Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007

Về nhân vật Lê Duẩn

Lê Trọng Hiệp

Trước hết, Lê Duẫn là
một tội phạm chiến tranh.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lê Duẩn (7.4.1907 - 7.4.2007), Ban Văn Hoá Tư Tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam đã rầm rộ tổ chức các lễ kỷ niệm, triển lãm và 'hội thảo khoa học' ở nhiều cấp khác nhau, từ Hà Nội đến Quảng Trị hay Sài Gòn. Ở đâu Lê Duẫn cũng được ca tụng như là nhà 'chiến lược kiệt xuất', 'một tư duy sáng tạo không ngừng', 'một trí tuệ luôn náo động của lữ khách luôn ở trong trạng thái trên đường tìm kiếm, hướng tới, tấn công, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn' v.v...

Lấy thí dụ trong buổi 'tọa đàm khoa học' do Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM phối hợp với Trường Cán bộ TPHCM, Viện Nghiên cứu xã hội TP tổ chức ngày 5-4 mà chúng ta có thể tóm tắt ý kiến của một số nhân vật tiếng tăm trong hàng ngũ đảng viên:

Võ Văn Kiệt:

- Sau HCM, Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận uyên thâm, nhà hoạt động thực tiễn lớn của đảng và dân tộc, người có vai trò đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Có ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và tư duy sáng tạo, trăn trở, tìm tòi trong lý luận, trong thực tế cuộc sống để phát hiện những điều mới mẻ, đúng đắn, có lợi cho nước, cho dân. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, Lê Duẫn luôn nhắc nhở cấp dưới bám sát thực tế và không ngừng sáng tạo trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương.


Trần Trọng Tân, (nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương)

- Lê Duẫn là người suy nghĩ rất độc lập, suy nghĩ từ thực tế, từ thực tiễn với vốn sống phong phú, để tìm lẽ phải, không bị lệ thuộc vào một khuôn sáo nào hết. Nhiều năm là Tổng Bí thư của Đảng, không chỉ là người đứng đầu mà còn thực sự là một cái đầu lớn. Sau HCM Lê Duẩn là người tiêu biểu cho đỉnh cao về trí tuệ mưu lược của Đảng ta, của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Tuy nhiên những nhận xét như thế đã tỏ ra mâu thuẫn với thực tế: không ai khác, chính Lê Duẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất cho những khủng hoảng kinh tế, xã hội và ngoại giao trong hai thập niên 70 và 80. Về điểm này thì chỉ cần trích ra những lời nhận xét ngay trên các cơ quan tuyên truyền chính thức:


- 'Sau những sai lầm phải trả giá rất đắt, mà tại Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra. Những năm 80, đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Một quốc gia rừng vàng biển bạc, với 2 vựa lúa phì nhiêu là châu thổ sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long mà hơn 60 triệu dân lúc đó rơi vào nạn đói. Với nông nghiệp, trên cả nước lúc đó chỉ áp dụng mỗi một mô hình là khoán việc. Đơn vị sản xuất là tổ đội sản xuất. Khoán việc không quy trách nhiệm cho ai, xã viên không hề thấy quyền lợi mà mình sẽ được hưởng trên cánh đồng chung. Cứ có tiếng kẻng thì xã viên đủng đỉnh ra đồng, làm cho qua chuyện, rồi có kẻng lại về.'


Chính sự trì trệ này đã dẫn tới 'bứt phá đổi mới' vào giữa thập niên 80. Mà về chính sách đổi mới thì ông Nguyễn Hữu Hùng, cán bộ giảng dạy Trường Cán bộ Tp HCM lấy làm tiếc: 'việc nghiên cứu đóng góp của đồng chí Lê Duẩn vào việc hình thành tư tưởng đổi mới còn ít công trình nghiên cứu.' Ông Hùng phát biểu:


- 'Đất nước ta đã diễn ra quá trình đổi mới từng phần, đổi mới cục bộ, từ cơ sở rồi mới có đường lối đổi mới vào năm 1986. Tuy nhiên, đây là 10 năm 'mò mẫm', trăn trở bằng những thử nghiệm 'làm cho sản xuất bung ra', thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc. Đồng chí là một nhà lý luận, nhà tổ chức, tổ chức thực hiện với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng.' Như thế, ông Hùng ngụ ý rằng Lê Duẫn có đóng góp vào tiến trình đổi mới, tuy nhiên chưa có ai nghiên cứu mà thôi.'


Có thực Lê Duẫn là người 'đóng góp vào tiến trình đổi mới' hay không?

Nhìn ở bên ngoài, người ta nhìn vào ông Nguyễn Văn Linh - nắm quyền tổng bí thư sau đại hội VI (12.1986) là người có công đổi mới. Tuy nhiên các tài liệu chính thức thì 'công' này thuộc về Trường Chinh.

Trong cuốn Lê Duẫn - Trường Chinh, hai nhà lý luận xuất sắc của cách mạng Việt Nam (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002), tác giả Trần Nhâm cho biết chính Trường Chinh là người đã 'chật vật' đấu tranh trong Bộ chính trị để đưa những sáng kiến như 'bù giá vào lương' của Long An và 'khoán sản phẩm đến người lao động' của An Giang trên phạm vi 'đại trà'. Còn theo hồi ức của các nhân vật lãnh đạo Sài Gòn Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh thì chính sách xé rào trong ngoại thương và công nghiệp của họ gặp sức cản rất lớn từ trung ương, điều này đã được ghi lại rất rõ trong cuốn Đêm trước đổi mới (NXB Trẻ, TPHCM, 2006), do báo Tuổi Trẻ thực hiện.

Như vậy lúc đó Trường Chinh đã chật vật đấu tranh với ai? Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh gặp sức cản từ đâu?

Chúng ta biết rằng phương châm hoạt động của đảng là 'dân chủ tập trung'. Nếu Bộ chính trị là nơi tập trung của 'nền dân chủ trong đảng' thì mọi quyết định phải được toàn bộ các ủy viên này thông qua. Tuy nhiên cần nhớ rằng uy thế của Lê Duẫn lúc này rất lớn và ông ta là người có tiếng nói quyết định. Kể từ đại hội VI trở đi thì vai trò của tổng bí thư trở nên mờ nhạt, các nhà lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu hay Nông Đức Mạnh luôn bị các phe nhóm trong bóng tối thao túng, giỡn mặt. Bởi vậy, trước đại hội 10, nhiều nhiều 'lão thành cách mạng' đã viết kiến nghị yêu cầu cần phải bầu chọn cho được một 'tổng bí thư ra tổng bí thư'.

Là một 'tổng bí thư ra tổng bí thư' đầy quyền uy trong thập niên trì trệ 70 - 80, Lê Duẫn chính là kiến trúc sư chính của cơ chế bao cấp, là thủ phạm, là nguyên nhân của sự trì trệ, của nạn đói, nạn thiếu ăn thiếu mặc, và quan trọng hơn là làm đất nước bị tụt hậu mấy mươi năm so với láng giềng!

Giới đảng viên hiện tại có thói quen quy trách mọi sự cho 'thời bao cấp' hay 'cơ chế bao cấp', thế nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính cho cái 'thời' và cái 'cơ chế' ấy nếu không nói là Lê Duẫn?

Lê Duẫn chẳng có công lao gì trong 'sự nghiệp đổi mới' hay trong việc nâng cao đời sống của người dân cả, chỉ có 'công' làm nghèo đất nước và bần cùng hóa mấy chục triệu dân. Nói như lời của Phạm Văn Đồng khi bàn về Đỗ Mười thì đó là con người 'chỉ biết phá'!

Lê Duẩn là ai?
Đánh giá công lao và tài năng của Lê Duẩn, ĐCSVN khẳng định trong những văn kiện chính thức: "Đồng chí Lê Duẫn là một nhà Mácxít - Lêninnít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra."

Nhưng thế nào là một người 'Mácxít-Lêninít' chân chính?

Có lẽ đến bây giờ ĐCSVN vẫn chưa vẽ ra được một con người như thế. Trên thực tế đảng chưa bao giờ xây dựng nổi một giáo trình 'Chủ nghĩa Mácxít-Lêninít chân chính' cả. Giáo trình triết học Mác-Lê được dạy ở Trường đảng cao cấp Nguyễn Aùi Quốc và bây giờ là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bị thay đổi xoành xoạch để thích ứng với 'bối cảnh đặc thù Việt Nam'. Thập niên 60, họ dạy với giáo trình 'chống xét lại', đến thập niên 70 thì dạy với giáo trình 'chống Maoist', bây giờ thì, khỏi nói, pha trộn đủ thứ hầm bà lằng. Bởi vậy chẳng ai có thể định nghĩa chính xác thế nào là một con người như vậy.

Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7.4.1907, tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau khi học xong tiểu học, Lê Duẩn xin làm chân bẻ ghi cho Sở hỏa xa Bắc việt, thời đó được gọi một cách sang trọng là 'thư ký hỏa xa'. Tại đây, năm 1929Lê Duẫn được móc nối và tham gia Việt Nam cách mạng đồng chí hội, được Hồ Chí Minh trực tiếp huấn luyện. Sau đó Lê Duẫn tham gia Xứ ủy Bắc kỳ, được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ rồi bị bắt, bị đày ra Côn Đảo.

Năm 1945, Cách mạng tháng 8 diễn ra thì Lê Duẫn trở về đất liền và được TrầnVăn Giàu - lúc là Bí thư xứ ủy Nam kỳ - bổ làm trưởng ban dân quân. Đây có lẽ là điều mà Lê Duẩn cho rằng mình bị sỉ nhục nên về sau, khi nắm quyền hành trong tay, đã luôn tìm cách trù dập Trần Văn Giàu và phe phái Nam kỳ như Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm; những người được đào tạo chính quy về chủ nghĩa Stalinist tại Học viện vô sản Đông phương ở Nga.

Khi Trần Văn Giàu bị điều ra Việt Bắc thì Lê Duẫn ở lại và ngoi lên chức Bí thư xứ ủy, sau đổi thành Bí thư Trung ương Cục miền Nam, toàn quyền lãnh đạo Đảng kháng chiến ở Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève 1954 Lê Duẩn giả vờ lên tàu tập kết nhưng rồi, với sự thông đồng của thủy thủ Ba Lan, đã trốn ở lại lãnh đạo những cơ sở nằm vùng. Cũng trong thời gian 'trốn tập kết' này, Lê Duẫn đã soạn thảo bản Đề cương Cách mạng miền Nam để 'chỉ ra phương hướng và những bước đi cơ bản của cách mạng miền Nam': đây chính là 'tiền đề' của Nghị quyết 15, chủ trương dùng bạo lực để chiếm miền Nam.

Đầu năm 1957 Lê Duẫn được triệu ra Bắc để tiếp sức với Hồ Chí Minh trong công tác đảng vì Trường Chinh đã bi buộc phải rời ghế tổng bí thư sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất trong Hội nghị Trung ương đảng năm 1956. [1] Đến Đại hội III vào năm 1960 thì Lê Duẫn được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương đảng, thay cho Trường Chinh.

Lúc Lê Duẫn ra bắc thì Đảng cộng sản Liên Xô đã tiến hành xong đại hội thứ 20 và đang làm rúng động thế giới với bài diễn văn 'xét lại' của tân tổng bí thư Nikita Khruchev. Lúc đó giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đang rối trí trước hai chọn lựa: chủ trương chung sống hòa bình của Liên Xô hay 'chiến tranh cách mạng' kiểu Maoist của Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của Lê Đức Thọ, người từng là cánh tay mặt của mình tại Trung ương cục miền Nam thời đánh Pháp - Lê Duẫn đã thanh trừng những thành phần thân Nga và hướng đảng đi vào con đường bạo lực, đưa đất nước vào cuộc chiến 30 năm.

Khi đưa đất nước vào chiến tranh, Lê Duẫn còn được ca ngợi vì biết chọn lựa giữa hai 'luồng'. Theo các điện văn gởi cho Trung ương Cục miền Nam, được tập hợp trong cuốn Thư vào nam (NXB Quân đội nhân dân, 20005), thì Lê Duẫn quan niệm:

- Nếu học chiến lược 'lấy rừng núi bao vây đồng bằng, dùng nông thôn bao vây thành thị' là phương châm và áp dụng chiến thuật biển người của Mao thì Việt Nam ta không có đủ người.'
- Nếu học theo nghệ thuật quân sự của Liên Xô thì 'ta không có đủ phương tiện, khí tài'. Do đó điều cân thiết là kết hợp quân sự với ngoại giao và chính trị; tổ chức khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, tổ chức chiến tranh du kích rồi tiến tới tổng khởi nghĩa.

Đến đây cần mở ngoặc để nói thêm về đời tư của Lê Duẫn. Từ lúc còn rất trẻ, lúc làm nhân viên hỏa xa ở Vinh, Lê Duẫn đã bị bố gọi về ép phải lấy vợ, bà Lê Thị Sương và có với bà này tổng cộng 4 đứa con. Khi Lê Duẫn bôn ba đi làm cách mạng thì bà này, tên Lê Thị Sương -- một phụ nữ ít học, hút thuốc vấn, ăn trầu, răng đen -- ở nhà chăm chút nuôi con, nuôi bố chồng. Riêng Lê Duẫn, khi trở thành ông 'vua kháng chiến' ở Nam bộ thì lại lấy người vợ thứ hai là Nguyễn Thụy Nga, vốn là Hội trưởng phụ nữ cứu cấp tỉnh. Sau này khi ra Bắc, để tránh tình trạng ghen tuông, Lê Duẫn bố trí cho vợ hai đi đủ nơi, khi thì đi Trung Quốc học, khi thì về Nam hoạt động, khi thì xuống Hải Phòng làm báo.

Ở trên, chúng ta đã nghe những người 'trong quỹ đạo' ca ngợi Lê Duẫn, còn người đi ngoài quỹ đạo thì thế nào?

Ý kiến người ngoài
Theo ông Vũ Thư Hiên - con trai của Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Hồ Chí Minh và cũng là nạn nhân trong chiến dịch thanh trừng 'xét lại' cua Lê Duẫn -- trong bộ hồi ký chính trị Đêm giữa ban ngày (NXB Văn Nghệ, California, 1997) thì Lê Duẫn là 'chọn lựa an toàn' của Hồ Chí Minh và Trường Chinh, tuy nhiên sau đó thì cả hai đã vỡ lẽ rằng mình nhìn lầm người. Lác đác trong chương 18, tác giả đưa ra những nhận xét xấu có, tốt có về Lê Duẫn:


- 'Theo nhận xét của các ông Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm thì Lê Duẩn là người cực đoan về tính cách, phóng túng trong hành xử. Ngay tại Côn Đảo, nơi những người tù không phân biệt xu hướng phải nương tựa nhau để chống lại kẻ thù chung, Lê Duẩn không chịu hòa hợp với những người yêu nước không cộng sản khác - những người tờ-rốt-kít, những đảng viên Quốc dân đảng. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Duẩn còn lâu mới được coi là ngang hàng với những nhân vật nổi tiếng trong phong trào cách mạng miền Nam như Trần Văn Giàu, Phạm Văn Bạch, Dương Bạch Mai...Những nhà cách mạng trí thức khi ra Hà Nội họp Quốc Hội và tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc với tư cách đại diện miền Nam thành đồng bị kẹt lại ở miền Bắc vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Vắng mặt họ Lê Duẩn mới dần dần từ những chức vụ khiêm tốn bước lên địa vị người lãnh đạo kháng chiến Nam bộ.'


Hay:


- 'Những người gần Lê Duẩn nói rằng bệnh "kiêu ngạo cộng sản" trong con người Lê Duẩn đã có ngay từ khi Lê Duẩn nắm quyền lãnh đạo tại miền Nam. Cộng với bệnh "kiêu ngạo cộng sản" là bệnh độc tài, độc đoán, coi thường quần chúng. [... ] Cần phải thừa nhận rằng Lê Duẩn là người lãnh đạo giỏi. Những người bạn miền Nam tập kết của tôi nói về "anh Ba Duẩn" với giọng kính trọng và tự hào. Niềm tự hào này kéo dài không lâu. Sau khi "anh Ba" trở thành tổng bí thư, ông không làm gì được cho họ hơn là đẩy họ tới những miền hoang vu để khai hoang, lập ra các nông trường, khuyến dụ họ họp thành những tập đoàn sản xuất nhỏ nhoi để tự nuôi thân. Ðến lúc ấy thì họ giận dữ. Khi con người nổi giận thì lẽ công bằng không còn nữa. Thay vì ca ngợi họ nguyền rủa ông. Tôi tin niềm tự hào trước kia của họ hơn những lời nguyền rủa sau này. Lê Duẩn hay bất kỳ ai khác ở địa vị ông đều không thể làm gì hơn cho những người từ miền Nam màu mỡ ra miền Bắc nghèo khổ vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài chín năm. Bằng vào những câu chuyện kể của họ khi họ còn ngưỡng mộ "anh Ba" thì Lê Duẩn là người độc lập trong suy nghĩ, có biệt tài tổ chức, trong chỉ đạo có vẻ chặt chẽ nhưng lại linh hoạt, thoáng đấy mà nghiêm đấy. Hồi kháng chiến chống Pháp, mặc dầu ở xa Trung ương, những chủ trương chủ trương của ông đề ra vẫn khớp với chủ trương của Trung ương trong mọi mặt. Người ta sùng bái ông, gọi ông là Cụ Hồ miền Nam.

Thật vậy, trong một số lĩnh vực Lê Duẩn không sao chép những chủ trương của Trung ương Đảng đóng trong rừng già Việt Bắc mà làm theo cách của mình. Trong khi miền Bắc được sự chỉ đạo trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc ầm ầm bước vào Cải cách ruộng đất theo hình mẫu Cải cách thổ địa của Trung Quốc thì ở miền Nam Lê Duẩn kiên quyết không cho tiến hành Cải cách ruộng đất, tránh cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam những tổn thất chắc chắn là rất lớn. Một sự cưỡng lại cấp trên như thế không thể làm cho tổng bí thư Trường Chinh hài lòng.'


Theo Hoàng Văn Hoan Hoan trong hồi ký Giọt nước trong biển cả (NXV Tin Việt Nam, Bắc Kinh, 1986) thì khi từ Nam ra Bắc vào năm 1957, Lê Duẫn đã gây sự chú ý trong một hội nghị Trung ương đảng nhờ đã phân tích nguyên nhân của sai lầm trong trong cải cách ruộng đất một cách 'thông minh'. Hoàng Văn Hoan viết:


- 'Vào khoảng cuối năm 1956 đầu năm 1957, Lê Duẩn đến Hà Nội, Trung ương quyết định ủy nhiệm làm quyền Tổng Bí thư để giúp Hồ Chủ tịch giải quyết các việc hàng ngày của Ban Chấp hành Trung ương. Với tư cách là quyền Tổng Bí thư Trung ương Đảng, nhưng Lê Duẩn không mải miết ở bàn giấy như Trường Chinh, mà liên hệ rộng rãi với cán bộ đảng viên với các nhân sĩ dân chủ. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị hay Trung ương cũng tỏ ra khiêm tốn, lắng nghe ý kiến của người khác và phát biểu không nhiều. Theo anh ta nói, thì mới ra miền Bắc chưa hiểu tình hình, cần phải học hỏi, đặc biệt là cần phải nghiên cứu tình hình kinh tế để xây dựng miền Bắc. Về việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, Lê Duẩn có nêu một số ý kiến, cho rằng cải cách ruộng đất sai lầm chủ yếu là ở chỗ không dựa vào Đảng, mà chỉ dựa vào các tổ cải cách ruộng đất. Ở Trung Quốc sau khi giải phóng, cải cách ruộng đất ở các vùng Hoa Trung, Hoa Nam phải dựa vào tổ cải cách ruộng đất là vì ở đó cơ sở Đảng rất yếu, có chỗ hầu như không có. Còn ở Việt Nam, qua nhiều năm chiến đấu, cơ sở Đảng đã phát triển sâu rộng trong nhân dân, nhưng cải cách ruộng đất chẳng những không dựa vào Đảng mà lại còn đánh tràn lan cả vào cơ sở Đảng.'


Ông Hoan là người chủ trương thân Trung Quốc, người từng giữ chức Phó chủ tịch quốc hội và đã bỏ trốn sang Trung Quốc sau khi bị loại khỏi Bộ chính trị vào năm 1978. Nếu đúng như thế thì rõ ràng, Lê Duẫn là một con cáo già chính trị khi biết ẩn nhẫn chờ thời, mà cũng có lẽ đúng như vậy thật. Theo những lời lẽ đầy cay cú của ông Hoan thì trong giai đoạn này Lê Duẫn đã hạ mình, luôn làm ra vẻ khiêm tốn, cầu học và do đó đã đánh lừa được cả bộ máy quyền lực ở miền Bắc thời bấy giờ để khi có cơ hội mới trở mặt thao túng.

Theo phân tích của tác giả Vũ Thư Hiên thì sau sai lầm tồi tệ của cải cách ruộng đất, Trường Chinh phải từ chức và Hồ Chí Minh tạm kiêm nhiệm cả vai trò chủ tịch nước và tổng bí thư. Lúc đó Võ Nguyễn Giáp, người nổi danh nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ và 'vô can' với cải cách, được xem là người đương nhiên thay thế trong đại hội đảng thứ III vào năm 1960. Tuy nhiên cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều lo ngại cho viễn ảnh này: nếu Võ Nguyên Giáp lên làm tổng bí thư thì - với uy tín và với đội ngũ tướng tá dưới quyền làm vây cánh - ông ta sẽ hoàn toàn lất át họ và cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh chỉ còn là những bóng ma mờ nhạt.

Bởi vậy, Hồ Chí Minh và Trường Chinh phải tìm ra một nhân vật làng nhàng, không thể nào qua mặt họ, lại không có hệ thống vây cánh. Như vậy thì Lê Duẫn, mới chân ướt chân ráo từ miền Nam ra, đúng là týp người mà họ cần. Theo tính toán của cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh thì khi làm như vậy Lê Duẫn sẽ biết ơn họ, do đó sẽ trở nên ngoan ngoãn và trung thành. Và chính vì quá xem nhẹ Lê Duẫn nên cả cái ghế mà

Trường Chinh bỏ lại cho ông ta ngồi không được gọi là 'tổng bí thư', thay vào đó Lê Duẫn được gọi là 'bí thư thứ nhất trung ương đảng'

Nếu cách lý giải này là đúng thì rõ ràng Hồ Chí Minh và nhất là Trường Chinh đã tính sai. Có lẽ đây cũng là một sai lầm khác của Trường Chinh, một con người hãy còn kiêu ngạo với ngôi vị quyền lực số hai ở miền Bắc lúc đó, chỉ ở dưới Hồ Chí Minh và trên cơ Võ Nguyên Giáp. Sự kiêu ngạo của Trường Chinh còn thể hiện ở thái độ của ông ta sau hội nghị sửa sai của Trung ương đảng năm 1956 qua hồi ức của Hoàng Văn Hoan:


- 'Qua sự phân tích đó (của Lê Duẫn, đã dẫn ở trên), Bộ Chính trị thấy rằng việc thảo nghị quyết Trung ương tổng kết kinh nghiệm cải cách ruộng đất, giao cho Lê Duẩn phụ trách là hợp lý. Lê Duẩn từ chối với lý do Trường Chinh là người phụ trách cải cách ruộng đất thì cứ để Trường Chinh phụ trách thảo nghị quyết là tốt hơn. Nhưng rồi Trường Chinh cứ mắc míu dây dưa mãi cho đến Đại hội lần thứ ba của Đảng cuối năm 1960 mà nghị quyết vẫn không thảo ra được. Trong lịch sử Đảng, lần đầu tiên một cuộc họp Trung ương quan trọng như thế mà không có một bản nghị quyết tổng kết là một việc làm cho đảng viên hết sức thắc mắc. Chẳng những hội nghị Trung ương không có nghị quyết, mà ngay cả trong quá trình sửa sai, Trường Chinh vẫn không dứt khoát, nên những án oan, án giả không được minh oan và người bị quy sai thành phần cũng không được tuyên bố một cách rõ rệt, cho nên mối oán thù trong cải cách ruộng đất vẫn ăn sâu trong lòng một số người, thậm chí cho đến ngày nay vẫn chưa phai nhạt.'


Lúc đó hệ thống quyền lực của đảng và chính quyền ở miền Bắc hầu như nằm trọng trong tay Trường Chinh bởi tất cả đều được cất nhắc, phân bổ bởi Lê Văn Lương, đàn em của ông ta. Tuy nhiên Lê Văn Lương không chỉ có trách nhiệm trong cải cách ruộng đất mà còn đi xa hơn trong chiến dịch 'chỉnh đốn tổ chức' ngay sau đó theo lời Hoàng Văn Hoan:


- 'Tai hại hơn là lúc chuyển sang giai đoạn 'chỉnh đốn tổ chức' thì chẳng những đánh vào trung nông và phú nông, mà còn đánh cả vào các tổ chức cơ sở Đảng, phần lớn những người đảng viên vào Đảng từ năm 1930, hoặc tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ những năm 1925-1926 đều bị đấu tố và giam cùm. Đặc biệt là ở Nghệ-Tĩnh, do Đặng Thí phụ trách thì nhà tù dựng lên khắp nơi, hầu hết cơ sở Đảng đều bị đánh phá tan nát.'


Bởi thế Lê Văn Lương phải rời khỏi Bộ chính trị và để cái ghế Trưởng ban tổ chức trung ương đảng cho Lê Đức Thọ tạm nắm giữ, và đây cũng là một nước cờ rất sai của Trường Chinh.
Chính Trường Chinh đã cử Lê Đức Thọ từ Việt Bắc vào Trung ương Cục miền Nam năm 1947 với tư cách phái viên của trung ương đảng, kiểm soát đảng bộ miền Nam. Thế nhưng khi đến đây, đơn độc thế cô thì Thọ không còn là người của Trường Chinh nữa mà lại liên minh chặt chẽ với Lê Duẫn: chính nhờ làm việc ăn ý với Lê Duẫn mà Thọ mới khét danh là Sáu Búa. Sau 8 năm làm việc với Lê Duẫn, năm 1955 Thọ lên tàu tập kết ra Bắc và được bổ làm Trưởng ban Thống nhất trung ương và đến năm 1956 trở thành quyền Trưởng ban tổ chức trung ương đảng.

Đến Đại hội III 1960 Lê Duẫn chính thức trở thành Bí thư thứ nhất trung ương đảng thì Thọ được bầu vào Bộ chính trị và chính thức trở thành Trưởng ban tổ chức trung ương và lúc này bộ đôi họ Lê này chính thức gầy dựng vây cánh. Trong vai trò này, Thọ đã phá nát hệ thống cán bộ do Chinh và Lương tạo nên, thay thế bằng một lớp lang cán bộ hoàn toàn mới, hoàn toàn trung thành với mình. Và trong cuộc chiến phe phái này, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ cũng ra sức chặt bỏ vây cánh hay dằn mặt Võ Nguyên Giáp trong vụ án xét lại chống đảng khi bắt giữ, bỏ tù không thời hạn nhiều tướng lãnh, sĩ quan cao cấp thân cận với ông ta, làm nên một triều đại họ Lê cho tới giữa thập niên 80.

Từ những thông tin hay nhận định của Hoàng Văn Hoan và Vũ Thư Hiên, chúng ta quay trở lại với Lê Duẫn qua nhận định của cựu phó thủ tướng Trần Phương về tư duy đổi mới của Lê Duẫn.

Lê Duẩn và 'sự nghiệp đổi mới'
Trần Phương từng học kinh tế ở Liên Xô về, làm trợ lý cho Lê Duẫn rồi sau lên làm bộ trưởng nội thương, rồi phó thủ tướng. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề 'Cố Tổng bí thư Lê Duẩn và 'Đêm trước đổi mới'' đăng trên báo điện tử VietNamNet ngày 05.04.2007, ông Phương cho biết Lê Duẫn là người có tầm nhìn xa, có tư duy sáng tạo không ngừng và là người 'trăn trở đổi mới'. Thế nhưng, những gì mà ông Phương 'lý giải' đã hoàn toàn đi ngược lại nhận định này, thí dụ như phản ứng của Lê Duẫn với số phận của Kim Ngọc vào năm 1963.

Đó là thời gian mà đời sống người nông dân miền Bắc vô cùng khốn khó, đúng như lời kể của Trần Phương: 'Tôi vẫn nhớ từ những năm 60, trong nhiều cuộc họp ở Đồ Sơn, rất nhiều lần ông nổi nóng với Chính phủ: 'Chúng ta điều hành mà không lo nổi cho dân rau muống ăn, nước lã'.

Trong tâm trạng ấy, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc nhập cùng Phú Thọ) Kim Ngọc không chỉ 'nổi nóng' suông mà bắt tay hành động với tầm nhìn xa: phá rào hợp tác xã. Giữa lúc phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được tuyên truyền rầm rộ với thơ Tố Hữu như: 'Dân có ruộng dập dìu hợp tác. Lúa mượt đồng ấp áp làng quê' thì Kim Ngọc đã nhận ra thực tế: hợp tác xã làm đình đốn sản xuất và làm dân đói. Từ đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành 'xé rào', thực hiện việc giao ruộng và khoán sản phẩm tới nông dân và mang lại những kết quả rất khả quan.

Thế nhưng chủ trương này bị xem là đi 'phản chủ nghĩa xã hội' và chính Trường Chinh - trong vai trò Chủ tịch quốc hội - đã viết bài trên tạp chí Học Tập phê phán Kim Ngọc: 'Những sai lầm và khuyết điểm trên đã dẫn tới bằng nhiều hình thức khác nhau, đem chia lại một phần ruộng đất từ tập thể sang cá nhân...'. Và ở đây Lê Duẫn cũng chỉ 'nổi nóng' suông, ông Phương kể lại:


- 'Tôi nhớ một lần, sáng ra, anh Ba 'quẳng' xuống bàn chúng tôi một tờ báo và nói: 'Đọc đi!'. Trông nét mặt anh bộc lộ một cảm xúc khó tả, nhưng rõ ràng nhất là không thể nào chấp nhận được những gì người ta đã viết trong đó. Chúng tôi cầm tờ báo lên: Trên trang nhất là một bài viết dài phê phán ông Kim Ngọc và quan điểm khoán hộ. Tôi từng hỏi anh: 'Tại sao anh không thẳng thắn, công khai phản bác lại những quan điểm bảo thủ…'.Anh nói: 'Quan trọng nhất là phải giữ sự đoàn kết trong Đảng…'.'


Như vậy, ở đây chúng ta thấy được ít nhất hai đặc điểm của Lê Duẫn. Thứ nhất, ông ta không dám đấu tranh hết mình cho lẽ phải: biết Kim Ngọc đúng mà không có lấy nửa lời bênh vực Kim Ngọc. Thứ hai, nếu nhân danh 'sự đoàn kết trong đảng' thì ông ta đã đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi của người dân: chuyện của đảng quan trọng hơn chuyện dân sinh.
Nhưng thực ra cái gọi 'sự đoàn kết trong Đảng…' ở đây chỉ là quan hệ dè chừng, ở thế cân bằng phe phái. Năm 1960 thì thế lực của Lê Duẫn còn yếu và vây cánh tạo dựng vẫn chưa đủ mạnh để lấn át vây cánh của Trường Chinh.. Về mặt đảng, ông ta thay thế Trường Chinh nhưng bị xem yếu phé hơn Trường Chinh: sau khi chính thức thay thế thì chỉ được gọi là 'bí thư thứ nhất' chứ không phải là 'tổng bí thư'. Trong hoàn cảnh đó Lê Duẫn phải giữ mình, không dám động chạm đến Trường Chinh đúng như nhận định của Hoàng Văn Hoan đã nêu ở phần trên.

Nếu lý lịch Trường Chinh dính vào vết nhơ 'cải cách ruộng đất' và chiến dịch 'đánh Kim Ngọc' thì có vẻ như Lê Duẫn vô can. Thế nhưng chính Lê Duẫn, trong vai trò người lãnh đạo cao nhất, phải chịu trách nhiệm trước chính sách 'cải tạo công thương nghiệp' ở miền Nam sau năm 1975. Về điểm này thì ông Trần Phương cho rằng Lê Duẫn cũng không là 'ngoại lệ' so với những nhà lãnh đạo khác: họ tôn thờ Liên Xô, đi theo cái gương của Liên Xô:


- 'Thế hệ của anh Ba - những nhà cách mạng Việt Nam- khi bắt đầu trưởng thành đã được chứng kiến câu chuyện Liên xô chiến thắng chủ nghĩa phát xít một cách oai hùng như thế nào. Một đất nước nghèo khổ như Liên xô sau chiến tranh đạt được những thành tựu lớn về kinh tế, làm thay đổi hẳn đất nước, đem đến cho người dân phác hoạ tốt đẹp về mô hình XHCN đã trở thành thần tượng duy nhất cho nhiều nhà cách mạng vô sản lúc đó. Theo tôi, Lê Duẩn cũng không thể là một ngoại lệ. Trong bối cảnh chính trị lúc đó, nhiều nhà cộng sản xuất sắc của thế giới cũng đã không thoát ra khỏi sự áp đặt của mô hình kinh tế của Liên Xô. Lê cũng chỉ có thể sửa đổi những điều nhỏ của một tư duy lỗi thời về mặt kinh tế mà không thể nào đưa đất nước đi ra khỏi những vạch chỉ sẵn của lịch sử và thời thế.'


Nghĩa là những lãnh tụ này chỉ biết nhắm mắt đi theo Liên Xô chứ không hề tư duy, không hề động não suy nghĩ. Họ phải đợi đến khi những 'mối họa' của hệ thống kinh tế XHCN bị bộc lộ rõ và được công khai hóa dưới thời Gorbachev từ giữa thập niên 80, họ mới bắt đầu nhìn lại mình.

Như vậy thì đó là những nhà lãnh đạo chỉ biết nhắm mắt rập khuôn theo một mô hình có sẵn ở nước Nga. Và như vậy thì làm sao chúng ta có thể gọi đó là những nhà lãnh đạo với 'tầm nhìn chiến lược', hay 'tư duy đổi mới, sáng tạo không ngừng'. Đó là những lãnh tu nhắm nghiền con mắt ắt trước thục tế 'không lo nổi bó rau muống' cho người dân và chỉ biết có thực tế qua nhũng báo cáo tốt đẹp trên sách báo, trên bản tin các hãng thông tấn nhà nước; làm sao có thể gọi là người 'luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra'?

Mọi lời lẽ ca ngợi Lê Duẫn đều là những lời rỗng tuếch, tự mâu thuẫn, và do đó chỉ là những lời nói lấy được.

Thay lời kết
Với Đảng cộng sản Việt Nam thì có thể Lê Duẫn là người có công: chính vì có Lê Duẫn mà cái đảng này mới có thể kêu gào về 'thời thắng Mỹ', mới biến đất nước giàu đẹp này thành sân sau, thành gia tài riêng của mấy triệu đảng viên, đặc biệt là của mấy ngàn đảng viên quý tộc có tên trong hàng ngũ trung ương đảng qua nhiều đời (đại hội) khác nhau. Nhưng với dân tộc Việt Nam thì Lê Duẫn là một tội phạm.

Trước hết, Lê Duẫn là một tội phạm chiến tranh.

So với những lãnh tụ khác trí thức hơn trong hàng ngũ cộng sản thì Lê Duẫn chẳng là cái gì. Năm 1945, so với những Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, những người được đào tạo chính quy vè chủ nghĩa Stalinist ở Nga về trong Xứ ủy Nam thì người công nhân ường sắt chỉ học hết tiểu học này tỏ ra lép vé. Thế nhưng chính chiến tranh đã làm nên danh vọng của Lê Duẫn: qua 9 năm đánh Pháp ở Nam kỳ Lê Duẫn đã qua mặt đám trí thức cộng sản này và vươn tới thế giá của một nhà lãnh đạo tài ba.

Bởi vậy, để nuôi nấng thế giá lãnh đạo của mình thì Lê Duẫn phải nuôn nấng chiến tranh: không có chiến tranh thì vai trò lãnh đạo của Lê Duẫn sẽ không còn. Chính vì vậy mà, cùng với Lê Đức Thọ, ông ta đã sát hại, trấn áp, đày đọa bao nhiêu đảng viên cộng sản khác chủ trương thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình. Và cái cuộc chiến mà Lê Duẫn say mê ấy đã đem lại những cái giá vô cùng đắt về người, về của và một cái giá còn lớn hơn cho thế hệ tương lai: thời gian phí phạm cho chiến tranh và sự tụt hậu.

Không những chỉ là một tội phạm chiến tranh, Lê Duẫn còn là tội phạm trong hòa bình. Không chỉ làm đất nước tụt hậu với 30 năm chiến tranh, Lê Duẫn còn làm đất nước tụt hậu trong suốt 20 năm hòa bình bằng cách nhắm mắt đi theo mô hình của Liên Xô, những điều mà chúng ta đã bàn ở trên!

Lê Trọng Hiệp
(@Việt Luận Online)

Chú thích:
[1] 'Hội nghị Trung ương về sửa sai cải cách ruộng đất' diễn trong tháng 9.1956, là một hội nghị 'kéo dài nhiều ngày nhất từ khi có đảng. Hội nghị quyết định:
Về việc thi hành kỷ luật, Trung ương quyết định như sau:
- Trường Chinh thôi chức Tổng Bí thư Trung ương Đảng, tạm giao chức vụ này cho Hồ Chí Minh.
- Đưa Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị.
- Lê Văn Lương còn phải thôi giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, giao cho Lê Đức Thọ, ủy viên trung ương đảng tạm nắm quyền.
- Đưa Hồ Viết Thắng rút ra khỏi Trung ương đảng.
- Bầu bổ sung Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị và Hoàng Văn Hoan vào Bộ Chính trị.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đúng là bọn thần kinh, dở hơi, dám chửi cụ hồ. ĐÚng là bọn sâu mọt của xã hội. Dám nói mà ko dám chịu trách nhiệm. Nếu ko có chủ nghĩa Marx thì bây giờ người VN ko có cuộc sống như ngày nay. Những người viết ra lời này đáng bị cầm giam, xử bắn.

Nặc danh nói...

Khi binh luan mot van de hay mot nhan vat,chung ta deu phai khach quan.Le Duan chung ta can phai xem xet ky hon ve con nguoi nay,theo nhieu tai lieu thi con nguoi nay khong don gian can phai tim hieu thuc hu nhu the nao.Khong nen noi xau Ho Chi Minh va cac nha lanh dao chan chinh.Ho co khuyet diem co sai lam lich su se luan toi ho,thoi gian se len an.

yanmaneee nói...

jordan shoes
cheap nba jerseys
balenciaga triple s
moncler coat
golden goose
nike react
calvin klein outlet
adidas nmd
fila shoes
louboutin outlet