Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2007

MUA ĐỒ CỦA NGƯỜI MÌNH Ở VIỆT NAM

Hổm rồi, vô tình nghe lại một băng nhạc cũ, thấy ớn lạnh sương sống. Cô ca sĩ hát ngọng “Những chiều khôn có em, phố nhỏ buồn hoan vắn”. Hình như cô sợ chữ “dê dưới” nên cứ chỗ nào có “dê dưới” là cô chê. Cô này nếu gặp anh giám khảo cứng rắn kia thì thế nào cũng rớt. Nghe kể chuyện có anh giám khảo, cũng là ca sĩ, rất nghiêm khắc với thí sinh. Có một cô cũng hát kiểu sợ “dê dưới” đó mà bị anh phán cho một câu, tá hoả tam tinh. Anh hỏi cô: “Cô thích bỏ mất chữ “dê dưới” kia, thì nếu mà phải hát câu “chim hót trong lồng” thì cô hát ra làm sao?” Cô thí sinh kia ú ớ, muốn tắc thở, ù té chạy về méc má, nức nở.

Không biết độ tin cậy của câu chuyện này được bao nhiêu phần trăm, nếu có thiệt thì anh giám khảo này hơi cay cú. Nỡ lòng nào mà anh tương ra một câu độc địa như thế! Nghe mà hết hồn dù cho nghe hát mà mất “dê dưới” thì cũng khó chịu quá đi chứ, phải không quý vị? “Dê trên”, “dê dưới”, đằng nào cũng là “dê”, sao lại nhận trên mà bỏ dưới, kỳ quá!

Nhưng thôi, cuộc đời còn nhiều chuyện nghe qua mà tá hoả tam tinh hơn, còn ớn lạnh sương sống hơn nữa cơ: chuyện mua đồ ăn chế biến ở Việt Nam. Đọc báo SàiGòn Online (của Việt Nam nhé, không phải báo ở hải ngoại đâu!) mới thấy hãi hùng. Dưới đề tài “Y Tế - Sức Khoẻ, Kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước mắm, thấy là khiếp!”

“Cơ ngơi của công ty TNHH SX nước mắm Tân Liên Hưng.. khá rộng rãi và tươm tất. Thế nhưng, khi bước vào khu sản xuất mới biết thế nào là dơ bẩn. Bên trong khu bán thành phẩm nước mắm là cả một đống hỗn tạp: thùng nhựa, cây gỗ, sắt vụn, thùng giấy, vỏ xe và cả một chiếc xe lu.Bước vào thêm một đoạn là hàng chục bồn nước mắm bằng xi măng không có nắp đậy, nước bên dưới đen ngoàm, mùi hăng hắc khó chịu.

Cả đoàn kiểm tra của Trung Tâm Y Tế dự phòng cũng phải bất ngờ khi phát hiện bên trong bồn nước mắm là 2… xác thằn lằn nằm chổng chơ. Liên tiếp một số bồn nước mắm khác, xác gián, bọc ni lông, vỏ chai nhựa, ruồi… nổi lềnh bềnh!

“Thật phát khiếp!” một thành viên đoàn kiểm tra thốt lên.

Sang khu muối cá, cảnh tượng còn dơ bẩn hơn. Một số người đã không thể bước vào trước mùi hôi nồng nặc. Bên trong những bồn xi măng là những lớp nước mầu nâu, bọt xền xệt với những chiếc mô tơ bơm nước rỉ sét. Một số bồn vừa xử dụng qua, còn lại một lớp nấm mốc trắng xoá.

Khi được hỏi súc rửa bằng cách nào, chủ cơ sở trả lời tỉnh queo: “Bằng nước lã!” Đoàn kiểm tra yêu cầu cho xem khu SX “nước mắm cá cơm” theo bao bì quảng cáo, lúc này chủ cơ sở mới thú thật: “Em dùng .. cá tạp để ép lấy đạm, còn cá cơm thì chỉ có một chút ít cho có hương thơm!”

Eo ôi! Nghĩ đến mà kinh! Chưa hết đâu, đi đến một công ty khác, “Tại DNTN Chế biến thực phẩm Trung Vị… tại khu sản xuất, kiểm tra đôi bàn tay của 10 nhân viên thì đến.. 9 đôi tay không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, móng tay dài, đeo nữ trang, có vết thương hở…” Đến Công Ty TNHH sản xuất nước mắm Hưng Thịnh, “khu sản xuất còn nhiều ruồi, nền sàn hỏng.. nhiều nhân viên chưa khám sức khoẻ, ngay cả bồn rửa tay.. cũng không bảo đảm.”

Trong tất cả các nơi mà đoàn kiểm tra đến khám, đều không thấy “cá cơm” là chất đạm chính trong nước mắm, chỉ thấy nói là “cá tạp”, thì không biết là con gì! Khi nghe chữ “tạp”, bà con phải hiểu là đủ loại con gì nằm dưới nước hoặc trên cạn. Có thể là ‘thằn lằn” như tại công ty gì đó kia, có thể là cóc, nhái, làm giống “mắm bù hóc” của một số nơi bên xứ bạn. Miễn là có chất thịt!

Về nước tương, thì không biết chi tiết việc kiểm tra ra sao, chỉ biết kết quả là các sản phẩm nước tương của các công ty Hương Nam Phương, MIWON, Thái Chân Chánh, Nam Dương với các nhãn hiệu Lekima, Thái Đại Lợi, Shunli, Metro, Thái Chân, Tâm Ký và Mèo Đen đều bị thu hồi. Số chai bị thu hồi là 11,378 các loại. Riêng sản phẩm của Nam Dương, ngoài 2,066 chai không đạt tiêu chuẩn, còn phải thu hồi 89,400 chai các loại khác. May mắn cho người tiêu dùng là số chai này đã bị tiêu huỷ, nhưng còn hàng vạn, hàng triệu chai đã được bán ra từ năm .. cát tó nào rồi.

Thiệt ra, mấy cái khám phá đó cũng chưa có gì là ghê gớm bằng những năm đầu “Giải Phóng” Trên một trang báo Sài Gòn G. P., có một bức hình cỡ 5 x 10 xăng ti mét, chụp một ống cao su nối vào một cái máy bơm hút nước từ một cái hồ nhỏ. Trên mặt hồ và cách mặt hồ chừng hai thước là một dẫy.. nhà cũng nho nhỏ, không có mái, chỉ thấy nhô lên vài cái đầu người ngồi… hóng gió! Dưới chân cột nhà, từng đợt sóng tung lên, thoáng thấy bóng cá nhẩy tung tăng… Chú thích của tấm hình là “đây là nơi hút nước vào bồn làm nước mắm của hãng nước mắm Thiên Hương!” Ai nhìn vào bức hình, chắc chắn phải thề là dù cho có chết thèm, cũng không bao giờ ăn nước mắm nữa, vì đó chính là hồ.. cá tra, loại cá thích thưởng thức những hương vị ngọt bùi từ loài người thải ra, và cũng chính đó là nơi công ty XHCN Thiên Hương gì đó lấy nước lên bồn làm nước mắm! Những người đã từng mua loại nước mắm này, lúc bấy giờ mới kêu lên: “Thảo nào, nước mắm này có vị đặc biệt chưa hề thấy ở đâu trên đời!”

Nhưng mà chuyện đó cũng chưa kinh hoàng bằng một bản tin đăng vào một thời gian sau đó: “Công ty làm mắm ruốc bị bắt quả tang có lẫn… phân người!”

Đọc đến đây, chắc có nhiều độc giả chạy vội vào bồn rửa mặt! Thôi rồi, sản phẩm của Xã Hội Chủ Nghĩa độc đáo quá! Đúng như lời người ta nói: “Xã Hội Chủ Nghĩa, Xạo Hết Chỗ Nói, Xếp Hàng Cả Ngày, Xếp Hạng Con Người, Xuống Hàng Chó Ngựa!” Vì đầu óc của con người trong Xã Hội Chủ Nghĩa này chỉ mê man làm tiền, nên bất cứ phương sách nào làm ra tiền thì họ lao theo. (Như thế, nếu cho là nhân dân được Giải Phóng thì không đúng hiện thực, mà phải đọc ngược hai chữ G.P. thành P.G. mới đúng.)

Còn ở Bôn Sa chúng ta thì sao? Bôn Sa không sản xuất nước mắm, hình như chỉ có bánh mì, tầu hũ, bánh cuốn, bánh giò, giò chả, heo quay, vịt quay, xá xíu, và tiết canh. Tết đến thì thêm bánh chưng và bánh tét. Những thứ này, trước mắt thì ăn được, chỉ có điều chưa ai vào tận nơi sản xuất những thứ đó để xem có ai gói bánh, gói giò mà ngón tay bị lở như ở Việt Nam kia không. Riêng món tiết canh thì nên coi lại. Người viết có lần nhìn thấy một đĩa tiết canh mà .. nhợn vì nó… đỏ lòm như cái gì ấy… Bánh giò cũng gói chưa đúng kiểu. Tại một nhà hàng có bán bánh giò, thứ này được gói như là bánh ú vậy, dài thòng và nhọn hoắt. Mấy chỗ bán bánh mì nho nhỏ mà đông người, thì các cô các bà nhét thịt vào bánh mì đều đeo găng tay đàng hoàng, nhưng thỉnh thoảng ngứa lông mũi cũng giơ tay lên gãi kìn kìn.

Nói chung, thì việc ăn uống ở Bôn Sa và các nơi khác hải ngoại cũng tương đối không tệ lắm, chỉ có điều mà nhiều người để ý thấy là tại vài tiệm ăn đông người, thỉnh thoảng người tính tiền tính “dôi” ra vài đô bởi vì không mấy người đọc lại giá biểu và “ri sít”. Khách ăn khoảng 17 đô, thì viết đại 19, 20 đô cho chẵn, cũng chả ai để tâm. Ăn tới số nhiều là sáu, bẩy chục, thì viết thêm vài đô lẻ, mà chưa thấy ai phát giác và làm lớn chuyện. Nếu có ai théc méc mà coi lại “ri sít” thì chủ nhà hàng vội vàng xin lỗi và bồi hoàn ngay. Thực tế, nếu làm một con tính trung bình, một nhà hàng có thể lời thêm một ngày từ vài chục đến một trăm, nhân lên thì cũng thấy ông bà chủ nhà hàng ẵm được một số tiền ăn gian kha khá trong một năm. Chưa kể có một ông chủ nhà hàng cũng tương đối lớn trên đường B-rúc hớt, gần khu Bôn Sa “chôm” mất hết tiền típ của người mua. Mấy người phục vụ phải rỉ tai khách hàng là “xin đừng cho tiền mặt vào đây, bởi chủ nhà hàng “chĩa” mất hết tiền!” Điều này tệ quá! Người ta đã nghèo mới phải đi làm, còn hắn đã giầu nứt đố đổ vách, ngồi oai phong, chỉ tay năm ngón, thu tiền ào ào, mà còn “ăn cướp cơm chim” của người nghèo nữa thì sau khi chết phải xuống tới mấy tầng địa ngục...

Tu tỉnh lại đi, mấy ông bà chủ nhà hàng gian ác! Tiền bạc chỉ là vật phù du mà thôi. Người ta nói: Tiền có thể mua được vợ đẹp, nhưng không mua được hạnh phúc. Tiền có thể mua được thuốc, nhưng không mua được sức khoẻ. Tiền có thể mua được nhà cao cửa rộng, nhưng không mua được chốn an bình. Vậy sao mà còn ham tiền bất chính quá vậy?
Chu Tất Tiến

Không có nhận xét nào: