Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

Muốn Nói Ngoa, Thì "Làm Cha" Mà Nói...

Bác Nông Đức Mạnh, tổng bí thư đảng ta, có nhiều câu nói rất đáng lưu ý; trong đó nhiều câu khá... lửng lơ (ai muốn hiểu sao cũng được), và nhiều câu khác cứ như “làm cha” mọi người, bất chấp thực tế. Tục ngữ: Muốn nói ngoa, thì “làm cha” mà nói...

Ví dụ, bác nói: “tôn trọng khác biệt...”, rồi bác không nói tiếp nữa, khiến chúng ta muốn hiểu ra sao cũng được, nhưng nếu lỡ hiểu khác bác thì bộ chính trị của bác... bỏ tù ngay (như vừa bỏ tù ông linh mục Nguyễn Văn Lý).

Bác còn nói “chống chủ nghĩa cá nhân”... khiến chúng tôi phải vào mạng tìm hiểu (khá tốn công) coi thử chủ nghĩa cá nhân là gì. Té ra, chủ nghĩa cá nhân là một trào lưu tiến bộ - mà ở đây bác Mạnh nhầm lẫn nó với chủ nghĩa vị kỷ. Điều này, chúng tôi đã phân công nhau viết cả một bài dài, công bố, để sau này mỗi khi nghe đảng ta nói về “chống chủ nghĩa cá nhân” chúng tôi sẽ dị ứng ở mức cần thiết.

Lần này, bác lại phát ngôn một câu trứ danh trước quốc hội: “không đưa trò chơi dân chủ vào quốc hội” trong khi đảng ta đang chơi trò dân chủ với cả nước và với quốc tế.

Đảng ta làm ra vẻ hoan nghênh mọi người dân tự do ứng cử, cứ làm như xưa nay đảng vẫn hằng làm như vậy, nhưng hồi đó dân trí VN quá thấp kém nên quá ít người sử dụng quyền của mình. Nay, nhờ sự giáo dục của đảng ta, dân đã mạnh dạn hơn. Bằng chứng là có tới 238 người làm đơn chính thức. Rồi bằng trò chơi “hiệp thương”, rốt cuộc chỉ con 30 người “tự do” ứng cử, chiếm tới 1/30 trong tổng số danh sách chính thức (!). Thử hỏi có trò chơi dân chủ nào ngoạn mục hơn?. Và tác giả kiêm đạo diễn là ai vậy?

Bản thân cái gọi là “hiệp thương” cũng lại là trò chơi dân chủ. Chính vì vậy mới đẻ ra được cái danh sách ứng cử (hoàn toàn theo đúng ý đảng), được báo chí của đảng ca ngợi nghiêm trang như ca nợi một trò chơi dân chủ rất thành công vậy!. Một dúm người trong cái gọi là “uỷ ban trung ương” Mặt trận tổ quốc - lấy danh nghĩa là đại diện cho toàn dân - đã “bỏ phiếu kín” để chọn giúp dân danh sách ứng cử viên. Nếu đem tên tuổi từng người có cái quyền “chọn sẵn giúp dân” ra hỏi từng cử tri - coi thử cử tri có biết họ là ai không - thì 90 hoặc 99% dân ta sẽ có câu trả lời đủ lật cái mặt nạ “trò chơi dân chủ” của đảng ta đã độc diễn suốt 60 năm nay.

Khi đã có một danh sách ứng cử viên vừa ý đảng rồi, nếu... chúng tôi là đảng, chúng tôi cũng lùa dân đi bầu sao cho có thể khoe với cả thế giới về “không khí bầu cử dân chủ ở VN”, về sự giác ngộ cao độ của dân Việt về quyền lợi chính trị của mình...

Rồi khi quốc hội họp, sẽ có những ông vị trí cao ngất ngưởng trong đảng đứng ta đạo diễn trò chơi dân chủ bằng cách tuyên bố: (Dưới sự lãnh đạo của đảng ta) Quốc hội phải là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước. Cái quốc hội mà đảng hoàn toàn vừa ý – khoá IX - có tới vài trăm nghị sĩ không hề mở miệng lần nào trong suốt cả nhiệm kỳ (5 năm), có tới 2/3 nghị sĩ là “đầy tớ” (tức là công chức nhà nước) lại lọt vào để đại diện quyền lợi và ý chí ông chủ (tức là dân) !!!. Có những ông nghị trúng cử hai khoá liên tiếp và im lặng cả 10 năm. Ai đưa cái trò chơi dân chủ này vào tận quốc hội khiến bác Nông Đức Mạnh phải lên tiếng huấn thị?

Tiện đây, chúng tôi xin nói về cái Nghị Định 31CP. Trước đây, chúng tôi mù tịt về cái “nghị định” rất phản động này (vì nó cho phép công an “giam tại nhà” những người bất đồng chính kiến). Khi hỏi các bậc ông bà, cha mẹ, chúng tôi mới biết nó đã tồn tại suốt 10 năm nay (hai nhiệm kỳ quốc hội. Nó đã vi phạm quyền tự do cư trú và đi lại của công dân (tới 199 người) tức là nó vi hiến, vậy sao Quốc Hội là cứ câm như hến khiến nó vẫn được ban hành?. Ấy thế mà... khi bị quốc tế chỉ trích, đảng phải lùi bước, lập tức Cuốc Hội ta “thông qua cái rụp” một nghị quyết “bác bỏ” nghị quyết này. Đây chỉ là một trò chơi dân chủ cỡ rất nhỏ ở Quốc Hội ta. Nếu kể cho hết những trò chơi dân chủ loại này, e rằng cả trang web này không đủ chỗ.

Hay hô to theo đảng: Muôn năm... những trò chơi dân chủ

Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và nhóm sinh viên