Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

TÌNH-HÌNH VIỆT NAM và QUAN HỆ QUỐC TẾ

Thông-tin về Viêt-Nam thường trái ngược nhau. Tin về mức tăng trưởng kinh-tế cao xen lẫn với hình ảnh nghèo nàn cùng cực của người dân quê. Có tin về VN sắp trở thành hội-viên không thường-trực của Hội-đồng Bảo-An LHQ, lại cũng có tin Trung quốc đang lấn chiếm đảo Trường-Sa trên biển Đông của VN. Tin VN vào WTO được theo sau ngay với tin chính-quyền Hà-Nội bắt bớ đàn áp những nhà đấu tranh Dân-Chủ và Nhân-quyền. V.v… Trước tình trạng mâu thuẫn tin-tức như vậy, việc tìm hiểu về TÌNH-HÌNH tổng quát của VN trong bối cảnh bang-giao quốc-tế với các cường quốc, thiết nghĩ, là một điều cần thiết cho bất kỳ người VN nào quan tâm đến vấn đề thời-sự. Những dòng sau đây chính là một nỗ-lực khiêm tốn theo hướng đó và phần nào bộc bạch nỗi ưu-tư về Quê-hương Đất-Nước.

ĐẢNG CỘNG-SẢN VN:

Hiện nay đảng CSVN có chừng 3.1 triệu đảng viên trên toàn quốc. Lực lượng này tiếp tục duy-trì sự độc-quyền chính-tri dựa vào điều 4 Hiến-pháp năm 1992 theo đó: “đảng CS là lực-lượng lãnh-đạo Nhà-Nước và Xã-hội”. Đây là một sự sao chép điều thứ 6 trong Hiến-pháp của Liên-Sô trước kia. Với điều 4 đó, đảng CS trở thành một tập-đoàn có quyền-lực vô hạn, vượt lên trên cả Chính-quyền và Luật-pháp; trở thành một trở lực lớn-lao cho nền Dân-chủ và phát-triển của Đất-Nước trong suốt mấy chục năm qua; là nguồn-gốc của quốc-nạn tham-nhũng và mọi băng hoại đạo-đức khác của xã-hội VN hôm nay; là nguyên-nhân gây ra tổn thất lãnh-thổ lớn lao cho Tổ-quốc về tay kẻ thù Bắc phương trong những năm 1999-2000.

Sau ngày Liên-sô, thành-trì của khối CS thế-giới, sụp đổ, đảng CSVN rơi vào khủng hoảng tư-tưởng, nội-bộ trung-ương bắt đầu có những phân-hoá quan-điểm về vai trò của Đảng, cơ-cấu chính-quyền, chính-sách kinh-tế và quan-hệ đối ngoại. Tiêu biểu như Lê-hồng-Hà, Trần-xuân-Bách đề nghị xoá bỏ điều 4 HP; Nguyển-Sỹ-Dủng (phó chủ-nhiệm VP Quốc-hội) đòi thành-lập Đại-nghị-Chế; Trần-Khuê, Nguyễn thanh Xuân kêu gọi chấp-nhận chế-độ đa đảng. Những người khác như Hoàng-minh-Chính ly khai Đảng, Trần-Độ lý-luận rằng căn-nguyên sâu xa của tham-nhũng chính là ở cơ-chế độc-quyền lãnh-đạo của Đảng. Về đối-ngoại, trung-ương Đảng chia hai phe rõ-rệt : một phe chủ-trương quan-hệ chặt chẽ với Trung-quốc, phe kia muốn bắt tay với phương Tây; nhất là Mỹ. Vấn đề Đổi Mới cũng gây ra những tranh-cãi kịch-liệt trong giới lãnh-đạo cao cấp của Đảng.

Nhìn chung, phe chủ-trương thân thiện với Trung-quốc có ưu-thế trong Quân-đội NDVN và lực-lượng CA và phe này vẫn còn rất mạnh trong Trung-ương Đảng. Nhưng phe chủ-trương thân Tây-phương lại gặt hái được nhiều thành-quả rực-rỡ trong công-việc Đổi Mới. Đại-hội 10 năm ngoái là một nỗ lực dung-hòa để giữ sự cân-bằng trong Trung-ương của Đảng. Số-lượng uỷ-viên của giới quân-sự và công-an gia tăng, những uỷ-viên của Bộ Ngoại-Giao bị loại. Trong lúc đó, những chức-vụ quan-trọng như Chủ-tịch Nhà-nước và Thủ-tướng lại được giao cho phe Đổi Mới. Nông-đức-Mạnh được giữ lại để làm vai trò trung-gian.

Cả hai phe trên đây có một điểm chung: đó là không phe nào đi xa đến chỗ từ bỏ sự độc-quyền lãnh-đạo của Đảng và chấp nhận hệ-thống dân-chủ đa-đảng. Điều đó có nghĩa là đảng CSVN vẫn còn là trở-ngại lớn nhất trên con đường Dân-chủ-hoá Đất-Nước và công cuộc đấu-tranh cho Nhân-quyền và Dân-chủ còn nhiều cam go.

PHONG-TRÀO ĐẤU-TRANH CHO NHÂN-QUYỀN VÀ DÂN-CHỦ:

Trong suốt mấy chục năm qua, nhân-dân VN đã không ngừng đấu-tranh cho Nhân-quyền và Dân-chủ dưới nhiều hình-thức và qua nhiều giai-đoạn thăng-trầm. Càng ngày cuộc đấu tranh càng lan rộng, càng thu hút nhiều hơn lượng người tham gia, kể cả những cựu đảng viên CS cao-cấp.

Ngoài những tên tuổi tiên phong như BS Nguyễn-đan-Quế, GS Đoàn-viết-Hoạt, LM Nguyễn-văn-Lý, Nguyễn-chí-Thiện, Hà-sĩ-Phu, cựu tướng Trần-Độ,TS Nguyễn-thanh-Giang, Hoà-thượng Huyền-Quang, Quảng-Độ, v.v... Trong những năm gần đây chứng kiến sự liên kết của những người đấu tranh trong những tổ-chức có quy-mô hơn. Hoạt-động đấu-tranh không còn rời rạc như trước; trái lại các chiến-sĩ đấu-tranh đang tìm cách tập-hợp lại với nhau, tận dụng các phương tiện thông-tin tân tiến, và nhờ vậy thu hút mạnh hơn sự quan-tâm và ủng hộ của quốc-tế.

Mở đầu của nỗ lực tập-hợp là việc phục-hoạt đảng Dân-Chủ do ông Hoàng-minh-Chính khởi xướng. Kế đến là sự ra đời của nhóm 8406 với Tuyên-ngôn Tự-do Dân-Chủ cho Việt-Nam do 118 nhà Đấu-tranh Dân-chủ ở trong nước ký tên. Bản Tuyên-ngôn nêu rõ việc đảng CS cướp đoạt thành-qủa của cuộc đấu-tranh giành độc-lập và áp-đặt chủ-nghĩa CS lên trên Quê-hương. Tuyên-ngôn chỉ ra tính-cách phản Dân-chủ của chế-độ độc đảng và giải-pháp duy-nhất đi đến Dân-chủ là thay thế triệt để chế-độ độc-tài hiện nay với một thể-chế đa-đảng bằng phương-thức bất-bạo-động. Có-thể nói rằng, cho đến nay, Tuyên-ngôn của nhóm 8406 là một phản-ảnh lý-thuyết tương đối hoàn-chỉnh của quá-trình đấu-tranh cho Dân-chủ ở trong Nước.

Ngoài ra trong những năm gần đây, sự khiếu-kiện của người dân đối với chính-quyền CS khắp nơi trên toàn-quốc gia-tăng với số-lượng rất lớn. Những cuộc đình-công của công-nhân các hảng-xưởng cũng ngày càng nhiều. Vụ biểu-tình r ầm-r ộ của nông-dân Thái-Bình đã làm rung-động cả Nước. Lúc này h àng trăm đồng-bào từ Tiền-Giang kéo lên Sài-Gòn biểu-tình trong nhiều ngày phản-đối cán-bộ CS cướp-đoạt đất-đai của Dân. Những cuộc biểu-tình như vậy trước đây 20 năm không hề xảy ra dưới chế-độ CS, nay lại xảy ra thường-xuyên hơn.

Tuy vậy phong-trào đấu-tranh Dân-chủ, do hoàn-cảnh đặc-biệt của Đất-Nước trong chế-độ công-an-trị, vẩn còn ở giai-đoạn tự-phát và phấn-tán, chưa hoàn-toàn bước vào giai-đoạn được tổ-chức chặt-chẻ và tập-trung; chưa được sự hưởng-ứng rộng-rãi của quần-chúng. Đại-biểu của các giai-tầng xã-hội chưa tham-gia đông-đủ theo một tì-lệ tương-xứng trong hàng-ngũ đấu-tranh. Cơ-sở xã-hội làm nền-tảng cho sự ra đời các chính-đảng đại-diện cho các khuynh-hướng chính-trị khác-biệt của các giai-cấp, tôn-giáo, hay đoàn-thể chưa phát-triển đúng mức.

KINH-TẾ TRONG NƯỚC

Một cách tổng-quát, kinh-tế VN đã liên-tục phát-triển trong suốt hai thập-niên vừa qua, với mức tăng-trưởng khá cao, trung-bình 7.3 % mổi năm (World Bank, Department Group data), năm 2005 đạt 8.4 %, năm 2006 8%. Đây là mức tăng-trưởng cao trên thế-giới, chỉ đứng sau Trung-quốc.

Kể từ năm 1987, Viet-Nam CS chuyển dần từ nền kinh-tế chỉ-huy sang kinh-tế thị-trường,khởi đầu bằng việc giải-phóng nông-nghiệp khỏi chế-độ hợp-tác-hoá, phân-phối đất-đai cho nông-dân theo chế-độ khoán-nhượng, bãi-bỏ sự khống-chế giá-cả đối với hàng-hoá và dịch-vụ, xoá-bỏ việc ngăn sông cấm chợ, và giải-tỏa sự bao-cấp dành cho các cơ-sở kinh-tế quốc-doanh.

Đối ngoại, với sự trung-gian của Nhật và Cộng-đồng Âu-châu, năm 1993 Việt-Nam khởi đầu được World Bank, thông qua International Development Association, cho vay 2 tỉ dollars không lãi-suất. Sau khi bình-thường-hoá quan-hệ với Mỹ, World Bank và IMF tiếp-tục giúp VN dưới chương-trình Xóa-đói Giảm-nghèo (Poverty Reduction programs) thông qua các tài-trợ nông-nghiệp, cơ-sở hạ-tấng, trường học, y-tế, v.v…Tổng-cộng VN đã nhận chừng hơn 6 tỉ dollars tín-dụng không lãi-suất (interest-free credits). Ngoại-viện chiếm tới gần 15% ngân-sách chi-tiêu Nhà-nước.

Ngoài ra World Bank đã hành-xử như là một chức năng điều hợp (co-oridnator) giúp VN vay mỗi năm chừng 3 tỉ dollars từ hơn 30 cơ-sở quốc-tế khác nhau dưới nhiều dạng-thức trợ-giúp tri-thức và kỹ thuật trong các lãnh-vực xây-dựng đường-sá, mạng lưới điện-lực, trường-học, in ấn sách giáo-khoa, các cơ-sở và dịch-vụ y-tế, các chương-trình huấn-luyện y-tá, cung-cấp tín-dụng cho nông-dân, cải-thiện các hệ-thống đê-điều và dẫn thủy nhập điền, v.v…

Kinh-tế VN là một nền kinh-tế lấy xuất-cảng làm động-lực (export-driven economy). VN đứng hàng thứ 3 ở Đông Nam Á về dầu thô và khí đốt, năng suất được chừng 450,000 thùng dầu thô/ ngày, hàng năm thu được chừng gần 6 tỉ dollars từ dầu-hoả, chiếm 25 % trong tổng-số xuất-cảng. (petrovietnam.com).

Kỹ-nghệ dệt áo quần là lãnh-vực xuất-cảng thứ hai, tạo công-việc cho hơn 1.1 triệu công-nhân, mang về chừng 5 tỉ dollars hàng năm, 55% hàng may-mặc VN nhập vào Mỹ.

Ngoài ra, VN xuất-cảng các nông-sản và hải-sản khác như cà-phê, hạt điều, tôm đông lạnh, cá tra, v.v… Thị-trường lớn nhất của VN là Mỹ, năm ngoái tổng trị-giá xuất-cảng của VN vào Mỹ hơn 6 tỉ dollars.

Mặc dầu vậy, kinh-tế VN đang phải đương-đầu với những khó-khăn sau đây:

1.-Vốn đầu-tư: Để có-thể duy-trì mức phát-triển kinh-tế như hiện nay và đáp-ứng được với cường-độ cạnh-tranh trong thị-trường thế-giới, VN cần nguồn vốn đầu tư cho nhiều lãnh-vực căn-bản. Do việc cắt-giảm thuế nhập-cảng khi vào WTO, và do khả-năng huy-động vốn trong khu-vực tư rất yếu-kém, VN sẽ thiếu-hụt nghiêm-trọng vốn đầu-tư cho việc xây-dựng hạ-tầng cơ-sở (đường sá, bến cảng, phi-trường, v.v…), cho việc cải-cách hệ-thống ngân-hàng, pháp-lý, giáo-dục, y-tế, v.v…

2.-Thách-thức mới do việc vào WTO tạo ra:

Để được gia-nhập, VN đã phải trải qua một quá-trình đàm-phán gay-go kéo dài 11 năm. Thực-chất của quá-trình này (procedure of accession) là sự yêu-sách của các quốc-gia thành-viên (trong nhóm working group và quad group) đối với quốc-gia xin gia-nhập. Một số các nhà chuyên-môn gọi quá-trình này là the extortion of WTO-plus (sự trấn-lột của WTO-cộng). Suốt quá-trình thương-lượng này VN đã bị các quốc-gia như Mỹ, Úc, Canada, Cộng-đồng Âu-Châu tranh nhau đặt ra nhiều điều-kiện rất nghiệt-ngã. Chẳng-hạn đòi VN phải cắt-giảm quan-thuế đối với nông-sản xuống 25 %, trong lúc đó các nước thành-viên như Thái-lan, Phillippines lại được duy-trì ở mức thuế 36% và 34 % ! VN còn bị yêu-cầu cắt-giảm tài-trợ cho nông-dân nghèo; đối với nông-nghiệp, VN chỉ được phép tài trợ không quá 300 triệu dollars; trong lúc Mỹ, Úc, Âu-châu tài-trợ cho nông-dân của họ hàng chục tỉ dollars ! (Theo Oxfam documents)

Tình-hình như vậy sẽ đặt nông-dân VN, những người sản-xuất nhỏ ở vùng nông-thôn, vào nguy-cơ bị phá-sản vì nông-sản của họ không thể nào cạnh-tranh lại với sản-phẩm nhập-cảng vào từ các nước tân-tiến. Ví-dụ: làm sao bắp của nông-dân VN có-thể cạnh-tranh công bằng với bắp nhập vào từ Mỹ, Canada hay Úc ?

Những thoả-thuận về đầu-tư nước ngoài cũng rất bất-lợi cho VN. Dưới áp-lực của Mỹ và Úc, VN đã phải chấp-nhận cho tư-nhân nước ngoài đuợc đầu-tư không bị ràng-buộc về điều-kiện chuyển-giao kỹ-thuật hữu-ich cho địa-phương của địa-điểm đầu-tư cũng như không phải quan-tâm đến hiệu-năng xuất-cảng của sự đầu-tư. Điều này trái với thông-lệ quốc-tế theo đó chỉ những dự-án đầu-tư có những chuyển-giao kỹ-thuật hữu-dụng và mang lại lợi-ích xuất-cảng cho địa-phương mới được ưu-tiên xét-duyệt (local-content and export performance requirement)). Như vậy VN sẽ thành miếng mồi ngon cho các công-ty đa quốc-gia khai-thác như là một địa-điểm lắp ráp và phân-phối sản-phẩm với giá-nhân-công rẻ-mạt mà không phải đóng-góp gì cho việc chuyển-giao kỹ-thuật tấn-tiến để giúp cho việc phát-triển kỹ-nghệ VN cả. (Oxfam briefing paper).

Hiện nay doanh-nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99% số-lượng cơ-sở sản-xuất toàn-quốc, thu-hút chừng 3 triệu công-nhân và ¼ tổng-số đầu-tư. Các doanh-nghiệp này có vốn rất thấp so với các nước khác trong khối ASEAN, máy-móc thiết-bị lạc-hậu, trình-độ quản-lý rất kém. Nguy-cơ bị phá-sản của các doanh-nghiệp này rất lớn khi phải cạnh-tranh trong môi-trường WTO.

Ngoài ra, các nước cũng đòi-hỏi VN phải mở cửa các lãnh-vực ngân-hàng, bảo-hiểm, dịch-vụ, y-tế, dây chuyền bán lẻ, vệ-sinh công-cộng v.v… để cho các nhà đầu-tư nước ngoài được dần-dần tự-do kinh-doanh và cạnh-tranh bình-đẳng với thương-nhân VN !

Hai lợi-điểm chính của việc gia-nhập WTO là thị-trường xuất-cảng và đầu-tư ngoại-quốc. Tuy-nhiên do chưa được thừa-nhận là một nền kinh-tế thị-trường (non-market economy status), việc tự-do xuất-cảng hàng-hoá vào thị-trường các quốc-gia thành-viên WTO của VN không hoàn-toàn được bảo-đảm; các quốc-gia có-thể, trong một trường-hợp bất-kỳ, nại-cớ về tư-cách non-market economy để hạn-chế sản-phẩm của VN nhập vào nước của họ. Còn đầu-tư ngoại-quốc cũng sẽ bị hạn-chế do gặp trở-ngại về hạ-tầng cơ-sở (infrastructure) yếu-kém, hệ-thống pháp-lý, ngân-hàng còn quá lạc-hậu và nhất là nạn hối-lộ, tham-nhũng quá phổ-biến và trầm-trọng.

Tóm lại việc gia-nhập WTO không hoàn-toàn là một ân-huệ được dự vào bàn tiệc của Thế-giới; mà chỉ là được tham-gia vào một sân chơi kinh-tế quốc-tế với rất nhiều rủi ro cùng những hậu-quả rất khó-lường trong trường-kỳ về các mặt kinh-tế, văn-hoá, xã-hội, môi-trường cho những nước nghèo-nàn lạc-hậu và lãnh-đạo yếu-kém như VN.

3.- Vấn-đề nợ nước ngoài:

Hiện nay VN nợ tổng-cộng gần 14 tỉ dollars, chiếm chừng 38 % Tổng-sản-phẩm Nội-địa (GDP). (Báo Nhân-Dân). Mức an-toàn về nợ theo tiêu-chuần quốc-tế là 50% của GDP. Thêm vào đó, hàng năm VN khiếm-hụt mậu-dịch chừng 4.5 tỉ dollars (xuất-cảng: gần 40 tỉ dollars, nhập-cảng: gần 44.5 tỉ dollars) (theo U.S. Embassy in Hanoi). VN mỗi năm phải trả gần 3 tỉ dollars tiền nợ. Đấy là một gánh rất nặng về tài-chánh cho các thế-hệ mai sau.

4.-Tham-nhũng: Có thể nói đây là một quốc-nạn. Ngay cả các cấp lãnh-đạo CS cũng thừa-nhận tham-nhũng (corruption) là một nguy-cơ rất lớn cho sự tồn-tại của chế-độ.

VN bị xếp hạng 111th /130 trong bảng chỉ-số tham-nhũng của thế-giới (Corruption perception index) ngang hàng với Lào, chỉ hơn Campuchia, Indonesia và Miến-Điện (Burma, Myanmar) chút ít. Tình-trạng tham-nhũng, hối-lộ lan tràn, công-khai một cách trắng trợn khắp nơi, ở tất cả các cấp từ địa-phương lên đến cấp trung-ương.

Điển-hình nhất là vụ PMU18 (Project Management Unit 18) xảy ra tại Bộ Giao-thông, trong đó chừng 7 triệu dollars của Office Development Aid thuộc World Bank đã bị bọn cán-bộ CS cao-cấp biển-thủ đem đi cá-độ túc-cầu. Vụ này dính-líu đến các cán-bộ cao-cấp trong trung-ương đảng CS.

5.- Sự cách-biệt giàu-nghèo/ nông-thôn&thành-thị. Mặc dù, một cách tổng-quát kinh-tế VN đã và đang tăng-trưởng nhanh trong hai mươi năm qua. Nhưng thành-tựu kinh-tế đó không được phân-phối đồng-đều và công-bằng giữa mọi thành-phần trong xã-hội và giữa các địa-phương. Trái lại, chỉ có thiểu-số cán-bộ Đảng, Chính-quyền và thân-nhân là thu-lợi lớn nhất. Thành-phần này giàu lên rất nhanh trong suốt mấy năm qua. 90% dân nghèo hay 2/3 dân chúng sống ở nông-thôn, tuy mức sống có được cải-thiện hơn đôí chút từ ngày Đổi Mớí, nhưng nhìn chung mức thu-nhập còn rất thấp so với dân các nước lân-cận như Thái-Lan hay Nam-Dương. (Lợi-tức bình-quân đầu người của VN là 720 dollars; trong khi của Thái-lan là 2500 dollars !). Việc gia-nhập WTO sẽ làm cho sự cách-biệt giàu-nghèo, giữa nông-thôn và thành-thị ngày càng rộng hơn, mâu-thuẩn xã-hội sẽ ngày càng sâu-sắc và là mầm mống cho sự bất ổn.

CỘNG-ĐỒNG VN TẠI MỸ:

Là một cộng-đồng của những người tị-nạn CS, Cộng-đồng VN tại Mỹ có một lập-trường chống CS mạnh-mẽ, lòng căm-thù CS cao-độ là một đặc-trưng của CĐ này. Tuy-nhiên do biến-chuyển của tình-hình quốc-tế, do thiếu sự lãnh-đạo và một chiến-lược thống-nhất, sự-nghiệp chống CS của CĐ không đạt được thành-quả mong-muốn, CĐ không tạo được những áp-lực đủ mạnh lên qúa-trình dân-chủ-hóa trong Nước, không tạo được uy-tín lớn đôí với giới trẻ VN, những người sinh ra sau 1975, phản-ứng kém thích-đáng trước các diễn-biến quốc-tế đối với những vấn-đề liên-quan đến VN, nội-bộ bị phân-hoá trầm-trọng, và sự truyền-thừa lý-tưởng cho thế-hệ trẻ gặp nhiều khó-khăn.

Những đóng-góp trong sinh-hoạt chính-trị tại Mỹ cũng chưa đạt được tầm-mức tương-xứng với nhân-số của CĐ; người Mỹ gốc Việt, mặc-dù thành-đạt và góp-phần đáng-kể trong nhiều lãnh-vực, vẫn chưa có ảnh-hưởng đáng kể trong công-luận và nghị-trường của Mỹ.

Suốt mấy mươi năm qua, CĐ đã không ảnh-hưởng như mong-ước đối với những chính-sách của Mỹ liên-quan đến VNCS. Từ vấn-đề cấm-vận (embargo), bang-giao Washington-Hà Nội, đến việc ban cấp quy-chế Tối-huệ-quốc, Chính-phủ Mỹ, thuộc cả hai chính-đảng đã hành-xử theo chính-sách riêng của mình, không mảy may quan-tấm đến lập-trường chống CS của CĐVN. Càng ngày càng có bằng-chứng cho thấy quan-hệ Washington-Hà Nội trở nên mật-thiết hơn; không chỉ dừng lại ở bình-diện ngoại-giao thông-thường, mà đi xa hơn trong việc hợp-tác về các lãnh-vực kinh-tế, giáo-dục và quân-sự nữa.

Một số tổ-chức đảng-phái chinh-trị của CĐ dần-dần đi vào thoái-trào, mất dần sự tín-nhiệm của đồng-bào, làm tinh-thần chống CS của CĐ thêm sa-sút. Đến nay, đa-số thành-viên của CĐ thờ-ơ với hoạt-động của các chính-đảng của người Việt tại Mỹ. Phong-trào Kháng-Chiến, một thời được sự ủng-hộ nồng-nhiệt, được đồng-bào mọi gìới tích-cực đóng-góp cả tinh-thần lẫn vật-chất. Đến nay, không còn mấy ai, đặc-biệt là tại những thành-phố lớn như Santa Ana, San Jose, nơi được xem như là cái nôi của Kháng-Chiến trước đây, còn nhắc đến Phong-Trào nữa.

Ngoài ra, bắt đầu có những triệu-chứng bất-đồng quan-điểm về VN giữa thế-hệ thứ nhất và thế-hệ đi sau. Sự bất-đồng này thể-hiện ra trong việc bày-tỏ thái-độ đối với các nghệ-sĩ từ VN qua, đối với vấn-đề du-lịch và kinh-doanh tại VN, và, tất-nhiên, cả thái-độ đối với nhà cầm-quyền Hà-Nôị.

Hàng năm, mỗi dịp Tết Nguyên-Đán, có chừng hơn 400,000 Việt-kiều về thăm VN. Mùa Hè cũng rất đông người về. Cũng hàng năm người Việt ở hải-ngoại đã gởi về VN chừng hơn 3 tỉ dollars. Theo GS Lê-xuân-Khoa người Việt hải-ngoại hiện đầu-tư vào VN hơn 530 dự-án trị-gía gần 300 triệu dollars và mở chừng 100 công-ty và văn-phòng đại-diện, đa số ở Sài-Gòn. Ngoài ra, hàng năm có hơn 200 chuyên-gia Việt-kiều về VN giúp huấn-luyện kỹ-thuật cho người trong nước.Tất-cả những hoạt-động này phần nhiều không được sự ủng-hộ và hướng-dẫn của đa-số người Việt tị-nạn thuộc thế-hệ thứ nhất.

Country Indicators 1993 2005

QUAN-HỆ QUỐC-TẾ:

ĐỐI VỚI TRUNG-QUỐC: Quan-điểm xuyên-suốt của Trung-Cộng trong mọi quan-hệ với Việt-Nam là luôn-luôn kềm-giữ VN ở thế bị phân-ly, suy-yếu và quy-phục Trung-Hoa. Quan-điểm đó tuy được vô-số mỹ-từ ý-thức-hệ che đậy, nhưng vẫn không tránh khỏi bị thực-tế phơi bày.

Ngay trong giai-đoạn chuẩn-bị cho Hội-nghị Geneve năm 1954 về chiến-tranh Việt-Pháp, Trung-Cộng đã tìm cách thỏa-hiệp với Anh-Pháp và ve vãn Mỹ để chia-cắt VN, dùng miền Bắc VN như là một vùng đệm an-toàn để đương-đầu với chính-sách bao-vây của Mỹ. Ngay sau lúc ký-kết hiệp-định, Chu-Ân-Lai, thủ-tướng Trung-Cộng lúc bấy-gìờ, đã ngỏ-ý muốn chính-phủ Việt-Nam Cộng-hoà lập một văn-phòng liên-lạc tại Bắc-kinh, thâm-ý là muốn tiến đến chỗ thừa-nhận hai quốc-gia VN và vĩnh-viễn duy-trì tình-trạng phân-ly ấy. (Sự thật về 30 năm quan-hệ Việt-nam Trung-quốc, NXB Sự-thật Hà-Nội 1982).

Một số tài-liệu khác cũng cho thấy là Bắc-kinh không vui-vẻ gì khi Việt-cộng chiếm được Miền-Nam VN năm 1975. Từ khoảng đầu năm 1973, Trung-Cộng đã tìm cách hỗ-trợ cho bọn Pôn-Pôt/ Khmer Rouge để dùng bọn đó vào việc kìêm-chế Việt-Nam sau này. Việc một Đông-Dương do VN cầm-đầu và nằm ngoài sự khống-chế của Trung-Quốc là điều không-thể chấp-nhận được đối với các nhà lãnh-đạo Bắc-kinh, bất-kể thuộc hệ ý-thức nào. Điều này giúp giải-thích việc Đặng-Tiếu-Bình xua-quân “dạy cho VN một bài-học” năm 1979 và các mối quan-hệ khác giữa Trung-Quốc với VN, Lào và Campuchia trong vài thập-niên gần đây. (Brother Enemy, Nayan Chanda).

Liên-sô sụp-đổ, Việt-Cộng mất một chỗ dựa chiến-lược. Bang-giao Hà-Nội/Washington thất-bại năm 1977-78. Hai biến-cố đó là cơ-hội bằng vàng cho Trung-quốc thu-phục bọn CS Hà-Nội. Từ đó đến nay Trung-Quốc đã liên-tục lấn-chiếm VN. Họ chiếm Hoàng-Sa năm 1974 ngay lúc Đệ-Thất Hạm-Đội Mỹ vẫn còn ở ngoài khơi Biển Đôêng. Năm 1988, 1992 hải-quân Trung-Quốc đã tấn-công hải-quân VN/CS quanh đảo Trường-sa (Spratleys) gây nhiều thiệt-hại. Trung-Quốc cũng đã xây-dựng đồn bót và đường bay trên một số đảo ở Hoàng -Sa(Paracels). Trung-Quốc cũng đòi chủ-quyền cả những vùng quanh-đảo Yên-Tử cách Hải-Phòng chỉ 43 miles và tuyên-bố Biển-Đông là “Ao Trung-quốc “(Chinese lake) (Chinese Brief Volume VI, Issue 24).

Từ ngày Trung-quốc và VN/CS nối laị quan-hệ ngoại-giao vào tháng 11 năm 1991 đã có nhiều cuộc hội-đàm giữa hai nước về vấn-đề biên-giới. Nhưng, đôi lúc ngay trong khi đang đàm-phán Trung-quốc vẫn ngang-nhiên lấn-chiếm. Chẳng hạn tháng 11 năm 1997 Trung-quốc đã ngang-nhiên ký-nhượng cho một công-ty dầu-hoả của Mỹ Atlantic Richfield Corp thăm-dò dầu-hoả vùng đảo Ledong Gasfield thuộc vịnh Bắc-Việt của VN. Trước đó, tháng 3 năm 1997 Trung-quốc cho tàu thăm-dò Kanto 3 có hải-quân hộ-tống khoan thăm-dò dọc bờ biển gần Quảng-Ninh. (Ang Cheng Guan, Vietnam-China relations since the end of the Cold War). Tháng Giêng năm 2005, Trung-quốc laị bắn giết nhiều ngư-dân VN ở Vịnh Bắc-Việt.

Đồng-thời, Trung-quốc tìm cách gây ảnh-hưởng đối với cánh bảo-thủ trong đảng CSVN như Lê-đức-Anh, Đỗ-Mười, Lê-khả-Phiêu, Nguyễn-khoa-Điềm, v.v… để phục-vụ cho mưu-đồ bành-trướng của mình. Chính nhóm bảo-thủ này đã có những nhượng-bộ lớn-lao cho Trung-quốc trong Hiệp-định Hoa-Việt về biên-giới trên đất liền và đường biển vùng vịnh Bắc-Việt năm 2000. (Asian Survey, Vol 16, number 6, Alexandr L. Vuving)

Trung-quốc đã giúp Lê-đức-Anh biến Tổng-cục 2 thuộc Bộ Quốc-phòng thành cơ-quan tình-báo với quyền-lực rất lớn; chuyên dàn-dựng tin-tức tình-báo để cô-lập, chụp-mủ, loại-trừ những người có khuynh-hướng cải-cách và muốn ngã về phương Tây; dấy lên những vụ thanh-toán lẩn nhau trong nội-bộ giới lãnh-đạo cao-cấp của đảng CSVN. (Tâm-Việt, Vụ án siêu-nghiêm-trọng T2-T4). Lê-đức-Anh và Lê-khả-Phiêu đã dùng ảnh-hưởng và quyền-lực của mình để biến Quân-đội Nhân-dân VN thành một lực-lượng thân Trung-quốc và hết lòng bảo-vệ cho nhóm bảo-thủ trong đảng CSVN. Cho đến nay nhóm bảo-thủ này càng có thế-lực hơn; trong đại-hội X vừa rồi, toàn-bộ những nhân-vật cởi-mở trong bộ Ngoại-giao CS đều bị loại khỏi Bộ Chính-trị, thay vào đó là những người thuộc QĐND/VN và CAND. Ảnh-hưởng của Trung-quốc đối với đảng CSVN càng được củng-cố mạnh hơn và hiểm-họa nô-dịch Bắc-phương của VN, dưới một hình-thức tân-kỳ, lại càng lớn hơn bao giờ.

Quan-hệ của đảng CSVN đối với Trung-quốc là một quan-hệ thần-phục.Một số sự-kiện minh-chứng cho quan-hệ đó. Năm 2000 việc tiếp-đón William Cohen, Bộ-trưởng QP Mỹ đầu-tiên đến VN sau chiến-tranh, đã phải hoãn hai lần chờ cho đến khi Lê-khả-Phiêu qua thỉnh-thị Bắc-kinh xong, mới thực-hiện được. Trước khi ký Hiệp-ước Thương-Mại Song-phương (BTA) với Mỹ, Nguyễn-minh-Triết đã phải qua viếng Trung-quốc để nhận chỉ-thị ; và đáng ra Hiệp-ước này đã được ký trước vào tháng 9/1999, nhưng phải dời laị một năm để chờ cho Trung-quốc ký hiệp-ước chuẩn-bị WTO với Mỹ trước. Tháng 12 năm 2001, trước khi Nguyễn-tấn-Dũng, lúc đó là phó-thủ-tướng, đến MỸđể dự buổi lễ ký-kết chính-thức Hiệp-ước, Nông-đức-Mạnh đã phải lên đường đi Bắc-Kinh. Năm 2002, Đô-đốc Blair, tư-lệnh Lực-lượng Thái-bình-Dương, viếng-thăm VN và ngỏ ý rằng Mỹ muốn thắt-chặt quan-hệ quân-sự với VN và muốn xử-dụng cảng Cam-Ranh. Ngay sau khi Blair vừa rời khỏi, Thủ-tướng TQ Jiang Zemin liền qua VN và được Nông-đức-Mạnh cam-kết rằng VN sẽ không để cho bất-kỳ nước ngoài nào xử-dụng căn-cứ hải-quân Cam-Ranh. Ngay năm nay, để đi thăm Mỹ, Nguyễn-minh-Triết phải đi qua “chầu “Bắc-Kinh trước! (Nguyễn-mạnh-Hùng, NCVA Analysis). Chưa kể hàng năm, lãnh-đạo cao-cấp của đảng CSVN đều phải một hai lần qua viếng Bắc-Kinh.

Trung-quốc cũng muốn gây ảnh-hưởng cả lên lãnh-vực giáo-dục của VN để giảm-thiểu sự ác-cảm của gìới-trẻ VN đối với Trung-quốc. Tháng 11 năm 2001 khi Chủ-tịch Trung-quốc qua VN, hai nước đã ra một thông-cáo chung có 9 chương, trong đó ở chương 3 có đoạn nói về giáo-dục như sau: “đặc biệt là tăng cường tuyên truyền và giáo dục thanh niên hai nước về truyền thống hữu nghị Việt-Trung, để tình hữu nghị muôn đời Việt - Trung thấm sâu vào lòng nhân dân hai nước” “. Từ đó đến nay, Hà-Nội đã phải thay đổi nội-dung của các sách giáo-khoa, trong những phần có liên-quan đến Trung-quốc, cho phù-hợp với tinh-thần của đoạn tuyên-bố chung này.

Về mặt kinh-tế, sau Nhật-Bản và Mỹ, Trung-quốc là quốc-gia có tổng-khối-lượng mậu-dịch lớn đối với VN, từ 30 triệu dollars năm 1991 tăng lên đến 5 tỉ dollars năm 2004 và dự-trù tăng lên 10 tỉ năm 2010 (Tổng-khối-lượng mậu-dịch Việt-Mỹ hiện nay gần 9 tỉ dollars). Trung-quốc đầu-tư vào VN gần 300 dự-án khác nhau với tổng-số vốn chừng 600 triệu dollars, trong đó hơn 200 dự-án về Xây-dựng, Công-nghiệp cơ-khí và Thực-phẩm, số còn lại thuộc về lãnh-vực dịch-vụ.. Tuy tổng-lượng mậu-dịch không lớn lắm, nhưng Trung-quốc có một ảnh-hưởng rất lớn đối với kinh-tế VN. (Vietnam Investment Review October, 2005).

Trong mấy năm gần đây, Trung-quốc đang áp-dụng phương-thức Quyền lực Mềm dẻo (Soft power) để thu-phục các nước nhược-tiểu Á-Phi nói chung và các nước ASEAN nói riêng. Với khối-lượng ngoại-hối thặng-dư đến hơn 1,300 tỉ dollars, Trung-quốc đã cho các nước Miến-điện (Myanmar), Cambodia, Lào, Thái-lan vay nợ với những điều-kiện nhẹ-nhàng và ưu-đãi hơn so với điểu-kiện của World Bank và IMF (Quỷ Tiền-tệ Quốc-tế). Kèm với việc cho vay này, Trung-quốc cam-kết không can-thiệp vào chuyện nội-bộ của các nước vay nợ. Trong cuộc khủng-hoảng tài-chánh tại Á-châu năm 1997-98, việc Trung-quốc không giảm-gía đồng Nhân-dân-tệ, đã giúp giảm thiệt-hại cho các nước như Thái-lan, Đại-hàn, Nam-dương rất nhiều nên các nước đó rất hàm-ơn. Với phương-thức Soft Power này, Trung-quốc đang thuyết-phục các nước ASEAN (Hiệp-hội các nước Đông-Nam-Á) để lập một khu-vực mậu-dịch tự-do ASEAN-CHINA (ASEAN-CHINA FREE TRADE AREA) dự-trù vào năm 2010. Nếu được thành-lập, khối này sẽ gồm 11 quốc-gia với hơn 1.7 tỉ người và sẽ trở thành khối tự-do mậu-dịch lớn thứ ba trên Thế-gìới sau khối Tự-do Mậu-dịch Bắc-Mỹ (NAFTA) và Cộng-đồng Âu-Châu (E U). Thực-hiện được điều đó, Trung-quốc sẽ loại được ảnh-hưởng kinh-tế, chính-tri của MỸ ra khỏi khu-vực các nước Đông-Nam-Á. Tham-vọng của Trung-quốc là hoàn-toàn kiểm-soát biển Đông và một phần Ấn-Độ-Dương gần Miến-Điện để bảo-đảm cho hải-lộ vận-chuyển dầu-hoả từ Trung-Đông qua eo Malacca (strait of Malacca, chỉ rộng chừng 1.5 miles, thuộc Malaysia) về đến đảo Hải-Nam được an-toàn. Trong tương-lai, dầu-hỏa sẽ là vấn-đề sống còn của Trung-quốc.

Mưu-đồ trên đây của Trung-quốc đối với khối ASEAN chắc-chắn sẽ tạo ra những ảnh-hưởng quan-trọng trong quan-hệ Hoa-Việt. Do vị-trí địa-lý đặc-biệt và tiềm-năng của mình, VN sẽ trở nên một mục-tiêu hàng đầu của Trung-quốc trong việc bành-trướng ảnh-hưởng ở Đông Nam Á.

Tóm lại, Viêt-Nam đang có nguy-cơ trở lại vai-trò chư-hầu của Trung-quốc như trong thời Phong-kiến xưa. Bị thao-túng về chính-trị; bị áp-lực nặng-nề về văn-hóa, kinh-tế, quân-sự; bị phong-toả về chiến-lược đối-ngoại, Viet-Nam càng ngày càng lún sâu hơn vào vòng ảnh-hưởng của kẻ thù truyền-kiếp phương Bắc, trở thành một thứ phên dậu trong chiến-lược bá-chủ Á-châu của tập-đoàn lãnh-đạo Bắc-kinh!

ĐỐI VỚI MỸ

Chỉ một tháng sau 30/4/1975, tháng 6/1975 khi đọc diễn-văn trước Quốc-hội, Thủ-tướng CS Phạm-văn-Đồng đã chính-thức mời Mỹ thiết-lập quan-hệ với VN, đồng-thời giúp VN tái-thiết theo như lời hứa bí-mật của TT Nixon trước khi ký hiệp-định Paris 1973. Sau đó, ngày16 tháng 3 năm 1977, TT Mỹ Carter đã gởi một phái-đoàn do Leonard Woodcock đến Hà-Nội.Tuy-nhiên, những nỗ lực đầu tiên ngay sau chiến-tranh để lập quan-hệ bình-thường Việt-Mỹ đã không có kết-qủa vì một số lý do. Trước hết, vì VNCS quá nhấn-mạnh đến việc thi-hành mật-ước của TT Nixon về 4.7 tỉ dollars tái-thiết cho VN. Kế đến là vì trong nội-bộ của chính-phủ Carter nhóm chủ-trương xem quan-hệ với Trung-quốc ưu-tiên hơn quan-hệ với VN dần-dần thắng-thế, vì người đứng đầu nhóm này là Zbigniew Brzezinski, lúc đó là Cố-Vấn An-Ninh Quốc-gia, có ảnh-hưởng với TT Carter lấn-át Cyrus Vance - Bộ-trưởng Ngọai-giao- là người vốn xem vấn-đề VN quan-trọng hơn. (Brother Enemy, Nayan Chanda). Mặt khác các biến-chuyển quốc-tế của những năm tiếp theo đã làm cho VN trở nên kém quan-trọng hơn trong chiến-lược địa-lý chính-trị toàn-cầu của Mỹ; Trung-quốc được xem là cộng-sự chiến-lược (strategic partner) của Mỹ để đối-đầu với Liên-Xô. Trung-quốc cũng đã tận-dụng tình-hình này để ngăn-cản quan-hệ thân-thiện Việt-Mỹ.

Trong thập-niên 1980s, Mỹ đã cùng Trung-quốc nỗ-lực làm suy-yếu Liên-Sô bằng cách dùng “bẫy sập “Afghanistan. Thất-bại ở Afghanistan đã dẫn Liên-Sô đến phá-sản và kéo theo sự sụp-đổ hoàn-toàn của CS Đông-Âu, kết-thúc Chiến-tranh Lạnh. VNCS, vì đứng về phía Liên-Sô nên đã bị vạ lây. Mỹ đã để mặc cho Trung-quốc dùng Khmer Rouge chống-phá VN, và năm 1979 đã đồng-ý để Trung-quốc trừng-phạt VN. Từ 1979 đến 1989 Việt-Nam CS bị sa-lầy ở Campuchia. Sau Chiến-tranh Lạnh, khi Liện-Sô sụp đổ và VNCS rút ra khỏi Campuchia, vai-trò của Trung-quốc như là cộng-sự chiến-lược của Mỹ không còn quan-trọng như trước nữa; trái lại Trung-quốc, với hiện-đại-hoá thành-công, đang trở thành mối đe-doạ cho quyền-lợi của Mỹ ở Á-châu. Đến lúc đó, các nhà chiến-lược Washington mới quay laị vấn-đề VN. Chính vì vậy từ 1991 trở đi tiếp-xúc Việt-Mỹ gia-tăng, dẫn đến việc tái-lập quan-hệ ngoại-giao vào năm 1995. Từ đó đến nay, quan-hệ hai bên đã không ngừng tăng-cường, bước đầu chỉ trong các vấn-đề nhân-đạo, nhưng về sau mở rộng ra các lãnh-vực kinh-tế, văn-hóa, gíao-dục, y-tế và cả quân-sự nữa tuy rằng vẫn còn ở giai-đoạn phôi-thai.

Trong năm 2006, chẳng-hạn, tổng-khối-lượng mậu-dịch Mỹ-Việt đã đạt đến hơn 9.6 tỉ dollars; trong đó VN xuất-cảng sang Mỹ hơn 8.5 tỉ dollars đa-số là hàng may-mặc, dầu-thô, hải-sản và nhập-cảng từ Mỹ chừng 1.1 tỉ dollars. Trước đó, năm 1995 khi mới lập quan-hệ ngoại-giao, tổng-khốì-lượng mậu-dịch giữa hai nước chỉ hơn 450 triệu dollars (Thống-kê của US Census Bureau). Riêng năm nay, chỉ 3 tháng đầu năm thôi, tổng-lượng mậu-dịch Việt-Mỹ đã gần 3.5 tỉ dollars. Mỹ là thị-trường xuất-cảng lớn nhất của VN hiện nay. Cũng có tin là Mỹ-Việt sắp ký Thỏa-thuận về Khung Đầu-tư và Mậu-dịch (Trade and Investment Framework Agreement); một khởi-điểm cho tự-do mậu-dịch giữa hai quốc-gia.

Quan-hệ cũng được mở rộng trong các lãnh-vực văn-hoá giáo-dục, y-tế, v.v… Các chương-trình Fulbright, Huber Humphrey Program, International Visitor, US Speakers, Academic Specialist Programs đã đưa hàng ngàn sinh-viên, diễn-giả, chuyên-gia VN thuộc các ngành khoa-học qua MỸ du-hoc, nghiên-cứu hay diễn thuyết. Hiện có hơn 2000 sinh-viên VN du-học ở MỸ. Từ năm 2005, Hà-Nội đang nhờ Trường Đaị-học Havard giúp trong việc cải-cách giáo-dục và thiết-lập một trường đại-học mẫu theo tiêu-chuẩn quốc-tế gọi là World Class University với kinh-phí khởi-sự là 100 triệu dollars đã được duyệt-xét. Mỹ cũng đang giúp VNCS trong việc đối-phó với bệnh AIDS và chất độc Dioxin. (US Embassy in Hanoi).

Ngoài ra, cũng có dấu-hiệu hợp-tác Mỹ-Việt trong cả lãnh-vực quốc-phòng. Vào năm 2000, William Cohen, Bộ-trưởng QP Mỹ đã viếng thăm VN. Từ năm 2003 trở đi quan-hệ gia-tăng nhanh hơn. Hội-nghị Trung-ương đảng CSVN tháng 6/2003, khi đánh-giá về tình-hình an-ninh khu-vực, nhận-định rằng ngoài việc thắt-chặt quan-hệ với các quốc-gia Lào, Campuchia, Miến-Điện và Thái-Lan, Trung-quốc còn tiếp-tục lấn-chiếm trên biển Đông, tăng-cường hạm-đội Hải-Nam với nhiều tiềm-thuỷ-đỉnh, và ngay cả dự-trù xây-dựng hàng-không mẫu-hạm trong Vùng.Tình-hình đó đặt VN vào nguy-cơ bị bao vây cả trên bộ lẩn dưới biển. Có-lẻ vì vậy VNCS thấy cần phải mở rộng quan-hệ với Mỹ hơn trong lãnh-vực quân-sự.

Trong chiều-hướng đó, Bộ-trưởng Phạm-văn-Trà viếng thăm Mỹ và ngay sau đó chiến-hạm USS Vandergrift cập bến sông Sài-Gòn. Tháng 6/2005 Phan-văn-Khải đến Mỹ mang theo một số sĩ-quan tham-dự chương-trình huấn-luyện quốc-tế (International Military Education and Training IMET).

Tháng6 / 2006, Bộ-trưởng QP Rumsfeld thăm VN tuyên-bố rằng quan-hệ Mỹ-Việt trong các lãnh-vực kinh-tế, chính-trị và an-ninh đang được nâng lên ở một tầm-mức mới hơn (new level). Sau đó, tháng 7/2006 Đô-đốc William Fallon chỉ-huy Hạm-đội Thái-Bình-Dương đến VN để thảo-luận về thao-diễn quân-sự chung của hải-quân Việt-Mỹ trong công-tác Tìm-kiếm/ Cấp-cứu (joint military of search- and- rescue exercises at sea) và về việc cho tàu hải-quân Mỹ ghé các bến-cảng của VN.

Đến nay đã 4 lần trong 4 năm liên-tiếp tàu hải-quân Mỹ ghé VN. Hạm-đội Mỹ ở Thái-bình-Dương đã có những giúp đỡ về quân-y và một số dự-án nhân-đạo. Hải-quân Mỹ đang dự-trù mua một số hàng tiếp-liệu và thực-hiện một số dịch-vụ bảo-trì, sửa-chữa tại VN. Địa-điểm đáng chú-ý là cảng Cam-Ranh. Trong tương-quan lực-lưọng hiện nay, sự hiện-diện của Mỹ tại căn-cứ này, tuy có thể tạo nên sự căng-thẳng về ngoại-giao với Trung-quốc, là điều cần để giữ vững sự ổn-định cho khu-vực Đông-Nam-Á và bảo-vệ cho quyền-lợi của Mỹ trong khu-vực.

Đông-Nam-Á (ĐNA), do vị-trí đặc-biệt, có một tầm quan-trọng chiến-lược đối với Mỹ trong việc duy-trì sự ổn-định và ảnh-hưởng tại Á-châu. Bao lâu ĐNA còn nằm trong ảnh-hưởng của Mỹ và biển Đông chưa rơi vào sự khống-chế của Trung-quốc thì sự ổn-định và cân-bằng quyền-lực ở Á-châu vẩn duy-trì như hiện nay, và do đó, quyền-lợi của Mỹ vẫn được bảo-vệ. Trong trường-hợp ngược lại, nguy-cơ Đài-Loan bị Trung-quốc thu-hồi sẽ gia-tăng, Nhật-Bản, vì vậy, phải tái vũ-trang và ra khỏi cái dù che chở của Mỹ, và như vậy có nghĩa là ảnh-hưởng của Mỹ ở Á-châu sẽ chấm-dứt.

Ngoài ra, xét về mặt kinh-tế, quyền-lợi kinh-tế của Mỹ tại ĐNA rất lớn. Hàng năm, Mỹ xuất-cảng qua ĐNA hơn 50 tỉ dollars hàng-hoá; đây là thị-trường chỉ đứng sau Nhật, Châu-Âu, Canada và Mexico. Đầu-tư tư-nhân hằng năm của Mỹ vào ĐNA là 80 tỉ dollars, cao hơn vào Trung-hoa, Nhật-Bản và Ấn-Độ. (The Heritage Foundation, No 2017)

Trong con mắt của các nhà nghiên-cứu Mỹ thì ở ĐNA, hai quốc-gia quan-trọng nhất là Indonesia và Việt-Nam. Với dân-số gần 250 triệu Indonesia là một quốc-gia Hồi-giáo thế-tục lớn nhất Thế-giới. Lượng Hoa-Kiều ít so với các nước khác trong vùng. Indonesia rất độc-lập đối với Trung-quốc. Việt-Nam với dân-số gần 85 triệu, có một lịch-sử lâu dài chống chọi với Trung-quốc, có một tiềm-năng kinh-tế lớn, và do vị-trí địa-lý đặc-biệt của nó sẽ trở thành một cộng-sự chiến-lược quan-trọng của Mỹ trong chiến-lược bảo-vệ quyền-lợi của mình (hedging strategy) trước đà lớn mạnh đáng sợ hiện nay của Trung-quốc.

Tuy vậy, về phía nhà cầm-quyền VN, Hà-Nội vẫn còn e-ngại việc Mỹ dùng các vấn-đề Nhân-quyền và Dân-chủ để gây bất-ổn, tạo thời-cơ cho “ Diễn-tiến hòa-bình “, lật-đổ đảng CS và thao-túng Việt-Nam cho các lợi-ích kinh-tế. Sự e-dè này biểu-hiện trong sự thận-trọng của Hà-Nội đối với Mỹ cũng như những giằng-co trong nội-bộ cấp lãnh-đạo đảng CSVN về chính-sách đối với Mỹ và đối với Trung-quốc.

ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC KHÁC:

NGA

Ngoài hai nước quan-trọng trên đây, VNCS quan-tâm đến việc lập quan-hệ với 3 quốc-gia trong hy-vọng cân-bằng ảnh-hưởng của Trung-quốc; đó là Nga, Nhật-Bản và Ấn-Độ.

Mặc-dù đang gặp những khó-khăn và không còn giữ được uy-lực như Liên-Sô ngày nào, Nga vẫn còn là một cường-quốc với một kho vũ-khí nguyên-tử khổng-lồ đứng hàng thứ hai trên Thế-giới.Chính vì vậy, VNCS trong suốt mấy thập-niên qua từ sau ngày Liên-Sô sụp-đổ vẩn duy-trì quan-hệ mật-thiết với Nga để cân-bằng bớt áp-lực từ Trung-quốc. Hằng năm VNCS mua một số lượng lớn phụ-tùng và thiết-bị vũ-khí, các trang-bị cơ-khí trong ngành dầu-khí, hang-không và điện-lực. Tổng-số -lượng mậu-dịch hiện nay lên đến 1 tỉ dollars/năm.Trong thời-gian qua Nga là người cung-cấp vũ-khí cho VNCS, trong đó có 12 tàu tuần-duyên Svetlyak, 12 dàn hoả-tiễn địa-không, 40 chiến-đấu-cơ SU-30 và một số đại-bác. Nga cũng cam-kết nâng-cấp tất-cả số vũ-khí VNCS đã mua lúc trước. (Asia Times)

NHẬT-BẢN

Năm ngoái, Nhật-Bản đã ký-kết với VN Tuyên-bố chung về Hợp-tác Chiến-lược cho Hoà-bình và Thinh-vượng của Châu-Á. Theo bản tuyên-bố này thì hai bên cam-kết đẩy mạnh sự hợp-tác trong các lãnh-vực kinh-tế, khoa-học kỹ-thuật và xã-hội. Nhật-Bản là nước đầu-tiên ngay sau 1975 ủng-hộ VNCS, đã cho vay nợ 2 tỉ dollars qua IMF năm 1993 và làm trung-gian trong việc vận-động cho VNCS trở nên thành-viên của tổ-chức này. Có lẽ Nhật-Bản là quốc-gia đầu-tư nhiều nhất vào VN, trong thời-gian 1998-2005 Nhật-Bản đã đầu-tư tổng-cộng 6.8 tỉ dollars. Sau Mỹ, Nhật-Bản là thị-trường lớn thứ hai của VNCS. (FITA.org), năm 2005 tổng-số xuất-cảng của VN qua Nhật-Bản lên đến 4.5 tỉ dollars.

Nhật-Bản có nền kinh-tế lớn thứ hai trên Thế-Giới, chỉ sau MỸ. Với tiềm-năng kinh-tế lớn lao như vậy, Nhật-Bản có thể trở nên một siêu-cường quân-sự, khi cần, trong một thời-gian rất ngắn. Và đó chính là điều lo-ngại lớn nhất cho Trung-quốc trong tham-vọng trở nên bá-chủ Á-châu trong tương-lai.

ẤN-ĐỘ

Là quốc-gia đã từng có những xung-đột biên-gìới trước đây với Trung-quốc và hiện nay đã trở thành một cường-quốc nguyên-tử. Trong suốt mấy thập-niên qua Trung-quốc đã liên-kết với Pakistan để chống với Ấn-độ. Việt-Nam và Ấn-Độ đã ký một thông-cáo chung năm 2003 đề-cập đến quan-hệ giữa hai quốc-gia nặng về chiến-lược và kinh-tế hơn là ý-thức-hệ. Mới đây có tin đồn rằng Việt-Nam đang muốn Ấn-Độ giúp chế-tạo phi-đạn?

Mặc dù tổng-lượng mậu-dịch giữa hai quốc-gia không lớn, nhưng do Ấn-Độ là một cường-quốc nguyên-tử vớ một dân-số hơn 1 tỉ người, trở thành một trở-lực rất lớn cho mộng bá-chủ Á-châu của Trung-quốc, nên quan-hệ Ấn-Độ- Việt-Nam có tầm-mức rất quan-trọng trước mối đe-doạ Trung-quốc và thế cân-bằng chiến-lược ở Đông-Nam-Á.

KẾT-LUẬN

Đảng CS vẫn còn cố bám lấy độc-quyền lãnh-đạo Đất-Nước bất-chấp những đòi-hỏi của tình-hình khách-quan và khát-vọng Dân-chủ của đại-đa-số nhân-dân và ngay cả những lời kêu gọi thiết-tha của nhiều đảng-viên yêu Nước. Sự ngoan-cố này sẽ trở thành một trở-lực lớn cho công-cuộc đấu-tranh xây-dựng Dân-chủ và bảo-vệ Nhân-quyền, sẽ làm cho đảng CS mất dần sự ủng-hộ ít-ỏi còn lại, không đoàn-kết được toàn-dân để đương-đầu với Bắc-phương cũng như những áp-lực kinh-tế đến từ phương Tây.

Những thành-tựu kinh-tế cho đến nay chỉ là nhất-thời. Về lâu dài còn có vô-vàn những thách-thức VN cần phải vượt qua đề tồn-tại và vươn lên cùng với Thế-giới như là một quốc-gia độc-lập, tự-do và dân-chủ. Để được như vậy, người VN phải biết tự giải-thoát mình ra ngoài sự mê-muội ý-thức-hệ và óc vọng-ngoại, quay về với Dân-Tộc, đặt quyền-lợi Tổ-quốc lên trên hết, đoàn-kết nhau lại, để cùng phục-hưng Đất-Nước.

Không một liên-minh chính-trị, kinh-tế hay quân-sự với một cường-quốc nào là bền-vững muôn-đời và có-thể giúp cho Tổ-quốc trường-cửu. Chỉ có sự đoàn-kết và tự-lực của người VN mới cứu được VN.

Sunnyvale, Ngày 25/6/2007

Trương-Đình-Trung



--------------------------------------------------------------------------------


Thư-Mục (Works cited):

1. World Bank reports.

2. Petrovietnam.com.

3. Oxfam Briefing paper 67, Oxfam international.

4. US Embassy in Hanoi.

5. US chamber of Commerce: Southeast Asia.

6. Sự-thật về 30 năm quan-hệ VN-Trung quốc, NXB Sự-thật, Hà-nội 1982.

7. Chanda, Nayan. “Brother Enemy “, NXB Mc Millan 1986.

8. Chinese Brief Volume VI, Issue 24.

9. Asian Survey, Vol 16, number 6, Alexandr L. Vuving).

10. Vietnam Investment Review, October, 2005).

11. Mc Cargo, Duncan.” Rethinking Vietnam”, New-York 2004

12. The Heritage Foundation, No 2017.

13. Asia Times.

Không có nhận xét nào: