Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

"Tuyển tập Vụ Án LM Nguyễn Văn Lý"

Ngày 16-6-07 vừa qua tại Thành phố San Jose đã có buổi Ra mắt sách "Tuyển tập Vụ Án Linh mục Nguyễn văn Lý", với vị chủ biên là Linh mục Phan văn Lợi và toàn bộ tuyển tập với hơn 44 bài viết của nhiều tác giả, Công giáo và không Công giáo.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài nói chuyện của Nhà văn Trần Hiếu trong phần Giới thiệu tác phẩm Tuyển tập Vụ Án Linh mục Nguyễn văn Lý.

Nếu muốn có quyển sách nầy, xin liên lạc về địa chỉ:

Hoàng Quý
11952 Medina Dr
Garden Grove , CA 92840
Điện thoại : 714-636-3776
hoăc email: hoangquy40@yahoo. com

Giá Yễm Trợ Sách là 25 đô (2 cuốn). Số tiền bán sách sau khi trừ chi phí, sẽ được gởi về VN để phổ biến “chui”quyển sách tại VN. Trân trọng,

Điểm Sách Tuyển tập
Vụ Án Linh Mục Nguyễn Văn Lý


LTS. Toà Soạn hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc bài điểm sách đã được ông Trần Hiếu trình bày trong dịp ra mắt tuyển tập “Vụ Án Linh Mục Nguyễn Văn Lý” do Tổ Chức Lương Tâm Công Giáo phối hợp với Đài Phát thanh Quê Hương và Tuần Báo Mõ San Francisco thực hiện ngày 16/6/07, tại San Jose, California.

Kính thưa qúy vị lãnh đạo tinh thần, qúy thân hào nhân sĩ, và toàn thể qúy vị,

Tôi rất lấy làm vinh dự được Ban Tổ Chức yêu cầu nói đôi lời giới thiệu về tuyển tập “Vụ Án Linh Mục Nguyễn Văn Lý”. Xin chân thành cám ơn Tổ Chức Lương Tâm Công Giáo trước tấm lòng ưu ái và sự tín nhiệm đã dành cho tôi, là người luôn cảm phục các hoạt động cho nhân quyền không mệt mỏi của qúy vị. Tôi cũng xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi đến với tất cả qúy cử toạ đáng kính, là những người hằng thao thức trước công cuộc đấu tranh cho tự do, đã đến đây nhằm hỗ trợ Cha Lý vàcác nhàd ân chủ Việt Nam.

Chúng ta biết không phải ngẫu nhiên mà Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, Phó Tổng Thống và các giới chức cao cấp của Toà Bạch Ốc đã đón tiếp bốn nhà hoạt động nhân quyền VN tại Phòng Bầu Dục hôm 29/5 vừa qua. Và cũng không phải là điều tình cờ mà trong bài phát biểu tại Tiệp Khắc về Dân Chủ toàn cầu gần đây Tổng Thống Bush đã nói: “Tôi mong một ngày trong cuộc hội thảo như thế nầy có sự hiện diện của các nhà dân chủ thế giới, của linh mục Nguyễn Văn Lý, Việt Nam…”

Trong lúc nầy, khi chúng ta hội họp ở đây, người Việt tỵ nạn khắp nơi đang chuẩn bị rầm rộ biểu tình để cực lực phản đối Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, sẽ có mặt tại Washington D.C. vào tuần tới. Trước khi đến đất nước tự do nầy, nhà cầm quyền HàNội đã nhượng bộ, buộc lòng phải trả tự do cho ký gỉa phản kháng Nguyễn Vũ Bình, và nói theo ngôn từ của nhà báo Phạm Trần, ông Triết đã phải “chống nạng đến Mỹ.”

Từ Quốc Hội Hoa Kỳ và nhiều diễn đàn nghị viện các nơi, từ Úc, Mỹ cho đến Âu Châu, các tổ chức tiếng tăm uy tín của thế giới như Nhóm Hiến Chương 77 ở Tiệp Khắc, Hiệp Hội Các Phóng Viên Không Biên Giới, Hội Ân Xá Quốc Tế… đều bày tỏ quan tâm sâu sắc và lên án tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.

Kể từ hôm phiên toà bịt miệng ngày 30/3 cho đến nay, nhiều hãng thông tấn ngoại quốc đã loan tin bất lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam vì các hành động khủng bố đàn áp dân chủ của họ. Đây là một chuyển biến đặc biệt vì từ xưa đến nay các cơ quan nầy vẫn thường bênh vực CSVN. Riêng các cơ quan truyền thông Việt ngữ hải ngoại, thì khỏi nói, việc cọng sản đàn áp các nhà dân chủ luôn luôn là tin tức cập nhật hàng đầu.

Vì sao người ta quan tâm sâu xa tình trạng nhân quyền ở VN như vậy?

Tấm hình Cha Lý bị bịt miệng đã tạo một chấn động trong giới truyền thông quốc tế. Chỉ sau ba ngày tấm hình được phổ biến, đã có trên 400 bài báo ở Mỹ và gần 150 bài ở Âu Châu đăng tải. Ngoài ra, các đài truyền thanh và đài TV đã dành nhiều giờ để đưa tin, bình luận. Tất cả đều lên án chế độ cọng sản Hà Nội. Nhờ tấm hình, chưa bao giờ người Việt hải ngoại đồng tâm nhất trí như bây giờ trong việc lên án gắt gao sự đàn áp dã man của CS và quan tâm sâu xa đến tình trạng nhân quyền ở VN.

Vụ Án Cha Lý qua phiên toà bịt miệng đáng xấu hổ tại Huế ngày 30/3/07 đã khai sinh tuyển tập “Vụ Án Linh Mục Nguyễn Văn Lý”. Đây là sáng kiến của Linh Mục Phan Văn Lợi, người bạn tranh đấu của Cha Lý hiện đang ở cố đô, bằng việc gom góp các bài viết đã được đăng tải nhằm đánh dấu và lưu truyền một biến cố lịch sử. Cuốn sách đã được các thân hữu ở hải ngoại phụ trách in ấn và phát hành.

Là các bài đã được đăng báo, tôi tin rằng qúy vị không nhiều thì ít đã biết về tuyển tập nầy. Riêng tôi, khi có dịp đọc lại toàn bộ tuyển tập gồm 44 bài viết của nhiều tác giả, Công Giáo và không Công Giáo, tôi đã không khỏi buồn phiền.

Cha Lý, 61 tuổi, là nhàđối kháng bất đồng chính kiến nổi bật nhất, kiên trì đấu tranh đòi tự do trong một qúa trình dài, từ khi cọng sản vừa chiếm miền Nam. Tác giả Vũ Thanh Phương, một thành viên của khối đấu tranh dân chủ 8406, trong bài “Hãy trả tự do cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý” đánh gía “LM Lý là trụ cột của phong trào đấu tranh dân chủ tích cực nhất từ trước cho tới nay”. Tôi đồng ý với nhận định của tác gỉa là, “theo tính toán của Đảng CS, họ cần phải đánh phủ đầu nhằm gây suy yếu phong trào đang càng ngày càng lớn mạnh. Khi đánh ngài họ nhằm gây sự nhụt chí và khiếp sợ để những người khác rời bỏ hàng ngũ đấu tranh.”

Thế nhưng, hàng ngũ đấu tranh dân chủ càng ngày càng thêm đông đảo; đặc biệt phong trào thu hút được nhiều trí thức trẻ như Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Kỹ Sư Nam Phương Đỗ Như Hải, Luật Sư Lê Chí Quang và vô số những người trẻ khác… Họ là người đầy ắp lý tưởng, không chùn bước trước bạo quyền mặc dầu họ biết sẽ bị bách hại tù đày. Chúng ta hãy nghe Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy trong bài tuyệt bút của chị khi chuẩn bị đi tù:

Thay Lời Tiễn Biệt

“Khi tôi chết, hãy ghi trên huyệt mộ
Đây là người yêu nước thương dân
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Đưa nhân dân ra khỏi kiếp bần hàn.

Tuổi bốn mươi khi nghĩa đời đã tỏ
Thì cùm g ông xiềng xích sá kể gì
Theo gương bậc tiền bối tôi đi
Vá lại mảnh trời xanh tổ quốc…”

Cách đây 30 năm, Cha Lý là bí thư của Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế Nguyễn Kim Điền. Sau khi Hoà Thượng Thích Quảng Độ bị bắt ngày 6-4-77, Mặt Trận Tổ Quốc Bình Trị Thiên tổ chức một cuộc thảo luận và trong dịp nầy Đức Tổng Điền đã thẳng thắn chỉ trích việc bắt giữ các nhà sư Phật Giáo và than phiền giáo dân Công Giáo bị đối xử như công dân hạng nhì. Linh mục bí thư Nguyễn Văn Lý đã in lời phát biểu của Đức Tổng Điền thành nhiều bản để phổ biến và đây lànguyên do cuộc đời lao lý của ngài, với khởi đầu hơn một năm trong các trại tù.

Đức Cha Điền qua đời năm 1988, và nhiều người tin rằng ngài đã bị cọng sản đầu độc.

Năm 1983, Cha Lý bị bắt lần thứ hai vì đã tổ chức hành hương viếng Đền La Vang. Lần nầy ông bị xử 10 năm tù, và được thả năm 1992. Vào năm 2001, ngài bị bắt lần thứ ba vì đòi tự do tôn giáo, bị xử 15 năm tù, 5 năm quản chế và được phóng thích năm 2005. Và như chúng ta biết, ngài bị bắt trở lại vào dịp Tết năm nay và ngày 30/3 vừa qua, bị kết án 8 năm tù trong một phiên toà bịt miệng.

Như vậy là “Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn thầy” (Jn 12:16). Là học trò của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, là bí thư của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền, Cha Lý đã chịu chung số phận của thầy mình, bị bắt bớ đàn áp như các ngài đã chịu.

Thế nhưng, điều không may cho CSVN là thời đại bây giờ đã khác. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ của phiên toà, chính họ đã phô bày bản chất độc tài sắt máu với bàn tay thô bạo trước cộng đồng dư luận thế giới, nhờ tấm hình bịt miệng nổi danh, và hệ thống thông tin Internet toàn cầu.

Trong số 44 bài của tuyển tập, có 26 bài trực tiếp đề cập đến vai trò của HĐGMVN trong vụ cha Lý. Trước sự im lặng khó hiểu của hàng giáo phẩm VN, một số tác giả đã bộc lộ sự phẫn nộ, và nhiều tiếng nói khác bày tỏ sự bất bình. Trong khi dư luận hoang mang, người ta trông chờ sự hướng dẫn từ những thầy dạy luân lý, nhưng tuyệt nhiên không một ai lên tiếng. Về sau, khi các lời than phiền đã lan tràn, một vị lên tiếng chê bai Cha Lý là “con người nghịch lý”, còn vài vị khác đổ lỗi nạn nhân Linh Mục Nguyễn Văn Lý là “tham gia chính trị”.

Chê bai hoặc đổ lỗi nạn nhân là một hành vi kết án. Vì vậy, nếu các bài viết có phô bày sự phẫn nộ, tôi nghĩ rằng điều đó cũng dễ hiểu và đáng được sự thông cảm. Tôi cho rằng đây làmột cuộc biểu tình bằng chữ viết phản đối một cách ôn hoà.

Một trong những bài gây nhiều phản hồi, đã được đăng trong tuyển tập, là bài “Lời Trối của Cố Giám Mục Nguyễn Quang Tuyến”. Tác giả Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ trong một văn phong mạnh bạo nói rằng “GHCGVN đã bị thuần hoá cả rồi”. Khi đọc bài nầy tôi nghĩ đó chỉ là một lối nói nhấn mạnh để bày tỏ sự bực bội trước thái độ thụ động của hàng Giáo Phẩm VN, chứ tôi không hiểu theo nghĩa hẹp của ngôn từ. Chúng ta không thể chối cãi, có một vài giám mục đã có những hành động và lời nói tiếp tay cho chế độ, nhưng tôi tin giáo hội vẫn kiên cường và không thể bị đồng hoá với bạo quyền.

Cách đây vài thập niên, khi đất nước còn “bế môn tỏa cảng”, sự thông tin bị bưng bít, giáo hội sau bức màn tre đành phải làm thinh trước các đàn áp bất công của cọng sản. Đó là thái độ nhẫn nhục để sống còn, là điều mọi người có thể hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, khi đất nước đã hội nhập vào thế giới, tham gia Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế WTO, nhà cầm quyền vẫn ngang nhiên trơ tráo đày đọa con người, và nạn nhân là một linh mục, mà các vị hữu trách Công Giáo không lên tiếng bênh vực, thì làm sao tránh được sự than phiền? Nếu các ngài có quyền im lặng thì người giáo dân cũng có quyền đặt vấn đề trong tinh thần tương kính, bác ái và thẳng thắn.

Óai ăm thay, một số người, trong khi bênh vực thái độ im lặng của Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, lại kêu gọi Toà Thánh, quốc gia HK và các tổ chức quốc tế lên tiếng bênh vực Cha Lý và các nhàdân chủ trong nước. Tôi thiết nghĩ, đừng qúa kỳ vọng người khác sẽ lên tiếng thay mình, một khi chính mình ngại ngùng lên tiếng.

Triết gia Euripides thời thế kỷ thứ 5 trước Chúa Giáng Sinh đã nói, “Thượng đế giúp người biết tự giúp mình”.

Chúng ta hãy nghe Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, giám mục Hồng Kông, là lãnh thổ thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung Cộng, hôm mồng 4 tháng 6 mới đây, đã lớn tiếng thách thức nhà cầm quyền, “Tôi tự hỏi cho đến khi nào thì người dân Trung Hoa sống ở quê nhà được hưởng các ơn lành của tự do?” Và ngài kêu gọi chính quyền Bắc Kinh rằng, “Chính quyền hãy can đảm đối diện với những gì họ đã làm cách đây 18 năm tại Thiên An Môn; Hãy rửa sạch những vết nhơ của vụ thảm sát”.

Cho đến khi nào thì chúng ta được nghe những lời tương tự từ các giám mục VN?

Trong những cuộc viếng thăm của các giám mục VN đến San Jose, tôi được nghe các ngài kêu gọi giáo dân hải ngoại ủng hộ giúp cho chiếc cần câu, thay vì cho cá. Tôi thiết nghĩ, không có cần câu nào bền vững cho bằng sự tự do. Khi có tự do là có cơm no áo ấm. Khi có tự do là có nhân quyền, nhân phẩm. Nhưng tự do chỉ có thể đạt được khi người ta có quyết tâm tranh đấu. Cha Lý hiểu điều đó và ngài đã tích cực dấn thân bất chấp sự đàn áp của kẻ thù.

Tổng Thống Bush trong bài phát biểu về Dân Chủ Toàn Cầu đã nhắn nhủ, “Tự do chỉ đạt được khi tiếng nói lương tâm được sự ủng hộ ở ngay trong lòng xã hội bị đàn áp”. Cha Lý và các bạn tranh đấu cho dân chủ trong nước, với tấm lòng quả cảm, xứng đáng được tán dương và ủng hộ. Thực sự, việc Cha Lý bị án tù một cách bất công là nỗi thương tâm, nhưng đó cũng là một cơ hội để gây thanh thế cho phong trào dân chủ trong nước và liên kết mọi người yêu chuộng tự do nhằm tranh đấu giúp nổ lực đòi dân chủ sớm thành công.

Đọc Tuyển Tập Vụ Án LM Nguyễn Văn Lý để biết cao trào dân chủ đang đi vào một bước ngoặt mới rất phấn khởi. Tôi hân hoan giới thiệu tuyển tập đến với qúy vị vàước mong được qúy vị tận tình tiếp tay phổ biến.

Chân thành cám ơn qúy vị.
Trần Hiếu

Không có nhận xét nào: