Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007
ĐẢNG TỊCH
Gã Mặc lừ đừ từ ngoài cổng bước vào. Tướng gã nhỏ thó nhưng điệu bộ đi cố làm ra vẻ bệ vệ cho đúng cái chức vị của gã. Đồng chí Cao Mặc, thủ trưởng Ngân hàng huyện kiêm Bí thư chi bộ chứ nhỏ gì! Muốn cho có vẻ bề thế, bất cứ lúc nào bước ra khỏi cơ quan, gã cũng kẹp chặt cái cặp táp bằng da rẻ tiền ở nách. Cho dù không có gì quan trọng, gã cũng cố nhét giấy tờ vào cho phồng cái cặp lên. Mặt mũi gã lúc nào cũng khẩn trương, đôi mắt chuột láo liên cứ như gã đang ôm một số tài liệu quan trọng liên quan đến vận mệnh của Đảng vậy. Có gì đâu! tờ Quân Đội Nhân Dân cũ đã vài ngày cọng với vài ba bản báo cáo Liên Hàng ở Tỉnh gởi về, không thì gã cũng kiếm một mớ giấy lộn nào đó nhét vào, thế là đầy cặp chứ khó gì. Thỉnh thoảng gã lại lôi trong cặp ra vài bản báo cáo, đọc oang oang cho mọi người trong chi bộ nghe vài con số nào đó của Ngân hàng, rồi gã tặc lưỡi phân tích tình hình kinh tế theo sự hiểu biết mà gã học lóm được của các đồng chí trên Ngân hàng Tỉnh. Thế mà các vị Chủ Tịch kiêm Phó Bí thư, Trưởng Công an Huyện cùng các Thủ trưởng cơ quan ban ngành cứ há hốc mồm ra nghe gã thuyết mới chết chứ! Nghe mê mẩn đến độ mà nước dãi chảy ra hai bên mép cũng chẳng buồn chùi. Cũng chẳng trách cứ các đồng chí ấy làm gì, vì các đồng chí vốn trưởng thành trong súng đạn chứ nào biết đến những chuyện vĩ đại như vấn đề lợi nhuận, tái phân phối lợi tức..v..v... mà gã Mặc cứ mửa ra trong mỗi buổi họp. Thưở học văn hoá cấp tốc, những đồng chí ấy chỉ làm cái toán nhân hai con đã phải mất cả giờ, mà còn nhức cả óc nữa. Giá cứ đi đánh giặc mãi vẫn muôn vàn lần dễ hơn là ngồi nghe đồng chí Mặc thuyết trình về đề tài làm thế nào để cải tiến tình hình kinh tế ở huyện nhà. Ở cái huyện con con này, quanh quẩn khu phố chỉ độ chục căn nhà xây không hơn không kém, số người Kinh chỉ bằng nửa số người Thượng thì cái chức Thủ trưởng Ngân hàng huyện kiêm Bí thư chi bộ quả là một ông tướng con. Địa vị của gã lại được đánh bóng thêm qua mỗi lần nhân viên tài chánh của các cơ quan đến Ngân hàng để rút tiền về phát lương vì ai cũng muốn mau mau lấy tiền về mà chi tiêu, chứ không nhà nước hết... tiền thì khốn nạn. Biết vậy, nên lần nào gã cũng hạch sách đủ điều, viện vào lẽ này lý kia. Gã gân cổ giảng giải, cố ý để cho đám nữ nhân viên, nửa Bắc, nửa Nam nghe:
- Các đồng chí phải nắm vững các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ. Chứ không phải tiền cứ phát tưới cho các đồng chí đâu. Trung Ương chưa in tiền kịp thì đào mả bố tôi ra để phát cho các đồng chí à!
Gã nói thế mà quên rằng đây là tiền lương hàng tháng của các nhân viên ban ngành chứ có phải tiền đi xin đâu. Gã tự phong cho mình cái quyền phát tiền cứ như vua ban ơn mưa móc cho dân trong thời phong kiến. Có lúc gã lẩn thẩn nghĩ đến việc sao Trung Ương làm ăn chậm chạp quá, cứ in mẹ nó khoảng vài trăm triệu để chi dần có hơn không! Giấy đó, máy in đó, in ào ào đi chứ. Đất nước nay đã thống nhất rồi, quyền nơi mình muốn gì chả được; có đâu mà rót tiền về địa phương nhỏ giọt thế, chả ăn nhằm gì đến bản kế hoạch tài khoá nộp hàng năm gì cả! Rồi gã tắc luỡi:
- Mấy ông Trung Ương này là chúa bệnh giấy tờ.
Sáng hôm nay, gã đi họp ở bên Huyện đội về. Buổi họp bàn về tình hình an ninh của huyện, làm thế nào để bảo vệ các đồng chí cán bộ ban ngành khi đi công tác ở các làng mạc xa xôi. Nghe đâu Fulrô bắt đầu mở kế hoạch tấn công và ám sát các cán bộ đi bám làng xã. Gã bước về cơ quan với bộ mặt đăm chiêu, mãi đến khi nghe Dũng mở miệng chào gã mới ngẩng mặt lên:
- Chào ông! Ông vừa mới họp ở huyện về?
- Phải! Tình hình căng lắm đấy anh.
Rồi gã bỏ về phòng. Gã có tật hay lấp lửng vậy, để cho ai muốn hiểu sao thì hiểu. Dũng nghe nhưng chẳng để tâm vì biết tính gã lúc nào cũng làm ra vẻ quan trọng. Chàng nhận công tác ở huyện này đã được hơn năm. Cùng đi với chàng có 2 người cùng khóa, Vỹ và Sản. Tất cả đều là sinh viên trong chế độ cũ chuyển tiếp. Tháng tám năm 75, có lệnh tập hợp toàn thể sinh viên các ngành Kinh tế, Luật, và Văn khoa. Cũng như các công binh cán chính, thủ tục đầu tiên là khai sơ yếu lý lịch. Độ vài tháng sau thì khai lý lịch chi tiết, kể từ năm 1954 trở lại. Vì gia đình Dũng di cư năm 54, nên trong lần khai chi tiết có cả mục từ năm 1945 đến 1954. Bố Dũng dặn dò một câu:
- Anh nhớ phải làm một bản sao. Khai thế nào thì trước sau phải như một, không thay đổi lấy một chi tiết nào cả, cho dù một dấu phẩy.
Chàng còn nhớ ngày đầu tiên tựu trường, toàn là khuôn mặt lạ. Lạ từ các giáo viên giảng dạy đến các sinh viên trong trường. Giáo viên toàn là người miền Bắc, nghe đâu từ trường Kinh tế ở Hà nội mới điều vào. Vì lệnh tập hợp cho cả sinh viên từ Huế, Đà lạt, Long Xuyên và Cần thơ nên đám sinh viên cũng lạ nữa. Kiếm mãi mới gặp được vài thằng bạn cũ. Hỏi han ra mới biết bạn bè có thằng đã lên tàu đi một mình, có thằng ra đi với gia đình, có đứa đã đổi về miền quê. Quanh đi quẩn lại Dũng chỉ còn vài thằng bạn cùng lớp, trong đó có Vỹ. Gặp lại Vỹ, chàng hết sức mừng và biết thêm ông bố đã bị dẫn đi vào một đêm tối trời. Ông bố làm lớn trong bộ Tổng Tham Mưu, kẹt lại đàng sau trong những ngày lừa đảo cuối cùng. Cái cảm giác hụt hẫng của ngày 30 tháng 4 vẫn còn in đậm nét trong tâm trí của những thằng sinh viên như Dũng. Ôm một mớ kiến thức nửa thầy nửa thợ trong giai đoạn chuyển tiếp như thế này quả là vô ích. Chàng đến trường theo lệnh tập hợp chỉ vì chàng chẳng biết làm gì hơn trong khung cảnh tranh tối tranh sáng này. Dũng ngơ ngơ ngáo ngáo ở sân trường như đám bộ đội vào những ngày đầu mất nước. Công việc đầu tiên ở trường là khai lý lịch. Trong tờ khai có mục có công với cách mạng, gã chính trị viên có nước da tai tái trên Thành gởi đến trường hồ hởi giải thích đến văng nước bọt:
- Các anh nhớ khai cho thật rõ đấy nhé. Liên hệ xa gần đến Cách mạng đều ghi ra giấy. Nay đất nước đã thống nhất là đến lúc Đảng sẽ tuyên dương và ghi ơn những thành phần có công trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Anh em nhao nhao lên tiếng hỏi những đoạn không rõ trong tờ khai. Riêng Vỹ nghiêm trang đứng lên:
- Thưa đồng chí! Tôi có thắc mắc này nhờ đồng chí giải đáp dùm. Số là tôi có ông cậu ruột. Gia đình cậu mợ tôi có nuôi một anh tài xế. Anh này đem lòng thương và cưới chị sen ở nhà bên cạnh làm vợ. Người em trai của chị sen này theo cách mạng ở dưới quê. Thế thì tôi có thể khai liên hệ với cách mạng được không ạ?
Cả lớp im lặng một giây rồi bỗng phá lên cười. Tiếng cười nổ ra như quả bong bóng tức hơi vì bị dồn về một phía. Từ ngày mất nước đến giờ chỉ thấy toàn những chuyện nước mắt, chuyện dở hơi, chẳng có chuyện cười. Chưa bao giờ Dũng cười thoải mái đến thế! Vậy mà Vỹ vẫn đứng nghiêm trang chờ câu trả lời của gã chính trị viên. Gã tái hẳn mặt đi một lúc rồi đằng hắng trả lời:
- Tôi nói đến thành phần ruột thịt kia! Trường hợp của anh không kể.
Câu chuyện tưởng chỉ có vậy, chứ không ngờ từ hôm đó Vỹ đã bị ghi vào sổ đen. Lý do Vỹ bị điều lên Cao nguyên, một phần cũng do cái lỗi thưở ban đầu. Ôi! cái thưở ban đầu lưu luyến ấy cứ đeo Vỹ dai dẳng, cho mãi đến bây giờ. Vì có lần gã Mặc thổ lộ với đám nữ nhân viên, trong số đó có Mai, một cô gái lớn lên trong chế độ cũ; và chính Mai đã nói nhỏ cho Vỹ biết:
- Anh Vỹ thuộc thành phần ác ôn đấy các cô nhé! Ông bố đang cải tạo ngoài Bắc. Trong khi đi học, anh này có những tư tưởng phản động lắm kia!
Rồi gã thêm:
- Thế mới biết chính sách khoan hồng của Đảng ta thật là kỳ diệu. Cứ như ở ngoài Bắc ta thì anh này phải đưa đi cải tạo tư tưởng từ lâu rồi. Các cô để ý nhé! Có gì báo cho tôi biết.
Câu chuyện lý lịch cứ như chuyện dài Nhân dân tự vệ, vì trong suốt thời gian 2, 3 năm học tập chính trị, Dũng và tất cả sinh viên lưu dung phải khai đi khai lại khoảng hơn chục lần. Vì được ông bố dặn dò trước nên chàng cứ sao y bản chánh cho dù phòng Triết học Mác-Lê đôi khi thắc mắc về những chi tiết trước năm 1954. Chuyển biến tư tưởng của Dũng cũng thay đổi theo thời gian. Chàng bỗng nhiên thấy "hối hận" vì những hành động vô ý thức trước đây cho dù Dũng cả có một chút gì "nợ máu" với nhân dân cả. Cũng như những thanh niên lớn lên trong lửa đạn, Dũng theo học Đại học vì khả năng tài chánh và kiến thức cho phép. Cha mẹ chàng phải tần tảo để có chút tiền chu cấp cho con ăn học, chứ chẳng phải dễ dàng gì. Học tập được khoảng hơn năm, nhà nước đã gieo vào đầu những thằng thanh niên như Dũng cái mặc cảm tội lỗi là lớn lên trong tình hình đất nước như thế mà có thể bình thản an tâm học hành. Cái mặc cảm lớn dần cho đến ngày mãn khoá, Dũng thấy mình cần phải "đoái công chuộc tội", và chàng tình nguyện nhận nhiệm sở ở Cao nguyên, vì không một ai thích lên Cao nguyên cả, nơi khỉ ho cò gáy và rừng thiêng nước độc. Có thế nào thì mới có câu ca dao truyền khẩu ở trường "cao nguyên đi dễ khó về" chứ! Dũng lên vùng đất này với tất cả lòng thành và bầu nhiệt huyết, quyết làm một cái gì có ý nghĩa cho đất nước. Sau này chàng mới khám phá ra là vấn đề tình nguyện chỉ là một trò chơi dân chủ của Đảng. Mọi chuyện đã được sắp xếp sẵn. Thật sự những thành phần di cư như Dũng và "ác ôn" như Vỹ, được lên Cao nguyên là may mắn lắm rồi. Tống bố chúng nó lên Lào Cai mới phải kia!
Bước chân lên mảnh đất đìu hiu này còn có Sản. Lý do Sản nhận nhiệm sở như chàng chỉ vì gia đình Sản ở Thị Xã, cách huyện chỉ khoảng vài chục cây số. Mặc dù gia đình Sản quê ở Bến Tre, nhưng lại khăn gói lên Cao nguyên sau ngày mất nước theo sự dìu dắt của người bà con. Ngày đầu tiên, trong buổi họp cơ quan, gã Mặc giới thiệu Dũng, Vỹ, và Sản với mọi người. Thủ trưởng Mặc còn ân cần nhắc nhở thêm vai trò của con người mới trong xã hội mới. Những bài diễn văn đại loại với những danh từ con người mới, xã hội mới, bọn Dũng đã nghe đến hàng trăm lần kể từ buổi học chính trị đầu tiên, thế mà Sản lại phấn khởi ra mặt, cứ như vừa học thêm được một phạm trù mới trong kho tàng kinh điển Mác-Lê không bằng. Mặc vừa dứt lời, Sản đứng bật dậy như sợ có người dành mất cơ hội để bày tỏ nỗi lòng:
- Điều đầu tiên khi chúng tôi bước chân lên Cao nguyên là phải quán triệt được đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sau là muốn góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên muốn thực hiện chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi đang phấn đấu để trở thành con người xã hội chủ nghĩa. Cám ơn đồng chí Mặc đã nhắc nhở.
Có tiếng vỗ tay lẹt đẹt đâu đó. Câu nói của Sản thừa, quá thừa. Nó không gói ghém một tư tưởng nào mới lạ ngoài chuyện làm nổi bật cái bản chất của con người Sản mà thôi. Sản lại mặc nhiên nhận mình đại diện cho cả ba khi tự xưng là chúng tôi. Dũng cúi gầm mặt xuống, đỏ mặt vì ngượng. Sản có quyền phát biểu theo ý kiến cá nhân nhưng Dũng vẫn không đồng ý khi kéo Vỹ và chàng vào. Chỉ vài ngày sau, Dũng có dịp hiểu rõ thêm về con người của Sản. Một buổi tối, bọn Dũng đang chuyện trò, tình cờ có thằng cán bộ miền Bắc đi ngang, lẩn thẩn hỏi một câu:
- Các anh thấy xã hội này thế nào? Có ưu việt hơn xã hội các anh đã sống không?
Dũng nghĩ thầm, thằng này là cái quái gì mà dám thăm dò tư tưởng của mình. Cứ như công an hỏi cung không bằng. Nhìn điệu bộ nghênh ngang, giọng nói hách dịch của nó Dũng thấy đã ngứa mắt, không muốn trả lời. Nhưng Sản lại nhanh nhẩu:
- Ô! Chế độ này tôi thấy ưu việt hơn chế độ cũ nhiều. Anh biết không? Chế độ trước đây chỉ biết có tiền thôi anh ạ! Còn chế độ này đem lại nhiều hy vọng cho dân nghèo lắm, như Hợp tác xã chẳng hạn. Rồi cái nguyên tắc người dân làm chủ thật là tuyệt vời, cái gì cũng là của chung cả. Tóm lại, sống trong xã hội này tôi cảm thấy yên ổn hơn xưa.
Lại thêm một câu nói đãi bôi của Sản. Hình như Sản sợ mọi người nghi ngờ thiện cảm của mình đối với chế độ, nên có dịp là phải thổ lộ tâm can ngay. Câu trả lời của Sản thật sự vừa dài dòng, vừa dở, vừa dốt nữa. Xã hội nào cũng vậy, có cái hay, cái dở. Chế độ trước đây đã cưu mang Sản, không ít thì nhiều đã tạo cho Sản một số vốn liếng kiến thức căn bản. Xã hội hiện tại Sản chỉ mới có kinh nghiệm sống khoảng chừng 3, 4 năm. Chưa đủ cho Sản so sánh để đi đến một kết luận. Nếu không mất nước, giờ này có lẽ Sản đã trở thành Luật sư, đại diện cho tầng lớp trí thức ở miền Nam. Dũng bỗng nghĩ đến cái tiết tháo của kẻ sĩ, và chàng ngậm ngùi khi nhớ lại câu nói của tên lãnh tụ họ Mao: trí thức không bằng cục phân. Vỹ cũng thở dài chán nản vì cùng mang một tâm trạng như chàng.
Sau vài ba ngày làm quen với sinh hoạt của cơ quan, Dũng hầu như đã thuộc tên từng người một. Nắm sinh hoạt Đoàn thanh niên Hồ chí Minh và Công đoàn là Nhị, một người đàn bà trẻ măng, nhanh nhẹn, xốc vác. Nhị đặt trọn niềm tin vào Đảng như những thanh niên nam nữ lớn lên trên đất Bắc. Nàng quyết ra đi, đem tài năng thu thập được ở trường để phục vụ miền Nam, nơi mà Nhị được học tập rằng trình độ hiểu biết hết sức yếu kém vì bọn ngụy áp dụng chế độ ngu dân. Sinh hoạt trong Đoàn thanh niên đa số gồm toàn nhân viên miền Bắc. Cỡ như Dũng phải phấn đấu tướt bơ may ra mới được kết nạp vào Đoàn. Đứng ngoài "vòng pháp luật" còn có Vỹ, Sản và Mai. Mai rất thân với bọn Dũng, bất cứ chuyện gì xảy ra trong cơ quan trong thời gian chàng bận công tác ở xã, nàng đều kể lại với mọi chi tiết. Trẻ hơn Mai còn có Lài, một cô gái sinh trưởng ở huyện này. Lài được thu nhận vào những ngày đầu tiên thành lập Ngân hàng ở huyện, khi gã Mặc khăn gói đến tiếp thu văn phòng của Ngân hàng Phát Triển Nông nghiệp cũ. Mặc dù nàng chưa học hết lớp 9, gã Mặc đánh giá trình độ của Lài rất cao. Gã giao cho Lài những công việc gần như vượt khỏi tầm hiểu biết của nàng với lời trấn an:
- Cô đừng lo! Mọi việc rồi đâu sẽ vào đấy. Chúng ta làm việc trong tinh thần tập thể mà. Giúp nhau làm việc, không sao hết! Có gì không hiểu, cô cứ mạnh dạn hỏi tôi.
Lẫn lộn trong số nhân viên có năm người đàn ông miền Bắc, trẻ nhất mới trên 20 và già nhất xấp xỉ 40, tuổi của gã Mặc. Chỉ cần nhìn năm cái miệng vẩu thì biết tỏng ngay cán bộ đến từ đất Bắc văn vật, khỏi cần phải giới thiệu dài dòng. Riêng Bổn, hắn vẩu vĩ đại. Cặp môi thâm, mỏng lét chỉ vừa đủ che cái lợi cũng thâm đen từ bẩm sinh. Lúc nào cặp răng cửa của hắn cũng chìa hẳn ra như răng thỏ, như để phô trương cái nghệ thuật vẩu hình thành một cách tất yếu trong 30 năm tiến lên xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Một thời hắn đã là đảng viên, trực thuộc ty Thương nghiệp. Chỉ vì chia chắc không đều những vật ăn cắp trong khi giữ chức Chủ nhiệm Hợp tác xã, hắn bị truy tố vì tội tham ô và bị loại trừ ra khỏi đảng. Về sau, Bổn làm đơn xin đi bồi dưỡng một khoá trung cấp về Ngân hàng. Cả huyện chỉ có Bổn là học lực cao, nên trên chấp thuận. Rồi Bổn xin chuyển ngành luôn. Cơ quan Ngân hàng huyện thế là tập trung những nhân viên đến từ nhiều nơi trên đất nước với nhiều tâm trạng khác nhau, trên dưới 20 người dưới sự lãnh đạo "sáng suốt" của thủ trưởng Mặc.
Quan niệm của gã Mặc rất lô-gích. Những nhân viên như Dũng cần phải bám làng xã để rèn luyện thêm, còn số nhân viên miền Bắc thì ăn ở ngay tại cơ quan. Nhịệm vụ của chàng rất đơn giản: thu nợ cũ. Trước khi lên đường, chàng và Vỹ được học tập kỹ càng để giải thích với nhân dân:
- Số tiền nhân dân gởi vào Ngân hàng trước đây thằng Thiệu mang đi hết rồi, nên nhà nước không còn tiền để trả. Còn những ai vay mượn trong hệ thống Ngân hàng cũ thì vẫn phải lo để thanh toán cho nhà nước.
Dũng phải ăn dầm ở dề tại các làng Thượng xa xôi hẻo lánh, có khi cách quốc lộ đến vài chục cây số. Hoàn toàn không có phương tiện di chuyển. May mắn đi nhờ được chiếc xe bò là quý hoá lắm, còn không thì cuốc bộ. Để tránh Fulrô hay tấn công vào lúc chạng vạng tối, Dũng phải khởi hành từ sáng sớm để quá trưa thì đến nơi. Nhịều bữa chàng phải chạy vì trời đã gần tối mà làng mạc vẫn còn xa. Vừa chạy vừa cầu kinh. Trên đường gặp được người Thượng đi rẫy về là chàng bám sát ngay, hỏi thăm làm bạn đồng hành. Có hai vẫn đỡ sợ hơn là một trong lúc trời đang về chiều. Chàng không ngại khó khăn nhưng lối phân công tác của gã Mặc hoàn toàn không phù hợp với khả năng của mỗi người. Có một thằng con nít chưa học hết lớp 5 trường làng, con cháu của lão Chủ tịch huyện, được thâu nhận vào làm cán bộ với nhiệm vụ thu nợ như Dũng. Muời lần thì như chục, thu nợ về là nhân viên phòng kế toán lại bắt thằng bé đi làm lại chỉ vì nó tính toán trật. Chỉ có vài con toán nhân chia mà thằng nhỏ vẫn không "đả thông tư tưởng" được. Mặc dù vậy, thằng bé vẫn được đãi ngộ ở ngay tại huyện. Mỗi sáng, noi gương thủ trưởng Mặc, xách cặp táp đi vòng vòng ở các cơ quan ban ngành tán gẫu. Lâu lâu nó lại hạnh hoẹ những con nợ trong huyện phải kiếm tiền trả nợ cho nhà nước, không có thì bán heo mà trả. Mỗi tuần, thằng bé mang về độ mấy chục bạc thu nợ. Thế mà gã Mặc lại biểu dương thằng bé một cách hồ hỡi mới chết chứ! Dũng cũng biết vậy nhưng không dám lên tiếng vì trong các buổi họp công đoàn, thủ trưởng Mặc ngồi hút thuốc lào vặt, lâu lâu tuyên bố những câu liên quan đến vấn đề chính trị:
- Các đồng chí phải đề cao cảnh giác. Mặc dù đất nước đã thống nhất nhưng các thành phần do địch gài lại vẫn còn cố phá hoại công cuộc tiến lên xã hội chủ nghĩa của ta. Chúng phá hoại dưới mọi hình thức, có thể là tham ô, có thể là xách động rỉ tai quần chúng, hoặc có thể tuyên truyền nhảm nhí văn hoá đồi trụy. Nhịều khi địch ở ngay bên chúng ta chứ không xa. Phải bám sát và báo cáo những thành phần có tư tưởng phản động.
Những thứ văn hoá đồi trụy, rỉ tai quần chúng là ám chỉ bọn Dũng vì lâu lâu Vỹ và chàng cũng ngâm nga nhạc vàng cho đỡ nhớ. Còn Bổn khi nghe nói đến tham ô, hắn có cảm giác như Mặc đang ám chỉ mình. Hắn điềm tĩnh:
- Xin đồng chí cụ thể hơn!
Mặc đứng lên, xoa tay:
- Như thế là cụ thể lắm rồi. Các đồng chí phải biết sáng tạo tình hình để tố cáo kịp thời những thành phần kể trên.
Bổn không thích Mặc, nếu không nói là ghét. Tính Bổn ăn to nói lớn, lúc nào cũng ồn ào. Mặc lại không thích cái lối ôm đồm của Bổn. Về trình độ, Bổn đã học xong đến lớp 10, tương đương với lớp 12 trong Nam, và có thời đã nắm một Hợp-tác-xã rộng lớn ở Thái bình. Mặc kém hơn, gã chỉ bước đến lớp 5 văn hóa bổ túc thì hết hơi và chưa bao giờ làm công tác quản lý cả. Bổn rất tự hào về sự hiểu biết cũng như sự khéo léo gặt hái được qua bao nhiêu năm kinh nghiệm trong hệ thống đảng trị ở miền Bắc. Không khéo léo mà leo được lên đến chức Chủ nhiệm à? Lại còn đảng tịch nữa! Phấn đấu tướt bơ đi chứ! Thoát khỏi cái cửa ải thành phần là đã mệt đứ đừ rồi, còn lại phải đạp lên lưng biết bao nhiêu đồng chí khác mới leo lên chứ tưởng dễ đấy hẳn? Nếu dễ thì 30 triệu nhân dân miền Bắc đã? Qua biết bao nhiêu lần thanh lọc trong nội bộ, Bổn đều thoát cả. Chỉ có cái lần chết tiệt đấy, cái lần mà Bổn mỗi lần nghĩ đến vẫn còn uất, chỉ trách mình quá tham ăn và đánh giá thấp cái thằng Phó Chủ nhiệm mà bị loại ra khỏi đảng bộ. Chúng kết bè kết đảng với nhau để hạ Bổn mà hắn vẫn cứ chủ quan trên quyền hành sẵn có. Bổn chỉ muốn quên đi cái lỗi lầm trong quá khứ, thế mà Mặc không tha. Gã cứ úp úp mở mở nhắc đến vụ tham ô mỗi khi có dịp. Mặc cố ý làm như vậy vì gã nghĩ, thứ nhất để nhắc cho nó nhớ cái thẻ đảng viên đã bị thu hồi. Thứ hai là tạo cho nó cái mặc cảm có tội, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Như thế mới dễ cai trị vì trong cơ quan này gã chỉ gờm mỗi Bổn về mặt chuyên môn. Riêng Bổn rất cay cú mỗi khi Mặc nhắc lại cái dĩ vãng của hắn. Bổn nghĩ thầm cái thằng Mặc này chỉ hơn mình cái búa liềm. Thì đã bảo "hồng hơn chuyên" mà lại! Ngoài cái đảng tịch ra thì thằng rởm này chả là cái gì cả, nếu không nói là ngu. Rồi hắn lại tiếc nuối cái thưở vàng son khi còn là đảng viên. Bố tiên nhân mày! Ông mà còn đảng tịch thì mười mày cũng chẳng bám nổi gấu quần ông, Bổn rủa thầm. Nhưng đó chỉ là mơ ước của Bổn vì bây giờ, Mặc hơn hẳn Bổn, và Mặc biết rất rõ điều ấy. Những thành phần thoái hóa như Bổn chẳng bao giờ ngóc đầu dậy được nên Mặc chẳng phải lo. Địa vị của gã ngày càng được củng cố vì gã kiêm luôn chức lãnh đạo lẫn quản lý trong bộ máy điều hành ở huyện này. Mặc có cái thú đứng giữa phòng kế toán để nạt nộ đám nhân viên đàn bà con gái, vì một vài lỗi lầm nào đó. Những lúc ấy, Mặc cảm thấy uy quyền của gã tăng lên tột độ. Mặc nghĩ đến mấy ông vua thời phong kiến, thì cũng uy quyền đến thế thôi chứ chả hơn. Tiền trảm hậu tấu, gã muốn gì chả được. Thằng chủ xưởng cưa phải năn nỉ mãi, xin thủ trưởng Mặc nhận dùm bộ bàn ghế bằng cẩm lai. Đó là món quà đấm mõm để gã cho phép nó rút thẳng tiền từ trương mục ra chi tiêu mà không phải gởi qua quỹ tiết kiệm, món tiền mà các cơ quan ban ngành chuyển khoản để trả công cho thằng chủ xưởng cưa kiêm thợ mộc qua hợp đồng đóng bàn ghế. Hơn thế, gã sai bảo ai cũng nghe. Muốn người này đi, muốn kẻ kia ở lại cũng do nơi gã. Nhìn khuôn mặt của đám nữ nhân viên xanh tái đi vì sợ hãi mỗi khi Mặc la hét, trong lòng gã hồ hỡi một cách hết sức bệnh hoạn. Gã ví đám nữ nhân viên như số cung phi mỹ nữ thưở xưa. Chúng nó như cục bột, muốn nắn muốn bóp thế nào cũng được…
Mà gã bóp thật.
Thì mới tối hôm qua đấy thôi, Lài lên phòng gã để bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ, gã thò hẳn bàn tay sần sùi vào trong chiếc áo cánh của Lài mà bóp, mặt đờ đẫn cứ như hút đẫy một hơi thuốc lào Lạng Sơn vào lúc bụng đói, thế mà nàng chỉ gỡ tay gã ra lấy lệ:
- Đừng chú! Để Lài học xong đã!
Câu nói của Lài được hiểu ngầm như một lời hứa hẹn. Giống như để nàng học xong đã rồi muốn làm gì thì làm. Nhưng Lài chẳng bao giờ cho gã tiến xa hơn. Cứ hỏi xong một vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, trong khi Lài cẩn thận ghi chép vào cuốn sổ thì bàn tay gã rờ rẫm lung tung lên ngực nàng, Lài cài lại vài cúc bấm bị sổ tung ra dưới bàn tay tham lam của gã, sửa lại chiếc áo cánh rồi đi về phòng mình. Chuyện xảy ra mới vài tháng trước, Lài rụt rè gõ cửa phòng thủ trưởng vào một đêm mưa gió với một thắc mắc kế toán, cái lỗi lầm mà nàng vấp cách đấy không lâu. Cũng một cái sai nhưng gã lại nạt nộ thậm tệ đối với số nhân viên khác. Riêng đối với Lài, gã nói nhỏ với nàng:
- Nếu cô không hiểu, lên phòng tôi sẽ giải thích tường tận cho cô.
Lài suy nghĩ lung lắm. Mãi đến hôm đấy nàng mới hồi hộp gõ của phòng thủ trưởng Mặc. Đêm hôm đó, gã tận tình giải thích cho Lài thuần túy trên phương diện nghề nghiệp. Thật sự thì lời giải thích của gã cũng chẳng giúp Lài thêm tí nào vì càng giải thích nàng càng thấy rắc rối thêm. Có thể vì gã cũng chẳng hiểu hơn Lài bao nhiêu, cũng có thể vì trình độ của Lài không thể nào tiếp thu được. Biết thế, nhưng Lài còn biết hỏi ai bây giờ để che dấu cái dốt của mình mà vì tự ái không muốn hỏi các bạn đồng nghiệp. Chỉ hơn tuần sau, khi Lài lên phòng Mặc với một thắc mắc khác, gã đã cố tình đụng tay vào ngực nàng. Thoạt đầu, Lài nghĩ là Mặc vô tình. Nhưng khi gã đụng đến lần thứ ba trong khi Lài ngồi chưa nóng đít thì nàng không còn nghi ngờ gì nữa. Lài xoay chuyển ý nghĩ rất nhanh. Phải nói là nàng rất sợ uy quyền của thủ trưởng Mặc. Thứ nữa, đụng thế cũng chẳng mất mát gì, cứ làm như không biết là xong. Sau hết, nếu thẳng thắn hất bàn tay đen đủi của gã ra thì tương lai mình sẽ... đen đủi ngay. Vì vậy, Lài cố tình im lặng một cách đồng lõa. Và nàng manh nha thấy một cơ hội để tiến thân. Còn Mặc, gã có con mắt tinh đời khi chọn Lài trong số nữ nhân viên. Trong đám nhân viên miền Bắc chỉ có Nhị được gái hơn cả nhưng nàng đã có chồng, đụng vào chưa chắc ăn cái giải gì mà có thể bị nó vả cho vỡ mặt. Còn lại mấy đứa kia thì mới nhìn đã ngấy rồi vì người chúng quá thô kệch. Cái Nhảy, kiện tướng thủy lợi thị xã Thái Bình lưng nó to bằng tấm phản. Mặc mà đi sau cái Nhảy thì đố ai mà nhìn thấy gã. Chỉ có Lài là gọn người hơn cả. Lài lại trẻ măng, mới mười tám, vừa bước qua cái tuổi bẻ gãy sừng trâu. Nàng không đẹp nhưng gã rất chịu đôi mắt lá răm đa tình ướt át của Lài. Ôi! cái eo nhỏ xíu, thật đúng là lưng ong. Lài nói năng lại nhỏ nhẹ chứ không oang oang như cái Nhị, giọng của loại đàn bà cai chồng. Gã cứ viện lý do bồi dưỡng nghiệp vụ để dụ Lài lên phòng. Gã biết, chỉ cần Lài lên phòng một lần thôi thì mọi chuyện sẽ đâu vào đó theo đúng như dự tính. Mặc rất tin tưởng vào bàn tay nham nhúa của gã. Bàn tay ta làm nên tất cả mà lại! Khi Lài lên phòng lần thứ hai, gã vừa giải thích vừa chỉ tay vào cuốn sách kế toán trước mặt Lài, khi rụt về gã cố ý đụng tay vào ngực nàng. Thấy Lài không nói năng gì, gã tin chắc là cá đã cắn câu. Lần thứ ba, gã ngồi bên cạnh Lài lòng bồi hồi khôn tả. Mùi xà bông gội đầu thoang thoảng trên tóc Lài sao mà thơm thế, chả bù với mùi bồ kết của con vợ nhà quê ngoài Bắc, ngửi hăng hắc thế nào ấy! Mặc nuốt nước bọt, người gã run lên. Gã mon men đưa bàn tay xuống dưới cánh tay Lài rồi nhắm mắt bóp nhẹ vú nàng. Nghe nói con gái miền Nam dữ lắm, Mặc cố chịu đấm ăn xôi, vì gã tính cùng lắm thì nó vả cho mình một cái chứ không hơn. Nhưng Lài chẳng nói năng gì chỉ cặm cụi viết. Chỉ mới bóp qua lần vải áo mà người gã đã nóng ran như lên cơn sốt rét thưở mới vượt rừng Trường Sơn. Gã thở hổn hển rồi run rẩy đưa nguyên bàn tay úp lên vú Lài. Vậy mà nàng chỉ gắt nhẹ:
- Khoan đã nào! Nhăn áo Lài kìa!
Nếu mọi việc xảy ra đúng như gã dự đoán thì chỉ độ một tuần thế nào Lài cũng ngã hẳn vào cánh tay lông lá của gã. Kinh nghiệm trận mạc bao nhiêu lần ở ngoài Bắc đã dạy cho gã chân lý ấy. Nhưng việc đời không phải lúc nào cũng dễ như gã nghĩ, vì bao nhiêu lần gã ra tay chiếm đoạt nhưng Lài vẫn nhẹ nhàng cự tuyệt. Một tay Lài vẫn viết, tay kia nàng khéo léo giữ bàn tay táy máy của Mặc. Nét mặt Lài trông bình thản nhưng thật ra nàng đang chống đỡ một cuộc chiến gay go, ác liệt không thua gì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Cuộc chiến một mất một còn giữa gã thủ trưởng đang cố chiếm lấy mục tiêu và bàn tay yếu đuối nhưng quyết liệt của Lài. Con nhỏ thế mà khỏe thật, gã nghĩ thầm. Mặc noi theo khẩu hiệu của bác Hồ trong thời chống Mỹ là chiến đấu, chiến đấu nữa, chiến đấu mãi để đạt cho được mục đích tồi bại kể từ ngày gã rờ rẫm được ngực của Lài. Có lần gã may mắn gần bẻ được khóa động đào thì Lài quay lại nói với Mặc, đôi mắt gần như khóc:
- Lài sẽ không lên phòng chú nữa đâu!
Thua keo này ta bày keo khác, có đâu mà để Lài vượt khỏi vòng tay dễ dàng thế. Nghĩ vậy, gã buông Lài ra liền. Mềm nắn, rắn buông. Khôn ngoan là ở chỗ đó. Đi cưa gái mà không kiên nhẫn thì chỉ ăn bùn. Mặc lại có đủ khôn ngoan để tấn công Lài sang một chiều hướng mới. Và chuyện xảy ra hơn tuần sau, Dũng vừa đi công tác về tình cờ được dự buổi họp công đoàn. Lần này tất cả nhân viên đều có mặt. Thường thì họp công đoàn, họp đoàn viên hoặc họp cơ quan đều tụ tập ở phòng kế toán vì phòng này rộng nhất. Chỉ có họp đảng thì mới rút gọn lại trong phòng tín dụng vì số đảng viên đếm không quá mười đầu ngón tay. Đêm nay, dưới ánh đèn tù mù, Mặc triệu tập buổi họp công đoàn với một dự tính táo bạo. Trong khi Nhị tường trình về thành quả của cơ quan trong tháng qua và sự thắng lợi tất yếu của giai cấp công nhân, Mặc chấp tay sau đít đi qua đi lại trước mặt đám nhân viên. Gã có vẻ sốt ruột khi thấy Nhị trình bày hơi dài dòng. Nhị vừa dứt lời, đang đếm bước gã đứng hẳn lại, đôi mắt đảo một vòng xuống đám nhân viên đang trơ mắt nhìn lên, nét mặt gã trông khẩn trương hẳn ra. Gã cố ý làm ra vẻ nghiêm trọng để cho mọi người biết điều mà gã sắp nói ra rất nghiêm trọng. Mặc im lặng đôi phút để cho cái bầu khí nghiêm trọng thấm tận xương óc của đám nhân viên rồi gã mới hắng giọng mở miệng nói. Gã hắng giọng mà gần như khạc vì gã cảm thấy một cục đờm đang vướng vướng ở cổ. Tiếng khạc khô khốc, ngắn và rõ. Cục đờm theo tiếng khạc lướt qua lưỡi gàvăng bắn ra khỏi cuống họng gã. Dũng đang ngồi cách chỗ Mặc đứng chỉ có vài bước nên chàng thấy rõ mọi diễn tiến. Nghe tiếng khạc, chàng tưởng tượng cục đờm xanh đục to bằng ngón tay cái đang phọt ra khỏi mồm gã bắn mạnh về phía chàng và theo phản xạ, chàng khẽ nghiêng đầu tránh. Trong một phân giây đồng hồ sinh tử đó, Mặc ngậm miệng lại. Cục đờm đang bắn đi đụng phải hàm răng cải mả của gã vỡ tan ra. Bây giờ mồm của gã toàn là đờm đặc quánh quyện lẫn với nước miếng. Theo phản ứng tự nhiên gã quay ra sau định nhổ toẹt vào góc phòng. Ngay lúc đó, Mặc chợt nhớ là mình đang đứng trong buổi họp. Gã nhìn góc phòng, gã nhìn lại đám nhân viên đang đổ dồn mọi cặp mắt về phía gã. Gã lúng búng một vài giây rồi không biết nghĩ sao, gã nuốt tọt cả bãi đờm và nước miếng xuống tận đáy dạ dầy. Nhìn gã nuốt gọn bãi đờm một cách tự nhiên, vài người khẽ rùng mình, cúi đầu để che dấu cái cảm giác buồn nôn. Mặc hầu như không để ý đến thái độ nhờm gớm của đám nhân viên, gã đằng hắng vài lần nữa để thanh quản thông suốt rồi trịnh trọng lên tiếng:
- Thành quả của cơ quan mà đồng chí Nhị vừa báo cáo là do quá trình phấn đấu của các đồng chí trưởng thành trong nghiệp vụ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, những đồng chí ấy đã cố công rèn luyện về mặt "chuyên". Nắm vững các điều kiện khách quan trong thời kỳ quá độ, các đồng chí đã phấn đấu vươn lên trong tinh thần biết khắc phục khó khăn, biết học tập noi theo gương bác Hồ vĩ đại. Nỗ lực này cần phải được phát huy mạnh mẽ trong cơ quan ban ngành. Cụ thể là cô Lài, người đã cố công học tập trong nhiều tháng qua để tạo một bước tiến nhảy vọt về trình độ chuyên môn. Để thực hiện đúng khẩu hiệu "vừa hồng vừa chuyên", tôi đã đề nghị với đảng bộ đưa đồng chí Lài vào đối tượng đảng và tôi cũng đề nghị với Công đoàn bầu cá nhân tiên tiến trong quý này cho đồng chí Lài.
Mặc nói một hơi không ngừng, trơn tru như miệng được bôi mỡ. Tóm tắt lại, Lài được đưa vào đối tượng đảng và giật giải cá nhân tiên tiến do lời đề nghị của Mặc. Miệng cứ xoen xoét nói là đề nghị nhưng sự thật là gã đã dàn xếp tất cả mọi việc để xảy ra đúng như kế hoạch, vì từ trước đến nay chi bộ luôn luôn tuân theo lời đề nghị của Mặc. Có ai dám cãi lại lệnh gã đâu! Đã bảo là đảng lãnh đạo cơ mà! Đối với Dũng và Vỹ, chuyện này bọn chàng chẳng hề bận tâm, vì đó cũng chỉ là một trong những trò chơi lớn của đảng mà chàng không dại dột chui đầu vào rọ. Thời gian đầu mới bước lên Cao nguyên, Dũng đã từng tham dự vào trò chơi này với ý nghĩ hết sức cao thượng: đóng góp để xây dựng đất nước. Dần dà, chàng bỗng nhận ra trò chơi nào cũng có mặt trái của nó, chứ không đẹp đẽ như những mỹ từ mà người Cộng sản thường lạm dụng để vắt kiệt sức lao động của quần chúng. Cứ nghe khẩu hiệu làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ thì đã hình dung được bức tranh lao động tiều tụy của nhân dân miền Bắc trong 30 năm dài đằng đẳng, và vẫn còn tiếp tục. Khi khám phá ra sự thật, Vỹ và Dũng khôn ngoan thoát ngay khỏi vòng tục lụy, nhưng đám nhân viên miền Bắc thì lại khác. Họ tham dự trò chơi giành giật này nhiều lần từ thưở mới lớn, nên được thua đối với họ rất quan trọng. Mà nói cho đúng thì họ có lý do để bất mãn. Chỉ riêng cái cửa ải cảm tình đảng là đã phấn đấu chết người mới chui qua lọt, chưa nói đến đối tượng đảng và phải có ít nhất là 3 đảng viên kỳ cựu giới thiệu, rồi lại phấn đấu bở hơi tai mới trở thành đảng viên; thành phần của giai cấp thống trị. Ba chặng đường gian truân này đặt ra để sàng lọc những thành phần xét lại, thành phần tiểu tư sản. Dĩ nhiên, trường hợp đột xuất vẫn có vài đồng chí được giới thiệu thẳng vào đảng luôn, khỏi kinh qua giai đoạn cảm tình hoặc đối tượng gì cả. Nhưng đó là ở thời kỳ chiến tranh kia, với chiến công lẫy lừng tại mặt trận chứ còn thời bình phải phấn đấu bở hơi tai chứ đâu như con Lài chết đâm này. Nhị chẳng thấy nó làm gì để gọi là xuất sắc cả, nếu không nói là dốt. Thế mà nó lại được vào thẳng đối tượng đảng, chẳng phải qua giai đoạn cảm tình cái con mẹ gì cả. Nghĩ lại cái gian truân mình phải trải qua để trở thành cảm tình đảng và đối tượng đảng, Nhị nghiến răng trèo trẹo. Nó lại giật luôn giải cá nhân tiên tiến mới cay chứ, cái giải mà Nhị chẳng thấy ai xứng đáng ngoài... mình cả.
Nhị nghiến răng nói với Bổn:
- Anh phải làm gì đi chứ! Để vậy trông tức chết đi được.
Bổn điềm đạm:
- Cái gì cũng phải từ từ. Phải dò xét thêm rồi tùy cơ mà hành động.
Nhị gay gắt:
- Dò xét thêm làm đếch gì! Mọi việc rõ ràng ra đấy cả. Lại chỉ hủ hóa chứ chẳng sai. Chỉ thoáng qua là biết ngay. Em mà đoán thì đâu vào đó!
- Thì vậy! Tôi cũng nghĩ thế, nhưng đã có bằng chứng gì đâu. Cô phải bình tĩnh để tìm ra bằng chứng chứ. Nóng nẩy như cô chỉ tổ hư việc.
Bổn nói từ từ nhưng trong lòng gã còn sốt ruột hơn cả Nhị. Mười phần chắc đến chục, Bổn biết chắc là Mặc đã có quan hệ bất chính với Lài. Nhìn tướng con nhỏ mẩy mẩy người, Bổn đã có lúc nuốt nước bọt thầm. Mình mà còn thèm thuồng vậy, làm sao con nhỏ thoát khỏi tay thằng Mặc dâm đãng. Chỉ nhìn cái mặt nó là biết ngay thằng có máu hủ hóa. Nó lại chế nhạo mình tham ô thì phải cho nó chết vì tội chim gái. Bổn chỉ suy đoán về con người của Mặc nhưng cũng đã đúng đến tám chín phần. Muốn biết rõ cái tính chim chuột của Mặc, phải truy lại lý lịch của gã thì mới hiểu rõ hơn...
... Mấy chục năm về trước, mẹ gã là cô hàng nước ở cái quán nhỏ hẹp ngay đầu làng. Cô Cao thị Sắc mặc dù chẳng sắc nước hương trời gì nhưng được cái khéo léo, duyên dáng. Khách thập phương đi ngang qua làng mấy ai mà từ chối được lời mời của cô, thế nào mà chả ghé vào quán. Xe ô-tô trên tỉnh về có thầy thông, anh tài xế ghé uống bát nước chè. Phía bên kia bờ ruộng, lại có mấy anh tá điền trưa trưa tạt vào tán gẫu, ăn miếng thuốc. Được cái cô Sắc cười nói vui vẻ, lại chiều khách nên quán nước tuy nhỏ hẹp mà khách lúc nào cũng đông. Có ai mà không thích ngắm đôi mắt ướt rượt của cô. Lâu lâu, cô lại nguýt, lại háy bằng mắt thì khối trai làng chết mê chết mệt. Mặt cô lúc nào cũng đỏ hồng hồng như người ngồi gần bếp lửa. Hồng diện đa dâm thuỷ, các cụ già bảo thế. Được cái cô chả bao giờ giận dỗi ai kể cả khi trai làng buông lời chọc ghẹo, cùng lắm cô chỉ nạt một câu khi có người đùa sống sượng:
- Đồ nỡm! Hay lắm đấy!
Nạt đấy, nhưng cô lại vui vẻ ngay để giữ khách. Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Chả mất gì, cô nghĩ vậy. Nên đôi khi lối nói của cô cũng mang chút lả lơi, đưa đẩy. Mắt xanh cô mãi vô tình, cho đến khi có chàng lãng tử ghé quán vào một buổi chiều đông lạnh lẽo. Chàng trai phong lưu ghé quán như bao nhiêu người khác nhưng khi ra đi lại để lại cho cô cảm giác bồi hồi khó tả. Vài tuần sau, chàng lại ghé. Dần dần cô biết thêm chàng trai là khách đi buôn. Chàng chuyên mua thuốc tây, đồng hồ ở vùng Tề và đem bán ở vùng Việt-Minh kiểm soát. Rồi cô phải lòng chàng, chàng cũng tỏ vẻ yêu cô ra gì. Không yêu mà dám tặng cho cô chiếc đồng hồ Ômêga nhỏ nhắn cơ à? Rồi một đêm mưa gió, cô ngã vào vòng tay tham lam của chàng trai. Ngoài trời, gió thổi giật từng cơn. Trong chăn, nguời cô cũng giật lên từng cơn trong cảm giác yêu đương lần đầu. Người cô oằn đi, và cô mang thai. Rồi từ đó, chả ai nghe tin tức gì về chàng trai nữa. Có người đồn chàng bị Việt-Minh thủ tiêu. Có người nói bị thổ phỉ giết. Có kẻ cho là bọn khách buôn thanh toán lẫn nhau. Không biết hư thực ra sao, chỉ biết rằng kể từ đêm thất tiết, cô chẳng hề thấy mặt chàng trai một lần nào nữa. Bụng cô và nỗi điếm nhục với xóm làng ngày càng lớn. Nỗi uất ức của cô cũng lớn theo. Biết bao nhiêu lời nói mỉa mai kể sao cho hết.
Không chồng mà chửa mới ngoan,
Có chồng mà chửa thế gian sự thường.
Cô khóc hết nước mắt khi nghe bọn con nít mất dạy hát ong ỏng mỗi khi thấy cô ngoài đường. Quán nước của cô thưa thớt dần cho đến lúc cô phải đóng cửa hẳn. Vốn liếng dành dụm bấy lâu nay đem ra tiêu dần. Đến ngày cô sinh được thằng bé còm cõi thì số tiền hết nhẵn. Cô giận cuộc đời, cô thù thằng đàn ông vô trách nhiệm. Trên giấy khai sanh của thằng bé, cô đặt tên cho nó là Cao văn Mặc. Thằng bé mang họ mẹ vì cô nào có biết họ của cha nó là gì đâu! Cái tên Mặc để nhắc nhở đến người đàn ông bạc tình bỏ mặc mẹ con cô đau khổ. Cuộc đời hai mẹ con mới long đong làm sao! Chẳng ai coi sóc, thằng Mặc lôi thôi lếch thếch từ thưở mới lọt lòng vì mẹ nó đầu tắt mặt tối từ sáng đến chiều mới đủ cho hai miệng ăn. Nó lê la đầu đường xó chợ, làm đủ mọi cách để thồn cho đầy cái bụng. Trẻ con nhỏ hơn nó, ghẹo Mặc là đồ con hoang bị nó đánh đến chừa. Còn những đứa lớn hơn, Mặc đành cắn răng bỏ đi, nuốt nỗi căm hờn vào bụng. Cuộc đời trôi nổi thế mà nó vẫn sống sót và lớn lên, chỉ tội còi. Thằng bé trông nhỏ thó vì có được ăn uống đầy đủ gì đâu. Mẹ nó bây giờ trông tiều tụy hẳn ra, lại đau ốm liên miên. Nào là mót lúa, khi thì mò tép, bắt cua, bữa đói bữa no. Mẹ con chui rúc trong cái quán cũ ọp ẹp, giờ đã xiêu vẹo theo năm tháng. Chả mấy ai để ý đến mẹ con thằng Mặc đang chết dần mòn trong nghèo đói.
Rồi có ai ngờ được vận số thằng Mặc lại có lúc bước sang một bước ngoặt vĩ đại đến thế. Sông có khúc, người có lúc. Chuyện xảy ra khi đội cải cách về làng để quy thành phần, lúc đấy Mặc vào khoảng 15, 16 tuổi. Chỉ thị từ Trung Ương rất rõ, phải quy định lại tất cả các thành phần; gồm tiểu nông, trung nông, và phú nông. Các anh, các chú trong đội cải cách cần người sai vặt, thì đã có thằng Mặc. Cần người chạy công văn từ Uỷ ban xã về đội và ngược lại, cũng thằng Mặc. Nó làm đủ mọi việc, nhóm bếp, nấu cơm, giặt giũ kể cả chuyện dọn giường màn chăn chiếu cho các đồng chí. Những đêm dưới ánh đèn tù mù, nghe các chú ngồi kiểm điểm tình hình, Mặc lại có dịp hiểu rõ cách mạng hơn. Mặc bỗng hiểu ra rằng chính mẹ con nó là giai cấp vô sản, giai cấp chính trong công cuộc giải phóng chống thực dân. Dần dần, trong đầu óc thằng bé mới lớn bị tiêm nhiễm đầy dẫy những hận thù với giai cấp thống trị, những đấu tranh với thực dân để giành độc lập. Còn giai cấp bóc lột chính là bọn có tiền, có thế lực, cụ thể là bọn địa chủ trong làng. Có khi nó ngớ ngẩn hỏi các chú vài câu liên quan đến cách mạng, các chú xoa đầu, cười cười giải thích cho nó hiểu thêm về vai trò của giai cấp bị trị như nó trong tình hình đất nước hiện tại. Tâm hồn thằng Mặc từ đó bừng bừng hận thù giai cấp trong tim. Ngày các anh, các chú ra đi, thằng Mặc khóc lóc sướt mướt. Có ai ngờ chỉ vài tháng ở bên nhau mà tình cảm cách mạng lại thâm sâu đến thế. Chú đội trưởng ôm lấy nó bảo:
- Cháu ở lại đi. Vài tháng sau các chú sẽ trở lại mà.
Và các chú ấy trở lại thật sau gần nửa năm. Lần trở lại này, các chú đã có kế hoạch rõ ràng là triệt hạ bọn địa chủ, phú nông trong làng. Cái đình làng trở thành toà án nhân dân, nơi tố cáo bọn cường hào ác bá. Thằng Mặc xông xáo tỏ nhiệt tình cách mạng trong những phiên tòa ở đình làng. Nó len lỏi trong đám dân làng đứng bao quanh số người bị tố, la hét, xúi dục, xô đẩy họ phải lên tiếng tố cáo như nó. Nó nhổ nước bọt vào mặt cụ Phán Hào:
- Này thằng già kia! Mày còn nhớ mày đã hiếp dâm mẹ tao không? Mày còn xua chó cắn tao nữa kia. Sao người với người mà mày ác thế?
Nó tát cụ Cả Trực một cái đến ngã người:
- Con đĩ kia! Sao mày đánh tao gãy chân chỉ vì mót tí lúa của mày vậy?
Mặc có thắc mắc khi các chú bảo nó phải tố cáo những lời lẽ như thế, vì những chuyện đấy có bao giờ xảy ra đâu! Sự thật là cụ Phán còn giúp đỡ mẹ của Mặc, lâu lâu cho làm việc trong nhà, săn sóc mỗi khi đau yếu. Bà cụ Cả còn đong cho hai cân gạo và còn giúp những chuyện lặt vặt nữa, kể sao cho hết. Chú đội trưởng đội cải cách ôm nó vào lòng, ân cần giải thích:
- Khi cháu đã hiến thân cho cách mạng thì không nề hà một điều gì cả. Hơn nữa, đất nước có độc lập, nhân dân có ấm no đều nằm trong việc triệt hạ bọn cường hào ác bá này. Cháu hiểu không?
Hiểu quá đi chứ! Tưởng gì chứ chưởi khơi khơi như vậy mà mang lại ấm no cho nhân dân thì chưởi ngay chứ có gì là khó! Chưởi vậy chứ chưởi độc địa hơn thế Mặc vẫn dư sức làm kia. Kết tội để đất nước được độc lập thì Mặc cứ hồ hởi mà vu khống. Rồi Mặc nghĩ hóa ra làm cách mạng cũng chả khó khăn gì. Như nó mới mười lăm, mười sáu tuổi mà đã đóng góp công lớn lao cho cách mạng đến thế thì sau này khi lớn lên nó còn đắc lực đến đâu mà kể. Sau lần cải cách ruộng đất, Mặc bỏ làng theo các anh các chú làm cách mạng luôn, để lại nhiều nấm mộ oan khiên không nhang khói và một người mẹ đau yếu khóc than hết nước mắt...
Chỉ vài năm sau, Mặc trở về làng với bộ đồ kaki Nam định thẳng nếp, cặp-táp ôm bên hông, đi đứng chững chạc hẳn ra. Khi liên hệ với đồng chí Chủ tịch xã, Mặc tự xưng là đồng chí Cao Mặc, đại diện Ngân hàng huyện về để bàn kế hoạch cho vay ở các Hợp tác xã mới hình thành. Thằng Mặc năm xưa và đồng chí Cao Mặc hôm nay khác nhau hẳn. Cả làng cứ trơ mắt ếch ra nhìn anh Mặc. Tuy người anh vẫn nhỏ thó nhưng trông bớt đen và cao hơn xưa. Lời lẽ của anh chắc nịch và nghe chát chúa còn hơn lần đấu tố. Nhà quan ăn nói có khác, nghe có gang có thép hẳn hòi. Còn ông Chủ tịch xã, hai tay vái vái trước ngực, hễ mở miệng ra là phải đệm hai chữ thưa đồng chí cung kính, cứ làm như không có thưa bẩm đi trước thì ông ngọng mồm khó chịu lắm. Cứ nhìn điệu bộ khúm núm của ông thì biết ngay cái công việc của anh Mặc đang làm quan trọng vô cùng. Đại diện cho huyện chứ đùa đấy hẳn! Có ai ngờ thằng Mặc lôi thôi lếch thếch thưở nào mà bây giờ lại đi đứng, ăn nói trông bề thế hẳn ra như thế kia! Được cách mạng nuôi dưỡng có khác. Khuôn mặt của anh lại trông bí hiểm quá, lúc nào cũng đăm đăm, nhăn nhó. Cả đến cái tên cũng bí hiểm không kém. Xưa ai mà không biết thằng Cao văn Mặc, con của chị Cao thị Sắc. Bây giờ thì tên anh vỏn vẹn có hai chữ Cao Mặc, đọc lên nghe có khí thế đấu tranh cách mạng lắm. Thì Mặc cũng nghĩ vậy. Gã cố ý bỏ chữ lót đi cũng vì biết được các đồng chí trong bộ Chính trị đều có biệt danh. Nào là đồng chí Trường-Chinh, nào là Song-Hào, nào là Xuân-Thuỷ. Lại còn đồng chí Lê-Duẩn, Phạm-Hùng. Nhịều lắm, kể sao cho hết. Thôi thì vì tinh thần cách mạng, bỏ đi cái chữ lót thưở cha sinh mẹ đẻ có sao đâu! Đi làm cách mạng cả cái thân mình còn không tiếc, sá gì một cái chữ lót con con. Nhân ngày tuyên thệ vào đảng, gã cố tình xin bỏ cho được cái chữ lót. Từ đó, Cao Mặc trở thành tên của gã luôn. Cái bí hiểm cuối cùng mà dân làng cứ thắc mắc mãi là trong thời gian công tác ở xã, Mặc tuyệt nhiên không hỏi thăm gì đến số phận của người mẹ năm xưa. Chuyện xảy ra vài tháng sau khi Mặc thoát ly, cô Cao thị Sắc, phần bệnh tật, phần nhớ con, phần thuốc men thiếu thốn đã chết sau cơn sốt rét cấp tính. Tuy làng mạc xác xơ, lòng người hoang mang sau lần cải cách nhưng bà con lối xóm vẫn góp tiền thắp cho cô nén nhang, cúng bát gạo, bó chiếu đưa cô đến mộ phần. Thật sự đồng chí Cao Mặc rất tủi hổ với lý lịch của mình. Mỗi khi khai lý lịch, đến chỗ tên người cha phải ghi là "vô danh", gã rất xấu hổ với các đồng chí chung quanh. Gã nghĩ tại sao mẹ gã lại có thể lẳng lơ và mất nết đến thế? Ai lại đi chửa hoang bao giờ! Còn cái thằng bố mình nó lại bỏ đi mất tiệt làm mình trở thành con hoang mới chết chứ! Giá nó cứ về cho có mặt trong ngày làm giấy khai sinh của mình để người ta còn biết cái tên mà ghi vào chỗ "tên người cha", rồi nó có đi luôn đi nữa thì cũng chẳng sao! Người chứ phải giống thú đâu mà vô tình bội bạc đến thế không biết? Gã cảm thấy thằng bố của gã tội nặng không thua gì cụ Phán và cụ Cả bị đấu tố thuở xưa, sợ còn hơn nữa kia, vì đã làm hoen ố cái lý lịch của gã. Thành phần vô sản như gã là nòng cốt rồi, nhưng còn cái vụ con hoang thì ngửi thấy mùi lãng mạn tiểu tư sản quá. Con đường cách mạng tiến thân của gã mà có bị trở ngại gì thì cũng chỉ vì cái quá khứ xấu xa của cha mẹ gã mà thôi. Vì thế, gã còn màng gì đến người mẹ giờ đã mồ yên mả đẹp. Gã còn nghĩ mẹ gã có lẽ nên chết đi thì hơn, chứ về làng này mà mẹ gã chạy ra ôm lấy gã, khóc lóc hỏi thăm thì còn gì mặt mũi với nhân dân cơ chứ. Cả làng này ai mà không biết mẹ gã chửa hoang. Với cái quá khứ như thế gã sẽ rất khó làm việc.
Ngày tháng trôi qua, Mặc lớn lên trong môi trường cách mạng. Thời gian hun đúc cho gã cái chín mùi của căm thù giai cấp. Còn cái bệnh Tề Tuyên của gã thì ít ai biết, vì gã rất khôn khéo ém nhẹm những việc xấu xa. Gã dùng đủ mọi thủ đoạn, từ dùng uy quyền để dọa nạt đến hứa hẹn những quyền lợi. Mặc cũng áp dụng danh lợi để nhử Lài và gã đang thành công vì ngay đêm sau khi giới thiệu nàng vào đối tượng đảng, Lài lên phòng gã với cử chỉ lả lơi hơn bao giờ:
- Cám ơn chú! Hôm nay Lài không hỏi chú về nghiệp vụ đâu.
Rồi nàng thong thả ngồi xuống chiếc ghế ở bàn giấy. Mặc vội kéo ghế ngồi sát vào người Lài, và như thường lệ, gã thò hẳn bàn tay vào trong chiếc áo cánh của nàng. Bác và đảng ơi! nàng không mặc cái gì cả, không yếm, không xú-cheng. Ngực trần thế có chết người không cơ chứ! Lần đầu tiên đụng chạm nguyên vẹn bộ ngực của Lài, miệng gã há hốc ra như bị ai bóp cổ đang cố hớp lấy chút dưỡng khí. Giọng Lài thỏ thẻ bên tai:
- Chú có thích không?
Lại còn phải hỏi! Không thích mà người run bắn lên như bị kinh phong vậy à? Gã thở hổn hển, miệng lắp bắp:
- Thích... thích... lắm Lài ạ!
Gã bỗng có quyết định giới thiệu Lài vào đảng luôn. Mới có tí đối tượng đảng mà nó lẳng lơ đến thế thì vào luôn đảng tịch nó còn lẳng lơ đến đâu mà kể cơ chứ! Lúc đấy tha hồ mà "bức xúc". Kể ra Mặc đã nhiều lần dan díu với đàn bà, nhưng chưa bao giờ gã có cái cảm giác "bức xúc" như lần này với Lài. (Động từ "bức xúc" diễn tả một tình trạng sinh lý bị dồn nén đến cùng cực). Chả biết ai sáng chế ra cái động từ lạ lùng ấy, nhưng ở miền Bắc ai ai đều dùng nên Mặc nghe mãi cũng quen tai. Nhớ lại lần dan díu ngoài Bắc trước đây với con mụ bán bún mọc ở xế cửa Ngân hàng, Mặc không khỏi rùng mình, lờm lợm ở cuống họng. Có lần Mặc đến thăm mụ vào một buổi trưa hè nóng nực. Khoác có mỗi cái yếm, người mụ gần như ở trần. Quần xắn móng lợn, mụ ngồi chạng háng ra để lọt hẳn cái thau thịt bằm vào giữa. Hai tay mụ thoăn thoắt nhồi thịt nhuyễn ra như cám rồi véo ra từng cục ném vào chiếc nồi không bên cạnh. Cái nắng hừng hực tháng bảy đổ hắt từ mái tôn xuống người mụ như trút lửa. Vừa vào đến nhà là Mặc đã phải cởi phăng ngay chiếc áo đã ướt đẫm lưng. Cứ nhìn mồ hôi rỉ ra từ nách đen sì của mụ chảy thành dòng, theo cánh tay chảy tuột xuống mớ thịt bằm thì biết ngay cái nóng của buổi trưa hè ghê gớm đến thế nào! Thỉnh thoảng mụ dừng tay, hắt một cái, mồ hôi ở cánh tay văng bắn vào mặt Mặc đang ngồi chồm hổm xéo trước mặt mụ. Đúng là mồ "hôi", vì khi mụ vung tay là Mặc ngửi thấy mùi hôi hôi, khắm khắm liền. Thằng con mụ vừa tỉnh ngủ đã ỉa bậy một đống bên cạnh rồi khóc thét lên đòi vú mẹ, nước mắt nước mũi ràn rụa, quạnh ra có vết ở hai bên mép mà nếu khéo tay, người ta có thể bóc ra từng lớp như bánh tráng mỏng từ mặt thằng bé. Ngửi được mùi phân, con chó nhảy xổ lại xua lũ ruồi nhặng bay vội lên; cả đám vo ve một lúc rồi đáp bừa xuống thau thịt, nhìn lấm tấm như xôi đậu đen. Nhăn mặt khi nghe tiếng thằng bé khóc, mụ dừng tay, quyệt sơ sơ mớ thịt còn dính ở hai bàn tay vào thành thau, vồ lấy thằng bé, giận dữ đét vào mông nó một cái rõ to. Mụ chẳng để ý gì đến mảng phân ở mông thằng bé nát choẹt vào tay mụ, còn tay kia mụ chụp lấy mũi thằng bé, vắt một cái bao nhiêu mũi dãi chảy thẳng vào hai ngón tay to như chuối nắn, rồi mụ rảy mạnh nghe đánh bạch xuống nền gạch, chùi vội bàn tay vào chiếc quần đã bạc phếch rồi nhúng đẫm cả hai tay vào thau thịt, nhồi tiếp. Tấm thân mỡ màng của mụ phong phanh có cái yếm nên Mặc thấy rõ cặp vú thõng hẳn xuống như hai quả dưa gang. Thằng bé chui qua nách mụ ngoạm lấy cái đầu vú thâm đen như quả táo tàu nút lấy nút để vì đói. Nhìn cảnh tượng đó, Mặc không khỏi lờm lợm ở cuống họng và tự hỏi tại sao gã lại có can đảm "bức xúc" với cái tấm thân nung núc những mỡ như thế chứ? Mụ ngồi lù lù như một đống thịt phì nộn, nhão nhoét và bở rạc. Đến với mụ ban đêm gã cứ rúc đầu vào chẳng để ý nhiều. Ban ngày như hôm nay, gã nhìn mụ dửng dưng không cảm thấy bức xúc gì sốt mà lại cảm thấy buồn nôn. Khi cúi đầu cố nuốt nước miếng để ép cái cảm giác nôn oẹ xuống, gã chợt nhìn thấy thau thịt. Và gã bỗng tìm được lý do giúp gã có can đảm "bức xúc" với mụ hàng đêm. Đó là những tô bún mọc nóng hổi mà gã hì hụp húp vào mỗi buổi sáng được mụ bồi dưỡng cho sau những đêm lặn hụp trên đống thịt thỗn thễn của mụ. Thịt trên người mụ không thơm nhưng thịt ở trong tô bún mọc lại thơm ra phết, nổi tiếng cả huyện chứ phải chơi đâu! Đàn bà đã năm con như mụ thì chẳng còn nước nôi gì nên đôi khi gã muốn chấm dứt quan hệ với mụ nhưng lại tiếc những tô bún mọc bồi dưỡng ngoài tiêu chuẩn. Riêng đối với chị nuôi ở trong Ngân hàng thì khác, chị có nhan sắc hơn, lại mới có hai con. Khi biết được chồng chị đi B, gã giở trò tán tỉnh ngay. Được cái chị nuôi Nguyễn thị Phạch rất dễ tính nên gã chẳng phải tốn công nhiều. Hình như hai tâm hồn bức xúc gặp nhau thì phải, nên gã và Phạch xoắn chặt lấy nhau. Sau khi nhận được giấy tuyên dương liệt sĩ của anh Phò, chồng chị, thì Phạch lại càng bức xúc dữ dội hơn bao giờ đến nỗi gã hãi quá phải tìm cách thoái thác một thời gian. Cho mãi đến khi được điều vào miền Nam, gã mới thở phào thoát nạn. Cả hai, mụ bán bún mọc và chị nuôi, làm sao có thể ví với Lài được, cứ như đom đóm so với mặt trăng. Lài đang còn là con gái, thơm nguyên, lại lẳng lơ biết chiều thủ trưởng. Và Mặc quyết định đề nghị Lài vào đảng luôn trong kỳ họp chi bộ tháng tới.
Có một điều mà cả Lài lẫn Mặc đều không ngờ là tình cờ Bổn đã khám phá được lối đi khuya về tắt của Lài. Buổi tối mà Lài để ngực trần mò lên phòng Mặc, Bổn vừa ở cầu tiêu ra, đi về phòng. Vừa loáng thoáng thấy bóng người, lúc ấy khoảng nửa đêm, gã nín thở đứng hẳn lại. Dãy nhà dài bằng gỗ dành cho nhân viên được chia ra nhiều phòng, mỗi phòng có ba người. Căn phòng bằng gạch xây của gã Mặc ở phía trước, ngang với phòng kế toán, cách biệt hẳn với dãy nhà của nhân viên. Dưới ánh trăng hạ tuần, nhìn dáng người Bổn nhận ngay ra Lài. Bổn run lên khi thấy Lài lần bước, vượt qua dãy nhà ngang, vòng ra phía trước, tiến về phòng của Mặc. Gã hồi hộp mon men theo bước chân của Lài. Bổn nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ, rồi có tiếng dép lê về phía cửa. Gã áp tai vào bức vách nghe có tiếng kẽo kẹt nho nhỏ, rồi tiếng cửa khép. Gã còn nghe tiếng thì thầm và tiếng cười rích rích của Lài. Trời lạnh căm căm nhưng người gã lại nóng ran lên khi nghĩ Mặc đang đú đởn với Lài ở bên trong. Bố tiên nhân chúng mày, ông sẽ cho chúng mày chết, Bổn rủa thầm trong bụng rồi rón rén đi về phòng. Gã nằm trằn trọc cả đêm không thể nào chợp mắt đi được. Cứ nhắm mắt lại là Bổn thấy ngay cảnh Mặc đang ngấu nghiến, dày vò thân thể của Lài. Lại thêm tiếng cười đĩ thõa của Lài làm người gã xốn sang hẳn lên. Ngày hôm sau, Bổn kéo riêng Nhị ra một góc, kể lại chuyện gã bắt gặp Lài mò lên phòng Mặc tối hôm qua. Gã không quên thêm thắt những chi tiết tưởng tượng làm Nhị cũng hồi hộp không thua gì cảm giác rình rập của Bổn. Sau cùng Nhị phán một câu:
- Mình phải hành động gấp, không để cho con đĩ thổ tả ấy thoát!
Bổn hạ thấp giọng:
- Cô cứ nóng! Chuyện ấy cô khỏi lo. Tối hôm qua không phải là lần đầu chúng ăn vụng. Ăn quen bén mùi chúng còn ăn mãi. Cơ bản là mình phải gài bẫy để bắt chúng tại trận mới xong. Khi ấy, chẳng còn chối đi đâu nữa.
Nhị nhăn mặt:
- Thì ai chả biết vậy. Nhưng phải làm thế nào để bắt mới là chuyện. Không có bằng chứng con đĩ ấy chối xoen xoét cho mà xem. Nó điêu lắm!
Điêu hay không điêu chả thành vấn đề, Bổn nghĩ thầm. Cứ bắt được chúng ngay tại trận thì có điêu đến mấy cũng bằng thừa. Bổn nhớ đến sổ chia phiên gác hàng đêm. Theo thông lệ, mỗi tối các nhân viên đều chia phiên để gác cơ quan, từ mười giờ đêm đến sáu giờ sáng, mỗi phiên hai tiếng. Lúc sáng, Bổn cầm cuốn sổ gác và thấy phiên gác của Lài từ nửa đêm đến hai giờ sáng. Hoá ra cứ đến phiên gác là chúng lại có dịp đú đởn với nhau. Ôi chao ôi, những hai tiếng chứ ít ỏi gì! Tha hồ mà thằng Mặc nó múa gậy vườn hoang. Lần này ông cho chúng mày rũ tù. Bổn nghĩ đến hai cái khuy trên cánh cửa phòng của Mặc. Chỉ cần bấm cái khóa vào hai cái khuy nhốt chúng ở phía trong là xong. Khi đấy thằng Mặc chạy đàng trời cũng không thoát được cái tang chứng rành rành ra đấy. Không vào tù thì ít nhất nó cũng văng cái chức Bí thư. Thằng Mặc mà mất luôn đảng tịch thì đúng là trời thương mình. Và Bổn đề nghị với Nhị:
- Tuần tới tất cả anh em tề tựu về cơ quan; nhân dịp có đông đủ người cô cứ bảo thẳng với anh bảo vệ cắt phiên gác cho nó vào nửa đêm. Đợi cho nó vào phòng rồi tôi sẽ cho chúng một trận.
Nhị hạ giọng thắc mắc:
- Thế anh định làm gì nào?
Bổn gạt ngang:
- Làm gì đến đấy hẵng biết! Lúc đấy tôi gọi cô dậy là biết ngay.
Bàn định xong, cả hai về phòng tiếp tục công việc thường ngày. Bổn đã có sẵn kế hoạch táo bạo trong đầu nhưng không tiện nói ra với Nhị. Chuyện bí mật mà đi nói với đàn bà thì hỏng bét. Biết đâu, Nhị lỡ mồm lộ ra, thằng Mặc nó đề phòng và chơi lại mình một vố thì chẳng biết số phận mình sẽ ra sao. Chi bằng cứ giữ bí mật cho đến khi xong chuyện rồi nói cũng không muộn. Bổn mải suy nghĩ mà không để ý đến cái vô lý của hắn. Khi xong chuyện thì mọi việc sờ sờ ra đấy, ai mà chẳng biết, gã cần gì phải nói nữa. Riêng Nhị thì hồi hộp cả đến mấy ngày. Ngồi làm việc mà tâm trí để tận đâu đâu. Có khi Nhị ngồi tư lự cả tiếng đồng hồ cứ như người nhuốm bệnh tương tư. Ai cũng cho là nàng nhớ nhà. Nhị nghĩ không biết Bổn tính toán thế nào chứ việc này sống chết chứ phải chơi đâu! Ở huyện này ai mà không biết uy quyền của thủ trưởng Mặc. Không khéo chẳng ăn được giải gì mà chuyện vỡ lỡ ra thì chuốc lấy không biết bao nhiêu là tai họa. Hay là bàn lại với Bổn xem sao. Lờ bố nó đi cho xong chuyện. Con đĩ Lài dốt cho nó chết. Đời thưở nào mà con gái còn nguyên trinh mà đi quan hệ với người đã có vợ, lại đáng tuổi bố mình! Người đâu sao dại thế không biết! Nhị chợt nghĩ đến cái đảng tịch mà thủ trưởng Mặc hứa dành cho Lài. Chỉ có cái chức đảng viên mà con chết đâm này chịu bán trôn để đổi cho bằng được. Sao nó lại xem rẻ cái trinh tiết đến thế? Gặp mình chả ham đâu! Thèm vào! Quan hệ thế ngượng chết đi được. Nhị cứ suy nghĩ mãi và bỗng nhiên nàng ghét cay ghét đắng cái tính đĩ thoã của Lài. Đã vậy thì cho mày chết! Và Nhị mong cho cái ngày đấy đến càng sớm càng tốt, để xem nó bôi tro trét trấu ra sao cho biết.
Cái ngày, phải nói là đêm mới đúng, trọng đại ấy đã đến. Cuối tháng, các nhân viên bám trụ ở làng xã trở về huyện để báo cáo công tác và nộp tiền thu nợ. Dũng và Vỹ cũng trở về để lấy tiêu chuẩn lương thực trong tháng. Tối hôm đấy, đúng như kế hoạch đã bàn, Nhị nói khéo với anh bảo vệ chia phiên gác cho Lài vào lúc nửa đêm. Trước phiên gác của Lài là phiên gác của Nhị. Theo thông lệ, cứ hết phiên gác của một người thì chính người ấy đi đánh thức người kế tiếp để giao sổ gác. Nhị muốn chính mình đi đánh thức Lài dậy để cho nó ăn quen lên phòng thủ trưởng Mặc. Có thế, kế hoạch của Bổn mới thi hành được. Chả biết kế hoạch diễn tiến thế nào nhưng Nhị rất mong thành công như những kế hoạch thi đua lập thành tích trong dịp sinh nhật dâng Bác. Xong phiên gác của mình vào lúc nửa đêm, Nhị cầm sổ gác sang phòng Lài:
- Lài ơi! Lài! Dậy... dậy... Đến phiên gác của cậu rồi đấy!
Tiếng Lài nửa tỉnh, nửa mơ:
- Gì vậy! Gác à... Em dậy bây giờ...
Lài vẫn xoải người trên giường, kéo tấm chăn lên đến cổ, ú ớ gì đó rồi tiếp tục ngủ thiếp. Nhị muốn Lài dậy để nhận cuốn sổ gác. Nó cứ nằm lì ra đây thì kế hoạch của Bổn sẽ hỏng hết. Nàng lay mạnh Lài:
- Này! Dậy đi mà nhận sổ gác.
Lần này thì Lài uể oải ngồi dậy. Nàng vuốt mặt, giọng còn ngái ngủ:
- Đâu! để cuốn sổ gác trên bàn cho em.
Nhị đến chiếc bàn đêm ở giữa phòng vặn ngọn đèn dầu cho cao bấc, đặt cuốn sổ gác lên bàn rồi đến bên giường Lài:
- Này, thức hẳn chưa đấy? Thôi bước ra ngoài màn đi cậu ơi!
Đợi Lài ra khỏi hẳn giường Nhị mới yên tâm đi ra cửa. Đứng ở phía ngoài, nàng phải đợi cho đến khi Lài kéo lê chiếc dép về phía cửa Nhị mới bước vội về phía phòng mình. Nàng nhủ thầm:
- Rồi, thế là xong. Bây giờ chỉ còn đợi ông Bổn ra tay.
Nằm trên giường Nhị cố giữ bình tĩnh mà tim nàng vẫn đập thình thịch. Bao nhiêu câu hỏi xoay vần trong đầu óc nàng. Không biết con Lài trở về phòng để ngủ lại hay không? Không biết nó đi lên phòng thủ trưởng hay không? Biết đâu đấy! Đêm nay nó không lên cơn động cỡn thì nó chẳng thèm lên phòng lão Mặc để đú đởn như mọi lần. Bác và đảng ơi! Thế thì công toi. Nhị bỗng muốn choàng dậy chạy ngay sang phòng Bổn để nói cho anh ấy biết. Vừa choàng dậy, Nhị thả mình nằm xuống ngay vì nàng biết rằng đang phiên gác của Lài, nó thấy nàng mò sang phòng Bổn đêm hôm khuya khoắt thế này thì làm sao mà nó không nghi ngờ la toáng lên. Tình ngay lý gian, biết nói thế nào. Nhị nằm trăn trở, hồi hộp đợi chờ tin Bổn. Thật ra, nàng quá lo xa. Bổn đã tính kỹ. Hắn đã rình thấy mọi diễn tiến từ lúc gần nửa đêm. Khi Nhị bước vào phòng để đánh thức Lài, Bổn đã chồm dậy như một con sóc, nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng, rón rén đi về phía nhà bếp. Cái chái bếp này rất kín đáo, vừa tránh được gió lạnh buốt thổi tốc xuống từ ngọn đồi phía sau cơ quan, vừa quan sát được tình hình ở dãy nhà ngủ. Bổn thấy Lài bước ra khỏi phòng rồi lại quay trở vào. Một chút sau, Lài trở ra với ca nước. Nàng súc súc miệng rồi nhổ toẹt xuống sân trước cửa phòng. Khi bước ra, Lài xăm xăm đi về phòng thủ trưởng Mặc. Bổn nhẹ nhàng bước theo và cũng nghe những tiếng động quen thuộc như lần trước. Chỉ khác một điều là lần này nghe tiếng cười đĩ thõa của Lài, Bổn không thấy nóng ran cả người nhưng gã chỉ nghe tiếng tim mình đập như trống ngũ liên trong lồng ngực. Gã đưa tay giữ lấy ngực cứ như sợ có người nghe biết không bằng. Đúng ra, Bổn rất hãi. Gã cố ý hạ gục Mặc nhưng không lường trước được hậu quả sẽ trầm trọng ra sao nếu mọi chuyện bị đổ bể. Khi thấy Lài bước vào phòng Mặc, Bổn đã yên tâm vì thấy kế hoạch đã đi đúng như dự tính. Gã đợi khoảng năm phút rồi rón rén đến trước cửa phòng Mặc, nín thở, lôi trong túi ra một ổ khoá, móc vào hai cái khuy trước cửa phòng và bấm khoá lại. Bổn thở phào rồi xoay người bước vội về phía dãy nhà ngủ. Gã đi gần như chạy nhưng cũng đủ nghe tiếng Mặc hỏi dồn:
- Ai đó? Ai đó?...
Bổn chạy ngay về phía phòng Nhị:
- Cô Nhị! Cô Nhị! Dậy ngay.
Nhị vội mở cửa phòng:
- Gì thế! Gì thế anh? Xong rồi hả?
- Ừ! Xong cả rồi. Tôi đã nhốt chúng ở trong phòng. Cô đi đánh thức mọi người dậy ngay để tập họp trước phòng thủ trưởng. Nhanh chân lên!
Bổn lại bước ngay sang phòng anh bảo vệ:
- Này! Đồng chí Tại ơi! Dậy ngay! Tôi có chuyện cần đồng chí.
Khi trở lại với anh bảo vệ, Bổn đã thấy lố nhố gần chục người đứng co ro trước cửa phòng Mặc. Tiếng Mặc ở phía trong vọng ra đầy vẻ uy quyền:
- Tôi hỏi đồng chí nào dám khoá cửa phòng tôi! Tôi đề nghị mở khoá ngay.
Bổn chững chạc lên tiếng:
- Tôi đấy! Nhân tiện có đầy đủ mặt mọi người đây tôi hỏi đồng chí Lài làm gì mà ở trong phòng đồng chí khuya khoắt thế?
Rồi không đợi Mặc trả lời, Bổn quay sang anh bảo vệ:
- Đề nghị đồng chí báo với công an để làm biên bản vụ hủ hóa này!
Mặc rít lên:
- Đồng chí tính chuyện khoá cửa phòng để ám sát cán bộ đảng phải không? Đồng chí Tại! Đề nghị đồng chí giải giao thằng Bổn cho công an ngay.
Tại đang phân vân thì Bổn giật lấy khẩu AK trên tay và bắn một tràng chỉ thiên. Mọi người giật mình nép sát vào nhau. Tiếng súng chát chúa xé toang bầu không khí yên tịnh trong đêm, rồi tiếng người nhốn nháo và tiếng súng lên đạn xoành xoạch ở huyện đội và công an huyện phía trước mặt Ngân hàng:
- Báo động! Fulrô! Fulrô...
- Trở về vị trí chiến đấu ngay.
Bổn gào lên:
- Không phải đâu. Bổn ở Ngân hàng đây. Mời các đồng chí sang đây làm việc.
- Bổn đấy hả? Tiếng súng ở đâu thế?
Bổn bắt hai tay làm loa, hét lớn:
- Không sao cả! Mời các đồng chí sang đây ngay. Chuyện quan trọng! Khẩn trương lên!
Một lúc sau, một toán công an ba người và một toán bộ đội gồm năm người bước sang Ngân hàng với ngọn đèn bão. Bổn trình bày mọi việc và kết luận:
- Chúng nó hủ hoá. Đề nghị lập biên bản báo cáo lên huyện ủy để xử lý.
Tiếng một tên công an, có lẽ là trưởng toán:
- Đồng chí có chắc chắn là đồng chí Lài ở trong phòng thủ trưởng hay không?
Mặc ở phía trong đấm nắm tay vào cửa rầm rầm:
- Đồng chí Lài ở trong này thì đã sao? Không ai có quyền gì ở trong khu vực Ngân hàng ngoài tôi cả. Đề nghị các đồng chí trở về cơ quan. Ngày mai tôi sẽ báo cáo mọi chuyện lên huyện ủy.
Bổn khoát tay:
- Các đồng chí điểm danh thì biết ngay chứ khó gì! Mà thôi, cứ nhìn vào đôi dép của đồng chí Lài trước cửa phòng kia kìa.
Đám công an và bộ đội đánh hơi thấy được chuyện lớn. Hầu hết nhân viên các cơ quan ban ngành đều không ưa gì Mặc nhưng không thể làm gì được vì uy quyền và thế lực của gã. Đây là một dịp may bằng vàng để triệt hạ Mặc. Tên công an gằn giọng:
- Yêu cầu đồng chí Mặc nghiêm túc để chúng tôi làm việc. Để tôi kiểm tra, ghi vào biên bản mọi việc rồi đồng chí Bổn sẽ mở khoá phòng cho đồng chí.
Mặc rít lên qua khe cửa:
- Các đồng chí phải chịu trách nhiệm về việc làm hôm nay. Tại sao các đồng chí lại nghe lời thằng Bổn. Nó muốn ám sát cán bộ nhà nước, các đồng chí biết không?
Tiếng một anh bộ đội:
- Thủ trưởng đừng lo! Nếu đồng chí Bổn có tư tưởng ám sát cán bộ, đồng chí ấy cũng sẽ bị xử lý nghiêm túc.
Khung cảnh ở cơ quan nhộn nhịp hẳn ra. Đám nhân viên Ngân hàng đã tỉnh ngủ từ nãy giờ, vừa đứng vừa ngồi xổm tán chuyện. Có kẻ kéo hẳn ống thuốc lào ra trước sân, rít những hơi dài sảng khoái. Họ chuyền tay nhau ống thuốc lào, trả lời vài câu hỏi của công an, thêm thắt vài chi tiết tưởng tưởng ra cái điều mình là kẻ rành chuyện. Họ đua nhau kể những chuyện hủ hóa đã xảy ra ngoài Bắc thời chiến tranh, rồi những chuyện thanh trừng, kỷ luật. Ai ai cũng muốn tỏ ra cho mọi người biết mình là người tốt, cán bộ gương mẫu. Chả biết họ có bao giờ tham ô, hủ hoá chưa nhưng ít ra đến giờ này họ vẫn chưa bị kỷ luật. Có thể họ chưa bao giờ làm điều gì sai trái hoặc có thể đã làm nhưng chưa bao giờ bị bắt quả tang như thủ trưởng Mặc đêm nay. Và như thế họ có quyền kể đến cái xấu của những người kém may mắn và hãnh diện vì giữ được phẩm chất cách mạng. Một nhân viên miền Bắc tắc lưỡi:
- Tớ chả ham! Con gái hơ hớ đưa trước miệng, tớ cũng chả thèm. Phải bảo vệ phẩm chất của một đảng viên chứ.
Dũng và Vỹ cũng đứng trong đám nhân viên, trả lời những câu hỏi của công an. Chàng quay lại và nhận ra giọng nói của Tiện, một tay bộ đội phục viên chuyển ngành. Nghe đâu Tiện đi trận bị miểng mìn chém nát hạ bộ mà không chết. Gã sống sót nhưng bác sĩ không thể nào nối lại dương vật cho gã được đành cắt xoẹt đi cho tiện việc. Giờ đây gã lại huênh hoang về một việc mà gã chẳng còn khả năng như xưa.
Chừng một tiếng sau, đám công an làm việc xong với đầy đủ chi tiết lời khai của mọi người trong cơ quan, trong đó có Dũng và Vỹ. Mãi đến lúc này, Dũng mới để ý là chàng chả thấy Sản đâu cả. Thoạt đầu, chàng có thấy Sản loáng thoáng đứng đâu đó trong đám nhân viên, nhưng gần về sau Dũng không thấy Sản đâu nữa cả. Vỹ cũng có nhận xét giống chàng:
- Ê! Mày thấy thằng Sản đâu không? Nó chạy đi đâu mất tiệt, mày ạ!
- Chắc nó buồn ngủ quá về phòng chứ gì.
Dũng kéo Vỹ về phòng trước; cùng lúc tên công an trưởng toán ra lệnh:
- Yêu cầu các đồng chí ai về phòng nấy. Chúng tôi còn phải làm việc với đồng chí Mặc và đồng chí Lài. Đồng chí Bổn trao cho tôi chiếc chìa khoá phòng.
Không ai biết được đêm đó toán công an làm việc thế nào với Mặc và Lài. Ngày hôm sau, mọi người giả lờ làm như chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra cả. Thủ trưởng Mặc vẫn sinh hoạt với nhân viên bình thường. Khác một điều là gã tránh nói chuyện với Lài. Trông nét mặt bình thản của gã đố ai ngờ được chuyện hủ hoá tày trời đã xảy ra mà gã là nhân vật chính. Riêng Lài, mặt không tránh được vẻ bẽn lẽn. Nàng ngồi ở bàn giấy, cúi gầm mặt xuống đống hồ sơ làm ra vẻ bận rộn nhưng thật ra để che dấu sự xấu hổ. Huyện nhỏ xíu bằng bàn tay nên tin tức đã lan tràn ra khắp cơ quan ban ngành nhanh chóng. Một số nhân viên đến liên hệ với Ngân hàng đã sống sượng đưa ánh mắt sỗ sàng về phía Lài làm nàng lại càng thêm tủi hổ. Từ đêm hôm qua, Nhị vui sướng trong lòng như mở cờ. Nàng không ngờ sự việc xảy ra mau chóng và mang lại kết quả đột xuất đến thế. Sáng hôm nay, trông vẻ mặt của Lài, Nhị lại càng sảng khoái hơn. Cho chừa cái nết đĩ thoã đi, Nhị nhủ thầm. Còn tay thủ trưởng hủ hoá kia, bị kỷ luật là cái chắc, lần này khó mà giữ được búa liềm. ít nhất là bị hạ tầng cơ sở. Huyện này đang nằm trong kế hoạch huyện kiểu mẫu của Tỉnh, với tang chứng rành rành ra như thế chắc chắn Mặc sẽ bị kỷ luật nặng. Không khéo mất cả búa liềm lẫn bị hạ tầng công tác. Thế là bao nhiêu năm theo cách mạng trở thành công toi, chỉ vì một thị hĩm. Ôi! Sao dại dột thế không biết! Nhị bỗng cảm thấy thương hại Mặc. Nàng nghĩ trăm tội đều tại con đĩ Lài. Trông cái tướng nó đi õng ẹo đã phát ghét rồi. Nó quyến rũ Mặc chứ con người trưởng thành trong khói lửa cách mạng như Mặc không thể một sớm một chiều biến chất được. Bổn cũng sung sướng không kém gì Nhị nhưng gã khôn ngoan tránh gặp mặt nàng. Hắn chỉ sợ Nhị hồ hởi quá rồi bàn ra tán vào thì khốn nạn cả lũ. Phải để cho mọi người hiểu rằng chỉ mỗi Bổn là người theo dõi chuyện hủ hoá nhiều lần và muốn loại trừ những phần tử xấu để bảo vệ thanh danh đảng, chứ không có toa rập hoặc âm mưu gì với ai cả. Bổn hình dung đến ngày Mặc khăn gói ra đi, đi đâu không biết nhưng chắc chắn không thể có một chỗ ngồi béo bở như bây giờ. Biết đâu, biết đâu Tỉnh lại bổ cho hắn giữ chức Phó Ngân hàng tạm thời xử lý chẳng hạn thì còn gì bằng. Lúc đấy, nếu có liên hệ với cái Lài thì phải kín đáo hơn kia, Bổn nhủ thầm.
Bổn và Nhị sống bình thản, cố che dấu niềm hồ hởi phấn khởi được khoảng một tuần thì đồng chí Phó Ngân hàng Tỉnh đích thân mang thông tư của Tỉnh xuống. Ngân hàng huyện triệu tập gấp một buổi họp bất thường để tiếp chỉ thị của Ngân hàng Tỉnh. Dũng và Vỹ và các nhân viên khác bị gọi về gấp trong ngày. Đêm hôm đấy, dưới ánh đèn dầu le lói, đồng chí Phó Ngân hàng Tỉnh dõng dạc đọc quyết định của Ngân hàng Tỉnh. Nội dung được tóm lược như sau:
1. Đồng chí Lài kiên trì học tập về chuyên môn, vượt qua những lời phao đồn nhảm nhí của bọn phản động.
2. Đồng chí Mặc đã làm đúng chức năng của đảng và nhà nước giao phó, tận tâm giúp đỡ mặt chuyên môn theo đúng tinh thần tập thể.
3. Đồng chí Bổn lợi dụng tình hình phức tạp của huyện đã toa rập với bọn phản động dùng súng trái phép và âm mưu ám sát cán bộ đảng. Xét quá trình công tác của đồng chí Bổn về mặt chuyên môn luôn đạt yêu cầu, nay Ngân hành Tỉnh tạo điều kiện cho đồng chí Bổn đoái công chuộc tội nên điều đồng chí về phục vụ tại huyện XXX kể từ ngày... tháng... năm 19... Quyết định này có hiệu lực và được thi hành ngay trong ngày.
Cả Ngân hàng sững sờ khi nghe xong quyết định của Ngân hàng Tỉnh. Bổn sửng sốt không tin ở tai mình nhưng rõ ràng đồng chí Phó Ngân hàng Tỉnh vừa dõng dạc đọc xong. Người Bổn cứng ngắc, máu hình như ngừng chảy, tim cũng đập chậm hẳn lại. Còn Nhị bàng hoàng đến ngẩn người. Mắt Nhị trợn tròn nhìn Bổn thiểu não bước ra khỏi phòng họp để thu xếp hành trang lên đường. Trưa hôm sau, với tiêu chuẩn vài cân gạo còn lại trong tháng trên vai, Bổn thẫn thờ bước xuống xe đò để cuốc bộ về phía huyện. Đây là huyện mới thành lập cách xa quốc lộ đến chục cây số, nơi mà từ Chủ tịch và thủ trưởng cơ quan ban ngành đều là người Thượng gốc Ra-đê. Nghe đâu huyện tiêu điều và xơ xác hơn những vùng xôi đậu thời chiến tranh. Nhưng điều đáng sợ nhất vẫn là Fulrô vào ra huyện này như đi chợ, vì thế khỉ không dám ho, cò không dám gáy. Chân bước đi mà lòng Bổn ngổn ngang trăm mối và bỗng thấy con đường phục vụ cách mạng của hắn xa thăm thẳm, xa xôi như con đường mòn mà hắn đang mệt nhọc bước đi giữa buổi trưa nắng gắt này...
Chuyện bất ngờ là chỉ một tuần sau, Dũng và Vỹ cũng nhận được giấy thuyên chuyển như Bổn. Dũng bị đổi về một huyện sát ngay ranh giới với tỉnh cao nguyên bên cạnh. Vỹ được chuyển sang bộ đội để phục vụ cách mạng. Ngày sang huyện đội để trình diện, Vỹ vẫy tay chào mọi người rồi bước thẳng lên xe đò về miền xuôi, không cần cắt hộ khẩu hoặc giấy đi đường gì cả, trước con mắt kinh ngạc của bao nhiêu nhân viên Ngân hàng, trong đó có gã Mặc. Riêng Dũng phải lên đường phục vụ huyện mới vì chàng chưa toan tính được gì cả, nhưng trong lòng chàng đã manh nha một con đường thoát ly. Thoát ly thật sự khỏi đất nước tang thương và điêu linh này. Vĩnh viễn.
Có điều cả Dũng và Vỹ không ngờ lý do bọn chàng bị thuyên chuyển mà Mặc tiết lộ là vì cả hai đều có tên là nhân chứng trong biên bản vụ hủ hoá tối hôm đó. Và chuyện bất ngờ nhất mà cả hai cũng không biết là Sản được tuyên dương giữa cơ quan chỉ vì không có tên trong danh sách biên bản của công an.
Hải Ngữ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét