Thứ Năm, 12 tháng 7, 2007

Quê Hương Tôi, Một Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa

Sự phát triển của trí tuệ loài người đã đưa dần tới kinh tế thị trường toàn cầu, đã soi sáng những sự kiện lịch sử, đã đưa chúng ta thoát dần ra khỏi những u mê về lòng ái quốc, về sự sùng tín cá nhân, về sự thần thánh hoá kẻ cầm quyền, về những khuôn vàng thước ngọc lỗi thời, về quê hương v.v...

Quê hương cũng lớn lên theo kiến thức loài người, từ xóm làng trong lũy tre xanh, quê hương bao trùm sông núi, rồi quê hương trải dài ra lục địa, ra cả quả địa cầu.

Nhưng với đa số loài người hiện tại thì quê hương vẫn là còn bé nhỏ, trong đó người ta thường có chung một nền văn hoá, một tổ chức xã hội với những luật lệ chung cho tất cả mọi người. Với tầm nhìn đó thì quê tôi hiện tại là Québec, ở trong nước Canada; và tôi là người Québec gốc Việt Nam.

Tôi được sinh ra giữa chiến tranh thế giới thứ hai ở miền Bắc Việt Nam, lớn lên ở miền Nam. Cũng với quan điểm nói trên thì quê thứ nhất của tôi là một làng ở miền bắc nước Việt Nam, tôi có cảm giác quê hương này xa dần theo thời gian, kỷ niệm cũng chẳng có bao nhiêu vì khi ra đi mới có tám tuổi. Quê thứ hai là Sàigòn với ít nhiều dấu vết của đế quốc Pháp, với ít nhiều ảnh hưởng văn hoá phương tây. Quê thứ ba là Sàigòn sau 1975, với giai cấp thống trị khác, với nền văn hoá khác, luật lệ khác, quan hệ giữa người với người khác. Quê thứ tư là Québec, Canada với đa văn hoá, đa ngôn ngữ, nhiều chủng tộc.

Mấy chục năm trước, Québec còn nghèo nàn và lạc hậu lắm, đàn bà không có quyền bầu phiếu, còn có nhiệm vụ đẻ cả chục đứa con. Trải qua một cuộc cách mạng hoà bình, không đổ máu, không có cả nước mắt, Québec bây giờ đã có một hệ thống xã hội tiên tiến, cuộc sống của từng người dân được bảo đảm, công chức thực sự là người làm công cho nhân dân (không có nạn tham nhũng, không cần khoác áo đạo đức giả như "đầy tớ của nhân dân") chính quyền được nhân dân trực tiếp bầu lại bốn năm một lần để giữ vai trò làm trung gian cho sự cạnh tranh của kinh tế thị trường. Theo thiển ý của tôi thì xã hội ở đây cũng giống như một thiên đàng xã hội chủ nghĩa vì những lý do sau đây:

- quyền lợi của dân nghèo đã vượt xa tất cả những đòi hỏi của bản tuyên ngôn cộng sản quốc tế năm 1848.

- chính quyền ở đây là một chính quyền tiêu vong, kẻ cầm quyền không được đứng trên luật pháp, mà trái lại, luôn luôn dưới sự kiểm soát của nhân dân, của pháp luật; chính quyền ở đây bị dân kiện cáo thường xuyên, và phải bồi thường nếu làm không đúng luật lệ; báo chí bêu xấu Thủ Tướng thường xuyên; gọi bằng tên họ, chẳng hạn như Chrétien chứ không phải ngài Chrétien.

- ai ai cũng say sưa làm việc, làm hết năng lực, ăn mặc và ở theo nhu cầu,không cần phải nhân danh xã hội hay đảng phái mà chỉ để cải thiện đời sống của cá nhân mình, của gia đình mình; chưa bao giờ người ta thấy những khẩu hiệu thi đua lao động, không có ai là anh hùng lao động. Những người già yếu bệnh tật thì được quỹ an ninh xã hội lo cho đầy đủ, được cấp nhà ở theo nhu cầu. Người đi làm lương thấp thì không những được miễn thuế, lại còn được trợ cấp thêm.

- đại đa số dân chúng đều tôn trọng luật pháp, sẵn sàng bảo vệ công bằng xã hội, tham gia công tác từ thiện, bác ái v.v...

Chính quyền ở đây gồm ba cấp: chính quyền liên bang (Canada), chính quyền tỉnh bang (Québec) và chính quyền thị trấn. Mọi cấp chính quyền đều do dân bầu ra, Thủ Tướng Canada không có quyền hành gì đối với Thủ Tướng của Québec hoặc Thị Trưởng một thị trấn. Mỗi cấp chính quyền lại có ngân sách hoàn toàn độc lập do các thứ thuế khác nhau, chẳng hạn như ngân sách của mỗi thị trấn là do thuế nhà cửa trong thị trấn ấy. Chính quyền mỗi cấp chẳng qua chỉ là những người đại diện của nhân dân được bầu ra, trong mỗi nhiệm kỳ bốn năm, để quản lý ngân sách ấy để làm tròn nhiệm vụ do những người đóng thuế giao phó, chứ không phải là để cai trị người đóng thuế!!

Trước đây, Québec cũng là thuộc địa của nước Ðế Quốc Anh. Trong mấy chục năm trời, người dân ở đây từ tình trạng nghèo nàn lạc hậu tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa một cách hoà bình hạnh phúc, không phải trải qua đấu tranh giai cấp bạo động, không phải trải qua căm thù giai cấp, không phải trải qua một hình thức chuyên chính nào.

Lịch sử cận đại của Québec làm cho mọi người ngạc nhiên về cuộc cách mạng bất bạo động; người dân ở đây tự hỏi tại sao ở nhiều nơi trên trái đất con người lại xây dựng xã hội bằng bạo động và căm thù? Hơn nửa thế kỷ trước, Gandhi không cần tới bạo lực mà vẫn giành được độc lập cho Ấn Ðộ khỏi tay đế quốc Anh, không biết tại sao có nơi lại phải nồi da xáo thịt để xây dựng một xã hội mới. Bạo động và căm thù có thể đem lại sức mạnh nhất thời, ngắn hạn, nhưng sẽ đưa đến những tai hại lâu dài. Bạo lực và căm thù có thể hữu hiệu khi chống ngoại xâm, nhưng đồng thời có thể đưa cảdân tộc xuống vực thẳm trong chiến tranh thế giới về ý thức hệ (chẳng hạn như thảm nạn của dân tộc Kămpuchia).

Chúng ta thử tìm hiểu tại sao Québec lại có thể từ nghèo nàn lạc hậu chuyển sang thiên đàng xã hội chủ nghĩa chỉ trong vòng có mấy chục năm.

1) Xã hội chủ nghĩa là gì?

Hiện nay người ta thường hay phân biệt chế độ nước này là dân chủ tư sản pháp trị, chế độ nước kia là phong kiến lạc hậu hay xã hội chủ nghĩa. Theo thiển ý của tôi thì từ khi có xã hội loài người, mọi xã hội đều là theo xã hội chủ nghĩa, chỉ có khác nhau là ở chỗ sản xuất, phân phối sản phẩm, là ở quan hệ giữa người với người, chẳng hạn như quan hệ giữa chủ với nô lệ, giữa vua với quần thần, giữa vợ với chồng v.v...Nói một cách khác chỉ khác nhau ở hình thức của xã hội chủ nghĩa. Ngay đối với chế độ độc tài công khai, vua chúa hay kẻ lãnh đạo cũng luôn luôn phải mang chiêu bài vì dân vì nước (nghĩa là mang chiêu bài xã hội chủ nghĩa) để giảm sức chống đối của nhân dân, hoặc để lừa gạt nhân dân.

Ngược dòng thời gian trở về thời tiền sử, con người đã biết hợp quần để có sức mạnh. Như một quy luật thiên nhiên, con người luôn luôn tìm cách để cải thiện năng suất lao động để có nhiều của cải hơn, để có cuộc sống an toàn hơn, hạnh phúc hơn. Ðể làm việc đó, sự hình thành các bộ lạc (hình thức đầu tiên của chủ nghĩa xã hội), rồi dần dần đến các quốc gia (hình thức cao hơn của chủ nghĩa xã hội) là tất yếu. Nhưng khi xã hội hình thành thì mọi hoạt động của các thành viên phải phối hợp với nhau lao động mới có năng suất, người lãnh đạo xã hội trở thành một nhu cầu căn bản trong giai đoạn đầu của lịch sử xã hội loài người. Vì nhu cầu cải thiện đời sống giống như một quy luật thiên nhiên nên kẻ thống trị phải luôn luôn tìm cách tăng năng suất. Khi trình độ xã hội còn sơ khai (bộ lạc) thì chế độ nô lệ giúp cho người lãnh đạo dễ điều động nhân lực. Về mặt năng suất lao động thì có lợi nhưng quan hệ giữa người với người thì là sự bóc lột thô thiển nhất. Từ sự đàn áp trong nội bộ những bộ lạc đến sự cướp đoạt của bộ lạc này đối với bộ lạc khác, tới sự đô hộ của quốc gia này đối với quốc gia khác... Về hình thức thì sự đàn áp và sự cướp đoạt đều mang tính cách làm tăng nhẩy vọt năng suất lao động, nhưng về nội dung thì đó chỉ là sự tăng giả tạo (ở đây chúng ta không bàn về thiện hay ác), vì sau khi chiếm đoạt được tài sản, con người vẫn cần lao động trên tài sản đó để sản suất, vẫn cần khả năng kỹ thuật, tổ chức để sản xuất.

Sự đàn áp và sự cướp đoạt tạo nên sự đấu tranh gay gắt, sống còn giữa người với người trong suốt quá trình lịch sử, mang tính cách "lý của kẻ mạnh luôn luôn đúng!" hoặc "được làm vua, thua làm giặc!". Vì vậy có người đã than rằng "lịch sử của xã hội loài người chẳng qua chỉ là chuyện của những kẻ lừa bịp và những người bị bịp, kẻ bịp bợm thì thành vua chúa, người bị bịp thì là quần chúng nhân dân!". Ðể tăng cường sức mạnh trong việc đàn áp và cướp đoạt, con người đã tạo ra nhiều hệ thống đạo đức luân lý khác nhau, chẳng hạn như:

- Vua là con trời!

- Trai thì trung hiếu làm đầu!

- Gái thì tiết nghĩa làm câu sửa mình! v.v...

Các hệ thống luân lý đạo đức đó đã từng được dùng làm bình phong để che đậy những hành động dã man, tàn bạo nhất của loài người, một nhà tù vô hình hành hạ các tâm hồn ngây thơ vô tội:

- Ai đem lễ giáo giam em! (trích TTKH)

- Ai đem bạo lực nhấn chìm tài hoa!

Nói như vậy, không phải là phủ nhận hết mọi giá trị đạo đức trong quá khứ của con người. Ðể hiểu rõ hơn về xã hội chủ nghĩa của loài người, về giá trị của đạo đức của con người, chúng ta có thể dựa trên những nhu cầu của con người, những động lực thầm kín thúc đẩy con người tạo ra xã hội chủ nghĩa, để phân tích và xét đoán.

2) Nhu cầu của con người.

Ðể đơn giản hoá vấn đề, chúng ta có thể phân ra ba loại nhu cầu:

- nhu cầu sinh lý, chẳng hạn như ăn no, mặc ấm.

- nhu cầu vật chất, chẳng hạn như ăn ngon, mặc đẹp. Loại nhu cầu này thúc đẩy loài người tiến lên, càng ngày càng xa loài vật, nhưng đồng thời cũng đã tạo ra muôn vàn tội ác.

- nhu cầu tâm lý. Ðây là loại nhu cầu phức tạp nhất, bao gồm cả văn hoá, tôn giáo, đạo đức v.v..., bao gồm cả hỉ nộ, ái ố, tham sân si!

Ba loại nhu cầu này thường có ảnh hưởng hỗ tương, làm cho chúng tathường rơi vào mê hồn trận, thường cần có người khác chỉ đường dẫn lối.

Nhu cầu hiểu rõ những gì xảy ra chung quanh ta (một nhu cầu tâm lý) thúc đẩy con người tìm cách giải thích các hiện tượng khách quan về thiên nhiên và xã hội. Nhu cầu này đã thúc đẩy khoa học tiến lên, nhưng khi nhu cầu vượt quá khả năng của con người thì nhiều khi con người lại thay thế khả năng khoa học bằng phép lạ, bằng thần thánh; chẳng hạn như:

- thần gió, thần mưa,

- thần tài,

- v.v...

Vì nhu cầu vượt quá khả năng, thần thánh thì vô hình, lạy lục mãi không thấy ứng nghiệm, con người tìm cách thần thánh hoá những gì cụ thể như lãnh tụ chẳng hạn. Vì vậy người xưa đã có câu:

"Chim khôn tìm cành mà đậu
Người khôn chọn chúa mà thờ!!"

Ðứng trước khó khăn vô vàn của thiên nhiên và xã hội, tìm được chúa để giao tấm thân bọt bèo cũng giải quyết được những nhu cầu tâm lý thúc bách vậy!! Ðược chúa dẫn đi ăn cướp thì cũng được bữa cơm bữa cháo qua ngày!!

Cho đến ngày nay, ở những nơi kinh tế chưa phát triển, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhu cầu này cũng vẫn còn là nguyên nhân gây nên nạn sùng tín cá nhân!

Nhưng đó là một nhu cầu tâm lý của nhân dân chứ không phải của người lãnh đạo!

Nhiều người lãnh đạo đã lợi dụng nạn sùng tín cá nhân để tạo huyền thoại, thần thánh hoá bản thân mình, chẳng hạn như:

- con trời, thay trời trị nước

- cha già của dân tộc, suốt đời hy sinh vì dân vì nước

- anh hùng dân tộc ((đôi khi là thủ phạm chính trong việc cướp của, giết người của dân tộc khác) v.v...!!!

Ðể tạo trật tự xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân sản suất, xã hội chủ nghĩa nào cũng thường dùng hai phương tiện:

- pháp trị. Khi còn lạc hậu dã man thì pháp trị là treo cổ, chặt tay chặt chân, gông cùm v.v... Khi tiến bộ hơn thì dùng ghế điện, nhà cải huấn v.v...

- đức trị. Sáng kiến để qua mặt pháp trị của con người thì quá nhiều, nên trong nhiều xã hội người ta phải dùng biện pháp đức trị để bổ túc những thiếu sót của pháp trị. Chẳng hạn như việc động viên để đưa dân ra chiến trường, nếu chỉ dùng pháp trị thì không có đủ nhà tù. Ðức trị trong trường hợp này, chẳng hạn như Hitler kích động tinh thần dân tộc của người lính, thông thường có hiệu quả hơn nhiều. Biết bao nhiêu người dân lương thiện đã bị hy sinh, nhiều người lại bị cuồng hoá để từ nạn nhân trở thành kẻ phạm tội trong chiến tranh, giết người vô tội mà lại tưởng mình mang lại hạnh phúc cho dân tộc, cho nhân loại, chẳng hạn như những tên lính Khờ Me đỏ đã tiêu diệt hàng triệu dân Khờ Me.

Muốn tránh những hậu quả của sự thỏa mãn sai lầm nhu cầu tâm lý nói trên, con người có thể thay thế sự thần thánh hoá bằng khoa học. Trình độ trí thức khoa học của đại đa số nhân dân rất cần thiết cho sự thay thế này. Vấn đề xoá bỏ sự sùng tín cá nhân, sự thần thánh hoá cá nhân của một xã hội tỷ lệ thuận với trình độ trí thức khoa học của xã hội đó. Québec là một thí dụ cụ thể. Nhân dân Québec, tuyệt đại đa số là gốc Pháp theo đạo Thiên Chúa giáo. Từ mấy thế kỷ, giáo hội Thiên Chúa giáo luôn luôn có uy quyền rất lớn đối với nhân dân Québec. Ðể phản đối uy quyền, để xoá bỏ sự sùng tín cá nhân, sự thần thánh hoá các sự kiện thiên nhiên, nhân dân Québec đã sử dụng tất cả các danh từ linh thiêng, thần thánh của nhà thờ để chửi thề! và cuộc đấu tranh bất bạo động đã thành công rực rỡ! mọi uy quyền thần thánh trở thành trò cười! Cũng nên nhắc lại rằng trong quá khứ, nhiều bạo quyền đã cấm đoán đạo Thiên Chúa giáo trong xứ sở của họ, nhưng càng cấm đoán thì Thiên Chúa giáo càng mạnh hơn. Phải chăng đấu tranh bất bạo động có sức mạnh gấp ngàn lần súng đạn, tù đầy, giết chóc!!!

Một nhu cầu tâm lý khác quan trọng cho xã hội là nhu cầu an lạc của tâm hồn. Nhu cầu này chỉ được thỏa mãn khi nào con người làm việc thiện. Vì vậy ngày xưa người ta cho rằng: "nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận tập tương viễn" nghĩa là con người sinh ra bản chất là thiện nhưng vì tập thói xấu ở chung quanh nên dần dần trở thành xấu. Nhưng nếu ai cũng tốt cả thì lấy cái xấu ở đâu để bị lây! Thực ra khi những nhu cầu sinh lý quá thúc bách thì làm gì còn nhu cầu tâm lý, làm gì còn cần an lạc của tâm hồn, làm gì còn cái thiện!!!, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Nói một cách khác, người thiện là người có nhu cầu tâm lý ở trạng thái phát triển cao (cũng nên phân biệt cái thiện với cái đạo đức giả, của người phúc ta!). Những hệ thống đạo đức và luân lý trong các xã hội đã xuất hiện vì những nhu cầu này, trên nguyên tắc phải là khuôn vàng thước ngọc để chúng ta noi theo, nhưng trên thực tế thường bị xuyên tạc bởi ảnh hưởng của tình trạng xã hội mỗi thời đại, bởi những nhu cầu sinh lý và vật chất cũng như bởi những quyền lợi của giai cấp thống trị!!, và những người luôn luôn nhân danh những hệ thống đó thường lại là những kẻ đạo đức giả, ngụy biện!!

Vì vậy nhiều hệ thống đạo đức luân lý đã trở thành lỗi thời. Hiện tượng đó đã làm cho nhiều người hoang mang hoảng sợ, mất phương hướng, khủng hoảng tinh thần v.v... Thực ra bất cứ hệ thống đạo đức luân lý nào cũng có hai phần:

- phần đáp ứng được nhu cầu an lạc của tâm hồn: phần này là bản chất văn minh của loài người,

- phần đáp ứng quyền lợi của giai cấp thống trị: phần này là nguồn gốc của tội ác, nguồn gốc của sự tủi hổ của loài người!

Như vậy chối bỏ hoàn toàn các hệ thống đạo đức luân lý là chối bỏ văn minh loài người. Ngược lại, dùng các hệ thống đó để phục vụ cho quyền lợi của mình, của giai cấp mình chẳng qua chỉ là tội ác!

Nói tóm lại, vì hai nhu cầu tâm lý nói trên, trong nhiều xã hội đã xuất hiện sự sùng bái cá nhân cùng với những hệ thống luân lý và đạo đức phục vụ kẻ cầm quyền, và trở thành môi trường thuận tiện cho sự độc tài và những hành vi đạo đức giả phát triển!!

3) Người lãnh đạo và giai cấp thống trị.

Theo dòng lịch sử, xã hội loài người phát triển dần dần từ bộ lạc tới quốc gia. Trong các bộ lạc người ta có tù trưởng, trong các quốc gia thời phong kiến người ta có vua, nắm trọn quyền sinh sát trong tay. Nhưng vì vua không thể điều hành được cả xã hội nên giai cấp thống trị dần dần hình thành với mọi đặc quyền đặc lợi.

Ðể đạt tới một xã hội thanh bình thịnh vượng, mọi hành động của vua và giai cấp thống trị phải nhân danh xã hội, bằng những biện pháp mang tính cách pháp trị và đức trị như đã nói ở phần trên. Cả hai loại biện pháp này luôn luôn thay đổi theo tình trạng phát triển của từng xã hội.

Khi những biện pháp đó phù hợp với tình trạng phát triển của xã hội đương thời thì đất nước thanh bình thịnh vượng. Ngược lại thì loạn lạc, giặc giã, cướp bóc, tệ nạn xã hội khắp nơi. Những biện pháp đó lại do giai cấp thống trị quyết định và thi hành nên số phận của đại đa số nhân dân lại nằm trong tay giai cấp thống trị. Khi tình trạng xã hội suy thoái đến một mức nào đó thì trong quần chúng nhân dân lại xuất hiện những lãnh tụ mới, đứng lên hô hào nhân dân lật đổ bạo quyền. Ðược làm vua, thua làm giặc, lịch sử của nhân loại đã chứng minh điều đó.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người đã dần dần thoát khỏi cảnh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Với ngành truyền thông hiện đại, người ta có thể thăm dò ý kiến nhân dân thường xuyên, để có thể thực hiện ao ước từ mấy ngàn năm trước: "ý dân là ý trời". Nhiều quốc gia trên thế giới đã có thể có một chính quyền tiêu vong, nghĩa là không có người lãnh đạo và giai cấp thống trị nữa, toàn thể nhân dân đóng thuế và bầu ra nhóm người đại diện để quản lý tiền đóng thuế của mình trong vòng bốn năm một lần. Ðể tránh nguy cơ người đại diện trở thành kẻ độc tài, dân Mỹ đã cấm bất kỳ ai làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Nếu nhân dân Mỹ còn mắc bệnh sùng tín cá nhân thì làm sao người ta đưa ra ánh sáng được những vụ bê bối của Bill Clinton!

Nói tóm lại sự phát triển của khoa học kỹ thuật đến một mức độ nào đó có thể giúp cho một xã hội không cần người lãnh đạo cũng như giai cấp thống trị nữa, mà chỉ cần người làm công đóng vai trọng tài cho sự thi đua kinh tế thị trường. Vì không còn giai cấp thống trị nữa nên nhà tù cũng biến chất, không còn là công cụ của chính quyền, mà là tài sản của cả xã hội dùng để bảo đảm an ninh xã hội mà thôi (một bằng chứng cụ thể là để gia tăng năng suất, có nơi người ta đã cho đấu thầu việc quản lý nhà tù).

4) Nền tảng của xã hội: năng suất lao động.

Các tổ chức phức tạp trong xã hội loài người thường làm cho chúng ta quên đi yếu tố căn bản là "năng suất lao động". Ðể đơn giản hoá vấn đề, chúng ta có thể dùng lợi tức bình quân để thay thế "năng suất lao động trung bình" của một xã hội, chẳng hạn như hiện nay lợi tức bình quân của dân một nước phát triển cao có thể gấp trăm lần lợi tức bình quân của dân một nước phát triển thấp.

Theo dòng lịch sử thì loài người tách khỏi loài vật để đi lên nhờ sự phát triển trí tuệ để gia tăng không ngừng năng suất lao động. Mỗi khi năng suất lao động nhẩy vọt là xã hội thay hình đổi dạng. Nói một cách khác: làm gì có cách mạng xã hội nếu không có sự nhẩy vọt của năng suất lao động. Như vậy sự nghiệp cách mạng xã hội là của nhân dân, là của trí tuệ loài người chứ không thể là của bất cứ cá nhân, bất cứ đảng phái nào. Những quan hệ trong gia đình như mối liên hệ giữa cha con, vợ chồng, anh chị em luôn luôn thay đổi theo những thay đổi của năng suất lao động. Theo những tài liệu thống kê thì sự thay đổi của những mối liên hệ đó tại Québec từ năm 1970 tới năm 1990 tương đương với sự thay đổi trong 2000 năm trước. Không có một nhà lãnh đạo nào, không có một đảng phái nào, không có một chính quyền nào có thể làm được việc ấy; mà sự thay đổi ấy, sự cách mạng thực sự ấy chỉ là kết qủa tất yếu của sự gia tăng năng suất lao động. Lịch sử chính của loài người là lịch sử của những tiến bộ về trí tuệ để nâng cao năng suất lao động, chứ không phải chỉ là những chuyện dài "được làm vua, thua làm giặc".

Lịch sử cận đại của Québec là một bằng chứng về mối quan hệ nhân quả của năng suất lao động và các mối liên hệ giữa người với người, kể cả những người cùng sống trong một mái ấm gia đình. Sự bình đẳng giữa người với người, sự liên hệ có tình cảm trong sáng, có tương kính không thể tạo bằng bạo lực, không thể tạo bằng chuyên chính; mà chỉ có thể tạo bằng sự nâng cao năng suất lao động. Khi đời sống con người còn luôn luôn bị đe dọa bởi cái đói, thì những mỹ từ như tự do, hạnh phúc, bình đẳng còn mang nhiều tính chất mỉa mai hoặc lừa gạt!

Nhu cầu cải thiện đời sống thúc đẩy loài người luôn luôn tìm cách để tăng gia năng suất lao động. Ở những thời đại khác nhau, chẳng hạn như thời đại tiền sử, thời đại đồ đá v.v...năng suất lao động hoàn toàn khác nhau và luôn luôn là nguyên nhân chính của sự hiện hữu của mỗi thời đại. Ý niệm xã hội, luân lý, đạo đức cũng thay đổi theo từng thời đại. Như vậy năng suất lao động là bản chất của lịch sử loài người. Mỗi trình độ của năng suất lao động đều cần có những công cụ sản suất, những phương thức tổ chức, những lực lượng sản suất, những liên hệ giữa những người sản suất. Và đồng thời để đảm bảo an ninh xã hội để tăng gia sản suất, con người đã sáng tạo ra những triết lý, những luật lệ, những nền luân lý đạo đức, những chủ nghĩa xã hội, chẳng hạn như nguyên tắc "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là chủ nghĩa xã hội của hai ngàn năm trước. Tất cả những sản phẩm tinh thần đó là phản ảnh của mỗi trình độ của năng suất lao động, lại trở thành khuôn vàng thước ngọc, nghĩa là mang tính cách vĩnh cửu! Vì vậy, những sản phẩm đó dần dần trở thành lỗi thời, và cản trở sự tiến bộ của năng suất lao động, cản trở sự tiến hoá của loài người.

Quyền hành của giai cấp thống trị luôn luôn tỷ lệ nghịch với tự do của người lao động; ngược lại, năng suất lao động lại tỷ lệ thuận với tự do của người lao động. Sự gia tăng năng suất lao động sẽ dần dần mâu thuẫn với chính quyền hiện hữu để thai nghén ra một giai cấp thống trị mới phù hợp với năng suất lao động mới. Và lịch sử tiếp diễn cho đến khi sự biến đổi về lượng của năng suất lao động dẫn đến sự biến đổi về chất của xã hội, nghĩa là xã hội không còn cần giai cấp thống trị để lãnh đạo nữa. Hiện nay, tại những nước có năng suất lao động cao, của cải vật chất dư thừa, con người không còn lo âu về những nhu cầu tối thiểu như ăn no, mặc ấm, thì tất cả đặc quyền của giai cấp thống trị đã được bãi bỏ và chính quyền đang tiêu vong dần để chỉ giữ vai trò trọng tài trong sự cạnh tranh của kinh tế thị trường.

Trong quá khứ, những mơ ước cách mạng xã hội của các lãnh tụ, của các đảng phái chỉ là những phản ảnh của nhu cầu gia tăng năng suất lao động của nhân loại. Cách mạng xã hội thực sự tùy thuộc ở năng suất lao động, tùy thuộc vào việc làm hàng ngày của từng thành viên trong xã hội, chứ không tùy thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ lãnh tụ nào, đảng phái nào. Dĩ nhiên, tập đoàn thống trị nào cũng có thể phá hoại năng suất lao động, nhưng lịch sử nhân loại luôn luôn theo chiều hướng gia tăng năng suất lao động và tập đoàn nào đi ngược dòng lịch sử thì luôn luôn bị đào thải mau hơn.

Quyền hạn là sản phẩm của con người tạo ra để người này phải tuân hành quyết định của người khác. Ngày xưa để đảm bảo giá trị lâu dài của sản phẩm đó, người ta phải tạo ra một hệ thống luân lý đạo đức chẳng hạn như "trai thì trung hiếu làm đầu", "vua là con trời, quan là cha mẹ nhân dân". Hệ thống luân lý đạo đức đó có thể phù hợp với một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, lúc nào con người cũng nơm nớp lo đói. Trong hoàn cảnh đó, không những giai cấp thống trị cần quyền hạn mà ngay cả trong gia đình, người gia trưởng cũng cần quyền hạn!

Nhưng một khi người ta không còn lo nghĩ về vấn đề ăn no, mặc ấm; mà chỉ còn thi đua lao động để ăn ngon mặc đẹp thì xã hội không cần một giai cấp thống trị để cưỡi đầu cưỡi cổ mình nữa, gia đình cũng chẳng cần một gia trưởng, chẳng cần cả lễ giáo lỗi thời để giam cầm bất cứ tâm hồn thơ dại nào!! Những người được ưu đãi trong xã hội có thể xuất thân từ bất cứ thành phần nào với một điều kiện xã hội duy nhất là đáp ứng nhu cầu của xã hội; chẳng hạn như một đứa trẻ con nhà nghèo vì đá banh giỏi kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm.

Québec đã thành công trong cuộc cách mạng xã hội hoà bình, đã xoá bỏ được sự thần thánh hoá các hiện tượng thiên nhiên, đã xoá bỏ được sự sùng tín cá nhân, đã xoá bỏ được giai cấp thống trị, đã thực sự đạt được sự bình đẳng giữa người với người, không những ngoài xã hội mà cả trong những gia đình (cha mẹ dậy con bằng roi vọt có thể bị nhốt tù!). Năng suất lao động trung bình ở Québec đã nhẩy vọt, nhờ tài nguyên thiên nhiên, nhờ đầu tư của nước ngoài, nhờ sự lao động của nhân dân, nhờ thành quả của sự phát triển vượt bực của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhờ không có căm thù và bạo động!!! Québec trở thành thiên đường xã hội chủ nghĩa vì sự nhẩy vọt của năng suất lao động, chứ không phải vì những hệ thống chính trị, luân lý, đạo đức, không phải vì những đảng phái cách mạng v.v...

Sung sướng thay những người dân Québec, không cần có giai cấp thống trị để cưỡi đầu cưỡi cổ mình, không cần những lý tưởng vì dân vì nước, không cần những hệ thống luân lý đạo đức lỗi thời, không cần cả người gia trưởng nghiêm khắc trong mỗi gia đình nữa!! Ðó là quan điểm của tác giả, nhưng cũng có người lại nghĩ rằng:

Thiên đường lạnh lắm anh ơi
Nên em chỉ muốn làm người trần gian
Ðể còn trở lại Việt Nam
Khoe làng khoe xóm, giầu sang xứ người!

Phó Thường Dân

Không có nhận xét nào: