Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007

Khôn nhà dại chợ

Ai cũng phải công nhận rằng đảng Cộng Sản Việt Nam có một cái tài, là tài dùng quyền lực đàn áp những người dân bình thường. Khi đảng bị các nhà trí thức phê phán, tự thấy họ không có khả năng cãi lại, có nói cũng không thể thuyết phục được ai, thì đảng giở ra những thứ võ côn đồ. Họ đã dùng đám Khuyển Ưng tới tấn công gia đình cụ Hoàng Minh Chính bằng những thứ “bom bẩn.” Bây giờ họ lại tiếp tục dùng thứ võ “thư nặc danh tố cáo” đối với ông Hà Sĩ Phu ở Ðà Lạt, như quý vị độc giả đã đọc trong lá thư ngỏ của Hà Sĩ Phu đăng trong báo Người Việt ngày hôm qua.

Ông Hà Sĩ Phu bị “tố cáo” là đã trả lời cuộc phỏng vấn của đài RFA, bầy tỏ ý kiến về mấy bức thư của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng cuộc phỏng vấn đã được phát thanh, ai cũng biết, nhất là công an thì lại càng biết rõ, tại sao cần có người “tố cáo?”

Chẳng qua là đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ muốn dùng môn võ cũ kỹ, là tạo nên một thứ “sức ép của nhân dân” mỗi khi muốn đe dọa, hù họa, để đàn áp những người không tuân phục đảng. Ông Hà Sĩ Phu nhận xét rất đúng, đó là một màn “đấu tố” giống như thời cải cách ruộng đất. Ðó là chính sách do ông Hồ Chí Minh theo lệnh các cố vấn Trung Quốc “vĩ đại” phát động ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ năm 1953, 1954, để tỏ lòng trung thành với tư tưởng Mao Trạch Ðông. Mao là người sáng chế ra thứ “tòa án nhân dân” để cho cán bộ xúi dục những nông dân chất phác đứng ra làm tay sai cho đảng, giết những người bị đảng nghi là có thể chống đối. Muốn giết ai, chỉ việc xúi các bần cố nông vu cáo cho họ là địa chủ, là Quốc dân đảng, là phản động, là Việt gian, vân vân. Không những một người bị giết mà cả gia đình cũng bị liên lụy, đầy đọa cả đời. Những ai đã sống qua thời đại đấu tố khủng khiếp đó đều không bao giờ quên được những thủ đoạn dã man của đội cải cách. Ai chưa biết có thể đọc lại những sách của Hoàng Văn Chí, những tiểu thuyết, ký sự của Ngô Ngọc Bội, Dương Thu Hương thì biết đấu tố là thế nào.

Những thủ đoạn mà đảng Cộng Sản đang thi thố để đe dọa các ông Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu đều là dấu tích từ thời cải cách ruộng đất để lại, một di sản của tư tưởng chính trị Mao Trạch Ðông do Hồ Chí Minh, Trường Chinh du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Người ta thường nói làm chính trị sai lầm thì làm hại cả một thế hệ. Nhưng chiến dịch phát động đấu tố của Hồ Chí Minh và Trường Chinh di hại đến ba thế hệ rồi chưa hết. Vì các cán bộ cộng sản đã thấm nhuần phương pháp đấu tố bằng tòa án nhân dân của Mao Trạch Ðông.

Ông Hà Sĩ Phu cũng kể lại tình cảnh nhà thơ Bùi Minh Quốc bị bọn lưu manh, côn đồ gọi điện thoại hăm dọa. Những lời nhắn trong máy nguyên văn như “Mày có muốn đi Mỹ với thằng Chính để liếm đít Mỹ tao cấp visa cho!” Hoặc, “Thằng Chính bị ăn đòn, mày có kinh không? Bọn phản bội chúng mày sẽ còn lãnh đủ con ạ!” Ngôn ngữ đó giống hệt thứ ngôn ngữ của tòa án nhân dân thời cải cách ruộng đất.

Ông Hà Sĩ Phu viết: “Kẻ làm việc đồi bại này muốn đóng vai “nhân dân” phẫn nộ trước những bài viết của ông Bùi Minh Quốc. Nhưng nhà thơ Bùi Minh Quốc không sợ.”

Ðảng Cộng Sản không những dùng tòa án nhân dân đối với những người ngoài không đồng ý với đảng, họ còn dùng phương pháp đấu tố để trấn áp những người trong đảng mà không theo đúng ý cấp trên. Ông Ðoàn Duy Thành đã kể lể những thủ đoạn mà Bộ Chính trị đảng Cộng Sản dùng để đàn áp ông, một đảng viên từ thời kháng chiến, đã từng là bí thư thành ủy Hải Phòng, làm Bộ trưởng Kinh tế, làm Phó Thủ tướng. Sau khi ông Ðoàn Duy Thành in mấy trăm cuốn hồi ký nhan đề “Làm người là khó,” trong đó ông kể lại trung thực những hành vi kèn cựa, di oan giá họa lẫn cho nhau của các lãnh tụ đảng Cộng Sản, trong đó nhơ bẩn nhất là những Lê Ðức Thọ, Ðỗ Mười.

Ông Ðoàn Duy Thành mới viết thêm, nêu ra những thủ đoạn “đấu tố” của guồng máy đảng nhắm vào ông trong mấy tháng qua, sau khi cuốn hồi ký ra đời. Những người được đảng Cộng Sản đưa ra đóng vai bần cố nông trong trận đấu tố này lại là những cơ quan gọi là “văn hóa, tư tưởng” của đảng!

Ðoàn Duy Thành kể: “Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội... ghép Hồi ký của tôi... xếp tôi vào loại “phản động” như Bùi Tín. Nên rất nhiều bạn bè trong cả nước viết thư, gọi điện thoại cho tôi, người thì động viên, người thì lo lắng.” Tiếp theo là “Nguyễn Văn Thuận - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, người được anh Ðỗ Mười đỡ đầu, đã tổ chức 3 cuộc họp lớn nói là để phổ biến Nghị quyết Trung ương lần thứ 12, nhưng tập trung nói về cuốn hồi ký của tôi có 5 sai phạm nghiêm trọng, bị thu hồi và bị thi hành kỷ luật. Cho cán bộ tuyên giáo và cán bộ công an xuống quận, huyện, xã... xuyên tạc cuốn Hồi ký của tôi và nói tôi đã trốn ra nước ngoài (!)”

Không những ông Ðoàn Duy Thành bị đấu tố, những người con của ông vốn là đảng viên từng phục vụ đảng lâu năm cũng bì trù đập, bị xóa sổ không cho tiếp tục ngồi trong giới lãnh đạo nữa. Và những bạn bè cũ của ông, những người được ông nêu tên trong cuốn hồi ký, cũng trở mặt, cải chính những điều mà họ từng nói với ông, vì họ sợ liên lụy!

Cái bệnh “sợ liên lụy” đã thấm vào não trạng các đảng viên, trong đó có những người từng là ủy viên Bộ Chính trị, khiến họ quay đầu chối bỏ chính họ, mà cái tội của họ chỉ là tội nói thật. Căn bệnh này khiến con người mất cả tư cách, cũng do tính “sợ” sinh ra. Người ta từ bỏ danh dự, phản bội bạn bè, chối từ phẩm cách, chỉ vì sợ. Và tính sợ đó là hậu quả của thời cải cách ruộng đất còn để lại. Khi một người bị “đội cải cách” đem ra đấu thì mất hết bạn bè, anh em, vợ con, họ hàng cũng từ bỏ. Ðó chính là một “di sản văn hóa Mao Trạch Ðông” trong triều đại Hồ Chí Minh, được Trường Chinh và Lê Duẩn phát triển thành một nếp sống quen thuộc của các cán bộ cộng sản Việt Nam, dù có người đã lên đến cấp cao bậc nhất trong đảng.

Những trận đấu tố của đảng Cộng Sản Việt Nam nhắm vào Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, cho tới Ðoàn Duy Thành, cho thấy những món võ do Hồ Chí Minh để lại vẫn còn có công dụng và có thể còn hiệu quả. Vì những người bị đấu đang bị cô lập, dễ dàng bị đảng thủ tiêu về mặt chính trị.

Ðấu tố là một sở trường của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng khi ra đối đáp với người ngoài thì phương pháp đó không còn hiệu nghiệm nữa, không bao giờ dùng được. Thí dụ cụ thể trước mắt là việc đàm phán để cho Việt Nam được gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO). Trong mấy ngày hôm nay, gần 150 nước trong WTO đang họp ở Hương Cảng, một số nước như Á rập Sau-đi sắp được chính thức gia nhập tổ chức thương mại tự do quốc tế này. Còn Việt Nam thì sau hơn 2 năm thương thuyết, vẫn còn đứng ngoài cửa.

Việc tham dự vào WTO là một điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế Việt Nam và bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Ai cũng biết là các nước kém mở mang cần bán hàng cho các nước khác để cho các xí nghiệp của mình lớn mạnh hơn, nước nào vào được WTO sẽ được đối xử bình đẳng với 150 quốc gia khác trong việc xuất, nhập cảng. Những nước nghèo, yếu thì được cho hưởng những điều kiện ưu đãi trong những năm mới gia nhập, để có thể cạnh tranh với các nước đã mạnh. Khi đã vào WTO rồi, một quốc gia được đối xử ngang hàng với 150 quốc gia khác, không nước nào có thể chèn ép trên mặt thương mại, vì sẽ kiện nhau ra trước WTO. Khi đó, chủ quyền quốc gia cũng được bảo vệ nhờ luật pháp quốc tế. Những điều kiện gia nhập WTO thay đổi thường xuyên, càng ngày càng khó khăn hơn, vì chính những nước nghèo đã ở bên trong cũng muốn chèn ép các nước còn đứng ngoài, để riêng họ được hưởng các ưu đãi. Nghĩa là càng gia nhập sớm càng tốt, chậm năm nào thiệt thòi năm đó.

Tại sao Việt Nam chậm chân như thế này? Trước hết, muốn vào WTO phải đi qua những thỏa hiệp song phương với các quốc gia lớn về kinh tế, một cái cửa bắt buộc phải đi qua là thỏa hiệp được với nước Mỹ. Ngay từ năm 1997, Việt Nam đã chậm chân trong việc bình thường hóa thương mại với Mỹ chỉ vì bị Trung Quốc đánh lừa. Ðảng Cộng Sản Việt Nam cứ tin tưởng vào các đồng chí phương Bắc, đưa ra những điều kiện khó khăn, làm cao, trong lúc thương thuyết với chính phủ Mỹ. Bất ngờ, chính phủ Trung Quốc lại nhượng bộ Mỹ và tiến tới việc ký kết những thỏa hiệp song phương, lúc đó Cộng Sản Việt Nam mới biết họ bị đàn anh gạt. Thế là trong lúc Trung Quốc ký được thỏa hiệp với Mỹ vào năm 1999, gia nhập WTO vào tháng 12 năm 2001 sau 15 năm thương thuyết, thì Việt Nam vẫn đứng ngoài mà trông.

Nhưng từ khi có hiệp ước thương mại Việt Mỹ rồi, việc thương thuyết với Mỹ để vào WTO vẫn không tiến được, vì chính trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam chưa thống nhất ý chí và lập trường. Trong các cuộc thương thuyết, mỗi phái đoàn cộng sản Việt Nam có những mục tiêu riêng, mỗi bộ, mỗi ngành có đề tài và các điều kiện riêng, và họ chỉ chú ý tranh cãi với những chiến thuật nhỏ nhặt chứ không có chiến lược toàn diện, không có đường lối, mục tiêu chung; trước mỗi quyết định lại phải hoãn, xin về nhà lãnh chỉ thị. Một giáo sư kinh tế, ông Ari Kokko nhận xét, “Ðiều này giống như tôi vào siêu thị... và bắt đầu mặc cả. Sau khi thỏa thuận tôi nói, Tôi cần về xin ý kiến vợ!” Một chuyên gia kinh tế khác ví, “Thời đại này, anh đi mua hàng thấy giá đề 100 đồng mà anh trả giá từ 10 đồng trở lên thì không thể mua hàng được!”

Chính vì chính quyền cộng sản không quyết tâm, thiếu chiến lược, cứ mặc cả như đi chợ nhà quê, cho nên không đạt được thỏa thuận với Mỹ, năm nay Việt Nam vẫn chưa được vào WTO. Bây giờ chỉ có đứng ngoài mà than rằng bị Mỹ làm khó dễ. Nhưng đợi càng lâu thì các điều kiện gia nhập WTO càng khó khăn hơn. Thiệt hại kinh tế, toàn thể dân Việt Nam phải chịu. Còn đối với đảng Cộng Sản, càng chậm hội nhập quốc tế có khi càng tốt cho họ. Họ cần thời giờ để củng cố địa vị, bảo vệ các quyền lợi của giới lãnh đạo, những mục tiêu đó đâu cần phải vào WTO mới làm được? Muốn bảo vệ chế độ, họ chỉ cần dùng các thủ đoạn đấu tố cũ từ thời cải cách ruộng đất, dùng tư tưởng Mao Trạch Ðông mà đàn áp những người không đồng ý, dù ở ngoài hay ở trong đảng. Ra bên ngoài có thất bại, nhưng bên trong đảng vẫn vững chân là được. Khôn nhà, dại chợ, điều đó đảng Cộng Sản không lo.

NND