Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2007

Tình cảm VN trải dài từ sông Visla đến bờ Đại Tây Dương

Phan Văn Song

Tháng sáu 2007, dòng thời gian đã chảy đến ngưỡng cửa Hè nhưng tiết trời vẫn chưa chịu giả từ giá lạnh. Tôi đợi chờ nắng ấm gần như tuyệt đại đa số người Việt Nam bên kia trời mỏi mòn khát khao dân chủ, tự do…

Một buổi sáng không gian ngập tràn nắng ấm, ai nấy reo mừng, tưởng đâu hy vọng thực sự đã về, trong đó có kẻ hèn này, ngờ đâu cái lạnh vô duyên vẫn còn chai lỳ quay trở lại, làm mọi người phải co ro thu mình trong những chiếc áo dầy cộm nặng nề.


Hai ngàn cây số phó hội trời Đông

Đúng tuần lề đầu tháng 6, chúng tôi phải xếp “hành trang quả mướp” lên chiếc minivan ngốn hơn ba trăm cây số đường đến Paris, lại nhà lão hữu Nguyễn Văn Trần, điểm hẹn của anh em, ngày 06/6/2007, để cùng nhau khởi hành phó hội trời Đông. Và đây cũng là dịp để gặp lại những anh chị em cách biệt nhau nhiều năm tháng: Nguyễn Thanh Trang, Lê Minh Nguyên, cũng có bạn quen nhau trên mạng, tâm tình qua giây nói nhưng “văn kỳ thinh chưa kiến kỳ hình” khác nào “Người tình không chân dung” - nói theo Mai Thanh Truyết - để “Kẻ Tương Giang đầu, người Tương Giang vĩ – Tương tư mà bất tương kiến, nên đồng ẩm/… Tương Giang thủy”, điển hình, một Nguyễn Thành Khương, chàng y sĩ hào hoa, võ văn kiêm bị...

Biệt xá của lão hữu Nguyễn Văn Trần tuy xa Paris - khoảng ba mươi ngàn thước - nhưng rộng rãi và “khổ chủ” nổi tiếng đãi sĩ chiêu hiền, độc đáo hơn, người hùng này chỉ có “ba món ăn ruột” dành mời khách mà thôi, giống như lão thiên tuế Trình Giảo Kim ngày trước, “tài ba không qua ba thức búa”. Bí mật nghề nghiệp, không tiện giới thiệu thêm, quý hữu nào muốn biết xin cứ thoải mái tìm đến.

Rồi ngày 6 tháng 6 đến. Mấy con số 6 này với tôi có nhiều kỷ niệm: ngày 6 tháng 6 năm 1961, vừa đậu Tú tài đôi xong, tôi giã từ 10 năm sách đèn ở Đa Lạt về luôn Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông. Ngày 6 tháng 6/1980, tôi cũng giả từ vĩnh viễn Sài Gòn qua Paris tỵ nạn sau 9 năm trở về phục vụ quê hương rồi lãnh món quà 4 năm tù đày của cộng sản.

Sáng tinh sương ngày 6 tháng 6/2007, tôi lái xe đến gare Roissy en Brie rước các bạn từ Mỹ qua - nhờ lão niên trưởng Trần Thanh Hiệp hướng dẫn. Hai bạn ở Mỹ qua, một người quen cũ, Phan Thanh Tâm (Minnesota) và Trương Bổn Tài (San José), nghe tiếng nhưng chưa hề biết mặt. Trên xe hôm nay có cô Ca Dao tháp tùng, và người đồng hành muôn thuở của tôi là Nguyễn Văn Trần. Giờ chót thêm “nhà văn chống đảng” Vũ Thư Hiên quá giang.

Hiện diện đủ, chúng tôi trực chỉ Berlin. Từ những mẩu chuyện hàn huyên, rồi tâm tình, rồi chia xẻ tư duy, mọi người không cảm thấy mỏi mệt dầu đã vượt đường… thiên lý. Tuy rằng đã bao nhiêu năm tháng, anh em vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi suy tư với nhau qua mạng hoặc bằng điện thoại, nhưng mặt đối mặt vẫn hơn, vẫn như có cái gì quyện chặt vào nhau trên quảng đường dài 2.000 cây số...

Ngày 6 tháng 6 quả thật phong trần, đường kẹt xe, phố kẹt cầu, và... mấy lần đi lạc. Với tôi, đường tới nhà anh chị Hoàng Kim Thiên đâu có xa lạ gì, thế mà vẫn đi lạc. Chỉ vì vào sai một cửa ô, nên loay hoay mãi gần 2 giờ sáng mới tới nơi. Nồi phở vẫn còn bốc khói. Anh Thiên không ngủ, chong đèn ngồi vừa chờ tin vừa canh chừng nồi phở. Ăn uống xong là đồng hồ điểm 4 giờ sáng. Tôi nằm xuống là ngủ ngay. Tôi được cái tánh vô tư trời cho, đặt mình xuống... là ngáy. Việc gì cũng mặc, gác lại chờ sáng mai.

8 giờ sáng thức dậy, tắm rửa xong trước mọi người. Vốn háu ăn phở, tôi xin hai bát lót dạ, mặc các bạn breakfast kiểu Đức, kiểu tây... trong khi Anh Chị Thiên vồn vã chăm sóc từng người.

Anh Chị Hoàng Kim Thiên lúc nào cũng chu đáo với bạn. Chị Thiên hôm ấy vì thức trắng đêm, nên ngày sau phải nghỉ làm việc, dầu mệt, Chị vẫn cẩn thận gói cho mỗi người chúng tôi một phần bánh mì chả lụa.

Trưa hôm ấy, chúng tôi dừng lại cạnh một cánh rừng Ba lan để ăn trưa vừa nghe chim hót.

Nhiều khi hồi tưởng, thấy mình lúc nào cũng làm khổ bạn. Thầy chùa ăn của bá tánh nên phải tụng kinh trả nợ. Còn mình ăn nhờ của bạn, chẳng biết mục đích việc mình làm đây nhằm gởi cho một nơi cách hơn 10.000 km, có thu hái được chút kết quả nào không ?

Giờ đây mình chỉ biết lòng dặn lòng ghi khắc và nâng niu tình bạn đã trao gởi về mình!

Ôi, tình cảm Việt Nam muôn thuở vẫn thiêng liêng!

Tình cảm này xoáy sâu thêm vào chúng tôi ngay từ những giờ phút chuẩn bị khởi hành. Lão đại niên trưởng Trần Thanh Hiệp đã thức giấc, cặm cụi từ 4 giờ sáng, nấu xôi lạp xường cho anh em có cái ăn dọc đường.

Nguyễn Văn Trần và tôi, bắt chước tây, cứ bánh mì sandwiches jambon với beurre.

Đoàn chúng tôi vượt con sông lịch sử Oder vào lúc trưa. Con sông Oder chia đôi chủng tộc: bên này sông là dân Germain, bên bờ kia bắt đầu thuộc chủng tộc Slaves. Vượt biên giới vào khoảng một giờ trưa. Lần đầu tiên tại Âu châu, chúng tôi phải dừng lại để đưa passport. Từ ngày hôm qua, khởi hành ở Pháp, qua biên giới Bỉ, Lục Xâm Bảo (Luksembourg), Đức, không bị ai xét hỏi giấy tờ. Nay vào địa phận Ba lan bắt buộc phải xuất trình giấy tùy thân. Một chuyện lạ!

Ủa! Sao chúng ta lại bực mình vì anh Ba Lan xét giấy?

Bà con trong xe lao xao bàn tán rồi hỏi nhau: Có gì rắc rối không? Ba Lan gia nhập EU mới từ tháng 4/2005, chưa nằm trong khối Schengen, phải đến năm sau, 2008, mới xoá bỏ thủ tục này. Nhưng thủ tục cũng nhanh. Qua khỏi biên giới, xe chỉ chạy được một khoảng ngắn xa lộ còn mới toanh, phần đường còn lại rất ư là xấu. Cộng sản đã vắng bóng 18 năm mà Ba Lan vẫn chưa vứt nổi gánh nặng "xã hội chủ nghĩa".

Đường xấu vậy mà dân Ba lan lái xe rất nhanh và... thật ẩu.

Warszawa (Warsaw) đây rồi. Trước mắt chúng tôi là bờ sông Wisla, tức con sông Vistule của những bài giáo khoa sử ký thế giới của thuở thiếu thời.

Hoàng hôn về trên đất cũ của nhà văn Vũ Thư Hiên, nơi đây, anh đã sống ba năm của những ngày đầu cuộc đời tỵ nạn.

Chẳng mấy chốc, sau vài cú điện thoại, anh em báo "Đàn Chim Việt" hẹn với chúng tôi tại quán ăn "U Swejka" ở Quảng trường Hiến Pháp, ngay giữa trung tâm thành phố. Đây là một nhà hàng với những món dưa cải và súc xích, thịt, dồi heo nướng kiểu Czech-Ba Lan, mang tên Swejk, nhân vật bất tử, một tay lính ngây ngô nhưng rất dễ thương do nhà văn người Czech Jaroslav Hucek tạo ra. Vừa chuyện trò, giới thiệu nhau, chúng tôi cùng nốc bia tươi với cái vại... 1 lit.

Nhập gia phải tuân thủ mệnh lệnh của chủ nhà, Văn Song tôi đành xung phong, hy sinh làm "nghĩa vụ quốc tế", cụng ly với nhà báo Lê Diễn Đức (Lưu Vũ), nâng "nhẹ" cái choppe bia đầy một lít. Anh em khác không quen nếp... ẩm thực kiểu giang hồ, nên chỉ lịch sự uống với ly con cỡ 0,25 lít.

Ăn uống xong đã 1 giờ khuya. Khách sạn cách trung tâm thủ đô khá xa, 40 cây số. Đến nơi, lấy phòng lại phải đánh thức anh Trần Ngọc Thành, nhờ hướng dẫn.

Khách sạn nằm bên bờ hồ Zegrze, nước xanh biếc như màu mắt giai nhân, sau lưng là một khu rừng rất đẹp, cảnh trí thật nên thơ.

Dân Ba Lan hiếu khách. Người Việt Nam tuy không đông nhưng rất dễ thương. Nhờ tình cảm quê hương gắn bó, nên nhanh chóng người Việt phương Tây hoà nhập dễ dàng với người Việt phương Đông. Thế mới biết, bao nhiêu năm xa cách, Nam Bắc phân tranh, kẻ tự do chủ nghĩa, người cộng sản chuyên chính, chỉ cần một ngày sống trên đất dân chủ là hiểu nhau ngay. Khi dân chủ đến, không một ai cưỡng được. Nông dân miệt Cà mau, Năm Căn, Cái sắn, qua Mỹ qua Tây gặp dễ dàng nông dân Cao bằng, Cầm phá, hay Hà nam Ninh...

Ôi Việt Nam! Tinh thần dân chủ, quê hương đã tự nối kết những người dân Việt Nam bình thường và tiến bộ lại với nhau vô cùng thân ái, không cần ai phải hoà hợp hoà giải cả.

Nhớ ngày nào ngỡ ngàng ở Sài Gòn với các anh công an áo vàng giọng Thanh -Nghệ nặng trịch quát đuổi dân chợ trời...

Ở Ba Lan, tôi đã gặp những người 20 năm tuổi đảng, hỏi chúng tôi, phải làm cái gì cụ thể hơn, để sớm đưa Việt Nam thật sự đi vào Tự do, Dân chủ và nhanh chóng thực hiện Nhân quyền?

Những người Việt ở Ba Lan, những thành viên của cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản, ra đi sau chúng ta, những người tỵ nạn thuở ban đầu, họ không có cái quá khứ tự do của miền Nam, nay đã biết thế nào là dân chủ, thế nào là đối lập. Nhưng họ hơn chúng ta, họ có cái quá khứ khôn ngoan chịu đựng sức ép dai dẳng của chế độ cộng sản miền Bắc. Các anh em người Việt Đông Âu sẽ chỉ cho chúng ta, những người Việt Tây Âu, Mỹ châu, những kinh nghiệm quí báu về cách sống nhẫn nại, kiên gan chịu đựng trong chế độ độc tài.

Làm sao phối hợp được cái đấu tranh tự do của Tây phương, với ngôn luận tự do, báo chí tự do, mạng lưới tung hoành, xuống đường thoải mái với cách đấu tranh chừng mực, coi vậy mà không phải vậy, có có không không... Các bạn Solidarnosc (Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan) - anh bạn Miroslaw Chojecki chỉ cho chúng ta cách chiến đấu của Solidarnorsc, đòi nhân quyền, đòi dân chủ qua phương cách đấu tranh của công nhân. Phải, chỉ có công nhân ngày nay mới có những điều kiện tốt để đấu tranh. Công nhân Việt Nam, trong công thức một Việt Nam hội nhập WTO, với các nhà tư bản ngoại quốc đang háo hức vào Việt Nam để bóc lột sức lao động rẻ tiền. Nếu Việt Nam ngày nay là một thị trường, thì tư bản phải biết tạo thị trường, tức là tạo mãi lực. Mà tạo mãi lực thì trước tiên phải đem việc làm vào Việt Nam bóc lột sức lao động (50 US $ một tháng - đồng lương chết đói) để tạo những món hàng rẻ mà lợi nhuận cao. Tạo mãi lực để bán hàng tiêu dùng công nghệ mũi nhọn – thí dụ điện thoại cầm tay. Ngõ nào cũng lợi!

Việt Nam ngày nay đang đi vào con đường nô lệ của thuộc địa mới, thuộc địa tiêu dùng, của đế quốc mới, đế quốc các xí nghiệp đa quốc gia. Công nhân rẻ tiền Việt Nam làm nô lệ nghề nghiệp cho công nghệ gia công tháo ráp; nô lệ tiêu thụ cho công nghệ mũi nhọn; nô lệ tình dục cho công nghệ giải trí và du lịch cho người nước ngoài; nô lệ văn hóa cho công nghệ giải trí và ru ngủ nhân dân Việt Nam an phận phục vụ hoàn cầu. Nô lệ và làm nghèo đất nước cùng quả địa cầu, vì ở Việt Nam hiện nay đang xử dụng những chất hoá học dơ bẩn để lưu trữ hoặc biến chế thành sản phẩm cho nông nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, công nhân phải là mũi nhọn của đấu tranh. Vì vậy, hải ngoại chúng ta phải tiếp sức, hà hơi, theo dõi, hỗ trợ, để công nhân Việt Nam ý thức được họ đang bị bóc lột tàn nhẫn. Nhóm cộng sản Ba Đình đã thấy, nên những ngày gần đây trí thức đấu tranh dân chủ mới bị kềm chế và các lãnh đạo công nhân mới bị đàn áp thô bạo.

Sau chuyến đi trong bão táp, ông Nguyễn Minh Triết trở về Việt Nam hồ hởi tự khen tài “ca bài con cá ”, nhờ đó mới mang về được... các lời hứa: sẽ có 11 tỷ tiền đầu tư. Nhưng Có ai hỏi Ông Nguyễn Minh Triết, người đứng đầu tất cả công nhân Việt Nam, đại diện của công nhân Việt Nam, có biết khi ngoại quốc vào, các công ty sẽ ký hợp đồng với Việt Nam vể vấn đề lương bổng sẽ trả bao nhiêu, điều kiện thâu thuê người Việt Nam thế nào? Làm bao nhiêu giờ? Có cantine không? Có quỹ Hưu trí không ? Có quỹ Xã hội không? Hay chỉ là thứ lương công nhân rẻ nhứt thế giới và công nhân Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục làm một thứ nô lệ trá hình?

Ba ngày hội thảo, làm việc với nhau, cùng nhau nhất trí, nhưng điều quan trọng là đã nói được tất cả với nhau và thật sự đã hiểu nhau.

Ngày chủ nhật tan hàng, lên xe 14 giờ, có thêm anh chị Đoàn Viết Hoạt tháp tùng thế chỗ của Vũ Thư Hiên ở lại.

Chúng tôi lưu luyến vẫy tay chào tạm biệt sông Wisla, chào Warszawa ngập tràn nắng ấm, một khung trời phía Đông ấm dịu hơn không gian giá lạnh Paris. Chúng tôi thân chào dân Ba Lan dễ mến, thân chào các kiều nữ tóc vàng dịu hiền, khả ái. Chúng tôi thân chào chị Mạc Việt Hồng, thân chào cô Tôn Vân Anh, thân chào anh Trần Ngọc Thành, thân chào anh Nghệ và thân chào phái đoàn Tiệp.

Về tới Berlin, vì trời tối, lay hoay lạng quạng, chúng tôi lại lạc đường.

Chuyến đi này, chúng tôi nói đùa với nhau rằng phái đoàn chúng tôi cứ y như Đảng Cộng sản ưu việt Ba đình, lay hoay, lạng quạng rồi lạc lối, lạc lối xong lại dò dẫm tìm đường. Mỗi lần tìm ra đường là một lần thắng lợi! Và phái đoàn chúng tôi cứ từ thắng lợi này đến thắng lợi khác... thét rồi cũng về đến Paris. Bởi quá nhiều thắng lợi nên không người ôm “vô lăng” thay thế, Phan Văn Song cứ phải lái từ sông Wisla về đến sông Seine, vượt quảng đường dài ngót 2.000 cây số.

Về đến Paris vào buổi chiều. Anh em chúng tôi lại nhà đại lão Niên trưởng Trần Thanh Hiệp, để Đại ca ủy lạo bao tử, chứ dọc đường cứ quán tây, bánh mì, cà phê nó làm xót xa gan ruột.


Mang chuông đi đánh xứ Cực Tây

Cực Tây nước Pháp có Vùng Bretagne, thủ phủ là thành phố Rennes, một địa danh có nhiều liên hệ lịch sử với Việt Nam. Những viên Tổng đốc cai trị Việt Nam lúc xưa toàn thuộc binh chủng Hải quân. Bộ Hải quân đặt ở Rennes. Các trường Trung học thuộc địa Pháp đều quan hệ trực tiếp với Đại học Rennes.

Rennes cũng là nơi có nhiều tổ chức từ thiện, nhiều hội đoàn thiện nguyện, những cơ sở này thường gởi con em hoặc nhân viên đi làm công tác từ thiện xã hội ở Việt Nam. Do đó, họ có khá nhiều thắc mắc sau khi trở về từ Việt Nam, họ tìm đến và nêu những câu hỏi với anh em Việt Nam tỵ nạn cộng sản định cư ở vùng này. Vì nhu cầu thông tin chính xác và cũng để phổ biến rộng rãi, các chiến hữu ở Rennes thường liên lạc và chia xẻ với chúng tôi.

Hôm tháng 3/2007, phái đoàn Nguyễn Đình Bin, đại sứ của Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa nhờ một hội đoàn thiện nguyện có cảm tình địa phương, tổ chức một buổi nói chuyện giới thiệu về đất nước Việt Nam, nhưng sự thật, dụng ý của cộng sản Ba Đình là tuyên truyền “ca bài con cá” để xin thêm cảm tình và kết nạp cảm tình viên. Anh em cộng đồng Việt Nam biết được, báo động với lão hữu Nguyễn Văn Trần. Chỉ trong vòng hai ngày, Nguyễn văn Trần và Võ Nhơn Trí có mặt ở Rennes, và những câu hỏi của Võ Nhơn Trí với Nguyễn Văn Trần đã làm Nguyễn Đình Bin ấp úng, cứng thêm lưỡi gỗ và Ban tổ chức phải một phen rối loạn.

Các nhà báo có mặt hôm ấy đi từ ngạc nhiên đến tò mò, họ vốn biết ở Việt Nam có những cuộc bắt bớ người đấu tranh dân chủ, nhưng các Hội đoàn của người Pháp ở Bretagne vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Họ tìm hiểu ở anh em người Việt tỵ nạn cộng sản ở Bretagne. Và rồi, với ba tờ báo, đặc biệt tờ Ouest- France, tổ chức một buổi hội luận, tất cả các hội đoàn thiện nguyện Pháp đều được mời, kể cả những hội có cảm tình với Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Thế là bốn anh em chúng tôi trực chỉ lên đường phó hội.

Buổi Hội luận được tổ chức ở Langueux, gần Saint Brieuc trong tỉnh Côtes d’Armor, cách Rennes 100 cây số.

Để tỏ lòng tri ân sâu xa tất cả các tổ chức thiện nguyện đã từ bao năm đến với Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam, cũng như dân Pháp đã ngày nào đã hào hiệp cứu vớt các thuyền nhân Việt Nam chơi vơi trên biển Đông về cưu mang. Khúc phim Vớt thuyền Nhơn trên Biển Đông được chiếu khai mạc chương trình đồng thời giới thiệu với thính giả về chúng tôi, là những thuyền nhân tỵ nạn của năm nào, đã tạo một không khí cảm động. Sau đoạn phim ngắn đó là bức hình Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước toà, đã làm xao xuyến nhiều người Pháp hiện diện.

Nhà báo Bùi Tín, cựu phó Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, nay là nhà báo tự do, chánh thức ly khai với chế độ cộng sản Ba Đình, phát tiếng súng đầu tiên với một bài 30 phút, ông tóm tắt tình hình chính trị, kinh tế và đặc biệt tệ nạn xã hội cùng tình trạng thiếu nhân quyèn, phi dân chủ của Việt Nam ngày nay. Xong, sang phần hai, mời tất cả mọi người đặt câu hỏi. Lần lượt Võ Nhân Trí bước qua lãnh vực kinh tế, Nguyễn Văn Trần mạch lạc phần giáo dục và Phan Văn Song giải đáp tất cả những thắc mắc.

Các diễn giả nói nhiều đến điều kiện đời sống, điều kiện làm việc, nhấn mạnh về trách nhiệm của nhà cầm quyền. Trong một nước thiếu dân chủ, không tự do, và đặc biệt, tự do báo chí bị bóp nghẹt, thì làm sao thế giới bên ngoài biết được thực trạng phát triển của xã hội Việt Nam.

Chúng tôi nói rõ về vấn đề giúp đỡ nhân đạo cho Việt Nam là một việc cần thiết, nhưng sự giúp đỡ phải cẩn thận, cần phải có điều kiện khi đến với các cơ quan mọi cấp Nhà nước cộng sản, để vật chất giúp đỡ phải được thực sự đến tay người dân nghèo.

Sau buổi họp, nhiều nhà thiện nguyện tự hỏi rằng họ có bị lường gạt không? Chúng tôi đưa ra khẩu hiệu: “Giúp người Việt Nam, không giúp Việt Nam”. Các bạn người Bretagne tỏ ra hiểu ý của chúng tôi và họ rất hài lòng.

Sau đó, chúng tôi đề nghị hai lá thư: một gởi Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng, một gởi Ngoại Trưởng Pháp, Bernard Kouchner, để yêu cầu can thiệp về vấn đề Nhân Quyền ở Việt Nam, thứ nhất, hãy thả ngay, thả tất cả những người tù chánh trị và lương tâm, đính kèm một bản danh sách 48 tù nhân chánh trị, sau đó, yêu cầu nhà nước Việt Nam nên tiếp xúc và nói chuyện thẳng với các trí thức đối lập để đem lại Tự do, Dân chủ cho Việt Nam.

Kết thúc buổi hội luận là một tiệc trà liên hoan vui vẻ.

Không khí ấm cúng của thính phòng, giọng hát ngọt ngào của nữ ca sĩ Bích Chiêu với bản “Nỗi Lòng”, mà thời niên thiếu của Phan Văn Song từng phen trồng cây si nàng nơi Quán Anh Vũ... với những ly trà đá 20 đồng... đưa Song trở về dĩ vãng. Oh, nostalgie!

Và mưa vẫn tiếp tục rơi...

Ngoài hiên, giọt mưa hè đang thánh thót rơi!

Hai hôm sau, anh chị em trong cộng đồng Việt Nam ở Bretagne thay phiên mời chúng tôi đến từng địa phương họp vui cùng với gia đình.

Ôi tình cảm Việt Nam... cách nhau trung bình 100 cây số, trưa Brest, chiều Quimper, sáng hôm sau Vannes, tối về lại Rennes, để sáng thứ tư tan hàng, kẻ về Hồi Nhơn Sơn, người trở lại Roissy en Brie cùng lão tuớng Bùi Tín.

Hồi Nhơn Sơn, ngày cuối tháng 6 năm 2007

Không có nhận xét nào: