Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2007

Lẩm cẩm

Móc họng, móc hàng, móc túi

Mở đầu chuyện lẩm cẩm kỳ này là một chuyện vô cùng lẩm cẩm nhỏ xíu, ở một thành phố không lớn không nhỏ. Tuy là chuyện nhỏ, nhưng từ đó bạn có thể suy luận ra những chuyện lẩm cẩm tương tự như vậy ở những thôn xóm, thậm chí ngay ở những thành phố khác. Có những chuyện “ấm ớ hội tề”, vừa tức, vừa cười ra nước mắt. Xin vào đề ngay chuyện vặt này trước rồi chuyện “ấm ớ hội tề” bàn sau.

Chửi thề bâng quơ cũng bị phạt tiền

Số là vào ngày 18-6 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hưng, sinh năm 1962, ở ấp Bào Sơn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau đi qua con đường thuộc khu đô thị mới Hoàng Tâm, xã Lý Văn Lâm. Thấy đường sình lầy, ông Hưng bực mình chửi đổng, không ngờ sáng hôm sau ông bị mời lên trụ sở Công an xã viết bản kiểm điểm.

Người dân ai cũng biết, khi bị gọi lên xã “làm kiểm điểm”, nếu làm “không đạt yêu cầu”- tức là không đúng ý các quan xã- thì cứ ngồi đó mà viết bằng thích. Viết cho đến bao giờ “đạt yêu cầu” mới thôi. Vì thế nên hầu hết người dân, nhất là những người dân ở nông thôn và những thành phố nhỏ, muốn cho xong chuyện đời, viết đại cho được việc, còn về, lo làm ăn. Kinh nghiệm dạy rằng có những người ngồi viết cả ngày chưa xong, mai lên viết tiếp. Viết cho lòi ra một cái tội mới yên. Dù người dân có tội hay không thì “ủy ban xã” cũng nắm đằng chuôi. Rõ ràng anh “tự khai” là anh có tội rồi đây nhé. Cái kiểu “tự khai”… theo kiểu bắt buộc như thế này là chuyện hàng ngày ở rất nhiều cơ quan quyền lực. Và sự đối phó của người dân là “khai cho xong” mà không ý thức được rằng “bút sa gà chết”.

Vì thế, ông Hưng đã khai bừa rằng “chửi tục như vậy là sai”. Tưởng vậy là xong, ông yên tâm ra về.

Bất ngờ, đến ngày 19-6, ông Hưng lại được mời lên để nhận quyết định phạt 100 ngàn đồng vì cái tội chửi thề. Ông Hưng ngẩn người, không thể ngờ lại bị khép vào cái tội chửi thề giữa trời như vậy. Ông đến các cơ quan kêu oan vì... "tôi chửi đường xấu chứ đâu có chửi ai đâu”.

Giải thích về điều này, một nhân viên công an xã Lý Văn Lâm lập luận: “Đường chưa hoàn thành; vả lại đường dơ hay không dơ thì là chuyện... của người ta” và xác định ông Hưng chửi như vậy là chửi con người, mà không ai khác là "nhà đầu tư" khu đô thị mới Hoàng Tâm!

Chẳng hiểu nhà đầu tư khu độ thị này có họ hàng hang hốc gì với anh công an này hoặc có là bà con anh em gì với các quan chức xã này mà anh công an xã Lý Văn Lâm bảo vệ kỹ thế? Và cũng chẳng hiểu anh công an xử phạt theo luật lệ nào, quyết định nào? Nếu ai chửi thề cũng bị phạt thì cứ về ngay TP. Sài Gòn hoặc giữa thủ đô Hà Nội mà phạt, chắc mỗi ngày thu được cả tỉ đồng và cũng nên mừng cho nền văn hóa Việt Nam.

Đọc chuyện này, một ông già ngồi ở quán cóc đầu xã thở dài mà phán rằng: “không ngờ thời bây giờ mà còn… hội tề”. Nghe ông nói, nhiều người không hiểu “hội tề” là có nghĩa gì.

Ôn cố tri tân về cái “hội tề”

Thời chiến tranh Việt Pháp, vào khoảng những năm 45-54, có khá nhiều địa phương làng mạc ở miền Bắc sống trong vùng nhá nhem giữa hai nền cai trị. Có thể nói rõ hơn là ban ngày thì binh sĩ Pháp vào làng cai trị nên đặt ra một ủy ban như “ủy ban hành chánh” để dễ dàng điều khiển. Bắt dân nộp tre, sửa đường , đôi khi phải đóng cả thuế. Cái “hội đồng nhân dân” đó được gọi là “hội tề”.

Thế nhưng buổi tối thì Việt Minh lại mò về làng, lúc đó quyền cai trị lại thuộc về họ. Hồi đó thường là mấy anh du kích trong làng. Ban ngày lặn mất tăm, tối mò về. Dân mới làm đường xong, du kích bắt phá đường. Ngày mai lính Pháp lại bắt làm lại. Cái trò chơi ú tim này cứ tiếp diễn và người dân dưới quyền anh “hội tề” cứ nghe theo cả hai bên. Và muốn giữ mạng sống cho cả làng, hội đồng này chủ trương “triệt để trung lập”. Tây hỏi ai phá đường? Ai là du kích? Ai theo Việt Minh (hồi đó còn gọi là Vẹm)? Bèn trả lời ú ớ: “không biết, nghe đâu như nó chạy sang làng bên cạnh rồi”. Việt Minh hỏi ai đã chỉ điểm cho Tây? Ai chống phá cách mạng? Ai còn tiền còn vàng, còn giấu thóc gạo? Bèn thưa “Ai có thì họ giấu kín lắm, dưới ao, ngoài ruộng, ai mà biết”. Bất cứ chuyện gì, bên nào hỏi cũng ú ớ không có, không biết… Mỗi bên ra một luật lệ riêng, “hội tề” làm theo tuốt, nhưng cái gì cũng làm nửa vời, cho nên hồi đó người ta nói là “ấm ớ như hội tề”.

Móc họng nhau đấy

Ngày nay có những ủy ban cũng áp dụng những thứ luật lệ linh tinh như thế. Không biết có nên gọi là “hội tề” không? Chửi thề mà bị phạt đã là một chuyện lạ, phạt tới 100 ngàn đồng thì quả là quá nặng đối với một người dân Cà Mau. Mỗi ngày đi làm mướn, đầu tắt mặt tối, được vài chục ngàn, trừ tiền ăn, tiền nuôi vợ con, còn được vài ngàn dành dụm phòng khi đau ốm, trái gió trở trời đã là may. Phạt như thế là cướp mất cả tháng tiền mồ hôi nước mắt của dân lao động đấy. Và chửi thề một con đường xấu, có động đến ai đâu. Nếu phạt được ông Hưng, điều đó nghiễm nhiên trở thành tiền lệ. Vô phúc mà chửi thề đúng con ông chủ tịch xã chắc… nát xương!

Phạt cái kiểu này không khác gì “móc họng” nhau!

Bạn thử suy nghĩ xem, liệu còn bao nhiêu kiểu phạt lẩm cẩm như thế nữa ở những nơi khác? Cho nên về VN, có đi Cà Mau chơi, bạn nên khuyên con cái đừng bao giờ nên chửi thề, mặc cho con đường xấu hay con người xấu. Dù chửi bằng tiếng Mỹ, có thể họ cũng biết đấy. Cái gì thì họ không biết chứ chửi thề là họ biết liền. Cẩn tắc vô áy náy.


Nước tương bày đầy rẫy trong các cửa hàng, siêu thị, hàng thật hàng giả, chẳng ai biết. Ai được lợi?

Một chuyện lẩm cẩm nhưng… cần thiết

Mới tuần trước tôi tường trình với bạn đọc về vụ an toàn thực phẩm tại Việt Nam, chỉ toàn là chuyện “quá tầm tay”, “không đủ khả năng” và “thiếu thiết bị kỹ thuật” nên có cái cơ quan này có cũng như không.

Điều đó đã làm dấy lên một sự phẫn nộ trong lòng người dân. Họ bị đánh lừa, mạng sống của người dân bị coi thường, bị các quan chức có trách nhiệm che tai bịt mắt, làm giàu cho các nhà sản xuất, làm hại cho người dân.

Một vị nóng máu, vừa đứng ra kiện các nhà sản xuất nước tương. Xin vắn tắt, đó là ông Hà Hữu Tường - viên chức cơ quan thi hành án Q.8, TP Sài Gòn, đại diện cho hàng triệu người tiêu dùng - đã làm đơn khởi kiện nhà sản xuất và nhà quản lý ra Tòa án TP Sài Gòn, yêu cầu bồi thường 30 tỉ đồng... Đây là người đầu tiên làm đơn khởi kiện ra tòa án về nước tương chứa 3-MCPD.

Đồng thời ông Tường yêu cầu nhà nước truy thu khoản thu nhập bất hợp pháp từ nước tương đen của các đơn vị sản xuất, và xử phạt cụ thể cho những hành vi vi phạm. Đơn khởi kiện được gửi cho tòa án từ 1-6.

Thoạt nghe tin này có rất nhiều người thú vị, nhưng quả thật trong lòng đều có ý nghĩ “bố này kiện củ khoai đây”.

Ông Tường cũng đã gửi khiếu nại đến Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng phía Nam với nội dung tương tự. Theo ông, việc làm này xuất phát từ cái chung là không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp làm sai, dù có xin lỗi nhưng lờ đi trách nhiệm bồi thường với người tiêu dùng. Chưa kể, nhà sản xuất xì dầu chứa chất gây ung thư cao nhưng vẫn lưu thông hàng trên thị trường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... là vi phạm điều 162 và 244 Bộ Luật hình sự.

Ông Tường dự tính trong trường hợp thắng kiện, ông sẽ dùng toàn bộ số tiền được bồi thường cho mục đích nhân đạo, bằng việc lập Quỹ từ thiện giúp đỡ bệnh nhân ung thư.

17 doanh nghiệp nước tương bị khởi kiện là Trường Thành, Song Mã, Đông Phương, Hương Nam Phương, Lam Thuận, Thái Chân Thành, Lợi Ký, Nam Dương, Nosafood, Thái Đại Lợi, Hậu Sanh, MêKong, Miwon, Vĩnh Phước, Tâm Ký, Khương Phát, Bách Thảo.

Ông là “con nhà luật” nên biết rõ quy định của luật pháp, nhưng tiếc rằng ông không được làm ở cơ quan xử án mà chỉ làm ở cơ quan thi hành án, chuyên làm những việc mà các quan tòa đã xử xong rồi. Đúng hay sai, nặng hay nhẹ, ông vẫn cứ phải thi hành. Có lẽ chính vì vậy mà ông còn hăng tiết vịt hơn.


Phuy nước tương nổi váng. Nhìn vào cách “chế biến” nước tương hết dám ăn

Vụ kiện sẽ đi đến đâu?

Đó là một câu hỏi không khó trả lời. Xét theo luật pháp thì vụ kiện có quá nhiều trở ngại từ căn bản của vấn đề. Theo ý kiến của giới luật sư thì đây là một vụ kiện dân sự, chứ không phải hình sự.

Khi khởi kiện dân sự, có thụ lý chăng nữa thì ra tòa, nguyên đơn phải đưa ra được bằng chứng thiệt hại cụ thể. Chẳng hạn ai bệnh, chết do ung thư mà nguyên nhân từ nước tương chứa 3-MCPD? Giải phẫu bệnh lý, kết luận ngành y tế? Tang chứng vật chứng cụ thể, mua của cơ sở nào, hóa đơn chứng từ, ai làm chứng v.v...? Mặt khác, nếu nguyên đơn xin đại diện cho hàng triệu người tiêu dùng thì giấy ủy quyền đâu? Và nếu có thụ lý, không đủ chứng cứ, nguyên đơn thưa kiện còn phải mất khoản án phí không nhỏ trên giá trị yêu cầu bồi thường (ở vụ này khoảng 5% của 30 tỉ đồng, tức là vài chục triệu đồng), liệu ông có "chịu" nổi?

Vì vậy nên dù ông được dư luận ủng hộ, nhưng nhiều người lại cho rằng “hơi lẩm cẩm”. Một vụ kiện gần như nắm chắc phần thua.

Và cũng có người hỏi sao ông không kiện luôn cái cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ an toàn thực phẩm cho nhân dân. 17 nhà sản xuất chỉ “kiếm ăn” được khi không bị kiểm soát hoặc có bị kiểm soát nhưng lờ đi, vậy thì không khác gì anh cảnh sát thấy trộm mà để nó tự do lộng hành, có bắt được cũng tha. Cả hai anh đều có tội, cái tội dung túng khuyến khích cho tội phạm còn nặng hơn vì nó góp phần đầu độc xã hội nhiều hơn là một anh gian lận. Chính vì sự bưng bít đó mà phát sinh ra nhiều anh gian lận theo. Và một anh kiếm lời trên 17 anh hay còn hơn nữa, tất nhiên có lời hơn một nhà sản xuất. Có lẽ ông cho rằng đó là việc nhà nước? Vậy thì việc xét xử những nhà kinh doanh gian lận cũng là việc của nhà nước, của pháp luật. Ông vẫn có quyền kiện cả hai anh.


Các can đựng nước tương cáu bẩn như thùng rác

Tòa án không thụ lý

Ông Hà Hữu Tường, đã nhận được câu trả lời chính thức từ tòa án TP. Sài Gòn vào chiều 22-6. Tòa án không thụ lý vụ kiện này.

Ông Tường cho biết không nhận lại hồ sơ đã gửi tại tòa, mà sẽ xúc tiến việc thu thập chữ ký từ người tiêu dùng, chứng cứ chứng minh thiệt hại… để tiếp tục khởi kiện trong thời gian tới.

Ngay buổi chiều 22-6, ông đã nhận được thỏa thuận hợp tác với 2 văn phòng luật sư và một bệnh viện chuyên về ung thư tại Hà Nội, trong việc chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho việc khởi kiện lần nữa. Một trong các luật sư đồng ý tham gia vụ kiện đã xác nhận sự hợp tác này. Ông Tường tuyên bố: "Tôi sẽ tiến hành khởi kiện lần nữa trong một ngày gần đây với khả năng đại diện cho vài trường hợp người tiêu dùng bị bệnh cụ thể". Nhưng điều quan trọng là người bị bệnh ung thư hay một thứ căn bệnh nào đó phải chứng minh được rằng vì ăn phải chất độc của nhà sản xuất nào, cụ thể sự thiệt hại ra sao.

Về ngân khoản tài trợ cho vụ kiện này, không phải là điều khó khăn, chắc chắn ông sẽ được khá nhiều người ủng hộ giúp sức, không phải họ chỉ “hoan hô cái miệng”.


Mít cũng bị tẩm hóa chất Ethephon cho chín nhanh

Nhưng dù thắng dù thua, đây cũng là một vụ kiện đầu tiên về an toàn thực phẩm, ở Việt Nam chưa hề có tiền lệ này. Nhà sản xuất cứ việc sản xuất sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng cứ bị thiệt hại, xã hội cứ lên án nhưng các doanh nghiệp này vẫn không chịu trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm kinh tế đối với người tiêu dùng cũng như xã hội. Và cơ quan có trách nhiệm vẫn cứ ung dung, thọc tay vài túi quần dong chơi, chẳng có trách nhiệm gì hết. Nó làm lộ diện hàng loạt những cơ quan “ăn không ngồi rồi”, từ anh quản lý thị trường đến anh kiểm tra, kiểm soát, quát tháo thì hay, hù dân thì giỏi nhưng chẳng làm nên cơm cháo gì.

Chuyện tuy hơi lẩm cẩm nhưng cần thiết và tác dụng của nó không nhỏ. Một lời cảnh báo cho cả quan tham vô trách nhiệm và… dân tham.

Tuy nhiên, hy vọng đây không phải là một vụ kiện theo tính “phong trào”, nó bùng lên một thời gian rồi… đâu lại vào đấy. Doanh nghiệp bự vẫn an toàn, nộp phạt một tí cho có lệ rồi vẫn cứ phát đạt như xưa. Các quan vẫn cứ yên vị và dân vẫn cứ thoải mái “sống cùng chất độc, ngủ cùng chất độc”. Ông Tường liệu có đủ kiên trì để theo đuổi vụ này đến cùng hay không. Chúng ta hãy chờ xem.


Hơn 150 hành khách trên chuyến bay BL 5599 của hãng Pacific Airlines, sáng ngày 6-6, nằm ngồi nghiêng ngửa ngay trên đường bay của sân bay quốc tế Đà Nẵng chờ đợi chuyến bay, nhưng đành thất vọng

Móc hàng và móc túi

Trên đây là kiểu móc họng, còn vài kiểu móc nữa, móc hàng và móc túi.

Chuyện đi máy bay bị thất lạc hành lý đã là chuyện thường xảy ra ở khắp các hãng máy bay trên thế giới. Có khi hành lý thất lạc đến vài tháng mới kiếm lại được. Tuy nhiên, nó cũng chứng tỏ là hầu hết các hãng máy bay trên thế giới đều có thiện chí và tích cực truy tìm đến nơi đến chốn.

Nhưng ở Việt Nam, những ngày gần đây có một hiện tượng lạ là “mất cắp vặt” trong hành lý của khách gửi theo máy bay. Trong khi khóa va ly vẫn còn nguyên si, không có dấu hiệu bị cạy mở. Cứ như có phép thần thông biến ảo khôn lường. Điều này có thể chứng minh một nhận định khá rõ ràng, đây là một tổ chức trộm cắp hẳn hoi, làm việc có tính toán, có phân công, có canh gác, có đủ “đồ nghề” để móc hành lý một cách “an toàn”. Rất có thể, do nhiều kinh nghiệm trong khâu chuyển hành lý của khách hàng tứ xứ nên bọn chúng đã thử hàng loạt chìa khóa, hoặc chỉ cần vài ba chiếc “chìa khóa vạn năng” như kiểu của mấy chú đạo chích xe gắn máy là có thể “khám xét hành lý” của tất cả các khách hàng một cách nhanh chóng. Từ đó cứ “tự do” cuỗm bất cứ thứ gì mà chúng đã kén chọn. Không một hành khách nào mất quần áo lót cả, chỉ mất toàn đồ đắt tiền như laptop, máy hình, máy quay phim kỹ thuật số… Chứng tỏ chúng đã “hành nghề” trong một môi trường rất ung dung, được thoải mái chọn hàng như vào siêu thị. Có thể chúng hành động ngay trên chuyến bay, mà điều này thì gần như chắc chắn. Vì gửi từ Hà Nội vào đến TP. Sài Gòn là đã mất. Không hành nghề trên máy bay thì còn chỗ nào, thời gian nào, thuận tiện hơn. Như vậy thì xét ra một thành phần trộm cắp đã có thể xác định được. Một thuận lợi cho các nhà điều tra, nếu thật sự muốn điều tra.

Những chuyện mất cắp điển hình

Chuyện kể rằng ngay ông phó tổng giám đốc của Hãng hàng không VN Airlines (VNA) Phạm Ngọc Minh khi đi từ Hà Nội vào TP Sài Gòn cũng vài lần bị mất đồ đạc và máy ảnh khi để trong hành lý ký gửi. Chẳng biết chuyện này có thật không, nhưng có lẽ là mấy tay trộm cắp là những nhân viên tép riu, không biết đến tên ông nằm chềnh ềnh trên va ly nên cứ “khoắng”.

Còn rất nhiều trường hợp hành khách để vật dụng có giá trị lớn trong hành lý ký gửi, có khóa hoặc khóa số nhưng vẫn bị mất đành ngậm đắng nuốt cay vì không biết kiện ai.

- Ngày 11-6-2007 vừa qua, phòng dịch vụ và khai thác mặt đất của PA nhận được đơn của hành khách Trần Ánh Sáng (Q.Tân Bình, TP Sài Gòn) trình bày về việc mất máy tính xách tay hiệu Compaq, bộ sạc pin, dây USB, dây tai nghe điện thoại Nokia N72 trong hành lý gửi của chuyến bay BL 805 ngày 8-6 từ Hà Nội về TP Sài Gòn. Theo bà Sáng, tất cả đồ đạc đều để trong vali có khóa số và gửi theo chuyến bay, khi nhận lại hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn thấy các chốt khóa không bị bật ra nhưng khi về nhà mở ra mới phát hiện đồ đạc bên trong đã bị mất. Vì thật sự khi hành khách đợi để lấy hành lý ký gửi đã mất thì giờ rồi, thấy khóa còn nguyên vẹn, chẳng ai mở ra kiểm lại làm gì.

- Bà Phan Thị Nguyên Thảo bay từ Hà Nội vào TP Sài Gòn cũng trình báo tình trạng hành lý ký gửi của mình bị bới móc, khóa vali bị phá hỏng, mất một máy tính xách tay hiệu HP NC6000 màu đen.

- Vị khách người Mỹ tên Douglass Reese trên chuyến bay BL 805 (ngày 23-10-2006) của PA còn đau hơn. Ông mang theo tám máy tính xách tay hiệu Dell Inspiron và đã bị mất bốn máy. Theo tường trình của ông Reese, do mang nhiều hành lý nên ông trả phí cho hành lý quá trọng lượng. Khi đã vào bên trong, ông Reese được yêu cầu đến máy kiểm tra an ninh mở hành lý.

Trong mỗi vali của ông có bốn hộp cac-tông bọc hai máy tính, nhân viên an ninh đã yêu cầu ông mở một hộp và khởi động máy tính để kiểm tra. Sau đó nhân viên an ninh mở sổ ghi toàn bộ sự việc và yêu cầu ông Reese ký xác nhận. Khi nhận hành lý ở sân bay Tân Sơn Nhất ông Reese thấy một vali quá nhẹ, mở ra thì phát hiện bốn máy tính ở hành lý này đã... bốc hơi.

Không phải là chuyện nhỏ

Cả ba sự việc trên đều xuất phát từ việc gửi hành lý tại Hà Nội và đến TP. Sài Gòn thì bị mất. Như vậy lại có thêm một đầu mối nữa để nhận định “tổ chức căn cắp” đó ở đâu, thực hiện “phi vụ” vào thời gian nào. Có lẽ công việc điều tra không khó khăn lắm nếu sự việc chưa bị làm tùm lum như mấy tuần vừa qua. Cứ lặng lẽ theo dõi, chắc có thể tóm được tội phạm. Tuy nhiên, dù cho cái tổ chức ăn cắp đó có khôn ngoan đến đâu thì chúng cũng vẫn phải có chỗ tiêu thụ và còn có những manh mối khác qua những nhân viên ở các khâu làm việc bên cạnh. Việc điều tra bao giờ có kết quả thì chưa biết.

Đây là một hành động làm nhục tới danh dự của cả một nước, một dân tộc. Chắc không một người VN nào không cảm thấy bị xúc phạm khi hành khách quốc tế “báo động” cho nhau: “Hãy cẩn thận khi gửi hành lý ở Hà Nội và Sài Gòn, trộm cắp như ranh”. Và hành khách sẽ lo ngay ngáy khi buộc phải đi trên những chuyến máy bay đó. Có lẽ họ sẽ phải tự phòng thân bằng cách có bao nhiêu hàng hóa có giá trị ôm trên tay hết cho chắc ăn. Và nếu buộc phải gửi thì khi nhận lại, dù giữa phi trường cũng phải bày ra kiểm lại. Như thế thì uy tín của Hàng không VN còn là gì nữa? Nếu không nhanh chóng điều tra ra cái tổ chức trộm cắp này, chắc chắn khách du lịch sẽ né tránh xa VN vì không muốn bị mất cắp.

Đền bù như thế nào?

Trên thực tế, dù có được đền bù thì người chịu thiệt vẫn là hành khách vì khi bị mất đồ trong hành lý, các hãng hàng không căn cứ vào các qui định giữa nhà vận chuyển và hành khách để tính mức độ đền bù cho tài sản mất mát. Đền bù thiệt hại này chỉ căn cứ theo trọng lượng hao hụt và tính theo ký. Cứ mỗi Kg bị mất chỉ được đền bù 200.000 đồng VN (13 USD) chứ không tính theo giá trị hàng hóa đã mất.

Khi máy ảnh, máy vi tính và những tài sản có giá trị khác được đền bù theo trọng lượng thì hành khách coi như... mất trắng. Như trường hợp ông Reese, do thiệt hại về vật chất quá lớn (mất bốn máy tính xách tay) nên hãng Hàng không PA “thông cảm”, không đền bù theo quy định tính theo ký:13Kg =2, 6 triệu đồng VN (khoảng 165 USD). Mà đền bù cho ông hai vé khứ hồi chặng TP Sài Gòn - Hà Nội. Thôi thì đành chấp nhận cho… đỡ đau.

Có thật là an ninh tuyết đối?

Trong văn bản gửi các hãng hàng không, giám đốc Trung tâm an ninh hàng không Cụm Cảng hàng không miền Bắc Vũ Đức Huân cho biết không có dấu hiệu khả nghi nào xác định việc mất tài sản trong hành lý gửi, vì trung tâm đã bố trí nhân viên an ninh chốt chặn ở hai vị trí: khu vực đầu băng chuyền (sau khi hành lý ký gửi hoàn tất thủ tục hàng không) và khu vực cuối băng chuyền (phân loại hành lý ký gửi). Toàn bộ khu vực băng chuyền hoàn toàn khép kín, cửa cuốn luôn khóa, chỉ mở khi có hoạt động bay. Mọi đối tượng, đồ vật mang lên, xuống đều được kiểm tra giám sát chặt chẽ bằng hệ thống camera 24/24 giờ, nhân viên an ninh theo dõi và ghi vào sổ trực. Nhưng thực tế nhiều hành khách vẫn báo cáo với các hãng hàng không về trường hợp mất đồ đạc để trong hành lý ký gửi theo chuyến bay.

Như thế có nghĩa là Trung tâm an ninh hàng không cụm cảng miền Bắc VN coi như đã làm hết bổn phận, an tuyệt đối cho khách hàng? Cứ theo văn bản của ông Giám đốc Vũ Đức Huân, hành lý phải có cánh mới bay ra ngoài không trung được hoặc ít ra thì nó cũng phải biết nhảy dù. Nếu thế thì chẳng còn gì để nói. Đành phải tin rằng cứ lên đến máy bay là hành lý biết nhảy dù. Nhưng chắc là nó “nhảy dù” cùng với người đến một nơi nào đó an toàn.

Đây là lời cảnh báo cho khách hàng trên những chuyến bay ở VN. Đã không bảo đảm được giờ giấc lại không bảo đảm được hành lý thì đi máy bay là một sự hồi hộp không kém gì đi… cầu khỉ. Vị nào muốn có cảm giác mạnh thì cứ đi.

Đến chuyện đi taxi bị móc túi

Đây là chuyện không lạ, hầu hết những vị khách đi taxi ở Sài Gòn bây giờ đều có chung một tâm trạng là “mỏi mắt” vì luôn luôn phải để ý canh chừng cái đồng hồ tính tiền nhảy theo kiểu nào. Cùng một đoạn đường, nhưng taxi nhảy theo nhiều điệu khác nhau. Cứ y như các ca sĩ dự thi ở các cuộc “hội thi lên sao” vậy.


Taxi điên đâm luôn cả cảnh sát

Khi được UBND thành phố đề nghị Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phải công bố kết quả kiểm định taximet của các doanh nghiệp. Lúc đó các cơ quan chức năng mới cho nhân dân biết. Kết quả thật đáng sợ: Trong thời gian từ 22-3 đến 25-5 cơ quan này đã kiểm định 2.130 taximet của hơn 18 doanh nghiệp (hoặc hợp tác xã) kinh doanh vận tải taxi tại TP Sài Gòn, cho thấy có khoảng 98,2% taximet không có hoặc bị đứt niêm chì kiểm định. Nó thẳng ra là có dấu hiệu của sự gian lận. Mà sự gian lận đó không phải chỉ do một anh tài, nó có sự đồng lõa của cả một hãng, một tổ chức. Nhưng nếu Cảnh sát Giao thông được giao nhiệm vụ kiểm soát thì việc khám phá ra một chiếc taxi đứt niêm chì chẳng khó khăn gì.

Ngay cả những hãng taxi lớn, không có niêm chì hoặc bị đứt niêm chì khi đưa đi kiểm định như : Mai Linh Taxi có 413/416 taximet đưa đi kiểm định; VinaSun Taxi có 394/424 taximet; Taxi VN có 124/124 taximet; HTX Vận tải dịch vụ lữ hành số 2 có 117/147 taximet...

Nhưng dù có để ý thì “thượng đế” không thể nào xác định được có bị ăn gian hay không. Dù có bị ăn gian thì cũng… đau lòng móc tiền ra trả chứ chẳng lẽ cãi lộn với anh tài xế giữa đường sao? Mà có cãi cũng thua, đôi khi còn bị “chửi”, bị đe dọa hành hung nữa là khác. Tôi cam đoan với bạn, nếu đi cùng một đoạn đường, số tiền bạn phải trả sẽ hoàn toàn khác nhau. Có khi sự khác biệt lên tới 30-40%. Nhưng cũng chẳng biết thưa kiện ở đâu, cứ đành chấp nhận bị móc túi.

Nói tóm lại đi kiểu nào cũng bị móc túi, móc hàng, móc họng. Những chuyện này tuy nhỏ nhưng nó làm xấu đi hình ảnh VN trong lòng mọi người và làm người dân VN cảm thấy xấu hổ. Chẳng biết những người có trách nhiệm có cảm thấy điều này không, hay lâu quá thành quen đi rồi, cứ coi như chuyện tất nhiên ở VN là như thế?

Văn Quang

Không có nhận xét nào: