Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

HAI THẾ HỆ... MỘT TÂM TÌNH



(xin gửi nhóm bạn trẻ Melbourne, các em CXH, NTG, NQH, VKC).

Ai đã nghe qua bài hát Người Lính Già Xa Quê Hương với giọng ca của một Duy Khánh ở những ngày tháng cuối đời ca hát có thể cảm được nỗi lòng của những người từng kè kè súng ngắn, súng dài, một thuở tóc xanh phơi phới, thuở mà trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng khi trông xuống (cũng) chửa ai bằng mình nhưng nay thì đã sáng (thuốc) cao máu, trưa (thuốc) tiểu đường, tối (thuốc) nhuận trường ... và thỉnh thoảng lại cảm khái vài câu kiểu Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ để ngậm ngùi nhớ lại những ngày tung hoành trên mây xanh, ra đi không vuơng thê nhi, hay đường truờng xa ta quyết đi cho đến cùng ...

Tâm trạng ấy lắm phen còn thêm u uẩn khi nhìn quanh, bạn bè kẻ ở nguời đi đã lắm, anh em người còn kẻ mất khá nhiều, mà con em trong nhà, ngoài ngõ thì mấy em, mấy cháu chia xẻ được nỗi lòng mình?

Vì thế, hai sinh hoạt cùng mang chủ đề Nhớ Ơn Anh: Thế Hệ Trẻ Tri Ân QLVNCH do nhóm bạn trẻ các em vừa tổ chức nhân dịp Ngày Quân Lực 19/6 vừa qua , trong 2 ngày cuối tuần, Thứ Sáu 22 và Chủ Nhật 24/6/2007 đã là một món quà đầy tình nghĩa và vô cùng xúc động cho những người lính già như chúng tôi.

Giải thích cho việc làm của mình, các em đã có những lời lẽ rất thiết tha, đầy thiện ý và phải nói là thật rộng lượng với thế hệ đàn anh “...Sau biến cố 30 tháng tư năm 1975, người dân miền Nam Việt Nam đã cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của hai chữ Tự Do mà người lính VNCH đã cố công bảo vệ. Những ngươờ lính trẻ là những cha, những anh, những người yêu đã nằm xuống hoặc đã hy sinh một phần thân thể của mình cho Tổ Quốc và cho những thế hệ tương lai của dân tộc Việt. Có lẽ giờ đây cũng hơi muộn màng để những người con dân đất Việt nói lên lời cám ơn đến với những chiến sĩ QLVNCH nhưng sẽ không bao giờ quá trễ để tri ân và tưởng nhớ đến họ” ...

Ôi thật quý hoá cho những người lính già khi được nghe câu nói chưá chan tình nghĩa ấy của các em, các cháu mình?

Đêm văn-nghệ 22/6/2007 – Happy Reception

Chưa bao giờ người yêu thích văn nghệ ở Melbourne được hưởng một đêm ca nhac đầy ý nghĩa và tuyệt vời như thế. Trọn vẹn chuơng trình 19 bài hát , tất cả đều VỀ lính, CỦA lính và CHO lính đã được các nam nữ ca, nhạc sĩ thuộc hàng cao thủ của Melbourne trình diễn với tất cả say mê, cảm hứng , và trên hết, bằng tấm lòng chân thật của các em đối với người lính QLVNCH. Những bài hát được chọn lọc, sắp xếp theo một trình tự bố cục kết nối chặt chẽ, như một câu chuyện kể , đưa nguời nghe đi qua cuộc đời của những người chiến binh.

... Anh ơi, anh không còn nhưng Anh Không Chết Đâu Anh... Giờ Này Anh Ở Đâu? miền điạ đầu giới tuyến Gio Linh, Cam Lộ Đông Hà, rừng xanh đất đỏ cao nguyên Kon Tum , Pleiku lửa đạn, hay rừng cao su bạt ngàn Bình Long , An Lộc, hoặc cánh đồng lầy Tháp Mười, U Minh, Cà Mau đỉa lội như bánh canh, muỗi kêu như sáo thổi? Nếu em không là Người Yêu Của Lính thì em làm gì với cuộc sống vô vị, nhạt nhẽo của phố phuờng đô hội những lúc vắng anh, hay âm thầm nhỏ lệ nhớ thương mỗi khi nhận được lá Tình Thư Cuả Lính. Em quay quắt Thuơng Anh, Tìm Anh, (Tôi) Nhớ Tên Anh từng ngày, từng giờ, từng phút từng giây... Em chia xẻ, trân trọng nỗi lòng của anh mỗi khi anh nhớ lại Những Ngày Xưa Thân Ái, em xúc động khi anh gọi tên em, lo về em lúc buổi Chiều Trên Phá Tam Giang khi anh chợt nhớ, chợt nghĩ đến em ...

..Anh đã nghe lời gọi của núi sông, nhận trách nhiệm với quê hương để chấp nhận gian lao, nguy hiểm xông pha chiến trường, còn em mong một ngày được hân hoan đón Anh Về Thủ Đô, sau khi anh đã tung hoành Gót Chinh Nhân qua bao vùng Tuyết Trắng hay Biển Mặn, để rồi anh biền biệt cùng với với hàng ngàn, hàng vạn người lính vô danh, những Người Tình Không Chân Dung, thênh thang ra đi mãi mãi, trong tiếng kêu của những Đêm Nguyện Cầu, và cuối cùng hàng triệu người phải chấp nhận Một Lần Miên Viễn Xót Xa, muôn đời vĩnh viễn bỏ anh, Người Ở Lại Charlie…

... Các anh ơi, Những Người Đã Chết hôm qua, hôm kia, cho em, cho những người dân Việt miền Nam đươc sống còn, được tiếp nối cuộc đời trong nhân phẩm, các anh thật sự là những người Bất Tử , và xin cho em, cho chúng em, cho mọi người được chân thành nói một lần, một lời đơn sơ Cám Ơn Anh, dẫu thật sự đã là đôi chút muộn màng ...

Với những lời cám ơn chân tình ấy gửi đến nguời lính VNCH trong đêm Thứ Sáu 22/6/2007, những người bạn trẻ đáng yêu của tôi, các em đã cho rất nhiều người, trong đó có gã binh-nhì hèn mọn tóc bạc phơ này, một ngọn lửa hồng ấm áp giữa tiết Đông giá lạnh của Melbourne. Xin vạn lần cám ơn các em!

Cuộc triển lãm Chủ Nhật 24/6/2007
Hội trường nhà thờ Thánh Giuse, Springvale

Đã dự Đêm Văn-nghệ Nhớ Ơn Anh mà không xem buổi triển lãm Tri Ân QLVNCH thì niềm vui chưa trọn vẹn, hay nói cách khác, vừa được thuởng thức đêm văn-nghệ tối Thứ Sáu xong , đến chiều Chủ Nhật lại được xem thêm cuộc triển lãm thì thú thật với các em, hạnh phúc ấy,, trong quãng đời (gã lính già này) hơn 20 năm nơi đất khách quê người nay mới có một lần hiếm hoi !

Nghe các em tâm sự về mục đích, ý nghĩa cuộc triển lãm, thú thật, người đàn anh già nua kém cỏi này của các em đã vô cùng xúc động ...

Bằng tấm lòng yêu quý người lính VNCH các em, dù tất cả vào ngày đất nuớc, quê hương lâm cảnh tang thương, mới còn là những cô cậu học sinh bé con tóc xanh, bao năm qua đã âm thầm thu góp, sưu tầm, tích luỹ biết bao kỷ vật -từ huy chương, kỷ niệm chương, đến hình ảnh, huy hiệu, tài liệu, sách báo ... trực tiếp thuộc về hay có liên quan đến các quân, binh chủng của QLVNCH ... từ Hải, Lục, Không quân đến các đơn vị Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Cách 81, Nha Kỹ Thuật, Thiết Giáp, Pháo Binh, các Sư-đoàn Bộ Binh khắp 4 vùng chi1ên thuật để làm kỷ niệm riêng về chứng tích có thật của một quân-lực (tuy đã bị bó tay bức tử) nhưng không thua kém bất cứ một quân lực nào về lòng can trường, ý chiến đấu anh dũng ... Hơn thế, nay các em muốn đem ra trưng bày cho công chúng thưởng lãm, để cho mọi ngưới, nhất là những người chưa từng phục vụ trong quân đội, chưa từng nếm qua những cam go, vất vả, hiểm nguy của đời chiến binh, cơ hội THẤY, BIẾT và từ đó THẬT LÒNG TRÂN TRỌNG SỰ HY SINH CAO CẢ CỦA NGƯỜI LÍNH QLVNCH.

Những kỷ vật các em sưu tập được, đã đành ngoài giá trị tiền bạc vật chất, chính là xương, là máu thịt và là cả linh hồn của biết bao người lính VNCH, những người giờ đây, hoặc mộ chí của họ bị đào xới, phá huỷ, dẫm đạp, hoặc cuộc sống trong cảnh thương phế vẫn đang tiếp tục bị vùi dập hàng ngày nơi quê nhà ...

Những đoạn phim tài liệu quay sống trên chiến trường, còn nguyên vẹn, chưa khai thác, mà các em trình chiếu cuối cuộc triển lãm, nhất là hình ảnh những nguời lính vào giờ phút sinh tử cuối cùng của cả miền Nam vẫn khẳng khái băng mình trong làn mưa đạn, chấp nhận hy sinh để mở đường lui cho bao người dân lành trên dường di tản... đã khơi lại vết thương còn tươi rói trong lòng chúng tôi, ba mưoi hai năm vẫn chưa kín miệng ...

Các em thân mến ơi,

Hơn ba mươi hai năm truớc, chúng ta thuộc về hai thế hệ không gần nhau, dù chúng ta có là chú cháu, anh em trong cùng một gia đình, dù là chúng ta có yêu thuơng, lo lắng cho nhau trong tình ruột thịt ... Những ngày ấy, chúng ta không gần nhau. Chúng ta ở xa nhau, khoảng cách có thể bằng cả quãng chiều dài đất nuớc miền nam, từ bờ sông Thạch Hãn đến tận đầm lầy Cà Mau. Chúng ta sống trong hai cảnh đời khác biệt, từ những nơi uống nuớc hố bom, nhai cơm gạo sấy thịt hộp kèm vài cọng rau rừng, đến những phố phường xa hoa, ánh đèn màu đêm đêm rực rỡ ... từ những nơi phải chong mắt theo ánh hoả châu, lắng nghe từng tiếng đạn pháo quân thù thoát khỏi nòng đại pháo để kịp nhảy xuống giao thông hào, đến những vùng nhạc khiêu vũ loạn cuồng hàng đêm về sáng ...

Nhưng nay, sau cơn quốc phá gia vong, chúng tôi và các em, chúng ta ở cùng một cảnh, cảnh sống lưu vong thay đổi họ tên cha mẹ đặt, tập lời con trẻ nói ngu ngơ, cảnh trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Hơn thế, gọi là trẻ nhưng các em nay cũng đã buớc vào tuổi chê buớc anh nhưng trông đến em lòng đầy lo lắng ...

Chúng tôi, những người đàn anh đi trước, dù nhiều hay ít, cũng phải nhận lấy trách nhiệm riêng của mỗi người (quốc gia hưng vong thất phu hữu trách) về những thiếu sót đã đưa chúng ta đến tận chốn này hôm nay, chỉ xin nói lời chân thành

Cám ơn các em đã hiểu, đã chia xẻ nỗi lòng của các anh để cùng nhau tin tưởng huớng đến một ngày mai sáng lạn...

Binh Nhì Đầu Bạc

Không có nhận xét nào: