Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007

Dân chủ là một phong trào quốc tế


Dân chủ là một phong trào quốc tế
Ngô Nhân Dụng

Ông Nguyễn Minh Triết vẫn tới Mỹ thăm xã giao ông George W. Bush, mặc dù trước ngày ông lên đường thì ông tổng thống Mỹ đã tiếp đón bốn vị lãnh đạo các tổ chức chống Cộng, và gọi điện thoại cho ông Ðỗ Nam Hải, một người chống chế độ sống ở Sài Gòn. Ðiều này chứng tỏ ông Nguyễn Minh Triết không biết ngượng. Hoặc là ông rất cần bắt tay ông Bush một cái, để nhắn các nhà tư bản Mỹ hãy tiếp tục đầu tư.

Trong khi đó, những cán bộ tuyên truyền hạng ba hạng tư của Cộng Sản vẫn lên giọng tố cáo Mỹ “can thiệp vào nội bộ” của họ, vì các đại biểu Quốc Hội Mỹ, các chính khách và hội đoàn bảo vệ nhân quyền ở Mỹ đòi chế độ Cộng Sản ngưng đàn áp các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam như Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Lý. Mà không riêng gì người Mỹ, những người tranh đấu cho tự do khắp thế giới đều “can thiệp” như vậy. Tại sao người nước này lại lên tiếng đòi tự do cho người nước khác? Rất giản dị, vì con người ở khắp nơi liên hệ với nhau qua những giá trị nhân bản. Sống tự do dân chủ là những điều kiện tối thiểu để sống đúng với phẩm cách con người. Con người ở Việt Nam hay ở Trung Quốc cũng có quyền sống tự do như những con người ở Pháp, Ba Lan, hay Mỹ. Trong cuộc hội nghị Họp Mặt Dân Chủ ở Warszawa vừa qua, các người tranh đấu ở Ba Lan đã tới thăm để bày tỏ ý nguyện muốn giúp người Việt Nam tranh đấu để cũng thoát được ách Cộng Sản như nước Ba Lan. Vì họ nhớ trước đây gần 30 năm, chính dư luận thế giới ủng hộ Công Ðoàn Ðoàn Kết đã giúp cuộc đấu tranh của dân Ba Lan thành công. Nhờ cuộc gặp gỡ này mà các người Việt Nam dự hội nghị đã tặng cho các bạn người Ba Lan bức hình công an bịt miệng Linh Mục Nguyễn Văn Lý giữa tòa. Bức hình được chiếu lên đài truyền hình cho cả nước Ba Lan được coi, lần đầu tiên.

Cô tài tử Mia Farrow, ông Tổng Thống George W. Bush và cựu Tổng Thống Vaclav Havel đều đang bị các chế độ Cộng Sản buộc tội đã can thiệp vào chuyện nội bộ của họ. Những bạo chúa và các đảng độc tài thường coi dân chúng trong nước thuộc quyền họ cai quản, họ muốn làm gì thì làm, không cho người ngoài phê bình cách họ đối xử với dân ra sao. Nhưng các vụ can thiệp đó sau cùng đều có hiệu quả.

Cô Mia Farrow đã lên án chính quyền Trung Quốc giúp đỡ và bảo vệ chế độ độc tài ở Sudan, làm ngơ trước những hành động diệt chủng ở miền Darfur. Chính phủ Bashir ở Khartoum đã cho binh sĩ của ông tàn sát dã man những người dân lành ở Dafur từ nhiều năm qua. Cô Mia Farrow và các đồng bạn đã kêu gọi Bắc Kinh hãy tham gia việc cấm vận, ngưng nuôi dưỡng chính phủ Khartoum, ngưng đầu tư vào các mỏ dầu ở Sudan và ngưng mua dầu xứ này. Bắc Kinh không chịu thay đổi, họ cũng chỉ trích cô “can thiệp” vào việc nội bộ của họ. Nhưng sau khi cô Farrow lên tiếng tố cáo việc tổ chức Thế Vận Hội năm 2008 ở Bắc Kinh, gọi đó là một “Thế Vận Hội Diệt Chủng,” và kêu gọi các lực sĩ hãy tẩy chay không dự, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phải đáp ứng ngay. Họ cử một quan chức cao cấp đến Khartoum để khuyên bảo nhà độc tài Sudan hãy bớt giết người.

Cô Mia Farrow không phải là người duy nhất “can thiệp vào nội bộ” của chính quyền Trung Quốc. Rất nhiều tổ chức lao động quốc tế đang quan sát, theo dõi tình trạng các công nhân làm việc ở nhiều xí nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các xí nghiệp phục vụ cho Thế Vận Hội 2008. Liên Ðoàn Lao Ðộng Quốc Tế, Liên Ðoàn Thợ Dệt, Thợ May, Thợ Làm Ðồ Da Quốc Tế, đã kêu gọi chính phủ Bắc Kinh hãy buộc các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Trung Quốc phải tôn trọng quyền lợi của người lao động. Họ nêu lên những chứng cớ. Có những công ty cung cấp hàng hóa để bán trong dịp Thế Vận Hội bắt công nhân làm việc 13 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, và được trả lương dưới mức lương tối thiểu theo luật định. Có những trẻ em 12 tuổi làm việc trong các công ty này. Các phóng viên quốc tế cũng tham dự vào việc tìm hiểu đời sống người lao động Trung Quốc. Họ mô tả những công nhân được tuyển từ nhà quê lên tỉnh, làm việc 12 tiếng mỗi ngày xây dựng các sân vận động và nhà ở cho lực sĩ; những công nhân này ăn ở rất cực khổ, làm việc không nghỉ, vì họ muốn để dành tiền đem về cho gia đình, vì thế họ luôn luôn bị các công ty xây cất bóc lột.

Chính phủ Bắc Kinh rất bén nhạy khi nghe những lời chỉ trích liên can đến Thế Vận Hội năm 2008. Họ rất sợ dư luận kêu gọi các chính phủ hoặc các lực sĩ tẩy chay Thế Vận Hội đầu tiên tổ chức ở Trung Quốc. Họ đang muốn dùng Thế Vận Hội 2008 để quảng cáo cho chế độ, cho dân chúng chịu đựng ách độc tài Ðảng trị thêm nhiều năm nữa. Chính vì thế Ủy Ban Thế Vận Hội Trung Quốc đã đáp ứng ngay trước những lời chỉ trích, lập một ủy ban điều tra về tình trạng lao động ở các xí nghiệp dự thầu, dựa trên những lời tố cáo của các công đoàn quốc tế. UƯy Ban Thế Vận Hội bắt các công ty phục vụ cho Thế Vận Hội phải ký giấy cam kết thi hành đúng luật lao động, và sẽ theo dõi việc thi hành lời hứa này. Các tổ chức quốc tế cũng biết rằng những lời hứa giữa các doanh nghiệp nhà nước Cộng Sản và chính quyền Cộng Sản chỉ là để che mắt người ngoài. Nhưng phản ứng của Bắc Kinh cho thấy họ cũng chịu áp lực của dư luận thế giới. Công nhân Việt Nam đã đình công liên tiếp trong những năm qua, người Việt ở nước ngoài cũng phải vận động các tổ chức lao động ở nơi mình cư ngụ ủng hộ quyền lập công đoàn độc lập của người lao động nước ta. Tốt nhất là hãy giúp Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng đã được thành lập từ năm ngoái, trụ sở chính đặt ở Warszawa, do ông Trần Ngọc Thành lãnh đạo.

Trong khi cô Mia Farrow “can thiệp” vào chính sách của chính phủ Trung Quốc ở Sudan thì ông Tổng Thống Mỹ George W. Bush cũng “can thiệp” khi ông chỉ trích các chính sách đàn áp người bất đồng chính kiến của các chế độ độc tài ở Miến Ðiện, Việt Nam, Iran, Nam Phi và Ai Cập. Ông Bush gọi đích danh để đòi trả tự do cho những người đang bị chính phủ các nước này cầm tù chỉ vì bất đồng chính kiến, trong đó có Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Ông Bush phát biểu trong một hội nghị tại thủ đô Praha, Cộng Hòa Czech, một cuộc họp mặt được báo chí đặt tên là “Hội Nghị Của Những Người Phản Kháng”. Những chính khách quốc tế như Vaclav Havel (Czech), José Maria Aznar (Tây Ban Nha), Natan Sharansky (Israel) chủ tọa hội nghị. Những người bất đồng chính kiến khắp thế giới tới đó họp mặt để bày tỏ tình đoàn kết với nhau. Họ đã “can thiệp vào chuyện nội bộ” của các chính phủ Syria, Ai Cập, Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Belarus, Iran, Iraq, Á Rập Sau Ði, vân vân, đòi hỏi chính phủ các nước này phải tôn trọng quyền phát biểu những ý kiến độc lập bảo vệ phẩm giá con người.

Liệu những việc can thiệp này có hiệu quả gì không? Nhiều thí dụ cho thấy những áp lực từ nước ngoài có hiệu quả, dù mạnh hay nhẹ. Mạnh nhất là khi những cuộc tranh đấu được các cường quốc cùng giúp sức tạo thêm áp lực, có thể chấm dứt những chế độ độc tài, như đã xảy ra ở Phi Luật Tân, ở Chile, ở Ba Lan trước đây 20 năm.

Hiệu quả nhẹ như việc Cộng Sản Việt Nam chịu trả tự do cho ông Nguyễn Vũ Bình trước ngày Nguyễn Minh Triết sang Mỹ. Ký giả Nguyễn Vũ Bình đã bị tòa án tay sai Cộng Sản kết tội “làm gián điệp,” một tội có thể tử hình, nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn trả tự do cho ông để làm quà cho chính phủ Mỹ! Thái độ khẳng khái, bất khuất của ông Nguyễn Vũ Bình khi đã được tự do, giống như những lời các Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân nói trước tòa, cho thấy khí phách của những người tranh đấu cho tự do rất kiên cường, dũng mạnh. Khi người Việt ở nước ngoài vận động các chính phủ và các đoàn thể bảo vệ các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, việc vận động dù nhỏ đến đâu sớm muộn cũng tạo nên hiệu quả. Những người tranh đấu thấy công cuộc họ theo đuổi được đồng bào và thế giới bên ngoài hỗ trợ, họ sẽ vững chí hơn.

Một người đã sống qua kinh nghiệm đó là Giáo Sư Mudawi Ibrahim Adam tại đại học Khartoum. Ông đã phê bình không ngừng nghỉ chính sách Hồi Giáo cực đoan của chính phủ Omar Bashir, nước Sudan. Năm 1991 ông bị công an bắt giam bảy tháng trong “ngôi nhà ma,” nhà tù chính ở thủ đô Khartoum. Năm 1997 ông bị bắt giam lần nữa. Năm 1999 ông thành lập Tổ Chức Phát Triển Xã Hội Sudan để phổ biến các thông tin về dân chủ tự do và quyền con người. Những năm 2003, 2004 ông đều bị bắt giam 8 tháng, năm 2005 bị bắt 5 tháng. Ông đã dự hội nghị ở Praha cuối tháng rồi và nhiều người được nghe ông kể lại những cảnh bị bịt mắt tống giam, cảnh bị còng vào cánh cửa phải đứng suốt đêm ngày. Giáo Sư Mudawi đề nghị thế giới hãy phong toả, không mua dầu lửa của Sudan nữa, đó là nguồn ngân sách chính của chế độ độc tài. Chỉ có một giải pháp chấm dứt được nạn diệt chủng, cải thiện quyền làm người cho dân Darfur, ông Mudawi nói, cách đó là tổ chức bầu cử tự do! Ðiều này đúng không riêng gì ở Sudan mà đúng khắp thế giới. Cô Mia Farrow không dính líu gì tới nước Sudan nhưng cũng ủng hộ ông. Ông Mudawi đã mang nguyện vọng của dân Sudan nói lên trong một diễn đàn quốc tế ở Praha. Những nhà tranh đấu tự do dân chủ như Nguyễn Văn Ðài, Nguyễn Vũ Bình, Lê Thị Công Nhân sẽ có ngày xuất hiện trên những diễn đàn tương tự.

Chúng ta phải thấy mừng khi nghe những tiếng nói kêu gọi tự do vang lên khắp thế giới, ngay trong thế kỷ 21 này. Phong trào tranh đấu cho quyền của con người bao giờ cũng có tính chất quốc tế, từ thế kỷ 18 đến nay vẫn thế. Dư luận thế giới đã giúp các cuộc vận động dân chủ tự do tiến mạnh hơn ở các nước đang phải sống trong nô lệ. Trong lịch sử nước ta, khi Phan Bội Châu bị Pháp bắt ra tòa, người Việt Nam sống ở Pháp đã vận động các tổ chức nhân quyền của Pháp can thiệp, nhờ thế cụ Phan không bị án tử hình. Khi Tạ Thu Thâu bị Pháp bắt đưa ra tòa những năm 1932, 1935 và 1938, vì các hoạt động lập công đoàn, viết báo đối lập, các chính khách người Pháp ở chính quốc cũng can thiệp, trừ những lãnh tụ Cộng Sản Ðệ Tam phản bội con người tranh đấu cho giai cấp vô sản đó, vì theo lệnh Stalin chống Cộng Sản Ðệ Tứ. Cuốn sách của Nguyễn Văn Ðính, “Tạ Thu Thâu, từ quốc gia đến quốc tế” xuất bản năm 1938 đã tường thuật các biến cố này - sách mới được Hải Mã tái bản ở Mỹ. Trong thời gian Tạ Thu Thâu tranh đấu không ngừng đó, ông cũng ở vào tuổi của những Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân ngày nay! Dân Việt Nam vẫn có truyền thống bất khuất!

Trên diễn đàn các mạng lưới chúng ta thấy nhiều cán bộ và công an Cộng Sản bênh vực chế độ mà đả kích các nhân vật quốc tế là “không có quyền” can thiệp vào nội bộ của Cộng Sản. Nhưng mọi người trong nhân loại có trách nhiệm với nhau. Không thể làm ngơ khi con người ở Sudan bị tàn sát hay con người ở Việt Nam bị sách nhiễu, đàn áp. Cả loài người có bổn phận giúp lẫn nhau. Không những khi thấy người đói khổ phải giúp mà khi thấy người khác bị bóc lột, bị tù đày, cũng phải giúp.

Nhân dịp đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản khắp thế giới mới khánh thành ở Washington D.C., người Việt tị nạn Cộng Sản ở Mỹ hãy tới thắp hương cầu nguyện cho oan hồn những nạn nhân Cộng Sản ở nước ta, trong đó có Tạ Thu Thâu, người đã bị Cộng Sản Ðệ Tam sát hại vào Tháng Mười Hai năm 1945, theo lệnh từ “trung ương,” sau khi đã bị bắt giam hơn 3 tháng. Tổng Thống Bush nên đề nghị ông Nguyễn Minh Triết đến thăm đài kỷ niệm này trong dịp ông ta sang thăm Mỹ. Việc viếng các oan hồn nạn nhân Cộng Sản chỉ có tính nhân bản, không thể gán cho là “can thiệp” được!

Ngô Nhân Dụng
(@nguoivietonline)

Photo: Ðài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản khắp thế giới mới khánh thành ở Washington D.C.

Không có nhận xét nào: