Thứ Năm, 28 tháng 6, 2007

Chúng tôi đòi tự do





Việt Hồng - phóng sự từ Warsaw, Ba Lan

Vào cuối tuần vừa qua, trong lúc cộng đồng người Việt tại Mỹ đang sôi động "chào đón” ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm chính thức Mỹ bằng một rừng cờ vàng và biểu ngữ thì ở thủ đô của Ba Lan, những người Việt Nam, Trung Quốc, Kazachstan, Chechnia, Miến Điện, Cu Ba, Bắc Hàn, Bạch Nga....cùng nắm tay nhau đòi hỏi tự do.

Buổi hòa nhạc ngoài trời mang tên "Chúng tôi đòi tự do” (1) được tổ chức tại quận Żoliborz, trong một khu công viên và bảo tàng xinh đẹp nằm ngay bên bờ sông Wisla đã được khá đông đảo khán giả thủ đô tham dự. Buổi hòa nhạc do Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan tổ chức với vé vào miễn phí, được truyền hình trực tiếp trên TVP2, đăng trên Gazeta Wyborcza và một số Radio đưa tin. "Chúng tôi tổ chức buổi hòa nhạc này cho các bạn, cho những dân tộc còn chưa có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, chưa có nhân quyền. Chúng tôi hiểu các bạn vì tình trạng của các bạn ngày hôm nay cũng giống như của chúng tôi trước kia.” - Ông Mirosław Chojecki chủ tịch Hội Tự Do Ngôn Luận nói.

Từ nhiều ngày, trước khi buổi hòa nhạc được tổ chức, các nhóm đối lập tại Ba Lan đã chuẩn bị phim tài liệu, hình ảnh, tư liệu để giới thiệu về "thành tích” đàn áp nhân quyền ở nước mình. Mở đầu, ông Adam Borowski, thành viên Hội Tự Do Ngôn Luận và là đại diện danh dự của Chechnia, tuyên bố lý do tổ chức buổi hòa nhạc, ông cũng điểm mặt các chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Buổi hòa nhạc được giới văn nghệ sĩ nhiệt liệt hưởng ứng, có nhiều ca sĩ nổi tiếng được giới trẻ và công chúng Ba Lan yêu mến như Stanisław Sojka, Tomasz Lipiński, Daab, Kinga Preis, Voo Voo, Dżem, Iwona Loranc, Maciej Maleńczuk, Przemysław Bogusz, Dorota Miśkiewicz… tham dự.

Sân khấu được chuẩn bị khá chu đáo từ ngày hôm trước. Khi những lời hát ca ngợi tự do, phản đối độc tài, kêu gọi tranh đấu cho nhân quyền… vang lên cũng là lúc những thước phim tài liệu được chuẩn bị công phu từ nhiều ngày trước được trình chiếu trên màn ảnh, phía sau các ca sĩ. Nếu những lời ca đem lại sự phấn chấn tin tưởng cho hầu hết khán giả có mặt tại đây, thì ngược lại, bức tranh đen tối về tình hình nhân quyền được chiếu lên đã gây xúc động lớn. Những bà mẹ, những cô gái với giọt lệ đọng đầy nơi khóe mắt hướng cái nhìn cảm thông và chia sẻ về nhóm những người nước ngoài có mặt nơi đây. Những hình ảnh của Thiên An Môn với xe tăng và xác các sinh viên trên đường phố, hình ảnh đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cách mạng Cam tại Ucraina, cuộc chiến đẫm máu tại Chechnia, hình ảnh quản thúc bà Aung San Suu Kyi (Miến Điện), đàn áp đối lập tại Kazakhstan, việc bưng bít thông tin và bóp nghẹt dân chủ tại Cu Ba, Bắc Hàn…lần lượt hiện ra. "Dã man quá! Ba Lan thời kỳ thiết quân luật cũng giống như vậy!” – Một người đứng cạnh tôi nhận xét.

Việt Nam đem đến đây hình ảnh Hòa Thượng Thích Quảng Độ và phiên tòa xử Linh mục Nguyễn Văn Lý. Ngoài ra, các bạn Việt Nam còn phát nhiều tờ rơi in hình Linh mục Lý bị bịt miệng. Tờ rơi cũng điểm qua các thành tích đàn áp nhân quyền của Hà Nội từ năm 1975 tới nay và đặc biệt nhấn mạnh tới chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến xảy ra hồi đầu năm nay, kêu gọi Ba Lan và cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam trên con đường giành lại tự do.

Nhiều người Ba Lan kinh ngạc và xúc động về hình ảnh Linh mục Lý bị bịt miệng. Họ không thể hiểu nổi tại sao một bị caó lại có thể bị bịt miệng và vì sao một Linh mục lại bị đối xử như vậy. Một phụ nữ lắc đầu, lẩm nhẩm cầu Chúa và làm dấu Thánh. Với những người dân trong một đất nước sùng đạo (hơn 90% theo đạo Thiên chúa) thì Linh mục là những người đáng kính và bức ảnh quả là sự xúc phạm. Nhưng nếu ngược lại lịch sử thì Ba Lan không thiếu những Linh mục đã dũng cảm chống lại bạo quyền cộng sản, nhiều người đã bị tù đày, khủng bố và một Linh mục đã bị an ninh cộng sản thủ tiêu bằng cách buộc đá, ném xuống sông.

Những người Việt tại Đông Âu nói chung và Ba Lan nói riêng thường chỉ đem theo các khẩu hiệu khi tranh đấu. Họ thiếu một là cờ chỉ vì không thể đem theo cờ đỏ sao vàng cũng không muốn đứng dưới cờ vàng. Nhưng lần này là một ngoại lệ! Có lẽ đó là lần đầu tiên, ở một nước Đông Âu, vốn luôn được coi là sân sau của Hà Nội, một lá cờ vàng 3 sọc đỏ tung bay trong gió bên cạnh cờ của các nước bạn!

Không chỉ người Ba Lan ngạc nhiên mà ngay cả những người Viêt Nam cũng bất ngờ về sự có mặt của lá cờ vàng. Chủ nhân của lá cờ - ông Mirosław Chojecki cho hay, cộng đồng người Việt tại California đã tặng ông khi ông sang đó trong vai trò người đại diện danh dự cho Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động.

Vai kề vai, những người Việt Nam, Trung Quốc, Kazakhstan, Chechnia, Cu Ba, Bắc Hàn...cùng tranh đấu, cùng hy vọng vào một tương lai sáng đep hơn trên đất nước mình. Chắc chắn, những hình ảnh ngày hôm nay sẽ còn đọng lại trong tâm trí nhiều người có mặt nơi đây. Riêng tôi, trên đường lái xe về nhà, văng vẳng bên tai tôi là tiếng hát của ca sĩ Tomasz Lipiński: " Bạn cần tự do để làm gì? Tôi cần tự do để làm gì? Chúng ta cần tự do để làm gì? Tự do là không khí, là cuộc sống, tự do là tất cả, chúng tôi cần tự do...".

Tôi tin rằng, một ngày nào đó, không còn xa nữa, tự do sẽ đến với đất nước tôi, với đất nước các bạn, với tất cả chúng ta.

--------------------------------------------------------------------------------
(1) Nguyên văn tiếng Ba Lan: "Pytam o Wolność"

Không có nhận xét nào: