Sau sự sụp đổ của chính quyền Sàigòn tháng 4 năm 1975, hơn nửa triệu người Việt nam đã bỏ nước ra đi tìm tự do tại nhiều quốc gia trên thế giới, bởi sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt nam, chính quyền cộng sản Hà nội đã áp đặt một chính sách cai trị vô cùng hà khắc và chuyên chế lên toàn dân Việt nam, đặc biệt cộng sản đã tập trung sự đàn áp hết sức tàn bạo đối với những gia đình của các cựu viên chức của chính quyền Sàigòn cũng như các sỹ quan và hạ sỹ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Bản thân họ bị tập trung cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, gia đình bị đưa đến sinh sống tại những vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc. Cuối năm 1989, dưới sự bảo trợ của Cao Uỷ Liên Hợp Quốc Đặc Trách Về Người Tỵ Nạn (UNHCR) 74 quốc gia đã ký kết một chương trình hành động toàn diện (Comprehensive Plan Action) không mặc nhận thuyền nhân là người tỵ nạn chính trị nữa mà họ buộc phải trải qua một thủ tục phỏng vấn, thanh lọc, để xem họ có đủ tiêu chuẩn được hưởng quy chế tỵ nạn theo công ước 1951 về người tỵ nạn hay không. Chính chương trình hành động toàn diện này đã làm lắng dịu làn sóng thuyền nhân Việt nam đi tìm tự do.
Cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, trước sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu, chính quyền cộng sản Hà nội lại tăng cường đàn áp các phong trào dân chủ trong nước, nhiều nhà bất đồng chính kiến, nhiều nhà hoạt động tôn giáo bị bắt bớ giam cầm, tra tấn hết sức dã man, một làn sóng tỵ nạn mới lại xuất hiện tại Việt nam, cùng với hàng ngàn người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên phải đào thoát sang Cambodia để tránh sự bức hại của chính quyền Cộng sản Hà nội, cũng đã có gần 100 người Việt thuộc sắc tộc kinh là những nhà hoàt động dân chủ, hoạt động tôn giáo, những sinh viên, giảng viên cũng phải đào thoát sang xứ Chùa Tháp lánh nạn bởi không chịu nổi sự bức hại của chính quyền cộng sản Hà Nội đối với bản thân họ và gia đình. Khác với những người Việt thuộc các sắc tộc thiểu số, khi đến lãnh thổ Cambodia, họ được UNHCR đến tiếp đón, đưa vào tạm cư tại các trại tỵ nạn tại Phnom Penh, được chăm sóc y tế, được bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt nên chưa có trường hợp rủi ro nào xảy ra với người Thượng cả.
Trong khi đó, những người Kinh khi đào thoát đến được Cambodia, phải tìm đến trình diện tại văn phòng của Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc, rồi phải trải qua hàng chục cuộc phỏng vấn kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm trời, trước khi nhận được quyết định cuối cùng của cơ quan này cho biết liệu đương sự có hội đủ diều kiện để được cấp quy chế hay không, đây là khoảng thời gian có nhiều rủi ro nhất, bởi hàng chục ngàn mật vụ của cộng sản Việt nam đang hoạt động rất tích cực tại Cambodia, đang ráo riết săn lùng để bắt bớ, đưa họ về Việt nam giam cầm và tra tấn, mà ít nhất đã có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất là Đại Đức Thích Trí Lực, bị mật vụ của cộng sản Việt nam bắt cóc tại đô thị Phnom Penh cuối năm 2001 khi Đại Đức đã được cấp quy chế tỵ nạn và được UNHCR bảo vệ. Trường hợp thứ hai là nhà dân chủ Lê Trí Tuệ, đào thoát đến Cambodia vào ngày 11 tháng 4 năm 2007 và chỉ bốn tuần sau đó, Lê Trí Tuệ đã bị mất tích vào ngày 6 tháng 5 năm 2007 trong khi đang chờ đợi UNHCR xem xét cấp qui chế tỵ nạn.
Ngay cả sau khi được cấp quy chế tỵ nạn rồi, đời sống của những người Việt tại đây cũng không khá gì hơn, bởi lẽ ngoài việc hàng ngày phải đối mặt với sự kỳ thị của người dân bản xứ, thì lực lượng mật vụ của cộng sản Hà nội vẫn thường xuyên săn tìm và truy sát họ. Mọi việc trở nên tệ hại hơn kể từ sau ngày 01 tháng 12 năm 2006 khi UNHCR cắt hết mọi khoản tiền trợ cấp đối với những người Việt tỵ nạn này và khuyến khích họ hội nhập vào cộng đồng người Việt di cư tự do đến đây để cùng sinh sống, khiến nguy cơ họ bị mật vụ của cộng sản Việt nam bắt bớ càng trở nên cao hơn. Trong thực tế, đồng bào Việt nam đã định cư ở Cambodia từ nhiều thế hệ qua vẫn không có tình trạng công dân, không được đăng ký hộ khẩu thường trú, không có giấy tờ tuỳ thân, không được sở hữu đất đai nhà cửa hay bất cứ tài sản gì có giá trị khác, con cái của họ không được khai sinh, họ chết không được khai tử thì làm sao nhóm người tỵ nạn chính trị này lại có thể hội nhập được vào đời sống của họ được. Đó là lý do tại sao phần lớn những người tỵ nạn cộng sản tại Cambodia và con cái của họ đang mưu sinh bằng “nghề” thu lượm rác thải, chai lọ, bao bì nylon và chính công việc xú uế nầy đang tàn phá cả sức khoẻ và tinh thần của họ. Một trong những người tỵ nạn tại đây là mục sư Ngô Đắc Lũy cũng đã trải qua hơn sáu tháng tồn tại bằng “nghề” lượm rác này trên khắp đô thị Phnom Penh trước khi được UNHCR cấp cho quy chế tỵ nạn vào tháng 12 năm 2004.
Từ tháng 10 năm 2006 Mục sư Lũy đâ thành lập được Hội Thánh Tin Lành cho người tỵ nạn. Hội Thánh vừa là nơi để các tín hữu mà phần đa là người tỵ nạn đến nhóm, cầu nguyện và thờ phượng mỗi tuần, vừa là nơi chở che cho những mảnh đời bị rao bán tại Cambodia và cũng là trạm dừng chân và nhận được sự tiếp giúp đầu tiên của các nhà dân chủ, các nhà bất đồng chính kiến tại Việt nam bị đàn áp phải sang lánh nạn tại Cambodia. Tuy nhiên dù nổ lực đến đâu, Hội Thánh và Mục Sư Lũy cũng chỉ có những trợ giúp ban đầu cho những người mới đến một nơi ăn, chốn ở trong những tuần lễ đầu tiên, và cũng chỉ giúp đở được cho những gia đình anh chị em tỵ nạn những lúc trái gió trở trời, vì chính bản thân Mục Sư Lũy hiện cũng không còn nhận được trợ cấp nữa. Tương lai của những người Việt tỵ nạn cộng sản tại Cambodia rồi sẽ đi về đâu, con cái của họ rồi sẽ đi về đâu khi hàng ngày vẫn tiếp tục bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, gò mình trên những đống rác xú uế ở đô thị Phnom Penh ? Hởi những tấm lòng Việt, hởi những người Việt yêu tự do xin hãy góp tay cùng chúng tôi cứu giúp những nạn nhân của chế độ bạo quyền cộng sản đang vô cùng khổ đau, cùng cực và hiểm nguy trên địa ngục trần gian Cambodia này.
Nguyễn Phùng Phong
12/7/07
Ông Nguyễn Phùng Phong (trái), nguyên đại đội trưởng Biệt kích, cựu tù nhân trại tử thần A20 Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Khánh, là một trong 4 người trong Ban đại diện nhóm người Việt tỵ nạn cộng sản tại Cambodia. Bên phải là Mục sư Ngô Ðắc Luỹ. Hình chụp tại một bịnh viện Pnompenh sau khi ông Phong bị mật vụ công an CSVN dàn cảnh tông xe mưu sát ngày Chủ Nhật 10/10/06.
Ông Phong bên giường bệnh bà Vương Thị Viêng, bị thương nặng sau khi bị mật vụ công an CSVN dàn cảnh tông xe ngày Chủ Nhật 10/10/06.
Một buổi cầu nguyện của đồng bào Việt Nam tỵ nạn CS tại Cambodia do Mục sư Luỹ chủ lễ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét