Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2007

Công đức tu hành



Việt Khanh
(Tâm Thức Việt Nam)

Theo tin từ văn phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, thì vào ngày mùng hai tháng 7 năm 2007 vừa qua. Ông Kjell Storløkken Đại sứ Na Uy tại Hà Nội và ông Fredrik Steen, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Na Uy đặc trách Chính trị và Kinh tế đã đến vấn an Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Thanh Minh Thiền viện tại Saigon. Trong cuộc nói chuyện, ông Đại sứ Na Uy đã xin ý kiến của Hòa thượng Thích Quảng Độ, làm sao có thể thống nhất được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thay vì để tình trạng chia đôi như hiện nay. Trả lời, Hòa thượng Thích Quảng Độ cho biết là Phật giáo không bao giờ tự phân đôi. Sự kiện phân đôi Giáo hội luôn luôn đến từ những thế lực chính trị nhằm khống chế Phật giáo, và biến tướng giáo lý từ bi, cứu khổ của Đạo Phật thành công cụ chính trị giai đoạn cho chế độ. Để thống nhất được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đưa ra đề nghị bốn điểm: "Thứ nhất, CHXHCNVN phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; thứ hai, hoàn trả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tất cả các cơ sở chùa viện, văn hóa, giáo dục, từ thiện mà Nhà nước chiếm dụng sau năm 1975. Bước đầu, hoàn trả ngay cho Giáo hội hai cơ sở chính yếu là Việt Nam Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Quảng Đức để Giáo hội có cơ ngơi đặt trụ sở cho Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo; thứ ba, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đảng và Nhà nước thiết lập năm 1981 ra khỏi Mặt trận Tổ Quốc; và thứ tư, làm sáng tỏ cái chết của cố Hòa thượng Thích Thiện Minh năm 1978."

Với 4 điểm như trên, người ta có thể thấy ngay rằng cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận. Bởi vì như thế thì CSVN sẽ phải công nhận sự có mặt của Giáo hội PGVNTN, sẽ không còn xử dụng được Phật Giáo quốc doanh như một công cụ chính trị, đang giúp cho chế độ ru ngủ người dân Việt Nam lãng quên đi những phiền muộn trong cuộc sống hiện tại, và chế độ sẽ không còn có thể đem tượng Hồ Chí Minh vào chùa ngồi ngang hàng với Đức Phật để dân bái lạy như hiện nay.

Cũng nên nhắc lại Hòa Thượng Thích Quảng Độ trong dịp nhận giải nhân quyền Rafto của Na Uy đã phát biểu: “Tôi nghĩ giải nhân quyền này, ban chỉ đạo quỹ tài trợ RAFTO tặng cho tôi đây không phải chỉ tặng riêng cá nhân tôi, mà họ có thể qua tôi dùng làm biểu tượng đại diện cho 80 triệu nhân dân Việt Nam, những người hiện đang bị tước đoạt hết hay chà đạp lên nhân quyền. Sống mà nhân quyền không được tôn trọng là sống trong tủi nhục. Chính vì thế cho nên họ tặng cho giải này để mà nhắc nhở tôi cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam cố gắng vận động như thế nào đòi lại cho bằng được quyền con người mà tất cả dân tộc văn minh được hưởng dưới chế độ chính trị của họ.”

Những phát biểu trên lại một lần nữa cho thấy đối với lãnh đạo CSVN Ngài Quảng Độ là một cái gai nhức nhối nhưng không thể nhổ đi bởi vì cái gai đó đang được cả thế giới quan tâm, kính trọng.

Tinh thần đấu tranh kiên quyết vì dân tộc, hòa nhập đạo vào đời của Ngài Quảng Độ là một tinh thần cao quý, đặc thù của Phật giáo Việt nam, phát khởi từ thời Lý, Trần. Mà cao điểm là giòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Người tu hành theo Phật giáo Việt nam đúng nghĩa không chỉ giới hạn trong những nghi thức tụng niệm cầu xin hay thiền định, mà sống theo những nguyên tắc đạo pháp trong cuộc đời hàng ngày. Lối tu hành này là để tìm thân tâm an lạc cho mình, nhưng cũng đồng thời để giúp phần “cứu khổ, cứu nạn” cho người khác, theo tinh thần của hạnh nguyện bổ tát. Chính vì sống với tinh thần bồ tát như vậy cho nên ngài Quảng Độ đã an nhiên tự tại sống mấy chục năm dưới sự trấn áp đủ kiểu của CSVN. Và nay ngài cũng không đổi tâm khi những dàn dựng của các nhà chính trị thời cơ Việt nam hay ngoại quốc được đưa ra để khoả lấp thực trạng.

Nhìn với con mắt thường tình thì cho rằng những tăng sĩ tu hành theo Phật giáo Việt nam và hành xử như ngài Thích Quảng Độ là những nhà đấu tranh kiên định. Nhưng nếu hiểu rõ được thế nào là Phật giáo Việt nam thì chỉ có thể nói rằng các vị là những bậc chân tu, sống đạo và hành đạo ngay trong cuộc đời. Và vì thế không bị xoay chuyển trước những cám dỗ của hào quang thế tục, vì được vinh danh hay được trọng vọng.

Việt Khanh
July 6, 2007

Không có nhận xét nào: