Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

Cảm Nghĩ Sau Chuyến Mỹ Du của Việt Cộng Nguyễn Minh Triết Nỗi Nhục Của Hắn và Niềm Vui Của Mình

Ðón tiếp Chủ tịch nhà nước CSVN Nguyễn Minh Triết
là mật vụ Hoa Kỳ!

Lễ đón tìếp TT. Ngô Ðình Diệm tại Phi trường Quốc gia Washington 5/8/1957,
có mặt TT. Eisenhower và Bộ trưởng Ngoại giao Foster Dulles,
Tư lệnh Không quân Mỹ Nathan Twining, và phụ tá Tổng thống Hoa Kỳ William Draper


Thạc Sĩ Đỗ Văn Phúc

“Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng…”

Nguyễn Minh Triết đã về Việt Nam hơn tuần nay, không biết đã hoàn hồn chưa? người Việt hải ngoại thì ai đã về nhà nấy sau một tuần sôi nổi đấu tranh, biểu tình, diễn hành, tuyên cáo…

Quả thật, trong lịch sử sinh hoạt 32 năm của người Việt tị nạn, chưa bao giờ khí thế dâng lên ngùn ngụt như thế. Tuy số người tham dư từng biến cố không đông bằng vụ Trần Trường ở Quận Cam (10000+), vụ cờ đỏ UTA ở Arlington (5000+), nhưng cuộc biểu dương lực lượng để “đón tiếp” chủ tịch nước Việt Nam Cộng sản Nguyễn Minh Triết đã diễn ra nhịp nhàng, toàn diện và rất chu đáo nổ ra cùng một lúc tại nhiều thành phố lớn nơi có Triết đi qua, cũng như sự yểm trợ đắc lực tại các nước khác.

Chúng ta chưa bao giờ vui như thời gian vừa qua. Những người tham dự thì đã lo liệu tổ chức phương tiện tài chánh, thuê mướn xe cộ ra đi từ đấu tuần hai ba ngày trước khi Triết đến Hoa Kỳ. Các đoàn thể, cộng đồng khắp nơi thì ra tuyên cáo, thông điệp, thư tín gửi đến các lãnh đạo Hoa Kỳ. Mà có ý nghĩa nhất là chiến dịch gửi post cards có hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước phiên toà của Cộng Sản tại Huế. Có lẽ hầu hết các văn phòng các dân biểu, nghị sĩ, chức sắc trong chính phủ từ Tổng thống cho đến các bộ trưởng đều tràn ngập những tấm hình mang tính chất lịch sử này. Cali và Dallas-Fort Worth đã dựng lên những tấm bill boards ngay trên các trục lộ giao thông chính của thành phố để đánh động lương tâm và kêu gọi sự ủng hộ của dân Mỹ. New York thì chu đáo tổ chức đoàn diễn hành ngày Văn Hoá Quốc Tế để hỗ trợ đúng lúc cho cao trào đấu tranh. Các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí, diễn đàn online tràn ngập tin tức và hình ảnh, thêm mới từng giờ. Đặc biệt diễn đàn Vietland đã cử “điệp viên” theo dõi ngay từ Hà Nội, và thâm nhập các địa điểm mà phái đoàn Cộng Sản dự trù sẽ đến để nắm vững tình hình, thong báo kịp thời những thay đổi của đoàn CS, bảo đảm sự thành công cho Cộng đồng.

Những người mà vì điều kiện làm việc đã không thể đi được đến Cali, New York hay DC thì ngày đêm túc trực bên các máy truyền hình, radio, máy điện toán để theo dõi từng biến chuyển của cao trào đấu tranh.

Một tuần sôi nổi đã qua đi. Triết về nước, dân ta ai về nhà nấy. Cuộc sống lại tiếp tục bình thường. Nhưng dư âm của những ngày đấu tranh vẫn còn quanh đây. Bây giờ thì các nhà chính luận bắt đầu tổng kết tình hình và dự đoán tương lai. Đúng sai thì phải chờ thời gian trả lời thôi.

Thất bại ê chề, nhục nhã của phía Cộng Sản Việt Nam

Mục đích chuyến đi của Nguyễn Minh Triết thực ra mang tính chất xã giao hơn là để đạt các mục tiêu chính trị. Trong hế thống quyền lực các nước Cộng sản, chủ tịch nhà nước chỉ là một cây cảnh tượng trưng, làm vì, vì quyền lực thật sự nằm trong tay bộ chính trị đảng Cộng Sản. Theo điều 4 hiến pháp VNCS thì cả các cơ chế đều nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, khi tiếp xúc với các giới chức Hoa Kỳ, Triết chỉ làm nhiệm vụ lập lại những gì mà bộ Chính Trị đã thoả thuận và cho phép. Triết chẳng thể tranh biện, đưa ra đề nghị phản bác hay đồng thuận khi tình huống thay đổi bất chợt ngoài dự liệu trước khi ra đi. Vì thế, chúng ta đã thấy lối đối thoại lập lờ, đánh trống lãng, đôi khi ngây ngô của Triết khi đối đầu với các Nghị sĩ Dân biểu Hoa Kỳ hoặc trước lời cảnh cáo của Tổng thống Bush về các vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ. Đúng hơn, Triết đã trả lời vụng về, làm lộ rõ bản chất lừa lọc, độc đoán của chế độ khi trả lời Tổng thống Bush cũng như khi trả lời phỏng vấn của hãng AP với lời khẳng định nước CSVN không cần thiết phải cải thiện về nhân quyền.

Về việc ký kết các thoả ước kinh tế thương mãi tài chánh, (Trade and Investment Framework Agreement) chẳng cần có một phái đoàn của quốc trưởng mà chỉ cần các cấp Bộ trưởng, Tổng giám đốc.

Nếu có mục đích chính trị gì khác, thì đó là sự hứa hẹn của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ Cộng sản VN vào Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, mà sau mấy ngày Triết đến Hoa Kỳ, vẫn không nghe Tổng thống Mỹ nhắc đến.

Vậy, cuối cùng, thì chuyến đi của chủ tịch CSVN chỉ là để tạo thanh thế, phô trương với dân chúng ngõ hầu dằn mặt những ai lăm le đứng dậy theo gót Linh Mục Lý, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài… mà đấu tranh đòi quyền làm người :”Coi nhé, nhà nước này vững mạnh, công an bộ đội súng ống, cùm kẹp đầy rẩy; và lại được đại cường dân chủ Mỹ ủng hộ. Liệu hồn chớ làm chuyện đấu tranh mà mất mạng.”

Vì thế, Triết đã mang theo một đoàn hùng hậu gồm khoảng 200 người gióng trống khua chiêng nhất quyết phen này ra đi làm nở mặt cho dù phía Hoa Kỳ đã có những triệu chứng bất ưng. Chuyến đi tưởng đã bị đình hoãn hay hủy bỏ vì chỉ trong vòng vài tuần trước, Tổng thống Bush đã mạnh miệng lên tiếng về trường hợp Linh mục Lý và tình hình nhân quyền tồi tệ của VN tại hội nghi các cường quốc G-8; cũng như ông đã tiếp bốn vị lãnh đạo các đảng phái, phong trào chống Cộng ngay trong văn phòng Toà Bạch ốc, trước sự hiện diện của Phó Tổng Thống Cheney và các lãnh đạo các cơ quan An ninh quốc gia. Biết đi là nhục, nhưng với bản chất cố đấm ăn xôi, đảng CSVN vẫn cứ đẩy Triết ra đi.

Và thảm thương thay, Triết đã nhận một cú đấm ê chề từ cả phiá nhà nước Hoa Kỳ, lẫn “khúc ruột ngoài ngàn dặm” mà Triết dự tính vuốt ve, mua chuộc. Theo truyền thống, nghi lễ ngoại giao, trong cuộc thăm viếng chính thức của một quốc trưởng, thì người ra đón tại chân cầu thang máy bay thường là quốc trưởng nước chủ nhà. Tệ lắm thì cũng là nhân vật số hai. Đằng này Triết đã không dáp xuống Washington DC và được một giới chức nào cao cấp trong chính quyền Mỹ đón tiếp. Y và phái đoàn đã dáp xuống phi trường John F. Kennedy (New York) ngày 18 tháng 6, 2007, và chỉ được đón tiếp bởi ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine và vài nhân viên Mật vụ Mỹ (Secret Services).

Thứ đến Triết đã không nhận được 21 phát đại bác đón mừng và đi song song cùng lãnh tụ nước chủ nhà để duyệt toán quân danh dự. Triết cũng không được trú ngụ trong toà nhà Blair House và được Tổng Thống Bush khoản đãi đạ yến (State Dinner) trong đó quan khách là những nhân vật hàng đầu của ba ngành Lập pháp, Tư pháp và hành pháp Mỹ; cũng như các đại diện ngoại giao của các nước khác. Và cuối cùng, đã không có một thông cáo chung như thong lệ giữa hai nhà lãnh đạo hai nước.

Nếu so với cuộc đón tiếp mà cố Tổng thống Eisenhower đã dành cho cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Ngô Đình Diệm nửa thế kỷ trước, thì quả là một trời một vực; quả là một mối nhục cho Triết và chế độ CS Việt Nam, và cũng là nhục chung cho cả đất nước. (Xin đừng so sánh với việc cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến Camp David gặp cố TT Johnson, vì chuyến đi của ông Thiệu chỉ là đi họp, không phải là thăm viếng hữu nghị hay chính thức)

Người Việt Hải Ngoại Đã Làm Nhục Nguyễn Minh Triết Như Thế Nào?

Người Việt hải ngoại cảm thấy gần gủi nhau, đoàn kết nhau hơn qua những biến cố lịch sử này. Các đoàn thể, phong trào, đảng phái đã tạm gác qua những bất đồng để cùng nhau phối hợp trong các cuộc biểu tình tại DC, New York và California, tạo nên một sức mạnh vĩ đại chưa từng có của tập thể người Việt Hải ngoại.

Sự chống đối của cộng đồng Người Việt đã làm cho phái đoàn quốc khách VN đến thăm các cơ quan đầu não Hoa Kỳ mà không dám đường hoàng đi vào cổng chính, xe không dám treo cờ, khách ngồi trong xe phải lấy báo che mặt khi bị các ống kính chĩa vào quay phim chụp hình. Buồn cười và nhục nhã nhất là khi phái đoàn của Triết đến khách sạn ở Dana Point; người ta phải che một tấm màn đen từ cửa xe vào đến tận cửa khách sạn để Triết và tùy tùng đi vào mà không ai thấy được. Trong buổi đại yến mà Triết mời một số các nhà doanh nghiệp Mỹ gốc Việt, báo chí Việt Nam Cộng sản khoe rằng có 1000 kiều bào tham dự. Thực ra chỉ khoảng vài chục. Vì theo phóng viên của Vietland trà trộn vào theo dõi, thì chỉ có 27 bàn tròn, tức là có 270 thực khách. Trong đó trừ thành viên phái đoàn VN khoảng 180 người, và khoảng 50 sinh viên VN du học, thì chỉ còn lại độ 40 ghế ngồi cho những tên Việt Gian như Nguyễn Cao Kỳ, Quỳnh Kiều, Vũ Đức Vượng…. mà thôi. (Cả ba phòng Ball Rooms của khách sạn nếu nối lại chỉ chứa được tối đa 660 khách)
Không có toán quân danh dự và kèn trống của nước chủ nhà, Triết đã được đón tiếp bằng tiếng la ó của hàng ngàn người Việt đang nói thay cho tiếng nói uất nghẹn của 84 triệu đồng bào trong nước.

Sự biểu dương của cộng đồng Người Việt tị nạn đã đạt một thắng lợi chính trị rất rõ nét đối với chính quyền sở tại.

Người Mỹ có thể có cảm tình với người Việt tự do và khinh ghét chế độ Cộng sản. Nhưng họ là những người thực dụng. Họ làm chính trị với mục tiêu tối thượng là quyền lợi của nước Mỹ chứ không vì quyền lợi của những người Việt Nam xa xôi. Trong chính trị - dù ở Mỹ hay Âu châu, Á châu – hai yếu tố hàng đầu là quyền lợi và quyền lực. Người làm chính trị không có bạn muôn đời cũng như không có kẻ thù truyền kiếp. Khi giao tiếp, thì họ che đậy hai yếu tố quyền lợi và quyền lực bằng những chiêu bài cao cả, đạo đức; nhưng họ sẵn sàng trở mặt khi tình thế xoay chuyển lợi hay bất lợi cho mục tiêu chính của họ. Trước mắt người Mỹ không có sự khác biệt giữa ông Hồ Chí Minh hay ông Ngô Đình Diệm, mà chỉ có sự tính toàn dùng ai thì sẽ có lợi cho chiến lược của mình. Vì thế, người Mỹ đã tung hô ông Diệm năm 1954 và rồi 9 năm sau đã thảm sát vị tổng thống đầu tiên của chế độ Cộng hoà Việt Nam.

Ngày nay, trong thế cờ mới không còn hai khối Tư bản và Cộng sản đối đầu, người Mỹ chỉ còn mối lo về hiểm họa Trung Cộng. Lôi kéo và xây dựng một nước Việt Nam lớn mạnh thì có thể kềm chế được khối lượng gần 2 tỷ dân Tàu với một chính quyền (dù Cộng sản hay Quốc gia) luôn luôn hiếu chiến, đầy tham vọng bành trướng. Vì thế, Việt Nam Cộng sản hay không Cộng sản chẳng phải là nan đề. Một khi trong hệ thống chính trị VN đang có nhiều khuynh hướng thân và chống Trung Hoa, thì Mỹ càng thấy cần thiết nhảy vào để tranh lợi thế.

Ông Bush có thể vui miệng tuyên bố vung vít cho nhân quyền dân chủ VN, nhưng khi đối diện thực tế, ông chỉ nghĩ đến quyền lợi Hoa Kỳ. Việc này đã được minh chứng qua việc ông đến Hà Nội tham dự APEC, thắm thiết bắt tay Nguyễn Minh Triết mà quên phứt các điều đã hứa hẹn về nhân quyền đối với cộng đồng Việt Nam mấy tuần trước đó.

Lần này, ông Bush làm những việc ngoạn mục hơn: vinh danh linh Mục Lý, tuyên bố ủng hộ tranh đấu nhân quyền trước hội nghị G-8, tiếp xúc các nhà tranh đấu Việt Nam hải ngoại; nhắn nhe, cảnh cáo Nguyễn Minh Triết về một quan hệ trong tương lai nếu nhân quyền không được cải thiện. Cộng thêm việc các nghị sĩ dân biểu Hoa Kỳ ra tuyên cáo lên án Việt Nam, đòi đưa VN trở lại danh sách các nước cần lưu tâm về quyền con người, Chủ tịch Quốc Hội - bà Nancy Pelosi – và một số dân biểu đã tiếp các lãnh tụ đấu tranh người Việt trước khi đón Triết, và cũng đã chất vấn Triết về các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Dân biểu Ed Royce đã quyết liệt với Triết: "We've got to see a stop to this conduct if this relationship is going to improve" (Chúng tôi muốn nhìn thấy những hành vi [trấn áp] này chấm dứt trước khi mối quan hệ [hai nước] được cải thiện). Ngay cả anh chàng nghị sĩ phản thùng, flip-flop John Kerry cũng xoay ra tuyên bố ủng hộ ngưòi Việt hải ngoại (mà trước đây, khi các phái đoàn Người Việt biểu tình đòi ông ta trả lời những câu lếu láo thân cộng, thì anh chàng lính phản chiến này né tránh không chịu tiếp xúc).

Người Việt Cần Học Bài Học Về Sức Mạnh Công Dân Của Mình

Những tin tức vừa kể đã tạo cho cộng đồng người Việt một sự thoả mãn chính trị, và đem lại những hy vọng, niềm lạc quan về một tương lai tốt đẹp.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó mà chờ đợi, thì rồi ra, đâu vào đó.

Triết lại về VN làm chủ tịch bù nhìn. Công an Việt Cộng lại tiếp tục bắt bớ trấn áp những nhà tranh đấu. Chính phủ Mỹ lại tiếp tục tuyên bố phản đối, đòi VC thả tù nhân chính trị. Việt Cộng lại thả ra vài vị, rồi tà tà bắt lại mấy hồi. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Và quan trọng nhất, là Mỹ lại tiếp tục đầu tư, nhập cảng, xuất cảng qua lại với Việt Nam; lại bắt đầu viện trợ quân sự, huấn luyện cho bộ đội CS. Vì chính ông Bush đã nói rõ: "We want to have good relations with Vietnam". Đừng quên rằng năm ngoái hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên tới 10 tỷ đô la.
Và Cộng đồng VN tại hải ngoại lại tiếp tục họp hành, lên mạng, tuyên cáo…
Ít ra chúng ta đã thấy sức mạnh kết đoàn của tập thể người Việt hải ngoại, mà đã làm cho các giới chức tư pháp hành pháp Mỹ, Úc, Hoà Lan, Đức… phải lưu tâm. Đó là sức mạnh Công Dân. Sức mạnh của lá phiếu mà trong các cuộc bầu cử sắp đến, người Mỹ đã tính toán.

Các dân cử, chính quyền Mỹ, Úc, Âu… sẽ ý thức rằng họ đang ủng hộ dân chủ VN vì cần vận động hai triệu cử tri gốc Việt chứ không phải vì quyền sống của 84 triệu người bên kia đại dương.

Chúng tôi cũng nhân đây, ghi nhận và cảm ơn các nhà dân cử Mỹ gốc Việt các cấp Tiểu Bang, County, đã tận tình sát cánh cùng cộng đồng trong chiến dịch vừa qua. Người Việt càng thấy cần thiết tham gia, thâm nhập vào dòng chính của nền chính trị Hoa Kỳ. có thế, mới tạo thêm sức mạnh của tập thể mình

Thưà thắng xông lên, tận dụng sức mạnh đó, chính là phương án hay nhất để đòi hỏi nhà cầm quyền Hoa Kỳ phải chiều theo ý nguyện của chúng ta về một triển vọng dân chủ cho đất nước.

Tưởng cũng không thể không nói đến việc gần đây đã có những triệu chứng trở mặt của một số người nhẹ dạ qua việc tuần báo Viet Weekly (Cali) và Vietnam Weekly News (Dallas, Texas) chọn dăng những bài thiên cộng. Qua một tuần lễ tranh đấu sôi nổi vừa qua, chắc những người non dạ này đã thấy một sự răn đe đáng nể để họ ngừng lại trước khi làn sóng căm phẫn của cộng đồng Người Việt Tị nạn sẽ đổ ập lên sự nghiệp của họ. Đừng thách thức sức mạnh quần chúng một khi họ có lý tưởng cao quý.

Đỗ Văn Phúc

Không có nhận xét nào: