh Vĩnh Phúc, tác giả cuốn Huyền thoại về chế độ Ngô Đình Diệm về lời tố cáo đó. Anh Vĩnh Phúc cho biết ông Tuyến không nói cho biết về chuyện này.

Nguyên Sa biết, nhất là ông Tuyến biết và nhất định nhiều người cũng biết, hai lần bị tù dưới thời ông Diệm, tại sao không ai trực tiếp tố cáo Vũ Hạnh, lại còn bao che nữa?

Phải chăng đó là tinh thần tự do, dân chủ? Sau này, dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu, Vũ Hạnh đi tù thì chính Thanh Lãng, chủ tịch Văn bút Việt Nam cùng ký tên với một số đông nhà văn, nhà báo vào tận khám Chí Hòa lôi ông Vũ Hạnh ra.

Trí thức miền Nam hành hiệp nghĩa cử thế đấy. Nếu tôi nhớ không lầm, Hồ Trường An trong một cuốn ký có kể lại khi Vũ Hạnh được ra khỏi tù đã được anh em nhà văn báo chí giúp đỡ tiên bạc cho vợ con Vũ Hạnh sinh sống ra sao.

Ân nghĩa ấy Vũ Hạnh chưa trả.

Tôi chỉ có thể cắt nghĩa trí thức miền Nam, ở thời ấy và chỉ thời ấy mà thôi, “coi nhẹ” vấn đề chính trị và coi nặng những vấn đề tình người, bạn bè, coi nặng tự do tư tưởng, đề cao ý thức dân chủ, chấp nhận lập trường tư tưởng khác mình.

Đó là cái yếu và cái mạnh của các chế độ dân chủ. Cũng là cái yếu, cái mạnh của miền Nam.

Tôi lấy một trường hợp cụ thể là Câu lạc bộ Phục Hưng, ở 43 Nguyễn Thông, một ký túc xá với danh sách gần 500 người đã có thời cư ngụ tại nơi đây, do linh mục Nguyễn Huy Lịch đứng đầu. Tinh thần của Câu Lạc Bộ sinh viên là: Không phân biệt thành phần tôn giáo hay xu hướng chính trị, đề cao thái độ chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt. Trong danh sách đếm ra được đủ các thành phần sinh viên các tôn giáo, đủ thứ tả hữu như các quý anh: Nguyễn Đức Quý, Ngô Khắc Tỉnh, Cao Huy Thuần, Vĩnh Linh, Bửu Sao, Đoàn Thanh Liêm, Trần Ngọc Báu, Tô Lai Chánh, Đặng Tiến, Hoàng Ngọc Tuệ, Bùi Thế Cần, Phạm Đăng Long Cơ... Tôi cũng đã hỏi điều này với anh Đỗ Hữu Nghiêm, một sinh viên kỳ cựu ở đấy, anh cũng xác nhận điều nhận xét của tôi: Dù khác biệt tôn giáo lẫn chính kiến, 500 sinh viên đó vẫn có thể sống chung dưới một mái nhà và có thể dung hợp nhau, chấp nhận nhau được.

Cũng chính cái tinh thần tôn trọng tự do đó mà trên tờ Bách Khoa có đủ mâu sắc chính trị và những người như Vũ Hạnh mới có đất mà dung thân.

Cho nên không lạ gì trong Tuyển tập truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta gồm 45 tác giả của miền Nam từ 1954-1974 với nhiều tác giả tên tuổi, nhiều xu hướng dị biệt. Có Mai Thảo mà cũng có Nguyễn Đức Sơn, có Nhất Hạnh mà cũng có Túy Hồng, có Sơn Nam mà cũng có Duyên Anh, có Dương Nghiễm Mậu mà cũng có Vũ Hạnh, có Võ Phiến mà cũng có Hô Hữu Tường. Đa dạng và dị biệt. Có chỗ cho mọi người.

Theo Lý Đợi, trong bài Ngày xưa Vũ Hạnh, cái trớ trêu là Dương Nghiễm Mậu, người bị Vũ Hạnh gọi là nhà văn phản động lại cùng có mặt trong tuyển tập ở trên. Trong lời tự khai về mình, Vũ Hạnh đã viết như sau về chính mình:


Tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày15/7/1926, tại Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Học ở quê nhà, rồi Đà Nẵng và Huế . Sống trong vùng kháng chiến liên khu 5 cho đến Hiệp định Geneva. Đấu tranh đòi Hiệp thương hai miền Nam Bắc 1955. Bị chánh quyền Diệm bắt giam, cuối 1956 được tự do, vào Sài Gòn viết báo và dạy học, cộng tác với Mai, Bách Khoa, Văn … Năm 1961, chính quyền Diệm bắt lại, nhưng nhờ Báo Chí can thiệp nên sớm được tự do. Năm 1967 đã tham gia lực lượng Bảo vệ Văn Hóa Dân tộc


Hai lần bị ông Diệm bắt, rồi được thả? Báo chí can thiệp ở đây là ai ? Lý Đợi kết luận Vũ Hạnh quả là quá may mắn, đã từng “có những ngày xưa” và luôn có những “vinh quang ngày nay” bây giờ thì với giọng giang hồ, Vũ Hạnh phán về những người như Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên: Chúng mày hết đường rồi các con ạ.

Ngày xưa, các nhà văn miền Nam đã từng ký tên xin tha cho ông khỏi tù tội. Ông đã bội phản và phủ nhận cái lòng vị tha của các nhà văn miền Nam. Tôi không được rõ có tên Dương Nghiễm Mậu hay Lê Xuyên trong danh sách những nhà văn yêu cầu thả Vũ Hạnh? Hy vọng là không để lương tâm Vũ Hạnh được yên.

Sau 1975 thì nhà cầm quyền Cộng Sản đốt sách. Nay không còn sách thì những người như Vũ Hạnh một lần nữa đốt tên tuổi họ.

Bây giờ, xin được tìm hiểu qua con người của Vũ Hạnh dưới con mắt của một số nhà văn, nhà báo khác. Theo chỗ tôi được biết, Lữ Phương, tuy cũng đồng chí với Vũ Hạnh, nhưng có thể không đồng thuyền. Có nghĩa là Vũ Hạnh không có trong mắt của Lữ Phương, nếu không nói là bị khinh bỉ. Nhiều nhà văn sau này cũng nhận ra cái cung cách bội phản ấy vì Vũ Hạnh đã quên những nhà văn đã từng cưu mang ông? Họ phải đi cải tạo, ông đã có một tiếng nào can thiệp, giúp đỡ? Họ còn đánh giá ông là loại người Opportuniste (cơ hội - DCV). Bằng chứng là trong lúc tình hình Đông Âu bắt đầu bất ổn có chiều tan rã và nhất là tại Liên Xô, cái nôi của Cách mạng vô sản có cơ bị xụp đổ. Ông Vũ Hạnh có viết một bài khá trái chiều, phê phán chính quyền Cộng Sản VN và gửi cho Irina Zisman, tác giả Bút ký Irina, một nữ ký giả Nga đứng về phía người Quốc Gia. Chắc là ông có hối tiếc và e ngại về bài viết này. Vì đảng CS Việt Nam sau đó vẫn bình chân như vại. Trong bút ký, Irina viết về Vũ Hạnh:


Vào cuối tháng 5 năm 1991, khi đến với một Sài Gòn đang giẫy giụa, vừa phớt lờ, vừa quan tâm trước lúc khai mạc Đại hội 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam – tôi được Hội nhà văn thành phố mời đến “chơi”, hai ông phụ trách Hội đã vui vẻ tiếp tôi cùng ông Hạnh.

.... Khi ở Hội ra về, tôi đã nói nhỏ với Vũ Hạnh là rất muốn mời ông lại chỗ tôi, nói chuyện cho tự nhiên, nhưng ông gạt đi: “Nếu như vậy, cấp trên sẽ hiểu nhầm”.

Tôi nghĩ về tấn bi kịch – không, không phải chỉ của Nguyễn Du hay Nguyễn Trãi, mà của bất cứ ai đã ph?ai trả giá quá đắt đối với sự nghiệp sáng tác của mình. Tôi nghĩ về các văn sĩ của thời đại chúng ta ... Chúng ta, những người chỉ biết đọc lại các tác phẩm của những người xưa. Tôi nghĩ về tấn bi kịch của nhà văn luôn luôn giấu kín suy nghĩ của mình, về các nhà báo viết bài không phải để đăng báo. Về tấn kịch của các văn nghệ sĩ đã được “cởi trói” nhưng vẫn có “cấp trên˝.

Và về những cấp trên chuyên môn “hiểu nhầm”.

(Trích Bút ký Irina, Tập I, trang 96-7, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1992)

Khi ông đi dạy học ở Sài Gòn, một cái nghề tự do rất tiện như một thứ nghề tay trái cho những ai làm chính trị hay làm chính trị chờ thời ẩn thân. Ông đã tụ họp được đám thanh niên trẻ trong đội thám báo và ai đó đụng đến Vũ Hạnh là bọn thanh niên thám báo sẵn sàng xin tý huyết. Và phải chăng, chính đội quyết tử thành đoàn do Vũ Hạnh giật giây đã bắn Chu Tử? Đây là những câu hỏi chưa có trả lời dứt khoát và có lẽ chẳng bao giờ có câu trả lời. Ngay như trường hợp Trần Văn Giàu thời 1945, có bao giờ Trần Văn Giàu nhận mình trách nhiệm về những cái chết của những người Cộng Sản đệ tứ? Phần Chu Tử có đủ cái nết khôi hài khi nằm trên giường bệnh mà còn đủ thèm nhìn dưới cái váy của cô y tá bệnh viện?

Và một lý do cá nhân khác mà người ta nêu ra là phải chăng chính vì trong Tự điển Văn học, xuất bản tại Hà Nội nay người ta đưa tên Dương Nghiễm Mậu vào? Và phần Vũ Hạnh chẳng có vai trò gì cho đáng gọi là vai trò, ngay cả vai trò nhà văn có chỗ đứng bề thế trong Hội nhà văn? Vì thế nay, công ty văn hóa Phương Nam và nhà xuất bản văn nghệ TPHCM cho in lại 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu và truyện Nguyệt Đồng Xoài của Lê Xuyên, phải chăng đó là cái cớ sự để cho Vũ Hạnh trù dập máy móc hai nhãn hiệu: Phản Động và đồi trụy. Không Phản động thì đồi trụy, không đồi trụy thì phản động. Chửi đổng, chửi vô bằng, chửi lấy được như phường hàng tôm, hàng cá.

Cung cách chửi bới đó lộ nguyên hình một nhà văn bất xứng.

Cần nhận với nhau rằng nay trước đây những nhà thơ như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa đều được xếp loại là những văn nghệ sĩ phản động thì nay được vinh danh trong 100 bài thơ hay thế kỷ. Họ đều có chỗ ngồi trên chiếu văn học. Đành rằng sự sắp xếp chỗ ngồi như thế chẳng đem thêm chút danh dự gì cho họ? Họ có cần những thứ đó đâu. Cả ba đều không còn trên dương thế này.

Cho nên, tôi nghĩ rằng sự truy chụp của Vũ Hạnh chỉ làm cho ông thêm tai tiếng và chịu sự khinh bỉ của giới làm văn học cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Đã hết cái thời chửi bới, chụp mũ vô bằng như thế. Ai khác thì còn được, nhưng ông thì không nên. Tôi tự hỏi, ông muốn đóng trọn vai trò nhà văn hay một công an văn hóa?

Có những cái sai không sửa được nữa. Đó là trường hợp Vũ Hạnh.

Ông đã “ly thân” với quá khứ miền Nam mà ông thừa hưởng rất nhiều ân huệ để viết “tự do”. Trên dưới gần 20 tác phẩm như Vượt thác, 1963, Mùa xuân trên đỉnh non cao, 1964, Chất ngọc, 1964, Người Việt cao quý, A Pazzi, 1964, Lửa rừng, 1972, Gái Xà Niêng, 1973.

Từ sau 1975, ông viết được gì? Ông tự biết lấy.

Chỉ nhắn nhủ ông như lời Chúa dạy Madeleine, một người phụ nữ bất xứng mà người ta đem đến Chúa nhờ xử trí, Chúa dạy rằng: Con hãy về và đừng làm như thế nữa.

Ông hãy về với cái gốc miền Nam của ông và đừng làm như thế nữa.

Cái này, tôi cũng muốn nhắn nhủ cả cái bọn còn đang nắm cái đuôi ve vẩy của Cộng Sản để được vinh danh:

Các con đã được thừa hưởng một nền giáo dục nhân nbản, biết tôn trọng tự do tư tưởng để các con nay thành người nơi xứ người.

Và như lời Chúa nhắn nhủ Madeleine, một người phụ nữ bất xứng: Ta không chấp tội các con. Nhưng hãy về, về chỗ nào cũng được: San José, Santa Anna, Munich, Paris.

Con hãy về, và nhớ từ nay, đừng làm những điều bất xứng ấy nữa: Điều bất xứng ấy là Phản bội miền Nam, phản bội chính mình.


Nguyễn Văn Lục


--------------------------------------------------------------------------------
(1) Trước 1975, Vũ Hạnh có viết một cuốn sách nhan đề Người Việt cao quý, nhưng không hiểu vì lẽ gì, Vũ Hạnh đã lây tên tác giá người Ý A . Pazzi và đề tên người dịch là Hồng Cúc, Hồng Cúc có thể là tên vợ tác giả hay tên con gái ông, có chổ ghi là nhân tình của tác giả, có tên là Võ Thị Hồng Cúc? Sách in năm 1966, do nhà Cảo Thơm xuất bản. Năm 1992, ông cho in lại, mọi người mới vỡ lẽ ra. Tất cả đều bị Vũ Hạnh đánh lừa mà không biết.
(2) SGGP: Cập nhật ngày 22/4/2007
(3) Chữ Nằm vùng để chỉ những người như Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Lương (Chủ nhiệm báo Tin Văn), do Đặc Khu Ủy Sàigòn tổ chức. Ban biên tập tạp chí Tin Văn gồm có: Vi Huyền Đắc, Thiên Giang, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Nguyễn Hữu Ba, Lê Cao Phan, Lữ Phương, Minh Quân, Mặc Khải, Vân Trang, Hà Triều, Biển Hồ, Phan Trần Duyên, Nguyễn Nguyên. Những nhà văn Trong vùng như Chu Tử, Phan Nhật Nam, Nguyễn Mạnh Côn và Ngoài vùng như Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan.
(4) Trích trong Văn Học thực dân mới ở miền Nam những năm 1954-1975, Trần Trọng Đăng Đàn, trang 82 , nxb Sự Thật.

Không có nhận xét nào: