Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007

Thời Sự Quốc Tế & Việt Nam

Thời Sự Quốc Tế & Việt Nam
G8 : một hội nghị thượng đỉnh sôi nổi

Có lúc nhiều nhà bình luận chính trị đã đặt câu hỏi : "Hội nghị G8 có ích lợi gì và có cần duy trì nữa không ?".

G8 là hội nghị các nguyên thủ hành pháp - tổng thống hoặc thủ tướng - của 8 nước được coi là phát triển nhất thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật và Nga). Đây là sáng kiến của cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing để thảo luận ở cấp cao nhất các vấn đề quan trọng nhất của thế giới. Lúc đầu không có Nga nên được gọi là G7.

Có lẽ vì họ thảo luận các vấn đề quá quan trọng nên G8 không giải quyết được vấn đề cụ thể nào. Hơn nữa sự chính danh của G8 cũng bị chất vấn. Ý và Canada không mạnh hơn Trung Quốc và Ấn Độ, và cũng không phát triển hơn Hàn Quốc. Các hội nghị G8 dần dần mất hết ý nghĩa.

Năm nay G8 (họp ở Heiligendamm, Đức) sôi nổi hẳn lên. Trước hết vì thành phần tham dự : thủ tướng Anh Tony Blair đi họp G8 lần cuối trước khi từ chức và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham dự lần đầu, vì mới được bầu tháng 6 vừa qua. Hai vấn đề thực sự gay cấn là qui định giảm khối lượng khí CO2 đang làm trái đất nóng dần và dàn mộc chống phi đạn mà Hoa Kỳ dự định thiết lập tại châu Âu. Hoa Kỳ là trọng tâm của hai vấn đề này.

Trên qui định giảm khối lượng khí CO2, các nước muốn đạt tới thỏa thuận chắc chắn về một mục tiêu cụ thể, thí dụ như giảm 50% khối lượng CO2 trong khí quyển vào năm 2050, trừ Hoa Kỳ. Lập luận của Hoa Kỳ là hai nước rất lớn và thải ra khối lượng CO2 ngày càng nhiều là Trung Quốc và Ấn Độ không có mặt trong hội nghị G8, trong khi một thỏa ước về tỷ lệ chính xác CO2 phải giảm bớt cần có sự tham gia và cam kết của họ. Vì vậy Hoa Kỳ cho rằng một cam kết như vậy phải được giải quyết trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc với sự đồng ý và cam kết của Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi các nước khác vẫn muốn hội nghị cam kết trên một chỉ tiêu định lượng trước. Tổng thống Bush bị dồn vào thế bất lợi của một người không quan tâm lắm đến môi trường.

Vấn đề thứ hai là việc Hoa Kỳ dự định thiết lập các dàn phi đạn chống phi đạn, được gọi là mộc chống phi đạn, tại châu Âu. Nga kịch liệt chống là kế hoạch này, cho rằng nó làm lệch cán cân lực lượng tại châu Âu một cách bất lợi cho họ. Tổng thống Nga Putin có lúc đã hăm dọa rằng nếu chương trình này vẫn tiến hành, Nga có thể sẽ trả đũa bằng cách hướng các phi đạn nguyên tử của mình vào thủ đô các nước Tây Âu.

Sự ngược đời là ở chỗ mộc chống phi đạn này là để bảo vệ các nước châu Âu trong khi Hoa Kỳ lại bị công kích là gây căng thẳng, còn các nước châu Âu khác lại im lặng, coi như vô can. Thực ra, nếu các nước châu Âu không muốn thì chương trình này đã không có.

Mặc dù có vẻ như bị cô lập, tổng thống Bush tỏ ra cương quyết không nhượng bộ. Không những thế, trước khi tới Đức ông Bush còn lên tiếng phê phán Nga là đang đi ngược với trào lưu dân chủ trên thế giới. Ít nhất trên điểm này người ta có thể đồng ý với ông, quả thật là chính quyền Putin đã có nhiều hành động phản dân chủ trong thời gian gần đây.

Sự im lặng của các nước Tây Âu không phải là điều giả dối duy nhất về vụ mộc chống phi đạn. Hầu như tất cả đều dối trá trên vấn đề này. Mỹ cho rằng mục đích của mộc chống phi đạn là để ngăn ngừa những cuộc tấn công từ các nước ngông cuồng như Iran. Nhưng ai có thể tin là Iran có thể điên rồ đến mức độ dám tấn công bằng phi đạn vào các nước Tây Âu để rồi bị tiêu diệt ngay tức khắc ? Thực ra đây là biện pháp tự vệ nhằm ngăn ngừa viễn ảnh một liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Một khi mộc chống phi đạn này đã được thành hình thì Nga không còn chọn lựa nào khác là sống chung hòa bình với các nước châu Âu khác, bởi vì chỉ có thể bị tấn công chứ không thể trả đũa. Có lẽ chọn lựa này cũng là chọn lựa phù hợp nhất với Nga nhưng Putin không thể không phản đối, vì thể diện.

Chính quyền Mỹ bắt Vàng Pao và triệt hạ đối lập Lào

Ngày 4-6-2007, tướng Vàng Pao và 8 đồng chí của ông, trong đó có một đại tá Mỹ tên là Harrison Ulrich Jack, đã bị bắt tại Sarramento, California. Họ bị cơ quan FBI (công an liên bang Mỹ) gài bẫy. Một điệp viên FBI giả làm người buôn súng, đã hò hẹn với họ. Tướng Vàng Pao và các đồng chí của ông bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền Lào bằng vũ lực. Theo FBI, họ đang tìm cách mua súng và chất nổ để đánh phá chế độ cộng sản Lào.
Phụ tá bộ trưởng tư pháp Mỹ tuyên bố dù những người đó có niềm tin mạnh mẽ tới đâu, Hoa Kỳ cũng không chấp nhận để lãnh thổ mình được dùng làm nơi chuẩn bị lật đổ một chính quyền bạn.

Tướng Vàng Pao, năm nay 77 tuổi, là một danh tướng, có lẽ là vị tướng xuất sắc nhất của quân đội hoàng gia Lào trước năm 1975. Ông đã là lãnh tụ tôn kính của sắc tộc Hmong. Được huấn luyện bởi cơ quan tình báo CIA, Vàng Pao đã hợp tác đắc lực với quân đội Mỹ để chống trả lại với quân đội cộng sản Việt Nam và Lào cho tới năm 1975 khi Mỹ quyết định triệt thoái, nhường ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia cho phe cộng sản. Ông được tặng nhiều huân chương của vương quốc Lào và Hoa Kỳ.

Sau 1975, Vàng Pao đã đem được một khối đông đảo người Hmong sang tỵ nạn tại các nước Pháp, Canada, Úc và nhất là tại Hoa Kỳ. Số người Hmong tại Mỹ được ước lượng vào khoảng 250.000 người, họ mang ơn Vàng Pao đã hướng dẫn họ lập lại cuộc đời trên đất mới và rất trung thành với ông. Đã hai lần Vàng Pao được dự định tôn vinh bằng cách lấy tên ông đặt cho một trường học và một công viên tại Mỹ, cả hai dự định này đều không thành vào lúc giờ chót.

Từ năm 1975 đến nay, tướng Vàng Pao là lãnh tụ của người Hmong ở nước ngoài. Người Hmong ở lại Lào cũng coi ông là một lãnh tụ của họ. Ông thành lập và đứng đầu tổ chức Hmong Thống Nhất Quốc Tế (United Hmong International) với mục tiêu đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản, lúc đầu với sự yểm trợ không chính thức. Nhưng tình thế đã dần dần thay đổi, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với hai chế độ cộng sản Việt Nam và Lào, Vàng Pao chỉ còn lại sự yểm trợ của những cựu sĩ quan Mỹ đã cùng chiến đấu sát cánh với ông trước 1975. Là một người sáng suốt và hiểu biết, Vàng Pao cũng dần dần chuyển qua một lập trường ôn hòa hơn. Trong nhiều trường hợp, ông tỏ ra tán thành đường lối đấu tranh bất bạo động. Nhưng có lẽ Vàng Pao đã thay đổi không nhanh bằng chính sách của Hoa Kỳ.

Hiện nay Vàng Pao và các đồng chí của ông còn đang bị giam giữ chờ ra tòa. Vụ bắt Vàng Pao còn nhiều uẩn khúc. Điều chắc chắn là sau vụ này, Hoa Kỳ đã chứng tỏ quyết định bỏ rơi hẳn các đồng minh cũ để đổi lấy cảm tình của các chế độ cộng sản Việt Nam và Lào mà họ từng coi là thù địch.

Sắc tộc Hmong, mà tiếng Việt có lúc gọi là người Mèo, là một sắc tộc khá đông đảo, mới đầu ở tỉnh Quảng Tây miền Nam Trung Quốc, về sau di chuyển dần về Việt Nam và Lào. Số người Hmong di tản sang các nước phương Tây sau năm 1975 được ước lượng khoảng 300.000 người, phần lớn định cư tại Mỹ. Những người không di tản, quyết định ở lại Lào và miền Tây Bắc Việt Nam khoảng 450.000 người. Họ khá tiến bộ so với các sắc tộc thiểu số khác tại châu Á và đã có chữ viết (theo mẫu tự La Tinh).

Có một thành phần Hmong đang chịu số phận rất bi đát, đó là những người quyết không sống chung với chế độ cộng sản. Họ bỏ vào rừng sâu ở miền Bắc Lào, sinh sống và tiếp tục chống lại chế độ cộng sản. Sau hơn 32 năm bị truy kích bởi quân đội cộng sản Lào và Việt Nam, họ đã kiệt quệ. Từ con số hơn 30.000 lúc ban đầu, hiện nay họ chỉ còn lại khoảng 8.000 người.

Chứng khoán : nguy cơ mới tại Trung Quốc

Ngân hàng China Citic Bank Corp. được đưa vào thị trường chứng khoán thứ sáu 17-4-2007. Chỉ vài giờ sau trị giá cổ phiếu (share, action) tăng gấp đôi tại Thượng Hải (tại Hongkong giá "chỉ" lên 14%). Với trị giá này thì tỷ lệ giá-lời (PER-price to earning ratio, tỷ lệ giữa giá cổ phiếu và tiền lời của mỗi cổ phiếu do công ty mang lại) là 100. Đây là một tỷ lệ hoang đường, tỷ lệ PER trung bình của các ngân hàng tại các nước phương Tây là từ 10 đến 15, nói cách khác cổ phiếu của ngân hàng China Citic được bán với giá cao gần gấp 10 lần trị giá của nó theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công ty Hang Xiao Steel loan tin đồn là đã ký được một hợp đồng trị giá 4,4 tỷ USD để cung cấp vật liệu xây dựng thép cho thị trường xây cất Angola. Trị giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp ba từ đầu năm nay. Nhưng "hợp đồng" này chỉ là chuyện bịa đặt. Thị trường xây dựng Angola không thể tiêu thụ 4,4 tỷ USD vật liệu thép (tổng sản lượng quốc gia, hay GDP, của Angola chưa tới 25 tỷ USD/năm).

Đây chỉ là những sự kiện điển hình của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Người Trung Quốc chơi cổ phiếu như đánh bạc và mua cổ phiếu theo tin đồn thay vì theo các dữ kiện cơ bản của các công ty. Giá trị của các cổ phiếu cao một cách vô lý, gấp nhiều lần trị giá thực sự của các xí nghiệp và vẫn sẽ còn tiếp tục lên cao. Tất cả các chuyên gia về chứng khoán đều quả quyết tình trạng này không thể tiềp tục. Tất cả vấn đề là nó sẽ chấm dứt như thế nào.

Giả thuyết tốt nhất là điều mà họ gọi là "hạ cánh nhẹ nhàng", nghĩa là giá các cổ phiếu sẽ từ từ giảm xuống, đủ thì giờ cho những người đầu cơ rút vốn ra và chịu thiệt hại một cách vừa phải. Giả thuyết đen tối nhất có nhiều triển vọng xảy ra hơn là các thị trường chứng khoán sẽ nổ bùng như một bong bóng đã quá căng, sẽ có một cảnh tháo chạy hỗn loạn và rất nhiều người phá sản. Thảm kịch sẽ rất lớn vì người Trung Quốc nói chung rất ham mê cờ bạc, nhiều người dồn tất cả của cải đã tích lũy được trong suốt cuộc đời hoạt động để chơi cổ phiếu.

Nguy cơ không chỉ dừng lại ở đó. Cho tới nay chính quyền Bắc Kinh vẫn yên tâm cho rằng thị trường chứng khoán không ảnh hưởng nhiều trên hoạt động kinh tế bởi vì các công ty không huy động vốn qua thị trường chứng khoán mà thường đi vay trực tiếp tại các ngân hàng, nhưng họ vừa giật mình khám phá ra rằng rất nhiều công ty cũng chơi cờ bạc trên thị trường chứng khoán, nghĩa là cũng vay tiền các ngân hàng để chơi cổ phiếu để kiếm lời nhanh chóng thay vì kinh doanh. Như vậy sự sụp đổ khó tránh của thị trường chứng khoán có thể có những hậu quả dây chuyền rất lớn trên kinh tế Trung Quốc.

Thái Lan : tái thiết dân chủ còn rất xa vời

Tòa án Hiến pháp Thái Lan, cơ cấu được giới quân phiệt Thái thành lập sau khi đã đảo chánh thành công, vừa tuyên án và ra lệnh giải tán đảng Thai Rak Thai (TRT) vì đã gian lận trong những cuộc bầu cử trong quá khứ. Đảng TRT là đảng của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Song song đó, Tòa án Hiến Pháp cũng đã trắng án cho đảng Dân Chủ Thái và nếu tổng tuyển cử được tổ chức như dự định thì đảng Dân Chủ nắm chắc phần thắng. Tuy nhiên, không ai dám bảo đảm là một cuộc tổng tuyển cử như vậy sẽ được tổ chức vào tháng 12-2007 như giới quân phiệt chủ mưu cuộc đảo chánh đã cam kết.

Cần nhắc lại vào ngày 19-9-2006, quân đội Thái đã đảo chánh truất phế thủ tướng Thaksin. Để biện hộ cho hành động này, giới quân nhân cho biết họ phải can thiệp vào chính trường vì đoàn kết dân tộc bị đe dọa bởi chính quyền dân sự Thái. Sau khi đã lật đổ chính phủ dân cử, giới quân phiệt đã cam kết sẽ soạn thảo một Hiếp pháp mới và tổ chức bầu cử quốc hội vào cuối năm 2007. Ngoài ra, chính quyền quân phiệt củng đã thay thế Tối cao Pháp viện Thái bằng một Tòa án Hiến pháp Thái. Án lệnh giải tán một trong những đảng chính trị lớn nhất tại Thái Lan mà tòa án này vừa ban hành không phải là một dấu hiệu tốt đẹp nào cho việc tái thiết một thể chế dân chủ tại Vương quốc Thái.

Trước tình trạng này, vua Thái, Bhumibol, đã phải can thiệp và cho biết ông rất lo âu vì vương quốc Thái hiện nay như một con tàu "sắp đắm". Sự quan ngại này không phải là không có căn cứ. Bản hiến pháp đang được soạn thảo chứa đựng nhiền điều khoản phản dân chủ. Chẳng hạn như một nhân vật chính trị có thể giữ chức thủ tướng mà không qua dân cử ; chức vụ thượng nghị sĩ sẽ do chánh án tuyển chọn thay vì được bầu ra ; trong trường hợp khẩn cấp, một hội đồng xuất phát từ giới quân nhân có thể lên nắm chính quyền…
Thái độ của dân chúng Thái trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới này sẽ là yếu tố quyết định.

Yangon : thô bỉ hơn Hà Nội

Ngày 25-5-2007, tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã ban hành lệnh gia hạn thêm 12 tháng thời gian quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo đối lập Miến Điện. Đáng lẽ ra, lệnh quản thúc này đã mãn hạn vào cuối tháng 5-2007.

Đây là quyết định mà mọi người có thể tiên đoán được vì có nhiều lý do kiến người ta tin rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ không được trả tự do trong năm nay.

Thật vậy, chính quyền quân phiệt Miến đang phải đối đầu với nhiều cuộc xuống đường ủng hộ đảng Liên Minh Dân Tộc cho Dân chủ (LMDTDC) do bà lãnh đạo. Những hành động này, tuy không quy mô, nhưng có tổ chức và đã gây nhiều lo âu cho chế độ độc tài Miến. Cuối cùng thì những cuộc xuống đường này đã bị đàn áp một cách thô bạo vào đầu tháng 5-2007.

Thêm vào đó, nội tình của chính quyền Miến cũng không êm đẹp cho lắm. Hội đồng Quốc gia cho Hòa bình và Phát triển (HĐQGHB&PT), cơ cấu quyền lực của tập đoàn quân phiệt, đang trải qua một cuộc tranh chấp quyền hành sâu đậm vào lúc có nhiều tin đồn cho rằng chủ tịch hội đồng, tướng Than Shwe, đang lâm bệnh nặng. Thủ tướng Soe Win cũng đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Nhiều nguồn tin cho biết chuẩn tướng Thein Sein vừa được giao phó trọng trách hành xử ở cương vị thủ tướng. Nhưng không ai có thể bảo đảm một tương lai chí trị huy hoàng cho ông chuẩn tướng này. Cũng nên biết năm 2004, nhân vật số hai của HĐQGHB&PT, tướng Khin Nyunt, đã bị loại sau khi lên cầm quyền. Cựu chủ tịch HĐQGHB&PT, tướng Ne Win, đang ngồi tù sau một cuộc thanh trừng vô tiền khoán hậu.

Nói tóm lại, việc tiếp tục quản thúc nhà lãnh tụ của đảng LMDTDC sẽ là cản trở đáng ngại cho tiến trình dân chủ hóa Miến Điện và cô lập hóa chế độ, mặc dù tập đoàn quân phiệt Miến đang cố gắng phá tan vòng vây bằng những củng cố nội bộ và những nỗ lực bang giao với Trung Quốc, Bắc Hàn, Thái Lan và… Việt Nam.

Tưởng cũng cần nhắc lại là vào năm 1990, trước áp lực của người dân, chính quyền quân đội đã phải chấp nhận tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Kết quả mang lại toàn thắng cho đảng LMDTDC. Tuy nhiên, chính quyền quân phiệt chưa bao giờ nhìn nhận kết quả bầu cử và đã ban hành lệnh thiết quân luật, bắt bớ, giam cầm và thủ tiêu những nhân vật đối kháng. Lãnh tụ đảng LMDTDC, bà Aung San Suu Kyi, đã bị bắt và bị quản thúc từ đó. Để ủng hộ cuộc tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện, giải thưởng Nobel Hòa Bình 1991 đã được trao tặng cho bà.

Bà Aung San Suu Kyi được trả tự do vào năm 2002. Nhưng trước làn sóng ủng hộ nhiệt tình của người dân, chính quyền Miến Điện đã dàn dựng một tai nạn xe hơi vào năm 2003 để hành hung những người tháp tùng bà trong một chuyến thăm viếng ngoại ô thủ đô.
Tháng 5-2003, bà lại bị bắt và bị quản thúc cho đến nay.

Nguyễn Vũ Bình được trả tự do

Một nguồn tin đáng tin cậy từ trong nước ngày 4-6-2007 cho biết nhà dân chủ trẻ Nguyễn Vũ Bình sẽ được trả tự do. Cùng ngày này, một toán công an bảo vệ chính trị đã lên đường vào trại giam Thanh Cẩm để làm thủ tục và đưa Nguyễn Vũ Bình về Hà Nội. Tin này sau đó đã được kiểm chứng, Nguyễn Vũ Bình đã về tới Hà Nội ngày 8-6-2007.

Nguyễn Vũ Bình, sinh ngày 2-11-1968 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nghèo thuộc thành phần cộng sản trung kiên, tốt nghiệp chính trị và kinh tế năm 1990 tại Đại Học Tổng Hợp Hà Nội và trở thành ký giả Tạp Chí Cộng Sản, cơ quan lý luận trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1992.

Tháng 1-2000, Bình đột ngột từ chức khỏi Tạp Chí Cộng Sản và nộp đơn xin thành lập đảng Tự Do Dân Chủ. Bình mau chóng trở thành một khuôn mặt nổi của phong trào dân chủ Việt Nam. Tháng 9-2001, Bình cùng với các khuôn mặt dân chủ nổi tiếng như Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, v.v. thành lập Hội Chống Tham Nhũng và lập tức bị bắt giam nhưng được trả tự do ngay sau đó và bị kiểm soát nghiêm nhặt. Dù bị thẩm vấn hàng ngày và đấu tố tại địa phương Bình vẫn tiếp tục hoạt động cho dân chủ.

Tháng 8-2002, Bình trở thành thành viên sáng lập Nhóm Dân Chủ. Đây là một hành động rất can đảm vì lúc đó một đợt đàn áp thô bạo đã được tung ra. Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang và Phạm Hồng Sơn đã bị bắt.
Ngày 25-9-2002, đến lượt Nguyễn Vũ Bình bị bắt. Ba tháng sau đến lượt Phạm Quế Dương và Trần Khuê, hai phát ngôn viên của Nhóm Dân Chủ bị bắt. Ngày 31-12-2003, tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án Nguyễn Vũ Bình 7 năm tù giam.

Trường hợp Nguyễn Vũ Bình rất đặc biệt so với những người dân chủ bị bắt và kết án khác. Ngay khi bị bắt, Bình đã bị đưa đi Hà Đông và biệt giam thay vì bị giam giữ tại Thanh Liệt như những người khác. Trong hai năm liền, gia đình Bình không được thăm viếng ; sau khi bị kết án, Bình vẫn tiếp tục bị biệt giam thay vì bị giam chung với các tù nhân khác. Phiên tòa xử Nguyễn Vũ Bình cũng không giống các phiên tòa xử những người khác. Bản cáo trạng không bao giờ được công bố và cũng không được trao cho gia đình và luật sư. Luật sư Đàm Văn Hiếu chỉ được đọc cáo trạng này một ngày trước phiên tòa và không được quyền ghi chép.

Sở dĩ có cách đối xử đặc biệt như vậy là vì chính quyền cộng sản cho Bình là đầu não của phong trào dân chủ. Họ bắt Bình vì sợ khả năng thuyết phục, lôi cuốn và tổ chức của Bình chứ hoàn toàn không có một chứng cớ cụ thể nào.

Nguyễn Vũ Bình đã rất thận trọng không tạo một lý do nào để chính quyền cộng sản có thể dùng làm lý cớ bắt giam, anh có viết một số bài vận động cho dân chủ với lý luận rất vững chắc và cách diễn đạt rất hoàn chỉnh nhưng luôn luôn ôn hòa và chừng mực, không bao giờ dùng những lời lẽ và luận điệu khiêu khích. Nói chung, Bình không bị bắt vì những gì anh đã làm mà vì những gì đảng cộng sản nghĩ rằng anh có thể làm. Cũng vì lý do đó mà trong suốt thời gian 5 năm bị giam giữ, Bình đã bị biệt giam vì người ta sợ anh sẽ lôi kéo thêm các tù nhân khác.

Trước phiên tòa, Bình đã không biện hộ mà chỉ hô to "Tự do hay là chết !".

Lần lượt các tù nhân chính trị, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn được trả tự do trừ Nguyễn Vũ Bình. Trong dịp ông Phạm Gia Khiêm, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Hà Nội đến Hoa Kỳ tháng 4-2007 để thảo luận về chuyến công du của ông Nguyễn Minh Triết, ngoại trưởng Mỹ đã chính thức đặt vấn đề trả tự do cho Nguyễn Vũ Bình và ông Phạm Gia Khiêm đã tuyên bố đồng ý. Người ta chờ đợi Nguyễn Vũ Bình sẽ được trả tự do trong dịp 30-4 vừa qua. Tuy vậy Hà Nội vẫn tiếp tục giam giữ Bình và chỉ chấp nhận trả tự do cho Bình ngay trước chuyến đi của ông Nguyễn Minh Triết.

Nguyễn Vũ Bình là trường hợp điển hình của một người mắc nạn chỉ vì có khả năng và khí phách làm đảng cộng sản lo sợ.

Hải Phòng : công nhân đình công

Bắt đầu từ ngày 16-5-2007, hơn 800 công nhân công ty giầy Phúc An, có vốn đầu tư 100% Đài Loan nhưng được núp dưới danh nghĩa liên doanh tại Hải Phòng, đã tổ chức đình công. Đại diện công nhân gửi yêu sách lên giám đốc công ty đòi giảm giờ làm việc theo lụât lao động Việt Nam và tăng mức lương theo quy định của chính phủ Việt Nam đã ban bố đối với công nhân làm việc trong các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong đơn thỉnh cầu gửi các cơ quan thông tấn báo chí trong nước của công nhân có đoạn viết : "Thường thường chúng tôi phải làm việc từ 10 đến 12 giờ một ca/ngày, phải đi làm thêm cả 4 ngày chủ nhật trong tháng mà lương mới xấp xỉ đạt mức sàn quy định của chính phủ. Nếu ai không chịu đi làm thêm chủ nhật thì bị ông chủ trừ đi một khoản tiền gọi là "tiền chuyên cần". Chúng tôi đa số là phụ nữ trẻ, do bị bắt ép làm thêm giờ liên tục như vậy nên mỗi khi đi làm về là phải đi ngủ ngay mới có đủ sức khoẻ để đi làm vào ngày hôm sau. Chúng tôi không còn thời gian cho sinh hoạt cá nhân chứ chưa nói đến việc còn thời gian để vui chơi, giải trí, tham gia các sinh hoạt văn hóa, thể thao... Chúng tôi đã nhiều lần phản ảnh tình trạng này lên Ban lãnh đạo công đoàn công ty, nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm".

Hàng ngày từ lúc 7 giờ sáng hơn 800 công nhân tập trung một cách ôn hòa tại cổng công ty chờ được đối thoại với đại diện ban giám đốc và cùng ra về vào lúc 9 giờ. Được biết cho đến nay (ngày 23-5) cuộc đình công vẫn tiếp diễn vì yêu sách chưa được chấp thuận.

Lấy lý cớ bảo đảm an ninh trật tự, công an quận sở tại bố trí một lực lượng công an giám sát cuộc đình công. Một vài cá nhân trong nhóm công an đã có những lời nói đe dọa công nhân đình công và ngăn cản, xua đuổi những người dân nào qua đường vì tò mò mà dừng lại quan sát.

Một sự kiện khác : sáng ngày 18-5, tức vào thời điểm cuộc đình công đã xảy ra được hai ngày, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có việc đi qua cũng dừng lại chuyện trò với một vài công nhân trong nhóm đình công. Ngay sau đó, ông đã bị một công an theo về tận tư gia tra hỏi về nguyên cớ có mặt tại nơi công nhân đình công. Buổi chiều cùng ngày, một công an thuộc phòng PA 25 cũng đến tư gia của ông tra hỏi với nội dung trên, và cảnh báo việc công an Hải Phòng có gửi hồ sơ sang viện kiểm sát truy tố ông hay không tuỳ thuộc vào các động thái của ông đang diễn ra.

Hai ngày trước đó nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cũng đã bị triệu tập lên công an Hải Phòng để nghe đọc biên bản giám định các bài viết của ông và tài liệu ông lưu trữ trong máy điện toán (còn bị niêm phong). Nội dung biên bản giám định là : "Làm ra, lưu trữ, truyền bá các tài liệu chống phá nhà nước Việt Nam, vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự".
Thông Luận

Không có nhận xét nào: