Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007
Ông Triết chối việc bắt người bất đồng chính kiến
Hình bên: Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết của nước Cộng Sản Việt Nam, trái, được ông Marshall Carter, phó chủ tịch thị trường chứng khoán New York tiếp đón, khi ông tới thị trường chứng khoán hôm Thứ Ba, 19 Tháng Sáu. Ðứng giữa là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine. (Hình: AP/Richard Drew)
NEW YORK 19-6 (TH) - Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam, nói rằng, “không hề có chuyện bắt bớ, xét xử vì lý do bất đồng chính kiến” ở Việt Nam.
Ông Triết nói như vậy khi đến New York ngày 18 Tháng Sáu, 2007 mở đầu chuyến thăm Mỹ 6 ngày. Ông Triết, theo tường thuật của báo điện tử VietNamNet, nơi đây ông đã gặp “phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và đại diện bà con kiều bào Việt Nam tại Mỹ và Canada đang có mặt ở New York”.
“Họ hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác, lên kế hoạch lật đổ chế độ.” Báo VietNamNet thuật lời ông nói như vậy. “Hành động như vậy không thể chấp nhận được.”
Ông Triết nói như vậy để giải thích trả lời cho những đả kích về gia tăng đàn áp nhân quyền, bắt giam và bỏ tù các người vận động dân chủ hóa Việt Nam. Những gì ông nói ra không có gì mới mà vẫn là luận điệu cũ từng được chế độ Hà Nội đưa ra để biện giải cho các bản án.
Hiến pháp CSVN xác nhận công dân có các quyền căn bản từ tự do báo chí, hội họp, biểu tình, tự do tín ngưỡng. Bản hiến pháp của chế độ cũng không có điều nào cấm người dân lập đảng chính trị mà nhiều lần quan chức cao cấp của chế độ, thí dụ Phan Văn Khải, từng tuyên bố “cái gì luật pháp không cấm thì người dân có quyền làm”.
Hiến pháp CSVN không cấm lập đảng chính trị, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài sau khi đã nghiên cứu “luật mẹ,” tức hiến pháp CSVN, đã viết một bài trên website của BBC hồi năm ngoái như vậy. Nhưng chế độ Hà Nội dựa vào “luật con” từ Bộ Luật Hình Sự, điều 88 với lời lẽ mơ hồ ghép tội “tuyên truyền chống nhà nước” cho những gì nghe không lọt tai kẻ cầm quyền. Những người bị bắt giam, quản chế, hay bỏ tù đều nhiều lần viết bài phổ biến trên Internet đòi dân chủ hóa đất nước, tức nêu các ý kiến “bất đồng chính kiến”.
Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, hơn một tháng trước khi ông Triết sang Mỹ, đã bị kêu án 5 năm tù theo điều 88. Ngoài Luật Sư Ðài, 8 người khác kể cả Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị kêu án từ 8 năm đến 3 năm tù cho cùng một tội danh.
Trong một cuộc phỏng vấn của đài RFA hôm 16 Tháng Sáu năm 2007, ông Lê Hồng Hà, một cựu đảng viên và cũng từng là viên chức cao cấp Bộ Nội Vụ CSVN nói rằng, “trong các vụ xử (các người bất đồng chính kiến) vừa qua, phải nói rằng các cơ quan tư pháp của Việt Nam đều vi phạm pháp luật.”
Quốc Hội Hoa Kỳ, Liên Âu từng nhiều lần ra nghị quyết lên án chế độ Hà Nội đàn áp người đòi dân chủ hóa đất nước một cách ôn hòa. Tổng Thống Bush đã gặp một số nhân vật cộng đồng, cũng như dân cử địa phương gốc Việt để tham khảo trước khi gặp ông Triết ở Tòa Bạch Ốc vào sáng 22 Tháng Sáu, 2007 tới đây.
Miễn thị thực chiếu khán cho Việt Kiều?
Cũng trong bài nói chuyện với vài chục người “đại diện kiều bào” ở New York, ông Triết nói rằng, “Kể từ 1 Tháng Chín năm 2007, bà con kiều bào khi về nước sẽ được miễn thị thực” hộ chiếu, VietnamNet kể lại.
Hồi Tết Ðinh Hợi vừa qua, ông Triết cũng từng đề cập chuyện này. Ngay từ năm ngoái, nhiều viên chức cao cấp Hà Nội từng nói đến sự “triển khai” “nghị quyết 36” tức chính sách đối với “Việt kiều” có cả khoản miễn thị thực hộ chiếu. Nay ông Triết loan báo thời điểm bắt đầu.
Tuy nhiên, Nguyễn Phú Bình, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách “Ủy Ban Về Người Việt Ở Nước Ngoài” khi tham dự “Hội nghị toàn quốc sơ kết về 3 năm thực hiện nghị quyết 36” ngày 10 Tháng Tư, 2007 ở Hà Nội nói rằng, không phải ai cũng được miễn hộ chiếu mà “sẽ có sự sàng lọc giữa những người đủ và không đủ điều kiện nhập cảnh theo qui định của nhà nước”.
Ông Triết chỉ nói ra cái tổng quát của chính sách để tuyên truyền và lờ chi tiết giới hạn. Nói khác, những người bị liệt vào thành phần bị Hà Nội gọi là “bọn phản động lưu vong” tức những người lên tiếng đòi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam sẽ bị “sàng lọc”.
Một số người sau khi về đến phi trường Hà Nội hoặc Sài Gòn, đã từng bị công an thu giữ hộ chiếu và trục xuất trở ra và không được giải thích thích đáng tại sao lại như vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét