(Ghi chú: Bài viết dưới đây là cái nhìn tổng hợp về cuộc chiến Quốc Cộng, từ bài viết của một nhà sử học Hànội trước 1975, bài Tổng luận sách Chung một bóng cờ của một đảng viên CS cao cấp MTGPMN, và một người nghiên cứu VNCH. Tài liệu xúc tích giúp đồng bào trong và ngoài nước nhận định về mối bang giao CSVN và Hoa Kỳ hiện nay. Xin đọc thêm bài viết "Chiến tranh Việt Nam - ván bài đã lật ngửa" và "Từ chống Mỹ cứu nước đến chống nước cứu Mỹ - Con đường chuyển hóa đất nước từ chuyên chính sang dân chủ )
Ông Trần Bạch Đằng qua đời ngày 16/4/2007. Ông là nhân vật lịch sử lão thành, công tội của ông, xin để lịch sử phán xét. Tuy nhiên, nghĩa tử là nghĩa tận, dù không đứng cùng chiến tuyến với ông, tôi xin viết đôi dòng để tưởng niệm một đứa con vừa trở về lòng đất mẹ, về những cống hiến của ông đối với dân tộc. Với tôi, những ai góp phần chấm dứt chiến tranh, giành độc lập thống nhất đất nước và đấu tranh vì dân chủ tự do cho đồng bào đều đáng được ngưỡng mộ.
Ông TBĐ vừa nằm xuống, hôm sau cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt có dành cho phóng viên Xuân Hồng đài BBC một phỏng vấn đặc biệt về ngày 30/4 với chủ đề kêu gọi hòa giải dân tộc. Xuân Hồng cho biết, trong cuộc nói chuyện, ông VVK có nói đến các nhân vật như ông Nguyễn Hộ và ông Trần Bạch Đằng. Rất tiếc, không hiểu vì lý do gì, không thấy đài BBC phát thanh phần này.
Hầu như ai cũng biết Nguyễn Hộ, con người khí tiết: suốt cuộc đời gần 60 năm đứng dưới ngọn cờ cộng sản, đấu tranh cho dân tộc. Khi công thành danh toại, những người CS hưởng biết bao đặc quyền đặc lợi…Nhưng khi thấy được Đảng CS không mang lại ấm no hạnh phúc, dân chủ tự do cho nhân dân, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, Nguyễn Hộ từ bỏ đảng khước từ phú quý, trở về vùng quê Phú Giáo, với bộ y phục quần xà lỏn đen, áo tay ngắn bạc màu.
Còn Trần Bạch Đằng, ít ai biết đến, ngoại trừ một số trí thức, tư sản, thanh niên sinh viên học sinh Sàigòn hồi trước thập niên 1960. Ông là đảng viên CS cao cấp bị lên án có tư tưởng hữu khuynh, đã bị thất sủng từ trước 1975. Có lẽ ông Kiệt đã yêu cầu đài BBC ngưng phát thanh những lời của ông về TBĐ. Phải chờ khi đậy nắp quan tài, mồ yên mả đẹp, rồi thử xem người đời luận định như thế nào về người đã chết? Khi đó, ông V.V. Kiệt mới nói rõ và nhiều hơn về TBĐ, mà cá nhân tôi cho là một người có khả năng thiên phú, biết chớp thời cơ và tạo ra thời thế thuận lợi để thực hiện hoài bảo của mình (và cũng của dân tộc)
Người dân Sàigòn, khoảng giữa những năm 1980, mới biết nhiều đến TBĐ nhờ quyển tiểu thuyết hấp dẫn của ông “Ván bài lật ngửa”. Tôi đã mượn tựa đề này để viết bài “Chiến tranh Việt Nam: Ván bài đã lật ngửa” và “Từ chống Mỹ cứu nước đến chống nước cứu Mỹ - Con đường chuyển hóa đất nước từ Chuyên chính đến Dân chủ”. Sau đó, trên Cánh Én Online có bài viết của ông Lê Tùng Minh “Trần Bạch Đằng người Cộng sản đa tài, nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời”. Tác giả bài viết có đề cập đến cá nhân tôi: “Đầu tháng 5-2007, trên mạng lưới internet “Tin Paris” có xuất hiện bài “Chiến tranh Việt Nam - Ván bài đã lật ngửa” của ông/bà Lê Quế Lâm (?) mà nội dung chính là viết về Trần Bạch Đằng, nhưng trong đó không biết tác giả nghiên cứu từ nguồn tài liệu nào, hay nghe ai nói, chẳng lẻ Trần Bạch Đằng đã kể cho tác giả nghe?”.
Xin thưa: tôi là (ông) LQL, tôi không có cái may mắn được gặp Trần Bạch Đằng. Những gì tôi viết được trích từ bài phỏng vấn Trần Bạch Đằng của phóng viên Clayton Jones (Báo The Christian Science Monitor, Vol 80, Feb 1-7, 1988) và Đặc phái viên Steven Erlanger của hảng tin New York Times Service (Báo Herald Tribune International trích đăng ngày 30/1/1989). Cùng các bài viết của TBĐ và Thượng tướng Trần Văn Trà trong quyển “Chung một bóng cờ (Viết về MTDTGPMN)” do NXB Chính trị Quốc gia (Hànội) phát hành năm 1993. Bài viết của TBĐ và Hồ Hữu Nhựt, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh Viên Sàigòn 1966-1967 (Tuổi trẻ Sàigòn Mậu Thân 1968, NXB Trẻ TP/HCM 2003).
Bài viết của ông LTM giúp bạn đọc ở hải ngoại biết nhiều hơn về Trần Bạch Đằng như tựa đề bài viết của ông. Xin được tóm lược những điểm chính: Năm 1947, mới 22 tuổi, TBĐ đã là Bí thư Xứ đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam bộ, được Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy đánh giá là “một cán bộ lãnh đạo thanh niên đầy triển vọng”.
* Tháng 10/1963, tình hình Sàigòn sôi động, có tin Mỹ sẽ đảo chính Ngô Đình Diệm. Đặc khu ủy CS Sàigòn-Giađịnh tức T4 đang cần một cán bộ lãnh đạo có khả năng chuyên trách về trí thức, học sinh-sinh viên, để đáp ứng tình hình mới. Thường vụ TƯC (R) xét thấy không ai có khả năng hơn TBĐ, dù Nguyễn Văn Linh -bí thư TWC không muốn, nhưng cả ban Thường vụ TWC và Võ Văn Kiệt bí thư T4 đề nghị, nên TBĐ được cử làm Phó Bí thư T4 kiêm Phó ban Tuyên huấn TWC. Từ đây bộ phận trí vận và thanh vận (bao gồm học sinh-sinh viên) do TBĐ trực tiếp lãnh đạo. Ông bám trụ ở Sàigòn để chỉ đạo phong trào đấu tranh. Ông có thể huy động hàng chục ngàn sinh viên-học sinh của Sàigòn-Chợlớn-Gia định bãi khóa biểu tình lôi kéo theo thợ thuyền bãi công, tiểu thương bãi thị…
Nhiều cán bộ trưởng thành trong phong trào học sinh-sinh viên Sàigòn do TBĐ chỉ đạo như Nguyễn Văn Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Hồ Hữu Nhựt, Lê Hiếu Đằng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết.v.v.. Chính TBĐ đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức đưa những trí thức lớn trong “lực lượng thứ ba” vào chiến khu để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như Ls Trịnh Đình Thảo, Gs Nguyễn Văn Kiết, Bs Dương Quỳnh Hoa, Ks Trương Như Tảng, Gs Bùi thị Mè, Nhà văn Thanh Nghị…
* Cuối năm 1969, Lê Duẫn triệu TBĐ ra Hànội báo cáo tình hình miền Nam và Sàigòn. Lúc bấy giờ vùng “nông thôn giải phóng” thuộc quyền kiểm soát của MTGPMN gồm ¾ nông thôn Nam Bộ, đã bị liên quân Việt Mỹ tái chiếm và bình định gần hết. Từ Hànội trở về, với tư cách Bí thư Khu ủy T4, TBĐ triệu tập hội nghị Bình Giã 5, dưới sự chủ tọa của Nguyễn Văn Linh –Phó bí thư TWCục. Lúc này Phạm Hùng (Bảy Hồng) phụ trách Bí thư. Trong báo cáo chính trị, TBĐ nêu hai vấn đề về tư tưởng có tầm chiến lược trong công tác lãnh đạo giải phóng đô thi:
- Một là, trong nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, bản chất của giai cấp công nhân đã biến chất, không còn đóng vai trò tiền phong, lãnh đạo phong trào cách mạng ở đô thị như trước năm 1945 nữa. Chủ lực quân của phong trào cách mạng ở đô thị hiện thời, qua thực tiễn đấu tranh từ 1955 đến nay đã cho thấy: học sinh-sinh viên, thanh niên các tầng lớp nói chung không phân biệt giai cấp, tôn giáo là quân chủ lực của phong trào cách mạng đô thị. Trí thức và tôn giáo yêu nước là lực lượng liên minh rất quan trọng trong công cuộc giải phóng đô thị.
- Hai là, tư tưởng chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Đông, đã lỗi thời đối với tình thế cách mạng giải phóng của miền Nam hiện nay! Nông thôn giải phóng của chúng ta hiện đã nằm trong sự kiểm soát của địch, làm gì có nông thôn giải phóng để bao vây thành thị? (cả hội trường vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt đối với luận điểm này)
TBĐ bị Nguyễn Văn Linh phê phán “đã phạm sai lầm hữu khuynh rất nghiêm trọng về mặt tư tưởng lãnh đạo của Đảng”, cụ thể như:
- Một là, coi thường vai trò tiền phong và lãnh đạo của giai cấp công nhân!
- Hai là, coi trọng vai trò của trí thức, sinh viên học sinh và tôn giáo, thậm chí đưa “thành phần không có lập trường kiên định” lên vai trò xung kích.
- Ba là xa rời “tư tưởng chiến lược” có tính kinh điển trong cách mạng giải phóng miền Nam: “lấy nông thôn bao vây thành thị”, cũng có nghĩa là không triệt để chấp hành đường lối cách mạng giải phóng miền Nam của Đảng”.
TBĐ phản bác: “Tôi nói thật lòng với các đồng chí có mặt trong cuộc họp bất thường không theo nguyên tắc dân chủ này rằng: mấy hôm nay tôi đã suy xét cặn kẽ những lời phê phán của đồng chí Mười Cúc, và cuối cùng tôi khẳng định trên tinh thần khách quan là, tôi không phạm sai lầm như những lời phê phán nặng mùi Bảo thủ Cực tả và Giáo điều chủ nghĩa của đồng chí Mười Cúc! Tôi quyết bảo lưu ý kiến này và sẽ kháng nghị lên cả hai cấp lãnh đạo: Ban Chấp hành Trung ương Đảng và TƯC/MN”. Phát biểu xong, TBĐ tự động bỏ cuộc họp trước khi hội nghị bế mạc. Sau đó, theo đề nghị của Nguyễn Văn Linh, Thường vụ TWC quyết định hạ chức TBĐ từ Bí thư xuống Phó bí thư Thứ hai. Nguyễn Văn Linh thay Đằng giữ chức Bí thư, Mai Chí Thọ -Phó bí thư thứ nhất. Đến đầu năm 1972, TBĐ bị mất luôn chức Phó bí thư thứ hai, bị rút về TWC để kiểm thảo tư tưởng hữu khuynh đã phạm trong thời gian lãnh đạo Đặc khu ủy T4. (Hết phần trích dẫn bài viết: TBĐ một người CS đa tài…)
Đọc bài viết của ông LTM đến đoạn này, khiến tôi hồi tưởng lại quá khứ: Năm 1972, khi Trần Bạch Đằng bị hạ bệ, thư ký riêng của ông là Sáu Trung -Phó tiến sĩ Sử học, sợ bị liên lụy nên ra hồi chánh và tiết lộ một vài chi tiết như trên. Tôi còn nhớ, Sáu Trung cho biết khi tháp tùng TBĐ ra Hànội hồi năm 1970, ông có tiếp xúc với Vũ Kỳ -thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh và được kể về tham vọng của ông Trường Chinh. Trong một phiên họp Bộ Chính trị, Trường Chinh đã nói với họ Hồ: “Nay Bác đã già, Bác nên nghỉ ngơi để tụi cháu làm”. HCM đã phải xuống nước: “Bác đã cống hiến cuộc đòi cho cách mạng, ngày nào bác còn làm việc được thì để bác làm”. Ngày HCM qua đời, Trường Chinh vận động ráo riết với tòa đại sứ Liên Xô và Trung Cộng, ông chạy tới chạy lui hai nơi này liên tục để tìm hậu thuẫn. Trong tuần tang lễ họ Hồ, Trường Chinh cùng Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng và Tôn Đức Thắng đứng bốn góc phò linh cữu HCM. Trong lúc ba nhân vật kia mặc y phục đen cúi đầu thì Trường Chinh với bộ đồ lãnh tụ màu vàng nghiêm trang ngước đầu lên tiếp các phái đoàn đến nghiêng mình trước thi hài HCM. Nhưng cuối cùng HCM để lại di chúc mật, giao cho Lê Duẫn tiếp tục lãnh đạo Đảng và Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nhà nước. (LQL, Việt Nam Thắng và Bại, 1993, Tr.554/55 & 566)
Ông Lê T. Minh là một nhà sử học Hànội trong thập niên 1960, những điều ông biết về TBĐ rất phong phú vì dựa vào tài liệu lưu trữ của đảng CSVN và những chứng nhân từng làm việc với TBĐ. Từ những hiểu biết đó, ông kết luận: “Trong khi nhắm mắt lìa đời, chắc chắn ông TBĐ còn mang theo nhiều niềm ân oán, suốt trong cuộc đời đi theo CS? Chẳng cần nói đến cao vọng làm lãnh tụ Cộng sản Cấp tiến. Chỉ nói đến ý muốn xuất bản một cuốn sách do ông nghiền ngẩm từ trong kháng chiến, mà cũng không đạt. Đó là cuốn “Vai trò của Thanh niên Tiền phong trong Cách mạng tháng Tám 1945”, đã bị ban Tuyên Huấn và ông Tố Hữu cho vào kho “lưu trữ bản thảo có vấn đề chính trị” bởi vì theo quan điểm lịch sử của đảng CSVN: Thanh niên Tiền phong là đoàn thể do đế quốc Nhật dựng lên. Ân hận thay! Biết rõ ràng là đồng chí ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên huấn –ông Tố Hữu đã bóp méo lịch sử mà Trần Bạch Đằng vẫn phải im hơi lặng tiếng, để cho đứa “con tinh thần” bị chết oan uổng(!)”.
Theo cá nhân tôi, quyển sách TNTP đề cập trên và cao vọng làm lãnh tụ cộng sản cấp tiến (nếu có) của TBĐ chỉ là hai điểm trong sự nghiệp chưa thành của ông đối với đất nước. Ông không may mắn như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc, dù cả hai là những đảng viên CS đa tài và có tư tưởng hữu khuynh. Đặng được Mao Trạch Đông trọng dụng, giữ chức tổng bí thư đảng. Dù bị thanh trừng ba lần song Đặng vẫn còn cơ hội để ngoi lên địa vị lãnh đạo làm nên nghiệp lớn. Còn TBĐ vào tuổi 40 đã là Bí thư đảng ủy một thành phố lớn nhất nước -thủ đô miền Nam. Với tài ba, ông vận động mọi giới đồng bào tham gia cách mạng, tất cả “đều là anh hùng, hơn nữa những bậc đại anh hùng”. Thời gian đó tháng 1/1966 ông viết bài “Ra khỏi ngõ gặp anh hùng”. Ông cho rằng “Cái tên đó vẫn chưa thật đúng. Bởi vì, ngay chưa ra khỏi cửa ngõ, cũng đã gặp anh hùng rồi”. Ông tin tưởng “Lương Sơn Bạc ngày xưa chỉ có một Võ Tòng, một Lâm Xung và cộng chung chỉ có 108 người mà dựng nên một cơ đồ. Chúng ta có hàng triệu người như vậy. Việc gì chúng ta không làm được, thắng lợi nào chúng ta không đạt tới, kẻ thù nào có thể đương cự nổi với chúng ta?” (Chung một bóng cờ, Tr.841-846)
Một con người như vậy, nhưng TBĐ chưa bao giờ được cất nhắc dù chỉ là ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng. Sau đó lại bị hạ bệ, dù mới 46 tuổi và không còn cơ hội ngoi lên được nữa. Ông trở thành anh hùng mạt lộ, cũng như Đại /tướng Võ Nguyên Giáp, “đại anh hùng” vang danh thế giới ở trận Điện Biên Phủ 1954. Ở tuổi 74 (năm 1986), ông vẫn nhận chức Bộ trưởng Kế hoạch hóa gia đình, khiến người đời chế nhạo bằng bài vè: “Ngày xưa, Đại tướng cầm quân, Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em”. Binh lính thuộc quyền thì “Ngày xưa chống Mỹ, chống Tây. Ngày nay, chống gậy ăn mày áo cơm”, hoặc “Đầu đường Đại tá vá xe. Cuối đường Trung tá bán chè đậu đen. Giữa đường Thiếu tá rao kem”. (Nguyễn Ngọc Phách, Việt Sử Đương đại qua 200 câu vè bất hũ). Còn biết bao anh hùng lỡ vận khác như anh Trần Thanh Hoài -nguyên chiến sĩ An ninh khu ủy cùng vợ là bác sĩ hoạt động ở chiến trường khu 5, sau 1975 được điều vào chiến trường Tây Nam. Ngày nay Hoài sống bằng nghề đạp xích lô…Ông Trần Xuân Tiến -tham gia chiến dịch Điện biên Phủ, có mặt trong Đại đội chủ công tấn công cứ điểm Khe Sanh, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới, tám lần bị thương. Người dũng sĩ nay đã về già và sống bằng nghề sửa xe đạp. (Phim Chuyện Tử Tế của đạo diển Trần Văn Thủy). Một khi đất nước bước vào thời mạt vận thì con dân dù tài ba đến đâu cũng chìm theo vận nước!
Quan niệm “Cộng sản cấp tiến” của Trần Bạch Đằng như thế nào?
Trong bước thoái trào, các nước CS có những lãnh tụ cấp tiến, chủ trương đổi mới để sống còn như Gorbachev ở Liên Xô, Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc, Nguyễn Văn Linh ở Việt Nam…Con người như Linh từng bị TBĐ nói thẳng “nặng mùi bảo thủ cực tả và giáo điều chủ nghĩa”, nên không ai ngạc nhiên khi ông ta trở cờ sau này, làm cố vấn cho tân lãnh tụ bảo thủ Đỗ Mười. CS tiếp tục giữ quyền độc tôn lãnh đạo đất nước thực hiện chuyên chính vô sản. Trong tình thế đó, hai nhân vật tích cực ủng hộ đổi mới là Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và TBĐ cũng chịu bó tay. Bs Viện từng có câu nói để đời: Tư bản man rợ còn chuyên chính vô sản là “chuyên chính vô học”.
Còn Trần Bạch Đằng vì không có thực quyền, ông chỉ bày tỏ quan điểm của mình đối với công cuộc cải cách ở hai nước CS đàn anh với đặc phái viên Steven Erlanger, để gợi ý những người chủ trương đổi mới rút kinh nghiệm. Ông cho rằng về cơ bản, Gorbachev “đang đi đúng đường nhưng có một vài hiện tượng khác như việc thẩm định lại lịch sử thì không được hoan nghênh ở VN”. Ông đưa ra trường hợp Stalin, hiện nay đang bị đổ cho đủ thứ tội trạng. Ông ca ngợi chính sách canh tân của các lãnh tụ CS ở Bắc Kinh tỏ ra “khôn ngoan hơn vì họ cố gắng chấm dứt ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao nhưng không lên án con người lịch sử của Mao. Bắc Kinh mở rộng cửa giao thương với nước ngoài, họ công nhận phải có một số nông dân và thương gia giàu có trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Họ đánh giá cao những kỹ thuật tân tiến của Tây phương và tiếp thu nó, họ mời gọi ngoại quốc đầu tư. Họ không thực hiện những giáo điều của Mao nhưng họ không nguyền rủa Mao. Và những gì Gorbachev làm đều hoàn toàn trái ngược lại”. (Báo đã dẫn trên)
Nhận xét trên đây của TBĐ cho thấy ông là người biết hành xử khôn khéo để tạo sự đoàn kết và giữ thể diện dân tộc. Được biết, khi Trung Quốc đưa “bọn bốn tên” ra tòa xét xử. Họ đổ tội cho Mao, chính Giang Thanh -vợ Mao đã khai: “Mọi việc tôi làm đều do Mao bảo tôi thực hiện. Tôi là con chó của ông ấy, ông bảo tôi cắn gì tôi cắn nấy”. Đặng Tiểu Bình có lý do nói đến sai lầm tả khuynh, độc đoán của Mao. Một sai lầm về chính trị mà Đặng nhận xét “không phải nhỏ”, song ông nhắc nhở các Ủy viên Trung ương đảng: “Khi viết về sai lầm của Mao, chúng ta không nên thái quá, bằng không chúng ta sẽ mất tín nhiệm đồng chí Mao trạch Đông và điều này có nghĩa là mất tín nhiệm Đảng và Nhà nước ta”. Do đó, Đại hội đảng CSTQ lần thứ XII (9/1982) đã kết luận: “công tội của Mao bằng nhau”. Họ xác nhận lý tưởng của Mao vĩ đại nhưng vì đường lối sai lầm, nên phải “phi Mao” để thực hiện lý tưởng Mao. Điều đó cho thấy, giới lãnh đạo Bắc kinh cũng có ý muốn đặt đất nước lên trên đảng, nên họ sẳn sàng phi Mao (Mao là biểu tượng Đảng và Nhà nước CSTQ) để thực hiện lý tưởng Mao (xây dựng TQ trở thành cường quốc số một thế giới).
Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam đã nhận xét: “Trần Bạch Đằng là một cán bộ lãnh đạo biết kết hợp giữa thực tiễn và lý luận. Ông không sùng bái “chủ nghĩa giáo điều” mà cũng không tôn thờ “thực tế chủ nghĩa” nên ông đã được nhiều trí thức và học sinh-sinh viên mến phục, và tình nguyện dấn thân theo sự chỉ đạo của ông, và chính ông cũng dấn thân hành động như một chiến sĩ thực thụ”. (Xem bài viết đã dẫn của Lê Tùng Minh). Nói đến ‘chủ nghĩa giáo điều” người ta nghĩ đến Liên Xô. Nói đến “chủ nghĩa thực dụng hay thực tế”, người ta nghĩ đến Trung Quốc với câu nói bất hủ của Đặng Tiểu Bình: “mèo trắng, mèo đen, miễn cứ bắt được chuột là được”. Không sùng bái Liên Xô cũng không tôn thờ Trung Cộng, TBĐ không phải là người CS vọng ngoại. Vậy quan điểm “Cộng sản cấp tiến” của ông như thế nào?
Trần Bạch Đằng không ưa chủ nghĩa giáo điều, Brezhnev đã ủng hộ CSBV thôn tính miền Nam, thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đó không phải là chủ truơng của MTGPMN. Sau đó, Brezhnev lại tạo thêm khó khăn cho LX khi đưa quân sang Afghanistan và ủng hộ các nước đàn em xâm lăng các nước láng giềng. TBĐ từng nói: “chiến tranh xâm lược phải theo vết xe định mệnh của chủ nghĩa thực dân cũ” (phải sụp đổ). Còn Trung Quốc, nhờ biết trở cờ đúng lúc: chống LX, liên minh với khối Tây phương và Nhật để tìm sự hỗ trợ thực hiện kế hoạch “bốn hiện đại hóa”. Họ còn dùng đòn ma giáo, kiểu quân tử Tàu “phi Mao để thực hiện lý tưởng Mao”. Từ chiêu thức này sinh ra cụm từ đồng nghĩa “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thực chất, TQ chỉ muốn trở thành cường quốc bậc nhất thế giới, để dễ dàng thực hiện mục tiêu lâu đời của họ là bành trướng chủ nghĩa Đại Hán (và đại đồng). Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, triều đình nhà Nguyễn không còn nhận chiếc ấn “An Nam Quốc vương” của thiên triều phương Bắc. Chẳng lẽ, hy sinh biết bao xương máu đánh thắng bọn thực dân đế quốc phương Tây để trở lại làm chư hầu phương Bắc hay sao?
Quan điểm Cộng sản cấp tiến của TBĐ tất nhiên phải dựa vào sức mạnh dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, ông tin rằng nhóm canh tân sẽ đạt thắng lợi vì họ là những người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến giải phóng miền Nam trước đây. Ông có cơ sở để tự tin. VN đã vượt qua các khó khăn trong bước đầu “đổi mới” là nhờ ở đâu? Xin đọc bài viết của Đặng Phong hiện là Trưởng ban lịch sử kinh tế của Viện kinh tế (CS) Việt Nam: “Phải nhớ rằng từ sau 1975 chúng ta đã có một nửa nước là xứ sở của nền kinh tế thị trường. Gần như toàn bộ miền Nam không chỉ kế thừa nền kinh tế thị trường trước đó mà còn được tiếp sức từ nguồn lực nước ngoài và Việt kiều với khoảng vài trăm triệu USD mỗi năm. Tôi gọi điều này là “quyền uy của lòng dân”.
Ông Đặng Phong giải thích thêm: “VN tuy đã trải qua nhiều cuộc cải tạo XHCN mạnh tay nhưng nền kinh tế tự do như chợ búa, quán xá, các cơ sở sản xuất tư nhân, hệ thống tư thương xưa gọi là phe phẩy vẫn luôn tồn tại bên cạnh nền kinh tế quốc doanh. Nó được ví như cái bướu lạc đà. Tuy nó “chia bớt” nguồn dinh dưỡng từ cơ thể kinh tế XHCN để tồn tại nhưng khi quốc doanh gặp khó khăn như thiếu hàng hóa, đói nguyên liệu, không mua không bán được…thì cái bướu đó lại nuôi sống cơ thể xã hội. Đây cũng là lý do góp phần giải thích tại sao khi mô hình kinh tế cổ điển khủng hoảng thì toàn bộ nền kinh tế và toàn bộ đời sống xã hội ở các nước Đông Âu bị khủng hoảng trầm trọng, còn ở VN thì nhẹ nhàng hơn”. (Đêm trước đổi mới: Uy quyền của lòng dân, Nhật báo Tuổi trẻ, TP/HCM 15-12-2005)
Vai trò của Thanh niên Tiền Phong trong Cách mạng tháng Tám 1945
Quyển sách của TBĐ hiện nằm trong kho “lưu trữ bản thảo có vấn đề chính trị” của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng CSVN. Đây là “vấn đề chính trị” giữa những người CS bảo thủ và cấp tiến. Dưới con mắt những người CS bảo thủ, Cách mạng tháng 8/1945 khởi đầu tiến trình lịch sử của Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Mác-Lê-Mao, đã đưa cách mạng VN đến thành công trong suốt hơn 60 năm qua. Họ phủ nhận vai trò của Thanh niên Tiền phong, vì lẽ nó không phải là sản phẩm của Liên Xô hoặc Trung Quốc; nó là một đoàn thể do đế quốc Nhật dựng lên.
Trái lại những người CS cấp tiến ở miền Nam, điển hình là TBĐ thì cho rằng TNTP đóng vai trò lớn trong phong trào Việt Minh giúp CS giành được chính quyền và kháng chiến chống Pháp. Từ 1960, giới thanh niên trí thức VM cũ thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi. TBĐ khẳng định: “Mặt trận không ngừng ngang ý nghĩa giai đoạn… Những gì Mặt trận thực hiện đều khắc sâu vào vào lịch sử dân tộc, đồng thời đều trực tiếp gợi sáng tạo cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh” (Chung một bóng cờ, Tr.870).
Không biết TBĐ viết gì về “Vai trò của Thanh niên TP trong Cách mạng tháng 8/1945”… Nhưng qua ghi chép của những nhân chứng lịch sử, họ thừa nhận phong trào TNTP phát triển mạnh từ khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt quốc dân hồi tháng 4/1945. Cụ Trần Trọng Kim đặt niềm tin vào giới trẻ và thành lập Bộ Thanh niên, nhằm tổ chức, huấn luyện họ để làm nồng cốt bảo vệ nền độc lập quốc gia và kiến thiết đất nước. Dưới sự lãnh đạo và khích động lòng yêu nước của Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh, các giới thanh niên trí thức nô nức tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong. Đây là tiền thân của quân đội quốc gia mà cụ Trần Trọng Kim dự định sẽ thành lập: một quân đội có tinh thần yêu nước và khí thế mạnh mẽ. Tổ chức TNTP qui tụ nhiều trí thức trẻ đầy thiện chí như Bs Nguyễn Thị Sương, Ks Kha Vạn Cân, các Ls Thái Văn Lung, Nguyễn Vĩnh Thạnh, các Bs Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ…cùng hàng vạn thanh niên tham gia với lời thề “hy sinh cho Tổ quốc, phục vụ dân tộc, trong giai đoạn bảo vệ nền độc lập và kiến thiết xứ sở” (Nam Đình, Hồi ký lịch sử: 1923-1964, Nhật báo Thần Chung, Sàigòn, 1965)
Giữa tháng Tám/1945, Nhật đầu hàng. Để củng cố sức mạnh nói chuyện với Đồng minh sắp vào tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, cụ TTK kêu gọi các viên chức nhà nước và các đảng phái quốc gia “thống nhất lực lượng sau lưng chính phủ để bảo vệ nền độc lập, đừng để bị tròng ách nô lệ một lần nữa”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng Trần Trọng Kim, hàng chục vạn người tham gia ủng hộ chính phủ ở Hànội và Sàigòn. Bất thần cán bộ Việt Minh chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh, báo tin Nhật đã đầu hàng, đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim là bù nhìn tay sai của Nhật. VM tuyên truyền là “Việt Nam đã được đồng minh giúp đỡ sẽ độc lập hoàn toàn”. Đồng bào còn được rĩ tai “VM lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc” do đó ai cũng tin theo, ngay cả những đội Thanh niên TP do chính phủ lập ra cũng ngã về VM. (Nam Đình, Báo đã dẫn). Thanh niên TP lại hô hào đồng bào kéo xuống đường ủng hộ, giúp Việt Minh chiếm được chính quyền dễ dàng. Ngày 2/9/1945, HCM đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 6/9/1945, lực lượng hoàng gia Anh do tướng Gracey cầm đầu đến Sàigòn giải giới quân Nhật. Đến nơi Gracey thảo luận ngay vấn đề Nam bộ với Cédile -vừa được De Gaulle cử làm Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Nam bộ và Bs Phạm Ngọc Thạch đại diện VM. Gracey yêu cầu VM giải giới lực lượng Dân quân cách mạng, giao cho Nhật trách nhiệm ổn định trật tự để hai bên Pháp Việt đàm phán. Cuộc đàm phán bất thành vì lập trường đôi bên trái nghịch nhau. VM đòi độc lập và thống nhất đất nước, còn Pháp chủ trương tái lập chủ quyền sau đó mở cuộc trưng cầu dân ý để biết ý dân Nam bộ muốn thống nhất hay muốn tự trị. Các đảng phái quốc gia thì lên tiếng phản đối VM thông đồng với giặc Pháp phản bội quyền lợi dân tộc.
Điểm quan trọng là tinh thần yêu nước của giới trí thức, thanh niên, sinh viên học sinh Nam bộ rất cao. Họ hấp thụ văn hóa Pháp đề cao thể chế dân chủ tự do của Pháp nhưng chống chính sách thực dân của Pháp. Họ ít khi tham gia các đảng phái chính trị, chỉ tranh đấu cho nền độc lập của đất nước và mong muốn VN có một địa vị ngang hàng với Pháp. Đây là thành phần nguy hiểm nhất đối với tham vọng quyền lực của HCM và đảng CSVN. Pháp sẳn sàng thương lượng và trao trả độc lập cho những người quốc gia tây học yêu nước. Họ có đầy đủ điều kiện để phát triển đất nước theo mô hình dân chủ tự do. Đó là lớp lãnh tụ mới của hầu hết các nước thuộc địa Á Phi châu trước ngưỡng cửa độc lập trước và sau Thế chiến II. Chính vì thế, CS không muốn thương lượng với Pháp.
Các cuộc xung đột vũ trang giữa VM và Pháp tiếp diễn. Ngày 21/9/1945, Cédile ra lịnh tái chiếm các công sở và khám lớn Sàigòn để tái lập chủ quyền của họ. Trong đêm 22 rạng 23/9/1945 Ủy ban hành chánh Nam bộ rút ra khỏi Sàigòn. VM kêu gọi tản cư “ai không rời Sàigòn là Việt gian”. Dân chúng Sàigòn rút về nông thôn tham gia kháng chiến. Nhân cơ hội này, lực lượng Tự vệ cuộc của Nguyễn Văn Trấn và VM sát hại khá nhiều những phần tử đối lập. Chiến tranh Việt Pháp thực sự bùng nổ.
Ngày 23/9 trở thành ngày Nam bộ kháng chiến. VM khôn khéo dành cho giới thanh niên trí thức những chức vụ của Ủy ban hành chánh kháng chiến, vừa nhằm mục đích tuyên truyền lôi cuốn nông dân vừa cô lập người trí thức yêu nước, không cho khuynh hướng quốc gia phát triển. Nhờ đó hầu hết những bộ mặt trí thức Nam bộ lúc bấy giờ đều có mặt trong kháng chiến: Phạm Văn Bạch, các kỹ sư Kha Vạn Cân, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Nhựt, các ông Trần Văn Văn, Trần Văn Hương, Ca văn Thỉnh, Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí, Dược sĩ Phạm thị Yên, các bác sĩ Nguyễn văn Thủ, Nguyễn văn Hưởng, Phạm ngọc Thạnh, kiến trúc sư Huỳnh tấn Phát, các luật sư Thái văn Lung, Phạm ngọc Thuần, Nguyễn thành Vinh…
“Chống Mỹ cứu nước” – HĐ Paris 1973 – “Chống nước cứu Mỹ”
Quyển lịch sử về “vai trò Thanh niên Tiền phong trong Cách mạng tháng 8/1945” bị ngâm tôm, TBĐ lại tìm cách viết về đứa con của nó: Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Như mọi người đều thấy, đến cuối năm 1964, chế độ Miền Nam gần như sắp sụp đổ vì những rối loạn chính trị sau ngày đảo chính TT Ngô Đình Diệm, bắt buộc HK phải trực tiến can thiệp. Lúc bấy giờ, MT đã kiểm soát ¾ lãnh thổ MN với 1/3 dân số. Sau đó, dù chính quyền VNCH được sự yểm trợ của trên 600 ngàn binh sĩ đồng minh song vẫn không thể tái chiếm nhiều vùng đất do Việt Cộng tạm chiếm. Chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Đông kể như thành công, vì thế CS chuyển sang bước thứ hai đưa bộ đội từ rừng núi đồng bằng tiến ra chiếm lĩnh thành phố giành toàn bộ chính quyền.
Trước khi mở ra trận Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, TBĐ đã thông báo ý định này với Đại sứ Bunker. Hoa Kỳ án binh bất động trong những ngày đầu của trận tổng công kích, có phải họ đã “tương kế tựu kế” để thực hiện kế “điệu hổ ly sơn” (dụ kéo cọp rời núi)? Chiến lược của Mao đã thất bại, CSBV phải tạm thời xoay sang phương cách khác, chấp nhận đàm phán theo đề nghị của HK. Họ chủ trương “vừa đánh vừa đàm” để từng bước củng cố lại lực lượng, tiếp tục chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị”. Quả thực, lúc bấy giờ TT Trung Cộng Chu Ân Lai đã trách Hànội vì nghe lời Liên Xô nên “vội vã chấp nhận đàm phán với Mỹ”.
Như ông Lê Tùng Minh tiết lộ ở phần trên, TBĐ phản bác chủ trương này, nên bị Nguyễn Văn Linh kết tội “không triệt để chấp hành đường lối cách mạng miền Nam của Đảng”. Thêm vào đó, trong hòa đàm Paris, MTGP đưa ra đề nghị: “Công việc miền Nam do nhân miền Nam quyết định, không có sự can thiệp của bên ngoài”. Nhờ đó, đã khai thông các bế tắc đưa cuộc đàm phán đến thành công. HĐ Paris ra đời, HK rút hết quân khỏi MN, nhân dân MN sẽ quyết định công việc nội của họ thông qua cuộc tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát. Sau đó, theo tinh thần điều 15 của HĐ: “Việc thống nhất nước VN sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam VN, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài”. Như vậy, mục tiêu đề ra của MTGPMN hồi năm 1960 sắp thành tựu.
Nhưng, cái bất hạnh của dân tộc là giới lãnh đạo CS ở Hànội và TT Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu đều không chấp nhận. Trong khi giới trí thức miền Nam hầu như đều ủng hộ việc giải quyết chiến tranh bằng con đường đàm phán và sau đó là HĐ Paris 1973. Lúc TBĐ bị hạ bệ cũng là thời điểm “thành phần thứ ba” ở miền Nam ra đời. Đây là những trí thức có tinh thần dân tộc, mong muốn hòa bình, nên họ chống Thiệu, không ưa Mỹ và dĩ nhiên không chấp nhận CS. Từ khi HĐ Paris ra đời, lực lượng thứ ba càng phát triển mạnh qua các hoạt động hòa giải hòa hợp dân tộc do một nhân sĩ Phật giáo cầm đầu -Giáo sư Vũ Văn Mẫu, sau đó được sự ủng hộ của Luật sư Nguyễn Văn Huyền -một nhân sĩ Công giáo. Luật sư Trần Ngọc Liễng thành lập “Tổ chức đòi thi hành HĐ Paris” được sự tán đồng của ông Triệu Quốc Mạnh, chánh biện lý Sàigòn.
TT Thiệu cho rằng những ai đấu tranh cho hoà bình đều là CS hoặc bị CS giật dây. Lập luận trên làm cho sức mạnh và uy tín của CS càng lên cao: nơi nào cũng có cộng sản. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã mĩa mai: “Nói chuyện ‘sặc mùi cộng sản’ thì nhiều lắm, kể sao cho siết. Anh này sặc mùi CS. Cuốn sách kia sặc mùi CS. Tờ báo nọ sặc mùi CS. Cuộc hội họp này nữa, vụ tranh đấu kia nữa đều sặc mùi CS. Nhưng trong quảng đại quần chúng đố ai mà biết được cái mùi CS nó như thế nào? Rất khó mà biết cái mùi CS…Nhưng quảng đại quần chúng thì biết khá chắc chắn cái gì thường không bị mang tiếng là sặc mùi cộng sản. Thuốc phiện chẳng hạn không hề có mùi CS…Buôn lậu không sặc mùi CS. Hối lộ tham nhũng không sặc mùi CS” (Chống Mỹ cứu nước như người Việt Cộng sản, Báo Tin Sáng ngày 27-8-1971).
Ba mươi năm sau (cuối 2004), Lý Quý Chung -cựu dân biểu VNCH thuộc thành phần thứ ba, viết quyển “Hồi ký không tên” nhằm giúp người đọc hiểu rõ thêm về một số sự kiện xảy ra tại miền Nam trước 1975. Ông xác nhận thành phần thứ ba là “người Việt đứng giữa” không đứng về phía chính quyền Sàigòn nhưng cũng không đứng về phía cộng sản…Song “nếu có chính phủ ba thành phần theo hiệp định Paris thì thành phần thứ ba sẽ liên kết với MTGPMN chứ dứt khoát không liên kết với chính quyền VNCH”. Vì chế độ VNCH “không có khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước, lại là chế độ hiếu chiến, không hề tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho đất nước”.
Tác giả và Nhà xuất bản Trẻ nhờ TBĐ viết lời giới thiệu. Ông Đằng chấp nhận và cho biết “hầu hết sự kiện cùng nhân vật được nhắc trong hồi ký, bản thân tôi có biết, có tiếp xúc, thậm chí, về sự kiện, có chịu trách nhiệm với cương vị -trong thời gian ấy- người phụ trách phong trào cách mạng Thành phố Sàigòn. Cho nên, những gì anh Lý Quý Chung kể lại, ít nhiều tôi hiểu -hiểu cả phần chiều sâu”. TBĐ khen tập hồi ký là nổ lực của tác giả, tự đặt mình trong vận nước, hướng về phía trước, hướng về những khám phá, hướng về nghĩa vụ, thật đáng quý”. Ông kết luận “không thể đòi hỏi lớp trí thức Sàigòn như Lý Quý Chung “phơi phới sống với chế độ mới”, là chuyện không thể có. Tuy nhiên ông kỳ vọng “độc giả sẽ còn đọc nhiều hồi ký nữa của nhiều nhân vật có mặt lúc này lúc khác giữa lòng Sàigòn. Những tư liệu ấy -nếu được đọc với sự phê phán và lòng bao dung- sẽ thêm cho pho sử hiện đại nước ta các khía cạnh không phải là không thú vị. Cách mạng Việt Nam đa dạng. Góp vào bức tranh đa dạng ấy những đường nét riêng, tôi xem đó là cống hiến của Lý Quý Chung”.
Ngoài việc mong mõi có thêm nhiều hồi ký của giới trí thức Sàigòn để đóng góp vào pho sử hiện đại nước nhà. Trong lời giới thiệu, TBĐ còn nhắc lại phong cách“dữ dội”của Nguyễn Ngọc Lan: “khi Nguyễn Văn Thiệu phản đối khẩu hiệu chống Mỹ cứu nước của Mặt trận Giải phóng, Nguyễn Ngọc Lan bấy giờ còn là linh mục, đã “hiến kế” cho tổng thống, đảo ngược khẩu hiệu của Mặt trận giải phóng thành “chống nước cứu Mỹ” (Đọc Hồi ký không tên, Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng 8-2004). TBĐ thường tâm sự: ông rất khâm phục câu nói này. Có lẽ do chính ông gợi ý linh mục Nguyễn Ngọc Lan “hiến kế” cho con chiên là TT Thiệu. Đây là ý nghĩ thâm thúy của cán bộ trí vận Trần Bạch Đằng và tiến sĩ Triết học Sorbonne Nguyễn Ngọc Lan, vì khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” không phải của MTGPMN mà là của Đảng CSVN.
(Xin đọc Phần thứ tư trong quyển “Bốn mươi lăm năm hoạt động của Đảng Lao động Việt Nam” của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (NXB Sự Thật, Hànội, 1975) có tựa đề: Toàn dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà (1965-1975) Tr. 134, viết như sau: “Phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa rất sâu sắc. Ở đây, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản của nhân dân ta phát triển đến cao độ, bởi vì, đúng như Hồ Chủ tịch đã nói: “nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập của riêng mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”. (Ghi chú: Hồ Chí Minh, “Về nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước”, NXB Sự thật, Hànội, 1967, tr. 57). Trang 135 viết: “Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước đã chứng tỏ sức sống vĩ đại của chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp và của chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân ở miền Bắc nước ta”)
Hànội quyết tâm chống Mỹ cứu nước để giải phóng miền Nam, nên Trần Bạch Đằng và Nguyễn Ngọc Lan “hiến kế” tổng thống miền Nam xử dụng khẩu hiệu “chống nước cứu Mỹ” để làm đảo ngược ý đồ của CSBV. Từ 1967, phong trào phản chiến ở Mỹ ngày càng phát triển mạnh mẽ, vì thế khi nhậm chức tổng thống hồi tháng Giêng 1969, Nixon cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh VN mang lại hòa bình danh dự để rút quân về nước. HĐ Paris 1973 đã đáp ứng đòi hỏi trên…Song Hànội chỉ muốn “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào” để thôn tính miền Nam, trong lúc Nixon đang rối trí vì vụ Watergate. Đây là cơ hội để Thiệu “cứu Mỹ” bằng cách thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Paris như yêu cầu của Nixon trong thư gởi Thiệu ngày 21/5/1973: “Trong các thư từ chúng ta trao đổi trước ngày ký kết hiệp định Paris,và ngay trong buổi họp tại San Clemente, tôi đã bày tỏ quyết tâm của tôi ủng hộ VNCH và thi hành bản hiệp định….Tôi xin lập lại rằng ước vọng duy nhất của chúng tôi là muốn thấy bản hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh và thắt chặt tình liên đới với VNCH. Tôi không tin rằng Ngài muốn tôi phải ra trước dân chúng để giải thích sự bế tắc cuộc thương thuyết hiện nay ở Paris. Điều này chắc chắn sẽ đưa tới sự cắt đứt ngân khoản cho Lào và Cambốt và cuối cùng là miền Nam Việt Nam”. (Nguyễn Tiến Hưng, Hồ sơ Mật Dinh Độc lập, Tr. 326-27).
Thi hành HĐ Paris, ông Thiệu không những cứu Nixon, giúp kế hoạch hòa bình ở VN thành công, cứu MTGP mà còn cứu nhân dân miền Nam. Thử hỏi lúc bấy giờ, HK đã bắt tay với TC và hợp tác với LX, thì thế lực nào có thể đe doạ sự sống còn của MN? Chính quyền hai miền Nam Bắc sẽ thương thảo việc thống nhất nước nhà theo tinh thần HĐ Genève 54 và Paris 73. Rất tiếc, TT Thiệu không “cứu Mỹ”, trái lại còn chủ trương “Bốn không” làm cho kế hoạch hòa bình của Nixon thất bại. Tháng 8/1974, Nixon từ chức, tám tháng sau đến lượt Thiệu và cuối cùng Miền Nam lọt vào tay CS.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam
Ks Trương Như Tảng, Ủy viên Trung Ương MTGPMN và là bộ trưởng Tư pháp Chính phủ CMLTCHMN đã bày tỏ sự bất mãn khi CSBV chiến thắng MN: “Hàng trăm ngàn người của quân đội và chính phủ Sàigòn đã bị bắt giam vào các trại cải tạo. Hàng triệu thường dân đang sinh sống ở Sàigòn và nhiều nơi khác tại miền Nam VN bị cưỡng bách phải bỏ nhà cửa, tài sản để đi về các vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh, một quyền lực sắt thép bao trùm khắp nước Việt Nam”. Tảng chua chát cho biết thêm:
“lúc thắng trận cũng là lúc Cộng sản bắt đầu loại bỏ Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trong buổi tiệc đơn sơ được tổ chức vào năm 1977 để chính thức giải thể Mặt trận Giải phóng Miền Nam, Đảng Cộng sản và chính quyền Hànội không thèm cử đại diện đến tham dự. Đó là cử chỉ miệt thị xem thường những quy tắc về chủ nghĩa quốc gia mà những người Việt “thân” Cộng đã hết lòng tôn sùng, một chủ nghĩa mà các quốc gia trong cộng đồng Thế giới tự do đã dốc hết lòng và bằng mọi giá để giữ lấy nó” (Trưong Như Tảng, Vietcong Memoirs)
Những ray rứt trên biểu lộ ngày càng rõ nét đối với những người miền Nam vốn ăn ngay nói thẳng, một số buồn tình sinh ra tiêu cực hoặc rút lui như bà Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, ông Nguyễn Hộ. Cuối cùng nếu không tự ý thì cũng được mời về hưu, ngồi chơi xơi nước để suy ngẩm tình đời. Đó là số phận của số cán bộ lão thành lớp mùa Thu 1945, số tham gia MTGP 1960 của Nguyễn Hữu Thọ hoặc Liên minh của Trịnh Đình Thảo năm 1968 cùng một số trí thức sau 1975. Trong số này phải kể tới Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Gs Châu Tâm Luân và một số nhân vật thuộc Lực lượng thứ ba…Sau nhiều năm chân thành cộng tác với CS, cuối cùng cũng tìm đường ra đi.
Riêng TS Nguyễn Xuân Oánh, trong bài viết đăng trên báo Xuân 1980, đã nói lên tâm tư của những trí thức Sàigòn đã cố phấn đấu ở lại: “không phải để tìm cho bản thân một cuộc sống vật chất phủ phê hoặc danh vọng nào đó, mà vì lòng yêu nước”. Sau 5 năm mòn mỏi trong thiếu thốn và bạc đãi, nhân có Nghị quyết 6 đề ra chính sách kinh tế mới của Võ Văn Kiệt, ông khẩn khoản yêu cầu Nhà nước CS ba điều: Một là -cho họ có môi trường thuận lợi để làm việc; Hai là -được dùng “hai tiếng anh em” với giới trí thức miền Bắc và thứ ba -An tâm về sự hội nhập của con em họ vào xã hội mới”. (Tiếng nói người trí thức: Hành trình mới của anh em chúng ta, Báo Đại Dân tộc, TP/HCM, Xuân Canh Thân 1980).
Những cựu kháng chiến không thể thụ động mãi trước tình trạng phân hóa, nghèo đói, lạc hậu của đất nước. Năm 1988 họ thành lập “Câu lạc bộ kháng chiến” và lên tiếng tố cáo Đảng CS đã lừa gạt nhân dân miền Nam và cướp công kháng chiến Nam bộ. Trần Văn Giàu -lý thuyết gia Mác xít nổi tiếng cùng thời với Tito và Đặng Tiểu Bình đã khẳng định: “Chính đảng CS là nguyên nhân làm cho đất nước điêu tàn” và “đã đến lúc người dân miền Nam phải làm cách mạng thực sự mới hy vọng theo kịp thế giới vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này”.
Câu lạc bộ kháng chiến TP/HCM qui tụ những thành phần nồng cốt của MTGPMN trước đây. Họ là những người thực sự yêu nước, đã tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp đặt chân trở lại Sàigòn. Họ gia nhập Đảng CS và tham gia Mặt trận Việt Minh vì tin tưởng ông HCM là một nhà ái quốc chân chính đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đến đầu thập niên 1960, ông HCM vẫn còn khoác chiếc áo dân tộc để phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam. Chính vì đó nhiều người yêu nước hăng hái tham gia MTGPMN, dốc toàn lực vào cuộc kháng chiến nhằm “đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ, ban bố quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn, tự do đi lại và các quyền tự do dân chủ khác”. (Trích “Tuyên ngôn của Mặt trận DTGPMN” trong quyển “Thắng lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta” của Học viện Quan hệ Quốc tế, NXB Sự Thật, Hànội, 1985, Tr. 89)
Ngày 18/12/1989, trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày thành lập MTGPMN, Huỳnh Văn Tiểng cho rằng: “Nếu không có chiêu bài giải phóng miền Nam, cuộc kháng chiến đã không thành”. Sở dĩ “giới trí thức, tư sản dân tộc, nhân sĩ tiến bộ, Công giáo, Phật giáo yêu nước ra chiến khu tham gia MTGP vì có chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, tham gia chính phủ Cách mạng Lâm thời vì có thủ tướng Huỳnh Tấn Phát, là những người Miền Nam”. Theo Tiểng “người dân Nam bộ đã bỏ nhà cửa tham gia Mặt trận vì họ nghĩ rằng Mặt trận không phải là một chiến thuật cục bộ, không phải là một sách lược tạm thời mà là chiến lược cách mạng lâu dài”.
Để chống lại những lập luận trên, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Mặt trận GPMN (1990), Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh đứng ra làm cố vấn, chỉ đạo việc soạn thảo tập sách Chung một bóng cờ “viết về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta, sự lãnh đạo sáng suốt tài tình về đường lối, phương pháp và nghệ thuật cách mạng của chủ tịch Hồ chí Minh và của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ròng rã 21 năm lịch sử”. Nhân cơ hội này, TBĐ khước từ làm cố vấn “Câu lạc bộ kháng chiến” để nhận trách nhiệm làm chủ biên bộ sách trên.
Có lẽ vì lý do trên, mà những “đồng chí kháng chiến cũ” đã chê trách “Trần Bạch Đằng ngày nay không còn là TBĐ trong hồi kháng chiến nữa”. Họ đặt câu hỏi phải chăng ông không dám tham gia cái Câu lạc bộ mang tính đối kháng sự lãnh đạo của Đảng CSVN? Giờ ông chỉ biết cầu an hưởng thụ, như bài viết đã dẫn của ông Lê Tùng Minh. Họ đâu có biết, nhờ với tư cách chủ biên tập sách kể trên, ông được viết phần Tổng luận. Đây là dịp bằng vàng để TBĐ xen vào quyển sách những nhận xét riêng của mình về miền Nam mà ông là nhân chứng lịch sử có mặt ở đó suốt nửa thế kỷ tính đến năm 1993.
Phần chữ viết nghiêng là nguyên văn bài viết của TBĐ được trích trong phần Tổng Luận Chung Một Bóng Cờ về Mặt trận DTGPMN (từ trang 849 đến 871) do NXB Chính trị Quốc Gia Hànội phát hành năm 1993.
Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ và chế độ quốc gia của Ngô Đình Diệm
Sau Hiệp định Genève, nước Việt Nam tạm chia làm hai miền với hai chính thể khác nhau. Ở Nam vĩ tuyến 17, người Mỹ thay chân người Pháp, chế độ thực dân cũ biến dạng thành chế độ thực dân mới…với tham vọng biến miền Nam Việt Nam thành một tủ kính trưng bày sự phồn vinh và nền tự do kiểu Mỹ ở Đông Nam Á, đồng thời xây dựng một tiền đồn ngăn chận phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ khắp khu vực…Mỹ hy vọng các mục tiêu trên sẽ đạt được nhờ công thức: lực lượng thân Mỹ tại chỗ cộng với viện trợ Mỹ.
Chính sách thực dân mới, trong bước triển khai đầu, đã có trong tay một số tiền đề và điều kiện khá thuận lợi. Lợi dụng khí thế dân tộc đang bừng bừng sau 9 năm kháng chiến, cùng lòng căm ghét chế độ vua chúa bù nhìn mà Bảo Đại là đại diện cuối cùng, Mỹ Diệm giương chiêu bài “đả Thực, bài Phong”. Ngô Đình Diệm con bài được Mỹ ‘đánh bóng” cũng hội tụ một số ưu thế: từng giữ cương vị Thượng thư Bộ Lại của triều đình Huế, vì chỉ trích một vài chính sách của Pháp và triều đình mà bị thất sủng. Ông thuộc một gia đình tiếng tăm -cha của Diệm, Phụ chính đại thần Ngô Đình Khả đã không chịu ký tên vào văn bản đòi truất phế vua Thành Thái do Pháp chủ trương. Trong hơn chục năm, Diệm như ẩn dật, được giới thượng lưu cả nước tôn là “chí sĩ”. Về cá nhân, Diệm không vợ con, rượu chè, sống khắc khổ, có trình độ vừa Tây học vừa Nho học. Diệm lại được người em sắc sảo về chính trị là Ngô Đình Nhu trợ lý. Tất nhiên Bảo Đại cùng số thế lực do Pháp đào tạo không phải là đối thủ của Diệm.
Chiến dịch xóa bỏ Bình Xuyên, đánh vào lực lượng vũ trang các giáo phái, tiến công nhóm vũ trang Đại Việt ở Trung bộ, thanh trừng quân đội thân Pháp…cho phép Mỹ Diệm kiểm soát công an, cảnh sát và hệ thống quân sự, kiểm soát hầu hết lãnh thổ miền Nam. Diệm ban hành một loạt chính sách nhằm hình thành tầng lớp tư sản nội địa. Trước hết, cấm các công ty Pháp và quốc tịch Pháp hoạt động xuất nhập khẩu, hạn chế ngành nghề người Hoa, phục hồi điền chủ ở nông thôn, cho phép người di cư khai khẩn rừng, thành lập đồn điền…Nền kinh tế Nam Việt Nam sau chiến tranh được Mỹ viện trợ, phát triển khá sôi nổi. Đồng bạc và giá cả ổn định, sản xuất một số ngành, nội ngoại thương phát triển. Kế hoạch thay thế Pháp cơ bản kết thúc với việc truất phế Bảo Đại và Diệm trở thành tổng thống của Đệ nhất Cộng hòa”.
Các hoạt động chống thực dân Pháp, bù nhìn Bảo Đại, tay sai Pháp, các phần tử lưu manh, quân phiệt Bình Xuyên, lãnh chúa Hòa Hảo, Cao Đài…trong một lúc, đã thỏa mãn ít nhiều tình cảm của quần chúng và Diệm được thừa nhận như một người theo chủ nghĩa quốc gia.
Bối cảnh khu vực của Việt Nam Cộng hòa bấy giờ khá ổn, có đồng minh cùng tính chất ở Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Philippin, và Mỹ giương cái ô Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) che chở. Tâm lý “sợ Cộng sản tràn xuống Đông Nam Á” đã chừng nào cố kết các chính quyền thân Mỹ tại đây. Diệm biết lợi dụng cơ hội chứng minh “gương mặt dân tộc” của mình khi ông ta tham dự hội nghị Băngđung.
Qua nhận xét trên, đồng bào miền Bắc và các thế hệ trẻ hiện nay có thể hiểu rõ thế nào là chế độ thực dân mới của Mỹ. Nó khác thực dân cũ, vơ vét tài nguyên, bốc lột người dân thuộc địa để phục vụ mẫu quốc Pháp. Trái lại, với thực dân mới, Hoa Kỳ mang tài nguyên từ chính quốc sang viện trợ cho VN cùng với ý tưởng dân chủ tự do. Điều mà TBĐ gọi là “cái tủ kính trưng bày sự phồn vinh và nền tự do của Mỹ” đã phản ảnh lời tuyên bố của thượng nghĩ sĩ John F. Kennedy với hội “Người Mỹ bạn của Việt Nam” hồi tháng 5/1956: Hoa Kỳ coi Việt Nam “như là một thí điểm của nền dân chủ ở Á Châu”. Ông nhấn mạnh thêm “VN còn là sự trắc nghiệm về ý thức và quyết tâm của HK”. Do đó “nếu MNVN sụp đổ vì CS, vì rối loạn chính phủ, vì nghèo đói hoặc bất cứ lý do nào khác, thì HK phải chịu trách nhiệm và uy tín của HK ở Á châu chắc chắn sẽ chìm sâu”.
Mỹ là nước hùng mạnh nhất hành tinh về vật chất. Họ lại có truyền thống viện trợ giúp các nước vươn lên sau chiến tranh, dù bạn hay thù. Đó là nét đặc trưng “có một không hai” của Mỹ. Khi Thế chiến II chấm dứt, HK đã chi một số tiền khổng lồ giúp các nước từng là kẻ thù của họ là Đức, Ý Nhật. Nhờ đó, chỉ trong hai thập niên, kinh tế của Nhật và các nước Tây Âu phát triển gần ngang hàng với Mỹ. HK đã giúp Nam Triều Tiên sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và nay họ giúp Nam VN sau chiến tranh chống thực dân Pháp (1946-1954). Và khi chiến tranh VN chấm dứt năm 1973, HK cũng cam kết giúp VN nhiều tỉ Mỹ Kim để giúp hàn gắn vết thương chiến tranh.
Nhìn lại thế kỷ trước, năm 1847, Karl Marx khẳng định trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”: “Chế độ tư bản đã lỗi thời, nhất định sẽ diệt vong và nhường chỗ cho chủ nghĩa xã hội văn minh”. Giai cấp công nhân được Marx tuyển chọn là lực lượng lãnh đạo cuộc Cách mạng XHCN. Ông đưa ra khẩu hiệu “Vô sản các nước đoàn kết lại”. Giai cấp công nhân có sứ mạng lịch sử: “là lực lượng đào mồ chôn CNTB, tiến hành đấu tranh giai cấp, dùng bạo lực thủ tiêu nhà nước tư sản và thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản”.
Một thế kỷ sau, chủ nghĩa tư bản vẫn chưa diệt vong, trái lại HK trở thành cường quốc tư bản mạnh nhất thế giới. Thế giới lại diễn ra cuộc đối đầu lịch sử giữa Hoa Kỳ -đứng đầu Thế giới Tự do và Liên Xô -đứng đầu Hệ thống XHCN thế giới mà tiền thân là QTCS. Địa bàn tranh chấp là các nước cựu thuộc địa, đang phát triển. Khối CS ở thế tấn công nhằm mục đích “tăng cường” hoặc “mở rộng” hệ thống XHCN thế giới. Còn TGTD ở thế tự vệ phòng thủ. Điển hình là chiến tranh Triều Tiên: quân CS miền Bắc, hai lần vượt vĩ tuyến phân ranh 38, tràn ngập lãnh thổ phía Nam, bị Mỹ và liên quân LHQ đẩy lùi về sát biên giới Trung Cộng. HK có khả năng thống nhất Cao Ly, nhưng họ không làm, lại ký hiệp ước đình chiến đưa Triều Tiên trở lại nguyên trạng cũ: hai nước Triều Tiên.
Sau hiệp định Genève, nước Việt Nam tạm chia làm hai miền với hai chính thể khác nhau. Miền Nam VN với chế độ thực dân mới của Mỹ sẽ trở thành một đất nước tương tự như Tây Đức trước kia hoặc Nam Hàn. Cái “tủ kính” mà TBĐ mô tả chính là mô hình một nước VNCH phồn vinh, theo chủ nghĩa quốc gia, có tinh thần dân tộc, với thể chế tự do dân chủ. Đó là “thí điểm của nền dân chủ ở Á châu” của Hoa Kỳ. Nó đối nghịch với mô hình một nước VNDCCH theo chủ nghĩa CS, có tinh thần quốc tế vô sản, với một thể chế độc đảng chuyên chính. Đó là mô hình của Liên Xô do ông HCM xây dựng. Theo Gs Tôn Thất Thiện, từ năm 1923, ông HCM đã được tôn phong “cominternchik”, có nghĩa là một cán bộ ưu tú, trung kiên thượng thặng của QTCS.
Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ
Sai lầm quan trọng nhất của Mỹ Diệm là chống lại ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống lại thành tựu đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp,thù địch nước VNDCCH, phủ nhận và phản bội hiệp định Genève. Từ quan điểm ấy, Mỹ Diệm tiến hành “quốc sách” tố cộng truy nã những người kháng chiến cũ…bắn lại những người tay không đòi lập lại quan hệ bình thường Bắc Nam, đòi chính quyền hai miền hiệp thương để tổ chức tổng tuyển cử để đi đến thống nhất nước nhà.
Diệm là một tín đồ Thiên chúa giáo và trong một gia đình đạo Thiên chúa toàn tòng, lâu đời, khi cầm quyền, sử dụng đạo Thiên chúa làm ý thức hệ hậu thuẫn chính trị và muốn biến đạo Thiên chúa thành “quốc giáo”chống đối đạo Phật vốn sâu rễ bền gốc...Diệm rơi vào con đường gia đình trị lộ liễu: anh chị em, dòng họ xa gần cùng số đồng hương của Diệm thao túng chính quyền trung ương và địa phương...Diệm vốn là một quan lại phong kiến, cho nên khi nắm quyền hành thì không còn thể che giấu bản chất thích làm hoàng đế, điều này không ăn khớp với ý đồ của Mỹ.
Thấy nhân dân miền Nam bắt đầu phản ứng, Mỹ thấy nguy cơ chủ nghĩa thực dân mới bị biến dạng thậm chí phải sụp đổ. Mỹ đã nhiều lần nhắc nhở Diệm song Diệm tỏ ra bướng bỉnh. Say sưa với thành công, Diệm ngày càng cao ngạo, nóng vội thu tóm quyền hành, thực hiện một chế độ suy tôn cá nhân và độc tài trong các chính sách. Đến lúc đó, Mỹ đã đạt khả năng thay thế Diệm hòng duy trì chủ nghĩa thực dân mới. Hiểu ý định của Mỹ, anh em Diệm càng khẩn trương mở rộng quyền lực, tìm mọi cách đối phó. Một số chính khách được Mỹ gợi ý, tập họp trong nhóm Caravelle, nêu lên một số yêu sách cải tổ chính phủ Sàigòn. Mỹ cụ thể hóa lời cảnh cáo của mình bằng cách bật đèn xanh cho quân dù và một số đơn vị nổ súng đảo chính. Vì là cảnh cáo Diệm chưa bị lật đổ. Tuy nhiên Diệm không còn là thần tượng đối với các thế lực thân Mỹ và quân đội Sàigòn. Ngày 1-11-1963, quân đội Sàigòn đảo chính và lần này anh em Diệm-Nhu bị giết.
Đây là bất hạnh của dân tộc. Trong lúc đồng bào chờ ngày thống nhất Tổ quốc trong hòa bình. Hai miền đất nước theo đuổi hai thể chế chính trị khác nhau, khi thời cơ thuận lợi, đồng bào có sự so sánh để tự quyết định tương lai dân tộc… Nhưng chẳng may, người lãnh đạo MN lại có tinh thần quốc gia cực đoan, cai trị đất nước bằng chế độ độc tài gia đình trị. Trong khi CSBV chuẩn bị kế hoạch thôn tính Miền Nam để tăng cường phe XHCN, thì hành động của gia đình ông Diệm tạo điều kiện cho những người cựu kháng chiến Nam Bộ thành lập MTGPMN và trở thành tấm bình phong cho CSBV lợi dụng tạo ra cuộc chiến đẫm máu.
HK trực tiếp can thiệp vào VN, chấm dứt chiến tranh
Mỹ hy vọng cuộc đảo chính sẽ trấn an dư luận và bảo đảm cho Mỹ tiếp tục chính sách thực dân mới. Nội bộ những người đảo chính lại không thuần nhất. Một số không tán thành sự can thiệp quá sâu của Mỹ vào miền Nam, e ngại sự can thiệp ấy dẫn đến một cuộc chiến tranh có thực binh Mỹ tham gia. Đặc biệt Mỹ lo lắng xu hướng trung lập xuất hiện. Ba tháng sau Mỹ tổ chức cuộc “chỉnh lý” nhằm thải một số người mà Mỹ ít tin cậy và cũng nhằm cô lập tướng Dương Văn Minh. Tám tháng sau cuộc đảo chính thứ ba xảy ra với Hiến chương Vũng Tàu. Tướng Minh bị loại. Trước phong trào sinh viên phản đối quyết liệt, Hiến chương Vũng Tàu bị bỏ, tiếp đó là cuộc đảo chính thứ tư do tướng Dương Văn Đức chỉ huy, không thành công song chính quyền Sàigòn phải sắp xếp lại cơ cấu đưa bộ phận dân sự Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương lên sân khấu, chuẩn bị cho một bộ sậu khác thực hiện ý định của Mỹ: Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ.
Ngày 8/3/1965, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẳng, bắt đầu thời kỳ Mỹ trực tiếp tham chiến ở MN. Chủ nghĩa thực dân mới cần chiếc mặt nạ quốc gia, trong khi chiến tranh xâm lược lại phải theo vết xe định mệnh của chủ nghĩa thực dân cũ…Gạt bỏ Diệm, đồng thời Mỹ đã thừa nhận chủ nghĩa thực dân mới và công thức lực lượng tại chỗ cộng với viện trợ Mỹ đã phá sản.
Màn khói quốc gia mờ nhạt hẳn khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Từ đó ý thức dân tộc bùng dậy ngày mỗi mãnh liệt, trong quần chúng, lan lây sang cả những người người không ưa chủ thuyết cộng sản, không ưa Đảng CS và MTDTGP. Cần phải nói rõ thêm rằng sau Diệm, cái gọi là “quốc cộng” chưa cáo chung -nó còn sống tận hôm nay- 1992- và sẽ còn sống lâu hơn. Song ở Việt Nam, “chủ nghĩa quốc gia” sau Ngô Đình Diệm còn lại một pho tượng đất, có thể được sơn nhiều màu sắc lạ mắt, mà cái “thần” thì không còn nữa. Chủ nghĩa quốc gia” khoác bộ quần áo lính Mỹ địa phương, cầm khẩu AR15, bước rập ràng theo tiếng còi của chỉ huy Mỹ…cái “chủ nghĩa quốc gia” gượng gạo ấy ở Thiệu Kỳ thật lố bịch. Một nhà báo Sàigòn bị khủng bố vì dám nêu khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước”, ông đã mỉa mai “hiến kế” cho Thiệu: tổng thống hãy dùng khẩu hiệu “chống nước cứu Mỹ”! Đó là một cuộc “trấn lột” đến trần truồng các “chủ nghĩa quốc gia” Sài gòn vào buổi chợ chiều.
Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, ngoài việc trưng bày Miền Nam tự do như là mô hình một đất nước dân chủ phồn vinh của Thế giới TD. Nơi đây còn là tiền đồn ngăn chận mưu đồ “mở rộng” hệ thống XHCN thế giới. Vì thế, khi mục tiêu đầu thất bại, HK phải trực tiếp can thiệp như họ đã từng làm ở Cao Ly hồi năm 1950. Sự can thiệp của HK để bảo vệ tiền đồn tự do ở Nam VN, đã hỗ trợ tướng Suharto ở Nam Dương phá tan âm mưu đảo chính cướp chính quyền của đảng CS thân Mao hồi năm 1965. Từ đó, một vành đai ngăn chận CS kéo dài từ Nam Triều Tiên (Tướng Park Chung Hee), xuống Đài Loan (Thống chế Tưởng Giới Thạch) Phi Luật Tân (Tướng Ferdinand Marcos), Nam Dương (Tướng Suharto) vòng lên Thái lan (Thống chế Thanom Kittikachorn). Làn sóng CS đã bị chận đứng, tiền đồn Nam VN không còn cần thiết, HK quyết định rút quân khỏi Nam VN, để hai bên miền Nam giải quyết vấn đề nội bộ của họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Với sức mạnh quân sự, HK đã áp lực được CSBV ngồi vào bàn đàm phán. Tám tháng trước khi HĐ Paris 1973 ra đời, TT Nixon đã đi Trung Cộng và Liên Xô để tìm sự hậu thuẫn của hai cường lực này. Cả hai cùng với ba nước hội viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ, bốn bên trong cuộc chiến VN và bốn nước thuộc Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế đồng ký vào bản Định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam ngày 28/2/1973 trước sự chứng kiến của ông Tổng thư ký LHQ. Nội dung của Định ước ghi rõ: “Các bên ký kết Định ước này trịnh trọng ghi nhận: (điều 1) tuyên bố tán thành và ủng hộ hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, và (điều 3) “những cam kết của các bên ký kết hiệp định và các nghị định thư tôn trọng triệt để và thi hành nghiêm chỉnh hiệp định và các nghị định thư’.
Với HĐ Paris 1973, Cương lĩnh của MTGPMN gần như đã thành tựu với chủ trương “thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ, thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ, chính sách ngoại giao hòa bình trung lập, lập lại quan hệ hai miền, tiến đến hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Nhưng giờ đây họ gặp một trở lực lớn, CSBV đã chi viện họ hết mình và dùng chiêu bài kháng chiến “chống Mỹ, cứu nước” để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” để đưa cả nước vào hệ thống XHCN thế giới. Chính vì thế, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã “kiến kế” tổng thống Thiệu dùng khẩu hiệu “Chống nước, cứu Mỹ”. Hoa Kỳ đã chống nước VNDCCH để bảo vệ miền Nam với kết quả là Hiệp định Paris 1973.
Đối với VNCH, HK cũng đã hoàn tất trách nhiệm, họ cam kết chỉ công nhận VNCH, và trong hiệp định Paris không có một chữ nào đề cập đến chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam. Mỹ còn tạo ưu thế lớn cho VNCH khi hiệp định ra đời, như TBĐ đã thừa nhận: “sau ngày ký HĐ Paris, cách mạng miền Nam lại một lần nữa gặp khó khăn, lần này ngắn hơn chỉ kéo dài 6 tháng”. Đó là thời điểm để hai bên miền Nam thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc. Sở dĩ MTGP chấm dứt được khó khăn là nhờ TT Thiệu bắt đầu gặp khó khăn. Ngày 13/6/1973, Thiệu nhận bức thư cuối cùng của Nixon vì ông ta nhận thấy không thể nào còn thuyết phục ông Thiệu được nữa. Ông Thiệu không muốn hợp tác với Mỹ thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris. Ngay sau đó, từ cuối tháng Sáu 1973 quốc hội HK bắt đầu tước bớt quyền lực của Nixon và cắt dần viện trợ cho VNCH. Tổng thống Thiệu đã không nghe lời “hiến kế chống nước, cứu Mỹ”, trái lại còn trở cờ “chống Mỹ” để mất nước” (VNCH). Có lẽ, vì sự bực tức này, mà TBĐ lại nhắc lại câu nói “hiến kế” của linh mục Lan trong giai đoạn lịch sử vừa kể. Ông khẳng định: Cái gọi là “quốc cộng” chưa cáo chung –nó còn sống tận đến hôm nay -1992- và sẽ còn sống lâu hơn nữa. Song ở Việt Nam, chủ nghĩa quốc gia sau Ngô Đình Diệm còn lại là pho tượng đất”. TBĐ cay cú cho rằng “cái chủ nghĩa quốc gia gượng gạo ấy ở Thiệu Kỳ thật lố bịch”.
Kết luận
Từ những nhận định trên, TBĐ bày tỏ những triển vọng của đất nước khi Việt Nam đã “nắm trong tay các điều kiện cho cuộc vùng vẫy mới” để cất cánh vào thời điểm 1992, tức 15 năm về trước.
* Có lẽ không một cuộc cách mạng nào trên thế giới hội tụ nhiều nét độc đáo như cuộc cách mạng 21 năm ở miền Nam. Chúng ta nên nhớ rằng Mỹ là nước hùng mạnh nhất hành tinh về lực lượng vật chất. Thế lực tại chỗ của họ cũng là những bộ phận được tuyển chọn, là lực lượng có cơ sở xã hội, là giai cấp biết cầm quyền. Con đường của Mỹ và chính quyền Sàigòn không rập khuôn theo Pháp -họ chú trọng xây dựng kinh tế, đào tạo trí thức và kỹ thuật, đẻ ra học thuyết này khác. Tóm lại, không phải chúng ta đối phó với kẻ yếu và dốt.
Chúng ta đều biết thực tế miền Nam sau Hiệp định Genève không giống thực tế trước đó. Xã hội đã phân hóa với nhiều nét mới. Nếu dưới chế độ thực dân Pháp, giai cấp tư sản bản xứ chưa định hình với tư cách giai cấp, thì dưới chế độ thực dân Mỹ, giai cấp tư sản mại bản đã xuất hiện, lớn lên , lần lần chi phối nền chính trị- kinh tế - xã hội miền Nam, dựa vào quân đội, có đội ngũ trí thức đại biểu cho lợi ích giai cấp, với cả học thuyết làm hệ tư tưởng và nhất là đang lần lần trở thành giai cấp tư sản mại bản.
Có thể nói, ngoài chiến lợi phẩm khổng lồ, đây là cơ sở vật chất vô giá của chủ nghĩa tư bản, mà chính quyền Dương Văn Minh bàn giao cho Mặt trận GPMN. Đó cũng là món quà mà nhân dân miền Nam đã tích lũy sau 21 năm đất nước qua phân. Đây cũng là phần đóng góp của nhân dân và MTGPMN vào công cuộc kiến tạo quê hương sau 30 năm chiến tranh.
Rất tiếc, chỉ vì sùng bái Liên Xô, những người chiến thắng đã phá nát tài sản này. Chưa đầy 10 năm sau, miền Nam từng là vựa lúa lớn nhất nhì thế giới, Sàigòn từng mang danh là hòn ngọc Viễn Đông…Nhưng người dân lại thiếu gạo, phải chạy ăn từng bữa, thậm chí ăn độn cả bo bo. Rồi nhờ chút tàn dư Mỹ-ngụy còn sót lại, đã giúp kinh tế quốc doanh qua cơn đại nạn, trong bước đầu đổi mới để sống còn. Miền Nam hiện nay đã từng bước phục hồi cơ sở cũ ngày trước, giúp MN có nền kinh tế phát triển cao nhất nước. Nhờ đó, VN nở mặt phần nào khi gia nhập WTO. Trên những cơ sở sẳn có từ hơn 32 năm trước, đồng dạng với những con rồng kinh tế Đông Nam Á, cộng với khối chất xám khổng lồ và tài nguyên của đồng bào ở hải ngoại tiếp sức… Việt Nam sẽ đuổi kịp lân bang trong một thời gian, chắc sẽ ngắn hơn thời gian bị bỏ lỡ từ khi TBĐ viết những dòng tổng luận này 15 năm về trước.
* Sàigòn là thủ đô của chính quyền miền Nam, là thành phố lớn nhất nước, vào giờ chót dồn về đây một quân số không nhỏ, còn đầy đủ vũ khí. Thế mà Sàigòn được giải phóng ít đổ máu, tất cả hầu như còn nguyên vẹn…Song không thể không nhấn mạnh rằng ý thức dân tộc trong một số người đứng đầu chính phủ Sàigòn chợt bùng lên vào thời điểm đó -đặc biệt ông Dương Văn Minh- đã cống hiến đáng trân trọng cho một kết thúc rất Việt Nam, đầy đặc thù Việt Nam.
Đây là niềm tự hào dân tộc. Ông Minh ra lịnh binh sĩ miền Nam buông súng, giúp đồng bào thoát hiểm họa chiến tranh, giúp đất nước thống nhất. Bảo vệ dân chủ tự do cho miền Nam là tình riêng, thống nhất đất nước là nghĩa chung. Cả hai mục tiêu đều cao cả, nhưng vì lợi ích dân tộc, phải tạm gát tình riêng, để đạt được cái nguyện vọng lớn nhất của toàn dân. Ông đã thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc: biết hy sinh tình riêng vì nghĩa chung. “Mỹ-ngụy” còn biết đến những giá trị cao đẹp của dân tộc, khi tình thế đòi hỏi, họ biết cách hành sử đúng đạo lý cương thường! Người chiến thắng lại hành sử không như tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu đối xử với binh sĩ của Võ Tánh, Ngô Tùng Châu ngày trước. Hoàn toàn không có nét đặc thù nào của VN cả. Họ lại đặt quyền lợi riêng của họ lên trên quyền lợi tối thượng của cả dân tộc. Đất nước thống nhất, miền Nam tưởng rằng đem lại hạnh phúc cho đồng bào, nào ngờ miền Bắc mang lại đau thương cho cả dân tộc.
* Sau khi nước nhà thống nhất, Mặt trận cùng các đồng minh của mình như Liên minh các Lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình, như các đoàn thể giải phóng, như Quân Giải phóng, như Chính phủ Cách mạng lâm thời, đã hoàn thành nhiệm vụ do dân tộc trao cho..Bất kể như thế nào, Mặt trận Dân tộc Giải phóng không dừng ngang ý nghĩa giai đoạn. Những gì Mặt trận thực hiện đều khắc sâu vào lịch sử dân tộc, đồng thời đều trực tiếp gợi sáng tạo cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam Hoà bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh.
Quả thực, VN đã hòa bình thống nhất từ 32 năm về trước…Nhưng độc lập, dân chủ và giàu mạnh thì mãi đến ngày nay vẫn chưa có. Vì lẽ sau 1975, MTGPMN đã bị CSBV đào thải. Họ đặt Đảng CS lên trên dân tộc, áp dụng chuyên chính vô sản mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho rằng đó là “nền chuyên chính vô học”. Trong thời hậu chiến, đất nước cần những người lãnh đạo có tinh thần dân tộc và có khuynh hướng quốc gia như TBĐ đã bày tỏ “để gợi sáng tạo cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh”.
* Hồn dân tộc luôn cột chặt mỗi người Việt Nam với nhau, dù quá khứ ra sao, hoàn cảnh hiện tại như thế nào, sinh sống ở đâu, tin vào cái gì và không tin vào cái gì…Mối quan hệ đồng bào ấy chỉ có thể được xử lý êm đẹp bằng tấm lòng, cái rất khó chứng minh bằng tư biện trừu tượng, bằng toán học lại bằng bạc, mang mác, rung động mọi người Việt Nam. Tấm lòng là của quý của dân tộc, món gia bảo từ ngàn xưa của Việt Nam.
Tấm lòng và hồn dân tộc của TBĐ chính là “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” lấy sự thương yêu đùm bọc như bầu với bí sống chung một dàn làm biểu tượng. Đó là sợi dây keo sơn gắn bó đã liên kết dân tộc thành một khối bất khả phân ly. Trong lịch sử hơn 4000 năm, có nhiều giai đoạn hầu như chúng ta mất cả, nhưng có một quốc bảo thiêng liêng không mất, đó là tình dân tộc nghĩa đồng bào, nó gắn liền và trở thành bản chất của dân tộc ta. Đất nước cũng nhiều phen bị chia cắt, nhưng cuối cùng vẫn qui về một mối nhờ truyền thống tình nghĩa dân tộc -đã tạo nên sức mạnh của toàn dân phá vỡ những âm mưu quỉ kế của những tập đoàn thống trị, chỉ vì quyền lợi riêng tư bè nhóm chủ trương chia rẽ dân tộc. Chỉ có quyền lợi hẹp hòi của bọn thống trị mới có đối kháng, còn quyền lợi tối thượng của dân tộc là một: đất nước thanh bình thì cùng nhau cộng lạc, đất nước bị uy hiếp thì đoàn kết chống ngoại xâm, đó là đặc tính cao đẹp của giòng giống Lạc Hồng.
TheoTBĐ, “mối quan hệ đồng bào ấy chỉ có thể được xử lý êm đẹp bằng tấm lòng”. Nhưng những người lãnh đạo CS bảo thủ giáo điều, chủ trương hận thù đấu tranh, thì làm gì có tấm lòng, nói chi đến xử lý êm đẹp. Không phải chỉ ở quá khứ, ở năm 1992 mà mãi đến ngày nay.
* Quyển sách này ra đời đúng lúc Việt Nam chúng ta đang giải quyết một thách thức sống còn mới: chủ nghĩa xã hội quốc tế lâm nguy và chủ nghĩa xã hội VN, con đẻ của dân tộc Việt Nam, bắt đầu hội tụ các tiền đề, các điều kiện vật chất và tinh thần để vượt qua thách thức. Thực tế, bước chông gai nhất đã lùi về phía sau và thế giới lại bắt đầu “nghiên cứu” dân tộc chúng ta, không chỉ về quá khứ mà cả hiện tại.
Hệ thống XHCN thế giới tan rả. Từ 1992 “VN bắt đầu hội tụ các tiền đề, các điều kiện vật chất và tinh thần để vượt qua thử thách” -nếu CNXH là con đẻ của dân tộc, tất nhiên VN phải có một tư tưởng đổi mới: đặt quyền lợi dân tộc và quốc gia lên trên hết. TBĐ từng bị nhóm bảo thủ kết án là xét lại. Có lẽ quan điểm xét lại của người “CS cấp tiến” TBĐ cũng giống như quan điểm của lãnh tụ CS xét lại Karl Kautsky hồi cuối thế kỷ 19: “Kết hợp cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với nền chính trị dân chủ của các nước văn minh tiến bộ, coi con đường tiến tới quyền lực phải bắt buộc thông qua các cuộc bầu cử”. Đó là mô hình Dân chủ Xã hội mà các nước Âu châu đã áp dụng từ hơn một thế kỷ trước.
Trái lại, XHCN là con đẻ của Đảng CSVN như mọi người đã thấy: nó rập khuôn LX. Sau đó, trong giai đoạn đổi mới thời Nguyễn Văn Linh, nó rập khuôn TC “thực hiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Và từ sau 1992, có thêm ‘tư tưởng HCM” để CSVN càng gắn bó hơn sự lệ thuộc toàn diện vào Trung Cộng, như đã xảy ra từ hơn nửa thế kỷ trước.
Nhà văn Dương Thu Hương từng hy vọng: “một dân tộc không chỉ biết chết mà còn biết sống, một dân tộc bất hạnh -đã lặn ngụp trong mất mác và thất vọng- sẽ tự hiểu mình, sẽ lớn khôn và sẽ trồi lên từ đáy sâu lầm than, đau khổ hận thù tới bờ hạnh phúc”. Nhưng gần hai thập niên đã qua, giới lãnh đạo CSVN chỉ sống với “hào quang” quá khứ, tiếp tục con đường cũ, thì làm sao có thể “lớn khôn và sẽ trồi lên” để có được “một Việt Nam tương lai, một nước Việt vẹn toàn không phân ly, không thù hận, một nước Việt Nam dân chủ và phồn vinh” (Tự bạch về cuốn “Tiểu thuyết vô đề” tức “Khải hoàn môn”). Đất nước tiếp tục tụt hậu, bà Dương Thu Hưong tiếp tục bị trù dập.
* Giành nước, dựng nước, giữ nước nằm trong một thể thống nhất. Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã làm được chuyện phi thường đánh bại Mỹ cũng theo gương tiền nhân –dân tộc Viêt Nam duy nhất trong Bách Việt không bị Hán hóa mấy nghìn năm trước, không bị Pháp và Mỹ hóa thời nay. Rồi đây, Việt Nam cất cánh -chúng ta nắm trong tay các điều kiện cho cuộc vùng vẫy mới- sẽ khắc họa một bức tranh trung thực về đất nước này, con người này, nhìn từ lăng kính hình khối hay đặc tả. Không có biểu lộ sự biết ơn nào của người đang sống với quá khứ cao đẹp hơn là tái tạo cuộc chiến đấu trước đây trong cuộc chiến đấu trước mắt. Mục tiêu, hình thức chiến đấu nhất định khác song tinh thần chiến đấu vẫn là một: một quốc gia, một dân tộc, một nguyện vọng.
Năm 1992, Liên Xô sụp đổ, đó là thời cơ giúp VN vẫy vùng cất cánh. Sau thời gian dài, gần trọn nửa thế kỷ, CSVN chỉ nhìn duy nhất “phía tả” một cách đặc cứng, nay có dịp nhìn toàn diện thế giới bên ngoài dưới lăng kính hình khối (sáu mặt) để tung bay. Đây là lúc mở rộng hết các cánh cửa, đồng bào sẽ thấy những điều mới lạ, mà trước đó họ không bao giờ nghĩ có thể xảy ra, chẳng hạn như:
- Liên Xô và hệ thống XHCN thế giới sụp đổ, Tổ quốc XHCN không còn nữa. Đế quốc Mỹ trở thành siêu cường quốc số một. Đảng luôn nói rằng “đã đánh thắng tên đế quốc đầu sỏ”, nhưng trong hồi ký, TT Ronald Reagan lại nói với các cựu chiến binh Mỹ ở VN: “Các anh trở về, không mang theo chiến thắng, không phải vì các anh bị đánh bại, mà vì các anh không được phép đánh thắng”.
- Nay, đọc sách “Chung một bóng cờ” do Nhà nước xuất bản, có đề cập đến “thực dân mới của Mỹ” và Ngô Đình Diệm, khiến đồng bào nghĩ đến việc LX, TC tận tình chi viện ông HCM để tăng cường, mở rộng hệ thống XHCN. Đó có phải là chủ nghĩa bành trướng, xâm lược “mới” hay không? Ông Diệm, chống Pháp, chống Mỹ và chết vì lý tưởng quốc gia cực doan. Còn ông Hồ được khối CS yểm trợ đến cùng, giúp các đệ tử của ông hoàn thành trách nhiệm năm 1975.
- Liên Xô đã thắng Mỹ: VN trở thành nước Cộng hòa XHCN. Đồng bào lại nghe ông thủ tướng nước láng giềng Lý Quang Diệu nhận xét: “Năm 1975 TP/HCM có thể sánh ngang với Bangkok nhưng nay -năm 1992 nó tụt lại đàng sau hơn 20 năm”. Ông còn nói “Trong lúc các quốc gia Đông Nam Á phát triển kinh tế một cách vượt bực thì ba nước Đông Dương lại bị cô lập trong sự nghèo nàn lạc hậu”.
- Những viên chức chế độ cũ, sau 17 năm bị tù đày cải tạo, họ có đủ tiêu chuẩn xuất ngoại theo diện HO…Nhưng họ không thể bỏ nước ra đi khi đại đa số đồng bào còn sống lầm than cơ cực. Họ thành lập Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ, chủ trương xóa bỏ hận thù, dấn thân vào cuộc đấu tranh mới mà đối tượng cần phải tiêu diệt là nạn chia rẽ và sự nghèo khổ: đó là hai kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc Việt Nam hiện nay. Muốn chấm dứt tệ nạn này, phong trào chủ trương: “phải thiết lập một định chế dân chủ và để nhân dân phán xét ai đúng ai sai, qua các cuộc bầu cử tự do, chớ không ai có quyền tự ban cho mình là chân lý” (Tuyên cáo của Phong trào công bố ngày 11/12/1992)
- Rồi tháng 2/1993, khi nhà nước VN không còn một nguồn viện nào từ khối CS, họ quay sang cầu cứu Pháp. TT Francois Mitterand sang VN với thiện ý “Tôi sang đây không những để kết toán một chương sử cũ mà cũng để bắt đầu một chương sử mới”. Ông khuyến cáo VN về thực trạng thế giới ngày nay: “Thế giới lưỡng cực không còn nữa, chiến tranh lạnh đã kết thúc. Lá cờ tự do từng bị chôn vùi ở nhiều nơi suốt bao năm qua, đã tung bay trở lại ở nhiều vùng trời. Ngày nay quyền con người phải được chính quyền các nơi tôn trọng, là bởi vì -cũng như anh em song sinh với nó là phát triển kinh tế- nó trở nên một đòi hỏi chung của cả nhân loại”. Ông nói thằng với giới lãnh đạo Hànội: “Cởi trói kinh tế mà không cởi trói chính trị là không được, chỉ ôm ấp một ảo tưởng mà thôi”. Đến tháng 7/1995, HK chấm dứt việc cấm vận và thiết lập bang giao với VN.
Những ghi nhận trên đây, cho thấy Việt Nam như TBĐ đã viết: “bắt đầu hội tụ các tiền đề, các điều kiện vật chất và tinh thần để vượt qua thách thức. Thực tế, bước chông gai nhất đã lùi về phía sau” để vùng vẫy…Nhưng bị giới lãnh đạo CS bảo thủ ngăn cản. Họ lại gắn thêm “tư tưởng Hồ Chí Minh” vào khẩu hiệu đổi mới “kinh tế thị trường, định hướng XHCN”. Dù lúc sinh thời, ông Hồ nói rằng: “tôi không có tư tưởng gì ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao trạch Đông” (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, Tr. 151 & 490)
Nay Mao không còn thì có Đặng, Giang và nay là Hồ Cẩm Đào. Có người ưu tư khi nghe Lý Quang Diệu, nhân dịp trở lại Sàigòn hồi đầu năm 2007 đã tuyên bố: “VN cần thêm 40 năm nữa mới bắt kịp Thái Lan”. Nhưng giới lãnh đạo CSVN, có lẽ không mấy quan tâm, vì ngày trước, HK đe dọa đưa VN trở lại thời kỳ đồ đá, Đảng còn không sợ, huống hồ tụt hậu 40 năm thì nhầm nhò gì? Điều quan trọng là Đảng đã có chỗ dựa vững chắc rồi, thì cần chi phải “biểu lộ sự biết ơn” để tái tạo lại cuộc chiến đấu trước đây? Tuy nhiên, đối với những người từng chiến đấu dưới ngọn cờ MTGPMN và những cán bộ trưởng thành trong phong trào Sàigòn do TBĐ lãnh đạo, thì đó lại là sự phản bội dân tộc và sự phản bội và vô ơn đối với người đồng chí đã vĩnh viễn ra đi…Nhưng để lại một sự nghiệp lớn đối với đất nước nhưng chưa hoàn thành.
Ông Đằng vừa qua đời, hôm sau nhân có cuộc phỏng vấn của Đài BBC, cựu TT Võ Văn Kiệt có nói đến hai đồng chí thân thiết là Trần Bạch Đằng và Nguyễn Hộ. Ông kêu gọi hòa giải dân tộc, đề cập đến cụm từ “quốc gia và cộng sản”, và nói rằng “có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau”. Ông khẳng định ông là một “người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa cộng sản”. Sáu tháng trước, ông tuyên bố với phóng viên báo Việt Weekly: “Thật ra, hồi chúng tôi mới giác ngộ đi theo cách mạng, lý tưởng thế giới đại đồng mạnh mẽ lắm. Nhưng từ khi làm cách mạng đến bây giờ, tôi tự hào là đã chiến đấu vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích đất nước, rồi kế đó mới là vì bạn bè”. Ông còn nói: “Chúng ta phải hết sức quan tâm đến sự hòa hợp, phải đặt dân tộc là tối thượng. Cho dù chính kiến, tôn giáo, quan điểm có khác nhau, nhưng lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết”. (Việt Weekly, Dec-05-2006)
Hiện nay, ai cũng thấy rõ, kẻ thù nguy hiểm nhất của đất nước là sự chia rẽ và nghèo khổ. Chia rẽ là nguyên nhân đưa đến nghèo khổ. Cuộc xung đột “quốc cộng” đã tạo ra chia rẽ, gây biết bao thảm họa cho dân tộc. Trần Bạch Đằng khẳng định “cái gọi là quốc cộng chưa cáo chung –nó còn sống tận hôm nay -1992- và sẽ còn sống lâu hơn nữa”. Nghĩa là sự chia rẻ và nghèo khổ còn dài dài.
“Quốc tế hay thế giới đại đồng” (Cộng sản) và “quốc gia dân tộc” là hai tư tưởng đối nghịch nhau. Đối với đồng bào, Cộng sản đồng nghĩa với sự lệ thuộc Liên Xô, Trung Cộng, phản bội dân tộc. Cộng sản gây hận thù dân tộc, tiêu diệt những người quốc gia và bất đồng chính kiến với họ. Nay ông Kiệt thừa nhận là người quốc gia, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, tức nhiên ông đã trở thành người quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc. Còn việc ông khẳng định là người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa CS, chỉ đúng khi ông tham gia cách mạng hồi còn thanh niên, còn hôm nay có lẽ chỉ vì cái danh lãnh tụ “CS đổi mới” mà thôi.
Đất nước tụt hậu quá sâu rồi, Chỉ có con đường hòa giải mới đoàn kết được đồng bào trong ngoài nước, vào công cuộc phát triển kinh tế. Muốn hòa giải, phải xóa bỏ ngay ranh giới quốc cộng. Xin ông Kiệt đừng vòng vo nữa, hãy nói thẳng: tôi là ngườì quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc, còn các anh quốc gia theo chủ nghĩa quốc gia. Từ nay, chúng ta đều là người quốc gia theo chủ nghĩa quốc-gia dân-tộc, nói gọn là quốc-dân, chớ không còn quốc-cộng nữa. Tôi sẽ vận động Quốc hội, xóa bỏ ngay điều 4 trong Hiến pháp quy định “Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Tôi sẽ mời người chiến sĩ cách mạng lão thành đức độ Nguyễn Hộ, đứng ra thành lập Mặt trận Đoàn kết Quốc Dân Việt Nam và triệu tập một hội nghị Diên Hồng thứ hai: Hội nghị Đoàn kết Quốc Dân phát triển đất nước thời hậu chiến.
Cũng xin ông Kiệt nói thêm: đối với HK, trong cuộc họp thượng đỉnh Việt Mỹ mới đây, Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết không thể ký thông cáo chung với TT Bush khi ông ta nói rằng “muốn cho mối quan hệ giữa hai nước phát triển sâu hơn, phía VN phải cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ”. VN sẽ không chịu áp lực bất cứ ai, nhưng tôi (Võ Văn Kiệt) sẽ vận động Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các cuộc họp sắp tới với ông Bush, sẽ nói thẳng:
“Việt Nam không những tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo mà còn “Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia” và “Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và tự do kinh doanh” như điều 11 của HĐ Paris 1973. Vì đó là cam kết của một thành viên MTGPMN chúng tôi -bà Nguyễn Thị Bình với đại diện của Mỹ, VNDCCH và VNCH hồi năm 1973. Bản hiệp định đã được năm hội viên Thường trực Hội đồng Bảo An trong đó có Liên Xô và Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa tuyên bố tán thành trước sự hiện diện của ông TTK/ LHQ. Hiện nay bà Bình là thành viên duy nhất còn sống trong số bốn đại diện ký kết hiệp định lịch sử này. Bà phải được chứng kiến sự thực thi HĐ trước khi vĩnh viễn nằm xuống. Đây là cơ sở cuối cùng để VN và HK có mối quan hệ bình đẳng và cùng có lợi như điều 22 của hiệp định”.
Trong mặt trận và hội nghị Đoàn kết Quốc Dân VN như đề nghị trên, mọi khuynh hướng chính trị đều đưọc tự do bày tỏ chính kiến của mình. Dựa vào đó, một chính phủ chuyển tiếp đứng ra tổ chức cuộc bầu cử tự do, lập ra quốc hội lập hiến. Đó là quyền tự quyết thiêng liêng mà các cường lực lớn đã thừa nhận, sau khi toàn dân ta đã xã thân chiến đấu và hy sinh cho hai ngọn cờ Thế giới Tư do và Quốc tế Cộng sản.
Đây là hoài bảo của người viết bài này khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Cũng năm 1993, tôi xuất bản quyển Việt Nam - Thắng và Bại: Tổng kết cuộc chiến VN trong bối cảnh chiến tranh lạnh vừa qua. Trong lời cuối của tác giả, tôi viết:
“Hội nghị Diên Hồng lần trước vào đời nhà Trần để đoàn kết toàn dân bảo vệ đất nước chống Nguyên Mông. Hội nghị Diên Hồng lần này sẽ đoàn kết Bắc Trung Nam, hòa đồng các tôn giáo, gắn bó đồng bào trong nước với hải ngoại, không phân biệt giữa những người từng chiến đấu cho đất nước dù trước kia đứng bên này hay bên kia chiến tuyến, cả hai đều là kẻ bại trận đối với đồng bào. Tinh thần đoàn kết mới giữa những con người quyết tâm tận hiến tài năng, trí tuệ cho quốc gia dân tộc được đặt trên căn bản: cảm thông, công bằng và trung chánh, thay thế những căn bịnh đã làm suy yếu quốc gia, gây hận thù chia rẽ dân tộc là: phân biệt đối xử, xung khắc, đầu cơ, yểm tài.
Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi chính quyền Cộng sản hãy đi bước đầu, thể hiện thành tâm thiện chí bằng cách sửa đổi hiến pháp, từ bỏ quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản. Tôn trọng quyền tự quyết thiêng liêng -không những của nhân dân miền Nam như tinh thần Hiệp định Paris 1973- mà của toàn dân Việt Nam. Hợp tác với các lực lượng đấu tranh cho dân chủ tự do nhân quyền, thành lập một chính quyền chuyển tiếp thực sự hòa hợp hòa giải dân tộc, đứng ra tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát. Đó là con đường duy nhất để đích thân nhân dân chôn vùi cái chủ nghĩa đã mang đến cho họ biết bao là tai ương từ bấy lâu nay. Quốc hội tương lai tức Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai, thể hiện tinh thần đại đoàn kết để toàn dân hợp lực xây dựng một nước VIỆT NAM cực thịnh vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này”. (Tr. 970). Quyển sách được Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do trao tặng giải Los Angeles 1989 của Giải Văn Học tổ chức đầu tiên năm 2002.
Rồi đây, Việt Nam sẽ cất cánh trong cuộc vùng vẫy mới, chạy đua cùng các thành viên khác của WTO. Với mục tiêu mới: Nước mạnh, Dân giàu, mọi người đều ấm no hạnh phúc, cùng hưởng không khí dân chủ tự do. Một hình thức mới: Mặt trận Đoàn kết Quốc Dân Việt Nam phát triển kinh tế vững mạnh.
Những đứa con Việt Nam chỉ có một Tổ quốc để tôn thờ, đó là Tổ Quốc Việt Nam ngàn đời bất diệt.
Lê Quế Lâm (7/7/2007)
1 nhận xét:
What's up i am kavin, its my first time to commenting anyplace, when i read this paragraph i thought i could also make comment due to this brilliant paragraph.
Also visit my site :: High Shock Sensor
Đăng nhận xét