Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2007

Nhắn gởi Việt Weekly: Làm Báo & Làm Người

Khởi Ðầu

Ngày 23 tháng 10 năm 2003, tờ Việt Weekly ra đời, khổ tabloid, 36 trang, tờ báo được nhật báo Viễn Ðông kẹp chung để phát hành vào ngày thứ Năm hằng tuần. Trong số ra mắt nầy, Thư Chủ Nhiệm, ông Lê Vũ viết: “... Chúng tôi chủ trương một nội dung thiên về “đời sống người Việt hải ngoại”. Cách thức thực hiện là đi sát với thực tế, làm tốt vai trò của báo chí là quan sát và phản ảnh một cách khách quan”. Và kết luận “Lúc nào chúng tôi cũng tìm kiếm sự cộng tác của mọi người để mãi mãi tiến bộ. Rất mong quý bạn đọc xem Việt Weekly như một bạn đồng hành hữu ích trong cuộc sống rộn rã trước mắt”.

Sở dĩ, tờ Việt Weekly được nhật báo Viễn Ðông cho phát hành chung vì tháng Ba năm 2003, ông Etcetera và vợ là Mimi Tủy Thiên về làm việc cho tờ Viễn Ðông (Tháng 6 năm 2004, vợ chồng Etcetera bị “đi chơi chỗ khác” và tờ Việt Weekly cũng tự phát hành).

Có thể xem tờ Việt Weekly là hậu thân của tờ Mimi News, ra đời vào tháng Bảy năm 2001, chỉ có 8 trang khổ 11X17”, mỗi tháng phát hành vào ngày thứ Năm do nhật báo Người Việt phát kèm nhưng gần một năm vẫn ì xèo, không có quảng cáo nên bỏ cuộc. Tở VW số 29, ra ngày 15 tháng 7 năm 2004, Etcetera viết bài “Tôi “bị” ông Ðỗ Ngọc Yến... Xúi làm báo”, ông đề cập: “Năm 1997, tôi còn lo tơ mơ với công việc báo chí. Chỉ thích vẽ minh họa, vẽ hí họa cho một tạp chí sinh viên. Năm 1999, khi vụ Trần Trường nổ ra, tôi đã vẽ một bức hí họa đầu tiên phê phán sự kiện nầy, nhắm vào ông Trần Trường... Sau khi vẽ bức tranh tranh đó, tôi đến tòa soạn nhật báo Người Việt (trụ sở cũ) để xin được đăng tranh...”. Ông Ðỗ Ngọc Yến liếc qua bức tranh, khen được, và hỏi còn nữa không? “Hai hôm sau, tôi mang đến mấy tấm nữa, cũng về đề tài Trần Trường”. Sau đó, Etcetera được nhận phụ trách phần hí họa trong nhật báo Người Việt.

Với tờ Việt Weekly, chủ nhiệm: Lê Vũ, chủ bút: Mimi Tưởng (Mimi Thủy Tiên) và tổng thư ký: Etcetera. Tuy cả ba đều chưa trải qua trường lớp báo chí nào nhưng có lẽ “yêu nghề báo” nên dấn thân, thiếu kinh nghiệm và khả năng, nếu không có sự “dựa dẫm” tờ báo nào để phát hành thì khó tồn tại ngay ở bước đầu.

Nhìn lại báo chí Việt ngữ ở hải ngoại nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, những người dấn thân trong công việc nầy đã lớn tuổi. Khi thấy giới trẻ “xông xáo” bước vào lãnh vực nầy, đáng khuyến khích. Vì vậy khi thấy tờ Việt Weekly ra đời, với bản thân người viết, biết được thành phần nhân sự: - Chủ nhiệm là Lê Vũ (Lê Cẩm Thạch) con của ông Lê Cẩm Khoán, nhân sỹ trong hội Tây Sơn Bình Ðịnh, - Chủ bút Mimi Tưởng (Mimi Thủy Tiên, con của nhà giáo ở Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương Ðà Lạt, cháu của cây bút chống Cộng sắc bén là Tưởng Năng Tiến (cậu ruột), - Etcetera (Nguyễn Quang Trường) con của ông Nguyễn Ngọc Bích, cựu Sĩ quan, cựu tù nhân chính trị... tôi cảm thấy vui vui. Etcetera với nhiều bức hí họa đã in thành sách Họa Etcetera, lên án chế độ Cộng Sản độc tài, dã man... nhất là hình ảnh Hồ Chí Minh qua nét vẽ trở thành tên hề, quái vật, bợm trợn, độc tài, láu cá, gian ác, đầy thủ đoạn... lên án những kẻ tay sai cho Sộng Sản

Thế nhưng! nửa năm sau, đã thất vọng khi xem tờ Việt Weekly và càng ngày càng thấy tởm!

Trở Mặt

Như đã đề cập ở trên, nội dung thiên về “đời sống người Việt hải ngoại” nhưng chụp hình và phỏng vấn vài ba người “lông bông lêu bêu”, xoay đi xoay lại với những cặn bã trong đời sống để tạo sự hiếu kỳ và có ý “dằn mặt” đối thủ nào phản bác để đừng đụng chạm đến tờ báo.

Etcetera lúc nào cũng đề cập đến 3 sư phụ là Ðỗ Ngọc Yến, Lâm Tường Dũ và Tuyết Sỹ. Về nhân cách và khả năng trong làng báo Việt ngữ, trong nghề ai cũng biết LTD và TS và cảm thấy “thầy nào trò đó” nhưng với Ðỗ Ngọc Yến là người đưa Etcetera vào làm tờ Người Việt và đỡ đầu nên nhiều người cũng hơi ngạc nhiên. Ông là sáng lập viên và cũng là linh hồn của tờ nhật báo nầy. Tình nghĩa thầy trò như vậy, thế mà đệ tử chụp bức hình tay cầm tờ báo Người Việt, tay bịt mũi! Khi xem bức hình đó, tôi không biết dùng chữ nào để nói về cái đạo lý làm người. Ông bạn bên cạnh liếc thấy và phán ngay “đồ mất dạy”.

Nói như ông Vũ Công Lý “bọn nầy ngựa non háu đá” nhưng không thể xấc xược, vô lễ với những bậc cha, ông một cách lỗ mãng với những chữ hạ cấp khi viết trong trang báo.

Khi Việt Weekly rêu ra sẽ đặt 500 thùng báo để phổ biến rộng rãi ở Nam Cali nhưng qua mấy năm, chẳng thấy có thùng báo nào cả. Sau khi về VN, tháng 12 năm 2006 “nổ” sẽ ra tờ nhật báo nhưng gần nửa năm rồi, có lẽ cũng mang số phận như 500 thùng báo?

Nếu điểm lại những số báo của Việt Weekly cũng đoán được chủ nhiệm Lê Vũ không biết gì về nội dung bài vở trước khi chuyển cho nhà in. Ðọc Thư Tòa Soạn, nếu có bài nào của Lê Vũ mới có gợi ý, có nhiều bài cũ từ trang web được tự ý trích để tạo “diễn đàn” nếu chủ nhiệm biết sẽ khôn khéo đề cập rồi. Vì vậy khi sự việc bị “bể”, lê Vũ phải chống chế nhưng vụng về chỉ lấy quyền tự do ngôn luận để quanh co.

Hình ảnh Etcetera qua những bức hí họa chống Cộng ngày nào đã biến mất để lộ diện những bài viết đả kích những người có tinh thần chống Cộng thảo nào có lời khen của Tôn Nữ Thị Ninh về tờ Việt Weekly. Có lẽ được “chân trong chân ngoài” nên khi về Việt Nam trong dịp hội nghị APEC, Việt Weekly được phỏng vấn Võ Văn Kiệt và những bức hình đó đăng tới đăng lui vừa “kiếm điểm” Cộng Sản vừa “khiếu khích” những người chống Cộng.

Cấp lãnh đạo và đảng viên lúc nào cũng tôn thờ Hồ Chí Minh; trong nước, nếu có ai xúc phạm đến “bác” sẽ bị tù ngay như đã từng diễn ra trong quá khứ, thế mà Võ Văn Kiệt tiếp chuyện với “kẻ chà đạp, khinh bỉ lãnh tụ của ông” thế mới kỳ quặc. Một, ông cảm thấy “chà đạp” là đúng; hai, ông không biết gì cả vì “đàn em nằm vùng hải ngoại” không báo cáo để khi được phát hiện thì “bé cái lầm”! Bộ Chính Trị nên mua tập hí họa của Etcetera nầy đưa cho Võ Văn Kiệt xem và làm “bản kiểm điểm”. Ðộng cơ nào thúc đẩy, “thành thật khai báo”!

Nầy nhé, phải “nói có sách, mách có chứng”, trong quyển Họa Etcetera dày 436 trang, ấn hành năm 2000, ngay trang đầu (trang 19) hình Hồ Chí Minh trông thật gian manh với câu nói “... cái Tự Do Ngôn luận đâu có trong đầu tao”. Ðơn cử vài trang với chân dung HCM: 20, 21, 28, 35, 37... mặt chuột, mặt dơi trông dị hợm, trang 31 hình HCM với câu “một thằng già trong công viên (Ba Ðình)”... trang 240, 242, 243... trang 239 với hình ảnh HCM như ác quỷ với chữ “Sinh nhật Ác Hồ”, trang 235 thì HCM trông thật dâm đãng ôm hai bà với dòng chủ “Minh Khai và A Vàng”... trang 244 hình HCM đầu trâu với 2 cái sừng cong, mặt có vòi, trông như con quái vật! Về tự do ngôn luận, trang 27 trông rất thú vị với dòng chủ “Tống ngay nó về CS đặng đòi tự do ngôn luận”...

Nếu Võ Văn Kiệt “chịu chơi” với đám Việt Weekly nầy thì nên ấn hành quyển Họa Etcetera nhằm thể hiện tự do dân chủ, tự do báo chí như thế đó.

Ngoài sư phụ Ðỗ Ngọc Yến, cho phụ trách trang hí họa trên tờ Người Việt, cho tiền để ra tờ Mimi News, khi qua đời, cho garage sách của ông... vợ, con còn giữ vai trò nòng cốt trong tờ Người Việt thế mà đệ tử phản thùng. Nhà báo lão thành Anh Tâm Nguyễn Thành Mỹ cùng vợ là Phan Anh Thư ở Fresno xuống buôn bán trái cây ở Little Saigon, giúp đỡ rất nhiều trong thời gian đầu VW sống thoi thóp, nhận làm nghĩa phụ Etcetera thế mà trong buổi bà vợ tổ chức sinh nhật của ông Việt Weekly bất ngờ biến thành kỷ niệm ngày ra đời tờ báo. Ông bà giận quá, mắng nỏ, về lại Fresno, ông tức quá nên bị đứt gân máu, phải đưa đi cấp cứu, bị liệt và nằm liệt từ năm 2005 đến nay.

Với Lê Vũ, kỹ sư điện toán, làm báo muốn trở thành một “lý thuyết gia” để biện bạch cho đường lối “tự do báo chí” nhưng qua những luận cứ đã được đề cập, hình như chưa được am tường. Lê Vũ giữ được nhân cách của người trẻ làm báo nhưng không có khả năng lo hết bài vở nên Etcetera bao trọn gói do đó, tờ VW mới trở thành lá cải, đánh phá, châm chọc rẻ tiền. Trước đây có vài trang English Section để bạn trẻ đọc nhưng cũng không ra gì nên phải dẹp.

Tự Do Báo Chí và Luật Mạ Lỵ

Trong bốn năm qua, tờ VW đề cập đến đời tư cá nhân nhiều người. Nhiều người cho rằng tờ báo nầy lợi dụng quyền tự do báo chí và vi phạm luật pháp về tội mạ lỵ, đó chỉ là ý kiền còn đúng hay sai khi đưa ra pháp luật phán xét mới biết được.

Nhận thấy bài nầy rất hữu ích nên xin trích nguyên văn bài viết của LS Nguyễn Quốc Lân với tựa đề “Tự do ngôn luận: Luật mạ lỵ” trong mục Pháp Luật và Ðời Sống trên nhật báo Người Việt, ra ngày 11 tháng Giêng năm 1995.

“Tự do ngôn luận là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong xã hội dân chủ. Tu Chính Án Thứ Nhất (First Amendment) của Hiến Pháp Hoa Kỳ ngăn cấm chính phủ không được có những hành động nào xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí của người dân. Những hành động của chính phủ bao gồm ban hành những luật lệ hay sử dụng hệ thống tòa án để xét xử những tranh chấp giữa các thành viên trong xã hội.

Như hầu hết mọi quyền tự do khác, tự do ngôn luận cũng có nhiều giới hạn trong pháp luật. Mặc dù tự do ngôn luận là một đặc quyền căn bản trong một thể chế dân chủ, luật pháp Hoa Kỳ cũng luôn cân nhắc đặc quyền nầy với những ưu tiên khác trong xã hội như trật tự an ninh quốc gia hay sự xâm phạm đến danh dự cá nhân hay cuộc sống an lành của những thành viên khác trong xã hội.

1.- Giới hạn của tự do ngôn luận

Tự do ngôn luận trong Hiến Pháp Hoa Kỳ không áp dụng đối với một số loại ngôn từ có tính cách nguy hại đến xã hội như:

a.- Những ngôn từ có thể trực tiếp gây xáo trộn trật tự hay an ninh xã hội (clear and present danger of imminent lawlessness). Ðây là loại ngôn từ tương tự như kêu gọi mọi người ném đá vào xe đi trên đường, tự động hô to và có lửa cháy trong rạp hát đang có đông người để đùa cợt, hay tiết lộ bí mật quốc phòng.

b.- Nhũng ngôn từ chửi bới có thể gây ra sự tức giận hay trả đũa bạo động bởi người nghe (figthting words). Ðây thường là những câu văn tục hay kỳ thị bởi một người nào đó.

c.- Những ngôn từ hay tài liệu có tính cách khiêu dâm và không có giá trị về văn chương, nghệ thuật chính trị, khoa học hay xã hội (obscenity). Ðây thường là những báo chí hay phim ảnh thuộc loại khiêu dâm dành cho người lớn.

d.- Quảng cáo sai sự thật hay đánh lừa khách hàng (false or deeptive advertising). Chính phủ có quyền đặt ra những điều luật để kiểm soát tiêu chuẩn quảng cáo thương mại.

e.- Những trường hợp đặc biệt cần thiết cho an ninh quốc gia như phổ biến tin tức trong chiến tranh, những ngôn từ kỳ thị chủng tộc hay tôn giáo.

f.- Những ngôn từ có tinh cách nói xấu, mạ lỵ hay phỉ báng người khác (defamation). Danh từ mạ lỵ có hai loại là (1) câu nói miệng (slander), và (2) câu nói thành văn hay viết ra trên giấy (libel). Cả hai đều có tiêu chuẩn pháp luật tương tự.

2.- Ngôn từ mạ lỵ hay phỉ báng (defamation)

Ngôn từ mạ lỵ là những lời tuyên bố sai sự thật về một người hay tổ chức nào đó mà có gây thiệt hại đến người bị liệng hệ. Muốn chứng minh một lời nói có mạ lỵ hay không, nạn nhân phải chứng minh được nhiều yếu tố khác nhau.

a.- Sai sự thật

Ngôn từ mạ lỵ phải là một lời tuyên bố về sự thật (statement of fact) chứ không phải phản ảnh những quan điểm, nhận xét hay phê bình (opinion). Ví dụ câu nói “ông A mới ăn cướp nhà hàng” là một lời tuyên bố có tính cách sự thật trong khi câu nói “ông A trông giống như một người ăn cướp nhà hàng” chỉ là câu nói có tính cách nhận xét.

Muốn chứng minh câu nói “ông A vừa mới ăn cướp nhà hàng” là sai sự thật thì chỉ còn có thể được vì chỉ cần chứng minh ông A có ăn cướp nhà hàng hay không mà thôi. Còn chứng minh câu “ông A trông giống như một người ăn cướp nhà hàng” là sai sự thật là một việc rất khó. Người bị mạ lỵ phải chứng minh được rằng câu tuyên bố liên hệ là sai sự thật thì mới có thể thắng kiện được.

b.- Ðối với những nhân vật của cong cộng (public figure)

Nếu nạn nhân là những nhân vật công cộng (public figure), tiêu chuẩn chứng minh các câu nói mạ lỵ chống lại mình khó khăn hơn những người khác. Muốn chứng minh một câu nói mạ lỵ, những nhân vật công cộng nầy phải chứng minh được là người phát ngôn các câu nói mạ lỵ biết rằng lời tuyên bố của mình là đúng hay sai sự thật. Nạn nhân phải chứng minh được rằng người phát ngôn lời nói mạ lỵ thật sự nghi ngờ về sự thật của câu phát biểu của mình nhưng vẫn có ý phát biểu mà không cần điều tra để tìm hiểu thêm về sự thật.

Những nhân vật công cộng nầy là những người nổi tiếng trong cộng đồng và tự lao mình vào các sinh hoạt hay tranh luận trong cộng đồng. Ðây là một tiêu chuẩn rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định kết quả, trong các vụ kiện liên quan đến các câu nói mạ lỵ.

c.- Ðối với những người riêng tư (private persons)

Ðối với những người không phải là nhân vật công cộng, họ chỉ cần chứng minh là người phát ngôn những câu nói mạ lỵ đã bất cẩn (negligent) vì không tìm hiểu thêm sự thật của lời tuyên bố của mình. Nếu chứng minh được sự bất cẩn nầy, nạn nhân có thể được bồi thường những thiệt hại thật sự (actual damage) như thiệt hại về tái chánh (economie losses), uy tín (reputation) hay nhục mạ cá nhân (personal humilitation).

Nếu những nạn nhân không phải là nhân vật công cộng chứng minh thêm được rằng người mạ lỵ biết rằng những lời tuyên bố của họ là sai hay cố ý tuyên bố mà không cần đếm xỉa gì đến đúng hay sai thì nạn nhân có thể được bồi thường thêm những thiệt hại tự động (presumed damages). Ðây là tiêu chuẩn khó chứng minh hơn và thường chỉ áp dụng trong trường hợp mạ lỵ mạ lỵ đối với những nhân vật cộng đồng mà thôi.

3.- Kết luận

Tự do ngôn luận la một đóa hoa đẹp trong một thể chế dân chủ, thế nhưng đây cũng có thể là một thất bại trong xã hội nếu người dân không biết tôn trọng đúng mức. Ðó là một cái gì mà xã hội cần phải chấp nhận để bảo toàn ý nghĩa của một quyền hiến pháp căn bản nhất: quyền tự do ngôn luận”. LS Nguyễn Quốc Lân

Bài viết của LS Nguyễn Quốc Lân cho thấy những điểm chính trọng về vấn đề mạ lỵ. Nếu người làm báo mà đi theo con đường tà đạo, không am tường luật pháp để dùng thủ thuật mượn lời người khác như phỏng vấn với chủ tâm bôi nhọ người khác để đăng báo phổ biến trước công chúng, cá nhân người được phỏng vấn và tờ báo đều bị trách nhiệm khi vi phạm.

Việt Weekly thân Cộng hay không?

Ðặt câu hỏi với Lê Vũ và Etcetera có “thân Cộng hay không”? dĩ nhiên đương sự trả lời không. Và nếu hỏi cán bộ Cộng Sản đặc trách vai trò truyền thông hải ngoại có đầu tư cho tờ VW làm công cụ tuyên truyền không, sẽ nhận câu trả lời không.

Qua đài truyền hình VTV4 phát hình trên khắp nơi ở hải ngoại, chủ trương bây giờ nhằm kêu gọi Việt kiều là “nắm ruột ngàn dặm” để thăm quê và đầu tư làm ăn. Không có chương trình nào đánh phá, bài xích cộng đồng người Việt hải ngoại để gây sự hận thù và đào hố sâu chia rẽ.

Nếu Cộng Sản muốn “đầu tư” cho tờ báo nào thì tờ báo đó phải đứng đắn, có ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng người Việt, có những cây bút tên tuổi, có khả năng lèo lái xoay chiều rất tinh vi để thẩm thấu lòng người với tình tự dân tộc. Tờ báo phải được cảm tình với hội đoàn, đoàn thể, đồng hương để từ từ dẫn dắt con đường nhìn về tương lai của dân tộc đã trải qua bao năm gian khổ, đói nghèo... cùng nhau xây dựng lại.

Tờ VW không có cây bút đứng đắn, tên tuổi nào cộng tác, với những bài vở lèm bèm, xoay đi xoay lại với vài cây bút, nếu viết thì chẳng có tờ báo nào đăng. Ðâm bên nầy, thọt bên kia chỉ gây sự tò mò hạ cấp, không chiếm được cảm tình với đồng hương. Vì vậy, nếu CS chỉ sử dụng thì chỉ chi như “bài cậy đăng” có tính cách giai đoan mà thôi.

Trong chuyến đi Hoa Kỳ của ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nhà nước CSVN, vừa qua, trước khi đi VN hy vọng sẽ có những ký kết hợp đồng thương mại với Hoa Kỳ khoảng 4 tỷ Mỹ kim nhưng theo bản tin trên trang web của chính phủ CS ngày 25 tháng 6 “Tổng giá trị các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước trong chuyến thăm lần này đạt trên 11 tỷ USD” vì vậy vấn đề kêu gọi Việt kiều đầu tư sẽ vào hàng thứ yếu trong kế hoạch chiêu dụ Việt kiều.

Nếu cần tuyên truyền thì nhiều tờ báo và trang web trong nước đã phổ biến, tờ VW nếu có phỏng vấn thì cũng Nguyễn Cao Kỳ hay vài nhân vật điếu đóm nhăng cuội cho vui mà thôi.

VW thường hay rêu rao số lượng phát hành, nhìn vào 500 thùng báo “vẽ” thì cũng biết thật hư. Tháng Sáu năm 2005, VW mới bán 50 cent, nếu in thêm 1000 số thì số tiền vào khoảng 300 đến 350 Mỹ kim, nếu bỏ cho các cơ sở thương mại để bán thì chỉ 25 đến 35 cent, làm con số cộng trừ thì biết. Tờ báo sống nhờ quảng cáo, với tuần báo dày 120 trang, quảng cáo không được bao nhiêu thế mà đòi “mua” tờ nhật báo nầy, nhật báo kia hàng triệu Mỹ kim... thấy đăng trên báo mà buồn cười.

Còn nhiều chuyện để nói nhưng sẽ vo đầu gối mà lai rai

Kết

Nhật báo Viễn Ðông, số ra ngày thư Bảy 23 tháng 6 năm 2007, đăng bài viết “Toan Ánh và hơn 70 năm cầm bút”. Năm nay, ông đã 96 tuổi, là vị thầy khả kính thỉnh giảng các trường đại học Huế, Sài Gòn, Ðà Lạt... là nhà văn có trên 120 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đề cao về phong tục tập quán, đạo lý, nhân cách, thờ cúng tổ tiên... rất quý báu. Với thiên chức của nhà giáo và người cầm bút, ông có lời khuyên với giới trẻ: “Thời nay, đã cầm bút thì phải viết vì sự thật, vì lẽ phải và vì cái đẹp”. Phải lấy lời khuyên của ông để làm điều tâm niệm khi cầm bút: Sự Thật - Lẽ Phải và Cái Ðẹp.

Làm báo không khó, giữ được nhân cách và lòng tự trọng của người làm báo mới là điều khó, cần học hỏi tính khiêm nhượng và khả năng của người đi trước. Ngựa non háu đá thì cũng có ngày bị hồi mã thương.

Ðại Nghĩa
Nam Cali, June 25-07