Thứ Năm, 12 tháng 7, 2007

Cố gắng xây dựng một lý thuyết mới để duy trì chế độ

“… Khi muốn chuyển từ tiên phú luận sang cộng đồng phú dư luận, ông Ôn Gia Bảo và ban lãnh đạo thế hệ cách mạng thứ 5 của Trung Quốc đã nghĩ đến tiền đề cải cách chính trị và bỏ chuyên chính một đảng …”

Tổng quát

Sau gần 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 11-12-2001, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tìm một lý thuyết mới để chính thống hóa vai trò lãnh đạo của mình trên toàn xã hội Trung Hoa và đã làm đủ mọi cách để bảo vệ quyền lãnh đạo này. Cố gắng này đã được khích lệ bởi sự tăng trưởng cao và đều về kinh tế, nhờ đó tăng cường sức mạnh quân sự.

Chính qua cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự này mà nhân dân Trung Quốc đã phần nào chấp nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản để có thể tự hào trước thế giới về sự hùng mạnh của quốc gia mình. Từ cuối thập niên 1990 đến nay, kinh phí quốc phòng hàng năm của Trung Quốc không ngừng gia tăng, chủ yếu vào hai lực lượng chính là hải quân và không quân để trong 10 năm tới có thể đối đầu ngang hàng với Hoa Kỳ, ít nhất trên biển Đông và khu vực phía tây Thái Bình Dương (Đông Á).

Trong cuộc Triển lãm IMDEX ASIA 2007 tại Singapore từ ngày 15 đến 18-5-2007 vừa qua, Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã đặt mua thêm 5 tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử SSN MIRV và 30 tàu ngầm loại tấn công khác. Về không quân, ngay trong năm 2007, bộ quốc phòng Trung Quốc đã đặt mua hoặc bắt đầu sản xuất theo bằng sáng chế của Nga từ 10 đến 20 oanh tạc cơ siêu âm Backfire TU-22M có phạm vi hoạt động 4.000 km, v.v.

Nhưng sự hùng mạnh của Trung Quốc không chủ yếu nằm trong lãnh vực quân sự mà là tư tưởng. Theo ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông và đường lối Đặng Tiểu Bình không còn sức thuyết phục nữa, nhất là đối với các thế hệ thứ 5 (sinh từ 1950 đến 1969) và thế hệ thứ 6 (sinh từ 1970 đến 1989), phải tìm cho ra một tư tưởng mới và một cách thức quản trị mới để duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Đài Loan.

Cuối tháng 2-2007, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khai mạc cuộc hội luận về "nhiệm vụ lịch sử của chặng đường đầu tiên của chủ nghĩa xã hội và một số vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của đảng ta". Tiếp đó, ngày 16-3, Hội nghị lần thứ 5 của quốc hội kỳ 10 Trung Quốc đã thông qua dự thảo "luật vật quyền", hay luật về quyền sở hữu tài sản, dự định sẽ ban hành vào ngày 1-10 sắp tới. Đây là hai lý luận mới mà ban lãnh đạo Bắc Kinh muốn Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức vào mùa thu năm nay thông qua, trước khi chính thức được áp dụng vào thực tế.

Luật về quyền sở hữu tài sản

Để đối phó với nạn đầu cơ về nhà đất và chứng khoán, ban lãnh đạo đảng cộng sản vừa ban hành đạo luật về quyền sở hữu để giải nhiệt cơn sốt nhà đất và chứng khoán đang sắp bùng nổ.

Dự luật này đã được ra đời một cách khó khăn. Nó được phôi thai từ năm 1993, nhưng sau nhiều tranh cãi gay gắt về ý thức hệ, "luật này mâu thuẫn với nguyên tắc công hữu của chủ nghĩa xã hội", tất cả đều bị xếp lại. Từ sau ngày đó, sinh hoạt kinh tế của xã hội Trung Quốc đã thay da đổi thịt, không còn liên quan gì đến lý thuyết của chủ nghĩa xã hội nữa. đổi hẳn. Tháng 12-2002, dự luật về quyền sở hữu tài sản này được đưa bàn cãi và mãi tới ngày 16-3-2007, nội dung của nó mới được quốc hội chấp nhận với khá nhiều sửa đổi.

Dự luật này có nhiều mục đích. Trước hết nó nhằm giải quyết các cuộc tranh giành tài sản giữa tư nhân và nhà nước, đang đe dọa xã hội Trung Quốc. Thứ hai là để đối phó với những tranh chấp quyền sở hữu bất động sản giữa các cá nhân, do mức sống được nâng cao. Thứ ba là để ngăn ngừa sự nhũng lạm của các cấp lãnh đạo địa phương trong việc thu dụng đất đai của nông dân và nhà cửa của cư dân đô thị cho nhu cầu riêng. Sau cùng là để hạn chế việc chiếm hữu tài sản nhà nước khi giải tư các xí nghiệp quốc doanh dự định sẽ tiến hành đều đặn từ đây.

Thực tế tại Trung Quốc từ 15 năm trở lại đây, cùng với việc khai thác đất đai và chỉnh trang đô thị trên khắp lãnh thổ, trình trạng những người bị buộc phải rời khỏi nhà đất của mình không được đền bù xứng đáng xảy ra tràn lan, gây thành vấn nạn xã hội lớn. Thêm vào đó, các chính quyền địa phương gia tăng tốc độ khai thác bất động sản một cách mù quáng làm thiệt hại khá nhiều công quỹ làm sinh hoạt kinh tế địa phương không bình thường.

Dưới chế độ cộng sản, mặc dù được ghi trong được ghi trong hiến pháp và dân luật, quyền sở hữu tư nhân vẫn chưa được công nhận. Lần này luật về quyền sở hữu xác định rằng tại Trung Quốc nhà nước, tập đoàn, cá nhân đều có quyền sở hữu tài sản riêng.

Bộ Luật về quyền sở hữu này có năm thiên, 19 chương, 241 điều, có thể tóm tắt lại như sau : chính quyền bảo vệ tài sản của nhà nước, các tập đoàn và tư nhân bằng pháp luật, không một tổ chức hay cá nhân nào có quyền xâm phạm. Trong trường hợp trưng dụng đất đai và nhà cửa vì lợi ích chung, chính quyền phải bồi thường thiệt hại một cách xứng đáng cho người bị truất hữu hay bị thu mua nhà đất. Không ai được quyền chiếm đoạt hay phá hoại tài sản hợp pháp đó.

Nhưng một vấn đề lớn đang đặt ra cho xã hội Trung Quốc là nếu luật này được áp dụng, nghĩa là quyền tư hữu được chấp nhận, giá bất động sản tại Trung Quốc sẽ nổ bùng và đào sâu thêm hố sâu cách biệt giữa nông thôn và thành thị, chênh lệch giàu nghèo càng thêm rõ nét. Nếu không kiểm soát được sự đầu cơ nhà đất, thị trường bất động sản sẽ có nguy cơ phá sản như các thị trường chứng khoán không có kiểm soát. Tuy nhiên, với luật mới này, sinh hoạt kinh tế sẽ phát triển hơn vì người sở hữu nhà đất có quyền thế cầm cố tài sản của mình để vay thêm vốn đầu tư. Tình trạng nhũng làm quyền thế cũng sẽ giảm đi vì sự chuyển nhượng bất động sản sẽ không qua trung gian nhà nước và người bị di dời đi nơi khác sẽ được đền bù xứng đáng theo giá thị trường.

Chính vì muốn phát huy những ưu điểm và hạn chế những khuyết điểm của luật về quyền sở hữu này, chính quyền Trung Quốc đã thả nổi dự luật để đón nhận những ý kiến khác nhau trước khi áp dụng. Nếu không có gì trở ngại, dự luật này "sẽ được quốc hội thông qua" nhân dịp quốc khánh 1-10 sắp tới. Từ đây tới đó những nhà lập pháp Trung Quốc đang suy nghĩ về những thủ tục áp dụng luật nào vào thực tế để tiếp tục lôi kéo đầu tư nước ngoài và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nói chung, với bộ luật về quyền sở hữu này, Trung Quốc đã làm một cố gắng lớn để hội nhập một cách bình thường vào sinh hoạt kinh tế chung của thế giới.

Lý luận mới về chặng đường đầu tiên

Khác với Nga và các nước Đông Âu, cho đến đầu thế kỷ 21 này Trung Quốc đã không phủ nhận chủ nghĩa xã hội mà còn từng bước tu chính ý thức hệ này.

Vào giữa thập niên 1980, dưới sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, một số thành phần cấp tiến trong đảng cộng sản đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về "chặng đường phát triển đầu tiên của chủ nghĩa xã hội". Trong đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản mùa thu 1987, tổng bí thư Triệu Tử Dương (bị thất sủng vào tháng 6-1989 vì lắng nghe ý kiến của sinh viên ở Thiên An Môn và muốn hiện đại hóa chính trị) đã tạo điều kiện để triển khai hệ thống lý luận này. Ôn Gia Bảo, lúc đó đang là bí thư của Triệu Tử Dương, phát biểu rằng nếu biến chủ nghĩa xã hội thành một "lý tưởng" và hợp thức hóa một số yếu tố của chủ nghĩa tư bản, như tự do kinh doanh và quyền tư hữu, chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ có thể kéo dài 100 năm dưới sự lãnh đạo chuyên chính của một đảng.

Lý luận này được đưa ra từ ý thức nguy cơ sau 30 năm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, khả năng sản xuất của Trung Quốc vẫn không gia tăng, khả năng xây dựng một xã hội lý tưởng theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa vẫn chưa thể thực hiện. Dưới sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình, khi bắt đầu đường lối cải cách, mở cửa và thực hiện bốn hiện đại hóa từ 1978, nhiều chỉ dấu tốt đẹp bắt đầu thành hình. Ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nhận thấy rằng muốn gia tăng sản xuất không phải bằng kinh tế kế hoạch mà bằng các yếu tố tư bản chủ nghĩa, nghĩa là chấp nhận kinh tế thị trường, tôn trọng quyền tư hữu, cho phép cá nhân làm giàu và các vùng có điều kiện địa lý thuận lợi phát triển nhanh hơn những nơi khác. Chủ trương này có tên là "tiên phú luận".

Sau gần 30 năm áp dụng, từ 1978 đến nay, kết quả đã vượt ngoài ước muốn của ban lãnh đạo đảng cộng sản. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế gia tăng chưa từng thấy, bộ mặt kinh tế của Trung Quốc cũng thay đổi hẳn. Những nơi nhận đầu tư nước ngoài phát triển vượt trội hơn các nơi khác ; những trung tâm trao đổi chính như Quảng Châu, Thượng Hải, và Bắc Kinh trở thành những đầu cầu phát triển mới.

Ngày 26-2-2007, thủ tướng Ôn Gia Bảo, nhà lý luận chính thống của đường lối cải cách mở cửa, nhắc lại "nhiệm vụ lịch sử của chặng đường đầu tiên để phát triển vững chắc chủ nghĩa xã hội". Ông cho rằng phải giải phóng sức sản xuất, gia tăng không ngừng tài sản vật chất của chủ nghĩa xã hội bằng cách thực hiện từ từ công bình, dân chủ và pháp trị.

Ôn nói : "Khoa học dân chủ, pháp chế, tự do, nhân quyền không phải là thứ đặc hữu riêng của chủ nghĩa tư bản, đó là những giá trị trong quá trình lịch sử dài của loài người đạt được, đó là thành quả của văn minh sáng tạo. Dó đó chế độ xã hội chủ nghĩa và chính trị dân chủ không mâu thuẫn nhau, dân chủ cao độ, pháp chế hoàn bị thực ra là yêu cầu nội tại của chế độ xã hội chủ nghĩa... "Mục tiêu trước mắt của chúng ta là xúc tiến phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi công dân, chống lại hành vi hủ bại, nâng cao uy tín của chính phủ, xúc tiến hòa giải xã hội, mở rộng dân chủ, chỉnh đốn pháp chế, tiếp tục cải cách thể chế chính trị. Làm được như thế chúng ta sẽ đạt được sự thông cảm và tán đồng rộng rãi về con đường mà nhân dân Trung Quốc đã chọn".

Ông chủ trương tiếp tục đường lối cải cách, vừa mở cửa vừa thông qua cải cách chính trị như điều chỉnh khoảng cách thu nhập quốc dân, xem dân chủ và pháp trị là trung tâm cải cách để nhằm đào tạo một xã hội hài hòa mà ông gọi là "cộng đồng phú dư" (cùng giàu với nhau).
Trong tình trạng xã hội Trung Quốc hiện nay, hố ngăn cách giàu nghèo còn rất sâu rộng mà Ôn Gia Bảo gọi là "giai đoạn đầu tiên của chủ nghĩa xã hội" để thực hiện không phải là một xã hội xã hội chủ nghĩa xã hội chín muồi mà là xã hội tư bản chủ nghĩa thành thực như Nhật Bản và các nước Âu Tây đã đạt được.

Khi muốn chuyển từ tiên phú luận sang cộng đồng phú dư luận, ông Ôn Gia Bảo và ban lãnh đạo thế hệ cách mạng thứ 5 của Trung Quốc đã nghĩ đến tiền đề cải cách chính trị và bỏ chuyên chính một đảng dù vẫn chuẩn bị cho đảng cầm quyền có cơ hội nắm quyền lân hơn. Sự khiêm tốn muốn học hỏi "tài sản chung của loài người là dân chủ và pháp chế" của thủ tướng Ôn Gia Bảo là một bước tiến lớn để thuyết phục các đồng chí của ông thoát khỏi chủ nghĩa công nghiệp, chủ nghĩa khoa học giản đơn. Trong kỳ họp đại hội đảng cộng sản lần thứ 7 vào mùa thu năm nay, ông sẽ đề nghị đổi tên đảng cộng sản Trung Quốc thành đảng Xã hội khoa học để cân bằng giữa phát triển và hài hòa xã hội, khai thác và giữ gìn môi trường. Cả vấn đề Đài Loan cũng có thể giải quyết tương đối dễ dàng nếu có một cộng hòa liên bang Trung Hoa dân chủ, pháp trị và đa nguyên.

Nguyễn Minh (Tokyo)

Không có nhận xét nào: