Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

Việt Nam có lập được Tòa Hiến pháp không?

Nguyễn Giang

Trong bối cảnh Việt Nam đã có một Quốc hội mới và nhất là vì nhu cầu hội nhập quốc tế, đang có thêm các tiếng nói đề nghị lập Tòa Hiến Pháp để diễn giải luật theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong bài trên tờ Tuổi Trẻ điện tử hôm 10/06 cho rằng "Đã đến lúc lập tòa án hiến pháp" và đề nghị Quốc hội bầu ra các thành viên Tòa.

Theo ông, Đại hội X của đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu "xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, người thường xuyên vận động cho cải cách kinh tế và cải tổ cơ chế tại Việt Nam những năm qua tin rằng:

- "Nếu được thành lập, tòa án hiến pháp sẽ là một thiết chế để bảo vệ nhân dân, tránh sự cẩu thả và suy diễn, cũng như thói quen làm việc mà không cần nghĩ đến luật của các cơ quan nhà nước".

Theo TS Lê Đăng Doanh, "Từ sự phán quyết của tòa án này dựa trên cơ sở hiến pháp, tiền đề cho một nhà nước pháp quyền mới được xây dựng. Bởi nếu chỉ có công dân tuân theo pháp luật thôi chưa đủ".

Nhận xét chung, ông cho rằng "Bộ máy nhà nước của chúng ta vẫn đang ở dạng nhân trị chứ chưa phải pháp trị".

Cơ chế chọn Tòa Hiến Pháp

Tuy thế đây không phải là một chuyện dễ dàng như lời Giáo sư luật Nguyễn Vân Nam từ thành phố Hồ Chí Minh, người tin rằng không thể để Quốc hội lo việc đó mà cần để người dân được bầu thẩm phán Tòa hiến pháp.

Ông cho rằng, "Để một ủy ban của Quốc hội lo công việc như tòa hiến pháp là không đủ và còn sai nữa".

Và "Việc lập pháp của QH có thể cũng có lúc vi hiến nên phải có một cơ quan độc lập kiểm tra, giám sát chính quốc hội".

Ông bày tỏ quan điểm rằng nhu cầu cần có tòa này trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là rõ ràng, thậm chí "bây giờ mới bàn là đã quá muộn" nhưng lo ngại về khả năng của các thẩm phán Việt Nam.

Tại các nước Phương Tây, thẩm phán tòa hiến pháp là những giáo sư, luật sư giỏi và có uy tín lớn trong ngành, hoạt động độc lập với mọi sức ép chính trị.

Từ cá nhân cho đến đảng phái chính trị, các hiệp hội đều phải bình đẳng trong việc tuân thủ hiến pháp

Giáo sư Nam, tốt nghiệp tiến sĩ luật ở ĐH Humboldt, Đức cho rằng cần để cả các chuyên gia Việt Kiều nắm vững luật hiến pháp tham gia Tòa.

Mặt khác, theo Giáo sư (GS) Nguyễn Vân Nam, Tòa Hiến pháp phải có thẩm quyền xem xét việc có vi hiến hay không của tất cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Việt Nam.

Ông cũng cho rằng trên nguyên tắc nhà nước pháp quyền định nghĩa "Mọi cơ quan nhà nước phải hoạt động dựa trên một bộ luật cơ bản là Hiến pháp".

Đối với các nước Âu Mỹ, tùy mức độ nhưng tòa hiến pháp hoặc tòa tối cao có chức năng diễn giải hiến pháp có thể trả lời về việc luật này hay luật kia có đúng hiến pháp không trong trường hợp tranh cãi giữa chính các bộ, và cũng có thể hủy luật hoặc quyết định tòa cho là vi hiến.

Theo GS Nguyễn Vân Nam, đã nói đến nhà nước pháp quyền, điều chính quyền Việt Nam đang cam kết thực hiện thì:

- "Các thành viên trong xã hội, từ cá nhân cho đến đảng phái chính trị, các hiệp hội đều phải bình đẳng trong việc tuân thủ hiến pháp."

Lỗi hệ thống?

Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã tạo ra những nền tảng pháp lý cho xu hướng cải tổ kinh tế nhưng bộ máy công quyền thì thay đổi không nhiều so với thời bao cấp.

Các sáng kiến cập nhật nhất về cải tổ bộ máy vẫn do đảng cầm quyền đưa ra qua các kỳ Đại hội.

Sau Đại hội X, các ban ngành của đảng cũng được giảm và nhiều hoạt động chuyển sang bên chính quyền.

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng nhằm tinh giản bộ máy và tăng hiệu năng của các cơ quan công quyền.

Tuy thế, các cấp lãnh đạo cao nhất vẫn có vẻ còn lúng túng giữa việc sửa một cơ chế đã cũ và kém hiệu quả với việc xây dựng một mô hình chính trị mới.

Rất nhiều chính sách và quyết định có hướng đi đúng đã không phát huy được hiệu quả trong một bộ máy quá lớn và nhiều "lỗi hệ thống".

Tham nhũng và bè phái cũng là những nguyên nhân cản trở cải tổ bộ máy.

Nhiều ý kiến cho rằng nỗ lực xây dựng một cơ quan độc lập để giám sát sẽ vấp phải việc một thực tế là đảng cầm quyền chưa có thói quen lãnh đạo bằng luật.

Một số quan chức cao cấp gần đây đã thẳng thắn bác bỏ nguyên tắc tam quyền phân lập vốn là nền tảng của nhà nước pháp quyền.

Trong khi các phương thức điều hành cũ như vận động cán bộ, tuyên truyền, chỉ đạo và nghị quyết của đảng vẫn còn rất phổ biến.


--------------------------------

Bài do tác giả, Trưởng ban Việt ngữ BBC, gửi cho DCVOnline.

Không có nhận xét nào: