Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007
Ông Triết tới rồi !
Trần Khải
“… không có ai muốn dân mình nghèo hoài, và cũng không có ai ở hải ngoaị muốn nước mình độc đảng toàn trị hoài …”
Vậy là ông Triết tới Mỹ rồi. Chủ Tịch Nhà Nước CSVN Nguyễn Minh Triết đã xuống phi trường quốc tế John F. Kennedy hôm Thứ Hai để khởi đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ 6 ngày. Dân Việt tại Hoa Kỳ đang quan sát chuyến đi với nhiều suy nghĩ, và cách ứng phó khác nhau.
Cuộc biểu tình lớn nhất dự kiến sẽ thực hiện sáng Thứ Sáu nơi công viên trước Tòa Bạch Ốc. Theo nghị trình, ông Triết sẽ họp với TT Bush nơi đây, và cùng chứng kiến việc ký kết một văn bản khởi đầu cho khả thể một hiệp ứớc tự do mậu dịch giữa hai nước. Những người biểu tình bên ngoài dự kiến sẽ mang nhiều biểu ngữ với hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng ở phiên tòa Huế ba tháng trước, vào lúc nhà nước CSVN khởi sự đợt đàn áp các nhà dân chủ VN, và làm phong trào dự kiến có thể sẽ tê liệt hoặc suy yếu một thời gian daì vì nhiều tác nhân ưu tú đã lãnh án tù, hay phải đào thoát, hoặc bị mất tích.
Dù trong bầu không khí nhân quyền u ám như thế, chuyến đi của ông Triết cũng dự kiến sẽ là một thành công lớn về mặt kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục... vì sẽ giúp thêm nhiều ký kết để thúc đẩy kinh tế VN.
Bản tin đài RFA hôm Thứ Hai ghi nhận:
“...tin từ Washington mà Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi nhận được cho biết công ty Boeing của Mỹ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận bán thêm máy bay cho công ty hàng không Vietnam Airlines, song song với những giao kèo hợp tác về năng lượng, viễn thông, kỹ thuật tin học và tài chánh mà các cơ quan, công ty, tổ chức liên hệ giữa hai bên sẽ ký kết trong những ngày tới, khi ông Triết có mặt ở Mỹ.”
Cũng RFA cho biết là ngày Thứ Ba, ông Triết sẽ đến thăm Thị Trường Chứng Khoán New York để thảo luận với Hội Đồng Quản Trị của Thị Trường và dự buổi lễ ký kết hợp tác giữa Thị Trường Chứng Khoán New York với sàn giao dịch của thành phố Sài Gòn, và “trị giá các giao kèo thương mại được các công ty Việt-Mỹ ký kết trong một vài ngày tới được nói lên đến hơn 4 tỷ đô la.
“Các viên chức đặc trách thương mại hai nước đều nói tin tưởng chuyến viếng thăm sẽ mở một chương mới cho mối quan hệ về kinh tế. Năm ngoái, mức trao đổi thương mại hai bên lên đến 9 tỷ 700 triệu đô la, trong đó Việt Nam thu được 8 tỷ 600 triệu nhờ bán hàng sang Mỹ.
“Ông Triết cũng sẽ có buổi làm việc riêng với Ban Giám Đốc Đại Học Harvard, trong mục tiêu muốn Hoa Kỳ giúp Việt Nam xây dựng một trường đại học cao cấp...”
Đặc biệt, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có một lá thư tình gửi TT Bush, theo RFA thì “ông Nguyễn Tấn Dũng có gửi một lá thư riêng cho Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush để... kêu gọi phía Mỹ giúp huấn luyện cho các giáo viên Việt Nam, và mở rộng chương trình cho sinh viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ du học.”
Và chuyến đi hy vọng sẽ gỡ đươc khúc mắc cuối cùng của vấn đề chất da cam, khi “phía Việt Nam sẽ yêu cầu Hoa Kỳ thực hiện hai điều, thứ nhất là trợ giúp cho các nạn nhân bị ảnh hưởng và thứ nhì là thực hiện chương trình làm sạch những khu vực vẫn còn bị nhiễm độc bởi chất hóa học này.
“Theo chỗ chúng tôi được biết, đến bây giờ phía Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên lập trường là không có bằng chứng khoa học để xác nhận sự liên hệ giữa chất da cam với khoảng 3 triệu người đang bị ảnh hưởng về sức khoẻ mà phía Việt Nam đưa ra. Tuy nhiên, một viên chức yêu cầu không tiết lộ danh tánh cho Ban Việt Ngữ biết Washington sẵn sàng thảo luận cởi mở về chương trình hợp tác nhân đạo để giúp đỡ cho những người Việt Nam không may.”
Nghĩa là một chuyến đi sẽ giải quyết rất nhiều việc. Không chỉ là tiền, mà còn kết thân cả khoa học, giáo dục... Thực sự, đại đa số người Việt hải ngoại không hề chống việc kết thân Mỹ-Việt, vì về lâu dài điều này có lợi cho mức sống người dân VN, cho nền kinh tế VN thêm sức mạnh để không lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng Hà Nội cũng cần thấy rằng không thể vì cảm xúc này mà cứ đàn áp nhân quyền, vây bắt các nhà dân chủ, và giữ hoài chế độ độc tài toàn trị.
Một điều nhức nhối nữa là không người Việt nào mong muốn quê nhà mất đất mất biển. Như tuần trước, bản tin Reuters nêu lên một chuyện làm giựt mình: công ty dầu BP rút khỏi một dự án thăm dò và khai thác một Block dầu gần Trường Sa, với lý do để chờ hai nước Trung Quốc và Việt Nam giải quyết cho xong chủ quyền lãnh hải.
Nhà bình luận Trần Bình Nam trong bài viết “Đừng đẩy Việt Nam vào vòng tay Trung quốc” đã nêu lên hình ảnh này:
“...Trong tháng 5/2007 một loạt xử các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền đã diễn ra tại Sài gòn, Huế và Hà Nội gây nên sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Nhưng tệ hại hơn là ông Nguyễn Minh Triết đột ngột đi Bắc Kinh như đi chầu thiên triều để thưa trình trước khi đi Mỹ...
“...Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đang rầm rộ chuẩn bị biểu tình trong dịp ông Nguyễn Minh Triết có mặt tại Hoa Kỳ. Đây là cơ hội tốt nhất về truyền thông để nói lên tiếng nói phản đối chính sách độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, và nhất là phản đối đợt đàn áp các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam qua một loạt truy tố và xử án linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, các ông Huỳnh Nguyên Đạo, bác sĩ Lê Nguyên Sang thuộc đảng Dân chủ Nhân dân trong tháng 5 vừa qua.
“Nhưng trên căn bản, những tổ chức có trách nhiệm tổ chức biểu tình cần thấy rằng đây không phải là cuộc biểu tình chống sự thăm viếng của ông ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay bất cứ người đại diện nào của chính quyền Việt Nam. Chống thăm viếng có nghĩa là chống sự xích lại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Và khi Việt Nam không thể xích lại với Hoa Kỳ thì Việt Nam chỉ còn một đồng minh phương Bắc để xích lại.”
Trong khi đó đài BBC ghi nhận:
“Một phái đoàn đại diện cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ sẽ có mặt tại thủ đô Washington trong hai ngày 19 và 20 tháng Sáu để gặp thượng nghị sĩ và các nhân vật có chức quyền trong chính trường nước Mỹ nhằm trao kiến nghị kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do nhân quyền, ngưng đàn áp đối lập, công nhận công đoàn độc lập.
Phái đoàn gồm mười người sẽ do các Dân biểu Trần Thái Văn và Hubert Võ dẫn đầu, và họ dự tính sẽ tiếp xúc với TNS Jim Webb của đảng Dân Chủ, John Hanford, đặc sứ lưu động của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, Ellen Saubruey, thứ trưởng Mỹ về lao động, dân số và di dân...”
Nhìn lại cho đúng, người Việt hải ngoại lúc nào cũng mong muốn dân chủ và nhân quyền cho VN, và nếu nhà nước Hà Nội không có các bước đi hứa hẹn cởi mở dân chủ thì sẽ khó được ủng hộ toàn lực từ hải ngoại cho các hướng phát triển lâu dài.
Bởi vì không có ai muốn dân mình nghèo hoài, và cũng không có ai ở hải ngoaị muốn nước mình độc đảng toàn trị hoài. Không thấy như thế, sẽ cực kỳ khó đối thoại.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét