Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007
Có bột, hãy gột nên hồ
Có bột, hãy gột nên hồ
Đại Dương
Hôm 25-05-07, tổng thống George W. Bush đã tiếp kiến 4 nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có thành tích vận động cho công cuộc dân-chủ-hóa Việt Nam. Cuộc tiếp kiến đã diễn ra tại Văn phòng làm việc của tổng thống trong vòng 45 phút với sự hiện diện của phó tổng thống Dick Cheney, chủ-nhiệm Hội đồng An ninh Quốc gia, Stephen Hadley, và chánh Văn phòng phủ tổng thống, John Bolton, đại diện Bộ Ngoại giao.
Mối quan tâm của Chính phủ Hoa Kỳ đối với vấn đề dân-chủ-hóa Việt Nam đã được cụ-thể-hóa gây ngạc nhiên thích thú cho nhiều người Việt trong và ngoài nước.
Sau những giây phút phấn khởi, có lẽ người Việt Nam nên bình tâm suy xét cần làm gì để cùng với Chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy tiến trình dân-chủ-hóa Việt Nam nhanh chóng hơn.
Hãy bỏ qua tính cách đại diện tổng quát cho cộng đồng người Việt hải ngoại của 4 người được tiếp kiến mà tập trung vào thông điệp của Chính phủ Mỹ muốn gửi đến cho người Việt Nam trong cũng như ngoài nước về vấn đề dân-chủ-hóa.
Những kiến nghị do họ nêu lên tuy chưa biểu thị đầy đủ nhu cầu dân-chủ-hóa Việt Nam, nhưng rất cần thiết trong tiến trình tham khảo thường xuyên giữa Chính quyền Hoa Kỳ và người Mỹ gốc Việt.
Cuộc tiếp kiến tham khảo chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường hướng ngoại giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội trong những ngày sắp tới. Nhưng, thúc đẩy tiến trình dân-chủ-hóa Việt Nam chỉ là một trong những yếu tố của nền ngoại giao Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, quyền lợi của người Mỹ là tối thượng trong các cuộc mặc cả ngoại giao cho nên người Việt Nam chớ nên ngồi chờ sung rụng.
Tự giam hãm vào tâm lý phó mặc cho Chính quyền nên đa số người Việt hải ngoại chỉ lo làm ăn mà ít tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Chính phủ. Như thế, chúng ta chưa chu toàn bổn phận và trách nhiệm của một công dân trong xã hội dân sự nên cũng mơ hồ về những hoạt động cụ thể trong tiến tình dân-chủ-hóa Việt Nam. Do đó, không hiếm người Việt hải ngoại thiếu ý niệm về tiến trình dân-chủ-hóa Việt Nam mà còn rất ít người tìm cách tác động với đồng bào quốc nội.
Trong khi đó, một số người Việt quốc nội cũng như hải ngoại chưa thoát khỏi mô hình “tư duy theo khuôn mẫu” do Bộ Chính trị soạn thảo nên vô tình đánh mất bản năng “suy nghĩ độc lập” được trời phú cho mỗi con người.
Vì thế, họ không dám lật ngược vấn đề để tiếp cận với sự thật.
Thí dụ:
(1) tin rằng được dân chúng đồng tình ủng hộ con đường xã hội chủ nghĩa sao đảng Cộng Sản không dám tổ chức trưng cầu dân ý có sự giám sát quốc tế?
(2) tại sao nhiều quốc gia cùng cảnh ngộ như Việt Nam lại giành được độc lập, tự chủ dân tộc nhanh và tốn rất ít xương máu so với sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam?
(3) tại sao thập niên 1950 nền kinh tế Việt Nam tương đương với các quốc gia trong vùng mà nay phải cần 35 năm để bắt kịp Thái Lan (hiện giờ) và gần 200 năm đối với Tân Gia Ba?
(4) tin vào chân lý Marx-Lenin, nhưng với hơn 600 cơ quan truyền thông đủ loại tập trung nhiều cán bộ tốt nghiệp đại học và thường xuyên công du ở nước ngoài sao chẳng dám chấp nhận môi trường tự do thông tin?
(5) Việt Nam bị “lôi” vào Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) khi không thể trụ được trước cơn lốc toàn cầu hóa chứ nào phải do chủ động hội nhập. Người Việt hải ngoại chỉ vận động các Chính phủ ngoại quốc thêm những điều kiện về tôn trọng nhân quyền, dân-chủ-hóa nhằm giảm bớt tình trạng toàn trị ở Việt Nam khi thương thảo về Quy chế tối huệ quốc hoặc WTO.
(6) Nền kinh tế, đời sống dân chúng, sinh hoạt chính trị ở Đông Âu, vùng Baltic, Nga, vùng Trung Á có tốt hơn thời kỳ toàn trị không?
(7) tại sao Chính quyền cộng sản tự xưng do dân, vì dân và của dân mà cứ bắt dân phải “nói theo, nói leo” với cán bộ?
(8) tại sao các dân tộc khác dám vùng lên bức bỏ xích xiềng toàn trì mà “Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng” lại cứ cúi đầu trước 3% dân số chuyên “ăn hại, đái nát”?
(9) dân tộc nào có niềm tự hào lại hân hoan thờ kính ngoại nhân hơn tổ tiên; cắt đất, nhượng biển cho Trung Quốc như diễn ra dưới chế độ cộng sản?
(10) từ lúc khởi đầu xây dựng lực lượng cộng sản cho Đông Dương, Lý Thụy (tức Hồ Chí Minh) đã nhận tiền và chỉ thị của Đệ tam Quốc tế để hoạt động. Vì thế, cũng đừng nên kết tội những nhà hoạt động cho dân chủ, nhân quyền ở trong nước nhận sự yểm trợ từ bạn bè bốn phương.
(11) xã hội tại các nước cựu-cộng-sản tiếp tục được cải thiện làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn mặc dù đã và sẽ xảy ra nhiều cuộc biểu tình hoặc tranh luận gay gắt giữa các phe nhóm. Dân chúng Nam Hàn tiến vượt bậc mặc dù có sự tranh cãi quyết liệt giữa đảng cầm quyền và đối lập trong khi xã hội Bắc Hàn “ổn định” 100% như mặt nước hồ tù hãm lại lâm cảnh đói rét?
Sau khi chào hỏi khách mời, tổng thống Bush nói “Tôi muốn gặp quý vị để trao đổi về tình hình dân chủ ở Việt Nam. Tôi muốn được biết sự đánh giá về tiến-trình dân-chủ-hóa. Và cuối cùng là nước Mỹ có thể làm gì để thúc đẩy tiến-trình đó?”.
Cuộc tiếp xúc diễn ra theo phong cách tự nhiên và thẳng thắn giữa những nhà lãnh đạo cao cấp nhất nước Mỹ và nhóm công dân thuộc sắc tộc thiểu số để tìm hiểu một vấn đề liên quan đến nguyên tắc và truyền thống của Hoa Kỳ. Hai bên đã trao đổi về các kiến nghị được trình bày cô đọng.
Thứ nhất, đề nghị đặt Cộng sản Việt Nam trở lại danh sách CPC (Countries of Particular Concern=các quốc gia cần quan tâm đặc biệt) vì thiếu tự do tôn giáo.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ áp lực để Việt Nam thả tất cả tù chính trị và lương tâm.
Thứ ba, đề nghị gây áp lực buộc Việt Nam thực hiện tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội để thúc đẩy tiến trình dân-chủ-hóa.
Người Việt Nam nên hành động hay nằm chờ sung rụng?
Chiến dịch đàn áp những nhân vật có ý kiến khác với Bộ Chính trị sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) diễn ra gay gắt nhất trong vòng 20 năm qua đã tạo nên phản ứng bất lợi trên chính trường quốc tế.
Trong dịp này, người Việt hải ngoại cũng đã tung ra những đợt vận động ráo riết với chính giới sở tại nhằm thúc đẩy công cuộc dân-chủ-hóa Việt Nam.
Chính giới từ Gia Nã Đại, Liên Âu, Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ đều bực bội vì cách hành xử thiếu văn minh và những vi phạm nhân quyền thô bạo của Chính quyền Hà Nội. Nghị quyết 243 của Hạ viện Mỹ thông qua hôm 02-05-07 với tỉ số 404-0 nhằm kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền. Yếu tố cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã được chính giới Hoa Kỳ đưa vào xem xét trong chính sách ngoại giao với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thượng nghị sĩ Jim Webb (Dân Chủ, Virginia) nhắc nhở Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao hôm 15-03-07 tại Hoa Thịnh Đốn rằng gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt sẽ là một cạnh trong tam giác bang giao Mỹ-Việt.
Nội dung thư của dân-biểu Frank Wolf (Cộng-Hoà, Virginia) hôm 18-04-07 đã lưu ý ngoại trưởng Condoleezza Rice rằng sự hiểu biết tường tận của Cộng đồng người Mỹ gốc Việt cần được tham khảo trong chính sách ngoại giao với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hôm 09-04-07, thượng nghị sĩ Edward Kennedy và John Kerry đề nghị Ngoaị trưởng Rice thông báo thường xuyên các biện pháp thảo luận và chính sách nhân quyền đối với Viêt Nam. Dân biểu Earl Blumenauer từ chức Nhóm nghị sĩ thân Việât Nam (US Vietnam Caucus) tại Hạ viện để phản đối "cách đối xử của nhà cầm quyền ở Hà Nội với những tiếng nói đối kháng ôn hoà". Dự thảo Nghị quyết 447 do Blumenauer đệ trình yêu cầu chính phủ George W. Bush phải đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam vào nghị trình làm việc và đòi Chính phủ Hà Nội phải có những cam kết cụ thể, chấm dứt mọi hành động đàn áp nhân quyền. Hoặc, sẽ bị đưa trở lại vào danh sách CPC (những quốc gia đặc biệt quan tâm).
Natalie Hill, đặc trách vùng Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận xét về cách hành xử của Việt Nam “Nêu luật coi việc bày tỏ quan điểm và chính kiến một cách hoà bình thuộc về tội hình sự thì không đúng và vi phạm luật pháp quốc tế".
Chủ trương sử dụng tình cảm thuyết phục của phe thiên tả Tây Phương để dần dần chuyển đổi hệ thống chính trị macxit-leninit tại Việt Nam đã chứng tỏ thiếu hiệu quả.
Các quốc gia Tây Phương đang bắt đầu gây áp lực ngoại giao đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy các cải tổ dân chủ. Dĩ nhiên, họ cũng sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế (viện trợ, tài trợ, đầu tư) để tạo hiệu quả.
Trong khi đó, Chính phủ Hà Nội lo ve vản doanh giới quốc tế để vận động hành lang (lobby) hầu giải tỏa áp lực mà không phải nhượng bộ nhiều về chính trị. Ba (3) kiến nghị do 4 nhân vật trong Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đều hàm chứa yêu cầu Chính phủ Bush sử dụng áp lực trừng phạt để buộc Việt Nam cải tổ dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Để góp phần tăng thêm áp lực cần thiết cho tiến trình dân-chủ-hóa Việt Nam (mà phụ tá Cố vấn An ninh đặc trách Chiến lược Dân chủ Toàn cầu, Eliott Abrams gọi là “cải tổ dân chủ”), người Việt hải ngoại cần tận dụng sức mạnh cơ hữu.
Một là, nên xác định sức mạnh của người Việt hải ngoại bằng một “Tập họp Chính trị” rộng lớn và bao quát hơn thay vì các hoạt động rời rạc và phân tán. Quan niệm “lưỡng đảng, đa nguyên” có thể giúp người Việt Nam thoát khỏi vũng lầy phân tán, chia rẽ.
Cộng Sản Việt Nam rất muốn sử dụng khối người Việt hải ngoại như một tổ chức ngoại vi để đóng góp về kinh tế và khoa học kỹ thuật, đồng thời hỗ trợ công tác ngoại giao quốc tế. Chính phủ Hà Nội dùng nhiều đòn phép để lũng đoạn, kể cả mua chuộc và đe dọa đối với mọi sinh hoạt của người Việt hải ngoại.
Trong khi đó, người Việt hải ngoại đã tốn nhiều công sức để vận động cho nước Việt Nam tự do dân chủ phú cường, nhưng hiệu quả còn quá khiêm tốn vì thiếu một Tập họp Chính trị đại diện cho nguyện vọng thiết tha của đa số.
Hai là, mỗi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước cần loại bỏ ngôn ngữ tuyên truyền để phán đoán sự việc bằng các dữ kiện đa dạng hầu xác định nhu cầu thực sự của dân tộc và tổ quốc. Từ căn bản đó, mỗi người hành động theo lương tri và chọn lựa thể chế, người đại diện tương thích với quyền lợi của đất nước và dân tộc.
Người Việt Nam chìm đắm quá lâu trong những huyền thoại khiến cho đất nước cứ tiến vào các con đường vô định với nhiều kỳ vọng xa vời. Hãy sống với thực tế để biết nước Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên bảng xếp hạng toàn cầu và sẽ đi tới đâu trong từng giai đoạn. Ưu điểm nào cần phát huy, khuyết điểm nào nên sửa chữa, tật xấu nào phải loại trừ.
Ba là, hãy sử dụng hết sức mạnh của mình trước khi tìm kiếm sự trợ giúp của tha nhân. Người Việt hải ngoại ngoài việc đòi hỏi các Chính phủ ngoại quốc sử dụng biện pháp trừng phạt về ngoại giao, kinh tế, chính trị .. với Việt Nam cũng nên dùng sức mạnh của người tiêu thụ, của tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật để buộc Chính phủ Hà Nội và doanh giới tôn trọng nhân quyền phổ cập.
Bốn là, tự do, dân chủ không rơi xuống từ trời cao hoặc do ngoại nhân mang đến mà phải do chính người Việt Nam tốn trí tuệ, công sức đấu tranh và xây dựng. Hơn 1 thập niên qua, thiệt hại của những phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại nhiều nước trên thế giới, kể các các quốc gia dưới quyền cai trị của Cộng Sản, rất ít so với các công cuộc đấu tranh bằng bạo lực do đảng Cộng Sản chủ xướng.
Biết kết hợp sức mạnh của quốc tế với tiềm năng của dân tộc, người Việt Nam sẽ có đời sống xứng đáng dành cho con người.
Đại Dương
(@VNNB)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét