Vũ nhu cẩn
Vượt đường xa không mỏi
Nguyễn Phương Anh
“… Người dân sẽ lại có thêm một dịp nữa để nói rằng mọi việc thế là "vũ như cẩn", "đánh bùn sang ao" chỉ làm để loè họ mà thôi …”
Phạm Đỉnh: Chủ tịch nước của đảng "ta” đang dẫn đoàn đại cái bang sang Mỹ để kiếm đô la, trước là giúp tăng trưởng kinh tế quốc dân, sau là để em út kiếm chút gì đó về “bôi trơn” bộ máy “cơ chế”/“hệ thống”. Bài viết dưới đây soi sáng thêm một trò ma thuật của tập đoàn tham nhũng toan đem ra trộ bịa nhân dân lao động.
Hiện nay dự thảo nghị định chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ - công chức - viên chức, đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân tại website của Chính phủ. Mục đích của nghị định này là nhằm ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, vừa tạo điều kiện nâng tầm cán bộ. Nhưng để làm được các mục tiêu quý hoá trên thì biện pháp luân chuyển này có thực sự đáp ứng, hay có thực sự khả thi ?
Xét qua nội dung ta sẽ thấy:
Dự thảo Nghị định nêu rõ, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là việc bắt buộc bố trí, phân công lại vị trí công tác sau thời hạn quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi vị trí trong phạm vi ngành, lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ. Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chỉ thực hiện thông qua việc điều động cán bộ, công chức, viên chức từ bộ phận này sang bộ phận khác cùng chuyên môn nghiệp vụ trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức không giữ các chức vụ quản lý...
Muốn ngăn ngừa hay chống cái gì thì người ta cũng phải dựa trên cơ sở tìm ra cái nguồn gốc, căn nguyên... chứ không phải đi theo mà chữa bệnh kiểu như chữa AIDS, lở loét ở đâu thì bôi thuốc chỗ đó... Vậy mà nghị định này vẫn chỉ đưa ra cách chữa từ ngọn, không phải căn nguyên.
Xét qua một số hệ quả mà nghị định đem lại khi thi hành. Luân chuyển cán bộ với việc quy định như trên thì ít nhất phải định nghĩa lại thế nào là tổ chức, cơ quan, đơn vị ? Luân chuyển trong nội bộ đơn vị khác hẳn luân chuyển trong cơ quan, luân chuyển trong cơ quan mang tính rộng hơn nhiều nhưng người ta cũng có thể lợi dụng để luân chuyển trong đơn vị là các tổ, đội, phòng... để lách nghị định. Như vậy sẽ không có tí tác dụng nào cả! Ví dụ: Cục Hải quan Hà nội là cơ quan thì việc luân chuyển sẽ có tác dụng nhiều vì các đơn vị trực thuộc nhiều; nhưng nếu tính chi cục Hải quan Gia lâm là đơn vị thì việc luân chuyển trong nội bộ chi cục có vài chục người là không có giá trị phòng ngừa vì lượng quản lý đã là số đông không bị luân chuyển nên số còn lại luân chuyển rất là ít. Mặt khác, ở các đơn vị thì thường là “3 cùng” (cùng làm, cùng hưởng, cùng chịu tội). Các vụ tiêu cực tại Hải quan thì 100% là bắt cả đơn vị như trường hợp Đồng Bành, Dốc Quýt,Tân Thanh...
Trong các đối tượng của nghị định thì đa phần đội ngũ lãnh đạo (thường đi kèm quản lý) của cơ quan, tổ chức, đơn vị không bị luân chuyển. Như vậy khác gì "tắm từ háng", vì tham nhũng là luôn liên quan đến chức quyền, địa vị . Luân chuyển giữa các bộ phận trong đơn vị mà lại cùng chức năng thì nghe có hợp lý không ? Mỗi một bộ phận phải có chức năng riêng chứ như trong đơn vị có bộ phận kế toán, bộ phận kinh doanh, bộ phận bảo hành... Nói chung chả có bộ phận nào cùng chuyên môn nghiệp vụ cả, vì nếu cùng thì nó đã cùng bộ phận mất rồi.
Thêm nữa, luân chuyển trong điều kiện hiện tại liệu có nảy sinh mua quan bán chức nhiều lần ? Bởi vì đối với cán bộ công chức thì việc nhận vị trí mới đồng nghĩa với việc có xếp mới, có quan hệ mới... Và để từ từ hoà vào công việc thì ít nhất cũng phải thăm hỏi quà cáp này nọ. Sau đó, vào việc mới sẽ tìm cách gỡ lại vốn càng nhanh càng tốt.
Một câu hỏi khác: việc luân chuyển này sẽ thực hiện ngay tại địa phương hay chuyển địa phương ? Cán bộ có đủ sức khoẻ hay kinh phí để đi huyện, tỉnh xa vì trong một cơ quan, đơn vị thì sẽ có chi nhánh, bộ phận trực thuộc... tại các địa phương khác, và cũng có mặt ở nhiều nơi trong đất nước. Việc di chuyển đến một nơi khác sẽ phát sinh thời gian để quen việc mà có thể là phải hàng nửa năm, kể cả như bà Bà Dương Thu Hương, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Quốc hội, nói : "Nếu thật sự cán bộ có năng lực, chỉ cần một vài tháng anh ta có thể nắm bắt được công việc ở nơi mới mà không sợ mất nhiều thời gian", thì cũng là quá thể; vì nếu nhân với khoảng cỡ 500.000 vị trí luân chuyển thì lãng phí là "không nhỏ" = 1,5 triệu lần tháng lương phải trả cho học việc, quen việc, tương đương cỡ 3.000 tỉ đồng đỏ xuống sông xuống biển. Gặp khi việc đang cần kíp mà lại phải mất 3 tháng để làm quen thì có khác gì "đau đẻ chờ sáng trăng "? Mà đấy là cán bộ thực sự có năng lực đấy nhé! Thiếu năng lực thì có đến cả năm cũng chưa quen việc được. "Trăm hay không bằng tay quen" cổ nhân ngày xưa đã tổng kết vậy , sao thời nay lại đi làm ngược?
Những nơi nhạy cảm thường liên quan đến tiền bạc "tươi rói" bằng cách này hay cách khác. Nếu luân chuyển người nhiều thì sẽ gây thêm nhiều thời gian để bàn giao, nhận nhiệm vụ mới... mà đường đi của đồng tiền thì phải quay vòng nhanh để sinh lãi.Vậy luân chuyển là đi ngược lại ước muốn dân giàu nước mạnh.
Chưa kể đến những chi phí khác như bị ngã nước khi đến nơi mới - gây tốn kém thuốc men, cần thêm nhà công vụ hay phát sinh thêm công tác phí để thuê nhà ở... thì vấn đề hợp lý hoá gia đình cũng là nổi cộm vì khi đi công tác xa 2-3 năm sẽ ít có cơ hội về nhà nên sẽ phát sinh nhiều tình huống “xa mặt cách lòng”, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý rất mạnh, có thể làm hiệu quả công việc giảm đi đáng kể.
Luân chuyển cán bộ từ nơi có mặt bằng giá cả thấp sang nơi giá cả cao thì cũng phải lo cho họ nên làm phát sinh lãng phí, nếu luân chuyển loanh quanh trong nội bộ địa bàn thì khác nào càng làm cho quan hệ của người tham nhũng thêm mạnh để tham nhũng thành tập đoàn mafia cho dễ, cho nhanh vì làm vậy tức là khuyếch tán cái xấu đi nhiều nơi. Còn luân chuyển vị trí địa lý trong cảnh sát giao thông như đang đứng gốc cây này để làm "anh hùng núp" mà chuyển sang gốc cây khác thì không phải là ý trong nghị định này ? Mà ít nhất cũng phải từ đội CSGT này sang đội khác mà chức năng chỗ nào cũng là đứng đường thì liệu có ốn không ?
Nếu tính cuộc đời làm việc của cán bộ cỡ 30 năm thì ít nhất thay đi đổi lại 10-15 lần (2-3 năm 1 lần). Vậy ngồi một chỗ mà cứ nhấp nha nhấp nhổm thì khác gì "tư duy theo nhiệm kỳ", và đối tượng tham nhũng lại càng mong gỡ gạc để "phắn", "chuồn" và lơ là trách nhiệm... lại càng làm tăng tham nhũng. Họ cũng để lại cho người kế nhiệm không có chiến lược dài hơi để hiểu rõ đối tượng phục vụ. Mới 2-3 năm làm việc thì thực ra ngồi còn chưa ấm chỗ, và nếu thay đổi lãnh đạo khi đang đầu tư dài hạn hơn 3 năm thì thế nào (chưa chắc 100% lãnh đạo đã là quản lý). Việc này cũng càng làm tăng hiện tượng tham nhũng vì như xưa ta đã biết khi một chức sắc nào đó chuẩn bị chuyển công tác thì họ sẵn sàng dốc hết túi để mua sắm mà ăn hoa hồng, hết sức tuyển người vào để "măm măm"... Nội bộ sẽ càng nát bét. Đồng thời luân chuyển nhiều sẽ gây khó dễ cho thanh tra, công an khi truy theo dấu vết của người phạm tội, những khoản tham nhũng sẽ bị chia nhỏ gây nên khó khăn nhiều cho điều tra.
Mặt khác lãnh đạo mới sẽ mua xe mới, lập phòng làm việc mới, sửa phòng theo tuổi, phong thuỷ từng người... tuyển lái xe mới, vì đi ăn nhậu với nhau phải hợp cạ, biết tính xếp, nên không thể dùng người cũ. Cán bộ mới đến sẽ có bạn bè mới, công việc mới, sinh ra nhậu nhẹt, khao chức... lãng phí thời gian, tiền bạc... Bản chất của con người khi đã tham nhũng rồi thì đi đâu , làm gì cũng đều có cách cả, càng đi nhiều vị trí thì càng tạo được mối quan hệ mới mà toàn là quan hệ "nhạy cảm" nên sức tàn phá của tham nhũng sẽ càng lớn vì tạo nên cơ hội thuận lợi cho chúng kết bè , tạo nên tổ chức lớn theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" để lũng đoạn ngược lại cả nghị định ?
Nếu trong vòng 2-3 năm đó mà có người đang tham nhũng thì thực tế luân chuyển lúc này là là rửa tội tham nhũng cho chúng. Đa phần các vị trí nhạy cảm ở Hải quan như kiểm hoá thì các kiểm hoá viên vẫn được thay đổi liên tục để bảo vệ chính họ chứ không phải làm trong sạch vì như vậy sẽ tránh bị soi xét nhiều khi cứ ở mãi một cương vị, tránh tiếp xúc nhiều lần cùng với một doanh nghiệp dễ gây nghi ngờ cho các cơ quan chức năng về chống tham nhũng và chuyển đi chỗ khác trong cơ quan, đơn vị thì có gì đặc biệt đâu: "Ếch ở đâu mà chả là thịt"...
Cũng y như vậy, nếu cục thuế thay đổi người từ phụ trách phường này sang phụ trách phường khác, hay CSGT chuyển từ đứng đường chỗ Hoàn Kiếm sang đứng tại Pháp Vân thì cũng y chang như vậy... Cơ chế phòng ngừa tham nhũng mà làm như thế này thì có phải là để hợp thức hoá tham nhũng mà từ xa xưa dân ta đã ghét cay ghét đắng ? Người dân sẽ lại có thêm một dịp nữa để nói rằng mọi việc thế là "vũ như cẩn", "đánh bùn sang ao" chỉ làm để loè họ mà thôi.
Những phân tích như trên cho thấy rõ việc đưa ra thực tiễn nghị định này là không ổn và không khả thi. Qua lối suy nghĩ trong nghị định trên thì chính phủ có nghĩ ra thêm hàng trăm nghị định mới nữa thì cũng là "thông manh như cũ" mà thôi, không làm gì được đâu khi mà chính các vị cũng đâu có muốn chống tham nhũng một cách quyết liệt! Bản chất của chế độ độc tài là sinh ra quá nhiều tham nhũng và phải chữa là chữa ở chính chỗ này... Tất nhiên trên thế giới cũng có tham nhũng nhưng ở mức độ ít hơn nhiều vì do họ có chế độ khác hẳn: dân chủ rất cao, cạnh tranh chính trị.... Nói cách khác muốn chống được tham nhũng ở nước ta hiện nay thì phải cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản vào dĩ vãng để xây dựng một chế độ dân chủ, đa nguyên, đa đảng.
Hà nội, 20/6/2007
Nguyễn Phương Anh
Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét