Lại câu chuyện “Giữa Đông và Tây”
Trần Lâm
“… Lấy ý kiến nhân dân là cách tốt nhất để hạn chế mọi đòi hỏi quá mức của các nước lớn, làm cho những người cầm quyền ý thức được trọng trách của mình, và làm cho nhân dân gắn bó với vận mệnh đất nước …”
I. Các vụ bắt bớ xét xử gần đây:
Gần đây, việc bắt bớ, xét xử những người gọi là “dân chủ” rầm rộ từ Nam chí Bắc. Dư luận ầm ĩ, trong nước, ngoài nước, ảnh hưởng đến bang giao giữa ta và Mỹ.
Nhìn nhận về nguyên nhân vụ việc, có nhiều đoán định: Người cho rằng giới cầm quyền lo ngại mầm mống chống đối có thể phát triển, đe doạ sự tồn tại của mình nên kíp thời ngăn chặn… Trước đây, còn dè dặt vì còn sợ ảnh hưởng đến việc vào WTO, nhưng nay đã qua cầu nên mạnh tay… Có người nghĩ rằng cần dẹp tan cái đám “chọc gậy bánh xe” để cuộc bầu cử Quốc hội đạt được yêu cầu: An toàn tuyệt đối…
Không ít người đánh giá: Mỹ có thể tức giận, nhưng nay đã bỏ tiền, bỏ của vào Việt Nam, lợi nhuận kếch sù, Mỹ sẽ “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Phản bác các ý kiến trên, không ít người cho rằng: Các vị gọi là “dân chủ” thật đáng trọng về chí khí, có thể là chất xúc tác cho một sự đổi thay, nhưng một số người ít ỏi, rời rạc, ảnh hưởng trong dân còn khiêm tốn, đâu phải là mối nguy hiểm đáng kể lúc này! Muốn vô hiệu hoá những người mà ta nghi ngờ có thể phá hoại bầu cử Quốc hội, độ hơn một chục, Công an có thể câu lưu dăm bảy ngày trước và sau bầu cử, có phải vừa hiệu quả mà tránh được ầm ĩ!
Người hiểu biết lại nghĩ khác: nếu có thể đổi thay về chính trị thì là do thế giới đã thay đổi, nước ta đã thay đổi, dân ta đã thay đổi. Đó là thời thế. Đã là thời thế thì sức người khó mà cản được.
Một số ít người đoán chắc là việc bắt bớ, xét xử là làm theo gợi ý của Bắc kinh. Họ cũng có lập luận của họ: Mỹ thì cho rằng WTO vào Việt Nam thì độc tài sẽ chấm dứt, kinh tế đi trước và quyết định. Trung Quốc thì cho rằng làm gì thì làm phải giữ vững chuyên chính, chính trị đi trước. Sự phát triển thần kì của Trung Quốc là minh chứng. Sau WTO ta quan hệ rầm rộ với phương Tây, phương Tây bỏ người, bỏ của vào Việt Nam với bao nhiêu hứa hẹn, Trung Quốc giữ im lặng, nay khởi động; cũng đi đi, về về như đi chợ, cũng đầu tư, cũng xây dựng, cả đến quân sự cũng bàn bạc… Thế là coi như hai thế lực đã lâm trận. Việc bắt bớ, xét xử vừa qua là tiết mục mở màn, là cú đá móc vào sườn phương Tây, làm Mỹ tức điên người, dồn mọi bực dọc vào Việt Nam, hai bên xa nhau là vừa lòng Trung Quốc. Trung Quốc lại đạt được một thắng lợi là đã hướng được đường lối chính trị Việt Nam theo mình. Còn Việt Nam tiến hành việc bắt bớ, xét xử này là hợp khẩu vị của người bạn lớn phương Bắc, coi như xoa dịu sự khó chịu do Việt Nam đã quá vồn vã với người bạn bên kia Thái Bình Dương hơi quá mức trong dịp sau WTO.
Còn những tin tức lặt vặt, cứ gắn liền việc đàn áp dân chủ là ý muốn của Trung Quốc: Báo Hồng Kông đưa tin một nhân vật cao cấp Trung Quốc phàn nàn phát triển kinh tế của Việt Nam là rất tốt, nhưng dân chủ coi như là quá trớn! Thế giới đòi Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, Trung Quốc thì coi việc này là nội bộ của Myanmar và Trung Quốc tuyên bố tôn trọng quyết định của chính quyền quân sự…
Có dư luận cho rằng, việc Quốc Hội Việt Nam đòi mở rộng dân chủ, đòi có thực quyền đã làm cho Quốc Hội Trung Quốc có người xôn xao, đó là việc mà Trung Quốc không ưa…
Xét về ta thì một số việc lễ tiết, hiếu hỷ; Hội nghị tiếng Pháp, ASEAN, Seagames, ASEM , APEC, tượng đồng Điện Biên Phủ… Ta đã làm thật ráo riết, chăm chú đến từng chi tiết, thật đúng thời gian… Còn các việc khác, thật thiết thân, thật quan trọng như: Chống tham nhũng, chỉnh Đảng, chỉnh bộ máy Nhà Nước… Hay như ngay bây giờ: dịch cúm gia cầm, cáp quang bị mất cắp, rừng, biển, nông thôn bao nhiêu ngổn ngang… ta vẫn cứ bàn lên, bàn xuống, chậm chạp, lề mề, trịnh trọng như ngài Thượng nghị sĩ bước chân vào họp Quốc hội (?)… Còn việc bắt bớ, xét xử vừa qua, làm dồn dập, khẩn trương vi phạm rất nhiều về thời gian của luật tố tụng, nhiều sai sót… nhanh quá, như là cuộc đua tốc độ 100m… Việc bắt bớ, xét xử vừa qua không hợp với cái “tạng” của ta. Cho nên, có người coi đây không phải xuất phát từ ý chí của ta, là một mối nghi ngờ khó bác bỏ.
Đoán định, phân tích đó là quyền của mọi người. Kết luận như thế nào, phản ảnh cách nhìn đúng với sự thật, vẫn còn bỏ ngỏ.
II. Đề cao vai trò của nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế:
Ông Phạm Văn Đồng từng than vãn: “ Nếu Việt Nam là con thuyền, ta đã chèo, chống đến bến bờ khác”. Thế là mọi khó khăn do Thượng đế an bài à? Không! Việt Nam là rừng vàng, biển bạc, địa thế đẹp nhất thế gian, con người không thua kém ai… Ông Đồng chưa biết đến câu: “ Kẻ thù nguy hiểm nhất của ta chính là bản thân ta”. Và thấm thía câu: “Người ta lớn vì ta cúi đầu”. Ông Lý Quang Diệu nói đúng: “Việt Nam, đáng lẽ phải dẫn đầu Đông Nam Á mới phải!”.
Thế là việc tranh chấp ảnh hưởng ở Việt Nam giữa Đông và Tây đã bước sang đấu “ hiệp phụ”, đánh dấu từ cuộc bắt bớ, xét xử nói trên. Mỹ và Trung Quốc, không ai thua ai, người đưa “chiêu” này, người khoe “mánh” khác; kể cả hăm doạ… có nhiều câu chì chiết, nhiều “tiếng bấc, tiếng chì”, rồi cuối cùng phi tự dẹp, vì lẽ ai cũng tự biết “già néo đứt dây”, Việt Nam mà “bí quá hoá liều” thì có kẻ thua trắng tay là cái chắc.
Từ trước tới nay, kể cả việc hệ trọng, các vị lãnh đạo thảo luận với các nước lớn rồi cũng họ quyết định, như việc riêng của các vị và không một lần cho dân biết, hỏi ý dân. Như việc đất đai và lãnh thổ, sai lầm không hàn gắn được, trở thành nỗi đau dân tộc.
Lấy ý kiến nhân dân là cách tốt nhất để hạn chế mọi đòi hỏi quá mức của các nước lớn, làm cho những người cầm quyền ý thức được trọng trách của mình, và làm cho nhân dân gắn bó với vận mệnh đất nước… Thứ nhất là ban lãnh đạo tối cao, trước một đòi hỏi của một nước lớn, hãy tạm gác những bất đồng, dẹp những quyền lợi riêng tư, cùng nhau bàn bạc cách giải quyết, lấy quyền lợi của đất nước làm mục tiêu, có nhân nhượng nhưng trong giới hạn nhất định. Để cho bất đồng chi phối là tạo khe hở để nước lớn khoét sâu, sẽ làm làm ta khốn khổ, điêu đứng.
Bàn với các nước lớn sẽ thật nguy hiểm nếu ta còn che giấu, mập mờ; bởi lẽ ta không thể giấu được họ. Kinh nghiệm thời tranh chấp Xô-Trung, bất cứ ta làm việc gì với một bên vừa xong, bên kia đã có nội dung trên mặt bàn. Bây giờ lại càng khó giữ kín. Lôi bên A vào để bàn việc bên B, buộc A vào địa vị Việt Nam để giải quyết yêu sách của B và ngược lại… họ cứ đánh nhau nhưng không được gây thương tích cho ta.
Việc khó giải quyết thì khất và đưa ra Quốc hội bàn -Nghị quyết Quốc Hội là lời đáp của Việt Nam. Điều này hạn chế được mọi o ép vì không ai, dù lớn đến mức nào cũng không thể đối đầu công khai với một dân tộc. Cái xúc xiểm ngầm, cái ép kín, cái mua chuộc bẩn thỉu sẽ không còn chỗ đứng.
Việc khó hơn nữa thì tổ chức trưng cầu dân ý. Lời đáp của toàn dân là tối hậu, các nước lớn không thể làm gì được dù họ thấy trái ý, mất mặt…
Dựa vào Dân là sức mạnh của ngoại giao. Hôm nay, chân lý này đã thay thế cho “Chiến trường quyết định ngoại giao”. Ta lấy chủ bài gì để tiến hành thương thảo với các nước lớn ngoài sức mạnh 83 triệu người đứng sau ta.
Đã đến lúc cần bàn việc giao quyền cho Quốc hội như thế nào, ra luật trưng cầu dân ý như thế nào và cũng không thể quên được có kế hoạch nhân sự cho việc thay thế các chức danh Nhà Nước, đáp ứng được đòi hỏi mọi mặt trong ngoài, khi thời thế đã đổi thay
III. Đông và Tây:
Người Mỹ thì rõ ràng, thẳng thắn, họ biết hàn gắn quá khứ, họ biết tranh thủ cả một dân tộc. Người Trung Quốc đã bỏ mất bao nhiêu lợi thế để có một Việt Nam đích thực là anh em. Người Trung Quốc khó hiểu quá và họ tranh thủ ít người nhưng lại làm mất lòng cả cộng đồng!.
Luật sư Trần Lâm
Hải Phòng, ngày 6/6/2007
Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét