Thứ Hai, 2 tháng 7, 2007

Hà Nội: Tình hình bà con khiếu kiện sau khi trụ sở tiếp dân bị đánh tráo, dân phải đến quán bia hơi Thành Xồm để gặp cán bộ tiếp dân



Cụ Phạm Kim Thu đang viết và đọc đơn Khiếu nại, Tố cáo tội ác cướp nhà của cụ gửi nhà nước CSVN ở trung ương tối cao

Tình hình về bà con khiếu kiện trong thời gian qua, sau khi trụ sở tiếp dân của đảng cộng sản, chính phủ, quốc hội bị đánh tráo, dân phải đến quán bia hơi Thành Xồm để gặp cán bộ tiếp dân

Từ tháng 5-2007, nhà nước Cộng sản Việt Nam tuyên bố chuyển địa điểm tiếp dân khiếu kiện từ số 1 phố Mai Xuân Thưởng - quận Ba Đình – Hà Nội (địa điểm này cách lăng ông Hồ Chí Minh có 300 mét và đối diện với văn phòng chính phủ chỉ có mấy chục bước, cũng như rất gần nhà riêng của các ông tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước CSVN trên phố Phan Đình Phùng… ) về địa điểm mới là một lán tạm trên mái căng bạt ở số 110 phố Cầu Giấy – Hà Nội. Địa điểm mới của trụ sở tiếp dân này cách nơi cũ gần 10 cây số ở vùng ngoại thành Hà Nội, khu vực này cách xa các trung tâm của thủ đô Hà Nội. Việc nhà nước CSVN chuyển địa điểm này nhằm đẩy người dân khiếu kiện vào con đường cụt hẳn để không kêu được “ông lớn” nào giải quyết do xa nhà các ông tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước.

Người dân khiếu kiện đã khốn khó, cùng cực như cổ nhân đã nói : “vô phúc phải kiện tụng đình” mà càng vô phúc hơn nữa khi lại bị mắc kiện tụng trong cái xã hội XHCN mình Ngô mặt Sở như ở Việt Nam hiện nay. Thân phận, nỗi oan khiên của người dân khiếu kiện chẳng được cán bộ cộng sản “đày tớ” nào của dân ngó xem, giải quyết nay họ còn đẩy dân vào nỗi khốn cùng hơn, cho đến nơi khuất nẻo để dễ bề đàn áp, không cho đi kêu tìm chân lý nữa. Giữa trưa nắng chang chang gần 40 độ C, dân khiếu kiện lê được đôi chân mỏi mệt tìm, vào được đến nơi nộp đơn khiếu kiện thì thấy cảnh tiếp dân chả hơn gì bọn hải tặc giam nhốt các thuyền nhân Việt Nam vượt biên trên các hoang đảo giữa biển khơi để khảo của cải hồi cao trào bỏ nước đi tìm tự do ở nước ngoài cách đây không lâu. Trong khi đó thì cán bộ tiếp dân ngồi mát mẻ trong quán bia thịt chó ở ngay bên cạnh của nhà hàng “Thành Xồm” ăn nhậu để mặc các ông chủ bà chủ nhân dân ngồi ngáp đói khát cạnh ngồi chầu chực. Thế nhưng họ vẫn rêu rao tuyên truyền rỉ tai với dân oan, là trong vòng từ ngày 7/7/2007 trở đi sẽ có văn phòng tiếp dân đàng hoàng hơn so với chỗ cũ, thậm chí bố trí có cả chỗ trọ cho dân ở tỉnh xa ăn nghỉ lâu dài tại chỗ mà làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở đầu não trung ương. Thật ra thì cho đến nay vẫn chẳng đâu vào đâu cả, cho nên dân oan các tỉnh vẫn ùn ùn hàng ngày tay bị gậy, tay đơn từ kéo về thủ đô rồi ra thẳng chầu chực ở Mai Xuân Thưởng và 35 phố Ngô Quyền (văn phòng thường trực quốc hội CSVN) là 2 nơi có các đầy tớ của dân làm việc để họ kêu oan. Ngày nào dân các tỉnh hàng trăm người gồm cả trẻ già, đàn bà đàn ông họ cũng bồng bế nhau và vẫn đổ về vườn hoa này, đêm đến họ ngủ tại vườn hoa trong cảnh màn trời chiếu đất vô cùng khổ cực. Họ khổ cực như vậy nhưng lũ công an trung thành với chủ đâu có buông tha cho đám dân khốn cùng này, đợi khi đêm đến vắng người chúng cho lính tráng là mấy thằng cảnh sát bảo vệ an ninh ngu trung, dốt nát lẻn ra vườn hoa để dùng dao hay bật lửa cắt, đốt dây căng mùng, căng màn và bạt che mưa nắng của dân, khiến bà con bị trận mưa ướt hết quần áo và đồc đạc như chuột lột. Thật là một bọn người đê hèn, tiểu nhân hết chỗ nói, vì ban ngày chúng sợ dân oan phản đối và người đi đường cũng không đồng tình việc làm đó, nên chúng mới nghĩ ra “sáng kiến” để hãm hại dân oan về ban đêm là như vậy.

Tình cảnh khốn khổ hơn trong những người dân khiếu kiện khốn khó này, người dân Hà Nội thấy có rất nhiều bà lão già nua lụ khụ nằm màn trời chiếu đất ở ngoài vườn hoa ở cạnh Hồ Tây – Hà Nội như : lão bà 82 tuổi Phạm Kim Thu, vợ liệt sỹ ở tỉnh Tuyên Quang, bà lão thương binh 71 tuổi Nguyễn Thị Vàng mẹ liệt sĩ quê tận biên giới phía nam tỉnh Kiên Giang, mấy bà cụ nữa quê ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh hóa, Nghệ An, có bà quê ở Thủ Đức tận ngoại vi thành phố Sàigòn….cảnh sống rất cơ cực trăm bề phải sống màn trời chiếu đất giữa vườn hoa Mai Xuân Thưởng…

Các cụ già này ngày đi ăn xin sống nhờ vào lòng tốt thương người của người dân Hà Nội, đêm đến che bạt nằm ngay trên nền đất ở vườn hoa. Cuộc sống các cụ cơ cực như vậy, nhưng chính quyền từ trung ương Hà Nội cũng coi như có mắt như mù, có tai như điếc, mặc dù nơi các cụ ngả lưng màn trời chiếu đất chỉ cách nhà các ông chủ tịch nước, tổng bí thư, thủ tướng … có vài trăm mét và sáng nào các ông này cũng ngồi trên các ô tô con sang trọng mát lạnh bằng tiền xương máu của chồng con các cụ diễu qua nơi các cụ đang ngồi mong sự đoái hoài ngó đến của mấy “ông quan giời này”.

Cụ bà Phạm Kim Thu năm nay 80 tuổi là vợ liệt sỹ Trần Hữu Ngọc. Ông Ngọc vào Nam năm 1962 và đã hy sinh từ ngày 3-8-1967 tại tỉnh Sóc Trăng, bà Thu lúc này một nách 2 đứa con thơ, đứa lớn mới lên 2 tuổi đứa bé còn đỏ hỏn không nơi nương tựa vì quê chồng ở tận cùng đất nước là Cà Mau đang nằm ở bên kia sông giới tuyến Bến Hải. Thời gian này bà Thu không có nhà ở nên được ủy ban nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cấp cho 1 mảnh đất hoang sát cạnh bệnh viện thị xã Tuyên Quang thuộc tổ 2, tiểu khu 2, phường Phan Thiết cũ (còn gọi là Gò miếu âm hồn). Con nhỏ, chồng hy sinh và cũng từ đây gia đình bà đã “được” chính quyền trả công một gia đình liệt sỹ bằng cách cướp hết nhà cửa từ nam ra bắc, đẩy mẹ con bà lang thang cơ nhỡ, cuộc sống tha phương cầu thực. Bà đã từng gặp các ông tai to mặt lớn nhất của chế độ CSVN khi còn đang giữ các chức vụ đứng đầu thành phố SàiGòn như bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh, chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Khải. Thế rồi các ông này thương tình và cảm thông cho hoàn cảnh của mẹ con bà, nên đã cấp cho bà một tòa nhà khá rộng rãi và đủ tiện nghi tại số nhà 193/135-136 đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 TP Sài Gòn. Trong lúc mẹ con bà Thu vắng nhà để tìm hài cốt của người chồng liệt sỹ thì phần đất của bà ở Tuyên Quang mà trước đây bà gửi nhờ ủy ban thị xã Tuyên Quang và hàng xóm trông nom, thì đã bị mấy ông cán bộ “đày tớ” của dân chiếm mất để làm nhà để xe cho thị đội. Phần nhà trong nam thì khi mẹ con bà Thu đi làm vắng, các quan tham CSVN phá khóa vứt đồ đạc ra đường để cho vợ con liệt sỹ đi ăn mày, ngủ màn trời chiếu đất không chút xót xa. Gia đình bà Thu tan cửa nát nhà, con cái tan tác mỗi người mỗi nơi, bà Thu nay trên 80 tuổi già yếu sống vất vưởng nay đây mai đó. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã không giải quyết cho bà Thu mà còn vu khống bà Thu và gán tội lừa đảo cho bà Thu là dùng : thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Gia đình bà Thu – gia đình một sỹ quan quân đội cộng sản Việt Nam chết trận – nay không tấc đất cắm dùi.


Ảnh: cụ Nguyễn Thị Vàng và cụ Phạm Kim Thu tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội đang khiếu kiện tại đây (chụp ngày 10 /6/2007)

Cuộc sống của cụ già Thu vô cùng khổ cực, cụ đã phải làm đơn gửi nhờ ủy ban nhân quyền quốc tế, dư luận đồng bào Việt Nam ở hải ngoại, các cơ quan thông tấn báo đài hải ngoại lên tiếng đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam trả lại quyền lợi cho cụ nhưng không ai trả lời. Thế rồi cụ theo chân dân oan vườn hoa làm đơn ủng hộ phong trào 8406 và vào Đảng dân chủ 21 của cụ Hoàng Minh Chính để nhờ tổ chức đấu tranh giúp cụ. Nhưng cũng từ khi cụ làm đơn xin gia nhập Đảng Dân Chủ Việt Nam XXI, thì chính quyền cộng sản Việt Nam, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã không giải quyết mà còn cho công an đàn áp cụ, đuổi cụ khỏi nơi an dưỡng tuổi già, không phát tiền xương máu của chồng cụ trả cho cụ hàng tháng nữa lấy lý do là họ giữ giúp cụ cho khỏi mất trộm… Bởi thế cụ mất luôn chỗ dựa là nguồn sinh sống cuối cùng và phải ở hẳn vườn hoa để xin ăn và ngủ qua đêm. Cụ đã bị chính quyền công an CSVN tỉnh Tuyên Quang trả thù vì gia nhập Đảng dân chủ 21 và khối 8406 là vậy

Trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Vàng 71 tuổi ấp Xéo Cạn Ngọn A – xã Thạnh Yên - huyện Ăng Biên - tỉnh Kiên Giang bản thân là thương binh 4/4 và là mẹ liệt sỹ. Năm 1972, bà Vàng khai phá thửa đất cặp theo kinh làng thứ 7 (nay là quốc lộ 63). Mặc dù bom đạn chiến tranh ác liệt, vừa tham gia hoạt động cách mạng, mẹ con bà Vàng trực canh liên tục trên thửa đất rộng khoảng 45.000 m2 đất này. Năm 1976, chính quyền cộng sản tỉnh quy hoạch trưng dụng cả phần đất của mẹ con bà Vàng để làm nông trường tỉnh đội. Mẹ con bà Vàng phải từ bỏ công ruộng của mình, mẹ con dắt nhau lang thang di dời đi khai phá đất sậy ở bên kia sông để kiếm sống. Năm 1977, phần đất của bà Vàng đã bị chiếm thì lại giao cho một gia đình cá nhân sử dụng. Trong khi đó cuộc sống mẹ con bà Vàng rất khốn khó, bà Vàng trở về xin lại đất cũ, cất nhà ở mẹ con nuôi nhau thì bà lại bị những cán bộ chức quyền ăn hiếp, bắt giam rồi lập tòa án gọi là xét xử để bỏ tù bà 2 năm tù giam. Bà Vàng là một thương binh lại là mẹ liệt sỹ mà bị cướp đất, nhà cửa bị đẩy ra đường đi ăn mày rồi chỉ vì đi đòi công lý mà bị bắt tù đày thật hết biết vậy, chế độ cộng sản hôm nay đối với những người có công với mình mà còn bị đối xử như vậy, thì liệu còn ông bà cán bộ nào dám đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân mình nữa không ?

Những người dân xã Đắk Ơ - huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước chỉ vì tự cứu mình đã chăm chỉ cần cù lao động, một nắng hai sương chịu khó chịu thương trồng trọt để cuộc sống của mình được khá hơn không phải dựa vào sự cứu trợ của nhà nước, xã hội nhưng các quan tham cũng không vừa lòng. Các quan cộng sản cậy chức cậy quyền ra giấy thu hồi đất để chia nhau, đưa mấy trăm công an, bộ đội xuống để đàn áp có 40 người đàn bà con nít, đánh đập dã man đàn ông và còng tay bắt họ giam giữ như kẻ tội phạm.

Đây là căn nhà bà Nguyễn Thị Vàng mẹ liệt sĩ và bà là 1 thương binh có công với chế độ ở quê hương hiện nay. Mảnh đất đã được gọi là “giải phóng khỏi ách kìm kẹp của bè lũ Mỹ - Ngụy tay sai sau hơn 32 năm thống nhất đất nước và đi lên con đường xây dựng XHCN ấm no giàu mạnh và hạnh phúc” - ảnh chụp tháng 5/2007


Ở đâu có đàn áp ở đó có đấu tranh, nên bà con các tỉnh đi khiếu kiện như tỉnh Bắc Giang thì những ngày bầu cử vừa qua chính quyền cộng sản cho công an vào áp chế dân, áp tải họ phải đi bỏ phiếu. Khi những người dân này họ gạch hết tên của các ứng cử viên thì cán bộ ban bầu cử đứng cạnh hỏi : Tại sao lại gạch hết tên như thế ? ... Có cán bộ bầu cử còn vào kiểm tra tận nơi trong phòng viết phiếu xem dân bỏ ai, bầu ai như vậy, thế hỏi là tự do bầu cử ở đâu… Do vậy đại biểu quốc hội cũng chỉ là những nghị gật mà thôi, đảng cộng sản Việt Nam bảo giơ tay thì giơ, bảo lắc thì lắc. Cụ thể sắp tới mấy hôm nữa là quốc hội họp để bầu chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ… quốc hội chưa họp thì ngoài đường người dân đã biết ai làm chủ tịch nước, ai giữ ghế thủ tướng rồi… Nên ở Việt Nam những ai mà mắc nạn bị chính quyền cướp nhà đất thì ráng mà chịu, vì nhân quyền ở Việt Nam đâu có mà đi đòi. Ngược lại những ai dũng cảm đấu tranh như các cụ già kể trên thì chính quyền cho chờ đấy… Kiếp sống người dân ở Việt nam tăm tối là vậy đấy. Thế nhưng nếu bạn bè quốc tế có chất vấn hỏi về Nhân quyền, Dân chủ, Tự do thì mấy cái lưỡi gỗ cực kỳ phản động, phản dân hại nước như Tôn Nữ Thị Ninh, Lê Dũng, Nguyễn Văn Bàng….kể cả Nguyễn Minh Triết, Nông Đức Mạnh, hay Đỗ Mười đi nữa cũng sẵng sàng ngoác mồm ra cãi bay biến : Nào là ở Việt Nam nhân quyền, dân chủ cảu nhân dân rất được tôn trọng…Nào là do hoàn cảnh lịch sử, đặc thù văn hóa ở Việt nam khác biệt so với các quốc gia khác, nên chúng tôi quan niệm nhân quyền, dân chủ cũng khác các vị, khác các nước…vv và vv…. Nào là nhân quyền, dân chủ lớn nhất, giá trị cao quý nhất là nhân dân chúng tôi được sống và chiến đấu theo lá cờ thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh “ Không có gì quý hơn Độc lập Tự do ” !!!….Thật là một lũ người vô liêm sỉ, trơ tráo hết mức !

Tường thuật tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng “ai oán khổ đau” ngày 30/6/2007
Phóng viên Người đưa tin Vì Công Lý

Ảnh: Cụ Nguyễn Thị Vàng đang đứng trước căn nhà của mình ở quê hương An Biên, tỉnh Kiên Giang, tức tỉnh Rạch Giá cũ - tháng 4/ 2007

Ảnh chụp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù 2 năm tù giam của cụ Nguyễn Thị Vàng do ban giám thị Trại giam Kênh 5, thuộc Cục quản lý trại giam V26 do bộ công an CSVN cấp khi ra trại ngày 12/6/1997

Không có nhận xét nào: